Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/11/2015

Về phim Kim Vân Kiều hồi đầu thế kỉ 20

Liên quan đến bộ phim này, đã từng nhắc qua ở đây.

Dưới là tư liệu cụ thể hơn.


---



Kim Vân Kiều: bộ phim đầu tiên sản xuất tại Việt Nam


ANH CHI


Hình ảnh của Kim Vân Kiều: bộ phim đầu tiên sản xuất tại Việt Nam
Vào giữa năm 1924, Hãng phim và chiếu bóng Đông Dương (Indochine films et cinémas) đã tiến hành nhanh các công đoạn cuối của việc làm bộ phim Kim Vân Kiều. Việc dàn dựng, quay hoàn tất bộ phim tại Hà Nội, còn làm hậu kỳ thì tại Pháp.
Trên nhiều báo và tạp chí đương thời đã giới thiệu rộng rãi với dân chúng cả nước: Hãng phim và cinéma Đông Dương trình bày phim Kim Vân Kiều… Truyện cổ An Nam trích từ tiểu thuyết nổi tiếng, quen thuộc của Nguyễn Du… Bộ phim Đông Dương đầu tiên được thực hiện với diễn viên, trang trí, phục trang hoàn toàn bản xứ. Diễn viên do Đoàn tuồng của “Hãng khai thác sân khấu An Nam Quảng Lạc” ở Hà Nội…
Trong cuốn sách Nhớ và ghi (NXB Tác Phẩm Mới, 1978), nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng viết về sự kiện làm phimKim Vân Kiều ở Hà Nội như sau: “… Các vai đóng đều là đào, kép rạp tuồng Quảng Lạc. Bảy Tắc đóng vai Hoạn Thư, Tư Lê đóng vai ông Phú. Phong cảnh là cảnh thật chung quanh Hà Nội. Sân chùa Láng là dinh Từ Hải, cổng Sanh làng Thọ là cửa vào nhà Tú Bà, bãi tha ma làng Yên Thái là chỗ Kiều viếng Đạm Tiên…”.
Như vậy, có thể ghi nhận rằng, phim Kim Vân Kiều là bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam, ra đời năm 1924! Xin lưu ý bạn đọc rằng, tại Pháp, năm 1895 Điện ảnh mới ra đời với những cuốn phim ghi cảnh sống thực dài chừng 1 phút. Ví dụ, bộ phim nổi tiếng thuở ban đầu ấy: Người tưới vườn bị tưới có thời lượng 38 giây. Và, mươi năm đầu, điện ảnh chỉ là phim tài liệu, cho đến sau Chiến tranh thế giới thứ nhất mới có phim truyện.


Thúy Kiều và Kim Trọng, tranh khắc gỗ của Nguyễn Tư Nghiêm.



Như thế mới biết, việc Việt Nam làm phim truyện năm 1924 là rất tân kỳ! Trước đó, Hãng phim và chiếu bóng Đông Dương đã sản xuất nhiều bộ phim tài liệu. Cho đến đầu năm 1923, Hãng mới lên kế hoạch thực hiện bộ phim truyện đầu tiên ở Việt Nam, và đã chọn Truyện Kiều để đưa lên màn ảnh. Đó là tác phẩm tiêu biểu của văn học dân tộc Việt Nam, mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh vừa dịch ra tiếng Pháp để giới thiệu với Tây Âu.
Về việc chọn Truyện Kiều đưa lên phim, ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng cổ vũ rất nhiều trên báo chí. Ông cũng là người đi đầu trong việc giới thiệu, dàn dựng những vở kịch nổi tiếng của phương Tây trên sân khấu Việt Nam khi đó.
Trên báo Trung Bắc Tân văn ngày 9/6/1923, Nguyễn Văn Vĩnh nêu ý kiến của mình về việc làm phim Kim Vân Kiều:
Nay tôi lại muốn rủ đồng nhân làm một việc thí nghiệm như thế nữa, mà kết quả có lẽ còn hay hơn cuộc diễn kịchBệnh tưởng, Trưởng giả học làm sang.
Vì nếu chúng ta đóng nổi tích Kim Vân Kiều cho khéo theo cái phương pháp nhà nghề chớp bóng là một kỹ nghệ tối tân trong xã hội Âu Mỹ thì, trước nữa chúng ta tỏ được cho người Âu biết rằng không có điều gì mới cho sức hiểu của chúng ta.
Sau nữa, nếu chúng ta làm ra được phim hay, nổi tiếng cho hiệu Indochine film để cho khách cinéma trong thế giới thưởng thức một cuộc vui thi vị đặc biệt, ai nấy phải khen văn chương, khen tư tưởng Việt Nam, ấy có phải ta cũng làm được một việc quảng cáo chung cho nước ta với toàn cầu…”.
Ngay sau đó, trên báo Trung Bắc Tân văn ngày 11/6/1923, ông Nguyễn Văn Vĩnh còn viết bài giới thiệu về điện ảnh thế giới đã trở thành một thực nghiệp của cuộc làm giàu. Và ông nhìn nhận: “… Người Việt Nam ta doanh nghiệp rất khó khăn, về đường công thương thực nghiệp thật là thua thiệt, thì tưởng nghề gì dễ kiếm tiền thiên hạ cũng nên đem bá cáo cho bao kẻ có khiếu tự nhiên bắt chước đó mà làm, ấy cũng là một cách giúp đồng chủng trong buổi cạnh tranh khó khăn này”.
Tiếp nữa, trên tờ Trung Bắc Tân văn ngày 13/6/1923, ông Nguyễn Văn Vĩnh cổ vũ cho cuộc làm phim Kim Vân Kiều: “Bộ phim cả thảy hơn ba mươi vai. Vị đào nào đóng nổi vai Kiều tức là thuỷ tổ của nghề đóng cinema ở đất Việt Nam này. Bởi vì, hễ vai Kiều mà đóng được thật tài, người ngoại quốc xem cinéma phải nghĩ: “Bên họ, một Thuý Kiều hồng nhan bạc mệnh, một kiếp long đong như thế, mà con người trong truyện còn đáng kính đáng vì, tất nhiên những người đàn bà khác trong dân tộc ấy phải hay, phải giỏi, phải thuần thục nết na biết dường nào…”.
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh không những quan tâm sâu sắc về nghề nghiệp cinéma có vai trò quan trọng trong thực nghiệp kinh tế, văn hoá xã hội, mà còn nêu ra những chi tiết nghề làm phim cụ thể: “… Có vài điều cần dặn trước là người đóng cinéma phải có một tư cách riêng là nước da phải ăn ảnh (photogénique). Điều thứ hai là răng phải để trắng. Những người răng đen mà đóng cinéma thì khi chớp ra, nó hoá như không có răng, miệng rỗng toác coi không đẹp…”.
Được sự cổ vũ nhiệt thành, sâu sắc của báo chí cũng như của học giả Nguyễn Văn Vĩnh như vậy, khiến việc làm phim Kim Vân Kiều trở thành mối quan tâm lớn của nhiều người Việt Nam đương thời.
Khi bắt tay vào thực hiện, đoàn làm phim gặp một khó khăn lớn nhất là: không tìm được diễn viên đáp ứng nổi các số phận nhân vật trong truyện phim này. Những đào, kép của rạp tuồng Quảng Lạc thời đó không thể là những diễn viên của nghệ thuật điện ảnh tân kỳ. Do vậy, khi phim làm xong, đem trình chiếu, những công chúng mong muốn có được một thành công của điện ảnh Việt Nam đã rất thất vọng.
Ngày 19/9/1924, phim Kim Vân Kiều được công chiếu buổi đầu tiên ở rạp Casino tại Sài Gòn. Ngay sau đó, trên tờĐông Pháp thời báo do ông Trần Huy Liệu làm chủ bút, có bài Chớp bóng Kim Vân Kiều của Công Luận, viết: “…Trong bản chớp bóng có ba nhân vật quan trọng là Kim Vân Kiều, Kim Trọng và Hoạn Thư. Vai Kim Trọng thì chẳng khác gì một thằng ngốc, diện mạo chẳng ra chi, thái độ lại khả bỉ làm sao chẳng khác chi cái thái độ của mấy anh bôi nhọ mặt ở rạp Quảng Lạc. Nhất là lúc đi tìm nhà trọ… Đến lúc đối diện với Kiều coi thái độ chàng Kim đối với nàng Kiều chả khác gì cái tư cách một bác lính “chào mào” ngồi lần khân với một gái giang hồ… Tóm lại, cuộc chớp bóng vừa rồi thiệt không có giá trị gì, chả lột được đôi chút tinh thần Truyện Kiều, chớp bóng có lẽ lại làm giảm mất cái chân giá trị đối với thế giới…”. (Đông Pháp thời báo số ra ngày 24/9/1924).
Có lẽ, như chính ông Nguyễn Văn Vĩnh đã viết về việc làm phim Kim Vân Kiều: “… Làm một việc thí nghiệm”, bộ phim đã như một cuộc thử sức của các nghệ sĩ Việt Nam khi bước vào Nghệ thuật thứ bảy.
Dù vậy, phim Kim Vân Kiều cũng là dấu mốc đầu tiên trong lịch sử Điện ảnh nghệ thuật Việt Nam, gây nên một ấn tượng mạnh trong đời sống văn hoá đương thời với việc đưa tích truyện quen thuộc là Truyện Kiều lên màn ảnh - một loại hình nghệ thuật còn mới mẻ ngay cả đối với Âu Mỹ.
Đấy là bài học kinh nghiệm lớn cho các nghệ sĩ Việt Nam, để rồi 14 năm sau, năm 1938, nghệ sĩ tài danh Đàm Quang Thiện đã đem đoàn làm phim Việt Nam sang Hồng Kông thực hiện bộ phim Cánh đồng ma.


Bài liên quan:
http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/2238-kim-van-kieu-bo-phim-dau-tien-san-xuat-tai-viet-nam.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.