Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/02/2024

Đồ án Rồng trong lịch sử Việt Nam (sưu tập từ năm Giáp Thìn 2024)

Các sưu tập được đưa dần lên.

Mở đầu là bộ Đại Việt lịch đại long văn đồ của bạn Sên trên Fb.

Tháng 2 năm 2024,

Giao Blog


---

"

Đại Việt Lịch Đại Long Văn đồ là một bức tranh mình vẽ trong khoảng 2-3 tháng trong những ngày tháng đầu dịch năm 2020. Đơn giản chỉ là muốn trình bày những vốn nghiên cứu của mình về văn hoá cổ, đưa những chất liệu cổ vào tranh vẽ hiện đại của mình. Ý niệm lúc đầu là muốn lồng ghép hình tượng rồng các thời trong mỹ thuật cổ Việt Nam vào cùng một bức tranh để thấy được sự so sánh phân biệt thú vị.
Bộ tranh cũng được gần 3 tuổi rồi, bản thân Sên cũng thấy được rằng nó có những tác động khá lớn trong nhận thức nhiều người về tạo hình rồng trong văn hoá Việt Nam. Nhân đây Sên xin gửi lời cảm ơn chân thành những người đã yêu mến bộ tranh và tác giả suốt thời gian qua!



Rồng (long - 龍) là biểu tượng của sự linh thiêng, của sức mạnh thần thánh và quyền lực các quân vương. Trải qua hơn một ngàn năm tự chủ, tạo hình rồng luôn là hình tượng cao quý và tiêu biểu nhất của nền mỹ thuật dân tộc. Có thể nói, trong nền mỹ thuật trung đại Việt Nam, hình tượng con rồng là công cụ nhận biết đặc trưng phong cách mỹ thuật của từng thời kỳ trong lịch sử. Cho đến ngày nay, hình tượng rồng vẫn là biểu tượng của niềm tự hào văn hóa lịch sử, tiếp tục được kế thừa, sử dụng trong mỹ thuật hiện đại. Mình đã dành nhiều thời gian tìm hiểu đặc trưng hình tượng rồng qua các thời đại, sau đó tổng hợp lại những đặc sắc thời đại đó thành bức tranh này.


[Tư liệu ở dưới phần bình luận]
Rồng thời Lý là con rồng đầu tiên trong bộ tranh này. Tạo hình rồng thời Lý là sự chuẩn mực, hoàn thiện cao về trình độ mỹ thuật từ tạo hình rồng đã có trước đó thời Đinh-Tiền Lê. Một con rồng Lý hoàn chỉnh có thân dài, uốn khúc hình sin, thân mang vảy. Đầu rồng có ngà; bờm và vòi uốn khúc; trên đầu có sừng tạo hình như sừng hươu hay đôi khi như nhánh san hô, ở một số phiên bản phù điêu sừng được tạc giống chữ ω. Móng chân rồng dài nhọn như tạo hình móng của nhiều linh thú khác thời Lý, với số móng đa dạng từ 3, 4 đến 5. Trước kia có nhiều nhận đình sai lầm về rồng thời Lý, như rồng thời Lý không có vảy, không có sừng, chân chỉ có 3 móng, phần vòi được gán ghép chủ quan là “mào lửa”. Những nhận định này xuất phát từ cách nghiên cứu chủ quan như bỏ qua nhiều hiện vật, so sánh không đồng đại, cùng tâm lý bài Hán muốn cho con rồng Lý phải khác con rồng Trung Hoa. Thực tế, con rồng Lý vẫn nằm trong luồng phong cách tạo hình rồng của các nước Đông Á cùng thời kỳ như Tống, Cao Ly, Đại Lý,… và có thể nói, con rồng Lý là tạo hình đẹp nhất, xuất sắc nhất, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình rồng Đông Á thế kỷ 11, 12.
Tranh vẽ rồng thời Lý cùng chim thần Kalavinka đang chơi trống Phong yêu. Kalavinka (Ca lăng tần già) trong kinh điển Phật giáo là loài chim sống ở vùng nùi tuyết của Himalaya. Khi còn trong trứng, chim đã có thể cất tiếng hót, âm thanh trong trẻo, hòa nhã, vi diệu, so với tiếng của Trời, người, Khẩn Na La cũng như tất cả những loài chim khác đều thua xa. Kalavinka có tạo hình đầu người mình chim, rất giống với tạo hình Kinari, song hai loài này khác nhau. Ở Việt Nam có thể thấy hình ảnh Kalavinka ở tượng tháp chùa Phật Tích thời Lý và các bức phù điêu gỗ ở chùa Thái Lạc thời Trần.


[Tư liệu ở dưới phần bình luận]
Rồng thời Trần thời kỳ đầu vẫn là những phiên bản sao chép và kế thừa phong cách rồng thời Lý. Càng về sau, hình tượng rồng càng phát triển đa dạng, không còn thống nhất, khuôn vàng thước ngọc như rồng Lý, mà bắt đầu biến đổi nhiều hình vẻ, mỗi nơi một khác, thể hiện sự tiếp biến và giao thoa mới. Do đó, khó có thể lựa chọn một hình tượng rồng kiểu mẫu thống nhất cho thời đại này. Một số yếu tố khác biệt xuất hiện ở rồng thời Trần có thể kể đến như: cấu trúc thân mập mạp khỏe khoắn hơn; phần vòi ngắn lại và mập hơn, các mép hình “ngọn lửa” thưa nhỏ lại hoặc tiêu biến hẳn rất giống với con rồng Tống, Nguyên đương thời; không còn phần chữ S; phổ biến sừng với kiểu dáng phong phú; bờm xuất hiện loại 2 dải ngắn không vắt lên hay duỗi ra sau mà vòng xuống gáy; vảy xuất hiện nhiều hơn kể cả ở một số phiên bản rồng nhỏ; móng vuốt ngắn và to hơn; xuất hiện nhiều tư thế mới.


[Tư liệu ở dưới phần bình luận]
Rồng thời Lê sơ là một bước ngoặt trong tạo hình rồng Việt Nam, có thể thấy sự du nhập tạo hình con rồng Minh vào con rồng thời kỳ này. Những khác biệt của con rồng thời Lê sơ so với với các thời đại trước thể hiện rõ nhất ở việc thay thế cái vòi bằng mũi của loài thú ăn thịt (đến thời Mạc lại xuất hiện một số tạo tác mũi trở lại dạng vòi) cùng với cái đuôi cá. Mặt rồng trông dữ hơn, lông mày cùng bộ râu quai nón rậm, thân hình to khỏe cứng cáp kết hợp với mây lửa, thể hiện sức mạnh uy quyền của bậc đế vương với con rồng 5 móng chỉ dành cho hoàng đế. Thoạt nhìn con rồng Lê sơ rất giống con rồng Minh, nhưng nếu quan sát và so sánh kỹ lưỡng, có thể nhận ra nhiều khác biệt đặc trưng mà chỉ con rồng Lê sơ mới có. Rồng Lê sơ cũng như mọi con rồng Việt Nam ở các thời kỳ miệng thường ngậm châu ngọc, phần lông mày và râu quai nón có hình “dấu phẩy” đặc trưng, vây trên thân và đuôi mềm mại hơn con rồng Minh, vây được thể hiện các đường sọc dày, phần râu mép và túm lông ở khuỷu chân luôn được kéo dài bay bổng, phần bờm thường xẻ ra hai bên, xuất hiện tư thế một chân trước cầm lấy râu rất đặc trưng. Hình tượng rồng Lê sơ được kế thừa dưới thời Mạc và vẫn còn được sử dụng sang thời Lê trung hưng đến tận thế kỷ 18 dù có thay đổi ít nhiều.



[Tư liệu ở dưới phần bình luận]
Có thể nói, con rồng thời Lê trung hưng là con rồng đa dạng về tạo hình nhất. Là thời kỳ nhiều biến động và cũng là lâu dài nhất trong các triều đại Việt Nam, với sự nở rộ của các kiến trúc đình, chùa mà cho đến nay vẫn để lại kho tàng nghệ thuật đồ sộ, hình tượng rồng cũng vì thế mà rất phong phú. Sự khác biệt đó phân định ở các yếu tố thời gian, vùng miền và chất liệu. Cho đến đầu thế kỷ 18, vẫn tồn tại tạo hình rồng đuôi cá mang những đặc điểm kế thừa từ con rồng Lê sơ – Mạc, song song với đó, con rồng dần được cách điệu cao, hoa văn dáng dấp cứng hơn, nổi bật là râu bờm, mây lửa đều duỗi thẳng sắc nhọn theo kiểu “đao mác” rất đặc trưng của thời đại này. Đầu rồng cũng dần biến đổi, bờm không còn bổ luống mà chia thành từng dải đều nhau, lông mày, râu cằm, lông khuỷu chân loe ra, hai sợi râu mép uốn cong lại. Sang thời Cảnh Hưng gần giữa thế kỷ 18 đã xuất hiện con rồng đuôi xoáy, thân rồng mảnh hơn, tạo hình này xuất hiện sớm nhất có lẽ là con rồng vẽ trên các sắc phong, chính là tạo hình rồng mà đến thời Nguyễn kế thừa lại. Ngoài ra, có sự khác biệt phong cách giữa các vùng Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc đặc biệt ở điêu khắc kiến trúc gỗ, đây là chất liệu mà các nghệ nhân của từng vùng thể hiện sự sáng tạo riêng của mình, không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn đa dạng về tạo hình, bố cục.


[Tư liệu ở dưới phần bình luận]
Không biết mọi người còn nhớ đến sự tồn tại của bộ tranh này không nhưng cuối cùng cũng có tranh lẻ cho con rồng Nguyễn (không phải vì là con ghẻ đâu nha do họa sĩ quá lười thôi). Khi nhắc đến rồng thời Nguyễn là người ta liên tưởng ngay đến con rồng đuôi xoáy đặc trưng. Thế nhưng như đã nói trong bài về rồng thời Lê trung hưng, vốn dĩ hình dáng rồng này đã xuất hiện sớm nhất vào nửa đầu thế kỷ 18 trong mỹ thuật Đàng Ngoài và hoàn thiện ngay từ thời Lê, bao gồm những đặc điểm có thể kể đến như mũi to, mõm ngắn, râu bờm uốn lượn từng dải liền nhau, râu thường uốn cong xoắn ốc, thân mảnh, đuôi xoáy. Nhà Nguyễn tiếp tục kế thừa hình tượng rồng này và theo thời gian xuất hiện nhiều biến thể mới. Những thay đổi như về tạo dáng, có thể thấy ở những con rồng thềm bậc, độ uốn khúc không còn đều đặn mà chỉ vồng lên 2 khúc nhỏ dần về đuôi. Trán rồng có phần lõm hơn và bợt ra sau. Ở nhiều hình ảnh ta thấy đuôi con rồng không còn xoáy nữa mà duỗi ra, hoặc vẫn xoáy nhưng các dải lông thưa thớt và rời rạc chứ không gắn liền nhau, thậm chí có những con đuôi đã cứng với những sợi lông sắc nhọn đâm tua tủa mang ảnh hưởng từ hình tượng rồng Trung Hoa giai đoạn Minh hậu kỳ trở về sau.

"

https://www.facebook.com/hieu.snail/posts/pfbid02gbZ4zQmhHs9dqzdbbpBgsyA3LShTC4qNXeVrm2CwRCvawUcf1DUKwz3pmcc8qpwxl

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.