Tư liệu công khai của Giáo hội.
Tháng 1 năm 2025,
Giao Blog
---
BÁO CÁO TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHẬT SỰ NĂM 2024 CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Số kí hiệu | Không có |
Ngày ban hành | 04/01/2025 |
Thể loại | Văn bản trung ương GHPGVN ban hành |
Lĩnh vực | HỘI NGHỊ BAN THƯỜNG TRỰC HĐTS |
Cơ quan ban hành | HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ |
Người ký | BAN THƯỜNG TRỰC HĐTS |
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc Tp. Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 01 năm 2025 |
BÁO CÁO TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHẬT SỰ
NĂM 2024 CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
___________________________________
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG
Năm 2024 là năm thứ hai thực hiện nghị quyết, phương hướng hoạt động Phật sự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022 – 2027. Qua đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã triển khai nhiều công tác Phật sự và đạt được nhiều thành quả, như tiếp tục triển khai Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII; tổ chức hội nghị sinh hoạt hành chính Giáo hội, Hội nghị giao ban; Hướng dẫn Tăng Ni, các cơ sở Tự viện phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong các Lễ hội nhân dịp Tết cổ truyền xuân Giáp Thìn (2024); Thông tư tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư Kết hạ PL. 2568; Thông bạch vận động cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng của bão Yagi, bão Trà Mi; Các Ban, Viện Trung ương đã tổ chức thành công các Hội thảo, khóa Bồi dưỡng nhằm nêu cao kỷ cương, giới luật, gắn liền trách nhiệm của Tăng Ni trong mọi Phật sự; Các lễ tưởng niệm như kỷ niệm Bồ tát Quảng Đức và chư Thánh Tử đạo vị pháp thiêu thân, Lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo – Kiều Đàm Di, Lễ Kỷ niệm Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, chư Tôn đức Trưởng lão tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam.
Nổi bật trong năm 2024 là các hoạt động tri ân, báo ân kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024). Tăng Ni tích cực tham gia góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQVN các cấp nhiệm kỳ 2024-2029 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQVN lần thứ X tháng 10/2024.
Cùng với cơ đồ và vị thế của đất nước ngày một nâng cao trong cộng đồng quốc tế và khu vực, GHPGVN ngày càng có vai trò quan trọng và uy tín đối với cộng đồng Phật giáo thế giới. Giáo hội đã đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo các tổ chức Phật giáo quốc tế, Tăng thống Phật giáo các nước đến thăm Việt Nam. Đức Chủ tịch Hội đồng Trị sự dẫn đầu đoàn tham dự Vesak LHQ lần thứ 19 tại Thái Lan và chính thức nhận đăng cai Vesak LHQ lần thứ 20 tại TP.HCM vào năm 2025; Tham dự Hội nghị Hòa bình thế giới 2024 tại Paris; Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ IV, Diễn đàn Kiều Tăng Thế giới lần thứ 2 tại Trung Quốc; Trung ương Giáo hội đã tổ chức thăm viếng và làm việc với các Hội Phật tử Việt Nam tại nước ngoài; đón tiếp các tổ chức Quốc tế, tổ chức Phật giáo nước ngoài thăm hữu nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều Phật sự quan trọng khác.
Đặc biệt, dưới sự phối hợp của Văn phòng Trung ương Giáo hội và các Ban, Viện Trung ương, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã kịp thời chấn chỉnh một vài Tăng Ni thuyết giảng có khuynh hướng lệch chuẩn lan truyền trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trên tinh thần trách nhiệm của từng thành viên trong toàn Giáo hội, chương trình hoạt động Phật sự năm 2024 của Giáo hội từ phạm vi xây dựng, củng cố cơ sở Trung ương, địa phương cho đến hoạt động chuyên ngành của Giáo hội đều đạt kết quả tốt đẹp, khẳng định vị thế của GHPGVN đối với dân tộc, tạo được uy tín, niềm tin đối với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước cũng như cộng đồng Phật giáo thế giới trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động Phật sự vẫn còn những khó khăn, hạn chế và tồn đọng.
II. CÁC PHẬT SỰ VÀ THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA GHPGVN
A. VỀ MẶT TỔ CHỨC
1. Phổ biến các văn kiện của Giáo hội:
Thực hiện chương trình hoạt động Phật sự 5 năm nhiệm kỳ 2022 - 2027 của GHPGVN, Văn phòng Trung ương Giáo hội đã ban hành Thư chúc tết Xuân Giáp Thìn (2024) của Đức Pháp chủ GHPGVN; Hội đồng Chứng minh đã phê chuẩn cho 323 Tăng Ni được tấn phong Giáo phẩm tại Hội nghị thường niên năm 2023; Ban hành Thông bạch số 10/TB-HĐTS ngày 08/01/2024 về việc tổ chức đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 an vui, an toàn, tiết kiệm; Ngày 28/3/2024, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã ban hành Thông bạch số 088/TB-HĐTS hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản PL. 2568; Thông bạch số 089/TB-HĐTS hướng dẫn tổ chức An cư kết hạ năm 2024; Thông bạch số 090/TB-HĐTS về việc cúng dàng Công đức phí; Thông bạch số 95/TB-HĐTS ngày 30/3/2024 hướng dẫn việc tổ chức khóa tu mùa hè cho Thanh thiếu niên Phật tử; Thông bạch vận động cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi… và một số văn bản khác của Trung ương GHPGVN; Triển khai Nghị quyết Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Thông tri về việc Giáo hội PGVN đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak năm 2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam – Tp. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Trung ương Giáo hội đã có thông tri đến Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành V/v tổ chức nghi lễ tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944-2024).
2. Tổ chức Hội nghị sinh hoạt Hành chính Giáo hội:
Ngày 19/4/2024, tại Văn phòng Trung ương Giáo hội (chùa Quán Sứ, Hà Nội) Ban Thường trực HĐTS đã tổ chức Hội nghị sinh hoạt Giáo hội cho Ban Trị sự GHPGVN khu vực phía Bắc; Ngày 25/4/2024, tại Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự đã diễn ra Hội nghị Sinh hoạt Giáo hội năm 2024 cho Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh phía Nam. Tham dự Hội nghị có chư Tôn đức Ban Thường trực HĐTS, Ủy viên HĐTS, đại diện các Ban, Viện Trung ương, Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Chánh Thư ký, Phó Thư ký, Chánh Văn phòng Ban Trị sự các tỉnh, thành, Quý đại diện khách mời Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ, lãnh đạo Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Báo đài.
Ngày 02/8/2024, tại Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN diễn ra Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị lần 3 khóa IX Ban Thường trực HĐTS, với sự tham dự của Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực, Chánh Thư ký Ban Trị sự 34 tỉnh, thành phía Nam.
3. Công tác xây dựng và củng cố cơ sở Giáo hội tại địa phương:
Để kiện toàn nhân sự địa phương, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã ký Quyết định số 209 ngày 30/5/2024 bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thiện Trí, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực kiêm Trưởng ban Pháp chế GHPGVN tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2022 – 2027; Quyết định số 386/QĐ-HĐTS ngày 04/10/2024 bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch HĐTS đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 thay cho HT. Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh BR-VT viên tịch; Quyết định số 444/QĐ-HĐTS ngày 14/11/2024 bổ nhiệm Thượng tọa Thích Tĩnh Triệt, Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp giữ nhiệm vụ Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự thay cho HT. Thích Chơn Minh, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp đã viên tịch; Quyết định số 529/QĐ-HĐTS ngày 28/12/2024 bổ nhiệm Thượng tọa Thích Chơn Trí đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVn tỉnh Đồng Tháp khóa IX nhiệm kỳ 2022 – 2027.
4. Công tác tổ chức Đại lễ Vesak 2025 :
Được sự chấp thuận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, dự kiến từ ngày 06-08/05/2025 với chủ đề: Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững (Unity and Inclusivity for Human Dignity: Buddhist Insights for World Peace and Sustainable Development).
Các Ban, ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh đã có các buổi làm việc, khảo sát địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak. Tại Học Viện Phật giáo Việt Nam, Trung ương Giáo hội đã tổ chức nhiều phiên họp với các cơ quan Lãnh đạo, Hội nghị lần thứ nhất giữa Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) về công tác tổ chức sự kiện quan trọng này. Trung ương Giáo hội đã hoàn tất và trình Chính phủ đề án tổ chức Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam.
Ngày 13/11/2024 tại Trụ sở Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã có phiên làm việc với Lãnh đạo Thành phố và GHPGVN về công tác tổ chức Đại lễ Vesak 2025 tại TP. Hồ Chí Minh.
B. HOẠT ĐỘNG CHUYÊN NGÀNH:
1. Tăng sự:
Theo báo cáo của 63 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố, Ban Tăng sự Trung ương đã thống kê số lượng Tăng Ni, Tự viện tương đối cụ thể như sau:
- Tăng Ni: 54.973 Tăng Ni, gồm: 40.807 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 5.384 Khất sĩ.
- Tự viện: 18.544 Tự viện (15.871 Tự viện Bắc Tông; 462 chùa Nam Tông Khmer, 45 Salate; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 Niệm Phật đường, 54 Tự viện Phật giáo Người Hoa).
- Tín đồ: Khoảng 60% /99.000.000 dân số.
Thực hiện việc số hóa, Ban Tăng sự Trung ương đang tiếp tục cập nhật số lượng Tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử.
Được sự chấp thuận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre, Đồng Nai, Tp. Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Hải Dương, Tp. Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Hưng Yên đã tổ chức thành công Đại Giới đàn.
Ban Tăng sự Trung ương đã có Thông bạch số 089/TB/HĐTS ngày 28/3/2024, hướng dẫn Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức An cư Kết hạ PL.2568. Có 63 đơn vị Ban Trị sự GHPGVN tổ chức An cư và hậu An cư Kết hạ cho 38.059 Tăng Ni an cư.
Thực hiện việc chuyển đổi số, Ban Tăng sự Trung ương đã tiến hành cấp 3.043 chứng nhận Tăng Ni, 88 chứng nhận Tu sĩ, 2.096 chứng điệp thụ giới, 1.457 chứng điệp An cư kết hạ.
Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố đã bổ nhiệm Trụ trì và Ban Quản trị 626 cơ sở tự viện; Miễn nhiệm 16 vị trụ trì; Thành lập mới 14 cơ sở tự viện; Công nhận 74 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, ký xác nhận cho 1.463 nam nữ Phật tử xuất gia tu học tại các tự viện; giới thiệu 92 Tăng Ni chuyển vùng sinh hoạt tu học, hành đạo.
- Bồi dưỡng Giới luật, nghiệp vụ trụ trì, hành chính Giáo hội:
Với mục đích giúp cho các tỉnh, thành nắm vững các quy định của Giáo hội, am tường phần Tác trì (các pháp Yết ma) như Yết ma cọng, Yết ma bất cọng, Yết ma đơn, Yết ma kép, Đơn bạch Yết ma, Bạch nhị Yết ma, Bạch tứ Yết ma… để khi thực hiện được đồng bộ, Ban Tăng sự Trung ương đã tổ chức khóa Bồi dưỡng kiến thức về Giới Luật tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương (Tượng Phật Niết Bàn), từ ngày 07 - 09/10/2024. Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Pháp chủ Hội đồng Chứng minh và chư Tôn đức Giáo phẩm Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh đã quang lâm chứng minh và ban đạo từ. Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự Trung ương, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc. Khóa Bồi dưỡng Giới luật năm 2024 có 322 đại biểu thuộc 34 tỉnh, thành phía Nam tham dự; Ngày 17/11/2024 Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN tổ chức Khóa Bồi dưỡng Giới luật cho 29 đơn vị Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố phía Bắc tại chùa Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Để bồi dưỡng nhiệm vụ Trụ trì, kỹ năng quản lý Tự viện, hành chính Giáo hội, triển khai Hiến chương GHPGVN, Quy chế Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN; Quy chế Ban Quản trị cơ sở tự viện của GHPGVN nhiệm kỳ 2022 - 2027 cho các thành viên Ban Trị sự cấp tỉnh, Ban Trị sự cấp huyện, Tăng Ni Trụ trì, chuẩn bị trụ trì các cơ sở Tự viện của Giáo hội, Trung ương Giáo hội đã cho phép Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Đồng Tháp, Đắk Nông, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Kon Tum, Đồng Nai, Phú Yên, Tp. Hồ Chí Minh… tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Trụ trì và hành chính Giáo hội, khóa huân tu, bồi dưỡng giới luật; nhiều chức sắc Phật giáo tham dự khóa Bồi dưỡng về Pháp luật tôn giáo, an ninh quốc phòng do Ban Tôn giáo tỉnh kết hợp Ban Trị sự một số tỉnh, thành tổ chức.
Theo đề nghị của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Đồng Nai, Bạc Liêu, Tp. Hồ Chí Minh, Ban Thường trực HĐTS đã trình Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; Thượng tọa Thích Huệ Thành, nguyên Ủy viên HĐTS, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Cà Mau; Thượng tọa Thích Chơn Trí Tp. Hồ Chí Minh lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng; Đại đức Thích Trí Hiền lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa.
- Hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer:
Để các hoạt động Phật sự của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer được thuận lợi, nhất là Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự luôn tạo mọi điều kiện để Phật giáo Nam tông Khmer hoạt động đồng bộ trong các hoạt động chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, Trung ương Giáo hội đã hỗ trợ kinh phí di chuyển cho chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer sang Camphuchia viếng Lễ tang và dự Lễ Trà tỳ Hòa thượng Tep Vong – Tăng vương Phật giáo Camphuchia.
- Hoạt động của Phân ban Ni giới Trung ương:
Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương đã tổ chức nhiều phiên họp tại Văn phòng Phân ban Ni giới (chùa Từ Nghiêm, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh), và tại Văn phòng Phân ban Ni giới (chùa Quán Sứ - Hà Nội) để triển khai các hoạt động Phật sự năm 2024.
Nhằm tôn vinh công đức, đạo hạnh của Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo – Vị Ni đầu tiên của Ni đoàn thời Đức Phật và những tấm gương cao quý của chư vị tiền bối Ni hữu công Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, Phân ban Ni giới Trung ương phối hợp với Phân ban Ni giới Tp. Cần Thơ tổ chức thành công, trang nghiêm lễ tưởng niệm Đức Đại Ái Đạo - Kiều Đàm Di và chư Ni tiền bối Phật giáo hữu công, tọa đàm chủ đề: “Ni giới Phật giáo thành phố Cần Thơ: Ni lưu Giới đức, Tâm đức, Tuệ đức”. Đại lễ được sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Tăng sự Trung ương; chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, chư Tôn đức lãnh đạo HĐTS; Sự tham dự của Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục an ninh nội địa (A02) BCA, Bí thư Thành ủy Tp. Cần Thơ và các Ban, Sở ngành, MTTQVN Tp. Cần Thơ, cùng hàng ngàn chư Ni, Phật tử trong cả nước vào ngày 13-14/4/2024 tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam và chùa Phước Khánh, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Tp. Cần Thơ. Lễ tưởng niệm Đức Đại Ái Đạo - Kiều Đàm Di và chư Ni tiền bối Phật giáo hữu công năm 2025 do Phân ban Ni giới GHPGVN Tp. Hà Nội đăng cai tổ chức, dự kiến từ ngày 01 đến 03/4/2025.
Nhân mùa An cư Kết hạ PL.2568, Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm và cúng dường Trường hạ tại Tp. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Trung, miền Đông, miền Tây, các Trường hạ tại Tp. Hồ Chí Minh.
Đặc san Hoa Đàm (tiếng nói của Nữ giới Phật giáo Việt Nam), do Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương làm Tổng Biên tập, xuất bản đều đặn, mỗi tháng 01 số, với nhiều nội dung phong phú.
Nhằm bồi dưỡng kiến thức Luật học cho chư Ni, Phân ban Ni giới Trung ương tổ chức Khóa Bồi dưỡng Luật học năm 2024 tại Ni viện Thiện Hòa, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 21 - 25/9/2024. Có 441 thành viên là Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh, thành tham dự.
Để khuyến khích tinh thần tu học của chư Ni và phát huy vai trò của Ni giới trong việc hoằng pháp, Phân Ban Ni giới Trung ương tổ chức Khóa bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ Hoằng pháp và thi diễn giảng cấp Trung ương cho chư Ni thuộc Phân Ban Ni giới các tỉnh thành trong cả nước tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 10 - 13/11/2024.
2. Hoạt động của Ban Giáo dục Phật giáo:
Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đã tổ chức thành công khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm từ ngày 15/4 đến ngày 21/4/2024 tại Tp. Đà Nẵng, với sự tham dự của Chư Tôn đức Lãnh đạo Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Giáo thọ Trường Trung cấp Phật học toàn quốc.
1. Sau Đại học:
- Đào tạo 327 Học viên chương trình Thạc sĩ; 38 Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế.
2. Hệ thống Học viện:
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức tuyển sinh hệ Cử nhân Phật học liên thông khóa VI (2024 - 2030); Tuyển sinh hệ Cao đẳng Phật học khóa IX (2024 - 2028).
Ngày 18/3/2024, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh (Cơ sở 1), Hội đồng Điều hành Học viện đã tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác Giáo dục Phật học Đài – Việt với Phật học Viện Viên Quang (Đài Loan); Ký kết hợp tác đào tạo Cao đẳng Phật học giữa Học viện với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai; Ngày 29/3/2024 Học viện tổ chức Ban xét duyệt 10 đề cương Tiến sĩ Phật học chuyên ngành Nghiên cứu Phật học của 10 học viên.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh đã tuyển sinh khóa XIX năm 2024 Cử nhân Phật học.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế tuyển sinh khóa XV (2024 - 2028) hệ Cử nhân Phật học, có 56 thí sinh trúng tuyển.
3. Hệ thống Cao đẳng, Trung cấp Phật học:
08 Lớp Cao đẳng Phật học, 35 Trường Trung cấp Phật học đang tiếp tục chương trình đào tạo Tăng Ni sinh. Một số trường Trung cấp, Cao đẳng Phật học như Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Huế, Lâm Đồng, Gia Lai đã tổ chức Lễ cấp phát bằng tốt nghiệp và tuyển sinh khóa mới.
4. Sơ cấp Phật học:
- Lớp Sơ cấp Phật học tại các tỉnh, thành công tác giảng dạy được thực hiện đều đặn theo chương trình của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương.
5. Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer:
Do tính đặc thù của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nên chương trình giáo dục đào tạo dành cho Hệ phái đều có sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương Giáo hội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Dân tộc Trung ương và địa phương, Ủy ban Mặt trận các cấp, Phật giáo Nam tông Khmer đã tổ chức các lớp dạy Vini, Pàli Khmer ngữ và bổ túc văn hóa cấp 1, 2, 3; mở lớp dạy Anh văn, tin học cho Chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer.
- Trường Bổ túc văn hóa Pàli Trung cấp Nam bộ có 170 vị sư sãi theo học từ năm thứ nhất đến năm thứ tư.
- Có 23.854 Sư sãi, thanh thiếu niên dân tộc Khmer tham gia các lớp Trung cấp Phật học, Sơ cấp Phật học, các lớp Vini, Pàli, Khmer ngữ, bổ túc văn hóa tại các điểm học thuộc các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, còn có nhiều chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer theo học các Trường Đại học, Cao đẳng tại Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trà Vinh với các chuyên ngành như: Luật, công nghệ thông tin, kế toán, du lịch, Anh văn, trường Chính trị, điêu khắc gỗ và nhiều chư Tăng đang du học tại các nước như Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ.
6. Du học:
Giáo hội tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện cho 280 Tăng Ni sinh đang du học tại các nước. Một số Tăng Ni sinh đang tiến hành làm thủ tục du học do các Học viện giới thiệu.
3. Hoạt động của Ban Hoằng pháp:
Đáp ứng yêu cầu Hoằng pháp trong thời đại 4.0 Ban Hoằng pháp Trung ương đã tích cực triển khai nội dung công tác hoằng pháp mà Đại hội đã đề ra. Trong năm 2024, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Hoằng pháp từ ngày 04 - 07/4/2024 tại chùa Khánh An, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh.
Lớp đào tạo Cao – Trung cấp Giảng sư khu vực phía Bắc tại chùa Vạn Phúc, huyện Sóc Sơn đang đào tạo khóa II (2022 - 2025) với 64 Tăng Ni Giảng sinh; Phân ban đào tạo Cao – Trung cấp Giảng sư tại phía Nam tại chùa Hòa Khánh, Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức thi tốt nghiệp khóa XI cho 99 Tăng Ni sinh, Khóa XII có 42 Tăng Ni Giảng sinh lớp Cao cấp, 19 Tăng Ni sinh lớp Trung cấp.
Chư Tôn đức Ban Hoằng pháp Trung ương và các tỉnh, thành đã tổ chức nhiều buổi thuyết giảng nhân dịp xuân Giáp Thìn, mùa An cư Kết hạ; tham gia công tác thuyết giảng tại các khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ Trụ trì và Hành chính Giáo hội, các Trường hạ do Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành tổ chức.
Nhân mùa An cư Kết hạ, Ban Hoằng pháp Trung ương đã phối hợp với Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương cúng dường 60 Trường hạ do Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành tổ chức và 04 Học viện Phật giáo Việt Nam.
Công tác thuyết giảng trong năm 2024, Ban Hoằng pháp Trung ương đã chỉ đạo cho các vị Giảng sư là Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương, Ban Hoằng pháp các tỉnh thành, phải đảm bảo và đáp ứng đầy đủ các buổi thuyết giảng tại các đạo tràng cũng như thuyết giảng tại các Lễ đài Phật đản. Qua đó, với đội ngũ Tăng Ni giảng sư trẻ, nhiệt huyết và đông đảo, Ban Hoằng pháp Trung ương và Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành đã tham gia công tác thuyết giảng tại các Đạo tràng, khóa tu Niệm Phật, trì Chú Đại Bi, hướng dẫn Phật tử tu tập Bát Quan trai, các lớp giáo lý tại địa phương tương đối đồng bộ và đều khắp, mỗi điểm giảng trung bình có từ vài trăm đến cả ngàn Phật tử nghe pháp.
Các Phân ban Hoằng pháp đều có những hoạt động tích cực như Phân ban Truyền thông Hoằng pháp và ứng dụng công nghệ đã kịp thời đưa tin và truyền hình trực tiếp các sự kiện của Ban Hoằng pháp Trung ương, góp phần hoằng dương Phật pháp và lan tỏa lời dạy của Đức Phật đến với đông đảo đồng bào Phật tử và những người yêu mến Đạo Phật; Phân ban Hoằng pháp Hải ngoại đã thực hiện chuyến hoằng pháp Châu âu, Ấn Độ, Mỹ, Lào; Phân ban Hoằng pháp Dân tộc dự kiến tổ chức khóa Hoằng pháp viên Cư sĩ Phật tử đồng bào dân tộc các tỉnh Tây nguyên.
Nhìn chung, với tinh thần đoàn kết, hòa hợp và trách nhiệm các thành viên Ban Hoằng pháp Trung ương và các tỉnh thành đã tổ chức nhiều chương trình thuyết giảng, khóa tu phong phú thu hút được đông đảo đồng bào, Phật tử, Thanh thiếu niên tham gia. Đặc biệt là sự kết hợp giữa hoằng pháp, từ thiện xã hội và hướng dẫn Phật tử nên công tác hoằng pháp ngày càng đạt nhiều hiệu quả.
4. Hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử:
Thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Ban, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã có văn bản, hướng dẫn triển khai các văn kiện của Hội đồng Trị sự đến các Phân ban, Tiểu ban, Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành; Kịp thời chỉ đạo, giải quyết về những Phật sự có liên quan chuyên ngành Hướng dẫn Phật tử.
Công tác hướng dẫn Phật tử được kết hợp với mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn. Các khóa tu Ngày an lạc, lễ hằng thuận được tổ chức ở các chùa trong dịp đầu Xuân năm mới. Thời khắc giao thừa tại chùa Bằng, Tp. Hà Nội là một nét đẹp đón Xuân của Phật tử; Pháp hội Dược sư tiêu tai diên thọ cầu an đầu Xuân tại Việt Nam Quốc tự, Tp. Hồ Chí Minh, khóa lễ cầu an cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, tại trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên… là những hình ảnh đẹp về công tác hướng dẫn Phật tử.
Ban Hướng dẫn Phật tử đã phối hợp với Ban Tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia năm 2024 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô vào ngày 31/3/2024 với chủ đề: Phát huy truyền thống “Phụng đạo, Yêu nước, Hộ quốc, An dân” của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường.
Nhằm đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo pháp của Đức Phật vào mọi mặt của đời sống xã hội, đổi mới sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã có thông bạch số 95/TB-HĐTS ngày 30/3/2024 v/v hướng dẫn các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố tổ chức khóa tu mùa hè cho Thanh thiếu niên Phật tử trong dịp hè 2024.
Qua đó, nhiều tỉnh thành, tự viện đã tổ chức hơn 150 khóa tu, hội trại, trại hè cho thanh thiếu nhi Phật tử, với khoảng 109.300 bạn trẻ tham dự. Có thể nói, đây là bước phát triển rất mạnh của ngành Thanh thiếu nhi Phật tử.
Đặc biệt, khóa Tập huấn kỹ năng tổ chức khóa tu mùa hè tại Tp. Cần Thơ cho 13 tỉnh thành khu vực miền Tây Nam Bộ tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Tp. Cần Thơ với sự tham dự của 100 chư Tôn đức, Phật tử lãnh đạo Phân ban TTNPT các tỉnh thành; Khóa Tập huấn kỹ năng tổ chức khóa tu mùa hè cho 06 tỉnh thành khu vực miền Đông Nam Bộ và Bình Thuận tại chùa Như Ý, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 60 chư Tôn đức, Phật tử lãnh đạo Phân ban TTNPT các tỉnh thành tham dự.
Hội trại Tuổi trẻ và Phật giáo lần thứ 14 với chủ đề “Nối vòng tay lớn” dành cho thanh thiếu nhi khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ và một số tỉnh thành duyên hải miền Trung. Hội trại diễn ra từ ngày 11 đến 14/7/2024 tại chùa Quốc Ân Khải Tường, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Có 19 tỉnh thành tham dự với hơn 3.000 trại sinh và tình nguyện viên. Kết thúc Hội trại, Ban tổ chức đón nhập 02 Kỷ lục UNESS Việt Nam: 1./ Kỷ lục xếp hình “8 bông hoa sen” và xếp chữ “Nối vòng tay lớn” quanh Tháp Diên Thọ có số lượng trại sinh và tình nguyện viên nhiều nhất Việt Nam.
Năm 2024, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và các tỉnh, thành phối hợp với Ban Hoằng pháp tổ chức Hội thi giáo lý cho Phật tử. Qua đó, tạo nên tinh thần học Phật sôi động, tạo tiền đề cho Phật tử tìm hiểu giáo lý Đạo Phật.
Theo thống kê, hiện có 32 tỉnh, thành có Gia đình Phật tử sinh hoạt trong hệ thống GHPGVN, với 966 đơn vị Gia đình Phật tử; 9.352 Huynh trưởng các cấp; 45.455 Đoàn sinh các ngành.
Tiểu ban Liên lạc Gia đình Phật tử tại miền Bắc có 14 đơn vị GĐPT gồm các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa sinh hoạt.
Có 1.242 đạo tràng Bát Quan trai, 35 đạo tràng Tu thiền, 698 đạo tràng Niệm Phật, Phật thất, 80 đạo tràng Pháp Hoa, 40 đạo tràng Dược Sư, 81 đạo tràng Đại Bi; 223 đơn vị tổ chức khóa tu Một ngày an lạc, 107 lớp giáo lý…, ngày càng phát triển về chất lượng cũng như số lượng. Có 285.342 Phật tử tham gia sinh hoạt tu học.
Hội Quy (dành cho những Phật tử đã quy y Tam bảo, sinh hoạt tu học ở chùa các tỉnh, thành phía Bắc) và các mô hình tu học khác như: Mật tông, Địa tạng, Lương Hoàng Sám... có 103 đơn vị, với 9.370 Phật tử tham dự.
Trong năm 2024, Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương đã lập kế hoạch và tổ chức Trại họp bạn Lục Hòa 3 cho GĐPT 5 tỉnh Tây Nguyên tại chùa Khánh Lâm thuộc khu du lịch sinh thái Măng Đen tỉnh Kon Tum; Trại huấn luyện Huynh trưởng 3 cấp cho GĐPT các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ tại chùa Phật Quang Phổ Chiếu, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang; Tổ chức trại huấn luyện Huynh trưởng Sơ cấp Lộc Uyển, cấp 1 A Dục, cấp 2 Huyền Trang Tổ chức lễ thọ cấp Tập, Tín cho GĐPT các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ tại chùa Vĩnh Hưng, tỉnh Sóc Trăng; Truy thăng cấp Tấn cho các Huynh trưởng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, Bình Định; Tổ chức thi kết thúc năm thứ nhất và khai giảng năm thứ hai lớp học Huynh trưởng bậc Lực VI tại 5 địa điểm cho 5 khu vực có 449 Huynh trưởng tham dự.
Phân ban Phật tử Dân tộc thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã tổ chức gặp gỡ, giao lưu và phát quà từ thiện cho đồng bào dân tộc tại tỉnh Quảng Nam và Tp. Đà Nẵng, Quảng Trị, Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Gia lai, Phú Yên, Bình Định.
Phân ban Phật tử Hải ngoại hỗ trợ và tổ chức khóa tu “Phật là Quê hương” lần 2 tại Singapore; Khóa tu online “Tỏa ngát Hương đàm” lần 2, kính mừng Đại lễ Phật đản PL 2568, với sự tham dự của 200 Phật tử ở các nước Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Ba Lan, Việt Nam, Thái Lan,…; Tổ chức khóa tu học Online định kỳ vào tối thứ bảy đầu tháng âm lịch trên Zoom Meeting, từ 19g15 đến 20g45. Mỗi kỳ tu học trung bình từ 40 đến 80 Phật tử ở các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,…tham dự. Đặc biệt, Phân ban Phật tử Hải ngoại Trung ương đã tổ chức thành công buổi lễ Khai xuân, chúc Tết, Cầu an đầu năm cho hàng trăm Phật tử ở nhiều nơi trên thế giới qua hình thức Online trên Zoom. Buổi lễ mang lại nhiều cảm xúc hoan hỷ cho Phật tử tham dự.
Nhiều tự viện ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức Lễ cầu nguyện, tư vấn, tiếp sức mùa thi năm 2024.
Ngoài ra, thành viên các Phân ban, Tiểu ban thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh, thành đã thăm hỏi, chia sẻ, tặng quà cho đồng bào nghèo, đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ sinh viên, học sinh nghèo hiếu học, vượt khó; tham gia công tác tổ chức Đại lễ Phật đản, Lễ kỷ niệm 61 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân và chư Thánh Tử đạo; Lễ tưởng niệm chư Tôn đức Giáo phẩm, Tăng Ni viên tịch; Lễ húy kỵ các Huynh trưởng đã tạ thế, thăm viếng và hỗ trợ các Huynh trưởng, đoàn sinh có hoàn cảnh khó khăn… với tổng số tiền từ thiện xã Phân ban, Tiểu ban thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử thực hiện trong năm 2024 lên đến hàng trăm tỷ đồng.
5. Hoạt động của Ban Nghi lễ:
Ban Nghi lễ Trung ương và Ban Nghi lễ Phật giáo các tỉnh thành đã có nhiều đóng góp trong công tác tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2568 tại Trung ương và địa phương.
Thực hiện tinh thần Thông bạch hướng dẫn tổ chức An cư Kết hạ PL.2568 của Trung ương Giáo hội, Ban Nghi lễ Trung ương và các tỉnh, thành phố đã tham gia công tác tổ chức nghi lễ Khai hạ tại các Trường hạ; Tham gia ban giảng huấn các trường hạ, các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì, hành chính Giáo hội do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành tổ chức. Ngoài ra, tại một số Tự viện, tùy trụ xứ của các thành viên trong Ban Nghi lễ tổ chức các lớp Đào tạo kiến thức cơ bản về Nghi lễ. Hòa thượng Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương, trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy Nghi lễ hàng tuần tại Việt Nam Quốc tự, cũng như giảng dạy tại các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì do Ban Trị sự các tỉnh thành tổ chức.
Tham gia công tác Khai Đại giới đàn do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre, Đồng Nai, Tp. Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình tổ chức.
Ban Nghi lễ Trung ương và các tỉnh, thành, các cơ sở Tự viện đã tổ chức lễ cầu an đầu xuân tết Nguyên đán, Pháp hội Dược sư cầu Quốc thái Dân an, lễ cúng Rằm tháng Giêng, Đại lễ Phật đản, Lễ Phật xuất gia, Thành đạo, nhập Niết bàn, Lễ Vu lan Báo hiếu, Lễ vía Bồ tát Quán Âm, Đại lễ cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn và nhiều Lễ hội truyền thống được tổ chức theo từng địa phương như tỉnh Hải Dương có Lễ hội Mùa Xuân, Côn Sơn Kiếp Bạc, kỷ niệm ngày Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang Tôn giả nhập Niết bàn lần thứ 690 tại chùa Côn Sơn; Lễ hội chùa Hào – Thanh Hà; Lễ kỷ niệm ngày Đệ nhị Tổ Pháp Loa Tôn giả thị tịch lần thứ 694 tại chùa Thanh Mai – Chí Linh, chùa Văn Xá, chùa Trúc Lâm, chùa Hương Hải Tp. Hải Dương nơi quê hương của Đệ nhị Tổ. Các buổi lễ đã thể hiện tinh thần Phật giáo hòa quyện với tinh thần dân tộc, mang đậm nét văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Theo thông lệ hằng năm, ngày 13 tháng Giêng âm lịch, tại chùa Thành, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn và Đạo tràng chùa Thành tổ chức Lễ chúc thọ cho 350 cụ Phật tử trong không khí trang nghiêm, ấm áp nghĩa tình. Mô hình Lễ chúc thọ tập thể các cụ ông, cụ bà Phật tử ngày càng được nhiều tự viện trong toàn quốc tổ chức. Trong năm 2024 đã có 21.087 Phật tử Quy y Tam bảo.
Kỷ niệm 61 năm Bồ tát Quảng Đức vì pháp thiêu thân (1963 - 2024), Ban Thường trực HĐTS (Văn phòng 1 TWGH) kết hợp với Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hà Nội tổ chức tại Tổ đình Hòe Nhai (Hồng Phúc) - Hà Nội; Tại Tp. Hồ Chí Minh, Ban Thường trực HĐTS kết hợp với Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh đã trọng thể tổ chức Lễ Kỷ niệm Bồ tát Thích Quảng Đức và chư Thánh Tử đạo vị Pháp thiêu thân tại Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN; Dâng hương tưởng niệm tại tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức, quận 3. Chư Tôn đức Giáo phẩm Lãnh đạo Trung ương Giáo hội đã đến dâng hương tưởng niệm nơi lưu giữ Trái Tim Bồ tát Quảng Đức - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số 08 đường Võ Văn Kiệt, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Kiên Giang, Gia Lai, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Thuận… trọng thể tổ chức Lễ Kỷ niệm Bồ tát Quảng Đức và chư Thánh tử đạo.
Thực hiện Thông tư của Hội đồng Trị sự, Đại lễ tưởng niệm lần thứ 716 ngày Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn được tổ chức trang nghiêm và thành kính tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, tại các tỉnh, thành phố Ban Nghi lễ phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN cũng như cơ sở của Thiền viện Trúc Lâm tại địa phương tổ chức Lễ tưởng niệm trong tinh thần tri ân tiền nhân của dân tộc, đã tạo dựng nền tảng tư tưởng cho Phật giáo Việt Nam.
Ban Nghi lễ Trung ương và 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố đã trọng thể tổ chức lễ tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công, Chư Tôn thiền đức Trưởng lão các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ như lễ tưởng niệm Đức Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam Pháp chủ GHPGVN; Cố Đại lão HT. Thích Trí Thủ, HT. Thích Trí Tịnh, nguyên Đệ nhất, Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; HT. Thích Từ Nhơn, HT. Thích Thanh Tứ nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS… và chư Tôn đức thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã viên tịch; tổ chức Tang lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Nghi lễ Trung ương, Viện chủ chùa Phật học Xá Lợi, Viện chủ Tổ đình Bửu Sơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; Tang lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh, Ban Trị sự GHPGVN Quận 3, Tông trưởng Hệ phái Thiền Tịnh Đạo Tràng, Trụ trì Tổ đình Phật Bửu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh; Tang lễ Hòa thượng Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Pháp chế Trung ương GHPGVN tại Thiền viện Quảng Đức, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh; Tang lễ Hòa thượng Thích Chơn Minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp.
Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại” Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Trị sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các nạn vong tử vong do tai nạn giao thông năm 2024.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Nghi lễ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái phối hợp với Ban Trị sự tỉnh tổ chức Lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do bão Yagi với các nghi thức truyền thống, thắp nến tri ân và nghi lễ cúng dường. Hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là lời động viên tinh thần dành cho gia đình các nạn nhân, khơi dậy tình yêu thương và sự đoàn kết trong cộng đồng.
6. Hoạt động của Ban Văn hóa:
Trong năm 2024, Ban Văn hóa Trung ương tiếp tục ký kết hợp tác với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam để lan tỏa 04 đề án: “Pháp phục – Ngôn ngữ – Nghệ thuật và biểu tượng văn hóa Phật giáo” đã được Hội đồng Trị sự GHPGVN phê duyệt.
Ban Văn hóa Trung ương đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Trần Nhân Tông về trao đổi học thuật, lan tỏa phát huy kết quả đề án: “Pháp phục – Ngôn ngữ – Nghệ thuật và biểu tượng văn hóa Phật giáo”.
Ban Văn hóa Trung ương phối hợp với Ban Trị sự với Ban Trị sự các tỉnh, thành thực hiện nhiều chương trình hoạt động như: Tổ chức công diễn ra mắt những ca khúc và nhạc phẩm Phật giáo Việt Nam tại Chùa Đại Tuệ Nghệ An, trong dịp lễ hội Khai bút đầu xuân năm Giáp Thìn; Khai mạc Lễ hội đầu xuân tại chùa Hương Hà Nội với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn – văn minh – thân thiện”, giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc, hội tụ những nét đẹp của văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc; Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; Các Lễ hội Yên Tử, Ngọa Vân, mùa xuân Côn Sơn, Phật Tích, Tây Thiên, Tam Chúc, Bái Đính…; Tổ chức Đoàn hành hương về miền đất Phật Ấn Độ, Nepal; Khảo sát đề xuất đặt trụ kinh Chuyển Pháp luân tại Phật tích với Ban Trụ trì Tháp Đại Giác và Tổng Thư ký Ban Quản trị Phật tích Buddha Gaya; Khảo sát, kêu gọi đầu tư tài trợ xây dựng trường Mầm non Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai; Bàn giao điểm trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học 2 xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; Ra mắt các tác phẩm văn hóa và âm nhạc Phật giáo Việt Nam; Phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak 2024 tại Chùa Yên Phú - Thanh Trì - Hà Nội; Tổ chức thẩm định đề cương Kiến trúc Phật giáo Việt nam - thống nhất trong đa dạng; Hoàn thành và công bố bộ nhận diện Đại lễ Phật đản PL. 2568 kịp thời phổ biến vào dịp lễ Vesak năm nay, với chủ đề: Về Nguồn; Tham gia cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam. Giải nhất cuộc thi thuộc về tác phẩm của KTS. Minh Quang, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương; Triển khai tổ chức trại sáng tác khu vực phía Bắc tại Non thiêng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh; Tổ chức thành công chương trình biểu diễn nghệ thuật: “Âm nhạc Phật giáo Việt Nam”, diễn ra vào ngày 07/6/2024 tại Nhà Hát lớn Hà Nội, ngày 15/06/2024 tại Nhà Hát Trưng Vương - Đà Nẵng; Tổ chức Triển lãm “Hương Sen", diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, để giới thiệu 90 tác phẩm của 18 tác giả bao gồm các họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng tại Huế cũng như trong cả nước có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm trong sáng tác và nhiệt tâm; Tổ chức thi và trao giải: “Thiết trí vườn Lâm Tỳ Ni tại tư gia kính mừng Phật đản PL. 2568 – DL. 2024 do Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Đắk Lắk thực hiện; Chương trình Lễ hội rước Phật cho các bạn thanh thiếu niên tại Đắk Nông do Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh phối hợp thực hiện; Ban Văn hóa Phật giáo các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ… đã tổ chức giao lưu thăm hỏi và chúc Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer tại các chùa Khmer trên địa bàn; Tổ chức Lễ hội hoa đăng, lễ Dâng y Cathina tại các chùa theo truyền thống Nam truyền tại Thiền viện Phước Sơn, Tổ đình Bửu Long, chùa Phổ Minh…; Kết hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tỉnh Bạc Liêu tọa đàm, trao đổi với các cấp chính quyền lãnh đạo ban ngành tỉnh, thành phố Bạc Liêu về việc xin cấp phép đất, quy hoạch sơ bộ mặt bằng tổng thể các hạng mục công trình nằm trong Đề án "Quy hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Tây Nam Bộ; Hoàn thiện hồ sơ và được Cục bản Quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp quyền sở hữu về Trụ Kinh và Biểu tượng kiến trúc Phật giáo Việt Nam; Giao lưu, trao đổi khoa học chủ đề “Văn hóa Phật giáo Việt Nam - Thống nhất trong đa dạng” tại Viện Trần Nhân Tông, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội; Phối hợp với Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức talkshow “Ứng dụng AI trong hoạt động nghệ thuật”; Triển lãm Văn hóa Phật giáo tại tuần lễ Festival – nghệ thuật quốc tế Huế; Phối hợp cùng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức tọa đàm “Nhận thức Phật giáo qua nghệ thuật”; Phát động cuộc vận động sáng tác nghệ thuật “Sáng Đạo trong Đời” với chủ đề: “Nhận thức Văn hóa Phật giáo qua các loại hình nghệ thuật” hướng đến Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025; Triển lãm nghệ thuật “Sáng Đạo trong Đời” quy tu 51 tác phẩm độc đáo của 12 họa sĩ tài năng đến từ mọi miền đất nước; tái hiện chân dung đạo hạnh của vị Thiền sư Tông Diễn “Hòa thượng Cua” tại Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát Trần Hữu Trang, Tp. Hồ Chí Minh; Tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Phật giáo thời Trần ở Việt Nam hiện nay”, tham gia Hội thảo “Khám phá những liên kết lịch sử, tâm linh văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam”, hội thảo “Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìn”, hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa cuộc đời và giai thoại”. Chùa Yên Phú kết hợp với UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội tổ chức lễ gắn biển tuyến đường mang tên Sư bà Phương Dung và đón nhận Bằng Di tích lịch sử Văn hóa Đình Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.
Nhiều tọa đàm, nghiên cứu khoa học kiến trúc Phật giáo, kiến trúc của các hệ phái, vùng miền được Ban Văn hóa Trung ương và Ban Văn hóa các tỉnh thành liên kết thực hiện; xây dựng bộ quy chuẩn của các công trình, tìm hiểu tiến tới ứng dụng kỹ thuật mới trong công tác bảo tồn, phát triển kiến trúc và mỹ thuật, xây dựng công trình Phật giáo phù hợp tính đương đại và truyền thống; Thể hiện quan điểm chính kiến và nhận thức đúng về hiện tượng “Thích Minh Tuệ”, tuyên truyền sâu rộng Phật tử và nhân dân hiểu rõ bản chất sự việc. Không bị lôi cuốn, kích động theo không gian mạng.
Ban Văn hóa Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức khóa đào tạo “Người dẫn chương trình Phật giáo” tại Tu viện Khánh An, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh.
Trang báo điện tử của Trung ương GHPGVN, Báo Giác Ngộ, các Ban, Viện Trung ương, Phân ban, Phân viện, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố, Học viện, Hệ phái Phật giáo... đã đăng tải những tin tức, hoạt động Phật sự của Giáo hội và địa phương, số lượt người truy cập trang web ngày càng tăng; Tuần báo và Nguyệt san Giác ngộ, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Đặc san Hoa Đàm - Tiếng nói của Nữ giới Phật giáo Việt Nam đều được xuất bản đúng kỳ.
Xử lý thông tin chính xác và kịp thời, tác nghiệp chuyên môn tại các diễn đàn, sự kiện, hội nghị,.. đưa tin tức đến công chúng nhanh nhất như trang vanhoaphatgiao.net, phatgiaodoisong.vn
Như thông lệ, hàng năm vào dịp Đại lễ Phật Đản, Kỷ niệm ngày Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân và các Lễ hội Phật giáo… Ban Văn hóa Trung ương và Ban văn hóa Phật giáo các tỉnh, thành phối hợp với Phân ban Gia đình Phật tử tổ chức Văn nghệ cúng dường và phục vụ đồng bào Phật tử, tạo nên không khí hân hoan, sinh động.
Tuần lễ Văn hóa Phật đản gồm các hoạt động như thuyết giảng, văn nghệ, ẩm thực chay, triển lãm, hội thi giáo lý, tọa đàm, diễu hành xe hoa, thuyền hoa, hoa đăng, hội trại… được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp tổ chức trang nghiêm và trọng thể. Tại mỗi lễ đài tập trung có hàng ngàn Tăng Ni, đại diện chính quyền các cấp và đồng bào Phật tử tham dự.
Được sự giúp đỡ của Quý Cơ quan chức năng các cấp, một số cơ sở tự viện tại các tỉnh, thành đã được trùng tu, tôn tạo.
Với tinh thần Bồ tát hạnh, ngoài công tác chuyên môn, các thành viên của Ban Văn hóa Trung ương đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, từ thiện nhân đạo, ủng hộ đồng bào khắc phục thiên tai bão lũ với tổng kinh phí trên 08 tỷ đồng.
7. Hoạt động của Ban Kinh tế Tài chính:
Ban Kinh tế Tài chính Trung ương GHPGVN đã có thông bạch số 090/TB-HĐTS ngày 28/3/2024 vận động Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành, các Hội Phật tử Việt Nam tại nước ngoài, chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử cúng dàng công đức phí năm 2024 cho các hoạt động của Giáo hội.
Trong năm 2024, Ban Kinh tế Tài chính đã cúng dàng chi phí sinh hoạt phí cho Văn phòng 1, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Báo Giác Ngộ mỗi tháng 50.000.000đ; Hỗ trợ Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Ninh Thuận, Trà Vinh, Tây Ninh mỗi tháng 30.000.000đ; Kênh truyền hình An Viên, Phật sự Online. Tổng số tiền Ban Kinh tế Tài chính đã cúng dường, ủng hộ công tác của Trung ương Giáo hội và các đơn vị gần 10 tỷ đồng. Về thu chi tài chính công đức năm 2024 của Giáo hội (Có báo cáo riêng).
Ban Kinh tế Tài chính Trung ương kết hợp với Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN thành lập Trung tâm Biên Phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế do Thượng tọa Thích Thanh Phong làm Giám đốc điều hành, tài trợ kinh phí. Trung tâm đã quy tụ được hàng trăm Tăng Ni có trình độ học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ tốt nghiệp từ các trường học quốc tế, cũng như các học giả, dịch giả trong nước về cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp biên phiên dịch Pháp bảo, xây dựng kho tàng tri thức Phật giáo nước nhà. Cho đến nay, Trung tâm đã xuất bản gần 200 đầu sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni sinh đang theo học tại các trường Phật học, cũng như nghiên cứu sinh các trường thế học, học giả trên cả nước có nguồn tư liệu phong phú nghiên cứu về Phật giáo. Bên cạnh xuất bản sách, Trung tâm còn có chương trình hỗ trợ 100% học phí cho Tăng Ni học viên lớp tập huấn nâng cao chuyên Anh ngữ, lớp học Hán Nôm hệ vừa học vừa làm; tặng tủ sách và sách cho các chùa, các thư viện quốc gia, thư viện các trường học, các bệnh viện, các trại giam, trại giáo dưỡng .v.v…; hỗ trợ kinh phí cúng dường bộ Càn Long Đại Tạng kinh tới 300 chùa trên cả nước và một số chương trình an sinh xã hội khác.
Để chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại lễ Vesak 2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Tài chánh đã cúng dường chi phí san lấp mặt bằng, tu sửa một số công trình, xử lý hệ thống nước thải… nhằm phục vụ cho công tác tổ chức Đại lễ Vesak.
Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu PL. 2568, Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương phối hợp với Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh tặng quà yêu thương đến những người có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam Quốc tự và chùa Phổ Quang quận Tân Bình; Kết hợp với Ban Hoằng pháp Trung ương thăm và cúng dường các Trường hạ trong cả nước.
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, 79 năm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời cũng nhân mùa Vu lan Báo hiếu, mùa tri ân, báo ân của người con Phật, trên tinh thần tri ân và tưởng nhớ công ơn to lớn của các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ để đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, ngày 27/8/2024 Ban kinh tế Tài chánh Trung ương, Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Hóc Môn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hóc Môn, Ban Quản trị Tổ đình Vĩnh Nghiêm, cùng sự hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn và các Sở ngành liên quan trọng thể tổ chức Đại lễ tưởng niệm các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, cầu siêu anh linh anh hùng Liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào nhân dân đã hy sinh trong công cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại tại huyện Hóc Môn. Đại lễ được tổ chức tại Khu di tịch Lịch sử cấp Quốc gia Ngã 3 Giồng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh.
8. Hoạt động của Ban Từ thiện xã hội:
Thực hiện chương trình hoạt động Phật sự năm 2024, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương đã tổ chức chuyến công tác thăm viếng và làm việc với Ban TTXH các tỉnh thành, thăm hỏi và hỗ trợ các tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ Yagi, với kinh phí thực hiện là 14.115.240.000đ.
Hệ thống Tuệ Tĩnh đường, phòng khám Đông Tây y, phòng thuốc Nam trong toàn Giáo hội hiện có gần 200 cơ sở đều hoạt động có hiệu quả, đã khám và phát thuốc cho hàng chục ngàn bệnh nhân, tổng trị giá hàng tỷ đồng.
Các lớp học tình thương, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi, nhà dưỡng lão, trường dạy nghề,… trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều hoạt động ổn định, có kết quả.
Với tinh thần và trách nhiệm, các Phân ban Từ thiện Xã hội đều hoạt động rất tích cực hiệu quả trong các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội như:
- Phân ban TTXH Phật giáo Khất sĩ .................. 129.648.940.000đ
- Phân ban TTXH Phật giáo Nam tông Kinh ........ 29.168.486.000đ
- Phân ban TTXH Cứu trợ nhân đạo .................... 47.890.000.000đ
- Phân ban TTXH Xã hội Giáo dục ..................... 24.884.650.000đ
- Phân ban Từ thiện Y tế ....................................... 6.310.000.000đ
- Phân ban Huấn nghệ và phát triển cộng đồng .... 14.603.670.000đ
- Phân ban TTXH các Cơ sở Bảo trợ ................... 28.922.734.000đ
- Phân ban Đối ngoại và quan hệ quốc tế .............. 87.695.857.000đ
Phân ban Ni giới Trung ương và Phân ban Ni giới các tỉnh thành đã có nhiều hoạt động tích cực, dấn thân trong công tác từ thiện xã hội năm 2024, với kết quả đạt được là 578.458.762.000đ.
Với tinh thần trách nhiệm và bổn phận của người con Phật, Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo các tỉnh thành đã nỗ lực trong công tác từ thiện, an sinh xã hội, nhằm giúp đỡ, chia sẻ, lan tỏa yêu thương đến mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, năm 2024, Ban Từ thiện Xã hội các tỉnh thành đã đạt được kết quả như sau:
1. Tp. Hồ Chí Minh ........................................... 698.001.874.000đ
2. An Giang .......................................................... 43.068.937.000đ
3. Bạc Liêu ........................................................... 43.970.121.000đ
4. Bến Tre ......................................................... 101.674.605.000đ
5. Bình Định ........................................................ 44.570.000.000đ
6. Bình Dương ..................................................... 85.188.845.000đ
7. Bình Phước ...................................................... 46.754.781.000đ
8. Bình Thuận ...................................................... 42.317.775.000đ
9. Bà Rịa – Vũng Tàu ......................................... 100.950.638.000đ
10. Cà Mau ........................................................... 16.300.000.000đ
11. Cần Thơ ......................................................... 39.143.394.000đ
12. Đà Nẵng ........................................................ 30.787.684.000đ
13. Đắk Lắk ......................................................... 36.743.694.000đ
14. Đắk Nông ...................................................... 22.935.754.550đ
15. Đồng Nai ..................................................... 199.633.386.000đ
16. Đồng Tháp ..................................................... 63.553.663.000đ
17. Gia Lai .......................................................... 13.274.925.000đ
18. Hậu Giang ..................................................... 13.992.040.000đ
19. Khánh Hòa .................................................... 34.294.732.000đ
20. Kiên Giang .................................................... 70.150.000.000đ
21. Kon Tum ......................................................... 8.221.250.000đ
22. Lâm Đồng ..................................................... 44.358.283.000đ
23. Long An ...................................................... 107.165.422.000đ
24. Ninh Thuận ................................................... 23.190.512.000đ
25. Phú Yên ......................................................... 24.256.819.000đ
26. Quảng Nam ................................................... 41.947.256.000đ
27. Quảng Ngãi ................................................... 14.120.000.000đ
28. Quảng Trị ...................................................... 12.837.087.000đ
29. Sóc Trăng ...................................................... 76.536.451.000đ
30. Tây Ninh ....................................................... 40.792.000.000đ
31. Thừa Thiên Huế ............................................ 32.622.505.000đ
32. Tiền Giang ................................................... 119.369.147.000đ
33. Trà Vinh ...................................................... 103.930.938.000đ
34. Vĩnh Long ..................................................... 55.268.836.000đ
35. Bắc Giang ....................................................... 4.000.000.000đ
36. Bắc Kạn .......................................................... 2.000.000.000đ
37. Bắc Ninh ....................................................... 24.201.066.000đ
38. Cao Bằng ....................................................... 13.000.000.000đ
39. Điện Biên ...................................................... 30.513.800.000đ
40. Hà Giang ....................................................... 26.677.119.000đ
41. Hà Nam ........................................................... 2.500.000.000đ
42. Hà Nội ........................................................... 95.150.500.000đ
43. Hà Tĩnh ........................................................... 3.042.000.000đ
44. Hải Phòng ...................................................... 25.073.530.000đ
45. Hải Dương...................................................... 11.078.000.000đ
46. Hòa Bình ......................................................... 1.260.000.000đ
47. Hưng Yên ........................................................ 2.000.000.000đ
48. Lai Châu ........................................................ Không có số liệu
49. Lạng Sơn ......................................................... 1.469.890.000đ
50. Lào Cai .......................................................... 15.194.825.000đ
51. Nam Định ...................................................... 11.730.000.000đ
52. Ninh Bình ...................................................... 13.864.534.000đ
53. Nghệ An ........................................................ 30.000.000.000đ
54. Phú Thọ ......................................................... 15.710.551.000đ
55. Quảng Bình ...................................................... 8.000.000.000đ
56. Quảng Ninh ................................................... 23.511.000.000đ
57. Sơn La ............................................................. 6.070.000.000đ
58. Thái Bình ........................................................ 7.005.000.000đ
59. Thái Nguyên .................................................. 20.746.140.000đ
60. Thanh Hóa ..................................................... 30.439.071.000đ
61. Tuyên Quang ................................................. Không có số liệu
62. Vĩnh Phúc ....................................................... 3.000.000.000đ
63. Yên Bái ........................................................... 8.662.622.000đ
Tổng số tiền Ban Từ thiện Xã hội các tỉnh thực hiện năm 2024 là 3.288.953.692.000đ (Ba ngàn hai trăm tám mươi tám tỷ chín trăm năm mươi ba triệu sáu trăm chín mươi hai ngàn đồng). Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh đạt trên 689 tỷ, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh đạt trên 100 tỷ.
Nhìn chung, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự, Ban Từ thiện Xã hội các cấp, các Hệ phái Phật giáo, chư Tôn đức Tăng Ni các tự viện và Phật tử cả nước đã rất tích cực nỗ lực trong công tác từ thiện, an sinh xã hội, đồng thời nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ áo quan, gạo, quần áo, thuốc men, ủng hộ tuyến đầu Tổ quốc, chiến sĩ biên phòng, hải đảo, Trại tâm thần, Nhà dưỡng lão, Quỹ Bảo thọ, hàng chục ngàn ca hiến máu nhân đạo và nhiều công tác từ thiện khác.
Nổi bật trong năm 2024 là các hoạt động tri ân, báo ân kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024). Tăng Ni tích cực tham gia góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQVN các cấp nhiệm kỳ 2024-2029 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQVN lần thứ X tháng 10/2024.
Cùng với cơ đồ và vị thế của đất nước ngày một nâng cao trong cộng đồng quốc tế và khu vực, GHPGVN ngày càng có vai trò quan trọng và uy tín đối với cộng đồng Phật giáo thế giới. Giáo hội đã đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo các tổ chức Phật giáo quốc tế, Tăng thống Phật giáo các nước đến thăm Việt Nam. Đức Chủ tịch Hội đồng Trị sự dẫn đầu đoàn tham dự Vesak LHQ lần thứ 19 tại Thái Lan và chính thức nhận đăng cai Vesak LHQ lần thứ 20 tại TP.HCM vào năm 2025; Tham dự Hội nghị Hòa bình thế giới 2024 tại Paris; Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ IV, Diễn đàn Kiều Tăng Thế giới lần thứ 2 tại Trung Quốc; Trung ương Giáo hội đã tổ chức thăm viếng và làm việc với các Hội Phật tử Việt Nam tại nước ngoài; đón tiếp các tổ chức Quốc tế, tổ chức Phật giáo nước ngoài thăm hữu nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều Phật sự quan trọng khác.
Đặc biệt, dưới sự phối hợp của Văn phòng Trung ương Giáo hội và các Ban, Viện Trung ương, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã kịp thời chấn chỉnh một vài Tăng Ni thuyết giảng có khuynh hướng lệch chuẩn lan truyền trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trên tinh thần trách nhiệm của từng thành viên trong toàn Giáo hội, chương trình hoạt động Phật sự năm 2024 của Giáo hội từ phạm vi xây dựng, củng cố cơ sở Trung ương, địa phương cho đến hoạt động chuyên ngành của Giáo hội đều đạt kết quả tốt đẹp, khẳng định vị thế của GHPGVN đối với dân tộc, tạo được uy tín, niềm tin đối với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước cũng như cộng đồng Phật giáo thế giới trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động Phật sự vẫn còn những khó khăn, hạn chế và tồn đọng.
II. CÁC PHẬT SỰ VÀ THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA GHPGVN
A. VỀ MẶT TỔ CHỨC
1. Phổ biến các văn kiện của Giáo hội:
Thực hiện chương trình hoạt động Phật sự 5 năm nhiệm kỳ 2022 - 2027 của GHPGVN, Văn phòng Trung ương Giáo hội đã ban hành Thư chúc tết Xuân Giáp Thìn (2024) của Đức Pháp chủ GHPGVN; Hội đồng Chứng minh đã phê chuẩn cho 323 Tăng Ni được tấn phong Giáo phẩm tại Hội nghị thường niên năm 2023; Ban hành Thông bạch số 10/TB-HĐTS ngày 08/01/2024 về việc tổ chức đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 an vui, an toàn, tiết kiệm; Ngày 28/3/2024, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã ban hành Thông bạch số 088/TB-HĐTS hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản PL. 2568; Thông bạch số 089/TB-HĐTS hướng dẫn tổ chức An cư kết hạ năm 2024; Thông bạch số 090/TB-HĐTS về việc cúng dàng Công đức phí; Thông bạch số 95/TB-HĐTS ngày 30/3/2024 hướng dẫn việc tổ chức khóa tu mùa hè cho Thanh thiếu niên Phật tử; Thông bạch vận động cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi… và một số văn bản khác của Trung ương GHPGVN; Triển khai Nghị quyết Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Thông tri về việc Giáo hội PGVN đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak năm 2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam – Tp. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Trung ương Giáo hội đã có thông tri đến Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành V/v tổ chức nghi lễ tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944-2024).
2. Tổ chức Hội nghị sinh hoạt Hành chính Giáo hội:
Ngày 19/4/2024, tại Văn phòng Trung ương Giáo hội (chùa Quán Sứ, Hà Nội) Ban Thường trực HĐTS đã tổ chức Hội nghị sinh hoạt Giáo hội cho Ban Trị sự GHPGVN khu vực phía Bắc; Ngày 25/4/2024, tại Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự đã diễn ra Hội nghị Sinh hoạt Giáo hội năm 2024 cho Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh phía Nam. Tham dự Hội nghị có chư Tôn đức Ban Thường trực HĐTS, Ủy viên HĐTS, đại diện các Ban, Viện Trung ương, Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Chánh Thư ký, Phó Thư ký, Chánh Văn phòng Ban Trị sự các tỉnh, thành, Quý đại diện khách mời Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ, lãnh đạo Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Báo đài.
Ngày 02/8/2024, tại Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN diễn ra Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị lần 3 khóa IX Ban Thường trực HĐTS, với sự tham dự của Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực, Chánh Thư ký Ban Trị sự 34 tỉnh, thành phía Nam.
3. Công tác xây dựng và củng cố cơ sở Giáo hội tại địa phương:
Để kiện toàn nhân sự địa phương, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã ký Quyết định số 209 ngày 30/5/2024 bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thiện Trí, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực kiêm Trưởng ban Pháp chế GHPGVN tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2022 – 2027; Quyết định số 386/QĐ-HĐTS ngày 04/10/2024 bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch HĐTS đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 thay cho HT. Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh BR-VT viên tịch; Quyết định số 444/QĐ-HĐTS ngày 14/11/2024 bổ nhiệm Thượng tọa Thích Tĩnh Triệt, Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp giữ nhiệm vụ Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự thay cho HT. Thích Chơn Minh, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp đã viên tịch; Quyết định số 529/QĐ-HĐTS ngày 28/12/2024 bổ nhiệm Thượng tọa Thích Chơn Trí đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVn tỉnh Đồng Tháp khóa IX nhiệm kỳ 2022 – 2027.
4. Công tác tổ chức Đại lễ Vesak 2025 :
Được sự chấp thuận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, dự kiến từ ngày 06-08/05/2025 với chủ đề: Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững (Unity and Inclusivity for Human Dignity: Buddhist Insights for World Peace and Sustainable Development).
Các Ban, ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh đã có các buổi làm việc, khảo sát địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak. Tại Học Viện Phật giáo Việt Nam, Trung ương Giáo hội đã tổ chức nhiều phiên họp với các cơ quan Lãnh đạo, Hội nghị lần thứ nhất giữa Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) về công tác tổ chức sự kiện quan trọng này. Trung ương Giáo hội đã hoàn tất và trình Chính phủ đề án tổ chức Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam.
Ngày 13/11/2024 tại Trụ sở Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã có phiên làm việc với Lãnh đạo Thành phố và GHPGVN về công tác tổ chức Đại lễ Vesak 2025 tại TP. Hồ Chí Minh.
B. HOẠT ĐỘNG CHUYÊN NGÀNH:
1. Tăng sự:
Theo báo cáo của 63 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố, Ban Tăng sự Trung ương đã thống kê số lượng Tăng Ni, Tự viện tương đối cụ thể như sau:
- Tăng Ni: 54.973 Tăng Ni, gồm: 40.807 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 5.384 Khất sĩ.
- Tự viện: 18.544 Tự viện (15.871 Tự viện Bắc Tông; 462 chùa Nam Tông Khmer, 45 Salate; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 Niệm Phật đường, 54 Tự viện Phật giáo Người Hoa).
- Tín đồ: Khoảng 60% /99.000.000 dân số.
Thực hiện việc số hóa, Ban Tăng sự Trung ương đang tiếp tục cập nhật số lượng Tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử.
Được sự chấp thuận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre, Đồng Nai, Tp. Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Hải Dương, Tp. Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Hưng Yên đã tổ chức thành công Đại Giới đàn.
Ban Tăng sự Trung ương đã có Thông bạch số 089/TB/HĐTS ngày 28/3/2024, hướng dẫn Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức An cư Kết hạ PL.2568. Có 63 đơn vị Ban Trị sự GHPGVN tổ chức An cư và hậu An cư Kết hạ cho 38.059 Tăng Ni an cư.
Thực hiện việc chuyển đổi số, Ban Tăng sự Trung ương đã tiến hành cấp 3.043 chứng nhận Tăng Ni, 88 chứng nhận Tu sĩ, 2.096 chứng điệp thụ giới, 1.457 chứng điệp An cư kết hạ.
Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố đã bổ nhiệm Trụ trì và Ban Quản trị 626 cơ sở tự viện; Miễn nhiệm 16 vị trụ trì; Thành lập mới 14 cơ sở tự viện; Công nhận 74 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, ký xác nhận cho 1.463 nam nữ Phật tử xuất gia tu học tại các tự viện; giới thiệu 92 Tăng Ni chuyển vùng sinh hoạt tu học, hành đạo.
- Bồi dưỡng Giới luật, nghiệp vụ trụ trì, hành chính Giáo hội:
Với mục đích giúp cho các tỉnh, thành nắm vững các quy định của Giáo hội, am tường phần Tác trì (các pháp Yết ma) như Yết ma cọng, Yết ma bất cọng, Yết ma đơn, Yết ma kép, Đơn bạch Yết ma, Bạch nhị Yết ma, Bạch tứ Yết ma… để khi thực hiện được đồng bộ, Ban Tăng sự Trung ương đã tổ chức khóa Bồi dưỡng kiến thức về Giới Luật tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương (Tượng Phật Niết Bàn), từ ngày 07 - 09/10/2024. Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Pháp chủ Hội đồng Chứng minh và chư Tôn đức Giáo phẩm Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh đã quang lâm chứng minh và ban đạo từ. Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự Trung ương, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc. Khóa Bồi dưỡng Giới luật năm 2024 có 322 đại biểu thuộc 34 tỉnh, thành phía Nam tham dự; Ngày 17/11/2024 Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN tổ chức Khóa Bồi dưỡng Giới luật cho 29 đơn vị Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố phía Bắc tại chùa Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Để bồi dưỡng nhiệm vụ Trụ trì, kỹ năng quản lý Tự viện, hành chính Giáo hội, triển khai Hiến chương GHPGVN, Quy chế Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN; Quy chế Ban Quản trị cơ sở tự viện của GHPGVN nhiệm kỳ 2022 - 2027 cho các thành viên Ban Trị sự cấp tỉnh, Ban Trị sự cấp huyện, Tăng Ni Trụ trì, chuẩn bị trụ trì các cơ sở Tự viện của Giáo hội, Trung ương Giáo hội đã cho phép Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Đồng Tháp, Đắk Nông, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Kon Tum, Đồng Nai, Phú Yên, Tp. Hồ Chí Minh… tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Trụ trì và hành chính Giáo hội, khóa huân tu, bồi dưỡng giới luật; nhiều chức sắc Phật giáo tham dự khóa Bồi dưỡng về Pháp luật tôn giáo, an ninh quốc phòng do Ban Tôn giáo tỉnh kết hợp Ban Trị sự một số tỉnh, thành tổ chức.
Theo đề nghị của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Đồng Nai, Bạc Liêu, Tp. Hồ Chí Minh, Ban Thường trực HĐTS đã trình Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; Thượng tọa Thích Huệ Thành, nguyên Ủy viên HĐTS, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Cà Mau; Thượng tọa Thích Chơn Trí Tp. Hồ Chí Minh lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng; Đại đức Thích Trí Hiền lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa.
- Hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer:
Để các hoạt động Phật sự của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer được thuận lợi, nhất là Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự luôn tạo mọi điều kiện để Phật giáo Nam tông Khmer hoạt động đồng bộ trong các hoạt động chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, Trung ương Giáo hội đã hỗ trợ kinh phí di chuyển cho chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer sang Camphuchia viếng Lễ tang và dự Lễ Trà tỳ Hòa thượng Tep Vong – Tăng vương Phật giáo Camphuchia.
- Hoạt động của Phân ban Ni giới Trung ương:
Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương đã tổ chức nhiều phiên họp tại Văn phòng Phân ban Ni giới (chùa Từ Nghiêm, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh), và tại Văn phòng Phân ban Ni giới (chùa Quán Sứ - Hà Nội) để triển khai các hoạt động Phật sự năm 2024.
Nhằm tôn vinh công đức, đạo hạnh của Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo – Vị Ni đầu tiên của Ni đoàn thời Đức Phật và những tấm gương cao quý của chư vị tiền bối Ni hữu công Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, Phân ban Ni giới Trung ương phối hợp với Phân ban Ni giới Tp. Cần Thơ tổ chức thành công, trang nghiêm lễ tưởng niệm Đức Đại Ái Đạo - Kiều Đàm Di và chư Ni tiền bối Phật giáo hữu công, tọa đàm chủ đề: “Ni giới Phật giáo thành phố Cần Thơ: Ni lưu Giới đức, Tâm đức, Tuệ đức”. Đại lễ được sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Tăng sự Trung ương; chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, chư Tôn đức lãnh đạo HĐTS; Sự tham dự của Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục an ninh nội địa (A02) BCA, Bí thư Thành ủy Tp. Cần Thơ và các Ban, Sở ngành, MTTQVN Tp. Cần Thơ, cùng hàng ngàn chư Ni, Phật tử trong cả nước vào ngày 13-14/4/2024 tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam và chùa Phước Khánh, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Tp. Cần Thơ. Lễ tưởng niệm Đức Đại Ái Đạo - Kiều Đàm Di và chư Ni tiền bối Phật giáo hữu công năm 2025 do Phân ban Ni giới GHPGVN Tp. Hà Nội đăng cai tổ chức, dự kiến từ ngày 01 đến 03/4/2025.
Nhân mùa An cư Kết hạ PL.2568, Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm và cúng dường Trường hạ tại Tp. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Trung, miền Đông, miền Tây, các Trường hạ tại Tp. Hồ Chí Minh.
Đặc san Hoa Đàm (tiếng nói của Nữ giới Phật giáo Việt Nam), do Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương làm Tổng Biên tập, xuất bản đều đặn, mỗi tháng 01 số, với nhiều nội dung phong phú.
Nhằm bồi dưỡng kiến thức Luật học cho chư Ni, Phân ban Ni giới Trung ương tổ chức Khóa Bồi dưỡng Luật học năm 2024 tại Ni viện Thiện Hòa, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 21 - 25/9/2024. Có 441 thành viên là Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh, thành tham dự.
Để khuyến khích tinh thần tu học của chư Ni và phát huy vai trò của Ni giới trong việc hoằng pháp, Phân Ban Ni giới Trung ương tổ chức Khóa bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ Hoằng pháp và thi diễn giảng cấp Trung ương cho chư Ni thuộc Phân Ban Ni giới các tỉnh thành trong cả nước tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 10 - 13/11/2024.
2. Hoạt động của Ban Giáo dục Phật giáo:
Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đã tổ chức thành công khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm từ ngày 15/4 đến ngày 21/4/2024 tại Tp. Đà Nẵng, với sự tham dự của Chư Tôn đức Lãnh đạo Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Giáo thọ Trường Trung cấp Phật học toàn quốc.
1. Sau Đại học:
- Đào tạo 327 Học viên chương trình Thạc sĩ; 38 Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế.
2. Hệ thống Học viện:
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức tuyển sinh hệ Cử nhân Phật học liên thông khóa VI (2024 - 2030); Tuyển sinh hệ Cao đẳng Phật học khóa IX (2024 - 2028).
Ngày 18/3/2024, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh (Cơ sở 1), Hội đồng Điều hành Học viện đã tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác Giáo dục Phật học Đài – Việt với Phật học Viện Viên Quang (Đài Loan); Ký kết hợp tác đào tạo Cao đẳng Phật học giữa Học viện với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai; Ngày 29/3/2024 Học viện tổ chức Ban xét duyệt 10 đề cương Tiến sĩ Phật học chuyên ngành Nghiên cứu Phật học của 10 học viên.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh đã tuyển sinh khóa XIX năm 2024 Cử nhân Phật học.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế tuyển sinh khóa XV (2024 - 2028) hệ Cử nhân Phật học, có 56 thí sinh trúng tuyển.
3. Hệ thống Cao đẳng, Trung cấp Phật học:
08 Lớp Cao đẳng Phật học, 35 Trường Trung cấp Phật học đang tiếp tục chương trình đào tạo Tăng Ni sinh. Một số trường Trung cấp, Cao đẳng Phật học như Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Huế, Lâm Đồng, Gia Lai đã tổ chức Lễ cấp phát bằng tốt nghiệp và tuyển sinh khóa mới.
4. Sơ cấp Phật học:
- Lớp Sơ cấp Phật học tại các tỉnh, thành công tác giảng dạy được thực hiện đều đặn theo chương trình của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương.
5. Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer:
Do tính đặc thù của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nên chương trình giáo dục đào tạo dành cho Hệ phái đều có sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương Giáo hội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Dân tộc Trung ương và địa phương, Ủy ban Mặt trận các cấp, Phật giáo Nam tông Khmer đã tổ chức các lớp dạy Vini, Pàli Khmer ngữ và bổ túc văn hóa cấp 1, 2, 3; mở lớp dạy Anh văn, tin học cho Chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer.
- Trường Bổ túc văn hóa Pàli Trung cấp Nam bộ có 170 vị sư sãi theo học từ năm thứ nhất đến năm thứ tư.
- Có 23.854 Sư sãi, thanh thiếu niên dân tộc Khmer tham gia các lớp Trung cấp Phật học, Sơ cấp Phật học, các lớp Vini, Pàli, Khmer ngữ, bổ túc văn hóa tại các điểm học thuộc các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, còn có nhiều chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer theo học các Trường Đại học, Cao đẳng tại Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trà Vinh với các chuyên ngành như: Luật, công nghệ thông tin, kế toán, du lịch, Anh văn, trường Chính trị, điêu khắc gỗ và nhiều chư Tăng đang du học tại các nước như Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ.
6. Du học:
Giáo hội tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện cho 280 Tăng Ni sinh đang du học tại các nước. Một số Tăng Ni sinh đang tiến hành làm thủ tục du học do các Học viện giới thiệu.
3. Hoạt động của Ban Hoằng pháp:
Đáp ứng yêu cầu Hoằng pháp trong thời đại 4.0 Ban Hoằng pháp Trung ương đã tích cực triển khai nội dung công tác hoằng pháp mà Đại hội đã đề ra. Trong năm 2024, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Hoằng pháp từ ngày 04 - 07/4/2024 tại chùa Khánh An, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh.
Lớp đào tạo Cao – Trung cấp Giảng sư khu vực phía Bắc tại chùa Vạn Phúc, huyện Sóc Sơn đang đào tạo khóa II (2022 - 2025) với 64 Tăng Ni Giảng sinh; Phân ban đào tạo Cao – Trung cấp Giảng sư tại phía Nam tại chùa Hòa Khánh, Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức thi tốt nghiệp khóa XI cho 99 Tăng Ni sinh, Khóa XII có 42 Tăng Ni Giảng sinh lớp Cao cấp, 19 Tăng Ni sinh lớp Trung cấp.
Chư Tôn đức Ban Hoằng pháp Trung ương và các tỉnh, thành đã tổ chức nhiều buổi thuyết giảng nhân dịp xuân Giáp Thìn, mùa An cư Kết hạ; tham gia công tác thuyết giảng tại các khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ Trụ trì và Hành chính Giáo hội, các Trường hạ do Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành tổ chức.
Nhân mùa An cư Kết hạ, Ban Hoằng pháp Trung ương đã phối hợp với Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương cúng dường 60 Trường hạ do Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành tổ chức và 04 Học viện Phật giáo Việt Nam.
Công tác thuyết giảng trong năm 2024, Ban Hoằng pháp Trung ương đã chỉ đạo cho các vị Giảng sư là Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương, Ban Hoằng pháp các tỉnh thành, phải đảm bảo và đáp ứng đầy đủ các buổi thuyết giảng tại các đạo tràng cũng như thuyết giảng tại các Lễ đài Phật đản. Qua đó, với đội ngũ Tăng Ni giảng sư trẻ, nhiệt huyết và đông đảo, Ban Hoằng pháp Trung ương và Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành đã tham gia công tác thuyết giảng tại các Đạo tràng, khóa tu Niệm Phật, trì Chú Đại Bi, hướng dẫn Phật tử tu tập Bát Quan trai, các lớp giáo lý tại địa phương tương đối đồng bộ và đều khắp, mỗi điểm giảng trung bình có từ vài trăm đến cả ngàn Phật tử nghe pháp.
Các Phân ban Hoằng pháp đều có những hoạt động tích cực như Phân ban Truyền thông Hoằng pháp và ứng dụng công nghệ đã kịp thời đưa tin và truyền hình trực tiếp các sự kiện của Ban Hoằng pháp Trung ương, góp phần hoằng dương Phật pháp và lan tỏa lời dạy của Đức Phật đến với đông đảo đồng bào Phật tử và những người yêu mến Đạo Phật; Phân ban Hoằng pháp Hải ngoại đã thực hiện chuyến hoằng pháp Châu âu, Ấn Độ, Mỹ, Lào; Phân ban Hoằng pháp Dân tộc dự kiến tổ chức khóa Hoằng pháp viên Cư sĩ Phật tử đồng bào dân tộc các tỉnh Tây nguyên.
Nhìn chung, với tinh thần đoàn kết, hòa hợp và trách nhiệm các thành viên Ban Hoằng pháp Trung ương và các tỉnh thành đã tổ chức nhiều chương trình thuyết giảng, khóa tu phong phú thu hút được đông đảo đồng bào, Phật tử, Thanh thiếu niên tham gia. Đặc biệt là sự kết hợp giữa hoằng pháp, từ thiện xã hội và hướng dẫn Phật tử nên công tác hoằng pháp ngày càng đạt nhiều hiệu quả.
4. Hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử:
Thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Ban, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã có văn bản, hướng dẫn triển khai các văn kiện của Hội đồng Trị sự đến các Phân ban, Tiểu ban, Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành; Kịp thời chỉ đạo, giải quyết về những Phật sự có liên quan chuyên ngành Hướng dẫn Phật tử.
Công tác hướng dẫn Phật tử được kết hợp với mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn. Các khóa tu Ngày an lạc, lễ hằng thuận được tổ chức ở các chùa trong dịp đầu Xuân năm mới. Thời khắc giao thừa tại chùa Bằng, Tp. Hà Nội là một nét đẹp đón Xuân của Phật tử; Pháp hội Dược sư tiêu tai diên thọ cầu an đầu Xuân tại Việt Nam Quốc tự, Tp. Hồ Chí Minh, khóa lễ cầu an cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, tại trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên… là những hình ảnh đẹp về công tác hướng dẫn Phật tử.
Ban Hướng dẫn Phật tử đã phối hợp với Ban Tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia năm 2024 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô vào ngày 31/3/2024 với chủ đề: Phát huy truyền thống “Phụng đạo, Yêu nước, Hộ quốc, An dân” của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường.
Nhằm đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo pháp của Đức Phật vào mọi mặt của đời sống xã hội, đổi mới sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã có thông bạch số 95/TB-HĐTS ngày 30/3/2024 v/v hướng dẫn các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố tổ chức khóa tu mùa hè cho Thanh thiếu niên Phật tử trong dịp hè 2024.
Qua đó, nhiều tỉnh thành, tự viện đã tổ chức hơn 150 khóa tu, hội trại, trại hè cho thanh thiếu nhi Phật tử, với khoảng 109.300 bạn trẻ tham dự. Có thể nói, đây là bước phát triển rất mạnh của ngành Thanh thiếu nhi Phật tử.
Đặc biệt, khóa Tập huấn kỹ năng tổ chức khóa tu mùa hè tại Tp. Cần Thơ cho 13 tỉnh thành khu vực miền Tây Nam Bộ tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Tp. Cần Thơ với sự tham dự của 100 chư Tôn đức, Phật tử lãnh đạo Phân ban TTNPT các tỉnh thành; Khóa Tập huấn kỹ năng tổ chức khóa tu mùa hè cho 06 tỉnh thành khu vực miền Đông Nam Bộ và Bình Thuận tại chùa Như Ý, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 60 chư Tôn đức, Phật tử lãnh đạo Phân ban TTNPT các tỉnh thành tham dự.
Hội trại Tuổi trẻ và Phật giáo lần thứ 14 với chủ đề “Nối vòng tay lớn” dành cho thanh thiếu nhi khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ và một số tỉnh thành duyên hải miền Trung. Hội trại diễn ra từ ngày 11 đến 14/7/2024 tại chùa Quốc Ân Khải Tường, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Có 19 tỉnh thành tham dự với hơn 3.000 trại sinh và tình nguyện viên. Kết thúc Hội trại, Ban tổ chức đón nhập 02 Kỷ lục UNESS Việt Nam: 1./ Kỷ lục xếp hình “8 bông hoa sen” và xếp chữ “Nối vòng tay lớn” quanh Tháp Diên Thọ có số lượng trại sinh và tình nguyện viên nhiều nhất Việt Nam.
Năm 2024, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và các tỉnh, thành phối hợp với Ban Hoằng pháp tổ chức Hội thi giáo lý cho Phật tử. Qua đó, tạo nên tinh thần học Phật sôi động, tạo tiền đề cho Phật tử tìm hiểu giáo lý Đạo Phật.
Theo thống kê, hiện có 32 tỉnh, thành có Gia đình Phật tử sinh hoạt trong hệ thống GHPGVN, với 966 đơn vị Gia đình Phật tử; 9.352 Huynh trưởng các cấp; 45.455 Đoàn sinh các ngành.
Tiểu ban Liên lạc Gia đình Phật tử tại miền Bắc có 14 đơn vị GĐPT gồm các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa sinh hoạt.
Có 1.242 đạo tràng Bát Quan trai, 35 đạo tràng Tu thiền, 698 đạo tràng Niệm Phật, Phật thất, 80 đạo tràng Pháp Hoa, 40 đạo tràng Dược Sư, 81 đạo tràng Đại Bi; 223 đơn vị tổ chức khóa tu Một ngày an lạc, 107 lớp giáo lý…, ngày càng phát triển về chất lượng cũng như số lượng. Có 285.342 Phật tử tham gia sinh hoạt tu học.
Hội Quy (dành cho những Phật tử đã quy y Tam bảo, sinh hoạt tu học ở chùa các tỉnh, thành phía Bắc) và các mô hình tu học khác như: Mật tông, Địa tạng, Lương Hoàng Sám... có 103 đơn vị, với 9.370 Phật tử tham dự.
Trong năm 2024, Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương đã lập kế hoạch và tổ chức Trại họp bạn Lục Hòa 3 cho GĐPT 5 tỉnh Tây Nguyên tại chùa Khánh Lâm thuộc khu du lịch sinh thái Măng Đen tỉnh Kon Tum; Trại huấn luyện Huynh trưởng 3 cấp cho GĐPT các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ tại chùa Phật Quang Phổ Chiếu, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang; Tổ chức trại huấn luyện Huynh trưởng Sơ cấp Lộc Uyển, cấp 1 A Dục, cấp 2 Huyền Trang Tổ chức lễ thọ cấp Tập, Tín cho GĐPT các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ tại chùa Vĩnh Hưng, tỉnh Sóc Trăng; Truy thăng cấp Tấn cho các Huynh trưởng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, Bình Định; Tổ chức thi kết thúc năm thứ nhất và khai giảng năm thứ hai lớp học Huynh trưởng bậc Lực VI tại 5 địa điểm cho 5 khu vực có 449 Huynh trưởng tham dự.
Phân ban Phật tử Dân tộc thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã tổ chức gặp gỡ, giao lưu và phát quà từ thiện cho đồng bào dân tộc tại tỉnh Quảng Nam và Tp. Đà Nẵng, Quảng Trị, Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Gia lai, Phú Yên, Bình Định.
Phân ban Phật tử Hải ngoại hỗ trợ và tổ chức khóa tu “Phật là Quê hương” lần 2 tại Singapore; Khóa tu online “Tỏa ngát Hương đàm” lần 2, kính mừng Đại lễ Phật đản PL 2568, với sự tham dự của 200 Phật tử ở các nước Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Ba Lan, Việt Nam, Thái Lan,…; Tổ chức khóa tu học Online định kỳ vào tối thứ bảy đầu tháng âm lịch trên Zoom Meeting, từ 19g15 đến 20g45. Mỗi kỳ tu học trung bình từ 40 đến 80 Phật tử ở các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,…tham dự. Đặc biệt, Phân ban Phật tử Hải ngoại Trung ương đã tổ chức thành công buổi lễ Khai xuân, chúc Tết, Cầu an đầu năm cho hàng trăm Phật tử ở nhiều nơi trên thế giới qua hình thức Online trên Zoom. Buổi lễ mang lại nhiều cảm xúc hoan hỷ cho Phật tử tham dự.
Nhiều tự viện ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức Lễ cầu nguyện, tư vấn, tiếp sức mùa thi năm 2024.
Ngoài ra, thành viên các Phân ban, Tiểu ban thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh, thành đã thăm hỏi, chia sẻ, tặng quà cho đồng bào nghèo, đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ sinh viên, học sinh nghèo hiếu học, vượt khó; tham gia công tác tổ chức Đại lễ Phật đản, Lễ kỷ niệm 61 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân và chư Thánh Tử đạo; Lễ tưởng niệm chư Tôn đức Giáo phẩm, Tăng Ni viên tịch; Lễ húy kỵ các Huynh trưởng đã tạ thế, thăm viếng và hỗ trợ các Huynh trưởng, đoàn sinh có hoàn cảnh khó khăn… với tổng số tiền từ thiện xã Phân ban, Tiểu ban thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử thực hiện trong năm 2024 lên đến hàng trăm tỷ đồng.
5. Hoạt động của Ban Nghi lễ:
Ban Nghi lễ Trung ương và Ban Nghi lễ Phật giáo các tỉnh thành đã có nhiều đóng góp trong công tác tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2568 tại Trung ương và địa phương.
Thực hiện tinh thần Thông bạch hướng dẫn tổ chức An cư Kết hạ PL.2568 của Trung ương Giáo hội, Ban Nghi lễ Trung ương và các tỉnh, thành phố đã tham gia công tác tổ chức nghi lễ Khai hạ tại các Trường hạ; Tham gia ban giảng huấn các trường hạ, các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì, hành chính Giáo hội do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành tổ chức. Ngoài ra, tại một số Tự viện, tùy trụ xứ của các thành viên trong Ban Nghi lễ tổ chức các lớp Đào tạo kiến thức cơ bản về Nghi lễ. Hòa thượng Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương, trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy Nghi lễ hàng tuần tại Việt Nam Quốc tự, cũng như giảng dạy tại các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì do Ban Trị sự các tỉnh thành tổ chức.
Tham gia công tác Khai Đại giới đàn do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre, Đồng Nai, Tp. Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình tổ chức.
Ban Nghi lễ Trung ương và các tỉnh, thành, các cơ sở Tự viện đã tổ chức lễ cầu an đầu xuân tết Nguyên đán, Pháp hội Dược sư cầu Quốc thái Dân an, lễ cúng Rằm tháng Giêng, Đại lễ Phật đản, Lễ Phật xuất gia, Thành đạo, nhập Niết bàn, Lễ Vu lan Báo hiếu, Lễ vía Bồ tát Quán Âm, Đại lễ cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn và nhiều Lễ hội truyền thống được tổ chức theo từng địa phương như tỉnh Hải Dương có Lễ hội Mùa Xuân, Côn Sơn Kiếp Bạc, kỷ niệm ngày Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang Tôn giả nhập Niết bàn lần thứ 690 tại chùa Côn Sơn; Lễ hội chùa Hào – Thanh Hà; Lễ kỷ niệm ngày Đệ nhị Tổ Pháp Loa Tôn giả thị tịch lần thứ 694 tại chùa Thanh Mai – Chí Linh, chùa Văn Xá, chùa Trúc Lâm, chùa Hương Hải Tp. Hải Dương nơi quê hương của Đệ nhị Tổ. Các buổi lễ đã thể hiện tinh thần Phật giáo hòa quyện với tinh thần dân tộc, mang đậm nét văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Theo thông lệ hằng năm, ngày 13 tháng Giêng âm lịch, tại chùa Thành, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn và Đạo tràng chùa Thành tổ chức Lễ chúc thọ cho 350 cụ Phật tử trong không khí trang nghiêm, ấm áp nghĩa tình. Mô hình Lễ chúc thọ tập thể các cụ ông, cụ bà Phật tử ngày càng được nhiều tự viện trong toàn quốc tổ chức. Trong năm 2024 đã có 21.087 Phật tử Quy y Tam bảo.
Kỷ niệm 61 năm Bồ tát Quảng Đức vì pháp thiêu thân (1963 - 2024), Ban Thường trực HĐTS (Văn phòng 1 TWGH) kết hợp với Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hà Nội tổ chức tại Tổ đình Hòe Nhai (Hồng Phúc) - Hà Nội; Tại Tp. Hồ Chí Minh, Ban Thường trực HĐTS kết hợp với Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh đã trọng thể tổ chức Lễ Kỷ niệm Bồ tát Thích Quảng Đức và chư Thánh Tử đạo vị Pháp thiêu thân tại Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN; Dâng hương tưởng niệm tại tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức, quận 3. Chư Tôn đức Giáo phẩm Lãnh đạo Trung ương Giáo hội đã đến dâng hương tưởng niệm nơi lưu giữ Trái Tim Bồ tát Quảng Đức - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số 08 đường Võ Văn Kiệt, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Kiên Giang, Gia Lai, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Thuận… trọng thể tổ chức Lễ Kỷ niệm Bồ tát Quảng Đức và chư Thánh tử đạo.
Thực hiện Thông tư của Hội đồng Trị sự, Đại lễ tưởng niệm lần thứ 716 ngày Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn được tổ chức trang nghiêm và thành kính tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, tại các tỉnh, thành phố Ban Nghi lễ phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN cũng như cơ sở của Thiền viện Trúc Lâm tại địa phương tổ chức Lễ tưởng niệm trong tinh thần tri ân tiền nhân của dân tộc, đã tạo dựng nền tảng tư tưởng cho Phật giáo Việt Nam.
Ban Nghi lễ Trung ương và 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố đã trọng thể tổ chức lễ tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công, Chư Tôn thiền đức Trưởng lão các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ như lễ tưởng niệm Đức Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam Pháp chủ GHPGVN; Cố Đại lão HT. Thích Trí Thủ, HT. Thích Trí Tịnh, nguyên Đệ nhất, Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; HT. Thích Từ Nhơn, HT. Thích Thanh Tứ nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS… và chư Tôn đức thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã viên tịch; tổ chức Tang lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Nghi lễ Trung ương, Viện chủ chùa Phật học Xá Lợi, Viện chủ Tổ đình Bửu Sơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; Tang lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh, Ban Trị sự GHPGVN Quận 3, Tông trưởng Hệ phái Thiền Tịnh Đạo Tràng, Trụ trì Tổ đình Phật Bửu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh; Tang lễ Hòa thượng Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Pháp chế Trung ương GHPGVN tại Thiền viện Quảng Đức, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh; Tang lễ Hòa thượng Thích Chơn Minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp.
Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại” Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Trị sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các nạn vong tử vong do tai nạn giao thông năm 2024.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Nghi lễ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái phối hợp với Ban Trị sự tỉnh tổ chức Lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do bão Yagi với các nghi thức truyền thống, thắp nến tri ân và nghi lễ cúng dường. Hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là lời động viên tinh thần dành cho gia đình các nạn nhân, khơi dậy tình yêu thương và sự đoàn kết trong cộng đồng.
6. Hoạt động của Ban Văn hóa:
Trong năm 2024, Ban Văn hóa Trung ương tiếp tục ký kết hợp tác với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam để lan tỏa 04 đề án: “Pháp phục – Ngôn ngữ – Nghệ thuật và biểu tượng văn hóa Phật giáo” đã được Hội đồng Trị sự GHPGVN phê duyệt.
Ban Văn hóa Trung ương đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Trần Nhân Tông về trao đổi học thuật, lan tỏa phát huy kết quả đề án: “Pháp phục – Ngôn ngữ – Nghệ thuật và biểu tượng văn hóa Phật giáo”.
Ban Văn hóa Trung ương phối hợp với Ban Trị sự với Ban Trị sự các tỉnh, thành thực hiện nhiều chương trình hoạt động như: Tổ chức công diễn ra mắt những ca khúc và nhạc phẩm Phật giáo Việt Nam tại Chùa Đại Tuệ Nghệ An, trong dịp lễ hội Khai bút đầu xuân năm Giáp Thìn; Khai mạc Lễ hội đầu xuân tại chùa Hương Hà Nội với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn – văn minh – thân thiện”, giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc, hội tụ những nét đẹp của văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc; Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; Các Lễ hội Yên Tử, Ngọa Vân, mùa xuân Côn Sơn, Phật Tích, Tây Thiên, Tam Chúc, Bái Đính…; Tổ chức Đoàn hành hương về miền đất Phật Ấn Độ, Nepal; Khảo sát đề xuất đặt trụ kinh Chuyển Pháp luân tại Phật tích với Ban Trụ trì Tháp Đại Giác và Tổng Thư ký Ban Quản trị Phật tích Buddha Gaya; Khảo sát, kêu gọi đầu tư tài trợ xây dựng trường Mầm non Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai; Bàn giao điểm trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học 2 xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; Ra mắt các tác phẩm văn hóa và âm nhạc Phật giáo Việt Nam; Phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak 2024 tại Chùa Yên Phú - Thanh Trì - Hà Nội; Tổ chức thẩm định đề cương Kiến trúc Phật giáo Việt nam - thống nhất trong đa dạng; Hoàn thành và công bố bộ nhận diện Đại lễ Phật đản PL. 2568 kịp thời phổ biến vào dịp lễ Vesak năm nay, với chủ đề: Về Nguồn; Tham gia cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam. Giải nhất cuộc thi thuộc về tác phẩm của KTS. Minh Quang, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương; Triển khai tổ chức trại sáng tác khu vực phía Bắc tại Non thiêng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh; Tổ chức thành công chương trình biểu diễn nghệ thuật: “Âm nhạc Phật giáo Việt Nam”, diễn ra vào ngày 07/6/2024 tại Nhà Hát lớn Hà Nội, ngày 15/06/2024 tại Nhà Hát Trưng Vương - Đà Nẵng; Tổ chức Triển lãm “Hương Sen", diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, để giới thiệu 90 tác phẩm của 18 tác giả bao gồm các họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng tại Huế cũng như trong cả nước có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm trong sáng tác và nhiệt tâm; Tổ chức thi và trao giải: “Thiết trí vườn Lâm Tỳ Ni tại tư gia kính mừng Phật đản PL. 2568 – DL. 2024 do Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Đắk Lắk thực hiện; Chương trình Lễ hội rước Phật cho các bạn thanh thiếu niên tại Đắk Nông do Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh phối hợp thực hiện; Ban Văn hóa Phật giáo các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ… đã tổ chức giao lưu thăm hỏi và chúc Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer tại các chùa Khmer trên địa bàn; Tổ chức Lễ hội hoa đăng, lễ Dâng y Cathina tại các chùa theo truyền thống Nam truyền tại Thiền viện Phước Sơn, Tổ đình Bửu Long, chùa Phổ Minh…; Kết hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tỉnh Bạc Liêu tọa đàm, trao đổi với các cấp chính quyền lãnh đạo ban ngành tỉnh, thành phố Bạc Liêu về việc xin cấp phép đất, quy hoạch sơ bộ mặt bằng tổng thể các hạng mục công trình nằm trong Đề án "Quy hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Tây Nam Bộ; Hoàn thiện hồ sơ và được Cục bản Quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp quyền sở hữu về Trụ Kinh và Biểu tượng kiến trúc Phật giáo Việt Nam; Giao lưu, trao đổi khoa học chủ đề “Văn hóa Phật giáo Việt Nam - Thống nhất trong đa dạng” tại Viện Trần Nhân Tông, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội; Phối hợp với Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức talkshow “Ứng dụng AI trong hoạt động nghệ thuật”; Triển lãm Văn hóa Phật giáo tại tuần lễ Festival – nghệ thuật quốc tế Huế; Phối hợp cùng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức tọa đàm “Nhận thức Phật giáo qua nghệ thuật”; Phát động cuộc vận động sáng tác nghệ thuật “Sáng Đạo trong Đời” với chủ đề: “Nhận thức Văn hóa Phật giáo qua các loại hình nghệ thuật” hướng đến Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025; Triển lãm nghệ thuật “Sáng Đạo trong Đời” quy tu 51 tác phẩm độc đáo của 12 họa sĩ tài năng đến từ mọi miền đất nước; tái hiện chân dung đạo hạnh của vị Thiền sư Tông Diễn “Hòa thượng Cua” tại Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát Trần Hữu Trang, Tp. Hồ Chí Minh; Tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Phật giáo thời Trần ở Việt Nam hiện nay”, tham gia Hội thảo “Khám phá những liên kết lịch sử, tâm linh văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam”, hội thảo “Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìn”, hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa cuộc đời và giai thoại”. Chùa Yên Phú kết hợp với UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội tổ chức lễ gắn biển tuyến đường mang tên Sư bà Phương Dung và đón nhận Bằng Di tích lịch sử Văn hóa Đình Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.
Nhiều tọa đàm, nghiên cứu khoa học kiến trúc Phật giáo, kiến trúc của các hệ phái, vùng miền được Ban Văn hóa Trung ương và Ban Văn hóa các tỉnh thành liên kết thực hiện; xây dựng bộ quy chuẩn của các công trình, tìm hiểu tiến tới ứng dụng kỹ thuật mới trong công tác bảo tồn, phát triển kiến trúc và mỹ thuật, xây dựng công trình Phật giáo phù hợp tính đương đại và truyền thống; Thể hiện quan điểm chính kiến và nhận thức đúng về hiện tượng “Thích Minh Tuệ”, tuyên truyền sâu rộng Phật tử và nhân dân hiểu rõ bản chất sự việc. Không bị lôi cuốn, kích động theo không gian mạng.
Ban Văn hóa Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức khóa đào tạo “Người dẫn chương trình Phật giáo” tại Tu viện Khánh An, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh.
Trang báo điện tử của Trung ương GHPGVN, Báo Giác Ngộ, các Ban, Viện Trung ương, Phân ban, Phân viện, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố, Học viện, Hệ phái Phật giáo... đã đăng tải những tin tức, hoạt động Phật sự của Giáo hội và địa phương, số lượt người truy cập trang web ngày càng tăng; Tuần báo và Nguyệt san Giác ngộ, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Đặc san Hoa Đàm - Tiếng nói của Nữ giới Phật giáo Việt Nam đều được xuất bản đúng kỳ.
Xử lý thông tin chính xác và kịp thời, tác nghiệp chuyên môn tại các diễn đàn, sự kiện, hội nghị,.. đưa tin tức đến công chúng nhanh nhất như trang vanhoaphatgiao.net, phatgiaodoisong.vn
Như thông lệ, hàng năm vào dịp Đại lễ Phật Đản, Kỷ niệm ngày Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân và các Lễ hội Phật giáo… Ban Văn hóa Trung ương và Ban văn hóa Phật giáo các tỉnh, thành phối hợp với Phân ban Gia đình Phật tử tổ chức Văn nghệ cúng dường và phục vụ đồng bào Phật tử, tạo nên không khí hân hoan, sinh động.
Tuần lễ Văn hóa Phật đản gồm các hoạt động như thuyết giảng, văn nghệ, ẩm thực chay, triển lãm, hội thi giáo lý, tọa đàm, diễu hành xe hoa, thuyền hoa, hoa đăng, hội trại… được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp tổ chức trang nghiêm và trọng thể. Tại mỗi lễ đài tập trung có hàng ngàn Tăng Ni, đại diện chính quyền các cấp và đồng bào Phật tử tham dự.
Được sự giúp đỡ của Quý Cơ quan chức năng các cấp, một số cơ sở tự viện tại các tỉnh, thành đã được trùng tu, tôn tạo.
Với tinh thần Bồ tát hạnh, ngoài công tác chuyên môn, các thành viên của Ban Văn hóa Trung ương đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, từ thiện nhân đạo, ủng hộ đồng bào khắc phục thiên tai bão lũ với tổng kinh phí trên 08 tỷ đồng.
7. Hoạt động của Ban Kinh tế Tài chính:
Ban Kinh tế Tài chính Trung ương GHPGVN đã có thông bạch số 090/TB-HĐTS ngày 28/3/2024 vận động Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành, các Hội Phật tử Việt Nam tại nước ngoài, chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử cúng dàng công đức phí năm 2024 cho các hoạt động của Giáo hội.
Trong năm 2024, Ban Kinh tế Tài chính đã cúng dàng chi phí sinh hoạt phí cho Văn phòng 1, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Báo Giác Ngộ mỗi tháng 50.000.000đ; Hỗ trợ Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Ninh Thuận, Trà Vinh, Tây Ninh mỗi tháng 30.000.000đ; Kênh truyền hình An Viên, Phật sự Online. Tổng số tiền Ban Kinh tế Tài chính đã cúng dường, ủng hộ công tác của Trung ương Giáo hội và các đơn vị gần 10 tỷ đồng. Về thu chi tài chính công đức năm 2024 của Giáo hội (Có báo cáo riêng).
Ban Kinh tế Tài chính Trung ương kết hợp với Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN thành lập Trung tâm Biên Phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế do Thượng tọa Thích Thanh Phong làm Giám đốc điều hành, tài trợ kinh phí. Trung tâm đã quy tụ được hàng trăm Tăng Ni có trình độ học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ tốt nghiệp từ các trường học quốc tế, cũng như các học giả, dịch giả trong nước về cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp biên phiên dịch Pháp bảo, xây dựng kho tàng tri thức Phật giáo nước nhà. Cho đến nay, Trung tâm đã xuất bản gần 200 đầu sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni sinh đang theo học tại các trường Phật học, cũng như nghiên cứu sinh các trường thế học, học giả trên cả nước có nguồn tư liệu phong phú nghiên cứu về Phật giáo. Bên cạnh xuất bản sách, Trung tâm còn có chương trình hỗ trợ 100% học phí cho Tăng Ni học viên lớp tập huấn nâng cao chuyên Anh ngữ, lớp học Hán Nôm hệ vừa học vừa làm; tặng tủ sách và sách cho các chùa, các thư viện quốc gia, thư viện các trường học, các bệnh viện, các trại giam, trại giáo dưỡng .v.v…; hỗ trợ kinh phí cúng dường bộ Càn Long Đại Tạng kinh tới 300 chùa trên cả nước và một số chương trình an sinh xã hội khác.
Để chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại lễ Vesak 2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Tài chánh đã cúng dường chi phí san lấp mặt bằng, tu sửa một số công trình, xử lý hệ thống nước thải… nhằm phục vụ cho công tác tổ chức Đại lễ Vesak.
Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu PL. 2568, Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương phối hợp với Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh tặng quà yêu thương đến những người có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam Quốc tự và chùa Phổ Quang quận Tân Bình; Kết hợp với Ban Hoằng pháp Trung ương thăm và cúng dường các Trường hạ trong cả nước.
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, 79 năm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời cũng nhân mùa Vu lan Báo hiếu, mùa tri ân, báo ân của người con Phật, trên tinh thần tri ân và tưởng nhớ công ơn to lớn của các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ để đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, ngày 27/8/2024 Ban kinh tế Tài chánh Trung ương, Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Hóc Môn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hóc Môn, Ban Quản trị Tổ đình Vĩnh Nghiêm, cùng sự hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn và các Sở ngành liên quan trọng thể tổ chức Đại lễ tưởng niệm các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, cầu siêu anh linh anh hùng Liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào nhân dân đã hy sinh trong công cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại tại huyện Hóc Môn. Đại lễ được tổ chức tại Khu di tịch Lịch sử cấp Quốc gia Ngã 3 Giồng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh.
8. Hoạt động của Ban Từ thiện xã hội:
Thực hiện chương trình hoạt động Phật sự năm 2024, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương đã tổ chức chuyến công tác thăm viếng và làm việc với Ban TTXH các tỉnh thành, thăm hỏi và hỗ trợ các tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ Yagi, với kinh phí thực hiện là 14.115.240.000đ.
Hệ thống Tuệ Tĩnh đường, phòng khám Đông Tây y, phòng thuốc Nam trong toàn Giáo hội hiện có gần 200 cơ sở đều hoạt động có hiệu quả, đã khám và phát thuốc cho hàng chục ngàn bệnh nhân, tổng trị giá hàng tỷ đồng.
Các lớp học tình thương, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi, nhà dưỡng lão, trường dạy nghề,… trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều hoạt động ổn định, có kết quả.
Với tinh thần và trách nhiệm, các Phân ban Từ thiện Xã hội đều hoạt động rất tích cực hiệu quả trong các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội như:
- Phân ban TTXH Phật giáo Khất sĩ .................. 129.648.940.000đ
- Phân ban TTXH Phật giáo Nam tông Kinh ........ 29.168.486.000đ
- Phân ban TTXH Cứu trợ nhân đạo .................... 47.890.000.000đ
- Phân ban TTXH Xã hội Giáo dục ..................... 24.884.650.000đ
- Phân ban Từ thiện Y tế ....................................... 6.310.000.000đ
- Phân ban Huấn nghệ và phát triển cộng đồng .... 14.603.670.000đ
- Phân ban TTXH các Cơ sở Bảo trợ ................... 28.922.734.000đ
- Phân ban Đối ngoại và quan hệ quốc tế .............. 87.695.857.000đ
Phân ban Ni giới Trung ương và Phân ban Ni giới các tỉnh thành đã có nhiều hoạt động tích cực, dấn thân trong công tác từ thiện xã hội năm 2024, với kết quả đạt được là 578.458.762.000đ.
Với tinh thần trách nhiệm và bổn phận của người con Phật, Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo các tỉnh thành đã nỗ lực trong công tác từ thiện, an sinh xã hội, nhằm giúp đỡ, chia sẻ, lan tỏa yêu thương đến mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, năm 2024, Ban Từ thiện Xã hội các tỉnh thành đã đạt được kết quả như sau:
1. Tp. Hồ Chí Minh ........................................... 698.001.874.000đ
2. An Giang .......................................................... 43.068.937.000đ
3. Bạc Liêu ........................................................... 43.970.121.000đ
4. Bến Tre ......................................................... 101.674.605.000đ
5. Bình Định ........................................................ 44.570.000.000đ
6. Bình Dương ..................................................... 85.188.845.000đ
7. Bình Phước ...................................................... 46.754.781.000đ
8. Bình Thuận ...................................................... 42.317.775.000đ
9. Bà Rịa – Vũng Tàu ......................................... 100.950.638.000đ
10. Cà Mau ........................................................... 16.300.000.000đ
11. Cần Thơ ......................................................... 39.143.394.000đ
12. Đà Nẵng ........................................................ 30.787.684.000đ
13. Đắk Lắk ......................................................... 36.743.694.000đ
14. Đắk Nông ...................................................... 22.935.754.550đ
15. Đồng Nai ..................................................... 199.633.386.000đ
16. Đồng Tháp ..................................................... 63.553.663.000đ
17. Gia Lai .......................................................... 13.274.925.000đ
18. Hậu Giang ..................................................... 13.992.040.000đ
19. Khánh Hòa .................................................... 34.294.732.000đ
20. Kiên Giang .................................................... 70.150.000.000đ
21. Kon Tum ......................................................... 8.221.250.000đ
22. Lâm Đồng ..................................................... 44.358.283.000đ
23. Long An ...................................................... 107.165.422.000đ
24. Ninh Thuận ................................................... 23.190.512.000đ
25. Phú Yên ......................................................... 24.256.819.000đ
26. Quảng Nam ................................................... 41.947.256.000đ
27. Quảng Ngãi ................................................... 14.120.000.000đ
28. Quảng Trị ...................................................... 12.837.087.000đ
29. Sóc Trăng ...................................................... 76.536.451.000đ
30. Tây Ninh ....................................................... 40.792.000.000đ
31. Thừa Thiên Huế ............................................ 32.622.505.000đ
32. Tiền Giang ................................................... 119.369.147.000đ
33. Trà Vinh ...................................................... 103.930.938.000đ
34. Vĩnh Long ..................................................... 55.268.836.000đ
35. Bắc Giang ....................................................... 4.000.000.000đ
36. Bắc Kạn .......................................................... 2.000.000.000đ
37. Bắc Ninh ....................................................... 24.201.066.000đ
38. Cao Bằng ....................................................... 13.000.000.000đ
39. Điện Biên ...................................................... 30.513.800.000đ
40. Hà Giang ....................................................... 26.677.119.000đ
41. Hà Nam ........................................................... 2.500.000.000đ
42. Hà Nội ........................................................... 95.150.500.000đ
43. Hà Tĩnh ........................................................... 3.042.000.000đ
44. Hải Phòng ...................................................... 25.073.530.000đ
45. Hải Dương...................................................... 11.078.000.000đ
46. Hòa Bình ......................................................... 1.260.000.000đ
47. Hưng Yên ........................................................ 2.000.000.000đ
48. Lai Châu ........................................................ Không có số liệu
49. Lạng Sơn ......................................................... 1.469.890.000đ
50. Lào Cai .......................................................... 15.194.825.000đ
51. Nam Định ...................................................... 11.730.000.000đ
52. Ninh Bình ...................................................... 13.864.534.000đ
53. Nghệ An ........................................................ 30.000.000.000đ
54. Phú Thọ ......................................................... 15.710.551.000đ
55. Quảng Bình ...................................................... 8.000.000.000đ
56. Quảng Ninh ................................................... 23.511.000.000đ
57. Sơn La ............................................................. 6.070.000.000đ
58. Thái Bình ........................................................ 7.005.000.000đ
59. Thái Nguyên .................................................. 20.746.140.000đ
60. Thanh Hóa ..................................................... 30.439.071.000đ
61. Tuyên Quang ................................................. Không có số liệu
62. Vĩnh Phúc ....................................................... 3.000.000.000đ
63. Yên Bái ........................................................... 8.662.622.000đ
Tổng số tiền Ban Từ thiện Xã hội các tỉnh thực hiện năm 2024 là 3.288.953.692.000đ (Ba ngàn hai trăm tám mươi tám tỷ chín trăm năm mươi ba triệu sáu trăm chín mươi hai ngàn đồng). Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh đạt trên 689 tỷ, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh đạt trên 100 tỷ.
Nhìn chung, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự, Ban Từ thiện Xã hội các cấp, các Hệ phái Phật giáo, chư Tôn đức Tăng Ni các tự viện và Phật tử cả nước đã rất tích cực nỗ lực trong công tác từ thiện, an sinh xã hội, đồng thời nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ áo quan, gạo, quần áo, thuốc men, ủng hộ tuyến đầu Tổ quốc, chiến sĩ biên phòng, hải đảo, Trại tâm thần, Nhà dưỡng lão, Quỹ Bảo thọ, hàng chục ngàn ca hiến máu nhân đạo và nhiều công tác từ thiện khác.
Đặc biệt, hiến mô tạng cứu người là nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần từ bi, hỷ xả của đạo Phật. Mỗi mô tạng, mỗi bộ phận cơ thể người được hiến tặng sẽ là nguồn sống quý giá, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Do đó, ngày 25/6/2024 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký kết phối hợp “Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và khởi động đăng ký hiến mô, tạng tại các cơ sở của Phật giáo trên toàn quốc.
9. Hoạt động của Ban Phật giáo Quốc tế:
Năm 2024, là năm bản lề trước thềm Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025 được diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh, Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương và các tỉnh, thành đã chủ động và tích cực trong các hoạt động Phật sự tại Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đạt được nhiều thành tựu Phật sự.
1. Hoạt động ngoại giao:
Chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo hội, Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương đã tham dự Hội nghị Phật giáo Châu Á vì Hòa bình – ABCP lần thứ 12 tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ; Viếng Lễ tang Đại lão Hòa thượng Tep Vong, Tăng vương Phật giáo Vương quốc Campuchia tân viên tịch và trao thư Phân ưu của Đức đệ tứ Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đến đại diện Ban Tổ chức Lễ tang; Buổi họp của Thường trực Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (ICDV) diễn ra tại hội trường chùa Prayurawongsawat, Bangkok, Thái Lan đã chấp thuận cho GHPGVN đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2025 tại Tp. Hồ Chí Minh; Hội nghị Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2024 tại Hải Nam, Trung Quốc; Tham dự ngày Earth Day thế giới tại Thái Lan; Tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2024 tại Thái Lan, Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề: “Xây dựng niềm tin và đoàn kết – Con đường Phật giáo trong thế giới hiện đại” và nhận chuyển giao đăng cai Đại Lễ Vesak LHQ 2025; Tham dự Hội thảo Quốc tế Vesak tại Pakistan và triễn lãm về Phật giáo Gandhara taih Thủ đô Islamabad; Tham dự Đại lễ Kỷ niệm 60 năm trùng kiến Bảo tháp Xá lợi Răng của Phật, tọa đàm do Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và Trưởng lão Hòa thượng Thích Thường Tạng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc tổ chức tại Tổ đình Linh Quang, Bắc Kinh, Trung Quốc; Tham dự Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ 6, do Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc tổ chức tại Tp. Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc; Tham dự Hội nghị Hòa bình thế giới năm 2024 tại trụ sở UNESSCO – Paris do Đại sứ Quán Thái Lan tại Cộng hòa Pháp phối hợp cùng Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới tổ chức; Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Châu Á tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ.
Ban Phật giáo Quốc tế tỉnh Bình Thuận tham dự Lễ hội truyền thống giao lưu văn hóa, trao đổi nghệ thuật truyền thống Việt Nam, chào mừng tết nguyên đán tại Tp. Darwin, Australia; Ban Phật Quốc tế phối hợp cùng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thăm và làm việc chúc tết cổ truyền BunPiMay (Lễ hội Té nước) và tặng quà nhu yếu phẩm đến bà con địa phương tại tỉnh Hủa-phăn, Lào; Ban Phật giáo Quốc tế Tp. Đà Nẵng tham dự Lễ Hodsong tôn vinh các nhà sư đức hạnh tại chùa Wat Chomthong, tỉnh Khammuane ở Nam Lào.
Nhân dịp Lễ hội tết cổ truyền Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan năm 2024, tại chùa Phổ Minh Tp. Hồ Chí Minh và chùa Huệ Hưng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ trì tổ chức Lễ hội tết cổ truyền với sự tham dự của Tổng Lãnh sự quán, chính quyền và đồng bào Phật tử, học sinh Campuchia, Lào, Thái Lan.
Ngày 15/4/2024, Trung ương Giáo hội đã ký kết bản ghi nhớ giữa GHPGVN và Hội đồng Tăng-già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka. Bản ký kết gồm 02 nội dung chính là hợp tác về Giáo dục Phật giáo và công tác từ thiện nhằm giúp mối quan hệ giữa Phật giáo hai nước Việt Nam – Sri Lanka ngày một bền chặt và vươn lên tầm cao mới.
2. Hoằng pháp hải ngoại:
Chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo hội, Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương đã tổ chức hoằng pháp tại hải ngoại với các hoạt động như: Tổ chức khóa tu tại với chủ đề “Kiến tạo bình an” tại chùa Hải Tinh, Tp. Gimhae, Hàn Quốc; Gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ Phật pháp với cộng đồng Phật tử chùa Trúc Lâm Tp. Teplice; Tham dự Đại hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Lễ Vu lan Báo hiếu tại Thủ đô Praha; Thực hiện hoằng pháp tại Anh, Úc; Hỗ trợ cho Tăng Ni sinh Việt Nam đang tu học tại Thủ đô New Delhi, ủng hộ Quỹ hoạt động Phật sự của Hội Tăng Ni sinh viên Việt Nam tại Ấn Độ; Tổ chức thành công sự kiện “Xuân Quê hương” tại Tây Úc; Trao tặng giếng nước cho người dân Ấn Độ.
3. Đón tiếp các đoàn Phật giáo Quốc tế:
Tại Trụ sở Trung ương Giáo hội, Chùa Quán Sứ - Hà Nội, Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự và các tỉnh Hải Dương, Bình Định, Ninh Bình, Long An, Tp. Hồ Chí Minh đón tiếp các phái đoàn: Phật giáo Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Népal, Ấn Độ, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka, Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia, Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan… đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp, tổ chức hoạt động Phật sự việc quảng bá văn hóa Phật giáo tại mỗi đất nước, một số vấn đề liên quan đến phương diện học thuật, đào tạo nhân tài cho Phật giáo, thúc đẩy tình hữu nghị bền chặt giữa Phật giáo Việt Nam và các nước.
4. Các hoạt động đối nội:
Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương đã đến thăm và chúc tết chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo hội tại Văn phòng 1, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội; Tham dự Lễ tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức và chư vị Thánh tử đạo, chư Tôn đức tiền bối hữu công đối với Phật giáo Việt Nam, Lễ tưởng niệm Đức Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam Pháp chủ GHPGVN, chư Tôn đức Trưởng lão Thành viên HĐCM, Hội đồng Trị sự viên tịch.
Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương đã đón tiếp và làm việc với quý phái đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ, Lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh để khảo sát công tác tổ chức Đại lễ Vesak năm 2025 tổ chức tại Học viện PGVN Tp. Hồ Chí Minh.
Tham dự nhiều phiên họp tại Văn phòng Trung ương, Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự, Học viện Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh về công tác tổ chức Đại lễ Vesak năm 2025.
10. Hoạt động Ban Pháp chế:
Thực hiện Nghị quyết hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, ngày 24/7/2024, Hoà thượng Chủ tịch HĐTS ký Quyết định số 297/QĐ-HĐTS thành lập Tổ Tư vấn Pháp lý trực thuộc Ban Thường trực HĐTS GHPGVN. Ban Pháp chế Trung ương tham gia Tổ Tư vấn Pháp lý gồm HT. Thích Huệ Thông, TT. Thích Tâm Đức, TT. Thích Huệ Khai, TT. Lý Đức, LS. Trương Văn Nhứt, LS. Đặng Thị Minh Châu, LS. Trịnh Hữu Thịnh.
Nhằm đáp ứng các công tác Phật sự mang tính đặc thù của các hệ phái trong lĩnh vực pháp chế. Ban Pháp chế Trung ương có tờ trình lên Ban Thường trực và được Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN ký Quyết định số 250/QĐ-HĐTS, ngày 26 tháng 6 năm 2024 về việc thành lập và chuẩn y nhân sự 03 Phân ban Pháp chế gồm: 1. Phân ban Pháp chế phụ trách Nam tông Khmer, 2. Phân ban Pháp chế phụ trách Hệ phái Khất sĩ, 3. Phân ban Pháp chế phụ trách Nam tông Kinh; có tờ trình xin bổ sung nhân sự Phân ban Pháp luật cho Luật sư Trịnh Hữu Thịnh.
Với chức năng chuyên ngành Pháp chế, Ban Pháp chế Trung ương đã tham mưu cho Ban Thường trực HĐTS, Văn phòng Trung ương Giáo hội trong công tác bổ sung nhân sự Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Cà Mau; góp ý và đề xuất các vấn đề liên quan đến Tăng Ni, Tự viện tại một số đơn vị Phật giáo địa phương như Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang… góp phần ổn định tình hình sinh hoạt Phật giáo tại địa phương.
Với nhiều sự vụ liên quan đến Tăng Ni, Tự viện trên không gian mạng, Ban Pháp chế các tỉnh, thành, quận huyện đã trực tiếp tham dự cùng Thường trực Ban Trị sự tỉnh qua đó đề xuất biện pháp và có nhiều ý kiến tham mưu, đóng góp nhất định trong lĩnh vực chuyên môn của Pháp chế, góp phần ổn định tình hình sinh hoạt Phật giáo tại địa phương.
11. Hoạt động Ban Kiểm soát:
Với trách nhiệm được phân công, Ban Kiểm soát Trung ương và Ban Kiểm soát các tỉnh, thành đã nỗ lực hoàn thành công tác được giao, tham gia, tham dự các hoạt động Phật sự của Giáo hội tại Trung ương và địa phương, góp phần thành công cho các hoạt động của Giáo hội.
12. Hoạt động Thông tin Truyền thông:
Ban Thông tin Truyền thông Trung ương và các tỉnh, thành phố đã thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ truyền thông để truyền thông các hoạt động Phật sự một cách tích cực, kịp thời theo đúng các trọng tâm, trọng điểm và các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Phân ban Chuyển đổi số đã tập trung triển khai một số công việc để định hướng về công tác số hóa và chuyển đổi số, hướng dẫn sử dụng văn phòng hành chính điện tử và kết nối trực tuyến cùng các văn phòng điện tử ở các khu vực.
Phân ban chuyển đổi số thực hiện đề án số hóa văn bản hành chính Giáo hội trên web vbgh.vn, kết hợp với VP2 TƯGH, Ban Tăng sự Trung ương triển khai cấp trên 15.000 thẻ từ có mã QR code trên nền tảng số như: Chứng nhận thành viên HĐTS, thẻ chứng nhận các Ban, Viện Trung ương, Chứng nhận Tăng Ni, Chứng điệp thọ giới, Sổ An cư kết hạ, cập nhật dữ liệu Tăng Ni trên hệ thống để phục vụ việc tra cứu, quản lý thông tin.
Thông qua kênh Phật sự Online TV đã đăng tải 9.148 tin, bài video, thực hiện hơn 50 sự kiện truyền hình trực tiếp, trên 520 clip ghi hình đưa tin video các hội nghị, sự kiện của Giáo hội, các tỉnh/thành, hoạt động của các tự viện, các chương trình, nghi lễ, ngày kỷ niệm lớn của GHPGVN. Kênh cũng đã triển khai App ứng dụng PSOL và Hoằng pháp Online trên nền tảng App Store và CH Play.
Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org.vn) là ấn phẩm Phật giáo tiếng Việt có chỉ số truy cập cao nhất trong các ấn phẩm Phật giáo tiếng Việt, bình quân hơn 1,1 triệu view/1tháng.
Kênh truyền hình BTV9-Bchannel, tiền thân là Kênh truyền hình An Viên, là kênh Văn hóa Phương Đông – BTV9 được Bộ Thông tin Truyền thông cấp giấy phép hoạt động với mục đích là kênh Văn hóa Phật giáo, cung cấp thông tin về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, các giá trị nhân văn, nhân đạo trong xã hội. Năm 2024, kỷ niệm 5 năm hợp tác phát triển toàn diện kênh truyền hình BTV9-Bchannel An Viên, kênh đã duy trì thời lượng phát sóng 24/24h với các chương trình thường xuyên như: Bản tin An Viên 24h, Dưới bóng Bồ đề, Bước ngoặt cuộc đời, Đâu khó có An Viên, Khai kinh Nhật tụng, Lời Phật dạy, Những điều tử tế, An Viên Yoga, Tạp chí Võ thuật, Thầy tôi, Đạo pháp và Dân tộc v.v….
Ban TTTT Trung ương cũng đã phối hợp cùng các cơ quan báo đài, báo in và báo điện tử để cung cấp lịch hoạt động Phật sự của Giáo hội, hoặc đăng tải, phát sóng trong khả năng và nhiệm vụ của Ban. Trang điện tử pgvn.vn chủ yếu tổng hợp tin tức nhanh nhất từ các trang Phật giáo khác.
Từ đầu năm 2024 đến nay, truyền thông Phật giáo cũng đã cử phóng viên tham dự và đưa tin về các hoạt động Phật sự đối ngoại, quốc tế của Giáo hội.
Tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, Ban Thông tin Truyền thông đã tổ chức họp báo công bố chương trình: Tổ chức hành trình về Điện Biên Phủ nhân Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ; Họp báo công bố và phát động giải Báo chí toàn quốc và Phật giáo “Tuyên truyền lối sống Tốt đạo – Đẹp đời, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”; Tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Vu lan – Đạo hiếu – Dân tộc năm 2024” tại Nhà hát lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình VTC, truyền hình An Viên và các Kênh sóng truyền hình Quốc gia và các đài địa phương.
Ban Thông tin Truyền thông Trung ương phối hợp cùng Ban Tổ chức Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV), Báo Giác Ngộ tổ chức họp báo về kết quả phiên họp thứ nhất tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh.
Năm 2024, tình hình trên không gian mạng có nhiều biến động đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử và các cơ sở tự viện Phật giáo trong cả nước. Qua đó, chư Tôn đức Lãnh đạo Ban Thông tin Truyền thông Trung ương đã tổ chức những buổi trao đổi với các đơn vị báo chí, giải quyết các sự cố truyền thông báo chí, chủ động và trực tiếp xử lý nhiều cuộc khủng hoảng truyền thông, định hướng dư luận, chấn chỉnh kịp thời một số thông tin sai lệch được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.
13. Hoạt động của Viện và Phân viện NCPHVN:
Trong năm 2024, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức Kỷ niệm 35 năm thành lập (1989 - 2024) tại Pháp viện Minh Đăng Quang, Tp. Hồ Chí Minh, với sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN, Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ, Chủ tịch HĐTS cùng chư Tôn đức Thành viên HĐCM, HĐTS, các Ban, Văn phòng Trung ương, Ngài Đại sứ Ấn Độ, Ban Tôn giáo Chính phủ, các cơ quan chức năng Trung ương, Thành phố, các thành viên của Viện cùng đông đảo học giả và nhân sĩ trí thức Phật giáo tham dự.
Viện đã kết hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh và Tông môn pháp phái Tường Vân tổ chức Hội thảo “Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìn”; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Nam truyền tổ chức Hội thảo “Thiền Vipassana trong đời sống hiện đại”; Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo kết hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội – Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức Hội thảo khoa học “Tinh thần nhập thế của nữ giới Phật giáo xưa và nay” tại Hà Nội; Tổ chức tọa đàm “Ni giới với giáo dục mầm non: Hiện trạng và giải pháp” tại chùa Thanh Tâm, Tp. Hồ Chí Minh; Kết hợp với Công ty Buddha Nature Project trao giải cuộc thi viết và nghiên cứu “Hơi thở trong nhau – nhiệm mầu sự sống”.
Về công tác biên tập và xuất bản, các thành viên của Viện như Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh, Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Bắc truyền, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Khất sĩ, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo… tiếp tục dịch thuật, biên tập và xuất bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam; Nhiều tác phẩm đã được phiên dịch, xuất bản và tái bản các tác phẩm Phật học, nghiên cứu.
Phân viện Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã phiên dịch và biên soạn, tổ chức xuất bản, in ấn một số tác phẩm Kinh điển, Luật tạng; Tổ chức và tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm trao đổi thông tin và hợp tác nghiên cứu với một số Viện và Trường Đại học ở trong và ngoài nước. Phân viện đã đón tiếp, giao lưu và trao đổi thông tin với phái đoàn chư Tăng Bhutan, Hoa Kỳ, Nepal, Ấn Độ… đến thăm và tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam.
Phân viện phối hợp cùng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Trung tâm Bảo tồn Di sản Phật giáo đóng góp chuyên môn kiến thức Phật học cho các bài báo, phim, phóng sự, sách, kịch bản và các chuyên đề, thẩm định nội dung liên quan đến lịch sử, triết học, giáo lý Phật giáo.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã đăng tải các công trình nghiên cứu của Phân viện, cộng tác viên, công trình nghiên cứu của Tăng Ni sinh các hệ từ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, nghiên cứu sinh. Năm 2024, Tạp chí bản in và bản điện tử đã đăng khoảng 120 bài báo khoa học, bài khóa, bài luận, các chuyên đề do Tăng Ni sinh thực hiện.
Trang tin điện tử Tạp chí NCPH (https://tapchinghiencuuphathoc.vn) cũng là kênh thông tin truyền tải các chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để chức sắc, tín đồ thực hiện đời sống tôn giáo ngày một tốt đẹp, gắn kết giữa công tác nghiên cứu và công tác xây dựng phát triển tổ chức Giáo hội.
Thực hiện việc quy hoạch Báo chí, theo chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã xây dựng Dự thảo Đề án Quy hoạch Báo chí của GHPGVN gửi đến Bộ TT-TT theo công văn số 1048/BTTTT-CBC ngày 25/3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai thực hiện quy hoạch báo chí của GHPGVN.
C. CÔNG TÁC XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC:
Các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử cả nước đã tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, xây dựng nếp sống mới trên địa bàn khu dân cư, ủng hộ quốc phòng, biên giới hải đảo, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu; Tích cực trong các mặt hoạt động từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, cứu trợ đồng bào bị thiên tai; Tham gia ủng hộ công tác xây dựng trường học, lớp học, phòng học tại các vùng sâu vùng xa, làm đường giao thông nông thôn, xây cầu, đóng giếng nước. Nổi bật nhất là bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, các phiên chợ không đồng được các tự viện, các nhóm Phật tử thiện nguyện thực hiện thường xuyên… Đặc biệt, là tìm hiểu về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
Mặt khác, Tăng Ni, Phật tử trong toàn Giáo hội còn tích cực tham gia các đoàn thể xã hội. Một số chư Tôn đức tham gia Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trung ương, tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường, xã…, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng dân chủ, phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri Tăng Ni, Phật tử; góp ý cùng các cơ quan chức năng liên hệ, giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan đến tôn giáo, tạo sự hài hòa cảm thông, đoàn kết giữa chính quyền các cấp và Giáo hội; giữ vững lập trường, phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, độc lập dân tộc, theo hướng đi lên của thời đại, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ, giàu mạnh. Từ đó, xuất hiện nhiều gương điển hình, gương người tốt việc tốt, bàn tay vàng giàu lòng nhân đạo v.v… nên đã được nhà nước trao tặng Huân chương, Bằng khen, Giấy khen và Bằng Tuyên dương công đức của GHPGVN.
III. NHẬN XÉT và ĐÁNH GIÁ:
Giáo hội luôn bám sát các mặt công tác bằng sự vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phát huy tính sáng tạo, giữ vững niềm tin Đạo pháp của các thành viên Tăng Ni, Phật tử cả nước. Qua đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành tựu những công tác và đạt thành quả nổi bật như sau:
Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội IX GHPGVN; Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2022 – 2027; Tổ chức học tập Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII; Quy chế hoạt động Ban Tăng sự Trung ương, Ban Quản trị cơ sở Tự viện…
Hai Văn phòng Trung ương Giáo hội và các Ban, Viện Trung ương đã được củng cố và tăng cường nhân sự hợp lý, quan hệ chặt chẽ, giải quyết kịp thời những Phật sự cần thiết và hoạt động đồng bộ.
Đối với trường hợp của một vài cá nhân tu sĩ thuyết giảng đăng tải trên mạng xã hội có những phát ngôn lệch chuẩn, không phù hợp Chánh pháp, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng Trung ương Giáo hội kết hợp với Ban Tăng sự, Ban Hoằng pháp, Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát, Ban Thông tin Truyền thông Trung ương đã kịp thời chấn chỉnh, giúp cho những cá nhân đó nhận thức được những phát ngôn không chuẩn mực.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng có vị thế, uy tín trong cộng đồng Phật giáo thế giới, qua các cuộc Hội nghị, hội thảo quốc tế và diễn đàn quốc tế mà đại biểu của Giáo hội tham gia.
Trên tinh thần tự giác, Giáo hội cũng đã mạnh dạn nhìn vào thực tế, nhận xét đánh giá những ưu khuyết điểm, những khó khăn, hạn chế, tồn đọng trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động Phật sự của toàn nhiệm kỳ và năm 2024, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX cũng như những năm tiếp theo của nhiệm kỳ 2022 - 2027, góp phần đẩy mạnh công tác Phật sự của Giáo hội ngày càng phát triển trong tình hình xã hội, đất nước và thế giới có những chuyển biến thuận lợi, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” trên tinh thần “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển” mà Đại hội IX GHPGVN đã đề ra./.
Năm 2024, là năm bản lề trước thềm Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025 được diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh, Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương và các tỉnh, thành đã chủ động và tích cực trong các hoạt động Phật sự tại Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đạt được nhiều thành tựu Phật sự.
1. Hoạt động ngoại giao:
Chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo hội, Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương đã tham dự Hội nghị Phật giáo Châu Á vì Hòa bình – ABCP lần thứ 12 tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ; Viếng Lễ tang Đại lão Hòa thượng Tep Vong, Tăng vương Phật giáo Vương quốc Campuchia tân viên tịch và trao thư Phân ưu của Đức đệ tứ Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đến đại diện Ban Tổ chức Lễ tang; Buổi họp của Thường trực Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (ICDV) diễn ra tại hội trường chùa Prayurawongsawat, Bangkok, Thái Lan đã chấp thuận cho GHPGVN đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2025 tại Tp. Hồ Chí Minh; Hội nghị Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2024 tại Hải Nam, Trung Quốc; Tham dự ngày Earth Day thế giới tại Thái Lan; Tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2024 tại Thái Lan, Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề: “Xây dựng niềm tin và đoàn kết – Con đường Phật giáo trong thế giới hiện đại” và nhận chuyển giao đăng cai Đại Lễ Vesak LHQ 2025; Tham dự Hội thảo Quốc tế Vesak tại Pakistan và triễn lãm về Phật giáo Gandhara taih Thủ đô Islamabad; Tham dự Đại lễ Kỷ niệm 60 năm trùng kiến Bảo tháp Xá lợi Răng của Phật, tọa đàm do Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và Trưởng lão Hòa thượng Thích Thường Tạng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc tổ chức tại Tổ đình Linh Quang, Bắc Kinh, Trung Quốc; Tham dự Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ 6, do Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc tổ chức tại Tp. Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc; Tham dự Hội nghị Hòa bình thế giới năm 2024 tại trụ sở UNESSCO – Paris do Đại sứ Quán Thái Lan tại Cộng hòa Pháp phối hợp cùng Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới tổ chức; Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Châu Á tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ.
Ban Phật giáo Quốc tế tỉnh Bình Thuận tham dự Lễ hội truyền thống giao lưu văn hóa, trao đổi nghệ thuật truyền thống Việt Nam, chào mừng tết nguyên đán tại Tp. Darwin, Australia; Ban Phật Quốc tế phối hợp cùng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thăm và làm việc chúc tết cổ truyền BunPiMay (Lễ hội Té nước) và tặng quà nhu yếu phẩm đến bà con địa phương tại tỉnh Hủa-phăn, Lào; Ban Phật giáo Quốc tế Tp. Đà Nẵng tham dự Lễ Hodsong tôn vinh các nhà sư đức hạnh tại chùa Wat Chomthong, tỉnh Khammuane ở Nam Lào.
Nhân dịp Lễ hội tết cổ truyền Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan năm 2024, tại chùa Phổ Minh Tp. Hồ Chí Minh và chùa Huệ Hưng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ trì tổ chức Lễ hội tết cổ truyền với sự tham dự của Tổng Lãnh sự quán, chính quyền và đồng bào Phật tử, học sinh Campuchia, Lào, Thái Lan.
Ngày 15/4/2024, Trung ương Giáo hội đã ký kết bản ghi nhớ giữa GHPGVN và Hội đồng Tăng-già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka. Bản ký kết gồm 02 nội dung chính là hợp tác về Giáo dục Phật giáo và công tác từ thiện nhằm giúp mối quan hệ giữa Phật giáo hai nước Việt Nam – Sri Lanka ngày một bền chặt và vươn lên tầm cao mới.
2. Hoằng pháp hải ngoại:
Chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo hội, Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương đã tổ chức hoằng pháp tại hải ngoại với các hoạt động như: Tổ chức khóa tu tại với chủ đề “Kiến tạo bình an” tại chùa Hải Tinh, Tp. Gimhae, Hàn Quốc; Gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ Phật pháp với cộng đồng Phật tử chùa Trúc Lâm Tp. Teplice; Tham dự Đại hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Lễ Vu lan Báo hiếu tại Thủ đô Praha; Thực hiện hoằng pháp tại Anh, Úc; Hỗ trợ cho Tăng Ni sinh Việt Nam đang tu học tại Thủ đô New Delhi, ủng hộ Quỹ hoạt động Phật sự của Hội Tăng Ni sinh viên Việt Nam tại Ấn Độ; Tổ chức thành công sự kiện “Xuân Quê hương” tại Tây Úc; Trao tặng giếng nước cho người dân Ấn Độ.
3. Đón tiếp các đoàn Phật giáo Quốc tế:
Tại Trụ sở Trung ương Giáo hội, Chùa Quán Sứ - Hà Nội, Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự và các tỉnh Hải Dương, Bình Định, Ninh Bình, Long An, Tp. Hồ Chí Minh đón tiếp các phái đoàn: Phật giáo Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Népal, Ấn Độ, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka, Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia, Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan… đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp, tổ chức hoạt động Phật sự việc quảng bá văn hóa Phật giáo tại mỗi đất nước, một số vấn đề liên quan đến phương diện học thuật, đào tạo nhân tài cho Phật giáo, thúc đẩy tình hữu nghị bền chặt giữa Phật giáo Việt Nam và các nước.
4. Các hoạt động đối nội:
Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương đã đến thăm và chúc tết chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo hội tại Văn phòng 1, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội; Tham dự Lễ tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức và chư vị Thánh tử đạo, chư Tôn đức tiền bối hữu công đối với Phật giáo Việt Nam, Lễ tưởng niệm Đức Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam Pháp chủ GHPGVN, chư Tôn đức Trưởng lão Thành viên HĐCM, Hội đồng Trị sự viên tịch.
Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương đã đón tiếp và làm việc với quý phái đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ, Lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh để khảo sát công tác tổ chức Đại lễ Vesak năm 2025 tổ chức tại Học viện PGVN Tp. Hồ Chí Minh.
Tham dự nhiều phiên họp tại Văn phòng Trung ương, Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự, Học viện Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh về công tác tổ chức Đại lễ Vesak năm 2025.
10. Hoạt động Ban Pháp chế:
Thực hiện Nghị quyết hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, ngày 24/7/2024, Hoà thượng Chủ tịch HĐTS ký Quyết định số 297/QĐ-HĐTS thành lập Tổ Tư vấn Pháp lý trực thuộc Ban Thường trực HĐTS GHPGVN. Ban Pháp chế Trung ương tham gia Tổ Tư vấn Pháp lý gồm HT. Thích Huệ Thông, TT. Thích Tâm Đức, TT. Thích Huệ Khai, TT. Lý Đức, LS. Trương Văn Nhứt, LS. Đặng Thị Minh Châu, LS. Trịnh Hữu Thịnh.
Nhằm đáp ứng các công tác Phật sự mang tính đặc thù của các hệ phái trong lĩnh vực pháp chế. Ban Pháp chế Trung ương có tờ trình lên Ban Thường trực và được Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN ký Quyết định số 250/QĐ-HĐTS, ngày 26 tháng 6 năm 2024 về việc thành lập và chuẩn y nhân sự 03 Phân ban Pháp chế gồm: 1. Phân ban Pháp chế phụ trách Nam tông Khmer, 2. Phân ban Pháp chế phụ trách Hệ phái Khất sĩ, 3. Phân ban Pháp chế phụ trách Nam tông Kinh; có tờ trình xin bổ sung nhân sự Phân ban Pháp luật cho Luật sư Trịnh Hữu Thịnh.
Với chức năng chuyên ngành Pháp chế, Ban Pháp chế Trung ương đã tham mưu cho Ban Thường trực HĐTS, Văn phòng Trung ương Giáo hội trong công tác bổ sung nhân sự Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Cà Mau; góp ý và đề xuất các vấn đề liên quan đến Tăng Ni, Tự viện tại một số đơn vị Phật giáo địa phương như Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang… góp phần ổn định tình hình sinh hoạt Phật giáo tại địa phương.
Với nhiều sự vụ liên quan đến Tăng Ni, Tự viện trên không gian mạng, Ban Pháp chế các tỉnh, thành, quận huyện đã trực tiếp tham dự cùng Thường trực Ban Trị sự tỉnh qua đó đề xuất biện pháp và có nhiều ý kiến tham mưu, đóng góp nhất định trong lĩnh vực chuyên môn của Pháp chế, góp phần ổn định tình hình sinh hoạt Phật giáo tại địa phương.
11. Hoạt động Ban Kiểm soát:
Với trách nhiệm được phân công, Ban Kiểm soát Trung ương và Ban Kiểm soát các tỉnh, thành đã nỗ lực hoàn thành công tác được giao, tham gia, tham dự các hoạt động Phật sự của Giáo hội tại Trung ương và địa phương, góp phần thành công cho các hoạt động của Giáo hội.
12. Hoạt động Thông tin Truyền thông:
Ban Thông tin Truyền thông Trung ương và các tỉnh, thành phố đã thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ truyền thông để truyền thông các hoạt động Phật sự một cách tích cực, kịp thời theo đúng các trọng tâm, trọng điểm và các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Phân ban Chuyển đổi số đã tập trung triển khai một số công việc để định hướng về công tác số hóa và chuyển đổi số, hướng dẫn sử dụng văn phòng hành chính điện tử và kết nối trực tuyến cùng các văn phòng điện tử ở các khu vực.
Phân ban chuyển đổi số thực hiện đề án số hóa văn bản hành chính Giáo hội trên web vbgh.vn, kết hợp với VP2 TƯGH, Ban Tăng sự Trung ương triển khai cấp trên 15.000 thẻ từ có mã QR code trên nền tảng số như: Chứng nhận thành viên HĐTS, thẻ chứng nhận các Ban, Viện Trung ương, Chứng nhận Tăng Ni, Chứng điệp thọ giới, Sổ An cư kết hạ, cập nhật dữ liệu Tăng Ni trên hệ thống để phục vụ việc tra cứu, quản lý thông tin.
Thông qua kênh Phật sự Online TV đã đăng tải 9.148 tin, bài video, thực hiện hơn 50 sự kiện truyền hình trực tiếp, trên 520 clip ghi hình đưa tin video các hội nghị, sự kiện của Giáo hội, các tỉnh/thành, hoạt động của các tự viện, các chương trình, nghi lễ, ngày kỷ niệm lớn của GHPGVN. Kênh cũng đã triển khai App ứng dụng PSOL và Hoằng pháp Online trên nền tảng App Store và CH Play.
Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org.vn) là ấn phẩm Phật giáo tiếng Việt có chỉ số truy cập cao nhất trong các ấn phẩm Phật giáo tiếng Việt, bình quân hơn 1,1 triệu view/1tháng.
Kênh truyền hình BTV9-Bchannel, tiền thân là Kênh truyền hình An Viên, là kênh Văn hóa Phương Đông – BTV9 được Bộ Thông tin Truyền thông cấp giấy phép hoạt động với mục đích là kênh Văn hóa Phật giáo, cung cấp thông tin về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, các giá trị nhân văn, nhân đạo trong xã hội. Năm 2024, kỷ niệm 5 năm hợp tác phát triển toàn diện kênh truyền hình BTV9-Bchannel An Viên, kênh đã duy trì thời lượng phát sóng 24/24h với các chương trình thường xuyên như: Bản tin An Viên 24h, Dưới bóng Bồ đề, Bước ngoặt cuộc đời, Đâu khó có An Viên, Khai kinh Nhật tụng, Lời Phật dạy, Những điều tử tế, An Viên Yoga, Tạp chí Võ thuật, Thầy tôi, Đạo pháp và Dân tộc v.v….
Ban TTTT Trung ương cũng đã phối hợp cùng các cơ quan báo đài, báo in và báo điện tử để cung cấp lịch hoạt động Phật sự của Giáo hội, hoặc đăng tải, phát sóng trong khả năng và nhiệm vụ của Ban. Trang điện tử pgvn.vn chủ yếu tổng hợp tin tức nhanh nhất từ các trang Phật giáo khác.
Từ đầu năm 2024 đến nay, truyền thông Phật giáo cũng đã cử phóng viên tham dự và đưa tin về các hoạt động Phật sự đối ngoại, quốc tế của Giáo hội.
Tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, Ban Thông tin Truyền thông đã tổ chức họp báo công bố chương trình: Tổ chức hành trình về Điện Biên Phủ nhân Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ; Họp báo công bố và phát động giải Báo chí toàn quốc và Phật giáo “Tuyên truyền lối sống Tốt đạo – Đẹp đời, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”; Tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Vu lan – Đạo hiếu – Dân tộc năm 2024” tại Nhà hát lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình VTC, truyền hình An Viên và các Kênh sóng truyền hình Quốc gia và các đài địa phương.
Ban Thông tin Truyền thông Trung ương phối hợp cùng Ban Tổ chức Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV), Báo Giác Ngộ tổ chức họp báo về kết quả phiên họp thứ nhất tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh.
Năm 2024, tình hình trên không gian mạng có nhiều biến động đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử và các cơ sở tự viện Phật giáo trong cả nước. Qua đó, chư Tôn đức Lãnh đạo Ban Thông tin Truyền thông Trung ương đã tổ chức những buổi trao đổi với các đơn vị báo chí, giải quyết các sự cố truyền thông báo chí, chủ động và trực tiếp xử lý nhiều cuộc khủng hoảng truyền thông, định hướng dư luận, chấn chỉnh kịp thời một số thông tin sai lệch được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.
13. Hoạt động của Viện và Phân viện NCPHVN:
Trong năm 2024, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức Kỷ niệm 35 năm thành lập (1989 - 2024) tại Pháp viện Minh Đăng Quang, Tp. Hồ Chí Minh, với sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN, Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ, Chủ tịch HĐTS cùng chư Tôn đức Thành viên HĐCM, HĐTS, các Ban, Văn phòng Trung ương, Ngài Đại sứ Ấn Độ, Ban Tôn giáo Chính phủ, các cơ quan chức năng Trung ương, Thành phố, các thành viên của Viện cùng đông đảo học giả và nhân sĩ trí thức Phật giáo tham dự.
Viện đã kết hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh và Tông môn pháp phái Tường Vân tổ chức Hội thảo “Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìn”; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Nam truyền tổ chức Hội thảo “Thiền Vipassana trong đời sống hiện đại”; Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo kết hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội – Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức Hội thảo khoa học “Tinh thần nhập thế của nữ giới Phật giáo xưa và nay” tại Hà Nội; Tổ chức tọa đàm “Ni giới với giáo dục mầm non: Hiện trạng và giải pháp” tại chùa Thanh Tâm, Tp. Hồ Chí Minh; Kết hợp với Công ty Buddha Nature Project trao giải cuộc thi viết và nghiên cứu “Hơi thở trong nhau – nhiệm mầu sự sống”.
Về công tác biên tập và xuất bản, các thành viên của Viện như Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh, Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Bắc truyền, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Khất sĩ, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo… tiếp tục dịch thuật, biên tập và xuất bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam; Nhiều tác phẩm đã được phiên dịch, xuất bản và tái bản các tác phẩm Phật học, nghiên cứu.
Phân viện Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã phiên dịch và biên soạn, tổ chức xuất bản, in ấn một số tác phẩm Kinh điển, Luật tạng; Tổ chức và tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm trao đổi thông tin và hợp tác nghiên cứu với một số Viện và Trường Đại học ở trong và ngoài nước. Phân viện đã đón tiếp, giao lưu và trao đổi thông tin với phái đoàn chư Tăng Bhutan, Hoa Kỳ, Nepal, Ấn Độ… đến thăm và tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam.
Phân viện phối hợp cùng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Trung tâm Bảo tồn Di sản Phật giáo đóng góp chuyên môn kiến thức Phật học cho các bài báo, phim, phóng sự, sách, kịch bản và các chuyên đề, thẩm định nội dung liên quan đến lịch sử, triết học, giáo lý Phật giáo.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã đăng tải các công trình nghiên cứu của Phân viện, cộng tác viên, công trình nghiên cứu của Tăng Ni sinh các hệ từ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, nghiên cứu sinh. Năm 2024, Tạp chí bản in và bản điện tử đã đăng khoảng 120 bài báo khoa học, bài khóa, bài luận, các chuyên đề do Tăng Ni sinh thực hiện.
Trang tin điện tử Tạp chí NCPH (https://tapchinghiencuuphathoc.vn) cũng là kênh thông tin truyền tải các chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để chức sắc, tín đồ thực hiện đời sống tôn giáo ngày một tốt đẹp, gắn kết giữa công tác nghiên cứu và công tác xây dựng phát triển tổ chức Giáo hội.
Thực hiện việc quy hoạch Báo chí, theo chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã xây dựng Dự thảo Đề án Quy hoạch Báo chí của GHPGVN gửi đến Bộ TT-TT theo công văn số 1048/BTTTT-CBC ngày 25/3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai thực hiện quy hoạch báo chí của GHPGVN.
C. CÔNG TÁC XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC:
Các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử cả nước đã tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, xây dựng nếp sống mới trên địa bàn khu dân cư, ủng hộ quốc phòng, biên giới hải đảo, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu; Tích cực trong các mặt hoạt động từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, cứu trợ đồng bào bị thiên tai; Tham gia ủng hộ công tác xây dựng trường học, lớp học, phòng học tại các vùng sâu vùng xa, làm đường giao thông nông thôn, xây cầu, đóng giếng nước. Nổi bật nhất là bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, các phiên chợ không đồng được các tự viện, các nhóm Phật tử thiện nguyện thực hiện thường xuyên… Đặc biệt, là tìm hiểu về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
Mặt khác, Tăng Ni, Phật tử trong toàn Giáo hội còn tích cực tham gia các đoàn thể xã hội. Một số chư Tôn đức tham gia Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trung ương, tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường, xã…, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng dân chủ, phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri Tăng Ni, Phật tử; góp ý cùng các cơ quan chức năng liên hệ, giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan đến tôn giáo, tạo sự hài hòa cảm thông, đoàn kết giữa chính quyền các cấp và Giáo hội; giữ vững lập trường, phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, độc lập dân tộc, theo hướng đi lên của thời đại, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ, giàu mạnh. Từ đó, xuất hiện nhiều gương điển hình, gương người tốt việc tốt, bàn tay vàng giàu lòng nhân đạo v.v… nên đã được nhà nước trao tặng Huân chương, Bằng khen, Giấy khen và Bằng Tuyên dương công đức của GHPGVN.
III. NHẬN XÉT và ĐÁNH GIÁ:
Giáo hội luôn bám sát các mặt công tác bằng sự vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phát huy tính sáng tạo, giữ vững niềm tin Đạo pháp của các thành viên Tăng Ni, Phật tử cả nước. Qua đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành tựu những công tác và đạt thành quả nổi bật như sau:
Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội IX GHPGVN; Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2022 – 2027; Tổ chức học tập Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII; Quy chế hoạt động Ban Tăng sự Trung ương, Ban Quản trị cơ sở Tự viện…
Hai Văn phòng Trung ương Giáo hội và các Ban, Viện Trung ương đã được củng cố và tăng cường nhân sự hợp lý, quan hệ chặt chẽ, giải quyết kịp thời những Phật sự cần thiết và hoạt động đồng bộ.
Đối với trường hợp của một vài cá nhân tu sĩ thuyết giảng đăng tải trên mạng xã hội có những phát ngôn lệch chuẩn, không phù hợp Chánh pháp, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng Trung ương Giáo hội kết hợp với Ban Tăng sự, Ban Hoằng pháp, Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát, Ban Thông tin Truyền thông Trung ương đã kịp thời chấn chỉnh, giúp cho những cá nhân đó nhận thức được những phát ngôn không chuẩn mực.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng có vị thế, uy tín trong cộng đồng Phật giáo thế giới, qua các cuộc Hội nghị, hội thảo quốc tế và diễn đàn quốc tế mà đại biểu của Giáo hội tham gia.
Trên tinh thần tự giác, Giáo hội cũng đã mạnh dạn nhìn vào thực tế, nhận xét đánh giá những ưu khuyết điểm, những khó khăn, hạn chế, tồn đọng trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động Phật sự của toàn nhiệm kỳ và năm 2024, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX cũng như những năm tiếp theo của nhiệm kỳ 2022 - 2027, góp phần đẩy mạnh công tác Phật sự của Giáo hội ngày càng phát triển trong tình hình xã hội, đất nước và thế giới có những chuyển biến thuận lợi, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” trên tinh thần “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển” mà Đại hội IX GHPGVN đã đề ra./.
BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
https://vbgh.vn/laws/detail/bao-cao-tong-ket-cong-tac-phat-su-nam-2024-cua-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-340/
...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.