Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

31/10/2023

Toàn cầu hóa và thực tiễn Việt Nam - chủ đề "xuyên văn hóa"

Ngày cuối cùng của tháng 10 năm 2023, chúng tôi cùng nhau thảo luận về chủ đề "xuyên văn hóa", mà cụ thể hơn là "tôn giáo xuyên văn hóa".

Đại khái, nhìn nhanh như sau.


Trong trình bày, có một ý kiến nói vui thành "xiên văn hóa" ! Một khái niệm còn rất mới ở Việt Nam ở thời điểm hiện nay. Bởi vậy, có một lời chúc là "thành công trót lọt".

Mình nói nhanh một chút về "khoa văn hóa" và "cross văn hóa" trong kỉ niệm về việc đọc cuốn sách ra mắt năm 2000 của thầy Ota với tiêu đề phụ "đi vào thế giới hiện đại hóa bằng dân tộc học" (lúc ấy là sách mới tinh). Về "khoa văn hóa" thì nhắc đến cuốn sách dịch ở Trung Quốc như sau (chỗ trang 146 sẽ thấy "khoa văn hóa" và "khoa văn hóa đối thoại" - đối thoại xuyên văn hóa):


Buổi tối, nói chuyện nhanh về "đa dạng văn hóa" và "xuyên văn hóa", mà trẻ con trong nhà cũng cảm thấy thú vị. Ở trường, hình như trẻ con mới viết luận về "đa dạng văn hóa".

Đi một ít tư liệu từ xung quanh (cập nhật dần).

Tháng 10 năm 2023,

Giao Blog


---

Nhà xuất bản ĐHQGHN vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Tâm lý học xuyên văn hóa” của tác giả Knud S. Larsen và PGS.TS Lê Văn Hào. Cuốn sách dày 500 trang, gồm 12 chương.

Cuốn sách phản ánh các ảnh hưởng khác nhau của văn hóa tới hành vi con người và các cuộc tranh luận giữa tâm lý học văn hóa và tâm lý học xuyên văn hóa. Các tác giả ủng hộ các cách tiếp cận bao quát để hiểu được cả các ý nghĩa sâu sắc, các đóng góp văn hóa đặc thù lẫn những gì là phổ quát đã được phát hiện trong các nghiên cứu so sánh. Sự phân chia giữa các xã hội theo xu hướng cộng đồng và xu hướng cá nhân cũng được xem xét để lý giải những khác biệt về giá trị và hành vi. Các nghiên cứu về Big Five (5 chiều cạnh nhân cách) đề xuất một cấu trúc nhân cách phổ quát mà các nền văn hóa có thể ghi lên đó những thông điệp độc đáo. Đồng thời, chúng ta cũng dành không gian cho những xem xét, nghiên cứu tâm lý bản địa vì các thiên lệch mang tính chất vị chủng tộc có thể hiện hữu khi các mô hình phương Tây được chuyển giao sang các xã hội theo xu hướng cộng đồng.

Các mối quan tâm về mặt lý luận vừa nêu được bàn luận trong suốt cuốn sách. Ví dụ, thế giới đang thay đổi được xem xét trong Chương 1, đặc biệt là mối quan hệ giữa tâm lý học xuyên văn hóa với sự tiến triển năng động, không ngừng về mặt văn hóa nói chung trên thế giới. Đặc biệt, bạn đọc được giới thiệu những khác biệt nổi bật giữa tâm lý học xuyên văn hóa so sánh và tâm lý học bản địa, sự tồn tại của các giá trị phổ quát và đặc thù, sự thiên lệch mang tính vị chủng tộc có thể tồn tại trong các nghiên cứu xuyên văn hóa.

Chương 2 được viết với mục đích cung cấp những công cụ thiết yếu đối với tư duy phê phán trong tâm lý học xuyên văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm tương đương (equivalence).

Nguồn gốc văn hóa được bàn luận ở Chương 3. Trong Chương 3 và các chương tiếp theo, cuốn sách trình bày cơ sở tiến hóa của những phát triển văn hóa và mô hình đồng tiến hóa (lưỡng di truyền) cho sự nối truyền văn hóa (cultural transmission).

Trong Chương 4 về phát triển con người, các nghiên cứu về xã hội hóa và hấp thụ văn hóa được đánh giá cùng với sự phát triển về nhận thức, đạo đức và tâm lý – xã hội. Đặc biệt, chúng tôi bàn luận rằng tối đa hóa sự thích ứng chính là động lực cơ bản của hành vi con người trong tất cả các hình thức của nó.

Một nét đặc trưng cơ bản và độc đáo trong tiến hóa của con người là ngôn ngữ và văn hóa – xã hội được bàn luận trong Chương 5. Các nghiên cứu hiện nay đang ủng hộ mô hình của Darwin giúp ta hiểu biết quá trình tiến triển giống như cây gia phả của ngôn ngữ và các tiến triển văn hóa xã hội khác.

Chương 6 được dành cho nhận thức mà người ta tin rằng được xuất phát từ cảm giác và tri giác. Chương này đánh giá độ hiệu lực của các phong cách tư duy, tư duy theo xu hướng cá nhân và cộng đồng cũng như sự khác biệt giữa nhận thức kiểu Hy Lạp và châu Á thể hiện trong quá trình tư duy logic và biện chứng.

Cảm xúc và hạnh phúc được đề cập trong Chương 7. Cơ sở tiến hóa sinh học và phổ quát của cuộc sống cảm xúc được các nghiên cứu chứng minh rõ ràng cho dù quy tắc biểu lộ cảm xúc có thể biến thiên theo các nền văn hóa. Chương này tranh luận mạnh mẽ, ủng hộ tâm lý tích cực về cảm xúc của con người và các chính sách xã hội tương thích.

Chương 8 tích hợp các cuộc bàn luận về cách tiếp cận phương Tây, phương Đông và bản địa đối với lý thuyết về nhân cách. Các cách tiếp cận lý luận chủ yếu được trình bày từ quan điểm về định hướng của mỗi lý thuyết cùng với các nghiên cứu chứng minh sự hiện hữu phổ biến của các nét nhân cách Big Five. Chương này cũng đánh giá đóng góp của các tư tưởng Phật giáo và Nho giáo đối với sự hiểu biết của chúng ta về nhân cách.

Chủ đề liên quan đến cái Tôi và ý niệm về bản thân được bàn luận trong Chương 9, đặc biệt từ góc độ văn hóa, xã hội và xuyên văn hóa. Chương này trình bày các nét cơ bản của cuộc thảo luận về cái gọi là vấn đề “khó” và “dễ” việc hiểu rõ về bản chất của “người nhận biết” hay còn gọi là “thức giả” (the Knower) vẫn là vấn đề cần giải quyết theo ý kiến của tác giả. Các lý thuyết cơ bản về phát triển cái Tôi cũng được bàn luận.

Chương 10 bàn về tác động của văn hóa đối với vấn đề giới. Mặc dù cuộc “cách mạng” nữ quyền đã thay đổi quan hệ về giới ở các nước phương Tây và một số khu vực khác trên thế giới nhưng ở nhiều nơi vẫn còn các khác biệt nổi bật trong sự đối xử với phụ nữ được hỗ trợ bởi các tư tưởng truyền thống. Bạo lực đối với phụ nữ có liên quan một cách vô lý với cách nhìn nhận truyền thống coi thường vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Việc làm có ý nghĩa trung tâm đối với cuộc sống con người được bàn luận trong Chương 11. Tác động của toàn cầu hóa và các nghiên cứu quan trọng dựa trên hệ giá trị liên quan đến làm việc của Hofstede được trình bày. Sự khác biệt giữa các nền văn hóa theo xu hướng cá nhân và cộng đồng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới hành vi liên quan đến làm việc.

Cuối cùng, Chương 12 bàn luận về mối quan hệ giữa văn hóa và sức khỏe. Sự bất công của những khác biệt về sức khỏe có liên quan trực tiếp với sự bất công về kinh tế – xã hội. Chương này cũng cung cấp một thảo luận về hành vi dị thường như nó được hiểu từ góc độ văn hóa và cách tiếp cận so sánh. Từ quan điểm về một nền tâm lý học tích cực, trạng thái khỏe mạnh về thể chất và tâm lý cần phải là mối quan tâm hàng đầu của tâm lý học văn hóa và tâm lý học xuyên văn hóa.

Như bạn đọc có thể thấy từ những lời giới thiệu trên đây, cuốn sách này khá toàn diện. Chủ đề tiến hóa được ủng hộ bởi cách nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực so sánh. Yếu tố sinh học và yếu tố văn hóa – xã hội luôn song hành và đồng tiến hóa. Cuốn sách này sẽ cung cấp cho các sinh viên tâm lý học, các nhà nghiên cứu trẻ nhiều công cụ để hiểu các phát triển văn hóa và ảnh hưởng của văn hóa tới hành vi con người trong xã hội và trên toàn cầu.

Sách “Tâm lý học xuyên văn hóa” do Nhà xuất bản ĐHQGHN xuất bản năm 2015 thuộc Tủ sách khoa học, Mã số: 129-KHXH-2014, Giá. 225.000đ

https://vnu.edu.vn/home/?C1654/N20384/Sach-moi:-Tam-ly-hoc-xuyen-van-hoa.htm

..


QUẢN LÝ XUYÊN VĂN HÓA


Tác giả: Charlene M. Solomon – Michael S. Schell (NXB McGraw-Hill)

Dịch giả: TS. Nguyễn Thọ Nhân

Khổ sách: 15 x 23 cm

Số trang: 320 trang

Trọng lượng: 419 g

Năm xuất bản:


   Tại sao sự hợp nhất của hai tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất xe ô tô là Chrysler (của Mỹ) và Daimler – Bez (của Đức) lại thất bại? Tại sao công ty bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, Wal – Mark bị thua lỗ hàng tỷ đô la khi phát triển thị trường sang Hàn Quốc? Tại sao khi thâm nhập vào Trung Quốc tập đoàn CoCa Cola không sử dụng tên Coca cho nhãn hàng vốn đang thành công trên toàn thế giới này mà lại lấy một cái tên nghe rất Trung Quốc?... Sự thất bại của hai công ty sản xuất ô tô hay Wal – Mark chính là do yếu tố văn hóa. Họ đã không lường trước được tầm quan trọng của việc khác biệt về văn hóa tại mỗi vùng, miền lãnh thổ. Làm thế nào để có thể quản lý doanh nghiệp trên nhiều nền văn hóa khác nhau? Đó là điều mà nhiều nhà quản trị phải suy nghĩ, trong đó có Charlene M. Solomon và Michael S.Shell. Để tìm đáp án cho thác mắc của mình họ đã nghiên cứu rất nhiều những thất bại của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia khi phát triển thị trường ra nước ngoài. Cuối cùng họ đã khám phá ra nguyên nhân của sự thất bại đó là do “Sự bất đồng về Văn hóa”. Và sự ra đời cuốn “Quản lý xuyên văn hóa” của hai tác giả này chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa kinh doanh trên quan điểm toàn cầu.

https://nxbhcm.com.vn/16/quan-ly-xuyen-van-hoa-34


..

HASS1070 – Định hướng xuyên văn hóa

Số tín chỉ: 2

Môn điều kiện: Không có

Sinh viên thế kỷ 21 phải đối mặt với bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi khả năng điều hướng những thách thức của xã hội và môi trường làm việc đa văn hóa. Trong Định hướng xuyên văn hóa, sinh viên sẽ phát triển các kỹ năng cơ bản cần thiết để đạt được mục tiêu. Môn học sẽ giúp sinh viên hiểu các nền văn hóa khác nhau có thể tác động như thế nào đến cách mọi người nhìn nhận bản thân và môi trường xung quanh. Sinh viên sẽ tìm hiểu về các lý thuyết và thực tiễn khác nhau liên quan đến tác động của văn hóa đối với cuộc sống của chúng ta. Cuối cùng, sinh viên sẽ có thể xác định và hiểu được mối liên hệ giữa bản sắc văn hóa của chính mình và của người khác để phản ánh cách các khái niệm văn hóa khác nhau áp dụng vào cuộc sống, giao tiếp và các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau.

https://vinuni.edu.vn/vi/mua-thu-2020/mon-tu-chon/


..

TIẾP CẬN HỆ GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM TỪ GÓC NHÌN XUYÊN VĂN HÓA

         Xuyên văn hóa

Trước hết, xuyên văn hóa dùng ở đây không phải là cross culture (1) mà là transculture - thuật ngữ được đặc trưng theo quan niệm của Mikhail Epstein, hiện là giáo sư về lý luận văn hóa và văn học Nga tại Trường đại học Emory, Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ, chúng tôi tạm dịch là xuyên văn hóa.

Dựa trên truyền thống văn hóa học Nga, nhất là tư tưởng của Mikhail Bakhtin về tính hệ thống trong nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, M. Epstein đề xuất cách tiếp cận xuyên văn hóa, xem văn hóa là một thể thống nhất hữu cơ - một hệ thống mở, năng động và có khả năng vượt qua chính nó, vượt qua những đường biên của nó”(2).

Cũng trên cơ sở tư tưởng của M.Bakhtin về đời sống năng động và mạnh mẽ của văn hóa diễn ra ngay trên những đường biên của những lĩnh vực riêng của nó chứ không phải ở những nơi tập trung những đặc trưng riêng của từng lĩnh vực, M. Epstein xem “mô hình xuyên văn hóa không phải chỉ là một lĩnh vực của tri thức mà còn là một phương thức của tồn tại, là nơi định vị những điểm giao của các nền văn hóa”(3). Ông nhấn mạnh đến việc tiếp cận quá trình tương tác giữa các nền văn hóa thay vì đi sâu vào một nền văn hóa tự thân, coi đó là yêu cầu có tính phương pháp luận, nhất là trong bối cảnh tương tác toàn cầu.

Như vậy, cách tiếp cận văn hóa theo đề xuất của M.Epstein mang tính ly tâm hơn là hướng tâm, chú ý đến sự vận động của văn hóa trong tương tác hơn là ở trạng thái tĩnh. Theo chúng tôi, đây là những gợi ý rất cơ bản trong tiếp cận văn hóa nói chung, văn hóa Việt Nam nói riêng. Nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam từ trước đến nay phần nhiều chú ý đến cách tiếp cận hướng tâm, xem xét hệ giá trị và những giá trị cốt lõi hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là hướng nghiên cứu có cơ sở khoa học của nó và có nhiều đóng góp trong thực tiễn nghiên cứu văn hóa dân tộc. Tuy vậy, có thể vận dụng cách tiếp cận xuyên văn hóa theo phương pháp luận của M. Epstein như một hướng nghiên cứu bổ sung, chú ý thêm đến việc nghiên cứu hệ giá trị của văn hóa Việt Nam trong quá trình tương tác với các nền văn hóa khác, nhất là trong những thời kỳ, những giai đoạn văn hóa Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ về chất trong sự tiếp xúc, va chạm với các nền văn hóa, văn minh khác.

         Về hệ giá trị

Tiếp cận từ góc độ tính hệ thống, xuyên văn hóa quan tâm trước hết đến giá trị và hệ giá trị của các nền văn hóa. Theo M. Epstein, “văn hóa với tư cách là một chỉnh thể của những lĩnh vực hoạt động, bao hàm tính đa dạng của các nền văn hóa với tư cách là đa dân tộc và đa kiểu loại lịch sử, mỗi kiểu loại có nguyên tắc hình thành riêng, không thể giản hóa. Trong khi văn hóa học quan tâm đến văn hóa với tư cách là cái toàn thể, nó cũng đồng thời thừa nhận tính đa dạng của những cái toàn thể và tạm phân biệt giữa chúng bằng thuật ngữ giá trị”(4).

Quả vậy, khi xem “mỗi nền văn hóa đều có những phong cách, những biểu hiện kỳ lạ, những nổi ám ảnh, những giả định hệ tư tưởng riêng, và những hạn chế, những mô hình truyền bá những bộ lọc thông tin...”(5), tiếp cận xuyên văn hóa phải xem xét đến hệ giá trị cốt lõi làm nên những đặc điểm, những phong cách của nền văn hóa đó, chỉ khác là chú ý nhiều hơn đến sự vận động của hệ giá trị đó trong quá trình vận động, tương tác.

Nói đến tiếp cận giá trị là nói đến vấn đề khá phức tạp. Theo D.Pantich, “Giá trị đương nhiên là thuộc về số khái niệm chung nhất và thường xuyên được sử dụng trong các khoa học xã hội” và “có tới hơn 400 định nghĩa khác nhau về khái niệm này”(6).

Tiếp cận giá trị trong nghiên cứu văn hóa, do vậy, thường gặp phải những vướng mắc về quan điểm, dễ sa vào chủ quan trong đánh giá, tiếp nhận.

Trong lịch sử văn hóa thế giới, đã từng có những quan điểm cho giá trị của nền văn hóa này ưu việt hơn nền văn hóa khác, dẫn đến tư tưởng chủ nghĩa đế quốc trong văn hóa. Ở Việt Nam, tiếp cận giá trị tuy có nhiều đóng góp nhưng cũng gặp nhiều cảnh báo. Trong một bài viết, sau khi điểm qua một số cách tiếp hệ giá trị văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm đã nêu một câu hỏi tu từ: “Liệu có phải người Việt Nam yêu nước hơn người Nga, có ý thức cộng đồng hơn người Hán, cần cù hơn người Nhật, tinh tế hơn người Pháp... hay không?”(7).

Thật ra vấn đề nằm ở quan điểm về giá trị và ở cách tiếp cận giá trị. Tiếp cận văn hóa từ góc độ giá trị luận dễ dẫn đến sự so sánh hơn thua vì thường phải xem xét mối quan hệ giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cái chất lượng, cái tốt và cái xấu. Trên quan điểm về tính hệ thống của văn hóa và tính lịch sử của giá trị, văn hóa học xem giá trị hay hệ giá trị gắn liền với chủ thể và bối cảnh văn hóa nhất định. Mỗi nền văn hóa, qua quá trình phát triển lịch sử của nó, hình thành nên hệ giá trị được cộng đồng chấp nhận, chia sẻ. Hệ giá trị này thường được cụ thể hóa thành những chuẩn mực, chi phối hành vi các thành viên của cộng đồng, là nền tảng của sự ổn định xã hội. Hệ giá trị của một nền văn hóa không nhất thiết phải là những gì khác biệt hay xung đột với những giá trị có tính phổ quát của nhân loại; cũng không nhất thiết phải là những giá trị đem so sánh hơn thua với các hệ giá trị của các nền văn hóa khác. Về mặt ý nghĩa, hệ giá trị của một cộng đồng có ý nghĩa trước hết đối với những thành viên của cộng đồng đó. Con người luôn cảm thấy mình thuộc về một nền văn hóa, một hệ giá trị nào đó, còn đối với giá trị của nền văn hóa khác, nếu không phải là giá trị phổ quát, cá nhân đó thường cảm thấy xa lạ, thậm chí có thể kỳ thị. Điều này cũng là một đặc điểm có tính quy luật, vì chúng ta luôn có xu hướng “chọn một ít đặc điểm tích cực và hấp dẫn của nền văn hóa chúng ta như là những thành tố của hình ảnh tự thân của chúng ta trong khi có xu hướng dựng nên hình ảnh của những người khác trên cơ sở của những thứ ít hấp dẫn hơn của nền văn hóa của họ”(8). Nhưng sự kỳ thị như vậy thường xuất phát từ nhận thức hạn chế về tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa, về quy luật hình thành giá trị từ góc nhìn của văn hóa học.

Nhấn mạnh đến yếu tố nội tại của giá trị (intrinsic value) gắn với một chủ thể văn hóa nhất định không có nghĩa là rơi vào tương đối luận văn hóa (cultural relativism) hay chỉ xem xét những giá trị tự thân, khép kín. Giá trị là một phạm trù lịch sử, có quá trình vận động của nó. Ngay trong nội bộ của một nền văn hóa, các giá trị cụ thể và cả hệ giá trị cũng luôn vận động và biến đổi, nhanh hay chậm tùy thuộc vào mỗi nền văn hóa. Rõ nhất là sự vận động của giá trị và hệ giá trị thể hiện trong giao lưu, tiếp xúc văn hóa. Luôn có mối quan hệ tương tác giữa các giá trị riêng, cụ thể đặc thù của một nền văn hóa với những giá trị phổ quát với tư cách là những gì được sáng tạo, hình thành và tích lũy gắn với sự tiến bộ của nhân loại. Chính mối quan hệ tương tác này dẫn đến những điều chỉnh, những biến đổi trong hệ giá trị của một nền văn hóa. Cũng luôn có sự tương tác giữa nền văn hóa này với văn hóa khác, dẫn đến việc tiếp nhận những yếu tố mới vào hệ giá trị theo quy luật của tiếp xúc và tiếp biến văn hóa. Trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, khó thể có một nền văn hóa tự thân, khép kín và hầu hết các giá trị đều ít nhiều mang dấu ấn của giao lưu, tiếp xúc văn hóa. Vấn đề là, để có thể đi vào hệ giá trị của một nền văn hóa, các yếu tố có nguồn gốc ngoại lai thường đi qua con đường tiếp biến, được kiểm nghiệm qua quá trình lịch sử và tất nhiên được cộng đồng xem là giá trị, chấp nhận, sẻ chia. Nhìn từ phương diện này, có thể thấy tiếp cận giá trị và hệ giá trị của một nền văn hóa trong quá trình vận động và tương tác của nó với các nền văn hóa khác là một trong những yêu cầu có tính phương pháp luận trong nghiên cứu văn hóa.

         Hệ giá trị văn hóa Việt Nam từ góc nhìn xuyên văn hóa

Hệ giá trị văn hóa Việt Nam được hình thành, tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn với những dạng thức ít nhiều mang tính đặc thù lịch sử so với các quá trình của các nền văn hóa khác. Chúng ta thường nói đến tính cộng đồng, đến ý thức quốc gia, dân tộc của người Việt nhưng hình dung tính cộng đồng và ý thức quốc gia, dân tộc ấy như thế nào nếu tách rời với bối cảnh tự nhiên, nhất là tách rời với những điều kiện lịch sử đặc thù của người Việt? Không có nền văn hóa nào không có những giá trị bền vững và những chuẩn mực về tính cộng đồng, về lòng yêu nước và ý thức quốc gia, dân tộc, gắn liền với các quá trình tương tác đặc thù của nền văn hóa đó. Sự khác biệt nằm ở sắc thái, ở cách biểu hiện do tính đặc thù lịch sử đem lại hơn là nằm ở chất lượng của tính cộng đồng, của ý thức quốc gia, dân tộc. Không phải ngẫu nhiên trong so sánh giữa các nền văn hóa, người ta thường thấy ít có những khác biệt lớn ở những giá trị/hệ giá trị mang tính cứu cánh. Khác biệt chủ yếu nằm ở các biểu hiện của giá trị mang tính phương tiện và những biểu hiện mang tính phương tiện đó thường chịu sự tác động mạnh mẽ bởi những tương tác giữa các yếu tố nội sinh bền vững với những tác động từ bên ngoài (ngoại sinh). Điều này không mâu thuẫn với việc những tương tác trong quan hệ với các nền văn hóa sẽ củng cố thêm hoặc làm phong phú hơn hệ giá trị cốt lõi của một nền văn hóa, thậm chí dẫn đến những chuyển biến về chất trên phương diện hệ giá trị.

Tiếp cận hệ giá trị văn hóa Việt Nam trên quan điểm xuyên văn hóa và từ góc nhìn lịch sử, chúng tôi thấy có những mốc hay những chặng lớn đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam, ứng với những điểm giao của tiến trình văn hóa Việt Nam trong sự tương tác với các yếu tố ngoại sinh. Đó là những điểm giao, những chặng chuyển đổi của văn hóa Việt Nam trong quá trình tiếp biến văn hóa khu vựctiếp biến văn hóa phương Tây và trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay (9). Tuy chưa thật rõ về quan điểm lý luận nhưng nghiên cứu văn hóa Việt Nam ở những bước chuyển quan trọng đã được nhiều nhà nghiên cứu tiến hành với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ở đây chỉ đi vào một số điểm theo chúng tôi còn chưa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

Trong quá trình văn hóa Việt Nam tiếp xúc và tiếp biến văn hóa khu vực, chúng tôi đặc biệt chú ý đến mốc Việt Nam độc lập vào TK X, nhất là với mốc xuất hiện nhân vật văn hóa đứng đầu vương quyền thay cho giai đoạn cầm quyền của các vị vua vốn xuất thân là những thủ lĩnh quân sự.

Nghìn năm Bắc thuộc tác động mạnh mẽ đến văn hóa Việt Nam và là minh chứng hùng hồn cho sức sống mạnh mẽ của dân tộc Việt. Nhưng cái mốc thực sự đánh dấu bước chuyển biến lớn của văn hóa Việt Nam chính là ở ý thức văn hóa trong sự lựa chọn mô hình để phát triển, thể hiện cụ thể qua việc nhà Lý dời đô về Thăng Long (1010) và sau đó là hàng loạt những biểu hiện qua hoạt động thực tiễn cũng như qua xây dựng các thiết chế văn hóa mang tính biểu trưng như Văn Miếu, Quốc Tử Giám... Bằng sự lựa chọn mô hình này, các yếu tố văn hóa Trung Hoa, vốn thâm nhập phong phú trong thời kỳ Bắc thuộc, dần được nhận thức thêm và tiếp nhận một cách chủ động để làm phong phú thêm hệ giá trị văn hóa dân tộc. Có nhà nghiên cứu nói đến sự chuyển đổi quỹ đạo của văn hóa Việt Nam từ quỹ đạo văn hóa Đông Nam Á sang quỹ đạo văn hóa Đông Bắc Á. Đây là nhận định không phải không có cơ sở. Nhưng nhìn từ phương diện cấu trúc của hệ thống văn hóa, có thể thấy từ TK X trở về trước, văn hóa Việt Nam chủ yếu là văn hóa dân gian gắn với cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Khi nước nhà độc lập, yêu cầu xây dựng nhà nước theo hướng quốc gia, dân tộc tất yếu dẫn đến yêu cầu xây dựng kiến trúc thượng tầng gồm xây dựng ý thức hệ, phát triển giáo dục, đào tạo trí thức..., nói cách khác là xây dựng bộ phận văn hóa bác học nhằm tỏ rõ nước ta là một nước văn hiến, một nước thi thư. Các vương triều Lý - Trần đã xuất phát từ thực tiễn văn hóa dân tộc để lựa chọn mô hình phát triển, bổ sung vào hệ giá trị văn hóa Đại Việt những giá trị từ bên ngoài phù hợp với cấu trúc của nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới. Có thể thấy từ Lý - Trần trở đi, văn hóa Việt Nam dần hoàn thiện về cấu trúc và mỗi bộ phận đều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống văn hóa Việt Nam. Sự đối lập về mặt giá trị giữa văn hóa dân gian  văn hóa bác học cũng như việc quá nhấn mạnh đến vai trò của một trong hai bộ phận dễ dẫn đến sai lầm về quan điểm và phương pháp luận.

 

Bước chuyển biến lớn thứ hai liên quan đến hệ giá trị văn hóa Việt Nam diễn ra trong giai đoạn chúng ta thường gọi là quá trình hiện đại hóa văn hóa dân tộc ­- một cách gọi dễ gây mơ hồ nhưng có thể chấp nhận được trong ý nghĩa lịch sử cụ thể của nó. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, quá trình này diễn ra từ khoảng cuối TK XIX đến những thập niên đầu TK XX khi trong quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây, qua tác động trực tiếp của văn hóa, văn minh Pháp, chúng ta dần nhận ra mô hình mới và định danh cho nó bằng những tên gọi gắn với chữ tân, hiện đại, hay gọi một cách trực tiếp là mô hình văn hóa Âu - Tây.

Nếu như tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa trong thời kỳ khu vực hóa dẫn đến sự hoàn thiện mô hình từ phương diện cấu trúc, thì tiếp xúc với văn hóa, văn minh phương Tây lại nổi bật lên vấn đề thiết yếu: phải thay đổi về cơ bản để tồn tại, phát triển và con đường gần như tất yếu là học theo mô hình phương Tây, là hiện đại hóa. Điều đó đòi hỏi phải có những chuyển đổi về cấu trúc, động đến những tầng sâu của hệ giá trị. Tuy nhiên sự lựa chọn không dễ dàng vì chúng ta phải đứng trước nghịch lý của mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa dân tộc  Tây phương hóa, giữa truyền thống và hiện đại. Trong bối cảnh đó, có thể thấy, sau thời kỳ kháng cự cay đắng với hiện đại hóa đầy tính hướng tâm và có tính tất yếu trong hoàn cảnh bị đô hộ, trí thức Việt Nam đã có những lựa chọn quyết liệt xuất phát từ nhận thức sâu sắc về yêu cầu chuyển đổi mô hình, không phải bắt đầu từ kinh tế, chính trị mà từ văn hóa. Điều này thể hiện rõ nét ở các nhà duy tân đầu TK XX, nhất là trong chủ trương và hoạt động thực tiễn của các trí thức trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Hoạt động của các nhà duy tân thất bại về phương diện tổ chức nhưng ý thức văn hóa được khơi gợi từ phong trào này đã tác động mạnh mẽ đến sự chuyển đổi nhiều giá trị cơ bản trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam, góp phần đặc biệt quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn hóa dân tộc. Trên quan điểm về tương tác văn hóa, có thể thấy bản lĩnh Việt Nam thể hiện rõ qua những lựa chọn quyết liệt và đúng đắn giữa các nghịch lý, và qua tương tác văn hóa, chúng ta thấy hệ giá trị của một nền văn hóa không phải tĩnh tại, khép kín mà có quy luật vận động và phát triển của nó với tư cách là nền tảng của một hệ thống mở, năng động.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tương tác văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ với những quy luật có tính đặc thù. Rõ ràng là trong bối cảnh chung, các nước phát triển vẫn có quan niệm về toàn cầu hóa khác với các nước khác. Theo Dominique Wolton, đó “đơn giản bởi vì toàn cầu hóa không đe dọa đến bản sắc của họ”(10). Riêng với Việt Nam, ở một góc độ nào đó, có thể nói chúng ta vẫn đang trong quá trình hiện đại hóa với không ít những đặc điểm tương đồng với quá trình hiện đại hóa diễn ra trong buổi đầu tiếp xúc và tiếp biến văn hóa phương Tây. Điểm khác biệt lớn nhất, đó là chúng ta đang là một nước độc lập, chủ quyền, có tính chủ động và tự do trong sự lựa chọn mô hình hiện đại hóa. Cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa về phương diện kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, mang tầm chiến lược quốc gia, hoàn toàn có thể nói đến hiện đại hóa văn hóa như là nền tảng của hiện đại hóa toàn diện đất nước, thúc đẩy trong quan hệ tương tác với các lĩnh vực hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động kinh tế và tổ chức, quản lý xã hội.

Để có thể hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa cần phải có những chuyển đổi mạnh mẽ về phương diện hệ giá trị. Theo chúng tôi, một trong những giá trị cốt lõi trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống cần chú ý định hướng chuyển đổi trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa là tính cộng đồng. Nghiên cứu của một số học giả gần đây cho thấy, bên cạnh sự nhận diện văn hóa mang tính loại hình từ góc nhìn địa - văn hóa, có thể nhận diện đặc điểm có tính loại hình của các nền văn hóa theo hướng nền văn hóa đó thiên về cộng đồng hay thiên về cá nhân (11). Theo đó, ở các nước chưa hoặc đang phát triển, nền văn hóa thường thiên về tính cộng đồng; trong khi đó, ở các nước phát triển, văn hóa thường thiên về tính cá nhân. Cá nhântính cá nhân ở đây được hiểu trên bình diện ý thức văn hóa về cá nhân, hay nói một cách khác, là cá nhân đã được giải phóng trên bình diện ý thức. Cá nhân hiểu theo nghĩa này không nhất thiết phải đặt trong thế đối lập với cộng đồng, nếu không nói là khi cá nhân được ý thức trên bình diện văn hóa, cá nhân đó thường hướng đến sự hài hòa lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng, đồng thời phát huy được tinh thần chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, khai mở sáng tạo.

Sở dĩ cần có sự chuyển đổi về chất như vậy vì tính cộng đồng - một trong những đặc trưng và là một giá trị bền vững trong văn hóa truyền thống dân tộc - vẫn là tính cộng đồng được hình thành và phát triển mang tính cơ chế hơn là trên bình diện ý thức. Thoát khỏi những điều kiện để phát huy những giá trị tốt đẹp khi cần liên kết vì cùng lợi ích, tính cộng đồng mang tính cơ chế dễ trở thành sức nặng triệt tiêu ý thức cá nhân, điều tác giả Trần Ngọc Thêm đã phân tích khá sâu sắc khi bàn về hệ quả xấu của tính cộng đồng, một trong hai đặc trưng cơ bản của tổ chức xã hội Việt Nam truyền thống (12).

Nên chăng đây là lúc cần phải mạnh dạn ly tâm để chủ động tiếp nhận nhiều giá trị vốn có trong nhiều nền văn hóa để phát triển, trong đó có vấn đề giải phóng cá nhân, phát triển cá tính xét trên bình diện hệ giá trị.

_______________

1. Một kiểu nghiên cứu so sánh (cross cultural comparison) rất đặc trưng trong việc tìm ra các đặc điểm có tính quy luật của sự tương đồng hay khác biệt giữa các nền văn hóa (Encyclopedia of Cultural Anthropology 1996, 263).

2, 3, 4, 5. Mikhail Epstein, Văn hóa học và xuyên văn hóa, Nguyễn Văn Hiệu dịch.

6. D.Pantich, Xung đột về giá trị tại các nước chuyển tiếp trong Văn hóa học và văn hóa thế kỷ XX, tập 2, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, tr.124-154.

7. Trần Ngọc Thêm, Bản sắc văn hóa Việt Nam trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ mới trong Văn hóa Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận, Lê Ngọc Trà tập hợp, giới thiệu, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr.292-301.

8. Zdzislaw Mach, Symbols, Conflict, and Identity, Essays in Political Anthropology, State University of New York Press, 1993.

9, 12. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt NamNxb TP.HCM, 2001, tr.75-93.

10. Dominique Wolton, Toàn cầu hóa văn hóa, Đinh Thùy Anh và Ngô Hữu Long dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.27.

            11. Xem Mijind Huijser, Lợi thế văn hóaNguyễn Đình Huy dịch, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2006.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 305, tháng 11-2009

Tác giả : Nguyễn Văn Hiệu






http://vanhoanghethuat.vn/tiep-can-he-gia-tri-van-hoa-viet-nam-tu-goc-nhin-xuyen-van-hoa.htm


..


Hội thảo “Phương pháp nghiên cứu tiếp cận xuyên văn hóa”



Được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và bà Ceinwyn Elleway, Giảng viên - Nghiên cứu sinh đến từ Đại học Flinders, Australia, ngày 28/9/2018, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Phòng Quản lý-Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế cùng phối hợp đồng tổ chức buổi Hội thảo “Phương pháp nghiên cứu tiếp cận đa văn hóa”. Người trình bày là bà Ceinwyn Elleway, Giảng viên Đại học Flinders.

Tham dự Hội thảo, ngoài sự có mặt của bà Ceinwyn Elleway, TS. Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, PGS.TS. Trần Thị Thái Hà – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Dự báo, cán bộ Phòng Quản lý-Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế, còn có sự có mặt của hơn 40 cán bộ lãnh đạo, nghiên cứu viên, chuyên viên đến từ các trung tâm, phòng ban của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Trong nghiên cứu của bà Ceinwyn Elleway, có rất nhiều khái niệm mới và nhiều vấn đề liên quan đến xuyên văn hóa và giới, trong đó có nghiên cứu về sự ảnh hưởng của các văn hóa trong nghiên cứu và vai trò, trải nghiệm của nữ giới trong công tác và lãnh đạo. Việt Nam là quốc gia có nhiều chính sách tích cực đối với phụ nữ trong đời sống, kinh tế, chính trị. Hơn nữa, giữa Việt Nam và Úc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, chính trị, xã hội nên bà Ceinwyn Elleway đã chọn Việt Nam làm địa điểm nghiên cứu chính của mình. Buổi hội thảo là một cơ hội để báo cáo viên và các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ những hiểu biết của mình về vấn đề này.

Tại buổi hội thảo, Bà Ceinwyn Elleway đã chia sẻ nhiều khái niệm mới trong nghiên cứu của bà như khái niệm “xuyên văn hóa”, “phương bắc” và “phương nam”. Các đại biểu tham dự cũng chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm về bối cảnh của Việt Nam trong vấn đề hợp tác văn hóa toàn cầu và vấn đề giới.

Kết thúc buổi hội thảo, Bà Ceinwyn Elleway gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học đã giúp đỡ bà thực hiện buổi hội thảo. Bà cũng trân trọng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu có mặt tại hội thảo, đặc biệt là những người đã lắng nghe và đóng góp ý kiến cho nghiên cứu của bà. Hi vọng trong thời gian tới, giữa hai bên sẽ có nhiều hợp tác hơn nữa trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Sau đây là một số hình ảnh của buổi hội thảo.
 
 
 Bà Ceinwyn Elleway trình bày tại Hội thảo
 
 

TS. Lê Đông Phương và Bà Ceinwyn Elleway chủ trì Hội thảo

 
 
 

TIN KHÁC

http://vnies.edu.vn/tin-tuc/tin-hoat-dong-cua-vien/17413/hoi-thao-%E2%80%9Cphuong-phap-nghien-cuu-tiep-can-xuyen-van-hoa%E2%80%9D

..


Tọa đàm về phê bình không gian trong nghiên cứu văn học và điện ảnh

Thứ Ba, 04/04/2023 15:28

Ngày 3/4/2023, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Phê bình không gian trong nghiên cứu văn học và điện ảnh: Nhìn từ lí thuyết cảnh quan” nhân dịp ra mắt cuốn sách Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành). Đây là sự kiện tiếp nối hành trình nghiên cứu và ứng dụng các hướng tiếp cận mới về văn học, điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung tại Việt Nam; cũng là một trong những nỗ lực lâu dài nhằm xây dựng “hệ tri thức cảnh quan”, “văn hóa cảnh quan”, “đối thoại cảnh quan” của Việt Nam với thế giới trong bối cảnh xuyên văn hóa và toàn cầu hóa.

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi và nghiêm túc. Ảnh: CLBĐA

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả và khách mời đến từ Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các trường Đại học chuyên ngành Khoa học Xã hội như: GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh, GVC Trần Hinh, PGS.TS. Phùng Ngọc Kiên, PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng, PGS.TS Đinh Hồng Hải, TS. Đoàn Ánh Dương, TS. Mai Anh Tuấn, TS. Trần Ngọc Hiếu, TS. Hồ Khánh Vân, TS. Đỗ Thị Thu Huyền, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng, TS. Phạm Văn Hưng, TS. Nguyễn Thị Bích, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp... Toạ đàm là cuộc trao đổi học thuật cởi mở giữa các học giả, khách mời; đồng thời là sự gợi ý, phát triển thêm các hướng nghiên cứu cảnh quan đã được mở ra từ hội thảo “Tiếp cận cảnh quan Việt Nam trong bối cảnh xuyên văn hóa” diễn ra vào tháng 8 năm 2022. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng giới thiệu kĩ hơn về nội dung, ý nghĩa, phương pháp tiếp cận của cuốn sách Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa - công trình chuyên sâu đầu tiên về tự sự cảnh quan, phê bình cảnh quan (landscape criticism) tại Việt Nam.

TS. Hoàng Cẩm Giang - điều phối viên tọa đàm. Ảnh: CLBĐA

Theo TS. Hoàng Cẩm Giang - điều phối viên tọa đàm, cảnh quan giữ vai trò quan trọng trong các thực hành nghệ thuật và nghiên cứu hàn lâm. Tuy nhiên, hướng tiếp cận phê bình cảnh quan, địa lí nhân văn (human geography) còn khá mới mẻ và chưa được chú ý đúng mức tại Việt Nam. Trong quá trình tiếp cận và phân tích các tự sự văn học/điện ảnh về thiên nhiên, về phong cảnh Việt Nam, các nghiên cứu lâu nay thường lưu ý nhiều hơn đến khía cạnh “phong tục tập quán” và truyền thống văn hóa, đến mối quan hệ giữa văn hóa và tự nhiên, đến mô hình không gian trong tác phẩm như là một yếu tố của thi pháp. Bên cạnh đó, các nghiên cứu này hầu như vẫn chủ yếu tiếp cận trên bình diện “bản sắc dân tộc” - cấp độ vĩ mô - chứ chưa tiếp cận sâu và kĩ mối quan hệ giữa căn tính cộng đồng và căn tính cá nhân, với các vấn đề suy thoái và tha hóa không thể cứu vãn của cảnh quan bản địa; giữa sự mơ hồ của ý thức về nơi chốn, về sinh thái nơi người dân và những bất công môi trường trong không gian mà cuối cùng chính họ là người phải chịu đựng. Điều này dẫn đến sự phức tạp của tiến trình chữa trị các tổn thương sinh thái và văn hóa địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa - nơi những giải pháp “một chiều” rất khó vãn hồi được, nhất là với những cộng đồng có truyền thống và bản sắc văn hóa lâu đời. Thêm vào đó, trong mối quan hệ giữa tự nhiên và văn hóa, các nhà nghiên cứu đến thời điểm này còn chưa tập trung vào khía cạnh: sự thay đổi văn hóa tiếp tục dẫn đến những mất mát ghê gớm hơn của cảnh quan tự nhiên.

Đồng chủ biên Nguyễn Thị Thu Thủy tặng sách cho GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ảnh: CLBĐA

Thế kỉ 21 - thế kỉ của cách mạng công nghiệp 4.0, của các luồng di dân khổng lồ, của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu toàn cầu khiến các vấn đề địa - chính trị, địa - văn hóa, sự tri nhận và kiến tạo các đường biên, sự định vị và tái định vị của con người trong thế giới cũng thay đổi mạnh mẽ. Do vậy, hướng đi tìm vào mối quan hệ giữa “diễn ngôn về cảnh quan” và “căn tính dân tộc” từ góc nhìn tân duy sử và nghiên cứu văn hóa đang chạm vào những vấn đề khoa học xã hội nhân văn cốt lõi hiện nay tại Việt Nam. Và cuốn sách Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa là lời hồi đáp cho những câu hỏi về sự trình hiện/tái trình hiện, diễn giải/tái diễn giải “cảnh quan Việt Nam”; về mối tương quan giữa cảnh quan văn chương, điện ảnh, nghệ thuật tạo hình với văn hóa đại chúng, ý hệ, lịch sử tư tưởng, nghiên cứu giới, tâm lí học, y học, sinh thái học, quy hoạch đô thị... và với chất lượng cuộc sống của con người.

Phê bình cảnh quan là một lĩnh vực mang tính liên ngành: Trong địa hạt văn hóa, nó nằm ở điểm giao của khoa học địa lí và nhân văn, của khoa học môi trường và kiến trúc, của lịch sử xã hội và mĩ học, đồng thời liên đới chặt chẽ đến nghiên cứu không gian như là một thành tố của thi pháp nghệ thuật. TS. Hồ Khánh Vân nhận định: “Điện ảnh là một trong những vùng đất giàu tiềm năng cho phê bình cảnh quan vì chất liệu thị giác của loại hình nghệ thuật này. Đồng thời, khi tiếp nhận cảnh quan từ góc độ giới tính, chúng ta có thể đọc ra sự xuyên thấm của những kiến tạo văn hóa trong không gian cảnh quan”.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - đồng chủ biên cuốn sách Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa chia sẻ: “Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà nghiên cứu văn học, điện ảnh, nghệ thuật tạo hình trong và ngoài nước để phát triển sâu hơn, nới rộng hơn các chân trời sáng tạo của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn - nơi lí thuyết không phải khung khổ mà trở thành dung môi, chất xúc tác để các thực hành phê bình/nghiên cứu ngày càng năng động, đa dạng và tiệm cận hơn bản chất nhân văn của lĩnh vực này”.

HÀ THY LINH

http://vannghequandoi.com.vn/dong-chay/toa-dam-phe-binh-khong-gian-trong-nghien-cuu-van-hoc-va-dien-anh_14492.html

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.