Bài đăng trên tạp chí Di sản Văn hóa số 1 (58) năm 2017.
Sau đó, bản word được đưa lên website của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Chép nguyên về từ website.
Tháng 2 năm 2025,
Giao Blog
---
..
1.Các di sản văn hóa thiên nhiên hùng vỹ, xinh đẹp, hấp dẫn, trải dài trên nhiều địa phương trong nước.
2.Các di sản văn hóa ẩm thực, đặc sản vùng miền, nguồn tài nguyên thiên nhiên được con người khai thác, cải tạo, chinh phục và không ngừng phát triển.
3.Hệ thống các bảo tàng , di tích lịch sử trong nước cùng với danh lam thắng cảnh, với lễ hội phong phú , đa dạng, nhiều sắc thái riêng biệt.
4.Hệ thống di sản làng nghề truyền thống : đúc đồng, làm gốm, làm mộc, khắc đá, dệt vải …với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, tạo ra hàng triệu di sản văn hóa vật chất cùng những giá trị văn hóa phi vật thể.
Trong bài viết ngắn này, tôi xin trao đổi đôi điều về vấn đề Làng nghề truyền thống với phát triển du lịch : nhìn từ làng cổ Bát Tràng.
1.Vài nét về lịch sử văn hóa làng gốm Bát Tràng
Bát Tràng là một làng nghề sản xuất đồ gốm đã có lịch sử hơn 500 năm. Đây là một làng cổ nằm bên sông Hồng, phía bắc kinh đô Thăng Long xưa, nay là Thủ đô Hà Nội . Nơi đây đã từng làm ra nhiều vật phẩm gốm quý mang sắc thái riêng mà trong nhiều thế kỷ qua được ưa dùng từ làng xã đến Cung đình, từ quà tặng biếu dân gian đến đồ cống phẩm ngoại giao. Sách Dư địa chí, bộ sách địa lý cổ quý giá của nước ta còn lại đến nay , do Nguyễn Trãi soạn năm 1435, đã cho biết: “Trong đồ cống nạp phong kiến phương Bắc, làng Bát Tràng phải cung ứng 70 bộ bát đĩa “.
Làng Bát Tràng xưa và nay (nguồn ảnh: Internet).
Bát Tràng là nơi còn bảo tồn nhiều di tích lịch sử văn hóa như mọi làng quê Việt Nam xưa gồm Văn chỉ, Đình, Chùa, Đền, Miếu, là những dấu hiệu chứng minh về một làng quê văn hiến. Văn chỉ làng Bát Tràng ở phía sau Đình, ngay trên tam quan có 3 chữ đại tự Ngưỡng di cao (Trông lên vời vợi). Mỗi khi họp làng văn, các quan viên coi việc Văn chỉ lại đem 2 bức trướng vóc ghi đủ tên họ của 364 vị khoa bảng của làng treo lên trang trọng để mọi người chiêm ngưỡng. Đây là nét tự hào riêng của người Bát Tràng và là nguồn động viên khuyến khích các thế hệ con cháu đời đời chuyên tâm học hành tấn tới. Đình làng Bát Tràng nay đã được khôi phục theo bản vẽ thiết kế còn lưu giữ được của Trường Viễn Đông Bác cổ. Đây cũng là ngôi đình lớn của xứ Kinh Bắc xưa. Theo tài liệu bia ký, đình Bát Tràng đã được trùng tu, lợp ngói với quy mô đồ sộ vào tháng chạp năm Canh Tý, niên hiệu Bảo Thái (1720), đời vua Lê Dụ Tông. Đình xây theo kiểu chữ Công, phía trong là tòa hậu cung gồm 3 gian , phía ngoài là tòa đại bái gồm 5 gian 2 chái. Cột đình làm bằng gỗ lim to hàng người ôm. Các gian bên được lát bục gỗ để làm chỗ ngồi. Đình trông ra dòng Nhị Hà mênh mông, xa xa là núi Tam Đảo, Ba Vì, phong thủy thật là đẹp đẽ. Đến nay, trong đình còn lưu giữ được hơn 50 đạo sắc phong thành hoàng làng của các triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Đặc biệt có nhiều đạo sắc của vua Quang Trung và Cảnh Thịnh. Đây là những di vật vô cùng quý giá của đình làng. Trong đình còn đôi câu đối nói về việc chuyển cư từ Bồ Bát (Ninh Bình) như sau:
Bồ di thủ nghệ khai đình vũ ;
Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần
Dịch nghĩa ;
Đem nghề nghiệp từ làng Bồ ra đây để xây dựng đình miếu;
Lòng dân thành kính tựa hương lan dâng lên cúng tạ thánh thần.
Ngoài di tích Văn chỉ, đình làng, ở Bát Tràng còn các ngôi chùa Kim Trúc, chùa Bảo Minh. Trong chùa còn giữ được quả chuông đồng rất quý, đúc năm Ất Mão, niên hiệu Cảnh Thịnh 3 (1795). Chùa Tiêu Giao còn quả chuông đồng, đúc năm Giáp Thân (1824) đời vua Nguyễn Minh Mệnh.
Di tích Đình Bát Tràng (nguồn ảnh: Internet).
Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu, luận văn, luận án, bài viết về làng cổ Bát Tràng. ( Nguyễn Mỹ Thanh, 2012). Không chỉ làm rõ về mặt khảo cổ học, sử học, các nhà khoa học còn đi sâu nghiên cứu nhiều khía cạnh khác về văn hóa làng nghề. Những câu chuyện huyền thoại kể về những Ông tổ nghề gốm đã từng lưu truyền như một kiểu đề cao nghề nghiệp theo quan điểm phong kiến đã được các nhà khảo cổ chứng minh sự phi lý và siêu thực tế. Đó là câu chuyện kể về ba vị đỗ Thái học sinh thời Trần (như Tiến sỹ ở thời Lê - Nguyễn) được triều đình cử đi sứ Bắc quốc là Hứa Vĩnh Kiều (hay Cảo, vì 2 chữ này giống nhau) người làng Bát Tràng cùng với Đào Trí Tiến người làng Thổ Hà và Lưu Phương Tú người làng Phù Lãng. Sau khi hoàn tất công việc ngoại giao, trên đường về nước qua vùng Triều Châu gặp bão lớn phải dừng lại nghỉ. Nơi đó có xưởng Khai Phong. Ba ông bèn học lấy nghề gốm rồi đem về nước truyền bảo cho dân quê mình. Do vậy mà làng Bát Tràng chuyên chế các hạng gốm men có sắc trắng, làng Thổ Hà chuyên chế các hạng gốm men có sắc đỏ, còn làng Phù Lãng chuyên chế các hạng gốm men có sắc vàng thẫm. .Thực tế là tới nay không có ai ở Bát Tràng thừa nhận Hứa Vĩnh Cảo là ông tổ nghề mình.( Đỗ Thị Hảo, 1989,tr 51-53)
Lịch sử văn hóa làng nghề Bát Tràng còn được biết đến với sự hình thành của làng Bát Tràng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ,q 7, kỷ nhà Trần) có chép vụ lụt lội xảy ra vào tháng 7 năm Nhâm Thìn, năm 12 niên hiệu Thiệu Phong (1352)” Nước sông lớn tràn lan, vỡ đê Bát - Khối, lúa má bị ngập… châu Khóai, châu Hồng ….hại nhất”. Đê Bát- Khối nói ở đây là chỉ đê Bát Tràng và Cự Khối. Vào tháng 12 năm Bính Thìn, năm thứ 4 niên hiệu Long Khánh (1376) sử chép việc vua Trần Nhân Tông mang 12 vạn quân có đi qua bến sông xã Bát. Như vậy, xã Bát đã xuất hiện trong đơn vị hành chính từ thời Trần. Cho đến giữa thế kỷ 15, Bát Tràng chắc chắn đã có tên gọi trong chính sử thời Lê- Sơ.
Đền Mẫu ở Bát Tràng (nguồn ảnh: Internet).
Quá trình thành lập làng Bát Tràng dường như liên quan đến sự tụ cư và chuyển cư đã diễn ra qua thời gian khá dài. Nghiên cứu các tài liệu văn hóa dân gian cho thấy Bát Tràng có hơn 20 dòng họ lớn đã có mặt ở Bát Tràng như họ Trần, Lê, Nguyễn, Đỗ…Nơi đây còn giữ được nhiều nét văn hóa riêng của làng nghề truyền thống. Đó là những tập tục, sinh hoạt văn hóa riêng như phương châm xử thế theo Hương ước của làng , lệ làng phép họ, tục kết chạ, lệ ma chay, lệ cưới xin…Đặc biệt có thơ ca dân gian gắn với làng nghề. Đây là sáng tác của những người thợ nhằm bộc lộ tâm tư tình cảm của minh đồng thời đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội. Bát Tràng là làng quê có truyền thống về văn học và dấu ấn nghề nghiệp thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ. Nhiều thành ngữ nói về kinh nghiệm sản xuất gốm như: Nhất xương nhì da thứ ba dạc lò; kinh nghiệm làm men gốm: nhỏ gio to đàn; nói về khuyết tật sản phẩm:Thắt vách rách lợi là nói thân sản phẩm bị thắt còn phía trên miệng bị nứt ra hay chỗ dày chỗ mỏng có câu: lành canh lợi đuối. vv…
Ở Bát Tràng còn truyền tụng đôi câu đối gắn liền với nghề gốm:
Bạch lĩnh chân truyền nê tác bảo;
Hồng lô đào chú thổ thành kim
Dịch nghĩa:
Núi đất trắng truyền nghề bùn thành vật quý;
Lò lửa hồng hun nặn đất hóa nên vàng.
Bát Tràng cũng là làng có nhiều vị đỗ khoa bảng của vùng Kinh Bắc xưa. Đến nay đã thống kê được những tên tuổi làm rạng rỡ quê hương Bát Tràng là Trạng nguyên Giáp Hải, một vị Tể tướng tài danh triều Mạc. Dưới triều Lê có Tiến sỹ Vương Thời Trung, Tiến sỹ Lê Hoàn Hạo (TK 16),Tiến sỹ Trần Thiện Thuật, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Liên. Tiến sỹ Lê Hoàn Viện, (TK 17), Tiến sỹ Nguyễn Đăng Cẩm, Tiến sỹ Lê Danh Hiển (TK 18), Tiến sỹ Vũ Văn Tuấn (TK 19). Nhiều vị tiến sỹ còn lưu danh trên bia Tiến sỹ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Bát Tràng còn có những võ quan có công với nước như Quốc công Vũ Ngang , khai quốc công thần triều Lê, Cơ Quận công Nguyễn Thành Trân ( Tk 17) có con nuôi là Nguyễn Thành Chương làm Hoài viễn tướng quân Tổng binh sứ ty Tổng binh Thiêm sự, tước Lâm Thọ hầu. Trong gia phả chi họ Nguyễn Thành ở Bát Tràng soạn vào ngày 24 tháng giêng năm thứ 18 niên hiệu Chính Hòa (1697) cho biết người vợ cả của Nguyễn Thành Chương là con Mỹ Quận công nước Nhật Bản. Bà họ Lý tên húy là Trước, tên hiệu là Quỳnh Quang, sinh ngày 25 tháng 7 năm Tân Hợi (1671) sinh hạ được 2 con trai là Thành Giáp và Thành Uy cùng ba người con gái ( Đỗ Thị Hảo, 1989,tr 49-50). Đây cũng là tư liệu góp vào lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Ngoài ra là các nhân vật khác như Quận công Nguyễn Tuấn (TK 17), Bùi Hối Trai (Tk 18). Trong thập niên cuối thế kỷ 19, nhiều con em Bát Tràng đã tham gia trong đội ngũ nghĩa quân Bãi Sậy của Thủ lĩnh Trần Thiện Thuật. Một người làng gốm Bát Tràng tham gia tích cực phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục là cụ Lê Thiện. Khi Thực dân Pháp đàn áp, cụ cùng nhiều hội viên khác bị chúng bắt đầy ra Côn Đảo. Năm 1912, Phạm Văn Tráng một người yêu nước cảm tử quê ở Bát Tràng từng tham gia trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động ở Trung Quốc, đã được tổ chức phái về nước thi hành án tử hình tên toàn quyền Đông Dương và tay sai đầu sỏ là Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Duy Hàn… Trái tạc đạn từ tay Phạm văn Tráng đã giết tên Nguyễn Duy Hàn trưa ngày thứ bẩy,12 tháng 4 năm 1913 ở gần tỉnh lỵ Thái Bình. Cùng với trái tạc đạn của Nguyễn Khắc Cần tung giữa phố Tràng Tiền diễn ra cùng ngày, giết chết tại chỗ 2 viên sỹ quan Pháp đã làm cho giặc Pháp càng lo sợ và điên cuồng khủng bố. Phạm Văn Tráng bị thực dân Pháp bắt và tuyên án tử hình cùng 7 chiến sỹ Việt Nam quang phục hội vào tháng 9 năm 1913. Liệt sỹ Phạm Văn Tráng đã treo một tấm gương sáng cho mọi thế hệ thanh niên làng gốm noi theo.( Đỗ Thị Hảo, 1989,tr 81-83).
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong số các bảo tàng Việt Nam cùng nhiều sưu tập tư nhân còn lưu giữ những bộ sưu tập gốm cổ Bát Tràng rất quý hiếm bao gồm nhiều loại hình đặc biệt thuộc các dòng men trắng, men rạn, men lam. Trong đó nhiều đồ gốm có khắc hay viết minh văn bằng chữ Hán, cho ta biết nhiều thông tin về gần 30 tác giả làm gốm là người Bát Tràng thời Lê - Mạc. Đó là ông sinh đồ đỗ tam trường đến ông xã trưởng. Đó là cả gia đình ông Đỗ Phủ với vợ và con trai, con gái, con dâu. Họ và tên những người đặt hàng gốm từ Phò mã, Công chúa đến các tầng lớp bình dân, trải dài trên nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ. (Nguyễn Đình Chiến, 1999, tr 6-7 ). Nhiều chiếc có ghi niên hiệu của triều vua, rất có thể là sản phẩm lò quan ở Bát Tràng hay hàng đặt của Cung đình dưới các vương triều Lê- Mạc - Nguyễn.
Tượng hổ, men rạn trắng ngà và nâu vàng (1740-1786)- Bảo tàng LSQG (Ảnh: QH).
Lư hương, men rạn ngà thế kỷ 18 - Bảo tàng LSQG (Ảnh: QH).
Đỉnh có nắp, men rạn và nhiều màu thế kỷ 19- Bảo tàng LSQG (Ảnh: QH).
Dưới triều Lê Sơ , cùng với trung tâm sản xuất gốm ở Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long (Hà Nội) gốm Bát Tràng đã từng tham gia xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á góp phần vào con đường tơ lụa trên biển. Ngày nay nhiều bảo tàng trên thế giới đã xây dựng sưu tập riêng về gốm Việt Nam như Nhật Bản, Philippine, Bỉ, Thổ nhĩ kỳ…mà trong đó có nhiều sản phẩm xuất xứ nơi sản xuất là lò gốm Bát Tràng. Sản phẩm gốm Bát Tràng là mặt hàng được nhiều nước ưa chuộng vì vẻ đẹp hài hòa độc đáo của hình dáng, màu men và nét vẽ. Theo ông A si li ce, chuyên gia gốm Nhật Bản từng nhận xét, trong khoảng 1597-1863, nhiều nghệ nhân lỗi lạc của Nhật Bản đã làm theo gốm “Kô Chi “(Giao Chỉ), nhất là các mẫu lọ lộc bình, bát trà đạo vẽ chuồn chuồn của Bát Tràng và ông bình luận rằng: ”Họ học hỏi với sự trân trọng và khiêm tốn , nhưng hoa đào núi Phú Sĩ, đường vân hoa văn như những vết nứt nặng nề của miệng núi lửa trên gốm Nhật Bản vẫn không sao hòa trộn được với những cánh sen, tàu chuối, văn mây của vùng đất cận Đông Nam Á này”.Chính là nhờ những bàn tay tài hoa của người thợ gốm Bát Tràng mà biết bao sản phẩm gốm đã trở thành món lợi lớn cho các thương nhân Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha, Pháp và Trung Quốc…Không chỉ phục vụ xuất khẩu, gốm Bát Tràng còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước với các chủng loại đồ gốm tôn giáo, gốm gia dụng và gốm trang trí kiến trúc. Bao nung gốm Bát Tràng cũng là một mặt hàng giá trị cao. Đó là loại gạch vuông Bát Tràng, đã đi vào ca dao Việt Nam :
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…
Triều đình nhà Nguyễn đã đặt ra lệ :” Làng Bát Tràng phải nộp thuế thân bằng gạch. Hạng tráng đinh phải nộp 300 viên gạch vuông mỗi năm, còn hạng lão chỉ phải nộp một nửa.” ( Đỗ Thị Hảo, 1989,tr 35). Ngày nay có dịp qua thăm các di tích của kinh đô Huế, chúng ta sẽ thấy những con đường, sân điện, sân lăng đều lát gạch vuông Bát Tràng.
TS. Nguyễn Đình Chiến
https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/19894/lang-nghe-truyen-thong-voi-phat-trien-du-lich-nhin-tu-lang-co-bat-trang-phan-1.html
..
Làng nghề truyền thống với phát triển du lịch: Nhìn từ làng cổ Bát Tràng (Phần 2 và hết)
25/04/2017 22:00 2952
Trước đây mươi năm, mấy ai nghĩ tới việc khai thác tiềm năng du lịch làng gốm cổ Bát Tràng. Đó hẳn là một khiếm khuyết lớn, không chỉ của ngành du lịch. Theo tôi mọi du khách tới Bát Tràng phải được thỏa mãn việc tìm hiểu về lịch sử làng gốm, có ấn tượng về qui trình sản xuất đồ gốm, hiểu được những nét đẹp, độc đáo và những điều hay của gốm Bát Tràng cả xưa và nay.
Đi tham quan quanh làng với cỗ xe trâu đặc biệt (nguồn ảnh Internet).
Hãy thỏa sức sáng tạo với đất sét để tạo ra sản phẩm gốm (nguồn ảnh Internet).
Chợ gốm Bát Tràng (nguồn ảnh Internet).
Đến thăm quan làng gốm cổ Bát Tràng, du khách phải được thăm quan góc làng cổ còn bảo lưu gần như nguyên vẹn ở thế kỷ 19 gần đình làng Bát Tràng với lối đi chật hẹp giữa những ngôi nhà gạch san sát...Đây là một đặc trưng rất riêng của làng nghề..Thăm quan các di tích lịch sử văn hóa của làng như Đình, Văn chỉ, Chùa, Đền…du khách sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về đời sống tâm linh của con người làng gốm cổ Bát Tràng.
Di tích Văn Chỉ tại Bát Tràng (nguồn ảnh Internet).
Khách du lịch có thể trải nghiệm công đoạn tạo hình sản phẩm gốm để có kỷ niệm về chuyến thăm làng gốm. Khách du lịch được tham quan các chủng loại sản phẩm đồ gốm mỹ nghệ cao cấp đặc sắc do các nghệ nhân thể hiện, các loại đồ gốm trang trí nội thất, các chủng loại đồ gốm gia dụng (đồ dùng ăn uống), đồ sứ công nghiệp do các lò tư nhân sản xuất với chất lượng ngày càng cao.
Du khách nhí nước ngoài thích thú trải nghiệm làm gốm (nguồn ảnh Internet).
Khách du lịch có nhu cầu mua sắm sản phẩm gốm Bát Tràng cần phải được phục vụ theo tinh thần văn hóa mới, đảm bảo chữ tín để mọi khách hàng hài lòng về chất lượng sản phẩm, về gía thành sản phẩm. Khách du lịch còn có nhu cầu thưởng ngoạn ẩm thực độc đáo như một bữa ăn bình dân, một món canh măng mực nấu theo cách riêng của người làng Bát Tràng. Uống trà nụ theo phong tục cổ truyền, phổ biến trong các gia đình ở Bát Tràng. Nhưng để làm được những điều mong muốn trên đây ai sẽ là người tổ chức và thực hiện. Đặc biệt là xây dựng một bảo tàng làng nghề gốm. Cho đến nay, việc xây dựng bảo tàng làng nghề ở Việt Nam đúng là còn lắm gian nan và lận đận. (Phạm Quốc Quân,2011, tr 446). Mấy năm trước đây tôi có nghe nói về dự án: Hành trình về làng nghề truyền thống nhưng hiệu quả chưa thấy rõ, chắc còn vướng mắc nhiều nguyên nhân. Vào đầu năm 2000 tại làng Bát Tràng xuất hiện một phòng trưng bày giới thiệu một số sưu tập gốm Bát Tràng, thế kỷ 18-20, nhưng chưa thật điển hình và hấp dẫn.Tôi đã có dịp thăm quan phòng trưng bày này và cảm thấy còn thiếu rất nhiều các loại hình hiện vật, đặc biệt là những dụng cụ làm gốm của các đời đã được dùng trước đây. Thực hiện theo tinh thần Luật Di sản văn hóa, gần đây Bảo tàng Hồn gốm Việt của Nghệ nhân Vũ Thắng đã được cấp phép hoạt động tại Bát Tràng nhưng tới nay vẫn còn ở giai đoạn chuẩn bị. Nhưng theo tôi, Bảo tàng làng gốm cổ Bát Tràng, tương xứng với tầm vóc lịch sử của làng, dù sớm muộn gì cũng cần phải có và đó phài là một điểm quan trọng trong Tour du lịch đến thăm quan làng nghề gốm Bát Tràng.
Nghệ nhân sản vẽ hoa văn trên gốm (nguồn ảnh Internet).
Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống còn thể hiện ở sự bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống. Tôi đã có dịp tới thăm quan Cảnh Đức Trấn, một làng nghề làm gốm nổi tiếng , có thương hiệu cả nghìn năm ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Điều ấn tượng nhất là giữa một đô thị hiện đại với những tòa cao ốc chọc trời, ánh đèn màu đủ sắc, tôi vẫn nhận ra biểu tượng của Cảnh Đức với tượng đài là ngọn lửa rực cháy và những hàng cột điện được bao bọc bằng các ống sứ sản xuất của Cảnh Đức Trấn suốt hai bên đường vào thành phố. Bảo tàng Cảnh Đức Trấn, vốn là những khu lò gốm của làng nghề xưa được bảo tồn, một bên trưng bày đồ gốm sứ các thời Tống- Nguyên, còn bên kia là những lò gốm cổ đã được bảo tàng hóa với một số nghệ nhân đang chuốt gốm và bán sản phẩm. Khu vực lò cổ rộng chừng hàng chục héc-ta, nay không còn sản xuất nằm giữa một đại ngàn cây lá, khiến cho mọi du khách đắm chìm trong không khí tĩnh lặng và mát mẻ, để hồi tưởng về những lò gốm đang tỏa khói hơn nghìn năm trước. Khách du lịch đến thăm quan và mua sản phẩm rất đông, theo nhu cầu thị hiếu. Nhưng các loại sản phẩm ấy dường như được cung cấp từ một nơi khác mà khi hỏi ra tôi được biết , đó là Tân Cảnh Đức, nằm ở ngoại ô để tránh ô nhiễm cho đô thị hiện nay. Làng gốm cổ Bát Tràng có thể tham khảo hướng tôn tạo này nhưng phải dựa vào hoàn cảnh cụ thể và khả năng thực tế của mình.
Sản phẩm gốm tiêu biểu của Bát Tràng (nguồn ảnh Internet).
Để phát triển du lịch làng gốm cổ Bát Tràng, thực sự có hiệu quả, tôi cho rằng cần thiết phải có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, cần nắm rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của du lịch làng nghề. Giá trị truyền thống của làng nghề gốm Bát Tràng còn vô cùng nhiều, ẩn chứa ở di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà chúng ta cần nhận diện những giá trị, cần đổi mới ,cách tân cho phù hợp với xu thế mở cửa hội nhập. Cộng đồng làng nghề cần nhìn nhận vấn đề này chủ động hơn, nhằm phát huy thương hiệu của làng nghề thủ công, để những sản phẩm của mình ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế đất nước.
Để làng gốm cổ Bát Tràng giữ vững thương hiệu, việc tăng cường sức cạnh tranh là bài toán khó.Việc đào tạo nâng cao đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi sẽ giúp cho sản phẩm ngày một đa dạng, kiểu dáng màu men phong phú, chất lượng mỹ thuật, sức hấp dẫn cao hơn. Có người đã so sánh hiệu quả sản xuất giữa lò Cảnh Đức Trấn (Giang Tây) với lò gốm Bát tràng qua thí dụ sau: Để có một sản phẩm mới, người Bát Tràng phải thuê họa sỹ vẽ mẫu. Cách làm này không duy trì được tính truyền thống, khó tạo ra được sản phẩm đặc trưng và chi phí sản xuất cũng cao hơn. Một đôi lọ lục bình cao 2,2m chi phí sản xuất tại Giang Tây khoảng 1 triệu VND, trong khi đó nếu Bát Tràng sản xuất thì riêng tiền thuê họa sỹ đã là 1 triệu VND.
Để thu hút khách du lịch, làng cổ Bát Tràng còn phải giải quyết thật tốt vấn đề môi trường sinh thái, tạo cảnh quan trong lành, tránh ô nhiễm không khí độc hại. Đồng thời tổ chức đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho khách và mọi người lao động. Tổ chức, sắp xếp các hoạt động dịch vụ có quy củ và thực hành nếp sống văn hóa, văn minh đô thị mọi lúc,mọi nơi.
Các Hiệp hội làng nghề, Câu lạc bộ làng nghề, Tổ chức bảo tồn di sản làng gốm cổ truyền cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, trao đổi nâng cao nhận thức, hiểu biết về lịch sử làng nghề của mình, tự hào và tự giác , chủ động góp phần vào phát triển các giá trị vật thể và phi vật thể. Mỗi người thợ gốm, mỗi gia đình làm gốm phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp, không ngừng ham mê sáng tạo, noi gương những điển hình nghệ nhân thợ giỏi, để ngày càng có nhiều sản phẩm mới mang đặc trưng truyền thống gốm Bát Tràng. Mỗi người làm dịch vụ, mỗi cửa hàng phải giữ vững chữ tín trong kinh doanh, để giữ mãi uy tín sản phẩm gốm Bát tràng, để khách du lịch hôm nay đến lại mong ngày trở lại./.
TS. Nguyễn Đình Chiến
https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/19896/lang-nghe-truyen-thong-voi-phat-trien-du-lich-nhin-tu-lang-co-bat-trang-phan-2-va-het.html
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.