Chiều 21/3, tập sách Chân trời gọi nắng được ra mắt tại Hà Nội nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhạc sĩ Hồng Đăng. Sách do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Người tập hợp bản thảo và thực hiện cuốn sách là bà Lê Anh Thuý - vợ nhạc sĩ Hồng Đăng. Tiêu đề cuốn sách được lấy từ ca từ trong tác phẩm Biển hát chiều nay nổi tiếng của cố nhạc sĩ.

Bà Lê Anh Thúy xúc động trong buổi ra mắt cuốn sách Chân trời gọi nắng.

Bà Lê Anh Thúy không giấu được sự xúc động khi kể lại những câu chuyện liên quan đến nhạc sĩ Hồng Đăng. Giọt nước mắt của người phụ nữ đã nhiều năm gắn bó với tác giả bài hát "Hoa sữa'' nổi tiếng cả nước khiến một số người có mặt rưng rưng.

Theo lời bà Lê Anh Thuý, nhạc sĩ Hồng Đăng rất lãng tử nên trước kia, mỗi lần chia tay ai thường có thói quen xách vali sách vở, áo quần gửi bạn bè. Vì thế, khi lấy ông, bạn bè trả lại từng bọc sách vở, hoặc bà đi xin lại, nhiều thứ đã nát. Bà "xử lý" ký ức đó thành sách, cho bạn bè cùng nhớ ông.

“Phần lớn bản thảo anh để lại đã hỏng nhiều, rất khó đọc, giấy mủn, mực mờ. Tôi phải gõ lại từng chữ, sau khi chụp để lưu. Trong các bài viết, anh nhắc đến nhiều người cùng thế hệ, có người đã già, lẫn, nhiều người đã mất. Nói đến người khác ở dạng nhật ký, mình đọc sao cũng được, nhưng in thành sách phải có nhân chứng, ít nhất 1, 2 người chứng kiến. Tôi phải làm gấp tập sách khi bạn bè anh còn sống, hoặc ít nhất cũng có vợ, con, cháu... của họ chứng kiến.

Anh Hồng Đăng sống nhẹ nhàng, vui vẻ, chuyện nặng hóa nhẹ, chuyện nhẹ thành không, nên rất đông bạn. Nhưng anh viết rất quyết liệt, rành mạch, không xuề xoà, đãi bôi, rất có thể sẽ đụng chạm (và thực tế đã có những vụ va chạm cực kỳ gay gắt, quyết liệt như Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam). Vì vậy, Chân trời gọi nắng càng cần sự xác thực của các nhân chứng cùng thế hệ”.

Nhạc sĩ Đức Trịnh. 

Theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Đức Trịnh, nhạc sĩ Hồng Đăng đã đi xa 1 năm nhưng lời ca, tiếng nhạc trong những bài hát quen thuộc vẫn mãi ngân nga trong lòng người hâm mộ.

"Nhạc sĩ Hồng Đăng đã hoà vào muôn con sóng của biển xanh, của biển đời, tiếp tục vỗ mãi đến những chân trời gọi nắng. Những đóng góp của ông cho nền âm nhạc là điều không còn phải bàn cãi và được ghi nhận bằng những sản phẩm để lại. Không mạnh mẽ, hùng hồn, nhạc Hồng Đăng man mác, lắng đọng", nhạc sĩ Đức Trịnh bày tỏ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. 

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự ngưỡng mộ, thành kính trong ngày giỗ đầu của nhạc sĩ Hồng Đăng: "Hôm nay là một ngày đặc biệt, trên chính con đường Nguyễn Du huyền thoại gắn liền với 'hoa sữa' cũng như nhạc sĩ Hồng Đăng, tôi đã đọc, nghe những ca từ của nhạc sĩ Hồng Đăng, mọi thứ đều đồng điệu với dòng chảy cuộc sống. Âm nhạc, giai điệu và ca từ của Hồng Đăng đã trú ngụ, thuyết phục những người yêu nghệ thuật".

Ca sĩ Đào Tố Loan hát tại buổi ra mắt sách:

Nhạc sĩ Hồng Đăng tên đầy đủ là Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại Yên Thành, Nghệ An, qua đời ngày 21/3/2022. 

Ông sở hữu gia tài hơn 700 tác phẩm thanh nhạc, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng 5, Lênh đênh, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Mưa bụi, Ký ức đêm... Ông cũng là tác giả của hơn 70 tác phẩm cho điện ảnh và nhiều tác phẩm hợp xướng, thanh xướng kịch, kịch hát, nhạc không lời xuất sắc. 

Ông đã nhận nhiều Giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (năm 2001); Giải thưởng Lớn – Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” (năm 2021); Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (năm 2022)…

Ảnh: Hoà Nguyễn