Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/11/2015

Chiếc điếu cày hút thuốc lào của Chúa Bầu

Sở dĩ gọi là chúa Bầu là vì tiểu triều đình của ông dũng tướng này (vốn là tướng cướp, rồi được triều đình nhà Lê phong tước cao) đóng tại thành Bầu. Mà thành Bầu thì ở trên gò Bầu. Có thể gọi là "vương quốc Bầu".

Tài liệu chính thức mình đã kiểm chứng, thì cái tên "Bầu" của ông chúa này đã được ghi vào văn bản vào năm 1626. Có thể xem là cái mốc sớm nhất.

Còn lại, thì chỉ một ít mảnh bia vỡ nham nhở. 

Bây giờ, vẫn truyền ngôn rằng: người ta đang giữ được cả chiếc điếu cày của ông.

Dưới là tin từ các nơi.

---

Bí mật Chúa Bầu dưới Cổ thành Trung Đô


(Kiến Thức) - Những bí mật về Chúa Bầu dần được bóc tách trong những lớp đất sâu dưới di chỉ khảo cổ thành Trung Đô.

Từ xưa, cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) đã có một ngôi đền thiêng thờ anh hùng Gia quốc công Vũ Văn Mật mà người bản địa vẫn quen gọi là Chúa Bầu.
Chúa Bầu cao nguyên 
Ông Ngô Văn Huân, Cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết, sử sách ghi lại vào thời vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) tại làng Ba Động, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc, Hải Dương). Hai anh em họ Vũ lúc bấy giờ là Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật đã lên Khau Bầu - Đại Đồng của trấn Tuyên Quang sinh sống, lập nghiệp. 
Sau một thời gian ngắn, thấy tù trưởng Đại Đồng tàn ác, bất nhân, ngược đãi dân lành, lại xảy ra nạn giặc giã cướp bóc khắp nơi, anh em họ Vũ đã tích trữ lương thảo, chiêu binh mãi mã cùng người dân địa phương thu phục được nhiều tù trưởng người dân tộc thiểu số lập nghiệp trên vùng đất của trấn Tuyên Quang.

Các sử gia đều đánh giá về những việc làm của hai đầu lĩnh họ Vũ đã thu phục được dân chúng trong vùng về tụ hội, sinh cơ lập nghiệp. Họ Vũ đã chọn vùng đất Phúc Khánh (nay là thị trấn Phố Ràng của huyện Bảo Yên, Lào Cai) để xây dựng căn cứ, đặt doanh Yên Bắc. 
Từ đó, vùng đất này trở nên đông đúc bởi người Kinh dưới xuôi di cư lên sát cánh cùng người Tày, người Nùng, người Dao và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác làm cho vùng đất dọc theo sông Chảy lên tận tổng Ngọc Uyển (Bảo Nhai ngày nay) thịnh vượng dài lâu.

Cụ Cừ chỉ phiến đá thiêng sau đền. 
Sau một thời gian dài, số binh sĩ của anh em họ Vũ lên tới hàng vạn người, họ liên kết với các tù trưởng tiến hành xây dựng vùng căn cứ ngược ven dòng sông Hồng và sông Chảy. Ở đâu có loạn đều được Vũ Văn Mật dẹp loạn, giúp nhà Lê chống giặc xâm lấn biên ải. 
Trong "Kiến văn Tiểu Lục" của Lê Quý Đôn đã viết: "Ở vùng Ngọc Uyển (tức là Trung Đô, Bảo Nhai và vùng phụ cận bây giờ) Mật đã cho xây thành, đắp lũy chống nhau với nhà Mạc ngót 20 năm ròng".  
Gia quốc công Vũ Văn Mật đã cho đắp thành Nghị Lang vững chãi, xây lũy cứ ở Trung Đô tổng Ngọc Uyển để giữ yên bờ cõi, không cho giặc ngoài xâm lấn. Còn Vũ Văn Uyên được triều đình phong cho chức Đô Tổng binh trấn Tuyên Quang và tước Khánh Dương Hầu.
Khi nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê (1527 - 1592), tình hình trở nên bất ổn, giặc giã nổi lên khắp nơi, giặc phương Bắc thừa cơ nhòm ngó biên ải. Anh em nhà họ Vũ kêu gọi các tù trưởng người dân tộc thiểu số trấn giữ các cửa thành không cho quân nhà Mạc lên phá thành và giặc ngoài tràn đến.
Sau khi Vũ Văn Uyên chết, Vũ Văn Mật tiếp tục trấn giữ nơi biên giới phía Tây và được vua Lê Trang Tông (1533 - 1548) sắc phong Tổng binh trấn Tuyên Quang, tước Gia quốc công Vũ Văn Mật tiến hành thiết lập lại vùng Đại Đồng kéo dài đến vùng Ngọc Uyển của châu Thủy Vĩ thành 11 dinh. Đồng thời, cử các tướng dưới quyền trông coi cẩn mật. 
Vì Vũ Văn Mật cho dời căn cứ từ thành Nghị Lang, xây thành đắp lũy trên Gò Bầu nên nhân dân địa phương gọi ông là Chúa Bầu. Sau khi Vũ Văn Mật qua đời, con trai là Vũ Công Kỷ tiếp tục trấn thủ. Họ Vũ sau hơn một trăm năm đã kết thúc vai trò lịch sử ở trấn Tuyên Quang kéo dài lên tận vùng phía Bắc châu Thủy Vĩ, nơi triều đình nhà Lê gọi là dinh An Tây. Đền thờ Bắc Hà cũng được hình thành để tỏ sự thành kính, tưởng nhớ công lao đối với Chúa Bầu.
Đền Trung Đô nhận bằng công nhận di tích. 
Ngôi đền thiêng
Ông Trần Quang Phượng, Trưởng ban Quản lý đền Bắc Hà cho biết, trước đây đền Bắc Hà chỉ là một ngôi đền nhỏ án ngữ dưới gốc cây cổ thụ nghìn năm tuổi. Một cành của cây cổ thụ bị gãy cắt đôi ngôi đền nhưng ban thờ chính và bát hương không bị ảnh hưởng.
Qua mỗi đời, ngôi đền lại được trùng tu rộng rãi thêm. Và những chuyện linh thiêng cũng từ đó lan truyền. Nhiều kẻ vì hám lợi vào đền trộm cắp đồ cổ đã bị quả báo. Thậm chí, có người ở huyện Bắc Hà vào đền lấy 3 pho tượng Tam Đa, gia đình đang êm ấm bỗng dưng phát điên phát dại. 
Chuyện mới nhất cách đây chưa lâu, có một người mang vật quý vào đền nhưng lại ngồi lên tảng đá phía sau đền. Khi vị khách đứng lên thì không còn thấy vật quý đâu nữa. Nghĩ đã mạo phạm đến Chúa Bầu nên người ấy gặp từ đền thắp hương khấn vái. Khi ra tảng đá, lại thấy vật quý xuất hiện. 
"Nói đến chuyện tâm linh thì nhiều khi hư cấu. Theo tôi thì đền nào cũng thiêng nếu chúng ta thành tâm. Đền Bắc Hà cũng vậy nên rất nhiều người coi đây là điểm tựa tâm linh. Họ đến để cầu an, cầu tài lộc và xin con với những vợ chồng hiếm muộn", ông Phượng cho biết.
Cụ Đỗ Văn Cừ (80 tuổi) là người gắn bó với đền Bắc Hà từ rất lâu nên hiểu mọi chuyện. Cụ Cừ bảo, ngôi đền này không đơn thuần chỉ là thờ Chúa Bầu mà còn thờ cả những tướng lĩnh dưới trướng của ông. Nên theo quan niệm tâm linh, đền Bắc Hà còn là nơi ngự trị của quan quân triều đình nên sự tôn kính là cần thiết.
Chiếc điếu cày của Chúa Bầu. 
Chiếc điếu cày bí ẩn 
Trên ban thờ Chúa Bầu hiện nay, vẫn còn những vật dụng như đạn súng thần công, những chiếc bát đĩa của Vũ Văn Mật xưa kia. Thậm chí, chiếc điếu cày mạ đồng hình rồng phượng cũng được tìm thấy trong khi khai quật di chỉ khảo cổ thành Trung Đô.
Thành Trung Đô xưa được xây dựng vào thế kỷ XVIII để thờ Chúa Bầu. Trong khi khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số vật dụng như súng thần công cùng một số sắc phong do vua ban. Trong đó, có cả chiếc điếu cày mà nhiều người cho rằng, chủ nhân của nó chính là Chúa Bầu.
Tuy các sử sách không nhắc đến việc Gia quốc công Vũ Văn Mật nghiện thuốc lào nhưng những câu chuyện dân gian thì khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, chiếc điếu cày ấy là do chính Chúa Bầu sử dụng khi còn sống. Vì vậy, chiếc điếu được đặt long trọng trên ban thờ cùng các vật dụng khác.
Cụ Đỗ Văn Cừ cho hay: "Những vật dụng này cần phải được bảo vệ, gìn giữ cẩn thận. Vừa rồi, khi vào Nghệ An tìm mộ Chúa Bầu ở huyện Yên Thành chúng tôi cũng đã thu thập được 6 sắc phong do vua Lê ban cho Chúa Bầu. Đó là những chứng cứ chứng tỏ công lao của Gia quốc công đối với đất nước".
Hiện tại, thành Trung Đô còn 3 ngôi mộ ở dưới một gốc cây lớn. Một mộ đôi của vợ chồng tướng quân dưới trướng Chúa Bầu là Hoàng Vần Thùng. Ngôi mộ còn lại là của con gái Chúa Bầu tên là Vũ Nàng Hiến. Các nhà khảo cổ cho rằng, tuy đã khai quật thành Trung Đô nhưng những bí mật của Chúa Bầu vẫn chưa thể khai mở bóc tách hết.
"Ở đền Trung Đô, tướng quân Hoàng Vần Thùng kế tục sự nghiệp của Chúa Bầu. Cách đình làng khoảng 2km về hướng bắc là di chỉ thành cổ là một dải lũy xếp bằng đá cao gần 2m bao bọc một quả đồi bên suối Nậm Thin. Đền Trung Đô đã được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 2010".
Ông Ngô Văn Huân (Cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bắc Hà)
Trần Thế



 http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/bi-mat-chua-bau-duoi-co-thanh-trung-do-296334.html







Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật là hai anh em, quê ở xã Ba Động, huyện Gia Phúc (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) là những người mà công trạng được chép  khá nhiều và thống nhất trong các bộ sử sách như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt địa dư tiền biên, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam nhất thống chí. Hai anh em đều có tài trí và khỏe mạnh. Dân gian và sử cũ gọi họ là chúa Bầu, không chỉ thể hiện uy thế của họ ở vùng Đại Đồng, trấn Tuyên Quang xưa (nay thuộc Lào Cai) mà còn liên quan đến địa danh ban đầu là xóm Khau Bầu, xã Đại Đồng nơi mà họ đặt chân tới khi rời quê nhà. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Lúc bắt đầu anh em Văn Mật từ đất Khau Bầu đến, nên người ta gọi là chúa Bầu" .

Nhưng nếu chỉ liên quan đến địa danh Khau Bầu mà gọi anh em họ Vũ là “chúa Bầu” thì dường như chưa đủ. Sự việc khởi đầu từ Vũ Văn Uyên. Vốn là người gan dạ, khoẻ mạnh, khi đến đất Đại Đồng, thấy tù trưởng Đại Đồng tham tàn, bị nhân dân oán ghét, ông liền tập hợp lực lượng thừa cơ đánh chết. Sau đó, cả vùng đất Đại Đồng đều do Vũ Văn Uyên cai quản. Thực hiện việc này, Văn Uyên đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và đã thu phục được lòng tin của họ. Đây chính là cơ sở (hay điều kiện thuận lợi ban đầu) rất quan trọng để Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật và con cháu sinh sống và lập nghiệp lâu dài tại đây. Sách Đại Nam nhất thống chí khi chép về trấn Tuyên Quang thời Lê có chép đến họ Vũ ở Đại Đồng do có công lao với triều đình nên được thế tập như sau: “Đầu đời Lê thuộc Tây đạo; đời Quang Thuận đặt Tuyên Quang thừa tuyên, lãnh 1phủ, và 5 huyện châu; đời Hồng Thuận, đổi làm Minh Quang; từ đời Nguyên Hòa về sau, họ Vũ ở Đại Đồng vì có công được thế tập gọi là dinh Yên Tây (có chỗ chép là dinh Yên Bắc, đời Vĩnh Trị bắt đầu sai quan cai trị đất ấy”. Như vậy, có thể thấy, anh em họ Vũ không chỉ có công lao đối với nhân dân mà còn có công với triều đình nhà Lê.
Có thể nói, hoạt động của các chúa Bầu ở miền Lào Cai ngày nay, thể hiện rõ nét ở ba vấn đề. Thứ nhất , xây dựng thế lực chống lại nhà Mạc, khôi phục nhà Lê; Thứ hai, xây dựng và bảo vệ vùng Tuyên Quang, Hưng Hoá xưa; Thứ ba, ổn định và giữ vững vùng biên giới phía Tây của đất nước giúp nhà Lê trong công cuộc trung hưng.
Như phần trên chúng tôi đã trình bày, sau khi ổn định được tình hình ở Đại Đồng, thu phục lòng dân, Văn Uyên đã tận dụng điều kiện tự nhiên nơi này, xây dựng căn cứ, thành trì ở dinh Yên Bắc, châu Lục Yên, gọi là thành Mị Lang (Nghị Lang) (lại gọi là thành Bầu. Hiện nay, tại xã Lương Sơn, huyện Lục Yên còn có di tích thành nhà Bầu), "Thành này đóng ở 3 ngọn núi, đằng sau dựa lưng vào núi, trước mặt trông ra sông Chảy, tức đồn Ninh Bắc bây giờ", tính kế lâu dài chống lại nhà Mạc, khôi phục nhà Lê. Sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) chép về thành Nghị Lang với Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật như sau: “Thành cổ Nghị Lang: ở địa phận xã Lương Sơn châu Lục Yên. Lúc nhà Lê bắt đầu trung hưng, Vũ Văn Uyên là anh Vũ Văn Mật chiếm cứ ở đây để chống cự với nhà Mạc gọi là thành Nghị Lang, cũng gọi là phủ Bầu, lại gọi là thành Bầu, cây cối xanh tốt, nay còn nền cũ. Những đêm thanh vắng, người địa phương thường nghe tiếng trống chiêng và ngọn lửa lúc sáng lúc tối”. Vũ Văn Mật còn xây dựng thêm thành lũy, mở rộng địa bàn hoạt động. Không chỉ dựa vào thành Nghị Lang, Vũ Văn Mật còn cho đắp thành Cát Tường nằm giữa rừng thuộc châu Lục Yên: “Thành cổ Cát Tường: ở địa phận xã Khánh Vân, châu Lục Yên. Tương truyền, thành này do Vũ Văn Mật đắp, bốn mặt đều rừng rậm, ở giữa bằng phẳng rộng rãi, cách với dân cư, cũng gọi là thành Bầu, nay bỏ, nền cũ vẫn còn” . Những thành do Vũ Văn Mật xây đắp đều dùng chữ “Bầu” để gọi tên.
Vũ Văn Uyên lập công đầu với triều Lê bằng sự việc, dưới thời vua Lê Chiêu Tông (1516-1522), triều đình ra lệnh cho các địa phương (hay trấn) được phép mộ binh. Một mặt, giữ vững địa bàn nơi mình cai quản, mặt khác, chuẩn bị lực lượng chống lại nhà Mạc, Vũ Văn Uyên thực hiện lệnh này khá xuất sắc. Nên, sau đó ông được triều đình cho giữ chức Đô Tổng binh sứ Tuyên Quang, được phong tước hầu (Khánh Dương hầu). Từ đó, lực lượng quân đội của Vũ Văn Uyên ngày một phát triển mạnh. Trong phần "Chú giải và khảo chứng" của ĐVSKTT chép như sau: "Binh bản hộ của Văn Uyên có đến mấy vạn người, cho nên trong khi ở miền xuôi các phe phái xung đột nhau để dẫn đến việc họ Mạc cướp ngôi thì Văn Uyên, vẫn giữ vững cả miền Tuyên Quang Hưng Hoá và cuối cùng cát cứ, không chịu theo nhà Mạc".
Như vậy, vào thời trị vì của vua Lê Chiêu Tông, lực lượng quân đội của Vũ Văn Uyên ở Đại Đồng, lỵ sở của trấn Tuyên Quang đã khá mạnh. Khi nhà Mạc tiếm ngôi vua (1527), được tin Nguyễn Kim cố chí lo toan mưu việc khôi phục triều Lê, xây dựng lực lượng ở miền Thanh, Nghệ, Thuận, Quảng, Văn Uyên đã cử người vào Sầm Châu, liên hệ với Nguyễn Kim nguyện hướng đạo quân nhà Lê tiến đánh quân Mạc. Sau khi liên hệ với Nguyễn Kim, Văn Uyên chủ động cử binh tiến đánh quân Mạc. Cuộc giao tranh giữa quân nhà Mạc, do Mạc Phúc Hải cầm quân, với Vũ Văn Uyên diễn ra kịch liệt vào năm 1533 (thời Lê Trang Tông) khi họ Mạc tiếm ngôi được 6 năm. Lúc bấy giờ quân Mạc huy động lực lượng lớn nhằm dẹp tan quân của Vũ Văn Uyên. Sau vài trận giao chiến, quân của Văn Uyên thua bèn rút về tự thủ ở Đại Đồng. Quân Mạc thừa thắng, tiếp tục cử đại binh ngược sông Hồng tiến đánh Văn Uyên. Thấy sức mình chưa đủ để đánh bại quân Mạc, mà, rất có thể Văn Uyên sử dụng chiến thuật "tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu" đã cho lui quân. Quân Mạc thừa thế, vượt qua Đại Đồng, tiến đến miền Văn Bàn, Thủy Vĩ. Văn Uyên đợi khi quân Mạc rút lui, quan quân lại trở về Đại Đồng tiếp tục xây dựng lực lượng. Quân nhà Mạc muốn dẹp tan thế lực họ Vũ ở đây, tướng Mạc do Mạc Phúc Hải chỉ huy đã tổ chức mấy vạn quân tấn công tiến đánh Vũ Văn Uyên trận nữa. Nhưng, sau những chuẩn bị tích cực và thực hiện chiến thuật "bất ngờ", Văn Uyên đã nhử quân Mạc vào ổ phục kích, khiến quân Mạc bị đánh tan. Sau thất bại này, nhà Mạc đành phải để cho họ Vũ cát cứ vùng này. Đây chính là cơ hội để các chúa Bầu và con cháu chúa có điều kiện giúp việc khôi phục nhà Lê. Nhưng, công việc đang trên đà phát triển thì Văn Uyên chết. Em ông là Vũ Văn Mật tiếp tục sự nghiệp của anh cai quản vùng Đại Đồng. Nhờ uy tín, thế lực của anh em họ Vũ mà nhân dân theo về rất đông. Các chúa Bầu không chỉ thu phục được lòng dân bản địa mà còn thu hút được rất đông nhân dân các trấn miền xuôi trốn loạn lên đó làm ăn sinh sống. Đại Đồng còn là nơi buôn bán lâm sản của nhiều thương nhân. Giao thương ngày càng nhộn nhịp nên xứ Đại Đồng nhanh chóng trở thành miền trù mật của trấn Tuyên Quang xưa, Lào Cai nay. Lê Quý Đôn đã từng nhận xét:“ Vũ Văn Mật... ở thành Đại Đồng, châu Thu Vật, nhân dân tụ họp đông đúc, buôn bán thịnh vượng, là đô hội lớn phiên trấn về mặt Tây”. Trong bài phú “Phong cảnh Đại Đồng” của Nguyễn Hãng, đã mô tả được sự thịnh vượng của đại Đồng lúc bấy giờ: “Thửa mặc, trời sinh chúa thánh; đất có tôi lành. Bói quẻ Kiền (một quẻ đứng đầu lục thập tứ quái trong sách Chu dịch, tượng trưng vua chúa mở vận, thiên hạ thái bình) đòi thời mở vận; phép hào sư (quẻ thứ 7 trong lục thập tứ quái, tượng trưng về pháp luật cầm quân đánh dẹp) lấy luật dùng binh. Đất ba phần có thừa hai, chốn chốn đều về thanh giáo; nhà bốn biển vây làm một, đâu đâu ca xướng thái bình. Chín lần nhật nguyệt làu làu, cao đường hoàng đạo; ngàn dặm san hà chăm chắm, khỏe thế vương thành. Hình thế ấy khen nào còn xiết; phong cảnh này thực đã nên danh”. Nhờ vậy, thế lực của họ Vũ càng ngày mạnh. Rồi, Vũ Văn Mật từ suối Khổng thuộc huyện Lập Thạch (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) đem quân lên đóng ở động Ngọc Uyển, châu Thủy Vĩ. Sau đó, kéo quân xuống châu Lục Yên và châu Thu Vật tiếp tục xây dựng lực lượng chống cự với quân nhà Mạc. Là người kế tục sự nghiệp của anh - Vũ Văn Uyên, trấn giữ nơi biên giới phía Tây, Vũ Văn Mật được vua Lê Trang Tông (1533-1548) trao cho giữ chức Tổng binh Tuyên Quang, tước Gia Quốc công. Rồi, để củng cố và mở rộng địa bàn hoạt động, Gia Quốc công Vũ Văn Mật một mặt tiến hành thiết lập lại vùng Đại Đồng thành 11 dinh, rồi sai các tướng trông coi. Văn Mật được nhà Lê chấp nhận cho quyền được tự trao chức cho các tướng. Nên, uy thế của họ Vũ ngày càng mạnh. Sau khi củng cố được địa bàn cơ sở Đại Đồng, Vũ Văn Mật cùng quân tướng mở rộng địa bàn hoạt động, tiến quân chiếm  cứ ba phủ Lâm Thao, Đoan Hùng và Đà Dương thuộc trấn Sơn Tây và các huyện Phổ Yên và Đồng Hỷ thuộc trấn Thái Nguyên, châu Mai thuộc trấn Hưng Hoá. Lúc này, thế quân của Vũ Văn Mật rất hùng cường. Trước tình hình này, nhà Mạc không khỏi lo sợ uy thế của Vũ Văn Mật, đã tập hợp lực lượng tiến đánh. Đã có lần, quân của Vũ Văn Mật cùng với Lê Bá Ly tiến đánh quân Mạc đến gần kinh sư, khiến Mạc Phúc Hải phải bỏ chạy. Sự việc này được ĐVSKTT chép như sau: “Tân Hợi năm thứ 3 (1551). Thái sư Lạng Quốc công sai hàng tướng Mạc là Lê Bá Ly cùng với bọn Vũ Văn Mật tiến quân sát đến kinh sư. Mạc Phúc Hải chạy về Kim Thành, lưu Mạc Kính Điển làm đô Tổng suý đem quân chống giữ”. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Viết tắt là Cương mục) cũng chép: “Thái sư Trịnh Kiểm sai bọn Lê Bá Ly, tướng Mạc đã hàng, và Vũ Văn Mật, tướng bản thổ Tuyên Quang, tấn công Đông Kinh. Phúc Nguyên chạy đi Kim Thành, để Kính Điển làm Đô tổng súy, ở lại cầm quân chống giữ kinh đô”. Sau đó, nhà Mạc tổ chức tiến đánh Vũ Văn Mật. Trước sự tấn công của nhà Mạc, Vũ Văn Mật đã không giữ được vùng Thái Nguyên, Sơn Tây, bèn rút về cố thủ ở Tuyên Quang và qua đời tại đây. Về hoạt động của Vũ Văn Mật đượcĐNNTC chép như sau: Gia quốc công Vũ Văn Mật người xã Ba Đông, huyện Gia Phúc, bắt đầu khởi binh ở suối Khổng thuộc huyện Lập Thạch, sau đem quân lên đóng ở động Ngọc Uyển châu Thủy Vĩ, rồi thu thập binh mã kéo xuống châu Lục Yên và châu Thu Vật. Vua Lê Trang Tông trao cho chức tổng binh Tuyên Quang; đời Nguyên Hòa giữ trọn cảnh thổ, ra sức chống cự nhà Mạc, tự trấn giữ đất Đại Đồng, chia lập 11 dinh (...). Văn Mật xin được tiện nghi trao chức cho các tướng. Sau đó chiếm cứ ba phủ Lâm Thao, Đoan Hùng và Đà Dương thuộc trấn Sơn Tây; các huyện Phổ Yên và Đồng Hỷ thuộc trấn Thái Nguyên và châu Mai thuộc trấn Hưng Hóa, thế quân hùng cường. Sau bị nhà Mạc đánh, bèn bỏ thượng lộ Thái Nguyên và Sơn Tây, rút quân về giữ Tuyên Quang rồi mất”. Con ông là Nhân Quốc công Vũ Công Kỷ kế tiếp trấn thủ Đại Đồng. Vũ Công Kỷ được nhà Lê trọng dụng, giao giữ chức Thái phó. Năm 1573, được giữ chức Hữu tướng quốc. Sự việc này ĐVSKTT chép như sau: “ Quý Dậu, Gia Thái năm thứ 11. Lấy Thái phó Nhân Quốc công Vũ Công Kỷ làm Hữu tướng quốc...”. Sau đó, các cháu chắt của chúa Bầu tiếp tục trấn giữ vùng Tuyên Quang xưa. Khi nhà Mạc bị tiêu diệt, nhà Lê được khôi phục thì cháu nội chúa Bầu là Hoà Quận công Vũ Công Ứng vào chầu trước tiên, thể hiện lòng trung quân của bầy tôi nơi biên giới (có lẽ theo lệ chầu mừng triều đình định ra từ trước). Lệ này, vào thời Lê Thánh Tông được ĐVSKTT chép như sau: " Mùa Thu, tháng 8 (năm 1478). Định lệ chầu mừng cho các tù trưởng ở phiên trấn. Mỗi năm  hai lần về kinh để chầu (mỗi năm  cứ tháng Giêng và tháng 7 đều về chầu một lần). Nếu tự ý bỏ thiếu lễ chầu; một lần thì phải bãi chức mất quan, hai lần thì bắt về kinh trị tội ". Sau này, đến Khoan Quận công Vũ Công Tuấn, con của Tông Quận công Vũ Công Đắc, chắt 5 đời của Gia Quốc công Vũ Văn Mật có lẽ đã không tuân theo lệ này nên bị triều đình bắt về kinh chầu hầu và cử quan ở kinh thành lên trị nhậm trấn Tuyên Quang. Công Tuấn, sau ngầm giao kết với con cháu nhà Mạc làm phản, đem  đất của mình (gồm 3 động) dâng cho nhà Thanh, rồi bị triều đình bắt và giết. Từ đấy, họ Vũ sau hơn 150 năm tồn tại đã kết thúc vai trò lịch sử ở trấn Tuyên Quang xưa, kết thúc một thời họ Vũ chuyên chế tỉnh Tuyên Quang, mà triều đình nhà Lê gọi là dinh An Tây. Sách ĐNNTC chép về chúa Bầu và hậu duệ như sau: “Vũ Văn Mật...con là Nhân Quốc công Vũ Công Kỷ kế tiếp trấn thủ Đại Đồng, truyền đến cháu là Hòa Quận công Vũ Công Ứng. Khi nhà Lê khôi phục kinh thành, Công Ứng vào chầu trước tiên. Sau dời lên đóng ở thành Nghị Lang dinh Yên Bắc. Người chắt là Tông Quận công Vũ Công Đắc, năm Cảnh Trị thứ 7 về Kinh triều yết, bị thủ hạ là đồ đảng của Mai Phúc Trường giết ở dọc đường; triều đình phong cho con Công Đắc là Công Tuấn tước Khoan Quận công và giữ lại ở Kinh, rồi sai quan Kinh lên trấn thủ Tuyên Quang. Công Tuấn, sau vì làm phản, nên bị giết. Từ đấy họ Vũ tuyệt diệt..”. Tính từ Vũ Văn Mật đến Vũ Công Tuấn là 5 đời, trong đó, 4 đời oai phong lẫm liệt (trừ Vũ Công Tuấn) nên dòng dõi là Vũ Công Đĩnh còn được lấy danh nghĩa là cháu công thần, vẫn được triều đình cấp tiền ngoại phụ thuế dung của 7 xã để dùng vào việc tế tự.
Có thể nói, những hoạt động của các chúa Bầu ở Đại Đồng, trấn Tuyên Quang xưa, Lào Cai nay nổi trội trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, giao thương nhưng đậm hơn cả là lĩnh vực quân sự, thể hiện ở việc giao tranh, chống cự nhà Mạc, phò tá nhà Lê. Về phương diện này, xét đến cả đời con, cháu của các chúa là một sự thành công của các chúa Bầu. Nhà Mạc mặc dù có lúc đã đánh bại được quân của các chúa, nhưng cuối cùng vẫn không tiêu diệt được thế lực họ Vũ ở đây. Đành phải chấp nhận một thực tế là để họ Vũ cát cứ vùng đất này.
Trên cơ sở làm chủ một vùng đất đai rộng lớn, họ Vũ vừa được dân địa phương ủng hộ, cộng với uy danh của mình, nhất là mục đích của các chúa là diệt Mạc, phù Lê. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, mục đích ấy là chính nghĩa nên càng được nhân dân các nơi ở miền xuôi theo về giúp sức, không chỉ tạo nên sự lớn mạnh về quân đội, mà còn tăng cường lực lượng lao động cho vùng Đại Đồng, tạo nên trên vùng đất này cảnh trù phú, ấm no, giúp nhà Lê về lương thực và binh lính trong công cuộc trung hưng. Sức mạnh về quân sự, về kinh tế mà các chúa Bầu cùng nhân dân tạo dựng được ở Tuyên Quang, đã là điều kiện quan trọng để các chúa và con cháu chúa giữ vững miền biên giới phía Tây của đất nước.
Công lao của các chúa bầu đã được các sử gia hết lời ca ngợi, Lê Quý Đôn viết: “ Vũ Văn Uyên là viên tuớng nơi biên giới, giữ trọn vẹn được Tuyên Quang... đem nghĩa lớn cương thường thanh minh với thiên hạ, dùng hình thế hiểm trở khống chế miền Thượng du, làm cho ngụy Mạc không thể dốc toàn lực để nhòm ngó miền Nam được, giữ vững phên dậu mặt Tây, truyền cho con cháu đời đời giữ khí tiết bầy tôi, nộp lương cấp lính, giúp vào công nghiệp Trung hưng, so với Trương Thực nhà Tấn, Lý Khắc Dụng nhà Đường, sự nghiệp lại có phần rạng rỡ hơn, cũng có thể gọi là người đại trung vậy”. Sử nhà Nguyễn nhận xét, đánh giá cao vai trò của Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật: “Uy thế nhà Lê nổi là nhờ sức Văn Uyên. Không được bao lâu thì chết em là Văn Mật lên thay... Mật giúp nhà Lê chống nhà Mạc, nhân dân trong cõi được yên, vì có công được phong tước Gia quốc công, cho con cháu được thế tập giữ chức Trấn thủ Tuyên Quang. Năm Gia Long thứ nhất, Mật được liệt vào hàng công thần trung hưng nhà Lê bực thứ nhì”.
Tưởng nhớ công lao của Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật ở vùng Đại Đồng, trấn Tuyên Quang xưa, tỉnh Lào Cai nay, nhân dân đã lập đền thờ gọi là đền Gia Quốc công. Đến thời Nguyễn, vào năm Tự Đức thứ 7, nhà vua đã có sắc phong cho các chúa Bầu, gia tặng là Cường trung tuấn mại chi thân.    

       http://laocai.gov.vn/sites/sovhttdl/lichsulaocai/lichsulaocai/Trang/634051425570240000.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.