Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/03/2013

Chữ Lạc Việt cổ : Đăng lại bài cũ (phải đi tìm mảnh vỡ của entry cũ)

Lời dẫn: Entry dưới đây vốn đã đi trên blog cũ của tôi. Blog trên Yahoo ấy hiện đã vĩnh viễn bị xóa sổ. Trước khi bị xóa hoàn toàn, Yahoo cũng có một hành động đáng khen: tạo chức năng để người sử dụng có thể lấy lại toàn bộ nội dung blog. Tuy vậy, khi đã lấy được toàn bộ nội dung blog xuống máy (trong một thời gian rất nhanh, khoảng vài phút), thì hiện tại, vẫn chưa có cách gì chuyển những dữ liệu đó sang blog mới.

Đăng lại entry này từ bản mà trang vibay đã sao chép từ blog của tôi.

So với nguyên bản trên blog cũ của tôi, bản sao của vibay có làm rơi một tấm ảnh.

Nhân có việc đến chữ cổ Lạc Việt nên đăng lại.

---



Quảng Tây phát hiện chữ cổ Lạc Việt (có sớm hơn chữ Giáp Cốt)

(Giao Blog - 28/1/2012) Trước nay, giới nghiên cứu thường xem chữ Giáp Cốt (sử dụng trong bói toán, viết trên xương thú và mai rùa) là loại hình chữ tượng hình cổ nhất. Nó cách thời đại chúng ta khoảng 3 ngàn năm.

Đi các bảo tàng lịch sử khắp Trung Quốc, đâu đâu cũng thấy di vật mang chữ Giáp Cốt được trưng bày. Người Hán rất đỗi tự hào về văn tự của họ, mà nguồn gốc là chữ Giáp Cốt.

Chữ Giáp Cốt thì chỉ đào được ở phía bắc Trung Quốc, không tìm thấy dấu tích ở phương nam. Nên xưa nay, người ta đều đinh ninh rằng nguồn gốc của chữ Hán là gắn với phía bắc Trung Quốc.

Nhưng nay, giới khảo cổ Trung Quốc, đã tiến xa hơn một bước: tìm được loại chữ có sớm hơn chữ Giáp Cốt, những khoảng một ngàn tuổi, tức là cách thời đại chúng ta tới cả 4 ngàn năm. Mặt mũi loại chữ này đại khái như sau: (Xem hình 2)

Hình 1: Tọa đàm lớn của các chuyên gia văn tự Trung Quốc.

Loại chữ này được tìm thấy ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), kinh đô của người Choang, cũng tức là kinh đô của người Lạc Việt trước đây.



Đây là một phát hiện chấn động. Nếu được khẳng định, rõ ràng, người ta phải xem lại lịch sử văn tự của Trung Quốc, phải đặt nơi phát nguồn là phương nam, từ Lạc Việt, chứ không phải phương bắc.

Vào ngày 28 tháng 12 năm 2011, tại Quảng Tây đã diễn ra một tọa đàm lớn của các chuyên gia văn tự Trung Quốc, bàn về phát hiện chấn động trên. Có thể thấy một gương mặt tiêu biểu trong giới nghiên cứu văn tự Choang sau đây (vị này, tôi đã có dịp gặp):

Hình 2. Nguồn: Luoyue

Về cơ bản, tọa đàm khẳng định phát hiện. Tuy nhiên, vẫn cần những thẩm định kĩ lưỡng hơn.

Xin lưu ý: khi thấy chữ Lạc Việt hay chữ Lạc Việt cổ, như tôi viết ở đây, hay thấy trên mạng Trung Quốc, thì người Việt Nam chớ vội mừng gì cả. Lạc Việt ở đây, trước hết là chỉ người Choang hiện đang sinh sống ở tỉnh Quảng Tây, chứ chưa có gì liên hệ trực tiếp với người Việt/Kinh đang sống ở Việt Nam.

Cũng nên nhớ rằng, chữ Nôm của Việt Nam xuất hiện rất muộn so với chữ Nôm của người Choang.

Về mặt văn tự, người Việt Nam ta, hiện chưa có bất cứ cống hiến gì cho khu vực và thế giới cả. Mà ngay cả, nếu để cho người Việt Nam tự tạo ra quốc ngữ, thì có lẽ, còn cãi nhau dài dài !

(Hết trích dẫn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.