Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

22/01/2023

Phong trào tạo linh vật vào dịp Tết Nguyên Đán ở Việt Nam - ấn tượng từ năm Mão 2023

Đầu thế kỉ 21 ở Việt Nam, dần dần xuât hiện phong trào tạo linh vật vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Đã qua nhiều năm, nhưng ấn tượng nhất là bắt đầu vào năm Quỹ Mão 2023.

Hiện thực ở các địa phương làm linh vật vào dịp đầu năm 2023 cho cảm nhận như vậy.

Hiện thực ở các địa phương cũng vô tình làm nổi rõ cuộc tranh luận năm Mão là "năm Mèo" (Việt Nam) và cũng là "năm Thỏ" (Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Đài Loan). Có thể thấy mạch vấn đề này trên Giao Blog, ở đâyở đây.

Năm Mão gắn với Mèo đã cho thấy sự độc đáo của Việt Nam trong thế giới Đông Á. Chỉ có Việt Nam trong các nước Đông Á thì mới dùng hình ảnh Mèo để diễn tả chi Mão. Đại khái vậy. 

Ở đây là hiện thực từ các địa phương tại Việt Nam (các địa phương tạo linh vật) và các cơ quan quốc gia - quốc tế (các bộ tem hay văn hóa phẩm được các quốc gia hay các cơ quan quốc tế phát hành).

Chỉ thuần túy là sưu tầm tư liệu. Tư liệu được cập nhật và bổ sung dần dần, mà mở đầu là Mèo ở tỉnh Quảng Trị được thế giới mạng Việt Nam quan tâm từ nhiều ngày qua.

Tháng 1 năm 2023,

Giao Blog





---

Khen thưởng nghệ nhân tạo hình linh vật 'hoa hậu mèo' ở Quảng Trị

TPO - Nghệ nhân trẻ Đinh Văn Tâm, 32 tuổi, ở thôn An Trung Đồng, xã Triệu Độ - người tạo nên linh vật mèo duyên dáng ở Quảng Trị, được huyện Triệu Phong và tỉnh Quảng Trị khen thưởng.

Chiều 27/1, tại Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong tổ chức khen thưởng nghệ nhân trẻ Đinh Văn Tâm.

Khen thưởng nghệ nhân tạo hình linh vật 'hoa hậu mèo' ở Quảng Trị ảnh 1

Ông Hà Sỹ Đồng-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (phải) tặng Bằng khen nghệ nhân trẻ Đinh Văn Tâm.

Anh Tâm nhận được giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng số tiền 20 triệu đồng vì có nhiều thành tích trong thực hiện các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Quý Mão năm 2023.

Khen thưởng nghệ nhân tạo hình linh vật 'hoa hậu mèo' ở Quảng Trị ảnh 2

Linh vật mèo của nghệ nhân trẻ Đinh Văn Tâm đặt tại Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong

Trước đó, từ đề nghị của UBND thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong), nghệ nhân trẻ Đinh Văn Tâm nhận làm tượng linh vật mèo với giá 31 triệu đồng.

Là người con của quê hương Triệu Phong, mong muốn linh vật mèo đẹp hơn, anh Tâm không tính toán chuyện lời lãi, mà bỏ tiền túi mua thêm vật liệu để tạo hình linh vật cho đẹp. Hơn 1 tuần làm ngày làm đêm, linh vật mèo hoàn thiện với chiều cao 3,1 mét, rộng 2,2 mét và dài 2,8 mét được hoàn thiện. Bên trong linh vật là xốp, bên ngoài là thạch cao.

Về ngoại hình, linh vật mèo khá giống với mèo mướp. Khi được trưng bày ở Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, trước và trong dịp Tết Nguyên đán, linh vật mèo đã thu hút hàng vạn lượt người đến thưởng lãm. Linh vật mèo này cũng "gây sốt" mạng xã hội, được nhiều người gọi là “hoa hậu mèo”.

Nghệ nhân Đinh Văn Tâm có 15 năm làm nghề điêu khắc. Không qua trường lớp, Tâm vừa làm, vừa học, khi tay nghề cứng thì cùng một số cộng sự đi khắp đây đó nhận các công trình để làm.

Khen thưởng nghệ nhân tạo hình linh vật 'hoa hậu mèo' ở Quảng Trị ảnh 3

Nghệ nhân trẻ Đinh Văn Tâm tạo hình linh vật mèo.

Năm 2022, Tâm nhận làm linh vật đầu tay, là chú hổ đặt ở công viên Lê Duẩn do UBND thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) đề nghị. Không ngờ, linh vật hổ do nghệ nhân Tâm làm nổi tiếng cả nước, được rất nhiều người đến chụp ảnh kỷ niệm.


Hữu Thành

https://tienphong.vn/khen-thuong-nghe-nhan-tao-hinh-linh-vat-hoa-hau-meo-o-quang-tri-post1505658.tpo



15/01/2023 16:43 GMT+7


Quốc Nam

Linh vật mèo duyên dáng nhất xuân Quý Mão đã được "trình làng" tại Quảng Trị.

Quảng Trị trình làng linh vật mèo duyên dáng nhất xuân Quý Mão - Ảnh 1.

Chú mèo duyên dáng tại Quảng Trị với đôi mắt long lanh - Ảnh: Q.NAM

Ngày 15-1, UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) xác nhận các đơn vị chuyên môn đã đưa bức tượng linh vật mèo ra "trình làng" tại quảng trường thị trấn Ái Tử thuộc huyện này, để chào đón xuân Quý Mão 2023.

Đây được nhiều người đánh giá là linh vật mèo duyên dáng nhất xuân Quý Mão đến thời điểm hiện tại trên cả nước.

Theo đó, linh vật mèo tại thị trấn Ái Tử cao hơn 3m, rộng 2,2m, dài 2,8m và sử dụng vật liệu bên trong là xốp, bên ngoài là thạch cao. Tượng linh vật mèo này được chế tác bởi nghệ nhân Đinh Văn Tâm (trú xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong).

Quảng Trị trình làng linh vật mèo duyên dáng nhất xuân Quý Mão - Ảnh 2.

Sau khi được đưa ra quảng trường thị trấn Ái Tử, tượng linh vật mèo được nhóm nghệ nhân hoàn thiện những bước cuối cùng trước khi đón xuân - Ảnh: Q.NAM

Về ngoại hình của bức tượng, nhóm của anh Tâm làm theo ý tưởng của UBND thị trấn Ái Tử. Để hoàn thiện bức tượng linh vật mèo, anh cùng một số công nhân mất 10 ngày vừa nhận vật liệu vừa hoàn thiện. 

Tượng linh vật mèo của huyện Triệu Phong được thổi hồn thành một linh vật mèo duyên dáng nên khi hình ảnh đầu tiên của bức tượng mèo này "rò rỉ" trên mạng xã hội, nhiều người gắn luôn biệt danh "hoa hậu mèo".

Theo UBND huyện Triệu Phong, kinh phí để tạo hình linh vật mèo này là 31 triệu đồng.

https://tuoitre.vn/quang-tri-trinh-lang-linh-vat-meo-duyen-dang-nhat-xuan-quy-mao-20230115161721812.htm





13/01/2023 16:19 GMT+7

Ngọc Phượng

Chào đón năm mới, nhiều tạo hình linh vật mèo mừng xuân Quý Mão cũng được dịp ‘ra mắt’ trước công chúng với nhiều tạo hình và sắc thái khác nhau.

Khắp nơi tạo hình linh vật mèo chào xuân Quý Mão - Ảnh 1.

Bạn trẻ thích thú tạo dáng với những chú mèo dễ thương tại trung tâm thương mại Takashimaya, quận 1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2023, khắp các nẻo đường của cả nước đang đón chào xuân Quý Mão với những diện mạo mới của các tạo hình linh vật mèo. 

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại khu vực trung tâm TP.HCM, nhiều tạo hình linh vật mèo thần tài, gia đình mèo với nét dễ thương được trang trí bắt mắt cùng màu vàng chủ đạo, mang nhiều ý nghĩa tài lộc, sum vầy.

Linh vật mèo tại đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) đang được công nhân gấp rút hoàn thành để sẵn sàng đón chào người tham quan. 

Bạn Ngọc Ánh (quận 10, TP.HCM) chia sẻ: "Mấy hôm nay thời tiết dễ chịu nên mình hay đi dạo khu trung tâm để xem nơi đây thay đổi như thế nào. Mình thấy nhiều hoa, trang trí tiểu cảnh ở một số nơi nên nhìn màu sắc hơn. Riêng về mèo thì mình thích những chú mèo dễ thương hơn, nhìn nó đáng yêu".

Còn tại thủ đô Hà Nội, người dân thích thú với tạo hình mèo vàng có kích thước lớn được đặt ở công viên Thống Nhất.

Ngoài ra, các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bạc Liêu… cũng có nhiều tạo hình mèo thú vị chào mùa xuân mới. 

Khắp nơi tạo hình linh vật mèo chào xuân Quý Mão - Ảnh 2.

Linh vật mèo vàng chào đón xuân Quý Mão 2023 được đặt ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) có hình dạng một chú mèo thật - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Khắp nơi tạo hình linh vật mèo chào xuân Quý Mão - Ảnh 3.

Mèo vàng thần tài mang nhiều ý nghĩa tài lộc trong năm 2023 trên đường Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Khắp nơi tạo hình linh vật mèo chào xuân Quý Mão - Ảnh 4.

Linh vật mèo tại đường hoa Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM đang được thi công - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Khắp nơi tạo hình linh vật mèo chào xuân Quý Mão - Ảnh 5.

Gia đình mèo hân hoan đón xuân tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Ảnh: TRUNG TÂN

Khắp nơi tạo hình linh vật mèo chào xuân Quý Mão - Ảnh 6.

Một biểu tượng mèo chào xuân tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đang được lắp đặt, trang trí - Ảnh: TRUNG TÂN

Khắp nơi tạo hình linh vật mèo chào xuân Quý Mão - Ảnh 7.

Bùng binh cầu Ông Đạo (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) tươi vui với cặp đôi mèo hát và đánh đàn piano - Ảnh: MAI VINH

Khắp nơi tạo hình linh vật mèo chào xuân Quý Mão - Ảnh 8.

Mèo dễ thương đặt tại quảng trường Hùng Vương (TP Bạc Liêu) hứa hẹn là nơi check-in lý tưởng cho du khách dịp Tết Nguyên đán năm nay - Ảnh: CHÍ QUỐC

Khắp nơi tạo hình linh vật mèo chào xuân Quý Mão - Ảnh 9.

Hình ảnh linh vật mèo được nhân cách hóa đặt tại công viên đường Điện Biên Phủ, phường 3, tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Khắp nơi tạo hình linh vật mèo chào xuân Quý Mão - Ảnh 10.

Gia đình mèo được đặt tại đầu đường Nguyễn Tất Thành - đường vào trung tâm hành chính tỉnh Bạc Liêu, tượng trưng cho một năm sum vầy, hạnh phúc. Nhiều người dân ở Bạc Liêu chia sẻ mèo có đôi mắt rất sáng, hứa hẹn một năm mới khởi sắc, rực rỡ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Khắp nơi tạo hình linh vật mèo chào xuân Quý Mão - Ảnh 11.

Những linh vật mèo 2023 được thiết kế tại Vườn hoa xuân Cần Thơ 2023. Với những phối cảnh mèo tài lộc, mèo bên suối hoa, mèo trong trang phục du xuân… Theo Sở VH-TT&DL Cần Thơ, tất cả linh vật mèo được bố trí tại vườn hoa xuân năm nay có thiết kế, tạo hình dựa trên hình ảnh cách điệu, vui tươi, tràn đầy sức sống mừng xuân mới - Ảnh: T.LŨY

Linh vật mèo cưỡi cá chép, mèo nghinh xuân ngộ nghĩnhLinh vật mèo cưỡi cá chép, mèo nghinh xuân ngộ nghĩnh

Linh vật mèo nghinh xuân, mèo đoàn viên, mèo cưỡi cá chép câu tài lộc… hấp dẫn người du xuân thưởng Tết Quý Mão tại đường hoa ở TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).

https://tuoitre.vn/khap-noi-tao-hinh-linh-vat-meo-chao-xuan-quy-mao-20230113154117376.htm

---





---

BỔ SUNG



4.

CHI CHI | 

Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đang chờ đón năm con mèo - Quý Mão 2023.

Tết Nguyên Đán là thời điểm để tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới đối với một phần tư dân số thế giới từ các quốc gia khác nhau, nền văn hóa khác nhau. Hiện nay, các quốc gia châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Mông Cổ,... coi Tết Nguyên Đán là dịp Tết lớn để thực hiện hàng loạt hoạt động, nghi thức chào đón năm mới.

Tết Nguyên Đán đón năm mới theo Âm lịch, tức lịch mặt trăng. Tập tục này có thể bắt nguồn từ thời Vua Nghiêu tại Trung Quốc, tầm năm 2255 trước Công nguyên, sau đó lan truyền ra các nước châu Á khác. Mặc dù các nền văn hóa khác nhau có cùng một ngày đầu năm mới, nhưng mỗi quốc gia lại đánh dấu dịp này rất khác nhau với các tập tục truyền thống đặc biệt.

Vì sao mèo lại thay thế thỏ trong danh sách 12 con giáp ở Việt Nam?

Theo mười hai con giáp trong văn hóa Việt Nam, năm 2023 là năm Quý Mão, tức năm con mèo chứ không phải năm con thỏ như tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,... Việt Nam là nước duy nhất dùng con mèo làm con vật đại diện cho con giáp thứ 4, thay vì con thỏ. Vậy tại sao lại có sự khác biệt này?

Truyền thuyết cổ xưa kể rằng tất cả các loài động vật được mời tham gia một cuộc đua qua sông để xác định thứ tự của các con giáp. Con chuột đã lừa được mèo trong cuộc thi này nên mèo không thể về đích.

Vì sao ở Việt Nam con giáp thứ 4 lại là mèo chứ không phải thỏ như tất cả các nước châu Á đón Tết Âm lịch còn lại?  - Ảnh 1.

Chỉ có Việt Nam dùng con mèo làm con vật đại diện con thứ 4 trong 12 con giáp

Tuy nhiên, truyền thuyết Việt Nam có một chút khác biệt. Dù bị lừa nhưng mèo vẫn tìm được đường qua sông, thay thỏ xuất hiện trong 12 con giáp.

Tuy nhiên, lý do thực sự vì sao Việt Nam lại chọn mèo chứ không chọn thỏ là không thể kiểm chứng. Có một giả thuyết cho rằng khi các con giáp của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam đã gây ra một số nhầm lẫn do cách phát âm từ "thỏ" trong tiếng Việt khi ấy gần giống với từ "mèo", khiến con mèo trở thành một trong 12 con giáp.

Một giả thuyết khác lại giải thích rằng ở Việt Nam, nơi có khí hậu nóng, chuột là một loại dịch hại nghiêm trọng gây phiền hà cho nông dân. Vì mèo là kẻ thù “không đội trời chung” của chuột nên nông dân Việt Nam tin rằng mèo có thể mang lại mùa màng bội thu và mưa thuận gió hòa. Thế nên người xưa đã thay thế con thỏ bằng con mèo để thể hiện mong muốn này.

Vì sao ở Việt Nam con giáp thứ 4 lại là mèo chứ không phải thỏ như tất cả các nước châu Á đón Tết Âm lịch còn lại?  - Ảnh 2.

Phần còn lại của thế giới đang chào đón năm con thỏ

Sự tích ra đời của 12 con giáp

Vì đã xuất hiện quá lâu nên người hiện đại không thể biết chính xác lý do vì sao 12 con giáp lại ra đời, đại diện cho các năm âm lịch một cách liên tục.

Truyền thuyết 12 con giáp đến nay vẫn được lưu truyền rộng rãi tại nhiều nước châu Á đều có nội dung kể lại rằng Ngọc Hoàng là người đã đặt tên cho tất cả các con vật trên thế gian này. Ngài muốn lựa chọn những loài vật xứng đáng nhất để gọi tên chúng cho các năm, mỗi một năm sẽ có một con vật ngự trị để thay Ngọc Hoàng cai quản hạ giới.

Vì sao ở Việt Nam con giáp thứ 4 lại là mèo chứ không phải thỏ như tất cả các nước châu Á đón Tết Âm lịch còn lại?  - Ảnh 3.

12 con giáp là nét văn hóa đặc sắc và quan trọng được lưu giữ qua hàng ngàn năm

Để có thể chọn 12 loài vật trong hàng ngàn loài, Ngọc Hoàng đã tổ chức cuộc thi. Chỉ cần đến được thiên đình trước, con vật đó sẽ được chọn trước. Chú chuột nhỏ bé lại là người chiến thắng cuộc đua của muôn loài này. Loài thỏ tuy nổi tiếng nhanh nhẹn cũng chỉ cán đích ở vị trí thứ 4 do gặp khó khăn khi băng qua sông trên đường đi. Dù lý do sinh ra 12 con giáp là gì thì nó cũng đã trở thành một nét văn hóa quan trọng của nhiều quốc gia trên châu Á, được gìn giữ và phát triển rực rỡ cho đến ngày nay.

Nguồn: sbs.com.au

https://soha.vn/vi-sao-o-viet-nam-con-giap-thu-4-lai-la-meo-chu-khong-phai-tho-nhu-tat-ca-cac-nuoc-chau-a-don-tet-am-lich-con-lai-2023012106381985rf20230122084829852.htm



3.



Chùa Mèo hay còn gọi là Miêu thiền tự - di tích lịch sử văn hóa xây dựng từ thế kỷ 13, tọa lạc tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến (Lang Chánh - Thanh Hoá). Ngôi chùa này gắn với sự tích “Miêu thần” cứu anh hùng Lê Lợi trước sự truy bắt gắt gao của giặc Minh.

Mèo thần cứu Lê Lợi

Lễ hội chính của chùa Mèo được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm. Chùa Mèo cũng là địa điểm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của bà con các dân tộc huyện Lang Chánh. Cùng với thác Ma Hao, di tích chùa Mèo thành điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách khi đến miền núi xứ Thanh.

Theo các nguồn sử liệu, chùa Mèo được hình thành từ thời nhà Trần. Lúc bấy giờ chùa có tên là chùa Chu, do công chúa nhà Trần là Chu Huyền cùng với nhà Lang Mường Chếnh xây dựng. Trong khi xây dựng chùa và khai khẩn đất hoang, bà con nơi đây đã đào được một pho tượng đá gọi là bụt.

Chùa có địa thế chuẩn mực theo thuyết phong thủy xưa. Có tả Thanh Long là dãy núi Pù Bằng, hữu Bạch Hổ là dãy núi Pù Rinh, trước mặt là dòng sông Âm chảy qua. Thế đất đẹp nên đã sinh ra ngôi chùa đẹp nức tiếng trong vùng “nhất Hương, nhì Hà, ba Chu” - ý nói nhất chùa Hương, nhì chùa Hà, ba là chùa Chu.

Tương truyền vào năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, một lần cùng nghĩa quân lánh nạn đi qua chùa Chu, thấy trong chùa chỉ còn lại một con mèo, ông đã sai nghĩa quân bắt theo con mèo cùng đi lánh nạn.

Cũng có tích kể rằng, khi giặc Minh xua quân và chó săn tới vây chùa Chu - ngay chỗ Lê Lợi đang ẩn nấp. Chỉ trong gang tấc là thủ lĩnh Lam Sơn bị phát hiện rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Lúc này bỗng dưng có một con mèo từ đâu lao ra, lũ chó săn và quân giặc lùa theo con mèo, Lê Lợi được giải nguy.

Tích xưa cũng kể rằng, đó là một “Miêu thần”, đã ngự ở chùa từ khi công chúa nhà Trần hưng công dựng thiền tự. “Miêu thần” trấn giữ tại ngôi chùa, vừa để bảo vệ vừa để chờ vị “chúa chủ” của núi rừng. Đến khi Lê Lợi xuất hiện, gặp tình thế nguy hiểm thì “Miêu thần” tự xuất hiện để cứu chúa thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù.

Vùng chùa Mèo có nhiều địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến chống giặc Minh của anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn như: Núi Chí Linh (dãy Pù Rinh) nơi 3 lần nghĩa quân Lam Sơn rút lui để củng cố, xây dựng lực lượng (hiện nay vẫn còn bia đá ghi lại). Hang Láu, thác Húng, núi đá, hòn bi - nơi xảy ra các trận tây kích của nghĩa quân Lam Sơn.

Sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua và với nỗi nhớ vùng quê, nơi có địa danh chùa Chu độ trì cho sự nghiệp chống giặc toàn thắng. Vua Lê đã sắc chỉ cho quan Lê Khả vào Mường Chanh đốc thúc thổ Lang cùng bà con nơi đây tu sửa, nâng cấp chùa Chu đổi tên thành chùa Mèo - gắn liền với đồi Mèo, với sự tích “Miêu thần”.

Hang Láu gắn liền với truyền thuyết về Lê Lợi: “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, suối Vớ là nơi Nguyễn Trãi thả lá có chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”… Ngoài ra còn có nhiều địa danh ghi lại dấu tích và góp phần cùng vua và nghĩa quân an nghỉ, luyện rèn, ẩn náu chống giặc Minh toàn thắng. Đó là ghế đá vua Lê thường ngồi thưởng ngoạn, tảng đá mài gươm của nghĩa quân Lam Sơn.

Thác chó ngáp

Sự tích chùa Mèo và chuyện Miêu thần cứu chúa - Ảnh 3.

Thác Ma Hao gắn với sự tích “chó ngáp” cứu nghĩa quân Lam Sơn.

Gần với chùa Mèo là thác Ma Hao cũng gắn liền với nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến chống giặc Minh. Những người cao tuổi ở xã Trí Nang kể rằng: Vào thế kỷ 15, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh. Lê Lợi và đoàn quân của ông bị giặc Minh bủa vây phải rút quân lên núi Chí Linh (Pù Rinh) để củng cố lực lượng.

Quân giặc truy sát ráo riết. Lê Lợi cùng quân lính mang theo một con chó chạy từ đỉnh núi Pù Rinh xuống, người và vật đã kiệt sức vì mệt thì gặp một thác cao chảy xiết. Vì quân giặc đuổi sát phía sau nên Lê Lợi và quân lính phải mạo hiểm đầm mình vượt thác qua bờ bên kia.

Còn con chó do sức đã kiệt mà suối lại rộng không thể theo được chỉ đứng ngáp. Khi quân giặc đuổi đến, con chó liền quay lại cắn xé đàn chó của giặc rồi nhảy xuống dòng nước mà chết, đủ thời gian cho nghĩa quân Lam Sơn trốn kịp.

Khi quân giặc rút đi, Lê Lợi sai quân lính tìm xác con chó quý của mình và truyền lệnh chôn cất nó tử tế. Từ đó, thác có tên theo tiếng người Thái là Má Háo, đọc chệch đi là Ma Hao - tức là chó ngáp.

Thác bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh có độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, có diện tích trên 178ha bao gồm thác nước, suối và rừng. Các dòng suối nhỏ chảy dọc theo những cánh rừng già hợp thành dòng suối lớn đổ xuống tạo thành thác lớn.

Dưới chân thác là những khối đá lớn được bào mòn theo thời gian tạo nên nhiều hình thù kỳ thú, chỗ thì tạo hình tượng như là đàn voi đang quỳ xuống núi, nơi thì các hòn đá chồng xếp lên nhau thành hình trống mái, chỗ thì các hòn đá như những quả trứng khổng lồ đủ mọi kích thước.

Cho đến nay, thác Ma Hao vẫn còn rất nguyên sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp vào nên đem lại cho những người đến thưởng lãm cảm giác hòa cùng rừng núi nước non, và còn nghe những câu chuyện mang âm hưởng hào khí năm xưa.

Danh tích ghi ơn

Vào cuối xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14, triều Lê (1718), đông đảo bà con và nhiều bản hội xứ Thanh đã cùng nhau tổ chức hưng công nhiều tiền của đúc chuông đồng lớn cung tiến, dâng lên chùa Mèo.

Chùa Mèo được xây cất theo kiểu Tam quan và lợp bằng ngói mũi. Có chiếc chuông ghi hẳn tên chùa vào phần vai chuông bằng 8 chữ Đại tự: “Chú tạo Miêu đỉnh thiền tự Hồng chung” (Ghi chép về việc làm chuông chùa Mèo). Niên đại đúc chuông cũng được khắc rõ ràng là vào ngày Tết cuối xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (năm 1718).

Sự tích chùa Mèo và chuyện Miêu thần cứu chúa - Ảnh 4.

Chuông chùa Mèo.

Chuông chùa Mèo thuộc loại lớn, được đúc khá sắc nét và mang nét nghệ thuật của thời Lê trung hưng. Thân chính trụ tròn, cao 1,09m, đường kính miệng chuông 0,5m, chu vi 1,49m. Quai chuông với đôi rồng đấu đuôi vào nhau tạo nên dáng cong tròn.

Đỉnh quai chuông có hình nậm rượu chia thành nhiều múi nối dọc xuống thân. Thân rồng mập, đầu ngẩng cao, mắt tròn, mũi to, miệng há rộng và ngậm viên ngọc. Toàn thân rồng phủ vảy kép, vây ở lưng hình ngọn lửa uốn theo hình quai chuông.

Thân chuông được chia thành bốn ô và trang trí nhiều hoa văn đặc sắc. Chuông có 6 núm để gõ, hoa văn sắc nét và chính xác như một dấu ấn di sản nghệ thuật thời Lê. Bốn ô của chuông ghi bài minh nói về chùa, về giá trị tâm linh của chuông, đồng thời ghi tên người công đức và niên đại của chuông.

Bài minh chuông chùa Mèo có đoạn ghi: “Âm vang của tiếng chuông có thể nói vào hàng đầu, vì nó có thể thức tỉnh được những cơn mê của đông đảo chúng sinh. Tiếng chuông có thể phát huy được ý niệm lương thiện của con người, do đó từ xa xưa người ta đã dùng tiếng chuông đồng làm công cụ trợ giúp cho những lời giáo hóa của các bậc thánh nhân”.

Những dòng chữ khắc ghi trên 4 mảng thân chuông còn là minh chứng về dấu ấn Lê Lợi nơi đây. Trong sách “Lam Sơn thực lục” viết năm 1431, vị anh hùng dân tộc Lê Lợi đã xưng danh là “Chúa động Lam Sơn đề tựa”, kêu gọi tập hợp sự đoàn kết các dân tộc vùng núi xứ Thanh cùng khởi nghĩa. Những lúc khó khăn, hoạn nạn, Lê Lợi dựa vào sự ủng hộ của các dân tộc ở châu Lang Chánh xưa giúp đỡ để kháng chiến chống quân Minh.

Đến giai đoạn lịch sử chống giặc nhà Thanh, anh hùng Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đã dừng chân và vào chùa Mèo dâng hương cầu khấn cho cuộc kháng chiến chống giặc Thanh thắng lợi.

Linh ứng đã đến với nghĩa quân, cuộc kháng chiến đại phá quân Thanh toàn thắng. Quang Trung Nguyễn Huệ sau đó có chiếu chỉ cho thổ ty Lang Mường một lần nữa trùng tu, nâng cấp chùa Mèo và khắc tự, ghi danh nghĩa quân tại chùa Mèo.

https://soha.vn/su-tich-chua-meo-va-chuyen-mieu-than-cuu-chua-20230122084829852.htm?fbclid=IwAR1ijV2jjcd1MJ14LXI5RS_LcbggM2H9Quq7B2BlbP9GfQcwp-cI617fI80



2. Ngày 17/1/2023

Nhân dịp mọi người trở lại sau gần một tháng nghỉ năm mới theo dương lịch, anh em trong hội sinh viên ngỏ ý muốn xài quỹ để tổ chức tiệc khai xuân, tiện thể mừng Tết Nguyên Đán sắp đến luôn.
- "Ê làm party mừng Tết Trung Quốc (Chinese New Year) đi chúng mày ơi". Mấy đứa hò hưởng ứng trong nhóm chat.
- "Tết Âm lịch (Lunar New Year) chứ". Mình hẵng giọng. "Trung trung cái shit, bọn mày tính mời mỗi sinh viên TQ à? Phân biệt chủng tộc thế."
Hội Tàu cũng hơi khó chịu nhưng không bắt bẻ được cái lý do mình đưa ra là bên Hàn, Nhật và nhiều nước khác cũng có tết Âm. Chuyện tưởng chừng đã an bài rồi, không có gì để bàn thêm cho tới bản poster đầu tiên được đưa lên.
- "Ủa năm con Mèo mà?" Mình bảo.
- Con Thỏ.
- Thỏ mà.
- Là thỏ cute.
- Thỏ nhé.
"Không, ở TQ thì là Thỏ nhưng một số nước khác là Mèo". Mình phản biện lại.
"Đù má, có mỗi ở Việt Nam là mèo thôi, còn lại là Thỏ hết, cả Hàn lẫn Nhật luôn". Mấy anh bạn Tàu không nhịn được nữa đắc ý cãi lại cho hả giận cái vụ mình bác tên Tết TQ.
Mình bình tĩnh cười đáp lại. "Thôi thế này nhé các đồng chí, để tránh mất đoàn kết, chúng ta sẽ chọn Pikachu làm đại diện Tết năm nay. Vừa có tính mèo mà lại rất thỏ, nghe ổn chứ?". Mình vỗ vai mấy anh bạn coi như đồng ý.
Có mấy đứa tính ý kiến ý cò thêm nhưng thủ quỹ ra hiệu thôi không cãi nữa.
- "Tại sao vô lý thế?" Lính mới ở đại lục hỏi.
- "Vì nó là người Việt Nam chứ sao nữa". Thủ quỹ người Hoa ở Malaysia đáp.
Chà, ý tưởng quẩy tương đối ổn đấy các đồng râm, nếu mà bình thường cứ tổ chức Tết Tàu với Thỏ không sao cả. Nhưng xin lỗi, tiếc là tôi đang đương nhiệm vị trí chủ tịch. Hoặc không tiệc gì hoặc tiệc đón Tết Pikachu. Vậy cho vuông keke!
Pikachu muôn năm

https://www.facebook.com/solarlight.dark/posts/pfbid0rHmk3S627yNymAag4KreXqxMXZ7iJ2ZoADQqxpW1yoQYWXX2yiuoRFV6F6195WZYl?comment_id=555698916475540&notif_id=1674133620047819&notif_t=comment_mention&ref=notif



1. 13/1/2023, Fb Nguyễn Bá Dũng










https://www.facebook.com/photo?fbid=10219010616930026&set=a.10202263827430755

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.