Hôm trước, trên blog này, tôi đã dẫn bài của cùng tác giả (bài trên tờ báo quân đội). Lúc đó, ông mới công du một chuyến sang Nhật Bản, và tìm đến tận nơi có tấm bia đá nổi tiếng mà cụ Phan Bội Châu dựng ở Nhật năm 1918. Vừa trở về, nên mọi thông tin rất thời sự, tuy nhiên không có bất cứ thông tin học thuật mới nào cả.
Sau đó, tác giả tiếp tục đăng tải một bài nữa trên Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An (số 6 năm 2013). Dưới đây là bản chép nguyên bài đó.
Trong bài, tác giả có nhắc đến tôi ở một chỗ (người dịch bài văn bia của cụ Phan, hiện sử dụng ở cả hai nơi liên quan đến nguyên vật tấm bia: thị trấn Asaba và thành phố Huế).
---
Lần theo dấu chân Phan Bội Châu trên đất Nhật
Với chương trình khai thác thuộc địa của Toàn quyền Pôn Đume (Paul Dumer), xã hội Việt Nam vốn yên ả trôi, bỗng chốc được khuấy động và kéo vào vòng xoáy. Chỗ này làm đường sắt, bắc cầu, chỗ kia khai mỏ, dựng đồn điền… Bao của chìm, của nổi của đất nước bị tước đoạt. Người Việt Nam ngồi trên đống vàng mà bị đói khổ. Cùng lúc đó, ngọn gió Tân văn, Tân thư từ Trung Quốc, Nhật Bản thổi tới. PGS.TS Phạm Xanh |
Giá trị của Tân văn, Tân thư được xác định: “ Một tập sách vài mươi trang mà thay đổi lòng người như chớp, một tập sách nói chuyện nước Tàu mà làm cho 20 triệu dân Nam phấn khởi như thần dược đối với người mắc bệnh trầm kha. Những Thanh nghị báo, Tân dân tùng báo, Ẩm Băng thất, Tự do thư, Trung quốc hồn đánh thức đám sĩ phu ta, gần như trực tiếp, vì trong đó nói chuyện nước Tàu mà có nhiều chỗ trùng với bệnh của người mình lắm”(1). Rồi những ông quan người Việt được người Pháp đưa sang Pháp tham quan mà họ gọi là “khảo sát chính trị” trở về đang diễn thuyết truyền bá văn minh Pháp quốc, trong đó có bài diễn thuyết thu hút nhiều người nghe nhất lúc đó là của quan phủ Trần Tán Bình. Trong bài diễn thuyết ở Nam Định, sau đó được đăng trên báo Đăng cổ tùng báo, Tri phủ Trần Tán Bình đã nói: “Kìa như nước Nhật Bản, nước Tàu mới duy tân bấy giờ, suy ra mà xem cái văn minh của hai nước ấy thì lấy ở đâu mà đem về? Phi ở Pháp thì ở Mỹ có phải không?... Bên Đại Pháp, sự buôn bán không những là đổi chác từ làng nọ sang làng kia mà thôi, lại còn đem đồ đi các nước nữa. Khắp mặt địa cầu, đâu đâu cũng có mặt nhà buôn người Đại Pháp, trên mặt các biển đều chi chít các tàu buôn; nơi này đại công ty, nơi nọ tiểu công ty, như thế làm cho dân phần nhiều người có việc làm... Ở nước Đại Pháp người ta trọng nghề buôn hơn nghề làm quan. Có sự buôn thì người cày ruộng mấy có việc, người thợ khéo mấy có công, người tài mấy nghĩ ra máy nọ, máy kia; hơi nước, điện khí đều do ở sự buôn bán mà ra cả; vì buôn xe lửa mới chạy vùn vụt; vì buôn tàu bè mới xoáy nước; buôn là cái hồn thiên hạ làm cho các mạch máu thế gian mấy xoay chuyển..."(2).
Từ ba ngã đường đó, tư tưởng dân chủ tư sản truyền đến nước ta làm lay động tâm tư, tình cảm và khối óc của những nhà Nho yêu nước cấp tiến như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can… Chính lớp người đó đứng ra chịu trách nhiệm tiếp nhận tư tưởng mới và đưa vào cuộc sống để biến thành phong trào cách mạng rầm rộ trên cả nước đầu thế kỷ XX - Phong trào Duy tân, khi trên đất nước chưa xuất hiện giai cấp tư sản làm bệ đỡ xã hội cho hệ tư tưởng mới mẻ đó.
Sau khi đỗ Giải nguyên năm 1900, Phan Bội Châu dấn thân vào con đường cách mạng khi đã ý thức sâu sắc “lập thân tối hạ thị văn chương”. Ông đã đi khắp đất nước tìm kiếm, tập hợp những người đồng tâm, đồng chí vì sự nghiệp cứu nước. Năm 1904, tại nhà Tiểu La Nguyễn Thành ở Quảng Nam, Phan nhóm họp hơn 20 đồng chí, lập Hội Duy tân, trù liệu đường hướng cứu nước. Cùng với khuếch trương thế lực Hội, chuẩn bị vũ trang bạo động, Hội chủ trương cử người xuất dương sang Nhật Bản cầu viện. Phan Bội Châu và Nguyễn Thành chọn Nhật làm đồng minh bởi Nhật Bản là nước đang lên, hơn thế nữa Việt Nam và Nhật Bản có 3 điểm tương đồng: Đồng văn, đồng chủng, đồng châu. Liên minh này được xây dựng trên ba trụ cột chắc chắn đó.
Chuyến đi thứ nhất: Đoàn đi Nhật cầu viện gồm 3 người Phan Bội Châu, Đặng Tử Kinh và Tăng Bạt Hổ (người hướng đạo). Ngày 23-2-1905, với ba nghìn đồng lộ phí trong túi, ba người cải trang làm thương gia Trung Quốc lên tàu thủy, rời Hải Phòng, đến Mũi Ngọc xuống tàu đi bộ đến Trà Cổ, đêm vượt sông, đi tiếp 2 tiếng đồng hồ đến đất Phòng Thành, Trung Quốc. Từ đây lên tàu buôn đi Bắc Hải, rồi lên tàu hỏa Tây Ái Vu đến Hương Cảng.
Ngày 29-5-1905, hạm đội Nga bị Nhật đánh tan, cuộc chiến Nga-Nhật kết thúc. Lúc đó mới có tàu Nhật đến Hương Cảng buôn bán nên Phan mua vé tàu thủy tuyến Hương Cảng - Hoành Tân (Yokohama). Nhưng khi tàu đến Thần Hộ (Kobe), đoàn xuống nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau ngồi tàu hỏa chạy suốt một ngày một đêm mới đến Hoành Tân. Như vậy, có thể nói mãnh đất Kobe là mãnh đất Nhật Bản đầu tiên Phan Bội Châu đặt chân tới.
Những ngày đầu tiên đến Yokohama, Phan Bội Châu sống ở khu người Hoa (phố Tàu). Biết Lương Khải Siêu, tác giả của tập sách Ẩm Băng thất mà Phan Bội Châu đã từng rung đùi đọc trong nước, đang sống ở đây, Cụ viết một lá thư tự giới thiệu gửi tới Lương, trong đó có câu: “Lạc địa nhất thanh khốc, túc dĩ lương tri; Độc thư thập niên nhãn, toại thành thông gia”(3) (Lọt lòng một tiếng khóc, tức đã là tương tri; Đọc sách trong mười năm, thành ra tình nghĩa thông gia). Nhận được thư, Lương Khải Siêu cảm động, mời Cụ Phan hôm sau đến đàm đạo. Trong cuộc bút đàm suốt 3 giờ, Lương khuyên Phan rằng: để khôi phục nền độc lập Việt Nam cốt yếu phải có thực lực: dân trí, dân khí và nhân tài. Việt Nam đừng lo không có cơ hội độc lập, mà chỉ lo không có nhân tài.
Vài hôm sau, Cụ Phan lại đến nhà Lương cậy nhờ ông giới thiệu đến gặp một số chính khách Nhật Bản để vận động Nhật giúp Việt Nam đánh Pháp như Hội Duy tân đã giao. Giữa tháng năm âm lịch(4) (1905), Lương đưa Phan đi Tokyo gặp Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) và Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenoba). Cuộc hội kiến với những chính khách Nhật kéo dài suốt một ngày nhưng không có kết quả như mong muốn. Hai người trở lại Hoành Tân và mấy ngày sau, Lương mời Phan tới nhà và khuyên Phan hai điều: 1) Dùng văn tự thống thiết vạch trần trước công luận thế giới âm mưu hiểm độc, diệt chủng, diệt quốc của người Pháp; 2) Về nước, vận động thanh niên xuất dương cầu học làm nền tảng khai dân trí, chấn dân khí.
Sau khi soạn xong Việt Nam vong quốc sử và in 50 bản, Phan Bội Châu thu xếp Tăng Bạt Hổ ở lại Hoàng Tân, rồi cùng Đặng Tư Kính quay về nước để trình bày với Hội sự thay đổi mục đích từ cầu viện sang cầu học.
Chuyến đi thứ hai: Sau khi Hội Duy tân chuẩn thuận thay đổi mục đích, Phan Bội Châu cùng với 3 lưu học sinh đầu tiên là Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Điển (Nghệ An) và Lê Khiết (Thanh Hóa) theo đường cũ đến nhà Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Đông đợi tin Kỳ Ngoại hầu Cường Để cùng sang Nhật. Đợi gần một tháng không được tin, thượng tuần tháng 9 (1905), Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kinh và 3 lưu học sinh đi Hoành Tân. Phan đưa 3 lưu học sinh đến giới thiệu với Lương Khải Siêu và trò chuyện với Lương về khó khăn tài chính trong du học. Lương khuyên Phan là soạn một văn kiện cổ động những người có tâm trong nước góp gió thành bão, thì vấn đề kinh phí sẽ được giải quyết. Khuyến quốc dân tư trợ du học văn ra đời từ đó. Lương in giúp không mất tiền 3000 tờ, chưa kịp gửi về nước thì có 6 thanh niên Bắc Kỳ đến, trong đó hai con trai của Lương Văn Can là Lương Lập Nham, Lương Nghi Khanh, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Điền (Hà Đông). Bỗng chốc người Việt ở Hoành Tân tăng lên 12 người. Khó khăn tài chính trở thành áp lực lớn. Nhưng cái khó đã ló cái khôn. Tăng Bạt Hổ đề xuất ý kiến: Phan Bội Châu tới những thương gia Quảng Đông ở Nhật vay gạo, củi, còn chính ông xuống tàu làm thuê về Quảng Đông vận động Lưu Vĩnh Phúc giúp đỡ và nhân tiện chuyển Khuyến cáo quốc dân tư trợ du học về nước. Trong tình cảnh khốn quẫn đó, Lương Lập Nham (Lương Ngọc Quyến) táo bạo đề xuất lên Đông Kinh “đi ăn mày”. Lương Lập Nham gặp may trong chuyến đi Đông Kinh đó, không những được tiền cảnh sát Nhật cho, mà quan trọng hơn là làm quen với những nhà cách mạng Trung Hoa trong Tòa soạn Dân Báo. Chủ nhiệm và quản lý tờ báo nhận Lương và hai người nữa vào làm việc trong tòa soạn. Do đó, ba người Việt không những có việc làm mà còn có điều kiện học tiếng Nhật. Cũng trong khoảng thời gian đó, Phan và Tăng lên Đông Kinh tìm gặp Ân Thừa Hiến, quê Vân Nam đang học tại Chấn võ học hiệu, theo sự giới thiệu của Lương Khải Siêu. Cuộc gặp gỡ giữa Phan Bội Châu và Ân Thừa Hiến đặt nền tảng cho những công việc sau đó của chính Phan.
Cũng trong chuyến đi Đông Kinh này, Phan Bội Châu được Khuyển Dưỡng Nghị mời đến nhà và thu xếp cuộc gặp gỡ với Tôn Dật Tiên vừa từ Hoa Kỳ về ghé qua Hoành Tân. Tôn Dật Tiên tiếp Phan Bội Châu tại Trí Hòa đường ở Hoành Tân. Điều lý thú là trong cuộc trò chuyện đó hai người đưa ra những lý do khác nhau trong việc lựa chọn căn cứ địa của hai nước cho cuộc cách mạng tương lai và đặc biệt, lần đầu tiên qua Tôn, Phan tiếp nhận khái niệm Dân chủ Cộng hòa.
Trung tuần tháng Giêng năm Bính Ngọ (1906), nhận được thư của Tăng Bạt Hổ từ Hương Cảng gửi sang, Phan Bội Châu từ biệt Hoành Tân về Hương Cảng đón Kỳ ngoại hầu Cương Để.
Chuyến đi thứ ba: Sau khi thu xếp Đặng Tử Kinh, Tăng Bạt Hổ về nước cổ động du học sinh và vận động học phí, Phan Bội Châu đưa Cường Để và Phan Chu Trinh sang Nhật. Trung tuần tháng ba đã tới Bính Ngọ hiên ở Hoành Tân. Như chúng ta biết, Bính Ngọ hiên là trụ sở đầu tiên của người Việt ở Hoành Tân mà Cụ Phan đặt ra để nhắc nhở lưu học sinh luôn nhớ về Tổ quốc. Lúc đầu, Bính Ngọ hiên đặt trong một ngôi nhà nhỏ, nhưng từ khi nhận được tiền tài trợ trong nước gửi sang, đặc biệt với số tiền lớn của Cường Để mang tới, Phan Bội Châu thuê một căn nhà tầng lớn kiểu Nhật để tiện cho việc sinh hoạt và học tiếng Nhật của lưu học sinh chúng ta (sau này khi lưu học sinh Việt Nam sang đông và được thu xếp học tập tại các trường ở Đông Kinh thì Bính Ngọ hiên cũng được di chuyển lên Tokyo). Phan liên hệ với Khuyển Dưỡng Nghi thu xếp cho 4 người (Nguyễn Thúc Canh, Lương Lập Nham, Nguyễn Điền, Cường Để) vào học Trường Chấn Võ và 1 người vào Đồng văn thư viện. Trong số lưu học sinh Việt Nam đầu tiên nhập học, chỉ có Cường Để nộp học phí, còn 4 người còn lại được chính phủ Nhật cấp học bổng. Trong chuyến lên Đông Kinh lần đó, Phan Bội Châu đưa Phan Chu Trinh đi khảo sát những công việc chính trị, giáo dục của Nhật Bản. Hai cụ “kề gối chung giường ước non một tháng” tranh luận với nhau về chính kiến, về thủ đoạn cách mạng. Phan Chu Trinh muốn về nước và Phan Bội Châu tiễn Phan Chu Trinh đến Hương Cảng và “lần ấy là lần tiễn biệt cuối cùng”(5).
Chuyến đi thư tư: Vào trung tuần tháng năm (1906), tại Hương Cảng, Phan Bội Châu tiếp nhận 2 thiếu niên từ Quảng Nam sang do Tiểu La Nguyễn Thành giới thiệu. Phan Bội Châu cùng 2 thiếu niên theo đường cũ trở lại Bính Ngọ hiên ở Hoành Tân. Tại đây, Phan cho in Hải ngoại huyết thư để gửi về nước. Cùng lúc gặp Kỳ Ngoại hầu nghỉ học về Hoành Tân, Phan Bội Châu bàn với Cường Để, lấy danh nghĩa Kỳ Ngoại hầu, thảo “một bài tuyên cáo, phái người đem về nước, vào Nam cổ động các thiếu niên du học, mượn kim tiền của Nam kỳ mà nuôi cả nhân tài Trung Bắc”. Kính cáo toàn quốc phụ lão văn soạn và in xong, qua Lý Tuệ chuyển đến tay Tăng Bạt Hổ để phân phát tại Trung và Nam kỳ, còn Bắc kỳ trao cho Nguyễn Hải Thần.
Chuyến đi thứ năm: Tiếp đó, Phan Bội Châu cũng trở lại Hương Cảng bởi vì theo Phan, Nhật Bản là nơi đào tạo học sinh, còn Hương Cảng là cuống họng liên lạc trong ngoài, nên ông đi lại hai nơi đó như con thoi. Hương Cảng là trạm liên lạc nên Phan đã xây dựng tại đây một hội nhỏ lấy tên là Việt Nam Thương đoàn Công hội để đón tiếp lưu học sinh từ trong nước sang và thu xếp họ đi Nhật. Đến Hương Cảng lần này, cụ Phan gặp 3 người từ Hà Nội mới sang là Võ Mẫn Kiến, Dương Tự Nguyện, Nguyễn Thái Bạt. Phan phân công Võ và Nguyễn ở lại Hương Cảng đợi tàu của Lý Tuệ tới, tìm cách đưa tài liệu tuyên truyền về nước, còn mình đưa Dương Tự Nguyện trở lại Hoành Tân.
Chuyến đi thứ sáu: Sau khi về nước gặp gỡ những người đồng tâm, đồng chí như Lương Tam Kỳ, Trần Công Anh, Hoàng Hoa Thám, Ngô Đức Kế, Phan Bội Châu cùng với Lưu Ấm Sinh (Huế) bằng nhiều phương tiện khác nhau đi Hương Cảng. Chuyến đí sang Nhật của Lưu Ấm Sinh là vâng theo ý chỉ của cụ Tiểu La Nguyễn Thành được gặp và xin một văn bản của Kỳ Ngoại hầu mang về nước điều hòa ý kiến của hai phái (đánh Pháp và đựa vào Pháp). Vì thế, Phan Bội Châu lần trở lại Đông Kinh này đã bàn bạc với Cường Để soạn một văn kiện, in và gửi về Nam kỳ vận động kinh phí cho Phong trào Đông du, nếu không thì đổ bể. Ai cáo Nam kỳ phụ lão ra đời trong hoàn cảnh đó. Xong, thượng tuần tháng Tư (1906), Phan về Hương Cảng để thiết lập đường giao liên với Nam Kỳ. Tại đây cụ Phan gặp 7 thanh niên mới sang nhưng không có tiền. Trong số đó, Nguyễn Thái Bạt “tình nguyện đi ăn xin mà học” nên Phan cấp 22 đồng đi tàu sang Nhật trước, còn những người khác ở lại đợi. Hạ tuần tháng năm (1906), 3 thiếu niên Bắc kỳ là Cao Trúc Hải, Phạm Chấn Yêm, Đàm Kỳ Sinh và 2 người Trung kỳ là Nguyễn Quỳnh Anh, Phan Bá Ngọc (con Phan Đình Phùng) sang. Thu xếp công việc ở Hương Cảng xong, Phan Bội Châu đưa tất cả thanh thiếu niên mới sang qua Nhật. Đó là chuyến đi thứ bảy của Phan. Vùa trở lại Nhật Bản được tin Tăng Bạt Hổ tạ thế. Cụ Phan đau đớn thốt lên: “Trời ôi! Đất ôi! Đau đớn thứ nhất sau khi tôi xuất dương, đó là lần đầu!”. Tại Đông Kinh, sau khi thu xếp ổn thỏa cho lưu học sinh mới sang, Phan Bội Châu tranh thủ biên soạn trước tác và giao lưu mật thiết với các tổ chức cách mạng Trung Quốc ở Nhật, đặc biệt là tòa soạn tờ Vân Nam Tạp chí. Thời kỳ này, vì đi lại lâu với người Trung Quốc nên cụ Phan, về tư tưởng, đã ngấm ngầm xoay về Dân chủ.
Nhận được thư báo tin một Đoàn Phụ lão Nam Kỳ đang đợi Cụ ở Hương Cảng, thượng tuần tháng Tám (1906), Phan Bội Châu xuống tàu rời Hoành Tân về Hương Cảng. Cụ Phan đến nhà trọ gặp gỡ, trò chuyện với đoàn gồm 1 ông Hội đồng Mỹ Tho, 1 ông Chánh tổng ở Cần Thơ, 1 ông Hương chức ở Long Hồ và trao tận tay các cụ những tài liệu tuyên truyền và ủy thác 2 việc khi về nước: vận động du học sinh và quyên góp du học phí. Rồi chủ khách chia tay trong hy vọng. Vài tuần sau, lần lượt du học sinh Trung - Nam - Bắc lục tục kéo sang đông tới trên 100 người. Trong Niên Biểu, Phan Bội Châu đã viết: “Người nước ta Đông du lần này nhiều nhất, lại đủ cả học sinh tam kỳ, trong một chiếc tàu, thực là một việc lạ mà tiền sử chưa bao giờ có”(6). Hạ tuần tháng Tám (1906), Phan Bội Châu cùng đoàn lưu học sinh đông nhất đền Bính Ngọ hiên ở Tokyo. Đây là chuyến đi thư tám của Phan. Lúc này số lưu học sinh Việt Nam có mặt tại Đông Kinh đã trên 100 người cho nên thu xếp học tập cho họ là việc cấp bách nhất. Phan Bội Châu đến nhà Khuyển Dưỡng Nghị cầu cứu. Khuyễn Dưỡng Nghị thân chinh đưa Phan tới gặp Đại tướng Phúc Đảo, hiệu trưởng Chấn võ học hiệu cùng bàn bạc, thống nhất chủ trương. Theo đó, việc nhập học của lưu học sinh Việt Nam trao cho Đông Á Đồng văn thư viện lo liệu.
Về phần mình, trung tuần tháng 5 Đinh Mùi (1907), Phan Bội Châu lập Việt Nam Công hiến Hội để quản lý lưu học sinh.
Tháng Giêng năm Mậu Thân (1908), thay mặt Hội Công hiến, Phan Bội Châu tiếp đón và hướng dẫn Đại biểu Nam kỳ do ông Nguyễn Thần Hiến dẫn đầu, đến các trường tham quan nơi sinh hoạt và luyện tập của lưu học sinh nước ta. Đoàn rất hài lòng và hứa trợ giúp kinh phí nội trú. Trung tuần tháng Giêng (1908), toàn thể lưu học sinh Việt Nam tại Đông Kinh tề tựu tiễn biệt đoàn lên đường về nước.
Tháng 5 năm Mậu Thân (1908), lưu học sinh Trần Đông Phong, quê Nghệ An tự kết liễu đời mình dưới gốc cây trong chùa Tohoji thuộc Koishikawa để lại một lá thư tuyệt mệnh: “Nhà tôi giàu có, cả tiền với thóc, kể đến hàng vạn, mà gần đây học phí ở trong trường, chỉ là nhờ Nam kỳ cấp cho anh em, tôi đã nhiều lần viết thư về nhà, khuyên cha tôi bắt chước làm như ông Trưởng Tử Phòng, phá sản vì nước, cha tôi không trả lời. Tôi nghĩ tôi là con một người nhà giàu, xấu thẹn với anh em quá, nên tôi phải tự tận cho cha tôi biết chí tôi, và cũng để tạ tội với anh em..."(7). Kỳ Ngoại hầu Cường Để và Phan Bội Châu cùng với lưu học sinh mai táng và xây phần mộ cho ông tại nghĩa trang Zoshigaya Reien. Trên mộ chí ghi rõ dòng chữ Hán: “Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chí mộ”(8).
Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1909), Chính phủ Nhật trục xuất Cường Để, Phan Bội Châu và lưu học sinh Việt Nam theo Thỏa ước ký với Pháp tại Pari năm 1907. Lúc đó không còn kinh phí để chu cấp cho lưu học sinh rời nước Nhật, Phan Bội Châu đã sử dụng mối quan hệ tốt đẹp giữa lưu học sinh Việt Nam với cư dân bản địa để vận động tài trợ. Thế mới xuất hiện tấm lòng nghĩa hiệp của bác sĩ Nhật Bản là Asaba Sakitaro gửi 1.700 đồng yên qua bưu điện cho Phan kèm những lời đầy tình người: “Nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn có thế, tạm thời gửi trước. Lần sau nếu cần, đừng ngại, cứ lên tiếng. Tôi sẽ làm những gì có thể làm được”. Phan Bội Châu không cầm được lòng. Mấy hôm sau, Phan Bội Châu cùng Nguyễn Thái Bạt đến tận nhà Asaba Sakitaro ở Kozu, Odawara để cảm ơn sự giúp đỡ hài hiệp đó. Chủ khách nâng chén rượu mừng, hẹn ngày tái ngộ, rồi chia tay trong vội vã. Nhưng ông trời không để con người nghĩa hiệp đó sống đến ngày tái ngộ với Phan Bội Châu. Không bao lâu sau khi nâng chén rượu chia tay với Phan, ngày 25-9-1910, ông bất ngờ đi về cõi vĩnh hằng mà không vượt được mốc 43 tuổi.
Năm 1917, sau khi ra khỏi nhà tù Quảng Đông, Phan Bội Châu lên Hàng Châu. Tại đây, Cụ nhận được giấy mời sang nhận tiền (2000 yên) của Lê Dư (Sở Cuồng) tháp tùng Cường Để ở Nhật. Trong khoảng tháng 7 năm 1917, Phan Bội Châu qua Nhật, bên ngoài là để hội kiến với Kỳ Ngoại hầu, Lê Dư và nhận tiền, bên trong thì gặp gỡ những chính khách Nhật Bản như Khuyển Dưỡng Nghị, Phúc Đảo để thăm dò thái độ của người Nhật đối với nước Đức. Trong chuyến đến Nhật thứ tám này, Phan Bội Châu ở lại Nhật Bản 4 tháng. Ngoài việc hội kiến với Kỳ Ngoại hầu và Lê Dư, tiếp xúc với Khuyễn Dưỡng Nghị và Phúc Đảo, Phan Bội Châu nhớ tới lời hẹn ước tái ngộ năm xưa, đã tìm về tận quê của bác sĩ Asaba Sakitaro và được biết bác sĩ hào hiệp này đã mất năm 1910, tức là một năm sau khi Phan bị trục xuất. Rời quê Asaba trong nỗi buồn khôn xiết, Phan Bội Châu hứa với lòng mình năm sau sẽ trở lại xây mộ và dựng bia tri ân cho bác sĩ Asaba Sakitaro.
Năm Mậu Ngọ (1918), mùa hoa anh đào nở, Phan Bội Châu cùng với Lý Trọng Bá(9) trở lại quê hương của Bác sĩ Asaba Sakitaro để xây mộ và dựng bia tri ân cho ân nhân của mình. Đầu tiên, Cụ Phan tìm đến Lý Trọng Ba hiện đang học tại Đại học Nagoya đi cùng với Cụ làm người dẫn đường và phiên dịch cho công việc trọng đại này. Được sự giúp đỡ của Lý Trọng Bá, Phan Bội Châu đã thuyết phục trưởng thôn và dân làng giúp sức xây lại mộ và dựng Bia đá Tri ân cho bác sĩ Asaba Sakitaro trong chùa Jorin thuộc làng Umeyama, thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka. Trong một tháng thi công “công trình tưởng niệm” đó, Phan Bội Châu lúc nghỉ lại tại nhà Bác sĩ, lúc về Nagoya với Lý Trọng Bá. Bia đá sừng sững (cao 2,7m, rộng 0,67m được đặt trên bệ đá cao 1m) vươn cao trong khuôn viên chùa Jorin. Mặt trước bia khắc chữ Hán như sau:
“Chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu đến đất Phù Tang. Ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quản chẳng màng đến ơn trả ngày sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có. Than ôi! Nay chúng tôi sang mà đâu thấy Ngài, trời xanh, biển thẳm, cúi ngưỡng nào biết tỏ cùng ai, đành ghi mối xúc cảm này nơi bia đá. Lời minh rằng:
Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn khắp cả trong ngoài, Ngài ban thời như trời lớn, tôi nhận thời như biển đầy.
Chí tôi chưa thành mà Ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này, ngàn thu ghi tạc.
Ngày Xuân năm Mậu Ngọ (Đại Chính năm thứ 7, tức năm 1918).
Việt Nam Quang phục Hội đồng nhân cẩn chí".
Mặt sau bia ghi:
“Tháng 3 năm Đại Chính thứ 7 (1918). Người tán thành Akamoto Sajiro, Okamoto Setsutaro, Asaba Yoshio”(10).
Và đây là chuyến đi thư chín, chuyến đi cuối cùng, đến nước Nhật của nhà cách mạng Phan Bội Châu trong những năm bôn ba nước ngoài vì phục quốc đầu thế kỷ XX.
Trong lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX khó tìm được một người thứ hai trong giới Nho sĩ như Phan Bội Châu có một tầm nhìn vượt thời gian, đi nhiều và đặc biệt tiếp xúc và làm bạn với nhiều chính khách của nhiều nước như Xiêm, Nhật, Triều Tiên, Trung Quốc, Đức và Nga Xô viết… Cuộc đời cách mạng của ông để lại những bài học lớn cho hậu thế.
Chú thích
(1). Báo Thần chung, số ra ngày 25-1-1929.
(2). Báo Đăng cổ tùng báo, số 802, 30 Mars 1907.
(3). Phan Bội Châu, Toàn tập, tập 6. Nxb Thuận Hóa. Huế, 1990, tr, 91.
(4). Niên đại trong bài theo Âm lịch trong Phan Bội Châu Niên biểu.
(5). Phan Bội Châu, Toàn tập, Tập 6. Sdd, tr. 117.
(6). Phan Bội Châu, Toàn tập, tập 6, Sdd, tr, 145.
(7). Phan Bội Châu, Toàn tập, tập 6. Sdd, tr. 188-189.dchúc của ông, một phần ba di cốt của ông được mai táng trong phần mộ của Trần Đông Phong.
(9). Tên thật là Lưu Yến Đan. Khi Nhật trục xuất lưu học sinh, ông trốn ở lại, lấy quốc tịch Trung Quốc, được học bổng, học Đại học Nagoya, rồi Đại học Teikoku Tokyo, nhận bằng Tiến sĩ Công nghệ. Ông chơi vĩ cầm rất giỏi, hát hay.
(10). Theo bản dịch của ông Chu Xuân Giao mà tác giả bài này ghi lại trong chuyến về nơi dựng bia tri ân của Phan Bội Châu trên đất Nhật tháng 7-2011.
|
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Năm 2013, nhà sử học Phạm Xanh đi tìm vết chân của Phan Bội Châu còn in lại ở Nhật Bản
- Hai cố vấn của NGƯỜI CỘNG SỰ là NSND Đặng Nhật Minh và Giáo sư Chương Thâu
- NGƯỜI CỘNG SỰ có thực là món quà văn hóa Việt Nam - Nhật Bản như ông Phó Thủ tướng nhận định không ?
- Ý kiến người xem truyền hình : Phim “Người cộng sự” có nên bị vứt vào sọt rác ?
- Không khỏi thất vọng về phim NGƯỜI CỘNG SỰ được giới thiệu là có tầm vóc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.