Có một nhóm các vị thần được định danh là "Sát Hải". Chúng tôi có quan tâm đến nhóm các vị "Sát Hải" này nhiều năm nay.
Đây là một ghi chú về một hội thảo vừa tổ chức ở Nghệ An về vị thần "Sát Hải".
Các tư liệu khác thì dán ở bên dưới như mọi khi.
Tháng 7 năm 2024,
Giao Blog
---
Ngày 14/7/2024
Nguồn ảnh: https://www.facebook.com/photo?fbid=7907998135924910&set=pcb.7908015972589793
"
Sáng wa, Viện Sử học Việt Nam, Sở Văn hóa Nghệ An phối hợp tổ Hội thảo khoa học “Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn (1254 - 1339)”. Hội thảo thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu tw đến địa phương, trong nam ra ngoài bắc,…
Tuy nhiên:
KHÔNG CÓ NHÂN VẬT “SÁT HẢI ĐẠI VƯƠNG”
Xưa nay, khi nhắc tới người anh hùng đánh giặc Nguyên Mông người Nghệ An là Hoàng Tá Thốn, chúng ta đều thấy ngài được gắn tước là “Sát Hải đại vương”. Ngay cả hội thảo này cũng có tên là “Hội thảo khoa học Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn”. Bằng di tích cấp tỉnh cấp quốc gia đền thờ ngài ở khắp nơi cũng đều ghi là “Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn”. Tuy nhiên, điều này không chính xác bởi không có nhân vật lịch sử nào là “Sát Hải Đại vương” cả.
Gia phả dòng họ Hoàng các chi, đều ghi về ngài là:
Gia phả chi Long Thành, Yên Thành, chép:
太始祖神察海大將軍
Thái thủy tổ thần SÁT HẢI ĐẠI TƯỚNG QUÂN
Chỗ khác cụ thể hơn, thì là:
太始祖神察海撞吏大將軍管君猛郎黃明字穌大僚天蓬大將軍
Thái thủy tổ thần SÁT HẢI ĐẠI TƯỚNG QUÂN Quản quân mãnh lang Hoàng minh tự Tô đại liêu Thiên Bồng ĐẠI TƯỚNG QUÂN.
Gia phả chi Nghi Thu, Nghi Lộc, chép:
…㨗奏完京陳主親迎敕封察海撞吏大將軍…
…Tin thắng trận tấu về kinh đô, vua Trần đích thân nghênh đón, sắc phong: Sát Hải Chàng lại ĐẠI TƯỚNG QUÂN…
Ngay cả việc mẹ ngài sinh ra ngài, gia phả vẫn chép rằng:
祖母降生察海大將軍
Tổ mẫu giáng sinh SÁT HẢI ĐẠI TƯỚNG QUÂN.
Đặc biệt, có bài thơ lục bát quốc âm, rằng:
“Hoàng thị Tổ bà Tiên nương
Giáng sinh ở chốn danh hương Vạn Phần
Sinh được SÁT HẢI TƯỚNG QUÂN
Ơn trên hưởng lộc tiền Trần công khanh”
Rồi như khi ghi chép tên con cháu, gia phả vẫn ghi là “… con của Sát Hải ĐẠI TƯỚNG QUÂN, … cháu của Sát Hải ĐẠI TƯỚNG QUÂN”
Gia phả chi Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, cũng ghi chép tương tự (sợ bài zài cóa, ko nêu ra)
Bên cạnh gia phả (của dòng họ), thì sắc phong (của nhà nước) cũng đều ghi ngài là Sát Hải ĐẠI TƯỚNG QUÂN. Ngài là vị thần được thờ nhiều thứ 2 tại Nghệ An với khoảng hơn 30 đền trên toàn tỉnh, chính vì vậy lượng sắc cho đền ngài rất nhiều, nên chỉ xin nêu vài cái tiêu biểu như sau:
Sắc phong tại đền chính của ngài tại xã Diễn Vạn huyện Diễn Châu (di tích này được xem là nơi Ngài được chôn cất và lập đền thờ phụng đầu tiên, có niên đại thời Trần) ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (năm 1917), ghi rõ:
敕乂安省東城縣澫分社奉事察海大將軍配亨百靈尊神
…Sắc cho xã Vạn Phần huyện Đông Thành tỉnh Nghệ An thờ phụng Sát Hải ĐẠI TƯỚNG QUÂN, phối hưởng bách linh tôn thần…
Sắc phong tại thôn Vĩnh Yên, xã Tam Lộng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày mồng 1 tháng 6 năm Thành Thái thứ 10 (1898), ghi rõ: 敕河靜省錦川縣三弄社永安村奉事察海大將軍Sắc cho thôn Vĩnh Yên, xã Tam Lộng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh phụng thờ vị thần Sát Hải ĐẠI TƯỚNG QUÂN.
Họ thì có phả, nước thì có sắc. Ngoài ra, còn có văn bia, thần tích và nhiều sách địa chí khác (nguyên văn chữ Nho) đều ghi ngài là SÁT HẢI ĐẠI TƯỚNG QUÂN mà không có bất kỳ một văn bản gốc nào ghi là SÁT HẢI ĐẠI VƯƠNG cả.
Thời Trần, chức vụ Đại tướng quân là chức dành cho các võ tướng cấp cao, có công lao đặc biệt, như Thủy Quân Đại tướng quân Lê Phụ Trần, Phiêu Kị Đại tướng quân Trần Khánh Dư, Thân Vệ Đại tướng quân Phạm Ngũ Lão, Vũ Vệ Đại tướng quân Trần Thanh Ly, … vậy chúng ta cũng nên ghi là Sát Hải Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn mới hợp logic.
SÁT HẢI ĐẠI TƯỚNG QUÂN KHÔNG CHẦU SAO “THIÊN LANG”
Một tiền bối là Tiến sĩ (thực ko nhớ tên) trình bày tại hội thảo, có đính 1 bức ảnh chụp gia phả dòng họ Hoàng, trong đó có ghi chép về việc Sát Hải Đại tướng quân qua đời, nguyên văn như sau:
後將兵過清化處河中府弘化縣無疾謂軍曰今日乃吉日吾朝天即正月元旦日
Tiên sinh dịch là: … “hôm nay là ngày tốt, ta chầu sao Thiên Lang…”.
Chỗ này, tiên sinh đọc sai chữ và ngắt sai câu, và đặc biệt là không hề hiểu văn cảnh. Sau chữ天“Thiên” là chữ 即“Tức”, nhưng Nguyễn tiên sinh lại đọc thành chữ 郎“Lang”; vì thế mà dịch là “hôm nay là ngày tốt, ta chầu sao Thiên Lang…” thành ra câu văn quan trọng nhưng lại bị hiểu sai ý nghĩa, từ chỗ Sát Hải Đại tướng quân chầu trời, lại thành chầu sao Thiên Lang (ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm với cấp sao biểu kiến là -1,46, tên tiếng Anh là Sirius).
Từ chữ “Tức” trở đi là phần chú thích và bổ nghĩa cho câu phía trước. Vì vậy, đoạn đó, phải được ngắt câu như sau:
“…viết: Kim nhật nãi cát nhật, ngô triều thiên (tức: Chính nguyệt Nguyên đán nhật)
Em xin dịch lại cho đúng, như sau:
“…rằng: hôm nay là ngày tốt, ta chầu trời (tức: ngày Nguyên đán tháng Giêng)
SÁT HẢI ĐẠI TƯỚNG QUÂN KHÔNG MẤT VÀO TẾT NGUYÊN ĐÁN.
Ngay ở đoạn trên, gia phả có ghi ngài mất vào ngày Nguyên đán tháng Giêng. Tuy nhiên, cũng trong gia phả, có 1 điều lạ là mẹ ngài, các con của ngài cũng đều được ghi ngày mất y hệt như vậy.
Tuy nhiên, khả năng cao là dòng họ Hoàng đã cho đây là ngày tốt của dòng họ nên ghi chung tất cả vào 1 ngày như vậy. Gia phả có ghi ngày Nguyên đán tháng Giêng ngài đi tuần ở Thanh Hóa rồi mất, nhưng trong lúc đang nghỉ tết, đất nước thái bình, không có lý do gì mà một lão tướng lại đi công việc trên biển đúng ngày mồng Một Tết Nguyên đán.
Hơn nữa, cách đây 12 năm, nhà em và chú Quảng Phước Trần Văn Hữu được tiếp cận cuốn Gia phả trung chi 7 họ Nguyễn triệu cơ tại làng Quỳnh Đôi, do tú tài Nguyễn Lân viết trong khoảng những năm 1501-1510, dưới triều Lê sơ. Họ Nguyễn, họ Hồ và họ Hoàng đều là những dòng họ khai canh, khai cơ ra mảnh đất Quỳnh Đôi ngày nay, có mối quan hệ thông gia thắm thiết.
Cuốn gia phả này đã được con cháu họ Nguyễn tái sao và tục biên trong những thế hệ sau. Ngoài ghi chép về lịch sử, thế thứ, lăng mộ của dòng họ Nguyễn còn có những ghi chép về họ Hồ, họ Hoàng và lịch sử làng Quỳnh Đôi. Trong đó có những thông tin rất quan trọng về thân thế của Sát Hải Đại tướng quân. Xin tạm dịch như sau:
“…Hoàng Khánh (một trong ba vị triệu cơ làng Quỳnh Đôi) là cháu của Hoàng Tá Thốn người Vạn Phần. Hoàng Tá Thốn sinh trưởng ở thời Trần, phù Trần Thánh Tông, Nhân Tông đánh giặc, được thụ phong Sát Hải thần, biệt phong là Ngọc Minh Hưng Triều Lão Tướng quân. Ông sinh ngày 15 tháng 4 năm Giáp Dần (1254) mất ngày 15 tháng 3 năm Kỷ Mão (1339). Nhà vua cho thuyền rồng chở thi hài về an táng tại quê nhà Vạn Phần…”.
Đặc biệt, cách đây 11 năm về trước, bác Hoàng Nam - tộc trưởng họ Hoàng xã Diễn Vạn, dòng dõi trực hệ của ngài, chia sẻ cùng em và chú Quảng Phước rằng: “Từ bao đời nay, hàng năm tại đền và nhà thờ họ Hoàng ở Vạn Phần đều làm lễ giỗ ngài vào đúng ngày 15/3 âm lịch. Và cứ 3 năm 1 lần, đều làm đại lễ trong đó có nghi lễ tống thuyền...”.
Như vậy thì khả năng cao ngài mất vào ngày 15-3 chứ ko phải 1-1.
VUA TRẦN NHÂN TÔNG CÓ TẶNG THƠ CHO SÁT HẢI ĐẠI TƯỚNG QUÂN HAY KO?
Xưa nay, nhiều sách báo và tạp chí đăng tải “bài thơ vua Trần Nhân Tông tặng Nội thư gia Hoàng Tá Thốn”. Đây thực sự là 1 vinh dự cực kỳ lớn lao mà không phải ai cũng có được. Vậy nên trong quá trình tìm hiểu, bỏ qua những bài viết trên báo chí, em đã rất tích cực đi tìm nguyên văn chữ Nho của bài thơ này trong các thư tịch cổ, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được như ý nguyện.
Khi cầm kỷ yếu hội thảo trên tay, gặp ngay đúng bài của một vị GS TS – bậc tiền bối đáng kính có nói về bài thơ này, nên em đã ngấu nghiến đọc từng câu từng chữ để tìm đến nguyên văn gốc tích của bài thơ. Tuy nhiên, khi nhìn cước chú, thì lại thấy chú thích rằng thông tin lấy từ 1 bài báo trên mạng, link: https://daidoanket.vn/sat-hai-dai-vuong-hoang-ta-thon...
Em tìm hiểu thì thấy rằng trước đó, vào ngày 1-10-2010 (đúng ngày đầu tiên em nhận công việc và chính thức đi làm tại Thư viện tỉnh Nghệ An), tác giả Nguyễn Xuân Tính đã đăng tải bài thơ này trên báo Nghệ An, link: https://baonghean.vn/bai-tho-ban-tang-mot-tuong-quan...
Trong bài viết này, tác giả có chú thích: “Cả hai bài thơ chữ Hán, do ông Nguyễn Triệu Tiền, phường Trung Đô, TP. Vinh dịch nghĩa và dịch thơ”.
Tuy nhiên, sau khi đọc nhiều thư tịch cổ, em vẫn chưa tìm ra nguyên văn chữ Nho của bài thơ này. Còn bài thơ được xem là vua Trần Hiến Tông tặng cho ngài, thì gia phải chỉ ghi là 南史有詩云 “Sử nước Nam có thơ rằng” mà không nêu đích danh ai là người ban tặng.
CON TRAI CỦA NGÀI CÓ PHÒ TÁ LÊ THÁI TỔ HAY KO?
Nhiều quan điểm ở Nghệ An có nói tới việc con trai ngài theo phò Lê Lợi đánh giặc Minh.
Nhưng xem tư liệu dòng họ và địa phương, có ghi rằng: “Thánh phi Trịnh Thị Hòa phu nhân, hiệu Từ Huệ, sinh hạ con trai là Hoàng Công Lộ phò giúp Lê Thái Tổ đánh giặc Ngô.”
Theo thế thứ dòng họ của ngài, thì ngài sinh ra cụ Hoàng Công Luật, cụ Luật lấy bà Trịnh Thị Hoà lại sinh ra cụ Hoàng Công Lộ.
Trong khi đó, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn năm 1418, cách thời điểm cụ Hoàng Tá Thốn mất 79 năm. Giả sử trước khi ngài qua đời (1339) ngài có sinh con, thì tới khi Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn cũng gần 80 năm. Nên rất khó có trường hợp con trai của ngài theo phò Lê Thái Tổ đánh giặc Ngô được. Nếu là cháu hoặc chắt thì sẽ hợp lý hơn.
SÁT HẢI ĐTQ CÓ ĐƯỢC VÍ NHƯ YẾT KIÊU KO?
Có một sự so sánh thú vị lưu truyền ở Nghệ Tĩnh xưa nay, do lãnh đạo ngành sử học tại địa phương nêu bật, đó là “Sát Hải Đại vương được mệnh danh như Yết Kiêu”.
Yết Kiêu là nô lệ trong nhà Hưng Đạo Vương, còn Hoàng Tá Thốn là Nội gia thư, Đại tướng quân, chức tước địa vị 1 trời 1 vực. So sánh vậy thì...@@
(Lần sau nói tiếp)
Sát Hải Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn là vị đại tướng thủy quân có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3, được quốc sử ghi chép rõ ràng. Khi sống ngài tạo lập những chiến công, khi thác ngài linh ứng thành phúc thần, hộ quốc tý dân, linh thiêng rõ rệt. Chính vì vậy mà ngài được xem là vị thần vùng sông biển của Việt Nam, được thờ ở khắp các cửa biển từ miền bắc vào tận nam trung bộ. Tại xứ Nghệ, Ngài là một trong hai vị nhân thần nổi tiếng linh thiêng và được nhân dân lập đền thờ phụng ở nhiều nơi nhất.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chính sử ghi về ngài quá ít ỏi nên việc nghiên cứu còn có nhiều hạn chế, và xung quanh thân thế và sự nghiệp của ngài còn nhiều điểm chưa đồng nhất. Bài viết nhỏ này chỉ mong làm sáng tỏ thêm 1 số vấn đề lịch sử.
Trần Mạnh Cường
https://www.facebook.com/tran.manhcuong.333/posts/pfbid0Tec3ytdMKUuW136e57rxcWcYXd92FK7BpVbBbxcDxm5U77JaEWLk9bQfTonARK35l
"
..
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.