Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/07/2022

Dòng sông Tô Lịch trong dự án tổng thể 2022 của công ty JVE ("trên công viên, dưới hầm ngầm")

Ngày hôm nay (Thứ Năm ngày 7/7/2022), công ty JVE tổ chức một hội thảo mang tính ra mắt chính thức và quảng bá cho dự án tổng thể. Tôi có tới tham dự từ lúc 15h (muộn lại khoảng 1 tiếng do vướng việc khác).

Tin tức cũ của mấy năm trước, trên Giao Blog có thể đọc lại ở đây.

Tôi muôn tóm gọn dự án tổng thể này bằng câu sau:"Trên công viên, dưới hầm ngầm". 

Cụ thể hơn thì là: "trên là công viên lịch sử văn hóa, dưới là hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm". Ở phần công viên, thì có thiết kế một quảng trường Thăng Long Tứ Trấn và một quảng trưởng Tứ Bất Tử. 

Thu thập tin tức từ các nơi ở dưới.

Tháng 7 năm 2022,

Giao Blog


---




Đình Hiếu


Sông Tô Lịch được đề xuất xây dựng thành công viên lịch sử - văn hoá - tâm linh cùng các thiết chế văn hoá. Bên dưới là hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp với cao tốc ngầm dọc sông.

Giải pháp tổng thể được Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE và đối tác Nhật Bản đưa ra tại hội thảo do UBND TP.Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) chủ trì, tổ chức chiều 7/7 .

Theo thông tin nêu tại hội thảo, dự án sẽ được triển khai tại lưu vực sông Tô Lịch trên địa bàn TP, chiều rộng giới hạn từ mép vỉa hè hiện trạng dọc hai bên sông đến tim sông; nằm bên trong mốc chỉ giới đường đỏ của đường hai bên sông. Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) – đơn vị đề xuất dự án, cho biết, dự án với 2 hợp phần chính, gồm:

Hệ thống đường cao tốc ngầm hoạt động 2 chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô. Hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) – đơn vị đề xuất dự án. Ảnh: Đình Hiếu

Hệ thống hầm ngầm dài khoảng 11,65km bao gồm các máng thu đặt dọc một bên mép hè đường dạo dọc Công viên Lịch sử văn hoá, tâm linh Tô Lịch, sau đó chảy vào 9 giếng thu nước được bố trí tại 9 vị trí dọc theo sông, được kết nối với nhau bởi một đường hầm ngầm có đường kính D16,8m. Hầm ngầm dẫn nước chảy về một bể điều áp khổng lồ ở cuối tuyến (gần đập Thanh Liệt).

Bể điều áp được thiết kế để chứa được hàng triệu m3 nước đáp ứng các trận mưa lớn với cường độ mưa lên tới 500mm. Nước chứa từ bể điều áp sẽ được tiêu thoát ra sông Nhuệ bằng hệ thống máy bơm với công suất 200m3/s sau khi mực nước sông Nhuệ xuống thấp để đảm bảo chống ngập.

Hợp phần thứ 2 là công viên lịch sử - văn hoá – tâm linh Tô Lịch nằm ở phía bên trên. Hai bờ kè đá hộc mái dốc hiện có sẽ được phá dỡ và xây dựng lại thành bờ kè thẳng đứng; xây dựng đường dạo dọc hai bên lòng sông tại ví trí mái dốc kè thẳng xuống để tạo không gian đi bộ, tập thể dục cho người dân.

Phía dưới đường dạo tính toán đặt các cửa tràn thu nước dẫn dòng vào hệ thống hầm ngầm chống ngập để khống chế mức nước trên sông khi có lũ hoặc khi có nguồn nước bổ cập vào sông.

Sông Tô Lịch đang trở thành nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt và ô nhiễm. Ảnh: Sơn Tùng

Các công trình văn hoá như khu Thực thể, khu Tượng đài, khu Văn bia… sẽ được xây nổi trên sông. Kết hợp với đó là là các cầu mái vòm nối hai bờ sông với độ cong mái phù hợp để thuyền rồng chở khách du lịch có thể qua lại bên dưới thuận lợi, dễ dàng. 

Ông Tuấn khẳng định, dự án sẽ không tác động đến khi dân cư ở 2 bên sông, không phải giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án; không thu hẹp lòng sông, không bê tông hoá, cứng hoá đáy sông…

Ngoài ra, dự án sẽ giải quyết dứt điểm mùi hôi thối và các nguồn gây ô nhiễm cả trong và ngoài sông; góp phần giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội và vấn đề giao thông đô thị...

Không nói về tổng mức đầu tư của dự án nhưng ông Tuấn cho biết, sẽ có báo cáo chi tiết trong thời gian tới. Phương án tài chính là sẽ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA, một phần vốn đối ứng trong nước và một số nguồn tài chính khác.

Hà Nội “làm sống lại các dòng sông chết”

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, TP đã giao nhiệm vụ cho các sở ngành nghiên cứu đề xuất trên. Sông Tô Lịch trước đây vốn từng là một phân lưu của sông Hồng đưa nước từ thượng lưu sông Hồng sang sông Nhuệ… Sông Tô Lịch ngày nay có điểm đầu từ Hoàng Quốc Việt đến điểm cuối là đập Thanh Liệt (hạ lưu) nhập vào sông Nhuệ, tổng chiều dài gần 13km. 

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: Đình Hiếu

Sông có các nguồn cấp nước chính từ nước Hồ Tây, sông Lừ, nguồn nước mưa, nước thải… dọc hai bên bờ sông. Trong hệ thống thoát nước Hà Nội, lưu vực Tô Lịch có mật độ dân cư rất cao. Nước thải sinh hoạt phát sinh đổ vào hệ thống sông Tô Lịch gây ô nhiễm nhiều năm qua, khiến dòng sông lịch sử trở thành dòng sông chết. 

Trong quá trình phát triển đô thị hóa, cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét trong khu vực nội đô đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống thoát nước chung của TP, có giá trị lịch sử, cảnh quan, kiến trúc và môi trường.

Hiện trạng các sông hiện đều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến nay TP chưa có giải pháp mang tính toàn diện để khắc phục, xử lý hiệu quả, triệt để. Do vậy, công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, phát triển đô thị đặt ra nhiệm vụ cấp thiết là phục hồi, “làm sống lại sông Tô, Kim Ngưu, Lừ, Sét”.

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành không gia văn hoá - tâm linh. Ảnh: JVE.

TP đã giao các sở, ngành kiểm tra, rà soát tổng thể các nội dung về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (quy hoạch thoát nước) được tích hợp trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) dọc hai bên sông Tô Lịch – Kim Ngưu – Lừ - Sét trong đó gắn với định hướng giải pháp môi trường, cảnh quan, giao thông, lịch sử văn hoá, thoát nước, xử lý nước thải…

“Việc xây dựng hầm ngầm kết hợp giao thông để tăng khả năng thoát nước của lưu vực với trận mưa đạt 500mm là có cơ sở trong bối cảnh thực trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra như hiện nay. Đồng nghĩa với việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ của sông Tô Lịch theo hướng trở thành một tuyến cảnh quan trong đô thị. 

Chức năng thoát nước của sông Tô Lịch được thay thế bằng hệ thống hầm ngầm dọc theo sông. Những nội dung đề xuất này cần được các sở, ngành của thành phố nghiên cứu đề xuất, tiếp cận có định hướng tốt. Thậm chí là tham khảo các ý kiến của chuyên gia và nhà khoa học. Chắc chắn là đề xuất này cần được nghiên cứu để điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tới đây”, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn nói.


https://vietnamnet.vn/de-xuat-bien-song-to-lich-thanh-ham-chong-ngap-va-cong-vien-van-hoa-2037711.html

..


"

Đây là một đề tài lớn và hay, nếu thực hiện được thì đây sẽ là điểm nhấn của Thủ Đô Hà Nội.
Có mấy vấn đề cần quan tâm như sau:
1- Cao Biền và những pháp thuật trấn yểm trên sông Tô Lịch.
2- Sự ảnh hưởng của Trấn Yểm Cao Biền đến khí vận Thăng Long Hà Nội và đời sống xã hội.
3- Phương pháp giải quyết triệt để trấn yểm của Cao Biền và phục hồi Long mạch cho Sông Tô Lịch và địa vận của Hà Nội.
Việc hoá giải trấn yểm thì tôi cùng viện tiềm năng con người, viện khảo cổ học đã đã hoá giải từ tháng 10 năm 2016. Hiện tại các pháp thuật và sự ảnh hưởng của trấn yểm Cao Biền đã hết, tuy nhiên phần cọc và các thi thể nhân trấn ở dưới vẫn cần phải giải quyết tiếp để sạch sẽ.
4- Cần kết nối lại Long mạch, làm sinh cơ để khí vận của Hà Nội phát triển tốt nhất trong quá trình thi công dự án.
5- Các hầm chứa nước và thoát nước cùng các tuyến đường ngầm đi xe ô tô phải đảm bảo không bị ảnh hưởng đến long mạch và khí vận của Hà Nội.
6- Các tượng đài các vị vua, các vị thánh được xây dựng trên công trình phải có sự tôn vinh chọn lọc cẩn thận để đảm bảo tính kế thừa văn hoá anh hùng dân tộc.
5- Đường đi bộ và hệ thống cây xanh phải đảm bảo kiến trúc văn hoá đặc trưng của các triều đại Việt Nam.
* Tôi đã có bài phát biểu trong hội thảo được rất nhiều người hưởng ứng và quan tâm. Tôi cũng trả lời phỏng vấn báo chí trong hội thảo này.
Tôi đã dành nhiều thời gian trao đổi cùng Thầy Lê Văn Lan nhà sử học chân chính người gốc Hà Nội năm nay Thầy đã 89 tuổi. Chúc thầy sống lâu trăm tuổi để chứng kiến những thời khắc lịch sử của đất nước.






https://www.facebook.com/huynh.luongngoc/posts/pfbid02MWi97sEmLZSLhWanr6NGLXftQUpsm8eaYJg6t8CAaaJyVrVAPTarFccYKeC2eZh8l

"

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.