Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/09/2014

Ototake, tức anh Vũ ở Tokyo, đã bắt đầu được kể bằng tiếng Việt

Ototake là trang thanh niên Nhật Bản đã được blog tôi giới thiệu, vào hồi Hồ Triết (tên vui đọc từ bản chữ Hán) được tập đoàn tôn Hoa Sen mời đến Việt Nam, tháng 5/2013 (xem lại ở đây). 

Tôi đã gọi tên chàng thanh niên sang tiếng Việt một cách thân mật là . Tên này là lấy ý tưởng từ chính cái tên Ất Vũ bằng chữ Hán của anh, và tên của ông chủ tập đoàn tôn của Việt Nam. Xem lại ảnh cũ của Vũ đã dán vào entry lúc đó:


1. Lúc đó, đã viết:
"Vũ sinh năm 1976, không tay không chân bẩm sinh. Đã tốt nghiệp trường danh tiếng là Đại học Waseda, từng là phóng viên thể thao, người phụ dẫn chương trình truyền hình, thầy giáo tiểu học, nhà văn. Anh cưới vợ năm 2001, và đã có 2 con trai.

Sắp tới, nếu ông Vũ của Tôn Hoa Sen mời Vũ đến Việt Nam, tôi sẵn sàng làm phiên dịch miễn phí. Ông Vũ của Tôn Hoa Sen khỏi bị phiền toái vì chuyện dịch thuật như thấy ở đây. "


2. Gần đây, được biết là vừa có sách của Vũ được dịch sang tiếng Việt. Xin post những cái ảnh về cuốn sách (xin lỗi là lấy từ chỗ nào quên đánh dấu, nên không tìm lại được đường link gốc; khi nào tỉm lại được thì sẽ bổ sung).

Đây cuốn sách sau:






3. Cái ở dưới thì lấy về từ trang ĐCSVN (tháng 4/2014):

Nguyên chúBiểu tượng "Ngôi nhà tri thức" tạo lên từ cuốn sách Không rào cản – tự chuyện của Ototake Hirotada không chân, không tay bẩm sinh đã trở thành thầy giáo, nhà văn, diễn giả nổi tiếng của Nhật Bản.


Dưới là lưu một bài của VOV.


---

LƯU TƯ LIỆU

“Không rào cản”: Người không chân, không tay trở thành nhà văn, diễn giả nổi tiếng Nhật Bản

12 Tháng Năm 2014 - 8:22:04
(VOV5)- Cuốn sách “Không rào cản” – tự truyện của Ototake Hirotada  - một chàng trai bẩm sinh không chân, không tay trở thành thầy giáo, nhà văn, diễn giả nổi tiếng của Nhật Bản vừa ra mắt độc giả Việt Nam với sự hỗ trợ của Quỹ Daido (The Daido Life Foundation) – một tổ chức thiện nguyện được thành lập với mục đích đóng góp cho hoạt động quốc tế hóa của Nhật Bản, thông qua việc tổ chức hoặc hỗ trợ chi phí cho các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và các quốc gia khác.
Cuốn sách “Không rào cản” có tên gốc là “Ngũ thể bất mãn” được viết trong thời gian Ototake học đại học đã gây ấn tượng lớn với độc giả. Tốt nghiệp đại học, anh trở thành một phóng viên thể thao. Sau đó anh đi sâu vào con đường giáo dục: là giáo viên cộng tác trong Hội đồng giáo dục Suginami, Giáo viên trường tiểu học Daiyon quận Suginami. Tiểu thuyết đầu tay “Lớp C không sao đâu” được sáng tác dựa trên những trải nghiệm trong thời gian làm giáo viên của anh. Anh đã tham gia trình diễn khi tác phẩm được chuyển thể thành phim, công chiếu vào tháng 3 năm 2013 của công ti Toho.
Khuyết tật là một điều bất tiện, nhưng không phải một bất hạnh.” Đây là thông điệp xuyên suốt cuốn sách mà độc giả có thể cảm nhận qua mỗi câu chuyện, mỗi chặng đường đời của tác giả. 
Đọc cuốn sách, ta ngưỡng mộ Ototake bao nhiêu vì nghị lực của anh trong cuộc sống thì ta lại càng quý trọng những người sống xung quanh Ototake bấy nhiêu bởi cách họ đối xử với anh theo cách anh thực sự là một người bình thường. Đó là cha mẹ, là bạn bè, là thầy cô… của Ototake, là cách ứng xử văn minh, đầy nhân ái của người Nhật Bản.
Bạn sẽ phản ứng thế nào khi biết đứa con mình vừa sinh ra không có chân tay? Mẹ của Ototake phải hơn một tháng sau khi sinh mới được gặp con với lý do con không được khỏe. Sau đó, mọi người chỉ nói là con có một chút khuyết tật. Đến ngày gặp con, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn phương án bà bị ngất đi để ứng phó, nhưng giây phút đó lại nhẹ nhàng ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người bởi bà lập tức thốt lên “Yêu quá” và vô cùng sung sướng khi được ôm con vào lòng. 
Giây phút đầu tiên ấy cũng như suốt chặng đường phát triển của Ototake, bao giờ mẹ anh cũng coi anh là một người bình thường. Mẹ anh xin cho anh vào trường của những học sinh bình thường chứ không phải trường dành cho người khuyết tật. Anh có thể tự đi dã ngoại cùng bạn bè từ lớp Bảy mà bố mẹ không hề phản đối. Anh chia sẻ: “Bố mẹ có con khuyết tật thường hay rơi vào chiều hướng bảo vệ quá mức. Thế mà nhà tôi thì bố mẹ nhẹ nhàng tranh thủ đi chơi lúc con du lịch vắng nhà. Nói thẳng là bố mẹ tôi không coi người khuyết tật là người khuyết tật. Điều này lại tốt với tôi.”
Ototake may mắn luôn được các thầy cô và bạn bè hỗ trợ hết mình. Các thầy cô  luôn tạo điều kiện để Ototake được hòa nhập với lớp, thầy giáo sẵn sàng cõng cậu lên núi để dã ngoại cùng bạn bè, nhưng thầy lại không bao giờ “ưu tiên” cho Ototake chỉ vì cậu là người khuyết tật. Thầy của cậu quan niệm: “Các bạn trong lớp muốn giúp Ototake, có nghĩa ở đây đã nảy nở sự cảm thông. Đó là cái đáng mừng, và không nên o ép các trò không được làm như vậy. Nhưng nếu các bạn xung quanh cứ làm hộ hết mọi việc thì chắc chắn Ototake sẽ có tâm lí chờ đợi: “Mình cứ ngồi đó chờ là có người sẽ làm cho mình.”
Hồi nhỏ, Ototake coi khuyết tật là một “sở trường” – bởi với một đứa trẻ thì được là trung tâm của sự chú ý là một điều hãnh diện, nhưng khi đã trưởng thành, anh quan niệm khuyết tật chỉ là một đặc điểm về thân thể, như trên đời béo gầy, cao thấp, da đen, da trắng khác nhau.
Cuốn sách tái hiện lại toàn bộ cuộc đời của Ototake từ khi sinh ra, tới khi học Mẫu giáo, lên Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông rồi vào Đại học, đi làm… Mỗi chặng đường được kể lại với những câu chuyện thật thú vị. Ototake lôi cuốn độc giả bằng cách kể chuyện vừa hài hước, vừa gợi mở. Cuốn sách còn có những minh họa thật ngộ nghĩnh, sinh động của họa sĩ Takeda Miho.
Ototake chia sẻ: “Để dỡ bỏ được những bức tường hữu hình đang gây cản trở cho người khuyết tật thì cần phải làm những gì? Tôi cảm thấy quan trọng nhất là việc xóa bỏ bức tường ấy trong tâm hồn.” Bằng những hành động thiết thực như viết sách, viết báo, dạy học, đi giao lưu chia sẻ… Ototake đang nỗ lực để xây dựng một xã hội không rào cản không chỉ cho người khuyết tật mà còn cho tất cả mọi người vì sự phát triển của mỗi cá nhân hướng tới một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa.
Câu chuyện thành công của Ototake cho thấy vai trò quan trọng của gia đình, bạn bè, nhà trường, xã hội trong việc giúp những người khuyết tật hòa nhập, để họ thực sự được phát huy khả năng của mình như bao người bình thường khác.
Trong lần xuất bản đầu tiên, toàn bộ 2000 cuốn sách “Không rào cản” sẽ được gửi tặng 63 Thư viện tỉnh, thành phố; các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và một số trung tâm người khuyết tật trong cả nước.
Các tác phẩm chính của Otokae bao gồm: “65” đồng tác giả với ông Hinohara Shigeaki, Nhà xuất bản Gentosha; “Vì thế tôi đến trường”, nhà xuất bản Kodansha; “Những câu nói của Oto”, nhà xuất bản Bungeshunjyu, “Những điều có thể làm”, đồng tác giả với ông Takeda Soun, nhà xuất bản Shufunotomo; “Ba tiết học của thầy Oto” và nhiều tác phẩm dành cho thiếnhi. Những status của anh trên Twitter có sức hấp dẫn mạnh mẽ được nhiều người quan tâm.

Một số trích dẫn trong cuốn sách:
- “Tôi không sống với ý thức rằng bản thân tôi khuyết tật”. Tự tôi cũng có thể làm được một số việc cho mình. Những gì không thể tự làm được thì bố mẹ, bạn bè giúp đỡ một cách “thường tình” chứ không phải là “ban ơn”.
- Yếu tố làm cho bố mẹ có con khuyết tật hay có tâm lý bảo vệ quá mức là ở chỗ họ quan niệm đứa trẻ “đáng thương” hơn là “đáng yêu”. Bố mẹ mà suy nghĩ là con mình “đáng thương” thì đứa bé sẽ nhạy cảm nhận ra điều đó. Như vậy có thể tạo ra suy nghĩ thụt lùi: “Mình là một con người đáng thương. Người khuyết tật đáng thương.”
 - Khuyết tật của bản thân cũng có thể trở thành rào cản trong tình yêu, nhưng cản trở hơn chính là cách mà bản thân bạn tự nghĩ về khuyết tật, cảm nhận về khuyết tật.
- Nếu biết chấp nhận bản thân mình, tự nhiên sẽ chấp nhận “nét riêng” của người khác. Mình là một sự tồn tại “duy nhất” thì anh ta cũng là một sự tồn tại đáng quý “duy nhất”.
Tôi rất mong tất cả mọi người không đánh mất bản thân, luôn tự hào về mình trong cuộc sống. Mong muốn của tôi xuất phát không phải chỉ vì mục đích xây dựng tiếp cận không rào cản, tạo môi trường dễ sống cho người khuyết tật, mà còn tạo ra cuộc sống trong đó từng người không để phí hoài sinh mạng mình, cũng như phát huy tối đa khả năng của cuộc đời mình.
- Dù có khuyết tật nhưng cuộc sống hằng ngày tôi rất vui. Trên đời, có những người được sinh ra khỏe mạnh nhưng lại khép mình buồn bã. Mặt khác, lại có người chẳng có chân tay mà lại hồn nhiên vui sống. Khuyết tật thật ra đâu có liên quan gì… Ngũ thể có thiếu đủ gì đi nữa thì cũng không liên quan đến hạnh phúc cuộc đời bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.