Học giả Bùi Xuân Đính đang chia sẻ dần thành quả nghiên cứu về Bát Tràng trong nhiều năm của ông, mà là chia sẻ trên lưới trời Fb rộng rãi.
Giao Blog sẽ cập nhật vớt bài từ Fb Bùi Xuân Đính về đây lưu, cũng là tiện cho độc giả theo dõi liền mạch.
Tháng 3 năm 2025,
Giao Blog
---
V.
---
IV.
IV. CÁC KHÍA CẠNH VĂN HÓA
1.Làng văn, làng võ
Điều kiện kinh tế vững vàng giúp cho người làng Bát Tràng theo đuổi học hành và có nhiều người đỗ đạt. Làng có 8 người đỗ tiến sĩ là: Vương Thi Trung (đỗ năm 1589), Trần Thiện Thuật (1683), hai anh em ruột Nguyễn Đăng Liên (1706), Nguyễn Đăng Cẩm (1718), hai anh em ruột Lê Hoàn Viện (1715), Lê Hoàn Hạo (1727), cùng người cháu là Lê Danh Hiển (1785), Vũ Văn Tuấn (1843). Họ đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau, trong đó, Vũ Văn Tuấn phụng mệnh đi sứ (năm Nhâm Tý đời Tự Đức, 1852).
Làng Bát Tràng còn vinh danh cả Trạng nguyên Giáp Hải (năm 1538), căn cứ vào một lưu truyền dân gian, rằng, mẹ ông luống tuổi mới gặp một người đàn ông, sinh ra ông, nhưng người cha ấy đột tử; năm 2 tuổi, ông bị một nhà buôn làng Dĩnh Kế (nay thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bắt đi, đưa về nuôi ăn học và đỗ trạng. Trong văn chỉ có biển ghi danh ông đầu tiên. Tuy nhiên, các sách Đăng khoa lục đều chép ông là người làng Dĩnh Kế.
Ngoài 8 tiến sĩ, làng Bát Tràng còn có 364 vị “tiên Nho tiên hiền, đỗ các mức khác nhau, trong đó có 14 người là hương cống và nho sinh trúng thức, 16 người đỗ tam trường thi Hội, 10 người là Cử nhân thời Nguyễn, 18 người là Giám sinh Quốc Tử Giám.
Bát Tràng còn có nhiều người theo nghiệp võ, với 1 tiến sĩ võ (Tạo sĩ, Lê Trọng Phụ), 2 người từng theo Bình Định vương Lê Lợi dẹp giặc Minh, là Vũ Ngang, được phong Tư Quốc công, phong quốc tính, công thần (Lê Ngang, nên họ này được gọi là họ Lê Vũ công thần, để phân biệt với một học Lê khác có 3 tiến sĩ), Lê Khả Lãng (phong Quận công)... Ngoài ra, còn có Giảng Quận công Lê Trần Cẩn (theo giúp Bình Định vương Lê Lợi dẹp giặc Minh), Cơ Quận công Nguyễn Thành Trân, Qùy Quận công Nguyễn Biểu, Quận công Nguyễn Thành Lý (từng làm Lưu thủ trấn Hưng Hóa, có công trong việc bảo vệ an ninh vùng Tây Bắc những năm thập niên 1720) và rất nhiều võ quan được phong tước Công, tước Hầu, tước Bá.
2. Hệ thống di tích phong phú
Cũng với tiềm lực kinh tế khá, người Bát Tràng đã xây dựng được hệ thống các di tích rất bề thế
Đình làng được dựng vào đầu thời Lê Trung Hưng (1593-1789), trên khu đất của họ Nguyễn Ninh Tràng hiến cho làng. Lúc đầu, chỉ là ngôi đình thấp nhỏ, lợp lá. Năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh (1719) một số người làng đang làm quan ở Kinh Bắc đã quyên tiền và vận động dân làng đóng góp một nguồn kinh phí lớn, khởi công dựng đình mới, năm sau (Canh Tý- 1720) khánh thánh, là ngôi đình lớn thuộc loại nhất nhì ở Bắc Bộ thời đó, với năm gian hai chái. Đình đã được xếp hạng di tích Kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia. Đình làng thờ sáu vị thành hoàng (Lục vị nhà thánh), gồm ba vị thiên thần và ba vị nhân thần, trong đó, 3 vị có “vỏ” ngoài mang yếu tố Trung Hoa, nhưng bên trong mang yếu tố Việt rất rõ nét; thể hiện sự tôn kính với tự nhiên, với những người có công che chở, phù hộ cho dân làng. Sáu vị thành hoàng đã được các đời vua ban nhiều sắc phong. Hiện tại trong đình còn lưu giữ 44 đạo sắc, trong đó có đạo năm Quang trung thứ 5 (1792) và năm đầu niên hiệu Cảnh Thịnh (1793, ảnh chú thích ghi niên hiệu "Cảnh Hưng" là không đúng).
Làng trước đây chỉ làm hai vách Tả và Hữu. Vách Tả thờ chung năm vị thành hoàng, dân làng gọi là Năm Đức Thánh Ông, vách Hữu chỉ thờ Lã Thánh Hậu Đệ tam, gọi là Đức Thánh Bà. Năm 1942, hai miếu đều bị lở xuống sông Hồng. Dân làng chuyển các vị thần ở miếu vách Hữu về phía sau đình, nay là hậu cung, còn Đức Thánh Bà thì lập gian thờ riêng kề cận ở bên trái.
Làng Bát Tràng có đền Mẫu, thờ một vị một Nữ thần là người làng, dân làng quen gọi là Bà Quận Bản Hương, Mẫu Bản Hương hay Mẹ Bản Hương, sống khoảng cuối thời Mạc (cuối thế kỷ XVI).
Là một làng có truyền thống học hành thành đạt, nên làng Bát Tràng có văn chỉ (văn từ) bề thế, kết cấu chữ Nhị, chưa rõ được dựng từ bao giờ, nhưng mới được trùng tu quy mô năm 2016,. Đây là nơi thờ Khổng Tử, 9 vị tiến sĩ và 364 vị tiên nho tiên hiền của làng.
Làng Bát Tràng trước đây có ba ngôi chùa, song hiện nay chỉ còn chùa Kim Trúc (Kim Trúc tự). Chưa rõ chùa được dựng từ bao giờ, song tại chùa còn tấm bia dựng vào tháng Năm (Trọng Hạ), năm đầu niên hiệu Vĩnh Hựu (khoảng tháng 6/1735), có nội dung về việc tu bổ chùa.
Làng Bát Tràng hiện còn một hệ thống nhà thờ của các dòng họ: Vương, Hà Hữu, Lê (tiến sĩ), Lê (Lê Vũ công thần), Trần Đông Hội, Nguyễn Đức (Nguyễn Đông Hội), Nguyễn Thiện Quan Giáp, Phạm Ngũ chi, Trần Đông Cục, Trần Đồng Tâm, Nhà thờ họ Vũ và nhà thờ Tiến sĩ Vũ Văn Tuấn.
Ảnh Văn chỉ làng Bát Tràng do Nguyễn Thu Hiền chụp 14/3/2025); các ảnh còn lại tác giả chụp năm 2012.
Tất cả cảm xúc:
51Ngân Hà, Thiền Phong và 49 người khác
https://www.facebook.com/bui.xuandinh.53/posts/pfbid02uFfxv6cGzDydYGZuhnMzUEJ6NZ3o1p1jmm9MnFJoqqdYe9jjeSHC1ZwHs62YGLjLl
..
III.
LÀNG NGHỀ, LÀNG BUÔN, LÀNG KHOA BẢNG, LÀNG VÕ (tiếp theo số ngày 14/3/2025)
Sáng nay, sau 12 năm kể từ ngày Hội làng Bát Tràng kết hợp lễ ra mắt sách “Bát Tràng, làng nghề- làng văn” (năm Quý Tỵ, 2013), mới trở lại hội. Hội của làng nghề, làng giàu có, làng quảng giao, nên quá đông. Ảnh của nhiều người chụp nên chưa thu được đưa tạm mấy kiểu.
Bây giờ tiếp mạch giới thiệu về làng Bát Tràng (sáng nay, ở hội, gặp lại nhiều người quen và không quen, bà con nhiệt liệt hoan nghênh các bài giời thiệu làng trên Fây của mình và mong mình viết cho đủ các bài về các mặt của làng. Vậy là tranh thủ viết Phần III).
III. NHỮNG NÉT KHÁC BIỆT, ĐỘC ĐÁO NHẤT VỀ TỔ CHỨC XÃ HỘI
1. Trong quan hệ gia đình ở làng Bát Tràng, người phụ nữ có vai trò rất lớn. Phần lớn các công việc trong nhà, việc lớn là buôn bán (buôn cau khô, nước mắm) kiếm tiền để đảm bảo đời sống, các việc “nhỏ” như bếp núc, chăm sóc con cái, đều do họ gánh vác, người chồng chỉ chuyên chú vào việc học hành hoặc việc công sở. Rất nhiều trường hợp, người vợ, người mẹ vực kinh tế gia đình từ con số không, hoặc từ sự đổ nát, thua lỗ, phá sản. Vì người phụ nữ có công lớn, lại ăn ở hiếu nghĩa, nên trong các gia đình, con dâu được quý trọng, quan hệ căng thẳng mẹ chồng - con dâu vốn là “cố hữu” ở các làng quê Việt vùng châu thổ Bắc Bộ thì lại rất hy hữu ở đây.
2. Bát Tràng từ xưa là nơi cư trú của nhiều dòng họ. Hiện ở hai đầu hồi đình làng, có gian thờ tổ 23 dòng họ từng sinh sống, có công xây dựng, phát triển làng, gọi là “Lòng giường họ” (Bên trái/theo hướng đình có 11 bát hương của 11 họ thuộc vách Tả; bên phải có 12 bát hương của 12 họ thuộc vách Hữu). Quan hệ giữa các dòng họ nhìn chung cũng giống như ở các làng quê khác, lúc thuận, khi không hòa; song thuận hòa là mạch chủ đạo. Điều này thể hiện ở lễ rước bát hương tổ họ về đình, diễn ra vào tối 12 tháng Hai. Khi kiệu các dòng họ từ các nhà thờ tổ được rước ra đình, người các họ gặp nhau ở ngoài đường hay ở sân đình, đều làm lễ tham bái (chào) kiệu của nhau, cùng chào nhau là “Đàn anh” hay “Quan anh”, rồi nhường nhau đi trước. Còn tại lễ “ăn xạc”, tức lễ thụ lộc tổ diễn ra vào đêm ngày 15 tháng Hai. Không chỉ những người đang hiện diện ở trong đình, mà tất cả mọi người ở trong làng đến giờ đó nếu còn thức đều ra đình, đến khu vực lòng giường họ để hưởng lộc. Cỗ bày ra không chỉ để người trong họ thụ lộc, mà cả người (cả già trẻ), bên ngoại, bên vợ, cả người các họ không có quan hệ huyết thống, hôn nhân cũng có thể đến dự, đến chỗ của họ nào cũng có được mời chào thân tình, ăn uống thoải mái, thậm chí có người quá chén nằm lăn ra cũng chẳng ai trách.
Một tục thể hiện sự tri ân tổ tiên của người Bát Tràng được duy trì từ bao đời là trong lễ giỗ tổ của các dòng họ hàng năm, cỗ sang hay “nhạt” tùy khả năng kinh tế (quỹ họ và đóng góp tự nguyện) của người từng họ, song bắt buộc phải có ba món: cháo hoa, cơm nắm và thịt mỡ luộc. Người Bát Tràng giải thích, món cháo hoa tượng trưng cho miếng ăn lúc khó khăn buổi ban đầu người làng từ Bồ Bát ra lập nghiệp ở Bạch Thổ phường, ngay cả khi đã định cư được rồi, vẫn đầy thiếu thốn, vất vả. Món cơm nắm là đồ ăn không thể thiếu được mỗi khi phải đi xa, mà người Bát Tràng với công việc buôn bán luôn phải nay chợ này, mai chợ nọ. Còn món thịt mỡ, là món ăn “sang”, khi đã được no đủ (trong điều kiện cuộc sống thời phong kiến xưa kia). Ba món đó là sự hồi tưởng cuộc sống khó khăn, vất vả, thiếu thốn của cha ông xưa kia, giống như tục cúng lề của người Việt ở một số địa phương đồng bằng Nam Bộ. Ngày nay, dù đời sống vật chất đã tốt lên gấp bội phần, trong lễ dâng lên tổ, vẫn có ba món này, như là sự biết ơn tổ tiên một cách thành kính và nhắc nhở con cháu phải luôn biết ơn tổ tiên, không bao giờ quên được những thời đoạn gian truân và do vậy, dù no đói, sướng khổ đều phải có nhau. Quả là miếng ăn của làng Bát cũng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, truyền đời.
3. Điều độc đáo nhất của cơ cấu tổ chức làng Bát Tràng trước tháng 8/1945 là thiết chế giáp và vách. Theo các tài liệu còn lưu, trước kia làng có 9 giáp (hay nóc), mỗi giáp gồm một số họ. Chín giáp được chia làm hai vách Tả và Hữu. Theo thời gian, do nhiều nguyên nhân, đến đầu thế kỷ XX, làng Bát Tràng có đến 23 giáp được tổ chức theo từng dòng họ. Vì thế, tên các họ thường gắn với tên giáp, chẳng hạn, họ Trần Đông Hội, họ Trần Đông Cục, họ Trần Đồng Tâm... Vách Tả có 11 giáp (11 họ), vách Hữu có 12 giáp (12 họ). Vách chịu trách nhiệm thờ các vị thành hoàng (vách Tả thờ Ngũ linh miếu, tức 5 vị thành hoàng, ngày tế chính là 30 tháng Tám; vách Hữu thờ Đức Thánh Bà vào ngày mồng 2 tháng Chạp). Đây là hiện tượng tương đối đặc thù của làng xã vùng châu thổ Bắc Bộ. do thiết chế tổ chức giáp - vách này, kết hợp với nguồn tài chính dồi dào nên trong đời người, người trai đinh không phải gánh vác các nghĩa vụ nặng nề, như nuôi lợn thờ, thổi xôi thờ, hay “cơm lần gà lượt”, như ở phần đông các làng quê nông nghiệp.
4. Một trong những điểm nổi bật nhất về phương diện xã hội của làng Bát Tràng, cho đến hòa bình lập lại (năm 1954) là sự phân biệt chính cư - ngụ cư, vốn đã ngặt nghèo ở các làng nông nghiệp; ở Bát Tràng, lại càng khắc nghiệt hơn mà nguyên nhân sâu xa là do tính chất nghề của làng quy định. Sự phân biệt này thể hiện ở các điểm sau:
+ Trong giao tiếp hàng ngày, người ngụ cư (dân làng Bát Tràng gọi là “ở ngụ”) không gọi bằng các danh xưng “ông, bà, cụ”, mà gọi là ”chú” (với nghĩa là chú em và trú ngụ) - đối với nam giới ít tuổi, nếu nhiều tuổi thì gọi là “lềnh”; còn với phụ nữ thì gọi “thím” (nếu ít tuổi hơn hoặc còn trẻ ) hoặc “già” (nếu nhiều tuổi hoặc đã về già).
+ Người ở ngụ khi đi trên đường làng Bát Tràng không được đi giày, chỉ được đi dép hoặc guốc.
+ Ở phần đông các làng nông nghiệp, dân ngụ cư sau ba đời (hoặc đến đời thứ ba) có thể trở thành dân chính cư, song ở Bát Tràng, người ở ngụ dù đã sống được bao nhiều đời cũng không được nhập tịch để trở thành người làng.
+ Người ở ngụ không được mua nhà ở làng Bát Tràng (dù họ đã ở lâu năm và có nhiều tiền); có muốn mua cũng không ai là người làng Bát Tràng chịu bán. Người chính cư Bát Tràng nào vượt ra ngoài “khuôn phép” đó, bán nhà cho người ở ngụ, các chức dịch cũng không chứng thực.
+ Trong việc hôn nhân, con trai, đàn ông làng Bát Tràng không lấy con gái, phụ nữ ở ngụ và ngược lại. Vào những năm 1940 của thế kỷ trước, đã có một nam giới Bát Tràng “vượt” khỏi tục lệ này, liền bị chế giễu đến mức không chịu nổi, vợ chồng phải bỏ làng, đi đến một nơi khác sinh sống.
Sau hòa bình lập lại, sự phân biệt ngặt nghèo chính cư - ngụ cư này mới chính thức bị xóa bỏ.
********
Ảnh 1: Tại đình, cùng với Doanh nhân thành đạt Hà Thị Vinh, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012
Ảnh 2 - 4: Tại Bảo tàng gốm của Doanh nhân Hà Thị Vinh, cùng học trò, TS. Nguyễn Thu Hiền, (làm luận án về dòng họ ở Bát Tràng do mình hướng dẫn, bảo vệ năm 2015).
Ảnh 5: Bình hút lộc do Doanh nhân Hà Thị Vinh tặng.
Ảnh 6 - 7: Thụ lộc tại đình với những người nổi tiếng.
Ảnh 8: Lòng giường họ, nơi thờ tổ các dòng họ làng Bát Tràng (Vách Hữu, tác giả chụp năm 2011)
Ảnh 9: Tác giả tại Hội Bát Tràng năm Quý Tỵ 2013.
https://www.facebook.com/bui.xuandinh.53/posts/pfbid02JF8SRtpdp6c3Ns1Qp4qTQcmL5HxLhZiNujwHV4YrbohYSm5wAmUE4FmCPEJ3MH1Kl
..
II.
LÀNG NGHỀ, LÀNG BUÔN, LÀNG KHOA BẢNG, LÀNG VÕ (tiếp theo số ngày 13/3/2025)
II. NHỮNG ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN VỀ ĂN, Ở
So với các làng nông nghiệp, làng Bát Tràng với nghề gốm, nghề buôn, nhiều người làm công chức, dạy học... nên có thu nhập cao hơn, ổn định hơn, có cuộc sống vật chất khấm khá hơn. Điều này thể hiện trên tất cả các phương diện: ẩm thực, ăn mặc, nhà cửa.
1. Ăn
- Do có nguồn thu nhập cao, người Bát Tràng không phải bận tâm đến “an ninh lương thực” (người làng chuyên “gạo chợ nước sông”, nhưng xưa kia, nồi cơm trong bữa ăn hàng ngày không phải trộn thêm sắn, khoai lang, ngô…).
- Người Bát Tràng ăn ba bữa, không phụ thuộc vào ngày mùa hay giáp hạt, song không phải ăn cháo thay cơm, hay ăn độn như ở làng nông nghiệp.
- Người Bát Tràng ăn ngon và ăn tinh tế. Điều này vừa do người phụ nữ vốn đảm đang, khéo tay trong việc bếp núc, chiều chồng, không bị cuốn hút vào sản xuất nông nghiệp nên có nhiều thời gian để nghĩ và chế biến ra nhiều món ăn ngon ; vừa do có cơ sở kinh tế vững, tiếp xúc nhiều với cư dân đô thị, nên có điều kiện để ăn ngon. Người Bát Tràng tổng kết, đi đến các đô thị, nhìn cung cách ăn uống là có thể nhận ra người làng mình. Chuyện kể rằng, tại một chợ huyện nọ, những người lính lệ mấy ngày liền thấy mấy người phụ nữ ăn quà giữa chợ, ăn “một xôi hai chả”, giống hệt “tiêu chuẩn ăn” của viên quan tri huyện, nên nghĩ rằng, mấy người nọ « phạm thượng », có ý diễu quan huyện, bèn bắt họ vào huyện đường bẩm tâu. Quan tri huyện vừa nhìn thấy họ, biết ngay là người cùng quê Bát Tràng với ông !
- Người Bát Tràng có nhiều món ăn độc đáo, trong đó có tiếng nhất là măng mực, thịt chó (với điều riêng biệt nhất là đồ chấm không phải mắm tôm, mà bằng nước óc mật, tức óc chó dầm nát, trộn với mật chó, nước riềng và gia vị rồi đun sôi). cá mòi nướng, chả ba họ ….
2. Ở
Cấu trúc vật chất của làng xóm ở Bát Tràng có mấy điểm khác biệt :
- Làng không có luỹ tre xanh bao bọc quanh, trong làng không có bất kỳ cái ao nào, vốn có nhiều công dụng đối với người dân quê (giặt giũ chứa nước và thoát nước). Ngoại trừ tại khuôn viên các đình chùa, đền miếu, còn trong làng hầu như không có bóng cây nào. Bao quanh làng không có các đồng lúa có các màu của lúa và các loại hoa màu thay nhau phủ lên theo mùa vụ.
Đường trong làng rất nhỏ hẹp, đường chính chỉ khoảng 4 mét, các ngõ chỉ rộng 3 mét, rất nhiều ngõ chỉ 2 mét. Khi có hai người gồng gánh (hay đi xe đạp, xe máy) ngược chiều nhau thì một người phải lùi vào cổng khuất hoặc lối rẽ để nhường cho người kia đi. Nếu gồng gánh, chuyên chở cồng kềnh, thời gian nhường tránh càng nhiều hơn. Đặc điểm này đã rèn cho người Bát Tràng tính kiên nhẫn, chịu đựng, nhường nhịn rất cao.
-Do là làng làng gốm, gách ngói, nên đường làng, đường ngõ đều được lát gạch, kín đến sát tường nhà của các gia đình nên luôn sạch sẽ và khô ráo ; trong khi ở các làng nông nghiệp, đường chỉ được lát một phần ở giữa, hai bên để rãnh Đường làng ngõ xóm ở Bát Tràng không hề bị ngập và lầy lội.
- Do đất thổ cư hẹp nên phía ngoài khuôn viên mỗi gia đình không có hàng rào cây bao bọc, mà thay bằng tường quây xung quanh. Trong làng không có một vườn cây; không một nhà nào có một cái ao, hay ít nhất là một khoảnh vườn.
Về nhà cửa, có mấy điểm khác biệt, với tư cách làng nghề,
+ Toàn bộ nhà cửa trong làng là nhà gạch, lợp ngói san sát nhau, trông như một khu phố (vừa do làng sẵn gạch, các gia đình đều khá giả, vừa do yêu cầu phòng hỏa của một làng luôn có các lò nung gốm đỏ lửa).
+ Phần đông các gia đình có kinh tế khá đều dựng nhà gỗ lim, một số bằng gỗ đinh, sến, trai ..., bền vững với thời gian.
+ Nhà nào cũng xây bể hầm chứa nước sinh hoạt, xây kiên cố, cầu kỳ, bể sâu thường lút đầu người, bề dài chạy theo hàng hiên, bề rộng chạy hết sân; hay có thể nói, ở bên dưới gần hết diện tích sân là bể chứa nước, với dung tích khoảng 20 - 30 khối nước
+ Các gia đình phải xây cống thấm để thoát nước thải, do đường làng, đường ngõ không có rãnh.
+ Bố trí không gian trong nhà ở rất gọn. Cuối nhà dưới (hay nhà ngang) không có chuồng lợn, chuồng gà (chỉ một số ít nhà “thanh cảnh” có chuồng chim bồ câu nuôi cho vui mắt và lấy thịt “ăn chơi“); ngoài sân không có đống rạ dự trữ để đun, đống rơm làm thức ăn dự trữ cho trâu (bò). Khu vực bếp không có cối xay và cối giã, không bề bộn bởi rơm rạ và các đồ nông cụ, gia cụ, chỉ có một vài bó củi được xếp gọn và ngay ngắn
+ Những nhà đất chật, thường phải “mượn” tường của nhà láng giềng (đương nhiên phải được chấp thuận). Như một luật bất thành văn, phải tạo các ô cung bảng ở các tường đốc và tường hậu giáp giới với láng giềng, để khẳng định mốc giới.
(Còn nữa)
Ảnh: Tường, đường làng, nhà cưa cũ, tác giả chụp năm 2011.
Tất cả cảm xúc:
73Lí Học, Lê Thế Chiến và 71 người khác
https://www.facebook.com/bui.xuandinh.53/posts/pfbid08WWjN66sjY27eZRjQxPY22yPg843YYr2F7YQB5zKW2q1Rcad6XoXd46JTXLcspMDl
..
I.
LÀNG NGHỀ, LÀNG BUÔN, LÀNG KHOA BẢNG, LÀNG VÕ
Những ngày này, dân làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm, HN) tưng bừng mở hội. Xin giới thiệu với cộng đồng “Làng Việt xưa và nay” vài nét về làng quê này. Bài rút ra từ cuốn sách “Bát Tràng, làng nghề - làng văn” do tôi chủ biên, Nxb. Hà Nội, 2013. Trước khi xuất bản thành sách, công trình đã được trao giải Nhì B (giải cao nhất) của Hội VNDG Việt Nam năm 2012.
Vì bài dài, nên chia thành nhiều số.
1.Nguồn gốc dân cư
Làng Bát Tràng ở bờ Tả, ven sông Hồng, là “điểm đầu” của một con đường Thiên lý từ bến sông Bát Tràng (bên kia sông là phía Đông Nam Kinh đô Thăng Long, ở cửa Ô Đống Mác) đi Đông Cao - Kiêu Kỵ - Trâu Quỳ hoặc Kiêu Kỵ - Phú Thị, xuống Hải Dương. Trong tác phẩm “Thượng kinh ký sự”, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho biết, ông đã hai lần đi trên đường này, trong đó, lần thứ hai, vào ngày 10 tháng Chín năm Nhâm Dần niên hiệu Cảnh Hưng (16/10/1782), được chúa Trịnh cho về thăm quê ở Hải Dương. Thuyền đỗ ở bến Bát Tràng, ông rời thuyền lên bộ, thấy “hai bên đường, làng xóm sầm uất, đình chùa mái ngói đỏ san sát, hàng quán bán rượu, bán nước liền nhau”. Từ đây ông đi tiếp về quê ở làng Liêu Xá (Xứ Đông, nay là huyện Văn Lâm, tỉnh Hải Dương). Từ Đông Cao còn có một nhánh đường Thiên lý ra Bồ Đề, để từ đây có 3 con đường Thiên lý khác, đi các trấn lỵ phía Bắc (nay là các Quốc lộ 1A đi Lạng Sơn, Quốc lộ 2 A đi Hà Giang, Quốc lộ 3 đi Thái Nguyên, Cao Bằng), được ghi trong sách “Kinh Bắc phong thổ ký” (soạn đầu thế kỷ XIX).
Vị trí “nhất cận giang, nhì cận lộ”, Bát Tràng sớm có cư dân đến lập nghiệp. Theo các nguồn tư liệu, khi Lý Thái Tổ dời đô thừ Hoa Lư ra định đô tại thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long, có một lớp cư dân từ vùng Ninh Tràng (giáp ranh hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa hiện nay) ra vùng ven sông Hồng gọi là “Bạch Thổ” lập nghiệp nhằm phục vụ cho việc xây dựng thành quách, cung điện, công sở, kho tàng, các công trình thờ cúng của Kinh đô. Cuối thời Trần, đầu thời Lê, thêm nhiều dòng họ từ vùng Bồ Bát (nay thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) chuyển ra. Và đến thời Mạc, thêm nhiều dòng họ từ Bồ Bát nữa, phát triển thành làng xóm đông đúc. Dân làng lấy hai từ của tên làng gốc (Bồ Bát và Ninh Tràng) đặt tên cho làng mới là “Bát Tràng”. Đến đầu thế kỷ XX, làng Bát Tràng là nơi sinh sống của 23 dòng họ, trong đó Nguyễn Ninh Tràng được coi là họ sớm nhất (về sau, dòng họ này đã hiến đất nhà thờ họ cho làng dựng đình), nên được dân làng trọng vọng (được giữ thủ từ đình, khi vào đình được đi cửa giữa, trong lễ rước nước ngày hội, được cầm gáo đồng múc nước vào chum về đình cúng tế).
2. Kinh tế
Bát Tràng là làng duy nhất ở vùng châu thổ Bắc Bộ không có ruộng cấy lúa, phần đất bãi ven sông Hồng năm lở năm bồi, gieo trồng các loại hoa màu không hiệu quả, trong khi làng có nghề gốm phát đạt, nên dân làng cho các làng bên cạnh canh tác, phần sản phẩm nộp lại chỉ là “tượng trưng”.
Theo các nguồn tư liệu, nghê gốm của làng Bát Tràng đem từ quê gốc Ninh Tràng - Bồ Bát ra. Lúc đầu chỉ làm gạch ngói (gạch Bát Tràng nổi tiếng cả nước, thời Tự Đức, dân làng từng ủng hộ hơn 3.000 viên gạch để xây kinh thành Huế), về sau mới phát triển các sản phẩm gốm dân dụng, gốm mỹ thuật, phục vụ dân sinh và đời sống quan lại các cấp, cả cung đình và bán cho các nhà buôn nước ngoài. Ngày nay, tại nhiều bảo tàng trong nước, cả ở Pháp, Mỹ còn lưu nhiều sản phẩm gốm Mỹ nghệ của Bát Tràng được sản xuất vào thời Mạc.
Ngoài làm gốm, người Bát Tràng còn thạo việc buôn bán, với hai sản phẩm chính là nước mắm và cau khô, với vai trò chủ đạo thuộc về phụ nữ. Cau khô và nước mắm Bát Tràng chiếm lĩnh thị trường rộng lớn, không chỉ vùng châu thổ mà còn ở nhiều tỉnh miền núi. Người Bát Tràng buôn tận gốc, bán tận ngọn, nên lãi suất của hai nghề này rất cao. Hơn thế nữa, nghề buôn còn hỗ trợ rất hiệu quả cho việc tiêu thụ sản phẩm gốm. Làng có chợ. Chợ Bát Tràng là chợ lớn trong tỉnh Bắc Ninh trước đây. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Chợ Bát Tràng ở huyện Gia Lâm, gần bờ phía Bắc sông Nhị, thuyền buôn tụ tập, mỗi ngày chợ họp hai buổi sáng chiều”.
Ngoài các nghề chủ đạo trên đây, làng còn có nghề làm giỏ ấm tích, đặc biệt là nghề làm thuốc Bắc. Nghề này “đi theo” nghề gốm, nghề buôn, nghề dạy học; song lại quay trở lại giúp cho các nghề trên phát triển.
Sự năng động trong việc tạo dựng các nghề và làm nghề hiệu quả giúp cho làng Bát Tràng có một đời sống rất khấm khá. Sách “Bắc Ninh địa dư chí” (soạn cuối thế kỷ XIX) chép :”Làng Bát Tràng trong làng thì gác lầu san sát, thuyền bè tụ tập, gái thạo buôn bán, trai quen nếp sống phong lưu”.
(Còn tiếp)
Ảnh 1 : Đình làng Bát Tràng; Ảnh 4: Tác giả tại hội làng Bát Tràng năm Quý Tỵ 2013.
https://www.facebook.com/bui.xuandinh.53/posts/pfbid0FjzN9mgKSXHdSjju8f77xz2V6XbR9oxx2WXDoHYp575P4BRxzgEkbLsXbNzniH4Ml
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.