Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

31/08/2022

Những mảnh vỡ còn lại của thời kì Bắc thuộc ngàn năm : chuông đồng niên đại 798 ở Thanh Mai

Trên Giao Blog, trước đây có giới thiệu về chuông đồng mang niên đại 948 ở làng Nhật Tảo (Hà Nội) - xem lại ở đây.

Bây giờ, giới thiệu về chuông đồng có niên đại sớm hơn nữa. Đó là chuông Thanh Mai, có niên đại 798 (năm Trinh Nguyên 14 thời Đường).

Mở đầu là một ít ảnh (lấy về từ Fb của bạn Nguyễn Phong), sau đó là bản dịch đã công bố năm 1987 của học giả Đinh Khắc Thuân.

Các bổ sung và cập nhật thì dán ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 8 năm 2022,

Giao Blog


---


Ảnh của bạn Nguyễn Phong






Chuông được phát hiện ở bãi bồi ven sông Đáy, thuộc thôn My Dương, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Bản minh văn khắc kín trong 8 ô, gồm 1530 chữ, là tên của rất nhiều người trong đó có cả quan chức, cho chúng ta biết được chuông do Hội Tuỳ Hỉ (một tổ chức của Phật giáo) gồm những người Hoa và người Việt đúc vào năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên thứ 14 ( năm 798), khi đó nước ta thuộc nhà Đường.
Chuông hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.
(...)

https://www.facebook.com/groups/1069575710476068/posts/1249398925827078/

..



VĂN BẢN CHUÔNG THANH MAI THẾ KỶ XVIII

ĐINH KHẮC THUÂN

Chuông Thanh Mai được phát hiện vào đầu tháng tư năm 1986 trong trường hợp nhân dân đào đất làm gạch ở bãi Rồng (ven sông Đáy) thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình(1). Trong bài này chúng tôi miêu tả và phân tích đôi nét về văn bản khắc trên chuông; đồng thời dịch nghĩa và công bố toàn bộ văn bản nhằm cung cấp thêm tư liệu để các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu thêm nhiều mặt về một giai đoạn lịch sử mà tới nay tài liệu còn quá ít ỏi.

Văn bản được khắc toàn bộ trên chuông. Thân chuông cao 0,42m, được chia làm 4 khoang lớn, tạo bởi những đường gờ nổi. Mỗi khoang lại được chia làm hai ô. Ô trên là hình thang cân, có kích thước: 0,22m (0,18m)x 0,24m, ô dưới là hình chữ nhật, có kích thước 0,23x0,14m. Văn bản gồm hai phần: Phần chính được khắc ở 4 ô trên, nối tiếp theo chiều kim đồng hồ. Phần còn lại cũng được chia đều ở 4 ô dưới. Toàn bộ văn bản gồm 1530 chữ. Chữ còn khá rõ, chỉ bị mờ khoảng 30 chữ(2).

a. Vấn đề niên đại của văn bản.

Phần lạc khoản trong văn bản cho biết chuông Thanh Mai được đúc vào năm Mậu Dần niên hiệu Trinh Nguyên 14 (798).

Về phong cách và hình dáng, chuông Thanh Mai có nét tương tự chuông Vân Bản, chuông chùa Bình Lâm (có niên đại vào giai đoạn Lý - Trần, đã được phát hiện trước đây) như hình dáng đôi rồng đấu lưng vào nhau; những hoa sen cánh to xen cánh nhỏ. Nhưng về nghệ thuật thể hiện thì chuông Thanh Mai còn đơn giản hơn. Thân rồng không có vảy, cánh sen to được thể hiện hoàn chỉnh, cánh sen nhỏ chỉ được thể hiện bằng một chấm nhỏ. Miệng chuông Thanh Mai thẳng liền với thân chuông, không loe và không có hình trang trí như trên mọi quả chuông sau này(3). Hình rồng trên chuông Thanh Mai cũng khác hẳn hình rồng trên chuông và trên hình trang trí trên bia ở các giai đoạn sau, nhưng nó lại cùng phong cách với hình rồng trên bia Trường Xuân (Thanh Hóa) có niên đại Tùy (Đại Nghiệp thứ 14: 618(4). Rõ ràng phần lạc khoản ghi trên chuông rất phù hợp với niên đại của nó. Qua bố cục bài minh văn và tự dạng ta biết được văn bản được khắc một lúc và là văn bản khắc lần đầu. Hoàn toàn không có hiện tượng khắc lại hoặc khắc thêm xen kẽ về sau. Trong văn bản có nhiều địa danh và chức tước phổ biến thời thuộc Đường như Quý châu, Tấm châu, Ái châu... hoặc Biệt tướng. Triết xung, Viên ngoại... Đặc biệt có những địa danh chỉ tồn tại trong giai đoạn đúc chuông này mà thôi. Ví dụ như địa danh Nghi châu... Nghi châu vốn là quận Lạc Bình của Liêu châu. Năm Vũ Đức 3 (620) tách thành Cơ châu. Năm Tiên Thiên nguyên niên đời Đường Huyền Tông (712) tránh tên của Huyền Tông nên gọi là Nghi châu. Năm Trung Hòa thứ 3 đời Đường Hi Tông (883) lại gọi là Liêu Châu. Sau này dùng theo như vậy(5). Văn bản còn có nhiều cổ tự và những dị thể ít gặp ở các giai đoạn sau như chữ "niên", "tuế", "nam"(6). Đặc biệt chữ "niên" ở đây rất giống chữ "niên" trong bia Trường Xuân năm 618 và trong một số văn bản kim thạch thời Đường ở Trung Quốc(7). Nó được viết gần giống như dương(8).

Do vậy, niên đại của văn bản khắc trên chuông và niên đại của chuông là một; hoàn toàn phù hợp với dòng lạc khoản tuyệt đối trên chuông là ngày 20 tháng 3 đủ (ngày mồng một là Tân tỵ, ngày cuối tháng là Canh tuất) năm Mậu Dần niên hiệu Trinh Nguyên 14 (798).

b. Vài khía cạnh về mặt văn bản.

Bài minh văn trên chuông Thanh Mai không có đầu đề, không ghi tên người soạn, người khắc và cũng không chia thành bài ký, bài minh như mọi minh văn trên chuông sau này. Mở đầu là một dòng ghi thời gian và lý do đúc chuông. Sau đó kê tên người tổ chức và tham gia đúc chuông. Có một bài kệ 12 câu nói về giáo lý nhà Phật và công dụng tiếng chuông được khắc ở ô phía dưới xen kẽ những dòng ghi họ tên người có công đức là dân thường.

Toàn bộ 4 ô ở phía trên ghi tên các vị quan chức với đầy đủ họ tên, chức tước của họ. Đặc biệt ở đây có nhắc đến một loại hình tổ chức trong xã hội lúc đó không phải là đơn vị hành chính, mà được gọi là Tùy hổ xã. Cơ cấu của nó gồm: xã chủ, xã phó, xã chúng, xã lục sự, xã bình chính, xã chi khiển, xã khổng mục... Văn bản cho biết 53 người trong Tùy hỉ xã tổ chức đúc chuông: "Tùy hỉ xã ngũ thập tam nhân cộng tạo minh chung nhất khẩu...". Khi liệt kê họ tên các vị này, văn bản không kê riêng những người trong "Tuỳ hỉ xã" và những người có công đức tham gia đúc chuông. Cả thảy 212 người, được khắc lần lượt từ 4 ô trên xuống 4 ô dưới với 78 vị quan chức, 8 vị thiện tín nhà Phật, còn lại là dân thường. Trong đó có người Việt, có người Hoa. Số người Hoa đó chủ yếu là quan lại đương chức, ngoài ra cũng có những quan chức đã bãi nhiệm và cả dân thường.

Đơn vị hành chính được đề cập đến trong văn bản này là châu, huyện. "Châu" trùm lên "phủ", "huyện". Có một vài "phủ" tương đương "châu". Văn bản đã ghi lại được 20 châu với 43 lần xuất hiện; 5 huyện với 5 lần xuất hiện. Trong đó có 5 châu, 5 huyện và 1 phủ nằm trong địa phận nước ta ngày nay. Số còn thuộc các vùng phía nam Trung Quốc.

Văn bản cũng ghi được khá nhiều chức tước khác nhau (51 loại). Một số loại có tần số xuất hiện cao như: Biệt tướng (19 lần), Thượng trụ quốc (12 lần), Triết xung (8 lần), Quả nghị (8 lần), Tướng sĩ lang (4 lần), Thượng hộ quân (4 lần), Thứ sử (4 lần)...

Tên người trong văn bản này được ghi đầy đủ họ tên như: Quách Tử Cương, Tô Tam Nương, Đỗ Nương Liên, Nguyễn Thị Thẩm... chữ "Thị" ở đây không phải để chỉ họ như người phương Bắc thường dùng(9) mà là tên đệm chỉ phụ nữ. Đặc biệt mã chữ "Thị" này đều có thêm một chấm ở bên cạnh(10). Cách dùng chữ "Thị" để chỉ phụ nữ đó là cách dùng phổ biến của người Việt mà ta gặp nhiều trong các văn bản sau này.

Dòng niên đại trên chuông cũng được ghi khá đặc biệt "Duy Trinh Nguyên thập tứ niên, tuế thứ Mậu Dần, tam nguyệt, Tân Tỵ, sóc, trấp nhật, Canh Tuất...". Đây là cách ghi năm can chi theo niên lịch và niên hiệu vua. Cách ghi đó muốn chỉ rõ năm Mậu Dần này là năm Trinh Nguyên thứ 14 và cũng là năm Mậu Dần có tháng 3 đủ với ngày mồng một là Tân Tỵ và ngày cuối tháng là Canh Tuất. Ghi như vậy để tránh nhầm lẫn với những năm Mậu Dần khác, và cũng để nhấn mạnh sự kiện đúc chuông này là hệ trọng(11). Những chữ đài trong văn bản này không dùng lối viết cao lên mà chỉ để cách một, hai chữ. Chữ đài đó không gặp trong trường hợp ghi niên hiệu vua mà là những chữ về Phật giáo như Phật, Pháp... Điều đó chứng tỏ Phật giáo khi ấy khá thịnh ở nước ta.

Về ngôn ngữ văn tự, văn bản được ghi bằng chữ Hán. Chữ khắc vuông vức, đường nét rõ ràng tiêu biểu cho loại chữ thời Đường - Tống mà các đời sau đã gọi loại chữ chân phương này là kiểu chữ "phỏng Tống"(12). Ngôn ngữ ở đây là văn ngôn. Tuy vậy đôi chỗ có phần gần gụi với khẩu ngữ Việt như câu "Nam xứng cửu thập cân" (90 cân Nam) hoặc câu "Quách Thị Ngung, nam Dịch, nữ Nương (Nàng) chức" (Quách Thị Ngung, con trai là Dịch, con gái là Nương (Nàng) chức). Tên gọi của những phụ nữ người Việt ghi trên chuông cũng rất thôn dã, mộc mạc như Nỗ, Hi, Đà... chữ Hán khắc trên chuông là lối chữ "khải". Duy có bộ "mịch" ở một số chữ được viết theo lối "tiểu triện". Những chữ "khải" có bộ "mịch" được viết theo lối "tiểu triện" này cũng thường gặp trên một số văn bản thế kỷ XVII, XVIII như trên một số văn minh văn Tùy - Đường(13).

Trong văn bản có khá nhiều cổ tự và những chữ dị thể, hoặc có những chữ ít gặp trong các văn bản đương thời và các từ điển sau này. Xin thống kê một số trường hợp tiêu biểu (xem phụ bản).

c. Một số vấn đề về chủ nhân và nguồn tư liệu trên chuông:

Như ở trên đã nêu, quả chuông được tìm thấy ở sâu trong lòng đất ven đê sông Đáy. Xung quanh chuông không có hiện vật gì kèm theo, không có dấu vết của sự chôn cất hoặc mai táng. Điều đó chứng tỏ rằng chuông bị nước cuốn trôi và cát phù sa vùi lấp. Kết hợp với phong cách chuông và đặc trưng văn bản trên chuông, chúng tôi cho rằng chuông này được đúc trên đất Việt.

Chuông Thanh Mai do người Hoa và người Việt đúc. Trong số người Hoa đó có người có mẹ là người Việt, có người có cả gia đình con cái sống trên đất Việt, có người là dân thường vốn dĩ từng là quan chức trong triều đình phương Bắc. Điều đó chứng tỏ người Hoa di cư sang nước ta thời đó hẳn không ít. Đáng lưu ý câu ghi về trọng lượng chuông: dòng đầu ghi chuông nặng 90 cân, dòng cuối cùng cũng ghi chuông nặng 90 cân. Nhưng là cân Nam. Từ đó có thể cho rằng quả chuông này chủ yếu là sản phẩm của người Việt và được lưu truyền sử dụng trên đất Việt.

Văn bản chuông Thanh Mai là một trong những văn bản sớm nhất hiện biết trên đất nước ta. Tuy muộn hơn văn bản trên bia thời Tùy ở Thanh Hóa (năm 618)(14) nhưng văn bản này khá trọn vẹn. Vì thế tư liệu trên văn bản chuông Thanh Mai hết sức ý nghĩa trong việc tìm hiểu xã hội người Việt thời Bắc Thuộc. Nội dung và giá trị tư liệu này, chúng tôi xin trình bày trong dịp khác và nhường lại cho các nhà nghiên cưu lịch sử khai thác. Dưới đây chúng tôi xin dịch và công bố toàn bộ văn bản để cùng tham khảo.

Dịch nghĩa:

Vào ngày 20 tháng 3 năm Mậu Dần niên hiệu Trinh Nguyên thứ 14 (798)(15) 53 người trong Hội Tùy hỉ(16) cùng đúc một quả chuông kêu bằng đồng 90 cân để lưu truyền cúng lễ.

Xã chủ(17), Tướng sĩ lang(18) Đỗ Tiên Thị nguyên Huyện úy(19) huyện Yên Lạc, châu Tư Lăng(20).

(Xã) phó(21), Tản tướng(22), Thú tả Kim Ngô Vệ Hoàng Thái Chửng giữ chức Biệt Tướng(23) phủ Thanh Cốc thuộc Châu Nghi(24).

(Xã) phó Quách Tử Cương giữ chức Triết cung đô úy(25) phủ Yên Lạc thuộc châu Tấm(26).

(Xã) chúng(27) tôn thị lão Vương Huấn Chân - Đỗ Tiến Ninh nguyên quyền Huyện lệnh(28) huyện Văn Dương thuộc châu Trường(29).

Phán quan(30) Đỗ Bị giữ chức Biệt tướng phủ âm Bình thuộc châu Văn(31), được ban đầy thêu cá vàng(32).

Xã lục sự(33) Đỗ Du Tần.

Quách Du Lý giữ chức Triết xung phủ Yên Lạc thuộc châu Tấm.

Tướng sĩ lang Hoàng Hán Hốt nguyên Huyện úy huyện Hán Hội thuộc Châu Vi(34).

Thượng trụ quốc(35) Lý Thiên Hạnh.

Biệt tướng Ngô Tiến Sĩ, thú tả nhiêu Vệ(36) phủ Vạn Cát thuộc châu Tuy(37).

Xã binh chính(38) Hoàng Trí Đãi.

Cao Thảo giữ chức Triết xung phủ Giám Xuyên thuộc châu Giám(39).

Đỗ Triều Lương giữ chức Biệt tướng phủ Long Sơn thuộc châu Quý(40).

Lý Thiên Dương chức chức Biệt tướng phủ Vạn Cát thuộc châu Tuy.

Biệt tướng Hoàng Thái Bị, thú tả nhiêu vệ phủ Vạn Cát thuộc châu Tuy.

Trần Kỳ giữ chức quả nghị(41) phủ Yên Lạc thuộc châu Tấm.

Thượng hộ quân(42) Lã Sơ giữ chức Lục sự tả quả nghị.

Triết xung Dương Chất giữ chức Hữu khả bồi nhung(43), hiệu úy(44), thú tả uy phủ âm Bình thuộc châu Văn.

Nguyễn Tề Mục giữ chức Đồng kinh lược nha tiền thập tướng(45).

Thượng hộ quân Đỗ quân giữ chức Biệt tướng phủ Dung Sơn.

Quách Tiên Kiệt giữ chức Biệt tướng, phủ Long Sơn thuộc châu Quý.

Xã chi khiển(46) Đỗ Thái Minh.

Nguyễn Dung giữ chức Biệt tướng phủ Thượng Đức thuộc châu Sóc(47) Nguyễn Ninh giữ chức Triết xung phủ Thượng Đức thuộc châu Sóc.

Đỗ Hiền giữ chức Biệt tướng phủ Vạn Cát thuộc châu Tuy.

Đỗ Cán Tuấn hàm tứ phẩm, tước tử.

Quách Lập giữ chức Triết xung phủ Tứ môn thuộc châu Kinh(48) được ban đẫy thêm cá vàng.

Thượng trụ quốc Đỗ Như Thái.

Biệt tướng Quách Tính, thú tả vệ phủ Thượng Đức thuộc châu Sóc.

Biệt tướng Dương Phượng Thước, thú tả nhiêu vệ phủ Văn Vũ thuộc châu Tuy.

Xã Khổng mục(49) Cao Tích.

Tướng sĩ lang cao Ánh Văn giữ chức Biệt giá, coi việc quân trong châu Uyển.

Thượng hộ quân Quách Kha.

Hoàng Vịnh giữ chức Biệt tướng phủ Li Thạch thuộc châu Thạch(50).

Hoàng Tá giữ chức Biệt tướng phủ Vạn Cát thuộc châu Tuy.

Thượng trụ quốc Nguyễn Đình Cốc.

Đỗ Kiển giữ chức Biệt tướng phủ Li Thạch thuộc châu Thạch.

Biệt tướng Cao Quách

Binh tào thiêm quân, thú tả uy Vệ Tô giữ chức Biệt tướng phủ Âm Bình thuộc châu Văn.

Hoàng Long Ngộ giữ chức Biệt tướng phủ Cát thuộc châu Từ(51).

Giữ chức Biệt tướng phủ Li Thạch thuộc châu Thạch.

Thượng hộ quân Nguyễn Triều...

Thú tả vệ phủ Thượng Đức thuộc châu Sóc, Đỗ...

Thú tả kim ngô vệ Vương Mậu giữ chức Quả nghị phủ Yên Lạc thuộc châu Tấm.

Thú Vương, Tăng Pháp Hiền

Thượng hộ quân Vũ, giữ Quả nghị phủ Am Bình, thuộc châu Văn.

Quả nghị Đỗ Thừa Vị, thú tả vệ phủ Yên Lạc thuộc châu Tấm.

Quả cố Nguyễn Đình Thu.

Quả cố Đỗ Tiên Đường.

Nhà tiền tử tướng(52) Cao Thái Bình giữ chức Biệt tướng phủ Hạ Tập thuộc châu Hạ(53), được ban đẫy thêu cá vàng. Mẹ là Kiếu Thị Hy vợ là Đỗ Thị Xuyên.

Thị lão Quách Du Quảng được phong Thượng trụ quốc.

Thượng trụ quốc Hoàng Như Đao giữ chức Biệt giá(53) châu Ngạn, được ban đẫy thêu cá vàng.

Bồi nhung phó úy, thú tả kim ngô vệ phủ Lư Xuyên thuộc châu Lư(54) Chu Thái Chất giữ chức Triết xung đô úy, viên ngoại(55), chí đồng chánh viên và vợ là Vạn Thị Tại, vợ kế là Anh Tư, Anh Đạt.

Trụ quốc Lã Hoài giữ chức Đồng kinh lược thập tướng nguyên làm Tả thân xa phó tào quân phủ Nghĩa Vương, kiêm chức Biệt giá châu Qui, được ban đẫy thêu cá vàng đã quá cố. Hoàng Sổ nguyên quyền huyện úy huyện Văn Dương thuộc châu Trường.

Thất ty Viện trưởng Lý Chân và vợ là Đỗ Thị Chế.

Tả Quả nghị Trịnh Hồ thú tả vệ phủ Thượng Đức thuộc châu Sóc.

Tướng sĩ lang Quách Phương coi việc quân trong châu Long, nguyên quyền Huyện ủy huyện Nhật Nam thuộc châu Ái(56).

Quách Tiên Vị, Quách Kỷ giữ chức Biệt tướng phủ Long Sơn thuộc châu Quý.

Thượng trụ quốc Đỗ Anh Hàn giữ chức Kinh lược tiên phong binh mã sử(57), Nghĩa quân đô tri binh mã sử(58) nguyên quyền Thứ sử Ái châu, Triều Nghị lang sứ, coi giữ việc quân trong châu Trường, đương nhiên chức Châu du bôn sử, được ban đẫy thêu cá vàng.

Thượng trụ quốc Đỗ Hoài Bích giữ chức Quản nội đại nghĩa, Thú ngân thanh quang lộc đại phu(59), Thành Thái thường khanh, Tả tướng binh mã sứ, phó đô hộ sứ(60) coi việc quân trong châu quận, Thứ sử châu quận, sung làm bản châu du sứ, được ban đẫy thêu cá vàng.

Quá cố Ngụy Vụ Thông nguyên giữ chức Sĩ Tào, Tham quân(61) ở bản phủ, được phong Thượng trụ quốc. Vợ là Bùi Thị Anh, Trịnh Trị.

Thượng trụ quốc Đỗ Thiếu giữ chức Kim thể triết xung, Chiêu Vũ hiệu úy châu, vợ là Trịnh Thị Trạm (?).

Thượng trụ quốc Đỗ Quảng Du giữ chức Triều Nghị lang sứ(62) coi việc quân trong châu Tây Bình(63), làm Thứ sử châu Tây Bình, được ban đẫy thêu cá vàng. Vợ là Ngụy Thị Chủ. Đỗ Thị Chi.

Cân Nam 90 cân.

Thí chủ Tô Tam Nương, Lý Thị Bình, Cao Ngọc Thọ, Đỗ Lương Ích, Đỗ Nương Nạn, Trịnh Thị Chế, Đỗ Nương Liên, Đỗ Thị Anh, Phan Thị Trạch, Đỗ Thị Sảo, Quách Nương Lỗ, Quách Nương Trịnh, Quách Nương Uẩn, Quách Nương Hồ, Tô Thị Lục, Đỗ Nương Nhuyến, Nguyễn Thị Thẩm, Quách Việt Nương, Đào Pháp Man, Khiên Thị Câu, Quách Nương Đan, Quách Thị Hạt, Hoàng Thừa Huấn, Hoàng Nương Diểu, Vương Nương Châm, Đỗ Thị Nhất, Quách Thị Nghĩa, Trương Thị Khâm, Quách Thị Chuy, Đỗ Thị Thứ, Quách Nương ? Quách Thị Kiểu, Nguyễn Thị Bạch, Phùng Thị Sa, Quách Thị Cục, Đỗ Thị Lục, Lý Thị Chiêu, Cao Vương Đặc, Cao Ngọc Miễn, Đỗ Đình Khiết, Hoàng Kim Hi, Đỗ Thị Đà, Cao Ngọc Tiên, Đỗ Pháp Tranh, Dật Thị Sủng, Cao Vân Tám, con trai là Nô, con gái là Nương (nàng) Đan Vương Thị Vượng, Nguyễn Thị Tỷ, Trần Thị Ẩm, Chu Phiêu, Chu Thị Văn, Đồ Thị Giải, Cao Diệu Tư, Trụ quốc Vương Sở quang và vợ là Hoàng Thị Nỗ, Nguyễn Pháp Liên, Cao Thị Dinh, Thượng trụ quốc Hoàng Lệnh Hi và vợ là Phùng Thị Bạch, Đỗ Nương Xuân, Lã Nương Hạp, Lã Nương Thư, Đỗ Thị Tiêu, Quách Thị Ngung, con trai là Dịch, con gái là Nương (nàng) chức. Trịnh Thị Chi, Kiều Thị Đại, Thạch Trường Nhuế vợ là Lộc Điều, Mẫn Thị Nhãn, Đỗ Thị Hàm, Cao Thị Mê, La A Liệt, Đỗ Thị Kiệt. Tín tài thí chủ Đỗ Thị Di, Đỗ Thị Yên, Tạ Thị Quý, Quách Thị Uất, Trịnh Thị Dã, Tê tài thí chủ Đỗ Ngọc Nương. Động Huyền đệ tử Trịnh Tề Cán, vợ là Đỗ Kim Nương, con gái là Tỉ Nương, Đỗ Nương Sách, Đỗ Thị Tài, Đỗ Thị, Đỗ Thị Bôn, Tô Thị Miêu, Trần Bột Cước, Chu Nương Tý, Trịnh Nương Đáng, Đỗ Thị Nẫm. Thị lão Hoàng Tiên Lộc, Quách Du Vương Nương Tác, Cao Trinh Tùng. Quá cố Nguyễn Ký Trường, Đỗ Tiên Đĩnh. Thượng trụ quốc Đỗ Trung Lương. Đô thập nhị khanh đoàn đầu Trần Tá. Hoàng Thị Trang, Giang Thị ? Cao Thi ? Nguyễn Thị ?. Cao Thị Đức. Hoàng Thị Sử, Quách Thị Nỗ, Cao Thị Hương. Quá cố Trần Thị Tư, Hoàng Nương Nẫm. Quá cố Quách Thị Quý, Lý Biện Đệ, Quách Hãm, quá cố Trần Thị Thanh, Quách Thị Triều, Hoàng Thị Lợi, Quách Thị Nương, Đỗ Anh Cường, vợ là Lê Thị Lễ, Nguyễn Chân Nghệ, Hoàng Thị Tuyển, Nguyễn Thị ? Hoàng Như Trinh, Lê Thị Tiểu, Quách Thị Đại, Quách Xuân Cù, Quách Thị Phương, Vương Nương Thứ, Đỗ Trục Nhật, Trần Thị Hạnh, Cao Thị Nhãn, Đỗ Thị Dục, Đỗ Thị Ngạc, Vương Thị Hỉ, Đỗ Thị Du, Đỗ Thị Chế, Đỗ Thị Đản.

Hồi tâm dựng phúc(64)

Cùng tạo minh chung

Trời xa ứng nghiệm

Địa ngục(65) tường minh

Tam đồ(66) hết khổ

Bát nạn(67) tiêu khuynh

Thân nay giả hữu

Muôn kiếp lưu danh

Cận kề Phật pháp

Âm hưởng cùng vang

Công danh xin gửi,

Bất diệt vô sinh

Ngô Thị Kế, Hoàng Trục Nhật, Dương Phương Tường, Giang Thị ?(68) Cao Thị Bôn, Cao Thị Dĩnh, Cao Thị Nhị, Trương Tiên Đỗ và vợ là Lý Thị Chương, Trần Thị Nương, Nguyễn Thị Giám, Đỗ Như giữ chức Quả nghị phủ Yên Lạc thuộc châu Tấm và vợ là Vương Thị, Thị lão Đỗ Kinh đã quá cố, Đỗ... Cao Thị Hôn. Biệt tướng Đỗ Toàn Kỷ và vợ là Quách Thị Trạch, Đỗ Thị (?). Đỗ Thị Hàm, Đỗ Thị Yết, Trần Du Kiện và vợ là Đỗ Thị Nhật, Bạch Ma Lệnh, Lê Thị Diệu.

CHÚ THÍCH

(1) Trinh Nguyên: niên hiệu Đường Đức Tông (785-810).

(2) Nguyên văn là "Tïy hỉ xã", "Xã" ở đây không phải là đơn vị hành chính như sau này thường dùng. Từ nguyên giải thích: "Đồng chí hội tập chi sở viết xã, như thị xã, văn xã" (nơi mà những người cùng chí hướng tụ hội gọi là xã như Thi xã (Hội thơ), Văn xã (Hội văn). Tùy Đường Phật giáo sử cảo, Bắc Kinh, 1982, tr.62 ghi "Kết xã vi Phật giáo tổ chức chi nhất chủng" (một loại tổ chức Phật giáo gọi là kết xã) và (kết xã cùng làm phúc, điều ước nghiêm minh như công pháp)... Thời Đường, Pháp sư ở Ích châu lập "nhất phúc xã". Vì vậy có thể hiểu "Tuỳ hỉ xã" là Hội tuỳ hỉ, hội của tất cả những ai tự nguyện đến, tuỳ thích vì sự sùng Phật.

(3) Xã chủ: người đứng đầu hội Tuỳ hỉ

(4) Tướng sĩ lang: là tên gọi một chức quan thuộc tản quán, chức này được đặt từ thời Đường, tòng cửu phẩm. Từ Khai phủ đến Tướng sĩ lang có 28 bậc làm văn tản quan. Văn tản quan từ tứ phẩm trở xuống thì làm Phiên thượng ở Lại bộ (theo Tân Đường Thư, phần Bách quan chí).

(5) Huyện úy: tên một chức quan, có từ thời Hán, nhà Hán đặt Huyện úy ở các huyện để trừ đạo tặc, gian manh. Nhà Đường dùng theo nhà Hán, nhà Minh bỏ (theo Tuỳ Đường Ngũ đại sử cảo, phần Quan chế thượng)

(6) Tư Lăng châu, Yên lạc huyện: Tân Đường thư chép châu Tư Lăng thuộc đạo Lĩnh Nam. Theo Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời thì châu Tư Lăng là một trong các châu ky my của phương Bắc. Như vậy châu Tư Lăng thuộc địa hạt nước ta, nay thuộc khu vực tỉnh Lạng Sơn.

(7) Xã phó: bên cạnh xã chủ.

(8) Tản tướng: là một loại hàm thuộc Tản quan, không có chức vụ.

(9) Kim ngô vệ: tên một chức quan. Từ Nguyên giải thích: "Ngô giả, ngự dã" và chua là "Thiên tử xuất hành". Kim Ngô vệ: phò tá vua. Tả kim ngô vệ: là một chức tán quan ở phủ, phò tá cho quan phủ (Tân Đường thư).

(10) Biệt tướng: tên một chức quan. Từ nguyên giải thích "Tiểu tướng biệt tại tha sở giả, viết Biệt tướng" (Tiểu tướng biệt phái ở vùng xa gọi là Biệt tướng). Chức Biệt tướng có từ thời Hán. Thời Đường dùng theo Hán (Tùy Đường ngũ đại sử cảo, Sđd).

(11) Nghi châu, Thanh cốc phủ: năm Vũ Đức 3 (620), tách quận Lạc Bình của châu Liêu gọi là Châu Cơ. Năm Thiên Nguyên đời Đường Huyền Tông (712), tránh tên Huyền Tông là Cơ nên gọi là Nghi Châu. Năm Trung Hòa 3 (883) đời Đường Hi Tông lại gọi là Liêu Châu. Có 3 phủ Liêu Thành, Thanh Cốc, Long Thành (Tân Đường thư).

(12) Triết xung đô úy: lên một chức quan. Thời Tùy trong quân cấm vệ có Triết xung. Thời Đường đặt Triết xung đô úy. Toàn quốc đặt chức Triết xung ở phủ để điều động dân binh (Theo Tùy Đường ngũ đại sử cảo, Sđd)

(13) Tấm châu, Yên lạc phủ: Có từ thời Tùy, thời Đường dùng theo. Châu Tấm thời Đường có 6308 người gồm 3 huyện và 2 phủ (phủ Yên Lạc và phủ Diên Song) (Theo Tân Đường Thư). Nay thuộc khu vực tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

(14) Xã chúng: hội viên của hội Tùy hỉ. Xã chúng tôn thị lão: là bậc giả cả, thành viên của hội Tùy hỉ.

(15) Huyện lệnh: tên một chức quan. Nhà Hán quy định các huyện từ Vạn hộ trở lên đều có Huyện lệnh Tấn, Tống, Đường dùng theo (theo Tùy Đường ngũ đại sử cảo, Sđd).

(16) Trường Châu Văn Dương huyện: có từ thời Đường Năm Thiên Bảo 1 (742) đổi ra quận Văn Dương Năm Càn Nguyên (758) đổi làm Trường Châu, vị trí nằm giữa Ái Châu và Phong Châu (Theo Tân Đường thư)

(17) Phán quan: Tên một chức quan, có từ thời Đường. Các Tiết độ quan sát sứ đều có Phán quan làm Liêu thuộc, coi việc kiện tụng (theo Tùy Đường Ngũ đại sử cảo Sđd).

(18) Văn Châu Âm Bình phủ: Theo Đất nước Việt Nam qua các đời thì châu Văn nằm ở phía Nam châu Văn Uyên và châu Văn quan. Châu Văn Uyên nay là huyện Văn Uyên tỉnh Lạng Sơn. Do vậy phủ Am Bình, châu Văn thuộc địa phận nước ta nay ở đất Lạng Sơn.

(19) Nguyên văn: "Phi ngư đại". Ngư đại có từ thời Đường ban đầu gọi là Ngư phù (phù tín hình con cá) gồm 2 nửa trái, phải. Nửa trái tiến vào cung cấm, nửa phải mang theo người, khắc họ tên chức tước lên. Người ra vào cung cấm phải khớp vào cho hợp. Phù tín hình cá đặt trong túi nên gọi là Ngư đại. Túi thêu hình cá màu vàng gọi là Kim ngư đại. Các quan chức được ban Kim ngư đại là "huân quan" (quan được ân thưởng) (theo Tùy Đường Ngũ đại sử cảo, Sđd).

(20) Xã lục sự: Lục sự là một chức quan có từ thời Tấn. Xã lục sự là chủ bạ (thư ký) của hội Tùy hỉ.

(21) Châu Vi: thuộc đão Lĩnh Nam. Đạo Lĩnh Nam thời Đường có 92 châu. Châu Vi là một trong số đó, có 3 huyện là Đô Long, Hán Hội và Vũ Linh (theo Tùy Đường Ngũ đại sử cảo, Sđd).

(22) Thượng trụ quốc: tên một chức quan có từ thời Chiến quốc, chỉ người lập công giết được tướng giặc. Thời Đường có Trụ quốc và Thượng Trụ quốc, Thượng Trụ quốc là quan tôn quí nhất, Trụ quốc ở mức thấp hơn. Là loại "huân quan" (theo Tùy Đường Ngũ đại sử cảo, Sđd).

(23) Tả nhiêu vệ: nhiêu vệ là tên một chức quan thuộc loại cấm quan có từ thời Hán. Thời Đường dùng theo (theo Tùy Đường Ngũ đại sử cảo, Sđd).

(24) Tuy Châu - Vạn Cát phủ: Tây Ngụy đặt Tuy châu. Tùy đổi làm Thượng châu. Đường đặt lại Tuy châu gồm 5 huyện, 2 phủ. Nay giáp phía tây huyện Tuy Đức tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (theo Tân Đường thư và Từ nguyên).

(25) Xã bình chính: một chức danh trong hội Tùy hỉ bên cạnh Xã lục sự.

(26) Châu giám: có từ thời Tùy. Thời Đường, Tống vẫn dùng, thuộc đạo Kiếm Nam. Thời Tống đặt thông phán nay thuộc vùng phía Nam Trung Quốc (Từ hải).

(27) Châu Quý: vốn là quận Uất Lâm châu Nam Định. Năm Trinh Quán 8 (634) đặt Quý châu, gồm 4 huyện và 1 phủ (phủ Long Sơn) nay thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc (theo Tân Đường thư và Từ nguyên).

(28) Quả nghị: tên một chức quan có từ thời Đường, một loại thống lĩnh quân trong phủ (thống phủ binh chi quan) tương tự chức Triết xung (Tùy Đường Ngũ đại sử cảo, Sđd).

(29) Thượng Hộ quân: Hộ quân: tên một chức quan. Thời Tần có Hộ quân đô úy. Thời Hán "Hộ quân đô úy" thuộc Đại tư mã chia làm thượng, trung Thời Đường lấy hoạn quan làm Trung hộ quân. Thượng hộ quân ở mức cao hơn (theo Tân Đường Thư và Tùy Đường Ngũ đại sử cảo).

(30) Bồi nhung: tên một chức quan cũng như Bồi thặng - người phụ giá cho bậc tôn quí (theo Từ nguyên).

(31) Hiệu úy: tên một chức quan. Hán Vũ đế đặt Thành môn hiệu úy, Tư lệ hiệu úy, lãnh đồn binh, hưởng trật 2000 thạch. Thời Đường dùng theo. Lục phẩm trở lên đối với quan võ gọi là Tướng quân. Lục phẩm trở xuống gọi là Hiệu úy (theo Tùy Đường Ngũ đại sử cảo).

(32) Kinh lược: tên một chức quan. Thời Đường sơ, biệt đặt Kinh lược sứ ở biên châu (châu biên ải). Sau này Tiết độ sứ kiếm nhiệm cả (theo Tuỳ Đường ngũ đại sử cảo, Sđd).

(33) Xã chi khiển: là một chức danh trong hội Tùy hỉ. Có lẽ là thư ký của hội này.

(34) Châu Sóc: được đặt năm Vũ Đức 4 (621) gồm 2 huyện, 1 phủ thuộc đạo Sơn Tây (theo Tuỳ Đường Ngã đại sử cảo, Sđd), nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

(35) Châu Kính: có từ Hậu Ngụy. Thời Đường vẫn dùng. Nay thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc (theo Từ nguyên)

(36) Xã khổng mục: một chức danh trong hội Tùy hỉ.

(37) Châu Thạch: có từ Bắc Chu. Thời Tùy, là quận Li Thạch. Thời Đường năm Vũ Đức 1 (618) đặt châu Thạch, có 5 huyện, 2 phủ (phủ Li Thạch và Xương Hóa), nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

(38) Châu Từ: thời Đường thuộc đạo Hà Đông, có 5 huyện, nay thuộc tỉnh Hà Đông, giáp tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

(39) Nha tiền: mộc chức quan phục dịch có từ thời Đường, thời Tống, công việc rất hệ trọng, do Ngự sử sung tiến (theo Từ nguyên).

(40) Châu Hạ: có từ Hậu Ngụy. Thời Đường vẫn dùng, thời Tống sơ gọi Tây Hạ. Thời Nguyên bỏ. Nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (theo Từ Nguyên).

(41) Biệt giá: tên một chức quan, có từ thời Hán, phụ tá cho Thứ sử châu. Thời Tùy và thời Đường vẫn dùng, nhưng phụ tá cho viên quan quận (theo Từ nguyên).

(42) Châu Lư: có từ thời Lương. Thời Đường có 5 huyện, thuộc đạo Kiềm Nam, nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (theo Tân Đường Thư và Từ hải)

(43) Viên ngoại: tên một chức quan, có từ Lục Triều. Có viên ngoại lang để phân biệt với Thị lang, Nhà Đường đặt ở Lại bộ, chính ngạch quan.

(44) Ái châu Nhật Nam huyện: nhà Hán đặt Nhật Nam quận, nhà Đường năm Thiên Bảo 1 (742) đặt Nhật Nam huyện (theo Tân Đường Thư). Châu Ái thuộc địa phận nước ta, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

(45) Kinh lược tiên phong binh mã sử: chỉ chức quan đứng đầu đội quân ở biên ải. Xem thêm chú thích số 37 về Kinh lược.

(46) Nghĩa quân đô tri binh mã sứ: Đô trị tương đương với Lục sự, có chức Lục sự đô tri là một loại quận quan. Cũng là chức quan đứng đầu đội quân trong châu quận (theo Từ nguyên).

(47) Quang Lộc đại phu: tên một chức quan có từ thời Hán. Thời Đường xếp vào loại Tản quan, chia làm 3 bậc: Quang lộc đại phu tòng nhị phẩm, tiếp theo là Kim tử quang lộc đại phu và cuối cùng là Ngân thanh quang lộc đại phu (theo Tùy Đường Ngũ đại sử cảo, Sđd).

(48) Đô hộ sứ: tên một chức quan tăng cường cho Tây Vực. Sau đó dùng cho các châu ki mi.

(49) Tham quân: tên một chức quan có từ thời Hậu Hán là "tham mưu quân vụ" gọi tắt là Tham quân. Thời Tùy - Đường, Tham quân kiêm quận quan (theo Tùy Đường Ngũ đại sử cảo, Sđd).

(50) Triêu nghị lang sứ: tên một chức quan, thuộc hàng tán quân, coi xét đức hạnh quan lại trong châu quận (theo Cựu Đường thư).

(51) Tây Binh châu: thời Đường thuộc đạo Lĩnh Nam, nay ở khu vực Đồng Đăng và phố Lạng Sơn của nước ta (theo Tân Đường Thư và Đất Nước Việt Nam qua các đời, Sđd).

(52) Đây là bài kệ đọc khi thỉnh chuông.

(53) Địa ngục là một đường trong Lục đạo, một cảnh trong Lục thú, có đủ mọi nỗi khổ.

(54) Tam đồ: là 3 chốn hình phạt trong 3 cõi Địa ngục, ai ở trong cảnh Tam đồ cực khổ mà thấy được ánh sáng của Phật A Di Đà thì liền hết khổ não, có thể giải thóat.

(55) Bát nạn: 8 nạn rủi, 8 chướng nạn gọi là Bát vô hạ (tám chỗ không rảnh). Ngạn ngữ ta có câu: "Phật còn mang tám nạn huống chi người sao khỏi ba tai" (theo Từ điển Phật học).

(56) Có một số tên người chúng tôi không thấy có trong từ điển và cũng chưa rõ cách đọc tên nên để dấu chấm hỏi (?).

http://hannom.org.vn/web/tchn/data/8701.htm

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.