Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/05/2022

Văn nghệ Thứ Bảy : sự trở lại của một người tài - học giả Nhượng Tống

Chúng ta đã lãng quên một người tài hoa Nhượng Tống trong một thời gian dài. Những năm đầu thế kỉ 21, nhắc đến Nhượng Tống, mà có nhiều người còn không biết, lại có nhiều người tưởng là một ông thi sĩ đời Tống nào đó bên Trung Quốc !

Những năm gần đây, trong thập niên thứ hai rồi đầu thập niên thứ ba của thế kỉ 21, chúng ta đang chứng kiến một sự trở lại của Nhượng Tống. 

Tư liệu đưa lên dần.

Tháng 5 năm 2022,

Giao Blog




---

CẬP NHẬT


1. Fb Bảo Thư (ngày 28/5/2022)

TƯ LIỆU MỚI VỀ NHƯỢNG TỐNG
Cuối năm 1926, nhóm văn sĩ trí thức gồm Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên) và Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống) lập tiệm sách (tùng thư) mang tên Nam Đồng Thư xã tại số 9, đường 96, đối diện làng Nam Tràng, gần hồ Trúc Bạch. Sự kiện này được sách báo đề cập đến nhiều lần.
Nhưng ai là người đầu tiên chủ trương lập Nam Đồng Thư xã thì chưa thấy lý giải. Bởi chắc chắn không thể ba văn sĩ trên cùng đồng thanh đưa ra quyết định.
Tôi cho là ý tưởng lập Nam Đồng Thư xã có lẽ đến từ Nhượng Tống. Quá trình tìm kiếm tư liệu cho việc tái bản cuốn "Tiếng thét Yên Bái" tôi phát hiện thông tin rất đáng chú ý. Đó là trước khi lập Nam Đồng Thư xã, Nhượng Tống và một người bạn đã từng lập tùng thư tương tự có tên Minh Trân xuất bản xã.
Tùng thư này lập năm nào và có địa chỉ ở đâu hiện chưa có thông tin. Nhưng "Minh Trân" là tên ghép của Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân) và Tống Sơn Minh, một dịch giả. Trong cuốn sách "Một tập văn lo nước thương dân của cụ Nguyễn Thượng Hiền" (Minh Trân xuất bản xã ấn hành, tháng Giêng năm 1926) cho thấy tùng thư này đã có kế hoạch in hai cuốn của Nhượng Tống là "Tiểu truyện và học thuyết Tôn Dật Tiên" và "Tiểu truyện và học thuyết Cam Địa (Gandhi)". Vì lý do nào đó mà Minh Trân dừng hoạt động nên hai cuốn sách trên không được in bởi tùng thư này. Rất có thể đây là lý do khiến Nhượng Tống chủ trương mở Nam Đồng Thư xã nối tiếp kế hoạch của mình. Vì thế, hai cuốn Tôn Dật Tiên và Cam Địa sau này được in bởi Nam Đồng Thư xã.
Điều này tạm thời đưa đến một kết luận: Nhượng Tống là người đưa ra ý tưởng và chủ trương thành lập Nam Đồng Thư xã.
Một lý giải khác về bút danh Nhượng Tống.
Đến nay chưa có xác quyết về bút danh Nhượng Tống của Hoàng Phạm Trân. Đa số lý giải hiện nay theo hướng: bút danh Nhượng Tống xuất phát từ bên sử bên Trung Quốc có ông Tống Ngọc nổi tiếng đẹp trai, tài hoa và cụ Hoàng Phạm Trân cũng tự tin về sự tài hoa của mình và (có lẽ) chỉ thua ông Tống Ngọc nên mới có tên Nhượng Tống, tức là nhường (Nhượng) ông Tống (Ngọc). Đây mới chỉ là phỏng đoán và chưa thể xác quyết.
Qua việc phát hiện Minh Trân Xuất bản xã khiến tôi băn khoăn. Liệu có phải bút danh Nhượng Tống có liên quan gì đến ông Tống Sơn Minh kia không? Có thể là nhường (Nhượng) ông Tống nhưng không phải Tống Ngọc mà là Tống Sơn Minh?
Đây cũng chỉ là phỏng đoán. Cần thêm tư liệu xác quyết.
Ảnh:
- Một ấn bản của Minh Trân xuất bản xã (Nguồn: https://gallica.bnf.fr/).
- Quảng cáo hiếm hoi sách của Nam Đồng thư xã trên Thực nghiệp dân báo





https://www.facebook.com/havu.hoang.16/posts/2411620315646526

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.