1. Theo dòng sự kiện liên quan đến nhóm Mở Miệng và luận văn cao học của Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan), kể ra có được nguyên bản (thật ra chỉ cần bản photocopy) của luận văn này ở trong tay thì mới nói chuyện được. Bây giờ, chỉ mới đọc được một số đoạn trích do tờ Quân đội Nhân dân (tác giả kí tên ở cuối bài báo là Tuyên Hóa, lên mạng ngày 07/7/2013) dẫn lại mà thôi. Đọc cho vui là chính, chứ với bản thân tôi, kiểu trích lắt nhắt này không có giá trị tham khảo thực sự.
Nhóm Mở Miệng là người thực việc thực. Nhã Thuyên và luận văn cũng là người thực việc thực. Tờ Quân đội Nhân dân là tờ báo đích thực, có truyền thống. Nhưng Tuyên Hóa thì có thể là một cái tên không hẳn là thực.
Vui là chính, thì đọc vài cái trích như sau. Chẳng hạn (lưu ý là trích của Tuyên Hóa sát với nguyên bản đến đâu thì hiện chưa có cách nào kiểm chứng được):
"Và: Nhân văn Giai phẩm trước hết là một phong trào dân chủ… Mở Miệng cũng bắt đầu bằng một phản ứng CHỐNG một thứ quyền lực “vô hình” trong sự thiết lập sân chơi thơ trẻ của các sĩ phu Bắc Hà và họ tạo thành một nhóm chơi (trò) chơi thơ với sự thống nhất về bản sắc, ý hướng, dù thực hành cá nhân mỗi người lại khác nhau. Phản ứng của những người tin tưởng vào Cách mạng của quá khứ (tức nhóm Nhân văn Giai phẩm) cũng hoàn toàn khác với phản ứng có tính chất phá bỏ, giễu nhại, thiếu nghiêm trang của Mở Miệng (tr. 32)"
hay:
"Bùi Chát lật đổ các slogan xã hội, các ảo tưởng được đóng đinh trong ngôn ngữ ý thức hệ... (tr. 71)"
hay, nữa:
"Mở Miệng, ở các thực hành thơ, đã là biểu hiện của sự giải phóng, trong nỗ lực giải phóng của nghệ thuật Việt Nam đương đại. Trong sự so sánh với truyền thống thơ của Việt Nam, Mở Miệng là một sự chối bỏ quyết liệt, dù tôi không muốn nhìn nhận họ như một sự đại diện cho thế hệ, nhưng họ đã lên tiếng đòi phá nốt những thành trì kiên cố của sự chuyên chế, khi niềm tin vào chế độ và sự tự do đang có đã tan rã… (tr. 104)"
2. Vẫn theo Tuyên Hóa, thì Giáo sư Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học) đề nghị là phải xử lí thích đáng trường hợp luận văn của Đỗ Thị Thoan. Nguyên văn như sau:
"Tại Hội nghị Lý luận-Phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đầu tháng 6-2013 vừa qua ở Tam Đảo, đã có nhiều ý kiến phê phán khá gay gắt đối với bản luận văn này. Nhà nghiên cứu-phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu gọi đây là “một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối”. Giáo sư Phong Lê hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn. Có người kêu lên: “Liệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (nơi tổ chức thực hiện bản luận văn) có giải thiêng lịch sử được không?”. Có người nói rằng: “Đây là một luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động…”."
3. Ở hướng ngược lại, xuất hiện một ông hay bà nào đó với tên Đ.Q.T thì đang kêu là luận văn của Nhã Thuyên bị đấu tố.
---Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Nhóm Mở Miệng : Giáo sư Phong Lê hai lần đề nghị xử lí thích đáng, ông ĐQT kêu bị đấu tố
- Nhóm Mở Miệng (quen gọi là nhóm thơ rác) trở thành đề tài luận văn cao học của Nhã Thuyên năm 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.