Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/01/2023

Câu chuyện phong tục tập quán : việc cúng bằng gà mái (nhân câu hỏi của Ngô Bảo Châu)

Trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, học giả Ngô Bảo Châu đưa hai câu hỏi sau trên Fb của anh, mà một câu có liên quan đến việc cúng bằng gà mái.

Bác Châu vốn chơi Fb từ lâu. Rồi một dạo, bác ấy bỏ ngang Fb, không hoạt động gì nữa. Thiên hạ bàn tán là bác ấy đã bỏ chơi Fb để tránh phiền toái không đáng có. Thế rồi, bẵng đi, bác lại trở lại. Không rõ là bác trở lại từ khi nào, nhưng năm 2019 thì tôi có điểm tin một chút ở đây.

Vừa rồi, tháng 1 năm 2023, nguyên văn, bác Châu viết:

"Chau Ngo 

1. Lãnh đạo nữ có thể lên TV chúc tết đồng bào được không?
2. Gà mái có thể đặt lên bàn thờ thắp hương cúng cụ được không?

"

(https://www.facebook.com/ngobaochau.2/posts/pfbid0232ANPNt2FwPUdetXt84hzLNB3G4p8TcufKZWiqKQLeQjXq87nWApeyahdPr3T8bwl)



1. Thiên hạ bàn luận nhiều về các câu hỏi do bác Châu đưa ra, nhất là câu 1. Người thì khen, kẻ thì chê.

2. Tôi thì thú vị với câu hỏi thứ 2 của bác Châu. Bác hỏi nhưng tựa như chỉ đề khẳng định rằng: người ta chỉ thắp hương cúng cụ bằng gà trống mà thôi ! Gà mái không được đưa lên bàn thờ mà thắp hương cúng cụ. Đại khái, bác hướng đến suy nghĩ: vậy thì có bình đẳng giới hay không ?

Tôi tạm bỏ ý bình đẳng giới sang một bên đã. Ở đây, chỉ nói về phong tục tập quán. Thì thế này, tục cúng bằng gà mái, thật ra không hiếm ở Việt Nam. Bác Châu không có chuyên môn liên quan đến phong tục tập quán, nên nhiều khi, với suy nghĩ của nhà toán học rất dễ bị nhầm. Bác tưởng gà mái thì không lên bàn thờ cúng cụ được, thì là do bác không biết mà thôi. Hệt như lần trước, năm 2019, bác lơ mơ về sử, nên vẫn với kiểu lô-gich toán học mà phán ngành xuất bản ở Việt Nam hiện nay phạm điều cấm kị "phân biệt chủng tộc" (đọc lại ở đây).

3. Về cái tục cúng bằng gà mái ở người Kinh, tôi còn đang viết dở một bài. Mà dữ liệu thì tôi đã bắt đầu làm từ năm 1997 rồi. Có nghĩa là, từ 25 năm trước, tôi đã phát hiện và bắt đầu sưu tập về tục cúng bằng gà mái (xem cụ thể ở đây). Bao giờ bài này xong và cho công bố rồi, tôi sẽ giới thiệu trên Giao Blog như mọi khi.

Chữ viết tay năm 1997 của chủ nhân Giao Blog
(chụp vào đầu tháng 8 năm 2022, tại các thôn thuộc xã Thanh Tước - Mê Linh - Hà Nội)

Có những bài viết của khoa học xã hội được viết không liên tục trong nhiều chục năm như vậy.

4. Ngoài người Kinh, ở Việt Nam, còn thấy ở các tộc người thiểu số cũng có tục cúng gà mái. Tiêu biểu là người Lô Lô - tức người Di theo cách gọi của Trung Quốc.

Người Lô Lô là người đang sở hữu và cũng đang sử dụng trống đồng trong cuộc sống thường nhật (xem lại ở đây).

Đưa một ít bài có tính tham khảo ở bên dưới (sẽ cập nhật dần).

Tháng 1 năm 2023,

Giao Blog




---

TƯ LIỆU


2. Ngày 27/1/2023

Một bạn trên Fb

"

6 giờ 

“Một vài thắc mắc về chủ đề bình đẳng giới:
1. Lãnh đạo nữ có thể lên TV chúc tết đồng bào được không?
2. Gà mái có thể đặt lên bàn thờ thắp hương cúng cụ được không?”
Có thể nói đây là một câu hỏi dễ tạo sóng dư luận. Thực ra, tut của Chau Ngo thừa câu dẫn “Một vài thắc mắc về chủ đề bình đẳng giới.” Việc thờ cúng hay đọc thư chúc tết là các vấn đề của truyền thống, của văn hóa tâm linh, là thói quen, là thông lệ, chứ chả liên quan gì đến vấn đề Giới. Không phải ngẫu nhiên mà từ ngàn đời nay việc thờ cúng tổ tiên, nhất là cúng đêm giao thừa, người ta thường dùng gà trống hoa, chưa đạp mái để đặt lễ. Theo các truyện kể dân gian Việt, chỉ có gà trống là có khả năng đánh thức ông Mặt Trời thức dậy làm cho vạn vật tốt tươi, con người được ấm no hạnh phúc. Và cũng chỉ có con gà trống theo quan niệm các cụ mới mang đủ 5 đức Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín. Gà trống chưa đạp mái là hiện thân của sức khỏe, sự trong sáng, tinh khiết, lương thiện. Gà mái cũng có công sinh dưỡng (đẻ trứng, ấp, nuôi con) nhưng do không hội tụ những yếu tố trên nên chỉ để rang gừng, nấu phở, ủ muối ăn với lá chanh.
Với con người cũng thế. Theo truyền thống lâu nay, người phụ nữ thường làm những công việc có tính hướng nội (sinh đẻ, nội trợ, cơm dẻo canh ngọt), còn người đàn ông thì hướng ngoại (kiếm xiền, tậu trâu, làm nhà, làm công tác xã hội, ra trận oánh nhau…). Tất nhiên, trong lịch sử đã ghi nhận một số phụ nữ Việt giỏi giang trong việc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, nhưng số đó không nhiều. Đêm giao thừa năm nay, TBT Nguyễn Phú Trọng lên TV đọc thơ chúc tết đồng bào cả nước, theo Mõ cũng là bình thường. Vậy nhưng có một số người mỉa mai cho rằng TBT Nguyễn Phú Trọng “tiếm” quyền của Quyền CT nước VTAX, nào là vi phạm Hiến pháp, ông không đại diện cho toàn dân… Thực tế không hoàn toàn như vậy.
Mõ tra cứu nhưng vẫn chưa tìm ra văn bản nào qui định CT nước (trong hoàn cảnh đặc biệt thì Quyền CT nước) đọc thư chúc tết. Còn theo Hiến pháp 2013, từ điều 86 đến điều 93 có qui định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn của CT nước và Phó CT nước đối với việc ban hành các văn bản pháp luật, với các vấn đề an ninh quốc phòng, đối ngoại. Trong rất nhiều việc quan trọng đó, Hiến pháp không có qui định ai là người đọc thư chúc tết.
Như vậy là, việc CT nước đọc thư chúc tết vào đêm giao thừa lâu nay chỉ là một nếp sống, thành mặc định văn hóa xã hội. Thói quen này lâu ngày trở thành truyền thống, thành thông lệ. Mà những gì thuộc truyền thống, là thông lệ đều có thể thay đổi theo không gian, thời gian.
Chả biết mọi người thế nào, chứ ngày thường Mõ chiều chị em lắm. Chị em muốn ngồi lên bụng, lên cổ đều được. Nhưng vào thời khắc chuyển sang năm mới thì không thể chấp nhận. Nói dại, vào lúc bà Quyền CT nước đọc thư chúc tết mà bị hành kinh thì bỏ mẹ. Cả trăm triệu dân có mà dông cả năm. Hơn nữa, bà này cũng chả có công lao, thành tích gì đặc biệt mà lên TV phủ dụ dân chúng e rằng hơi chướng. Việc cái ông Phước gì đó đầu năm ngoái làm lễ Tịch điền cày bằng trâu cái chửa, cuối năm tèo vì con bướm già là hậu quả nhãn tiền. Thôi, cứ đàn ông có uy tín, có công lao với đất nước lên mở hàng năm mới cho lành.
(Hoa đào mấy độ)

"

https://www.facebook.com/quangvan.hoang.9/posts/pfbid037kAootFVwrjCFZG9yNG9fEdvFU5TkEY5bR8kKHD6UtmN9MhrTPiwqEGm3SQoy7jul


1.

Rực rỡ sắc xuân của đồng bào người Lô Lô nơi địa đầu Tổ quốc


21/2/2015 07:30 UTC+7

(Công lý) - Đêm đón giao thừa của đồng bào Lô Lô xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang là đêm nhộn nhịp nhất trong năm. Lúc này cả bản đều thức, các cụ bà cùng các cháu bé bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran.

Các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu. Thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách “lấy trộm” vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Mọi người đổ ra các ngả đường và tập trung nhau lại để chờ gà gáy sáng đó cũng là lúc khắp cả bản rực rỡ sắc xuân.

Rực rỡ sắc xuân của đồng bào người Lô Lô nơi địa đầu Tổ quốc

Làng Lô Lô nhìn từ trên đỉnh núi đẹp như một bức tranh

Phong tục đón xuân độc đáo

Ông Sình Dỉ Pai, 70 tuổi, một vị cao niên trong làng kể lại: “Lô Lô Chải (làng Lô Lô) từ bao đời nay luôn gìn giữ những nét phong tục, tập quán độc đáo gắn với đời sống tinh thần và sản xuất nông nghiệp từ ngàn đời nay. Từ hôm 28 - 29 tháng Chạp, mọi nhà đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ và đưa rác rưởi trong nhà ra các ngã ba, ngã tư đổ, với ý nghĩa tống khứ những rủi ro, uế tạp của năm cũ và chuẩn bị đón tài lộc năm mới”.

Rực rỡ sắc xuân của đồng bào người Lô Lô nơi địa đầu Tổ quốc

Thiếu nữ Lô Lô

Chiều 30 Tết, theo phong tục, người Lô Lô thường tổ chức bữa cơm sum họp của cả nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được gia chủ tổ chức cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em sum họp đầy đủ để đón mừng năm mới. Đàn ông, con trai cúng bằng gà mái, đàn bà, con gái cúng bằng gà trống”. Hôm đó là ngày “niêm phong” cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được “nghỉ Tết” và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác.

Đêm đón giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả bản đều thức. Các cụ bà cùng các cháu bé bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran. Các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu. Thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách “lấy trộm” vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Khắp nơi hương khói, trong nhà đèn sáng tỏ, ngoài đường thắp lên những ngọn đuốc sáng rực. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ gà gáy sáng.

Theo phong tục, người Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng heo kêu, chó sủa, ngựa hí vang làm ầm ĩ, náo nhiệt cả làng. Tết của người Lô Lô cũng là cuộc gặp gỡ những người trong nhà. Theo tập quán, dù ai đi bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì, hàng năm mỗi khi Tết đến đều mong muốn trở về sum họp gia đình và tạ ơn tổ tiên. Người Lô Lô có câu: “Sống nhớ về tổ tiên, mồ mả chứ không phải sống vì món ăn”, cho nên, ngoài quan niệm vật chất còn có phần tâm linh, đó là mồ mả, bát hương thờ cúng ông bà, cha mẹ.

Truyền thuyết rồng thiêng

Đến nay các cụ cao niên trong làng vẫn thường kể cho con cháu về truyền thuyết rồng thiêng. nơi rồng thiêng xuất hiện được gọi là núi Rồng (chính là nơi có cột cờ Lũng Cú ngày nay) hai hồ nước hai bên chính là “Long nhãn rồng”, tức là mắt của rồng. Người làng Lô Lô được núi Rồng che trở, được hồ nước là mắt rồng cung cấp, từ vài ba hộ nay đã trở thành ngôi làng trù phú với gần 100 nóc nhà.

Ngược dòng lịch sử ngày xưa Thái úy Lý Thường Kiệt đã cho treo một lá cờ khi ông hội quân trấn ải biên thùy và cho chôn một hòn đá tảng để đánh dấu lãnh địa nước ta. Sau này, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng theo vị trí đó mà đặt trống báo cầm canh. Cứ mỗi canh, tiếng trống lại vang lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa mấy dặm, như một sự khẳng định chủ quyền đất nước. Thời kỳ đó, tiếng trống còn là phương tiện thông tin nhanh nhất. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng địa phương có nghĩa là Long Cổ, tức trống của vua.

Năm 1887, khi Thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh tiến hành phân giới cắm mốc đã có ý định cắt phần đất này cho phía Trung Quốc. Nhờ sự đấu tranh bảo vệ kiên cường của nhân dân nên mảnh đất biên cương được giữ vững mốc giới như ngày nay. Theo các vị cao niên trong làng kể lại: “Khi thực dân Pháp, cho quân lên chiếm đóng phía cực bắc đã chọn trí núi Lũng Cú ngay cạng núi Rồng để xây dựng đồn bốt. Từ đây chúng có thể quan sát, khống chế cả khu vực rộng lớn là toàn bộ các bản làng. Nhưng lạ thay mỗi lần chúng có ý định xây dựng trên ngọn Lũng Cú đều không thể thực hiện được nếu không mưa to, gió lớn thì cũng trời long, đá lở. Năm 1954, quân Pháp tháo chạy người Lô Lô lại được sống trong hòa bình, cùng nhau xây dựng quê hương nơi địa đầu Tổ quốc.

Trong thời kỳ chiến tranh biên giới 1979 - 1980, người dân làng Lô Lô, theo chỉ thị phải đi tản cư, bỏ lại ruộng vườn, nhà cửa sau bao thế hệ gây dựng để đi xuống vùng Yên Minh (Hà Giang) lánh nạn. Đồ đạc mang theo chỉ là những đồ dùng thiết yếu. Dù xa quê hương tới cả vài chục cây số, đêm đêm nghe tiếng pháo từ phía bên kia bắn sang mà người dân làng cảm thấy nao lòng. Chiến tranh kết thúc mọi người lại trở về quê cũ, khắc phục hậu quả, chiến tranh bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Nhưng có điều làm ai trong làng cũng cảm thấy rưng rưng khi những ngôi nhà thân yêu của họ đều không bị hề hấn gì cho dù đạn pháo của địch cày nát những thửa ruộng bậc thang.

Ngày nay về làng Lô Lô ta vẫn còn bắt gặp những nếp nhà cổ đã có hàng trăm năm tuổi với tường được làm bằng đất nện, ngói mái cong mang màu của thời gian. Và đây cũng chính là những nét truyền thống độc đáo của người dân Lô Lô ở Lũng Cú mà Trung tâm Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Giang đang đưa vào việc bảo tồn phát triển khu làng văn hóa du lịch trong quần thể khu du lịch cột cờ quốc gia Lũng Cú.

Những ngày ở đây chúng tôi đã được ông Sình Dỉ Gai – Trưởng thôn Lô Lô kể lại câu chuyện nghe có phần huyễn hoặc: “Cách đây vài thập kỷ, địa phương đã cho xây dựng hệ thống thủy lợi để dẫn nước từ 2 hồ lớn về khu ruộng. Tuy nhiên, khi xây dựng xong hệ thống cũng là lúc mực nước ở 2 hồ xuống mức thấp kỷ lục, có nguy cơ cạn kiệt. Người dân cho rằng việc xây dựng đã vô tình động chạm vào hồ thiêng nên đã phá bỏ hệ thống này và cũng thật lạ là ngay sau đó 2 hồ nước lại trở lại mực nước như trước. Từ đó không ai có ý định động chạm đến vùng đất thiêng này nữa”.

Đúng vậy, từ trên đỉnh núi nhìn xuống hai hồ nước trong veo, xanh biếc như điểm cho núi rừng Lũng Cú thêm thơ mộng. Còn người dân thì lại vui mừng vì kinh nghiệm cho thấy năm đó sẽ được mùa, lúa ngô sẽ đầy nhà. Nhiều người đã thử đi tìm nước chảy vào hồ bắt nguồn từ đâu, nhưng cũng đành bó tay chịu thua. Họ chỉ nghe kể lại là phía góc hồ bên phải (mắt phải của rồng) có một hang động nhỏ, thông nhau với hồ bên trái. Vì vậy, mực nước hai hồ lúc nào cũng bằng nhau, hồ bên này cạn nước thi hồ bên kia cũng cạn và ngược lại hồ bên này đầy thi bên kia cũng đầy.

Một mùa xuân nữa lại về, du khách đến đây được tiết đãi món rượu ngô độc đáo của người Lô Lô càng uống, càng say và say với đất trời nơi địa đầu Tổ quốc. Ông Vàng Dỉ Chuối – Phó Chủ tịch HĐND xã Lũng Cú vui mừng cho biết: “Lô Lô là một trong những dân tộc ít người tại Việt Nam, từ nhiều đời nay vốn định cư và sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Mùa xuân đến người Lô Lô cố gắng hoàn thành những công việc cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Không quá ồn ào, khoa trương, những phong tục tập quán trong ngày Tết của người Lô Lô mộc mạc nhưng rất hấp dẫn và đầy sức sống”.

Đại Chính


https://congly.vn/tnr-goldsilk-complex-van-phuc-ha-dong-khach-hang-buc-xuc-vi-nhung-bat-thuong-83530.html

..




20/11/2012 11:00


Một mùa xuân nữa tràn về, những người Lô Lô đang cố hoàn thành những công việc cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Không quá ồn ào, khoa trương, những phong tục tập quán trong ngày Tết của người Lô Lô mộc mạc nhưng rất hấp dẫn và đầy sức sống.

  

Một mùa xuân nữa tràn về, những người Lô Lô đang cố hoàn thành những công việc cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Không quá ồn ào, khoa trương, những phong tục tập quán trong ngày Tết của người Lô Lô mộc mạc nhưng rất hấp dẫn và đầy sức sống.

Từ hôm 28 - 29 tháng Chạp, mọi nhà đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ và đưa rác rưởi trong nhà ra các ngã ba, ngã tư đổ, với ý nghĩa tống khứ những rủi ro, uế tạp của năm cũ và chuẩn bị đón tài lộc năm mới. 

Chiều 30 Tết, theo phong tục, người Lô Lô thường tổ chức bữa cơm sum họp của cả nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được gia chủ tổ chức cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em sum họp đầy đủ để đón mừng năm mới. Đàn ông, con trai cúng bằng gà mái, đàn bà, con gái cúng bằng gà trống.

Chiều 30 Tết là ngày "niêm phong" cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được "nghỉ Tết" và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác. 

Đêm đón giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả bản đều thức. Các cụ bà cùng các cháu bé bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran. Các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu. Thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách "lấy trộm" vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Khắp nơi hương khói, trong nhà đèn sáng tỏ, ngoài đường thắp lên những ngọn đuốc sáng rực. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ gà gáy sáng.

Theo phong tục, người Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng heo kêu, chó sủa, ngựa hí vang làm ầm ĩ, náo nhiệt cả làng. 

Tết của người Lô Lô cũng là cuộc gặp gỡ những người trong nhà. Theo tập quán, dù ai đi bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì, hàng năm mỗi khi Tết đến đều mong muốn trở về sum họp gia đình và tạ ơn tổ tiên. Người Lô Lô có câu: "Sống nhớ về tổ tiên, mồ mả chứ không phải sống vì món ăn", cho nên, ngoài quan niệm vật chất còn có phần tâm linh, đó là mồ mả, bát hương thờ cúng ông bà, cha mẹ.

Nguồn: http://www.dulichhagiang.vn



https://hagiang.gov.vn/province/pages/information.aspx?ItemID=35

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.