Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/10/2024

Câu chuyện đương đại về sắc phong và hồi hương sắc phong

Bài gồm nhiều kì đã đăng trên trang web của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vào năm 2020.

Bản ở đây là đăng lại.

Tháng 10 năm 2024,

Giao Blog


---


Kỳ I: Người mang những cuộc hồi hương Sắc phong về với làng quê

25/06/2020 | 17:34

LTS: Sắc phong không chỉ là văn bản hành chính cấp nhà nước cho phép địa phương, hay di tích tôn thờ một vị thần được công nhận mà còn mang ý nghĩa văn hóa to lớn. Tiếc rằng, không ít đình làng bị mất Sắc phong khiến cho những cuộc kiếm tìm trở nên khó khăn. Thế nhưng thời gian qua, câu chuyện về những tấm Sắc phong được trao trả về với "cố hương" lại thu hút sự chú ý của cộng đồng. Chính sự khơi dậy, trao truyền, tiếp nối ấy đã thôi thúc chúng tôi thực hiện tuyến bài này như một lời tri ân với lịch sử, với những con người đặc biệt ấy.

Kỳ I: Người mang những cuộc hồi hương Sắc phong về với làng quê

LTS: Sắc phong không chỉ là văn bản hành chính cấp nhà nước cho phép địa phương, hay di tích tôn thờ một vị thần được công nhận mà còn mang ý nghĩa văn hóa to lớn. Tiếc rằng, không ít đình làng bị mất Sắc phong khiến cho những cuộc kiếm tìm trở nên khó khăn. Thế nhưng thời gian qua, câu chuyện về những tấm Sắc phong được trao trả về với "cố hương" lại thu hút sự chú ý của cộng đồng. Chính sự khơi dậy, trao truyền, tiếp nối ấy đã thôi thúc chúng tôi thực hiện tuyến bài này như một lời tri ân với lịch sử, với những con người đặc biệt ấy.

Cùng với triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam chấm dứt thì Sắc phong cũng tưởng chừng bị lớp bụi của thời gian phủ lên. Sắc phong vĩnh viễn trở thành một phần của lịch sử văn hóa dân tộc. Và mỗi khi ai đó nhắc đến dường như chỉ là mối bận tâm của người "có tuổi" muốn tìm hiểu về những điều xưa cũ của lịch sử. Ấy thế nhưng không phải, những câu chuyện về Sắc phong cho đến ngày hôm nay lại được khơi dậy, lại được những người đương đại quan tâm, tìm kiếm như thể đó là một mạch nguồn nối quá khứ với hiện tại, dù lúc thăng lúc trầm nhưng chưa bao giờ đứt rời.


Kỳ I: Người mang những cuộc hồi hương Sắc phong về với làng quê - Ảnh 1.

hông ít lần về các làng quê ở nơi này nơi khác, chúng tôi nghe các cụ cao niên đau đáu rằng đình làng năm xưa được vua ban Sắc phong nên thiêng lắm. Nhưng tiếc rằng giờ đây không còn nữa, nơi thì bị mất, nơi thì bị thất lạc nên dù có nhiều đồ thờ, vật dụng quý giá nhưng thiếu Sắc phong đình làng dường như vẫn không có hồn.

Lúc đó thú thực chúng tôi chưa hiểu thật cặn kẽ Sắc phong là gì và có ý nghĩa lớn như thế nào mà khiến không ít người  được sinh ra và lớn lên sau những lũy tre làng phải đau đáu tìm kiếm, thậm chí "bằng giá nào cũng phải mua lại". Thế rồi lại nghe phong thanh đâu đó rằng, Sắc phong được xếp vào hàng cổ vật, lúc nào cũng được ráo riết, săn lùng để mua với giá cao. Ấy vậy mà giữa lúc cuộc kiếm tìm Sắc phong của các đình làng tưởng chừng khó khăn, bế tắc thì lại có người sẵn sàng phát tâm dâng tặng hàng trăm Sắc phong – thành quả bao nhiêu năm tìm kiếm, sưu tầm. Những thông tin đối lập nhau nhưng đầy sự tò mò khiến chúng tôi không thể không tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện liên quan đến Sắc phong.

Cùng ngược trở lại thời gian để tìm hiểu về Sắc phong cùng với TS. Trương Đức Quả nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Hán Nôm thì được biết: Đạo sắc phong hay còn có cách gọi khác là: Sắc phong, Sắc phong thần. Đây là quyết định cấp nhà nước cho phép một địa phương, một di tích nào đó tôn thờ một vị thần và được nhà nước (vua) công nhận.

Vị TS. này cũng cho biết thêm rằng về mặt lịch sử, bắt đầu từ thời nhà Lý đã có quản lý nhà nước, phong thần nên các vị thần được tôn thờ khắp cả nước. Do đó, theo dự đoán của các nhà nghiên cứu thì có thể ngay từ thời Lý đã có Sắc phong. Vì khi có quản lý của nhà nước thì có kèm theo quyết định phong cho việc tôn thờ các vị thần ở các địa phương trong cả nước. Nhưng vấn đề lưu trữ lại do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện giờ không còn thấy Sắc phong thời nhà Lý. Các nhà nghiên cứu hiện nay chỉ tìm thấy một vài Sắc phong từ thời Lê, từ khoảng thế kỷ XV. Như vậy, về mặt nhà nước có thể thì từ nhà Lý đã có Sắc phong, còn về mặt văn bản thì từ thời nhà Lê.

Người mang những cuộc hồi hương Sắc phong về với làng quê - Ảnh 2.

Một Sắc phong vừa được trao trả


Sắc phong, hay còn gọi là Đạo sắc phong, Sắc phong thần, là quyết định cấp nhà nước cho phép một địa phương, một di tích nào đó tôn thờ một vị thần và được nhà nước (vua) công nhận.

TS. Trương Đức Quả

Tìm hiểu về những vị thần được vua phong trong các Sắc phong thần, các nhà nghiên cứu cho rằng, về cơ bản có 3 loại thần: Thiên thần (thần tự nhiên: thần sấm, thần mưa…), nhân thần (những con người cụ thể có cha sinh mẹ dưỡng, có công với đất nước được nhân dân tôn thờ: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi…) và một số loại thần khác. Phần lớn các vị thiên thần và nhân thần được phong sắc của nhà nước. Còn các vị thần khác ít khi được tôn vinh trừ các trường hợp đặc biệt.

Việc tôn thờ các vị thần được phong sắc, được vua ban, được nhà nước quyết định cho tôn thờ có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định đó là các vị thần chính thống, để phân biệt với những vị thần không được công nhận, phong tặng, trong đó có tà thần. Do đó, những vị thần được sắc phong tôn thờ là rất vinh dự, là chính thần.

Người mang những cuộc hồi hương Sắc phong về với làng quê - Ảnh 4.
Kỳ I: Người mang những cuộc hồi hương Sắc phong về với làng quê - Ảnh 6.

Từ sau năm 1945 - khi triều đại phong kiến cuối cùng kết thúc, việc phong sắc của vua cũng không còn được ban tới các địa phương. Tuy nhiên không phải vì thế mà Sắc phong mất đi giá trị cũng như sứ mệnh. Sắc phong vẫn được đánh giá là văn bản đặc biệt, tồn tại từ khi được quyết định phong thần cho đến bây giờ, có giá trị nghiên cứu về văn hóa và lịch sử.

Nói đến Sắc phong là nói đến văn bản xa xưa, chúng tôi thoáng có chút lo lắng và tự đặt câu hỏi, liệu rằng ngay cả khi tìm thấy được thì có còn vẹn nguyên?. Nhưng sự lo lắng của chúng tôi dường như hơi thừa khi TS. Quả cho biết, nếu giữ được, Sắc phong có thể có độ bền lên đến 400- 500 năm là bình thường. Sở dĩ Sắc phong có được độ bền như vậy vì văn bản này được làm từ chất liệu đặc biệt, giấy dó thủ công, chịu được nhiệt, chịu được thời tiết. Thậm chí loại giấy này từng được cung tiến, làm quà tặng giao bang giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù có độ bền với thời gian như vậy nhưng đến nay không phải địa phương nào cũng giữ được Sắc phong kể từ khi được vua ban. Tình trạng Sắc phong tại các địa phương bị mất, bị thất lạc không phải là hiếm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất lạc Sắc phong tại các địa phương như: thiên tai, chiến tranh, cá nhân muốn sở hữu riêng, mất trộm vì buôn bán... Sự thất lạc này khiến nhiều người ở địa phương khá đau đáu, muốn đi tìm lại nhưng chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào - nhất là văn bản Sắc phong viết bằng chữ Hán - Nôm, cần phải có chuyên gia dịch nghĩa.

Trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn) được ông chia sẻ, Sắc phong của nước ta còn thể hiện văn hóa phong thần mà rất ít quốc gia có như Việt Nam. Ngoài ý nghĩa về mặt văn hóa cũng như lịch sử thì Sắc phong còn là một dạng cổ vật. Ông cũng khẳng định có tồn tại việc buôn bán Sắc phong, và phần lớn Sắc phong được bán sang Trung Quốc. Lý do là nhiều thời phong kiến Trung Quốc muốn đồng hóa đất nước ta, muốn đồng hóa dân tộc Việt Nam. Để đồng hóa thì đồng hóa đầu tiên là họ phải xóa đi tận gốc văn hóa của dân tộc. Bởi nếu không đồng hóa được một cộng đồng bằng cách xóa đi "gốc văn hóa" của con người đó, của cộng đồng đó thì mọi cuộc xâm lăng đều thất bại. Và một trong những việc đồng hóa dân tộc, xóa dần yếu tố văn hóa gốc của người Việt là mua lại, hoặc tiêu hủy Sắc phong. Thậm chí trong tài liệu "Tổng quan về một giai đoạn văn học gần năm trăm năm lịch sử" của nhà nghiên cứu văn học dân gian Vũ Bình Lục có nói đến việc Trung Quốc phong kiến tìm mọi cách để xóa đi các di sản văn hóa Việt - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cung cấp thêm thông tin cho chúng tôi.

0:00
Video hiện chưa sẵn sàng

Clip: Người dân thôn Phương Mạc, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội nói về việc đình làng bị mất Sắc phong hơn 10 năm

Sắc phong của nước ta còn thể hiện văn hóa phong thần mà rất ít quốc gia có như Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Từ trước đến nay, việc buôn bán Sắc phong dù rất nhức nhối nhưng vẫn âm thầm diễn ra. Theo tiết lộ của một số người am hiểu về lĩnh vực này thì một Sắc phong có giá dao động từ chục đến hàng trăm triệu đồng tùy vào niên đại. Vì thế nếu quy ra mức vật chất thông thường, Sắc phong khá có sức hấp dẫn đối với những người không coi trọng và hiểu rõ giá trị văn hóa, chỉ muốn tư lợi cho túi tiền của mình.

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp, vì loạn lạc chiến tranh, vì sự trao truyền bị đứt gãy, vì sự yêu thích muốn sưu tầm và cùng nhiều nguyên nhân khác mà một số cá nhân lại có trong tay Sắc phong. Tuy nhiên họ chỉ biết đây là một thứ đồ cổ, không rõ giá trị thực như thế nào và lưu giữ cho riêng mình.

Kỳ I: Người mang những cuộc hồi hương Sắc phong về với làng quê - Ảnh 11.


ắc phong quý và thiêng liêng như vậy nên địa phương nào còn lưu giữ được là rất đáng trân trọng và ý nghĩa đối với các thế hệ. Ấy vậy mà ở Đa Sỹ ( phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) lại có ông Trịnh Văn Sỹ sưu tầm được hơn 200 Sắc phong.

Hẳn nhiều người sẽ thấy kỳ lạ và không thể không đặt ra câu hỏi rằng một người như ông Sỹ, không phải nhà nghiên cứu văn hóa, thậm chí cũng không công tác trong lĩnh vực liên quan đến văn hóa, không mưu cầu kinh tế… thì sưu tầm Sắc phong để làm gì? Đem câu hỏi này đặt ra với ông Sỹ thì được ông chia sẻ: Việc sưu tầm Sắc phong là một cơ duyên khó lý giải. Ông bùi ngùi như lật giở lại quá khứ kể lại, đó là vào khoảng năm 2008, trong một cửa hàng ở đường Âu Cơ, ông thấy một người có Sắc phong và muốn bán. Khi người đó giở Sắc phong ra cho ông xem thì ông giật mình vì thấy lạ và đẹp quá. Lần đầu tiên được nhìn thấy Sắc phong ông nghĩ đây không khác gì một tác phẩm nghệ thuật. Người đó cũng giới thiệu cho ông qua về Sắc phong. Ông nhận ra, đây là một thứ văn bản cổ, nếu từng được vua ban thì không phải phổ biến và là trường hợp đặc biệt.

Mặc dù lúc đó ông không biết chữ trên văn bản nhưng nghĩ chắc chắn nó có giá trị văn hóa nên mua. Với ông, đơn giản chỉ mua là để giữ gìn, mua để không cho người khác có cơ hội tiếp tục... mua đi bán lại nữa. Từ sau lần đó ông cứ âm thầm lặng lẽ, bền bỉ tìm hiểu thêm về giá trị ý nghĩa văn hóa, lịch sử của Sắc phong. Và điều thú vị là càng tìm hiểu ông càng nhận ra giá trị cũng như sự linh thiêng của Sắc phong. Không ít Sắc phong được ông "mua lại" của người dân và cả của người buôn bán. Cũng có lúc, dù thiết tha muốn mua lại Sắc phong nhưng ông bất lực nhìn người bán mang đi vì họ đưa ra một cái giá quá cao, gấp 5,6 lần bình thường khiến ông rất buồn.

Kỳ I: Người mang những cuộc hồi hương Sắc phong về với làng quê - Ảnh 9.

Không chỉ dừng ở việc mua lại Sắc phong, ông Trịnh Văn Sỹ còn có những ứng xử đáng trân trọng một cách hiếm có khiến nhiều người khâm phục. Ngoài gìn giữ Sắc phong cẩn thận để có thể giữ được lâu bền, không bị hư hỏng vì thời gian hay ngoại cảnh, ông còn "giải mã" cặn kẽ từng Sắc phong mình đang sưu tầm với sự giúp sức của TS. Trương Đức Quả nhằm giải nghĩa và lập hồ sơ. Nếu Sắc phong nào bị rách hoặc mất chữ ông lại đem ra viện Hán Nôm phục chế và "can lại" với kinh phí còn cao hơn khi giải nghĩa. Nhưng tất cả những điều đó không khiến ông quá bận lòng và làm một cách tự nguyện như thể đấy là trách nhiệm của mình.

Để có được bộ sưu tầm trên 200 Sắc phong phần lớn là do công sức của ông Trịnh Văn Sỹ. Bên cạnh đó, phải kể đến sự giúp sức của những người bạn trong Nhóm Nhân sĩ Hà Đông bao gồm các nhà văn hóa, doanh nhân và nghệ sĩ. Nhóm bạn không chỉ cùng ông sưu tầm Sắc phong, cùng nhau góp tiền chi trả việc mua lại mà còn cùng ông giữ gìn, nhận ra giá trị, ý nghĩa của đạo Sắc phong để cuối cùng trao trả cho địa phương.

Theo đánh giá của TS. Trương Đức Quả, khi tiếp cận với các Sắc phong do ông Sỹ sưu tầm gửi đến thì văn bản có niên đại lâu nhất cách đây khoảng 300 năm, gần nhất khoảng hơn 100 năm, chủ yếu của thời Lê và thời Nguyễn.

Ông Trịnh Văn Sỹ cùng nhóm Nhân sĩ Hà Đông cẩn thận cuộn lại những Sắc phong trước khi trao trả cho địa phương

Đã có không ít trường hợp năm xua từng bán cho ông Trịnh Văn Sỹ Sắc phong, nghe tin ông sưu tầm và lưu giữ được hàng trăm Sắc phong đã ngỏ ý muốn mua lại với giá gấp đôi so với trước kia. Thử nhẩm tính sơ sơ, nếu việc "mua lại" được diễn ra thì với hàng trăm Sắc phong cũng mang về cho ông một khoản tiền khá lớn, đồng thời cũng chấm dứt những ngày dày công tìm kiếm, sưu tầm, dịch nghĩa… Thế nhưng, trước những lời đề nghị mua bán vật chất đầy cám dỗ đó, ông đều lắc đầu từ chối. Cái tâm, cái tình của ông với Sắc phong không chỉ dừng lại ở đó. Chẳng giữ riêng cho mình, nhiều năm qua ông tiếp tục hành trình mới cho những bản Sắc phong. Ấy là ông đã lặn lội tìm về "quê hương" của những bức Sắc phong bị thất lạc để phát tâm công đức, trao trả lại mà không màng đến tiền bạc, vật chất.

Có những địa phương ban đầu nghe tin ông có Sắc phong của làng mình đã gọi điện riêng cho ông hỏi thật "kinh phí" hết khoảng bao nhiêu để còn chuẩn bị, được ông nói ngay rằng sẽ trao trả hoàn toàn miễn phí nếu đúng Sắc phong địa phương bị thất lạc mà ông đang có trong tay. Và thủ tục vô cùng đơn giản là chỉ cần có giấy giới thiệu của địa phương để chứng minh người nhận không phải mạo danh sẽ được nhận lại Sắc phong.

Cho đến nay, đã có hơn mười địa phương được ông trao lại Sắc phong. Mỗi khi được chứng kiến sự xúc động, vui mừng của đại diện các địa phương về nhận lại cũng như tận tay trao trả những Sắc phong từng gắn bó với ông bao nhiêu năm được "hồi hương", trở về đúng nơi vốn có ông càng cảm nhận thấy sự linh thiêng cũng như giá trị vô giá của văn hóa cha ông. Và những lần như thế, ông lại cảm thấy vui và thêm khẳng định việc trả Sắc phong về lại với những làng quê bình dị, với con người lam lũ nhưng đã trải qua biết bao thăng trầm của loạn lạc chiến tranh là quyết định chưa bao giờ sai hay phải hối tiếc.

"Tôi nghĩ đây là văn bản cổ, rất quý, vừa chứa đựng văn hóa, vừa chứa đựng tâm linh, thậm chí thiêng liêng, nhất là đối với các vị thần đã được vua phong tặng ở mỗi địa phương. Họ đã trở thành các vị thần ở làng, hay ở những nơi thờ tự nên tôi nghĩ phải trả về nơi đã được phong tặng đó" – ông Trịnh Văn Sỹ không chút đắn đo khi quyết định trả lại vô điều kiện "gia tài" Sắc phong mình sưu tầm cho các địa phương như một cách trả lại sự linh thiêng nơi thờ tự của nhiều địa phương trên cả nước.

Có thể ai đó trong chúng ta khi phải đối mặt với gánh nặng của cơm áo gạo tiền mà thoáng chút nghĩ người như ông Trịnh Văn Sỹ là "dại", nhưng khi nghe ông bảo việc sưu tầm và được trả lại Sắc phong cho nhiều nơi là "cái phúc" lớn của ông, của dòng họ ông và bạn bè ông thì chắc hẳn họ sẽ suy nghĩ lại. Cuộc sống tồn tại và phát triển đôi khi không thể cân đong đo đếm bằng tiền bạc. Và trong cuộc sống hôm nay, nếu không có những người ứng xử một cách nâng niu, trân trọng, đầy tự hào về một phần văn hóa dân tộc như ông Sỹ thì làm sao có những cuộc "hồi hương" Sắc phong đầy thiêng liêng và xúc động?. Bởi mỗi cuộc trở về của Sắc phong, làng quê như được tìm lại linh hồn, để các vị thần che chở, bao bọc con dân cho nhiều thế hệ được tiếp nối, phát triển bền vững.


Hiền Nguyễn
Đăng Huy
18/06/2020 00:00

https://bvhttdl.gov.vn/ky-i-nguoi-mang-nhung-cuoc-hoi-huong-sac-phong-ve-voi-lang-que-20200828112331336.htm

..


Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau

30/06/2020 | 11:36

Sắc phong trở về đình làng, dù được đón nhận bằng những nghi lễ khác nhau theo phong tục của mỗi địa phương, nhưng giá trị cốt lõi như hồn thiêng của mỗi làng quê thì vẫn không thay đổi từ khi được vua ban cho đến nay.

Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau

Sắc phong trở về đình làng, dù được đón nhận bằng những nghi lễ khác nhau theo phong tục của mỗi địa phương, nhưng giá trị cốt lõi như hồn thiêng của mỗi làng quê thì vẫn không thay đổi từ khi được vua ban cho đến nay.

Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau - Ảnh 1.

Trong lần trao trả Sắc phong ở Hậu Xá (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) vào năm 2016 đã khiến nhóm Nhân sĩ Hà Đông thực sự ấn tượng và khó có thể quên được. Ngày người dân Hậu Xá nhận lại Sắc phong không khác gì ngày hội. Người dân háo hức có mặt từ sớm để đón Sắc phong bị mất trở về làng. Có lẽ cuộc hồi hương nào cũng khiến người ta xúc động nhưng hồi hương của Sắc phong thì còn đặc biệt hơn. Sắc phong được trân trọng đưa lên kiệu và rước. Các cụ già và thanh niên nam nữ mặc quần áo nghi lễ để đón Sắc phong trong tiếng chiêng trống rộn ràng. Rất đông người dân hồ hởi vui mừng đến chứng kiến giây phút Sắc phong của đình làng sau 7 năm bị mất đã tìm thấy trở lại. Sau khi rước Sắc phong vào đình các cụ ở làng đã nói rằng: Ở làng chúng tôi có rất nhiều người tài, người giàu và đã cung tiến cho ngôi đình này những thứ vô cùng đắt giá, nhưng dường như vẫn không có hồn. Chỉ khi chúng tôi đón được Sắc phong về thì cái hồn mới nhập trở lại. Câu nói ấy thực sự khiến nhiều người ngạc nhiên và càng thấm thía hơn giá trị văn hóa, tâm linh của các Sắc phong.

Những ngày tháng 6/2020 nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về Đa Sỹ đúng dịp ông Trịnh Văn Sỹ cùng nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao trả 3 Sắc phong cho thôn Phương Mạc (xã Phương Đình, huyện Đan Phương, Hà Nội). Lý giải vì sao cuộc hẹn không lùi vào một thời điểm thời tiết dễ chịu hơn, đại diện của thôn Phương Mạc cho biết từ khi kết nối được với ông Sỹ và biết chắc chắn Sắc phong của đình làng ở đây, người dân vui mừng, háo hức lắm. Ai cũng mong Sắc phong sớm được trở lại làng. Sau khi lên lịch hẹn ngày nhận Sắc phong rồi nhưng dịch bệnh Covid -19 khiến cuộc hẹn phải lùi lại. Thế nên giờ dù trời có nắng thế nào thì cũng không thể tiếp tục lùi nữa.

Những cuộc trao trả Sắc phong của nhóm Nhân sĩ Hà Đông trong thời gian qua

Các cụ của thôn cho biết, đình làng bị mất trộm sắc phong cách đây khoảng 10 năm. Lúc đó Sắc phong được lưu giữ bởi 3 tầng khóa nhưng vẫn bị mất trộm. Khi Sắc phong bị mất, các cụ và nhân dân trong làng đã họp bàn việc đi tìm lại Sắc phong. Thậm chí đã tính đến phương án dễ nhất là ra viện Hán Nôm phục chế Sắc phong, có con dấu đầy đủ và không khác bản chính là mấy. Nhưng dù thế nào thì việc phục chế cũng không thể thay thế và được như Sắc phong bản chính, mọi người vẫn cứ cảm giác bản phục chế không có hồn cốt.

Vượt qua chặng đường từ Đa Sỹ về đến Phương Mạc, chúng tôi thấy các cụ trong làng đã đứng chờ ở đó để thực hiện nghi lễ và ai ai cũng trào lên sự vui mừng, xúc động từ trong ánh mắt đến bước chân. Chúng tôi đã đưa ra những câu hỏi về cảm xúc, suy nghĩ của các cụ trong ngày được đón nhận Sắc phong trở về sau 10 năm bị thất lạc. Và rồi chúng tôi nhận ra câu trả lời chân thực nhất, xúc động nhất chính là ở cái run người đầy rưng rưng xúc động cùng đôi mắt đang hấp háy hơn là những ngôn từ có thể còn rời rạc, còn dung dị và khiêm nhường của con người nơi đây.

Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau - Ảnh 4.

Nghi lễ thiêng liêng khi nhận lại Sắc phong

Những nghi lễ đầy sự thành kính và trang trọng được diễn ra trong tiếng chống, tiếng chiêng. Một thứ âm thanh như thể vọng lại sự linh thiêng, có thể tỏa ra khắp không gian mà bất kỳ ai đứng ở đó, chứng kiến giây phút đó dường như đều cảm nhận được.

Một câu chuyện khác được chia sẻ từ ông Trần Kim Long trưởng thôn Thọ Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam cũng khiến chúng tôi nhớ mãi sau khi địa phương này được trao trả 15 Sắc phong vào giữa tháng 5/2020. Ông Long cho biết: đình làng bị mất Sắc phong khiến nhiều người rất buồn. Chúng tôi luôn có ý thức đi tìm lại Sắc phong như một trách nhiệm để trả lại sự linh thiêng cho đình làng. Việc tìm được Sắc phong từ ông Trịnh Văn Sỹ và nhóm Nhân sĩ Hà Đông về lại đình làng là vô cùng quý giá mà không tiền bạc nào có thể mua được. Sắc phong không chỉ là báu vật của cha ông mà còn cho cả những người đương đại cũng như các thế hệ sau này.

Câu nói này cứ ghim mãi vào đầu chúng tôi. Đúng, Sắc phong là thứ vô giá mà tiền bạc không thể mua được. Sắc phong trở thành điểm tựa tinh thần để mỗi người, dù giàu hay nghèo được sống ở ngôi làng đó đều thấy bản thân mình như một phần ở trong đó, như được che chở, bao bọc. Để từ đó họ ý thức hơn, sống tốt hơn để xứng đáng với cha ông và những vị thần được phong sắc. Dù với lý do này hay lý do khác Sắc phong bị mất đi, được tìm thấy, trở về đình làng, được đón nhận bằng những nghi lễ khác nhau theo phong tục của mỗi địa phương, nhưng giá trị cốt lõi như hồn thiêng của mỗi làng quê thì vẫn không thay đổi từ khi được vua ban cho đến nay.

Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau - Ảnh 6.

Sau nhiều năm đi tìm và trao trả Sắc phong cho các đình làng, giờ đây gia đình ông Sỹ và nhóm Nhân sĩ Hà Đông trở thành một trong những địa chỉ tin cậy để nhiều nơi gửi gắm tìm kiếm Sắc phong.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – một trong những thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông chia sẻ câu chuyện khá thú vị rằng chính những người trẻ là "cầu nối" hữu hiệu để nhiều Sắc phong được trở về đình làng. Thế hệ những người am hiểu Sắc phong thường là đã có tuổi nhưng lại không sử dụng mạng xã hội. Trong khi nhiều thông tin liên quan đến Sắc phong được đăng tải trên mạng xã hội với danh sách Sắc phong của làng, xã... thế là nhiều người trẻ lại liên lạc với cụ ở quê nhà để xác minh và nhận lại Sắc phong. Cũng có nơi bị mất Sắc phong mà ông Sỹ và nhóm Nhân sĩ Hà Đông không có trong bộ sưu tầm thì họ gửi gắm, mong được ông tìm kiếm và mua giúp lại. Không những thế, nhiều bạn trẻ với tình yêu Sắc phong cũng xung phong dịch nghĩa miễn phí.

Cũng có cả trường hợp nhiều người chơi, sưu tầm Sắc phong thấy được việc trao trả Sắc phong là đúng đắn và ý nghĩa đã tự nguyện đem tặng lại cho nhóm Nhân sĩ Hà Đông với hi vọng một ngày nào đó Sắc phong sẽ được trở lại đúng nơi nó cần về và phải về. Trường hợp họa sĩ Nguyễn Đức Cương là một ví dụ. Người họa sĩ này từng giữ Sắc phong để "chơi" chỉ vì thấy đẹp và trang nghiêm như một cổ vật chơi trong nhà, giống như đồ gốm thời Lý, thời Trần. Nhưng cuối cùng thì họa sĩ cũng trao lại cho nhóm Nhân sĩ Hà Đông với lý do "không còn việc gì tuyệt vời hơn là dâng trả lại Sắc phong".

0:00
Video hiện chưa sẵn sàng

Clip: Nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao trả Sắc phong

Cho đến nay, nhờ sự lan tỏa việc trao trả lại Sắc phong cho đình làng nhiều địa phương, ông Trịnh Văn Sỹ và nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã mua lại được khoảng gần 20 Sắc phong. Và điều mong mỏi lớn nhất lúc này của ông Sỹ cũng như nhóm Nhân sĩ Hà Đông là kêu gọi những người có, đang giữ Sắc phong, để chơi, để làm gì đó thì hãy tặng lại cho các địa phương, hoặc liên hệ với ông Sỹ hay nhóm Nhân sĩ Hà Đông để được mua lại.

Việc thu thập sắc phong tản mát trong đời sống là rất quý. Đây là việc làm rất có ý nghĩa về mặt văn hóa, góp phần bảo tồn một trong những loại văn bản cổ có giá trị, rất quý của cha ông ta. Sắc phong không chỉ lưu giữ được mà còn tìm đến tận nơi trao trả là việc làm hiếm có, cao đẹp và tôi rất nể phục".

TS. Trương Đức Quả

Điều khiến chúng tôi và không ít người băn khoăn là Sắc phong sau khi trả lại sẽ được giữ gìn và bảo quản như thế nào để không bị tái mất trộm. Nhiều địa phương cũng lên phương án bảo vệ nghiêm ngặt với sự kết hợp giữa nhân dân và chính quyền. Nhưng theo ý kiến của NSƯT Chu Lượng thì điều quan trọng là ý thức tự giác của mỗi người. Chúng ta phải thấy được giá trị lớn của Sắc phong về mặt văn hóa và tâm linh thế nào. Mỗi người phải ý thức Sắc phong là một trong những hồ sơ gốc về văn hóa Việt, đời sống, tinh thần của người Việt, đồng thời rất thiêng liêng. Chúng ta phải truyền lại cho con cháu tính thiêng và biết sợ cái thiêng. Nếu chúng ta tin vào điều thiêng liêng quý giá đó thì mỗi người sẽ tự giác giữ gìn, không ai có thể lấy đi và đánh đổi được Sắc phong. Và đây chính là sự giữ gìn hữu hiệu nhất mà không một cái khóa nào bảo vệ Sắc phong chắc bền được như vậy.


Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau - Ảnh 9.

Sắc phong trở thành điểm tựa tinh thần để mỗi người, dù giàu hay nghèo được sống ở ngôi làng đều thấy bản thân mình như một phần ở trong đó, như được che chở, bao bọc. Ảnh minh họa: Minh Khánh

Chúng tôi được chứng kiến có rất nhiều lời cảm ơn, sự biết ơn dành cho ông Trịnh Văn Sỹ cũng như nhóm Nhân sĩ Hà Đông. Nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại nói với chúng tôi rằng, nhóm Nhân sĩ Hà Đông cảm ơn những người hôm nay đã hiểu và quan tâm đến Sắc phong để trân trọng và tiếp tục gìn giữ. "Bởi những người hôm nay làm chúng tôi thấy rằng những điều chúng tôi làm là có ý nghĩa, là đúng đắn, là có giá trị. Còn nếu chúng tôi có sưu tầm, có trao trả mà nhân dân ở đó, chính quyền ở đó thờ ơ, thì chúng tôi thất bại".

Một suy nghĩ có vẻ hơi "ngược" nhưng ngẫm lại thì chúng tôi thấy đúng, nếu không có sự cộng hưởng, tiếp nối của những con người hôm nay về ý thức giữ gìn, trân trọng văn hóa dân tộc thì mọi công sức, mọi hành động đẹp rất dễ bị rơi vào lãng quên. Nhưng có thể trong sâu xa, chúng tôi vẫn nghĩ, đứng trước một hành xử đẹp, một ứng xử đầy văn hóa và nhân văn như thế dường như con người ta cũng có tự thấy mình cần phải tiếp tục nhân lên những điều tốt đẹp. Đó chính là cái kết có hậu được nuôi dưỡng, hình thành từ một ứng xử đẹp trong cuộc sống hôm nay.

Kỳ II: Sắc phong - Câu chuyện văn hóa của hôm qua, hôm nay và mai sau - Ảnh 10.



Hiền Nguyễn
Đăng Huy
28/06/2020 00:00

https://bvhttdl.gov.vn/ky-ii-sac-phong-cau-chuyen-van-hoa-cua-hom-qua-hom-nay-va-mai-sau-20200828113516229.htm

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.