Hôm nay, ngày 1/3/2022, trang Fb Phủ Dầy - Vụ Bản - Nam Định vừa đưa tin mới nhất về các cổ vật mới được giám định tại Phủ Vân Cát thuộc quần thể Phủ Giầy (Dầy).
Trang Fb dẫn theo báo cáo của Bảo tàng Nam Định, cho biết: có 18 đạo sắc phong được ngụy tạo gần đây tại Phủ Vân Cát. Lấy đây là tin đầu tiên.
Các tin tức cập nhật sẽ được dán dần lên ở bên dưới như mọi khi.
Tháng 3 năm 2022,
Giao Blog
---
Tin ngày 1/3/2022 trên trang Fb Phủ Dầy - Vụ Bản - Nam Định
"
"
https://www.facebook.com/phuday.vn/posts/2554125101384456
---
CẬP NHẬT
4.
VHO- Đã gần 3 tuần kể từ khi Bảo tàng tỉnh Nam Định có văn bản Báo cáo kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát gửi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, trong đó có những kết luận như: Ngụy tạo sắc phong, đưa nhiều hiện vật mới vào di tích…, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy, nhưng đến nay, các bên có liên quan vẫn im lặng một cách khó hiểu.
Một trong những động thái đầy bất ngờ mà chúng tôi mới nhận được là ngày 2.3 vừa qua, ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng phòng VHTT huyện Vụ Bản đã ký văn bản số 55/VHTT-VH gửi ông Trần Văn Cường, Thủ nhang Phủ Vân Cát về việc trả lời đơn kiến nghị của ông này. Lưu ý, văn bản trên còn được gửi đến Sở VHTTDL Nam Định, UBND huyện để báo cáo.
Cảm ơn rồi để đó…
Trong văn bản, với thẩm quyền là đơn vị quản lý di sản văn hóa trên địa bàn huyện, ông Trung đã dùng những lời “hoa mỹ” để “tặng” ông Cường mà không hề đưa ra bất cứ biện pháp xử lý hay đề nghị nào theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa: “Ngày 22.2.2022, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã có văn bản số 26/BT-NCST gửi kèm theo Báo cáo số 21/BC-BT ngày 15.2.2022 của Bảo tàng tỉnh về kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại Phủ Dầy - Vân Cát gửi UBND huyện Vụ Bản, Phòng Văn hóa và TT, UBND xã Kim Thái. Tuy nhiên không gửi về ông Trần Văn Cường. Phòng Văn hóa và TT trân trọng kính gửi ông Trần Văn Cường Báo cáo số 21/BC-BT ngày 15.2.2022 của Bảo tàng tỉnh về kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại Phủ Dầy - Vân Cát thay cho việc trả lời kiến nghị của ông”.
Như đã đề cập từ những bài trước, căn cứ văn bản của Phòng VHTT huyện Vụ Bản, Biên bản làm việc giữa lãnh đạo Phòng VHTT huyện Vụ Bản với Thủ nhang Phủ Vân Cát Trần Văn Cường và đơn kiến nghị của ông Cường, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã thành lập Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát, và đi đến một số kết luận quan trọng: Theo kết quả nghiên cứu, 18 “đạo sắc phong” hiện đang được lưu giữ tại di tích Phủ Vân Cát không phải là bản gốc mà chỉ là các tờ tư liệu viết chữ Hán, Nôm được ngụy tạo, làm nhái, làm giả sắc phong của triều Hậu Lê và triều Nguyễn vào những thập niên đầu thế kỷ XXI. Nội dung của các tờ tư liệu này có nhiều điểm sai lệch, không có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Tiếp đến, căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu, có thể khẳng định đến thời điểm tháng 1.2022 tại di tích Phủ Vân Cát không có văn bia năm 1916 ghi nội dung “Phủ Dầy bắt nguồn từ Vân Cát” như Phòng VHTT huyện Vụ Bản nêu. Và thêm nữa, tự ý đưa thêm nhiều hiện vật mới vào di tích khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép…
Là một trong những thành viên trong Tổ công tác, ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng phòng VHTT huyện Vụ Bản đã biết quá rõ những kết luận trên, đồng thời còn cho biết tại biên bản của Tổ khảo sát: “Tôi nhất trí với kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát… Tôi cảm ơn các nhà khoa học ở Trung ương và Tổ công tác của Bảo tàng đã khảo sát, nghiên cứu làm sáng tỏ những nội dung kiến nghị để Phòng VHTT huyện Vụ Bản tham mưu với chính quyền quản lý di tích được tốt hơn”. Thế nhưng, đến thời điểm này, ông Trung không mảy may có kiến nghị, đề xuất gì với lãnh đạo chính quyền địa phương để xử lý những tồn tại và cả những vi phạm tại di tích Phủ Vân Cát mà Tổ công tác cũng như Bảo tàng tỉnh đã chỉ ra.
Đáng lẽ, với chức năng và trách nhiệm của mình, ông Trung sẽ viện dẫn các quy định pháp luật về Di sản văn hóa, quy chế quản lý di tích trên địa bàn huyện để tham mưu với cấp có thẩm quyền xử lý những sắc phong ngụy tạo, làm nhái, làm giả, đồng thời chấn chỉnh việc đưa hiện vật mới vào di tích Phủ Vân Cát, thì ông lại chuyển Báo cáo của Tổ công tác đến ông Cường với sự “trân trọng”. Khôi hài hơn, trước đó trong văn bản do mình ký, ông Trung còn “ca ngợi” Thủ nhang Trần Văn Cường là “thể hiện trách nhiệm của người trông coi, bảo vệ di tích cũng như việc thực hiện tốt Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phù Dầy của huyện đã ban hành…”. Có ý kiến cho rằng, đây chẳng khác nào là hành vi “tiếp tay” cho việc làm sai lệch giá trị lịch sử của di tích, cũng như vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Không thể xử lý được sao?
Đến đây chúng tôi tự hỏi, nếu không có những lá đơn kiến nghị của ông Trần Văn Cường và văn bản của Phòng VHTT huyện Vụ Bản theo kiểu “lạy ông tôi ở bụi này” thì liệu cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa cấp tỉnh Nam Định có biết được những sự thật… bất ngờ tại di tích Phủ Vân Cát, thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy?
Khi những thông tin xung quanh việc khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát được đăng tải, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hóa đã gọi điện trao đổi với chúng tôi, bày tỏ thái độ bức xúc trước hành vi ngụy tạo, làm nhái, làm giả tới 18 sắc phong. Vì, “hành vi ngụy tạo sắc phong là phá hoại yếu tố gốc của di sản văn hóa, làm biến chất, làm sai lạc giá trị lịch sử”, cần phải được xử lý nghiêm dù nó xuất phát từ động cơ gì đi chăng nữa. Không những vậy, người trông coi Phủ Vân Cát đã tự ý đưa nhiều hiện vật vào di tích khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, dẫn đến làm sai lệch giá trị lịch sử, văn hóa của di sản. Đó còn là chưa nói đến việc “tạo dựng” văn bia rồi đi đến nhận định “Phủ Dầy bắt nguồn từ Phủ Vân Cát”, gây ảnh hưởng đến hồ sơ đã xếp hạng.
Một chuyên gia nhấn mạnh, “những tồn tại, hạn chế, vi phạm mới phát hiện tại di tích Phủ Vân Cát là nghiêm trọng cần phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý di sản từ cấp tỉnh đến cấp xã để xử lý nghiêm, bởi nơi đây không chỉ là di tích cấp quốc gia mà còn là không gian văn hóa thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đã được UNESCO đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Còn ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định thì cho biết: Có thể nói, quá trình lập hồ sơ di tích đã làm sáng tỏ các giá trị vật thể và phi vật thể của quần thể di tích Phủ Dầy, đồng thời cũng là quá trình tư liệu hóa thông tin về di tích để lưu giữ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Di tích Phủ Dầy với những giá trị đặc sắc đã trở thành tài sản quốc gia và là một bộ phận di sàn văn hóa của nhân loại. “Việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích phải trên cơ sở khoa học và tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Cần xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng di sản để trục lợi cũng như tuyên truyền sai lệch bản chất của di sản, nhất là việc làm giả mạo các tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa của di tích, tự ý đưa các yếu tố mới vào di tích khi chưa được phép của cơ quan văn hóa có thẩm quyền”, ông Thư nói.
Thế nhưng, không hiểu vì sao đến thời điểm này, Sở VHTTDL Nam Định vẫn chưa có bất kỳ động thái nào trong việc đề nghị các cấp chính quyền huyện Vụ Bản vào cuộc, xử lý nghiêm, ngoài việc yêu cầu Bảo tàng tỉnh gửi Báo cáo của Tổ công tác về kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát về huyện, xã… để biết. Phải chăng vì đã có quyết định phân cấp quản lý di tích về huyện, thành phố nên Sở không cần phải “đụng tay” giám sát, kiểm tra, xử lý những tồn tại, vi phạm tại di tích? Nếu quả thật điều này là đúng, thì trong chừng mực nào đó, cơ quan chức năng cấp tỉnh chưa đánh giá hết tính chất nghiêm trọng của những tồn tại, hạn chế đã, đang xảy ra tại di tích Phủ Vân Cát.
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi có những thông tin mới.
Việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích phải trên cơ sở khoa học và tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Cần xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng di sản để trục lợi cũng như tuyên truyền sai lệch bản chất của di sản, nhất là việc làm giả mạo các tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa của di tích, tự ý đưa các yếu tố mới vào di tích khi chưa được phép của cơ quan văn hóa có thẩm quyền. (Ông NGUYỄN VĂN THƯ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định) |
3. Ngày 6/3/2022, truyền hình VOV
0 lượt xem
6 thg 3, 2022
Đâu là “Phủ Chính” trong quần thể Di tích Phủ Dầy huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định?
Hàng năm, Lễ hội Phủ Dầy diễn ra vào ngày 6 - 8/3 âm lịch, thu hút lượng lớn du khách thập phương về chiêm bái và lễ Mẫu. Thời gian qua, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định đã nhận được nhiều đơn đề nghị của cả hai phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát được treo biển là "Phủ chính". Vậy đâu mới là phủ chính?
Phủ Tiên Hương - nơi diễn ra Chương trình biểu diễn Chầu văn, hầu đồng (nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu) cho hơn 20 vị đại sứ, đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng trong nước.
Tấm biển “Phủ chính” được treo trang trọng ngay lối vào phủ. Theo nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ - Thủ nhang phủ Tiên Hương, trong phủ còn lưu giữ nhiều hiện vật đều có tên gọi Phủ Chính. Cụ thể, quả Chuông đời vua Thành Thái niên đại năm 1896 khắc 4 chữ Phủ Chính Tiên Hương. Hệ thống 8 bia cổ niên đại từ năm 1892 đến 1914 đều ghi nhận di tích Phủ Tiên Hương gắn liền với tên Phủ Chính. Đặc biệt, một con dấu bằng đồng niên đại cuối thế kỷ 19 cũng có ghi "Phủ chính".
Cách đó không xa, Phủ Vân Cát cũng nằm trong quần thể di tích Phủ Dầy, 3 tấm biển “Phủ chính Phủ Dầy” được treo trên cửa chính và 2 cửa phụ ở Phủ. Tuy nhiên, theo Kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tự tại di tích Phủ Vân Cát của Tổ khảo sát Bảo tàng Nam Định thì trong 19 tờ sắc phong đang lưu giữ tại phủ Vân Cát có 1 đạo sắc phong gốc, niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887) không liên quan đến di tích phủ Vân Cát, 18 tờ tư liệu chữ Hán đều được làm giả, làm nhái, nội dung có nhiều điểm ngụy tạo, sai lệch lịch sử, văn hóa, khoa học; Không có văn bia năm 1916 có nội dung “Phủ Dầy bắt nguồn từ Vân Cát”, một số hiện vật khác cũng như lịch sử xây dựng phủ Vân Cát được các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở Trung ương và các đơn vị phòng chức năng của Bảo tàng, sở VHTTDL tỉnh Nam Định đánh giá không có đủ cơ sở khoa học để phủ Vân Cát có tên là phủ Chính.
Mặc dù phủ Vân Cát không có đủ cơ sở khoa học nhưng vẫn treo biển “Phủ Chính Phủ Dầy”. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Truyền hình VOV đã liên hệ với ông Vũ Quang Trung, Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Vụ Bản thì được biết, đơn vị đã nhiều lần nhắc nhở Thủ nhang phủ Vân Cát gỡ biển xuống nhưng không được chấp hành.
Việc treo biển di tích không đúng tên gọi lịch sử, không đúng quy định tại phủ Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Đề nghị các cấp chính quyền địa phương chấn chỉnh hành vi treo biển này, đồng thời xử lý nghiêm minh, dứt điểm hành vi làm giả, làm nhái, ngụy tạo chứng cứ, dẫn đến sai lệch giá trị lịch sử và làm biến dạng giá trị văn hóa của di tích theo luật di sản và các luật liên quan.
Thu Hương –Trọng Khánh
https://truyenhinhdulich.vn/video/dau-la-phu-chinh-trong-quan-the-di-tich-phu-day-huyen-vu-ban-tinh-nam-dinh-21994.html?fbclid=IwAR3obkiP89AuUQxOLcDnGiJHPux_K1J9E4WlujRhncGc-G2yeYldxi1XBUc
2. Ngày 4/3/2022, bài số 2 của báo Văn hóa
VHO- “Với tư cách chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương cần xử lý nghiêm đối với các sản phẩm ngụy tạo là 18 tờ tư liệu hiện đang được giữ trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát theo Luật Di sản văn hóa và các luật liên quan”.
Một trong những "sắc phong" ngụy tạo (Ảnh: Tổ công tác cung cấp)
TS Chu Xuân Giao, thành viên Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát, thẳng thắn đề nghị.
Chỉ có thể lừa người không hiểu biết về sắc phong
Tuy nhiên, vấn đề đang được dư luận quan tâm là, 18 cái gọi là “đạo sắc phong” đó từ đâu mà có và căn cứ vào đâu mà Thủ nhang di tích Phủ Vân Cát lại lớn tiếng cho rằng đó là “tài sản văn hóa quốc gia” cần được bảo vệ? Hơn nữa, họ làm ra những sản phẩm “rởm” nhằm mục đích gì, và vì sao Phòng VHTT huyện Vụ Bản chưa tiến hành xem xét, thẩm định mà đã “tố” ngay cơ quan chức năng tỉnh Nam Định: “18 đạo sắc phong của Phủ Vân Cát không được thống kê tại cuốn Lý lịch di tích”?
Như đề cập từ bài trước, ngày 10.1.2022, ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng phòng VHTT huyện Vụ Bản ký văn bản số 06/VHTT-DT gửi Sở VHTTDL, Bảo tàng Nam Định và UBND huyện này, trong đó xác quyết: “18 đạo sắc phong của Phủ Vân Cát không được thống kê tại cuốn Lý lịch di tích”. Khi tiếp nhận văn bản, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định cho biết, lúc đó khá băn khoăn và tự đặt câu hỏi, “Vì sao cán bộ tiến hành kiểm kê hiện vật làm hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL xem xét, xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 2020 lại bỏ sót những hiện vật này?”. Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng nên trong quyết định thành lập Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát, ông Thư đã mời TS Chu Xuân Giao, một trong những chuyên gia về Hán, Nôm và sắc phong tham gia. “Quả thật, nếu 18 đạo sắc phong không được thẩm định, thống kê đưa vào cuốn Lý lịch di tích là một thiếu sót lớn của cán bộ làm chuyên môn”, ông Thư chia sẻ.
Là người nhận trách nhiệm của Tổ công tác khảo sát nhóm tư liệu được bảo quản trong hộp đựng sắc phong, TS Chu Xuân Giao cho biết, ngày 22.1.2022, dưới sự giám sát của các bên gồm đại diện UBND huyện Vụ Bản, UBND xã Kim Thái, các thành viên Tổ công tác, nhà đền, Thủ nhang Phủ Vân Cát đã hạ hộp đựng sắc phong từ trong hậu cung xuống, đưa ra phòng khách. Trong khoảng hai giờ đồng hồ, Tổ công tác đã tiến hành khảo sát tỉ mỉ, đo đạc kích thước từng tờ tư liệu, sau đó chụp ảnh kỹ thuật số theo số thứ tự từ 1 đến 19. Khi công việc khảo sát xong, toàn bộ nhóm tư liệu đã được Thủ nhang đưa trở lại hộp đựng sắc phong. Theo TS Giao, thật ra là có 19 tờ tư liệu chứ không phải 18, gồm 1 đạo sắc phong mang niên đại Đồng Khánh 2 (1887) cho xã Lệ Thủy, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nội. 18 tờ tư liệu còn lại được xem là tư liệu liên quan đến Phủ Vân Cát và “không được thống kê tại cuốn Lý lịch di tích” như trong văn bản của Phòng VHTT huyện Vụ Bản đã đề cập.
TS Chu Xuân Giao xác định, 18 tờ tư liệu được xem là liên quan đến Phủ Vân Cát có hai loại chính. Loại thứ nhất là tư liệu ông đã được biết từ nhiều năm trước. Loại này chỉ có 1 tờ duy nhất (tờ số 19) được ông khảo sát và chụp ảnh kỹ thuật số vào ngày 25.6.2011. Theo ông, đây là bản làm nhái sắc phong nhưng thể hiện rõ là đang làm nhái (có ghi rõ chữ “thừa sao” trong lòng sắc, đồng thời đóng dấu đỏ ở dòng niên đại chỉ để mờ mờ mang tính tượng trưng). Loại thứ 2 là tư liệu mới được ông tiếp xúc lần đầu. Loại này gồm 17 tờ tư liệu còn lại (từ tờ số 1 - 17), tất cả đều là bản làm nhái sắc phong nhưng không thể hiện rõ là đang làm nhái.
“Có thể nói tổng quát rằng, giấy, hoa văn, nhũ, chữ viết, con dấu Sắc mệnh chi bảo và Tiên nhu chi bảo của 17 tờ tư liệu này đều được làm mới (trong thời gian gần đây). Hiện tôi biết rõ và muốn cảnh báo về phong trào chế tác sắc phong nhái ở nhiều nơi trên toàn quốc, ví dụ phôi viết sắc phong nhái thời Lê hay thời Nguyễn đã và đang được rao bán một cách hồn nhiên trên mạng. Bởi vậy, cần thiết phải nói rõ rằng, đây là 17 bản làm nhái sắc phong mới đây. Các bản nhái cố gắng làm giống với sắc phong cho bách thần của các triều đại quân chủ Việt Nam, nhưng bao giờ cũng vậy, đồ làm nhái luôn để lại nhiều điều bất thường, thậm chí là khôi hài. Những điểm bất thường đó có thể đánh lừa được người không hiểu biết về sắc phong, chứ không thể qua được mắt của nhà chuyên môn”, TS Giao cho hay.
Chúng là sản phẩm ngụy tạo ở đầu thế kỷ XXI
Ông Giao nhấn mạnh, 18 tờ tư liệu trong hòm đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát hiện nay (đang được phía nhà đền Phủ Vân Cát xem là “18 đạo sắc phong”) đều là sản phẩm nhái. Trao đổi với chúng tôi về 1 bản làm nhái sắc phong trước đây (tờ tư liệu đánh số 19) và những điểm “bất thường” trên đó, TS Giao cho biết, tờ tư liệu này tự thể hiện là một bản sao của sắc phong có niên đại Bảo Đại 17 (1942) cho thôn Vân Cát của xã An Thái, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, được phụng thờ Liễu Hạnh Công chúa. Nguyên văn dòng địa chỉ nhận sắc là “Nghĩa Hưng phủ Thiên Bản huyện An Thái xã Vân Cát thôn”. Quả là khôi hài và cho thấy sự không trung thực của bản sao, bởi theo ông Giao, “thời điểm năm 1942 không có huyện Thiên Bản, vì đã được đổi thành Vụ Bản từ rất lâu rồi”.
TS Chu Xuân Giao nhớ lại, vào ngày 25.6.2011, ông cùng với một nhóm chuyên gia tới thăm Phủ Vân Cát. Đón tiếp đoàn lúc đó là Thủ nhang Trần Văn Bái và ba vị bô lão địa phương. Tại đây, TS Giao hỏi ông Bái về tư liệu cũ của Phủ Vân Cát và được cho biết Phủ không còn giữ được đạo sắc phong nào. Lát sau, con trai của Thủ nhang là anh Trần Văn Cường xuất hiện và mang ra một hòm đựng sắc phong cho đoàn công tác xem. Trong hòm có mấy bản làm nhái sắc phong nhưng không thể hiện rõ là bản làm nhái và một bản làm nhái nhưng thể hiện rõ là đang làm nhái (như tờ tư liệu số 19). Còn lần này, ngày 22.1.2022, ông chỉ thấy bản làm nhái sắc phong nhưng thể hiện rõ là đang làm nhái (tờ tư liệu số 19), còn các tờ làm nhái sắc phong khác thì không còn nữa.
Vậy, đối với 17 bản làm nhái sắc phong gần đây thì sao? TS Chu Xuân Giao cho biết, do toàn bộ đều là bản làm nhái sắc phong nên niên đại (niên hiệu các thời vua thời Lê và thời Nguyễn) và con dấu Sắc mệnh chi bảo đều là giả mạo. Về thực chất thì các niên đại ghi trên các bản làm nhái sắc phong không hề có trên thực tế. “Để chứng minh tường tận từng bản làm nhái sắc phong mới đây thì dài lắm, phải liệt kê qua mấy trang. Muốn biết tường tận thì đến Bảo tàng Nam Định mượn bài Tổng thuật về nhóm tư liệu được bảo quản trong hộp đựng sắc phong tại Phủ Vân Cát do tôi thực hiện năm 2022. Còn chốt lại thì như thế này: Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát, tôi khẳng định 18 tờ tư liệu giữ trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát tại thời điểm ngày 22.1.2022 không phải là “18 đạo sắc phong” mà chỉ là “18 tờ tư liệu làm nhái sắc phong - là sản phẩm ngụy tạo ở đầu thế kỷ XXI”, và TS Chu Xuân Giao còn nói thêm: “Là một học giả có nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tôi có suy nghĩ rằng, các sản phẩm ngụy tạo này cần được xử lý nghiêm minh và dứt điểm (như tịch thu tang vật), nếu không thì sẽ để lại di hại khôn lường trong tương lai, làm lẫn lộn thật giả, sai lệch giá trị lịch sử và làm biến dạng giá trị văn hóa của di tích".
Đến thời điểm này, nhiều người biết cái gọi là “18 đạo sắc phong” kia là từ đâu ra nhưng vẫn chưa thể “điểm mặt chỉ tên”, mặc dù đã có cá nhân đứng ra thừa nhận. Đáng nói nữa, bản thân Thủ nhang Trần Văn Cường cũng biết rõ xuất xứ của các sản phẩm rởm ấy nhưng vẫn cứ “lớn tiếng”... Điều mà dư luận quan tâm và cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ là họ ngụy tạo ra chúng để nhằm vào mục đích gì?
Là một học giả có nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tôi có suy nghĩ rằng, các sản phẩm ngụy tạo này cần được xử lý nghiêm minh và dứt điểm (như tịch thu tang vật), nếu không thì sẽ để lại di hại khôn lường trong tương lai, làm lẫn lộn thật giả, sai lệch giá trị lịch sử và làm biến dạng giá trị văn hóa của di tích. TS CHU XUÂN GIAO |
Vũ Dương
http://vanhoaonline.com.vn/van-hoa/artmid/428/articleid/50756/xung-quanh-viec-khao-sat-nghien-cuu-nhung-hien-vat-tai-di-tich160phu-van-cat160nam-dinh160bai1602160ven-buc-man-%e2%80%9c18-dao-sac-phong%e2%80%9d
1. Ngày 02/3/2022, báo Văn hóa
VHO- Sau hơn một tháng làm việc, Tổ công tác gồm nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu ở Trung ương và các đơn vị phòng, ban chức năng của Bảo tàng, Sở VHTTDL Nam Định đã dần bóc tách, làm rõ nghi vấn về một số hiện vật, cũng như những “cáo buộc” rằng, việc thống kê hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát là “không khách quan, mang tính chất phiến diện, không đúng với giá trị về lịch sử”. Đáng chú ý hơn, có những hiện vật nơi đây được người ta gọi là “tài sản quốc gia cần được bảo vệ” đã bị giới chuyên môn “lột mặt nạ”…
BÀI 1: Nội dung kiến nghị là có cơ sở?
Ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện Vụ Bản, người ký văn bản số 06/VHTT-DT ngày 10.1.2022 gửi Sở VHTTDL, Bảo tàng Nam Định đề nghị cần phải tiến hành khảo sát, thống kê lại hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát, đã phải thừa nhận: “Do không có chuyên môn nên có một số sai sót… do lỗi vi tính!” sau khi Tổ công tác đưa ra đánh giá, kết luận.
Bên ngoài Phủ Vân Cát
“Những hiện vật rất có giá trị về văn hóa cần được thống kê”
Giám đốc Bảo tàng Nam Định Nguyễn Văn Thư cho chúng tôi biết, khoảng trước Tết Nguyên đán vừa qua, ông Trần Văn Cường, Thủ nhang di tích Phủ Vân Cát có đến đơn vị và “lớn tiếng” rằng, vì sao trong đợt khảo sát, nghiên cứu tên gọi di tích năm 2018, một số hiện vật, tư liệu tại di tích Phủ Vân Cát không được thống kê, đưa vào hồ sơ khoa học. Khi nắm được thông tin, ông Thư đề nghị ông Cường báo cáo với chính quyền xã, huyện vì hiện đã có quyết định phân cấp quản lý di tích. Nếu có vấn đề xã, huyện sẽ có văn bản gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Ngày 10.1.2022, ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng phòng VHTT huyện Vụ Bản ký văn bản gửi Sở VHTTDL, Bảo tàng Nam Định về việc đề nghị khảo sát, thống kê hiện vật. Tại văn bản này, ông Trung cho biết: “Qua nội dung kiến nghị và đối chiếu cuốn Báo cáo kết quả khảo sát, nghiên cứu tên gọi di tích năm 2018 và thực tế tại di tích thì một số hiện vật, tư liệu không được thống kê, thống kê chưa đúng trong cuốn Lý lịch di tích và cuốn Tư liệu Hán Nôm Khu di tích Kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy… năm 2020, cụ thể như sau: 18 đạo sắc phong của Phủ Vân Cát không được thống kê tại cuốn Lý lịch di tích. Bia đá (1916) rất có giá trị về lịch sử, nội dung có ghi “Phủ Dầy bắt nguồn từ Vân Cát”. Tượng Tam Tòa Thánh Mẫu được đánh giá thời Nguyễn, chất liệu bằng đồng không được đưa vào hồ sơ. Tượng Tam Tòa Thánh Mẫu từ trước đến nay đều được đặt trong cung cấm nhưng hồ sơ lại nêu “để ở cung bên ngoài” của Phủ Vân Cát; Cỗ ngai tại cung giám sát, theo kết quả đánh giá có từ thời Lê, chỉ Phủ Vân Cát mới có; Lọ độc bình trong cung cấm được đánh giá từ thời Nguyễn, có ghi trên bình nội dung “Vân Cát Khải Thánh từ”… Việc kiến thiết, theo như tài liệu, Phủ Vân Cát trước là ngôi miếu lợp bằng cỏ, tường đất có từ năm 1642, đến năm 1663 (thời Lê Cảnh Trị) được lợp ngói nhưng trong cuốn Lý lịch di tích lại ghi là Phủ Tiên Hương…”.
Cũng trong văn bản này, ông Trung còn nhấn mạnh, “những nội dung kiến nghị của ông Trần Văn Cường thể hiện trách nhiệm của người trông coi, bảo vệ di tích cũng như thực hiện tốt Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy của huyện đã ban hành, những hiện vật trên rất có giá trị về văn hóa cần được thống kê, tổng hợp để bảo vệ và phát huy, tránh thất thoát”. Trước đó, đơn kiến nghị của ông Trần Văn Cường gửi UBND huyện Vụ Bản có viết: Việc thống kê một số hiện vật như bia đá, sắc phong, tập ảnh khảo tả, lý lịch, câu đối đại tự, tượng pháp, cỗ ngai… cùng các tài liệu có liên quan đến các di tích trong quần thể Phủ Dầy của BQL di tích và danh thắng tỉnh Nam Định lập lên để trình Bộ VHTTDL có biểu hiện sai về nguyên tắc, không khách quan, mang tính chất phiến diện, không đúng với giá trị về lịch sử… Ông Cường còn chua thêm, những hiện vật mà ông Trung đã nêu ở trên “là tài sản quốc gia, cần được thống kê, bảo vệ, quản lý để tôn vinh giá trị lịch sử của di tích, nhưng quá trình xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTTDL thì Ban quản lý di tích và danh thắng Nam Định (nay là Bảo tàng Nam Định) không đưa vào”.
Không có cơ sở cũng không có căn cứ
Trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của Phòng VHTT huyện Vụ Bản, để đảm bảo nghiêm túc, khách quan, ông Nguyễn Văn Thư đã ra quyết định thành lập Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về Hán Nôm, cổ vật ở Trung ương, địa phương và bản thân ông Vũ Quang Trung cũng là thành viên.
Sau hơn một tháng tích cực làm việc, Tổ công tác đã đưa ra những nhận xét, đánh giá và đi đến kết luận về nhiều vấn đề, trong đó có những nội dung rất đang được quan tâm. Đơn cử về văn bia năm 1916 có nội dung “Phủ Dầy bắt nguồn từ Vân Cát”, Tổ công tác cho biết, hiện nay tại di tích phủ Vân Cát đang lưu giữ 11 văn bia (9 bia khắc chữ Hán Nôm, 2 bia khắc chữ quốc ngữ) đều được thống kê trong Bản thống kê hiện vật. 9 bia khắc chữ Hán đã được phiên âm, dịch nghĩa, chú thích trong tập Tư liệu Hán Nôm của Hồ sơ xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy năm 2020. Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu có thể khẳng định, đến thời điểm tháng 1.2022, tại di tích Phủ Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản không có văn bia năm 1916 ghi nội dung “Phủ Dầy bắt nguồn từ Vân Cát”. Vì vậy, nội dung đề nghị của Phòng VHTT huyện Vụ Bản như trong văn bản là hoàn toàn không có cơ sở.
Về các hiện vật và đồ thờ tự khác, Tổ công tác cũng đã khảo sát, nghiên cứu tổng số 29 hiện vật bao gồm: 12 hiện vật chất liệu đồng; 7 hiện vật chất liệu gỗ; 7 hiện vật chất liệu gốm sứ; 1 hiện vật chất liệu đá; 1 hiện vật chất liệu ngọc; 1 hiện vật chất liệu ngà. Trong số đó, có 17 hiện vật đã được thống kê tại Bản thống kê hiện vật của Hồ sơ xếp hạng năm 2020 và 12 hiện vật chưa được thống kê. Trong số 12 hiện vật chưa thống kê thì có 4 hiện vật trước khi lập hồ sơ xếp hạng năm 2020 không có tại di tích, 2 hiện vật cơ quan chuyên môn chưa được tiếp cận trong quá trình lập hồ sơ xếp hạng; 6 hiện vật vốn có tại di tích nhưng cũng chưa thống kê.
Kết quả nghiên cứu, giám định 29 hiện vật cũng cho biết, có 1 hiện vật thế kỷ XVIII, 9 hiện vật thế kỷ XIX, 4 hiện vật cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, 3 hiện vật đầu thế kỷ XX, 2 hiện vật thế kỷ XX, 10 hiện vật mới. Trong 17 hiện vật đã thống kê tại Bản thống kê hiện vật của hồ sơ xếp hạng năm 2020, có 8 hiện vật lệch niên đại so với kết quả giám định của Tổ công tác. Đáng chú ý, quá trình nghiên cứu, đối chiếu hồ sơ khoa học của di tích Phủ Vân Cát qua các năm cho thấy, số lượng hiện vật, đồ thờ tự có sự dao động (năm 1982: 141 hiện vật; năm 1996: 139 hiện vật; năm 2020: 302 hiện vật), trong đó có nhiều hiện vật mới được bổ sung giai đoạn gần đây.
Trên cơ sở này, Tổ công tác nhận định, trong quá trình lập hồ sơ xếp hạng năm 2020, cơ quan chuyên môn đã thống kê những hiện vật quan trọng, số ít hiện vật có tính động hoặc những hiện vật mới, ít có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ hạn chế không thống kê vào hồ sơ. Các hiện vật như tượng Tam Tòa Thánh Mẫu, ngai, lọ độc bình, chuông, khánh, câu đối, tượng thờ tại ban Sơn Trang được đề nghị trong văn bản số 06/VHTT-DT của Phòng VHTT huyện Vụ Bản cơ bản đã đưa vào Bản thống kê hiện vật của hồ sơ xếp hạng năm 2020. Những hiện vật còn lại mới được đưa vào di tích hoặc trong quá trình lập hồ sơ năm 2020, cơ quan chuyên môn chưa được tiếp cận nên không thống kê. Một số hiện vật như lọ độc bình, chóe, khánh, lư hương chất liệu gốm sứ và chất liệu đồng trên thân khắc chữ Hán “Vân Cát chính từ”, “Vân Cát tích chính linh từ”, “Vân Cát đản sinh chính từ”, “Thánh Mẫu cố trạch chính từ”, “Vân Cát giáng sinh chính từ”, “Vân Cát khải thánh từ”, “Vân cát khải thánh chính từ” đều là các chữ được khắc sau khi chế tạo hiện vật, không phải “tự nó”.
Đối với nội dung lịch sử xây dựng Phủ Vân Cát, Tổ công tác cho biết, theo nội dung văn bia “Thánh Mẫu cố trạch linh từ bi ký” (Bia ghi việc đền thiêng nơi nền nhà cũ của Thánh Mẫu) niên hiệu Thành Thái Tân Sửu (1901) hiện đang lưu giữ tại di tích, Phủ Vân Cát được xây dựng vào niên hiệu Cảnh Trị (1663- 1671); trùng tu, mở rộng vào thời Cảnh Thịnh (1793-1801), Tự Đức Kỷ Mão (1879), Thành Thái 10 (1898), Thành Thái 12 (1900). Như vậy, căn cứ vào tư liệu tại di tích, thông tin “Phủ Vân Cát trước là ngôi miếu lợp bằng cỏ, tường đắp đất có từ năm 1642” được đề cập trong văn bản số 06/VHTT-DT ngày 10.1.2022 của Phòng VHTT huyện Vụ Bản là không có căn cứ.
Vũ Dương
http://baovanhoa.vn/van-hoa/artmid/428/articleid/50682/xung-quanh-viec-khao-sat-nghien-cuu-nhung-hien-vat-tai-di-tich-phu-van-cat-nam-dinh-he-lo-nhung-su-that-bat-ngo
..
---
BỔ SUNG
2. Năm 2019, số sắc phong ngụy tạo của Phủ Vân Cát đã xuất hiện trong một chương trình của VTC6:
"
Sắc phong ngụy tạo đã xuất hiện trong chương trình của VTC6 từ năm 2019 (Giao Blog lưu tạm từ 11/3)
11 thg 3, 2022
"
YouTube đã đăng tải từ tháng 4 năm 2019:
"
"
https://www.youtube.com/watch?v=l0oXVfzPGu4
1. Năm 2019
NDĐT - Thời gian qua, Nhân Dân điện tử nhận được đơn của đại diện dòng họ Trần Lê ở thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định) phản ánh việc phủ Vân Cát thuộc quần thể di tích Phủ Dầy (cùng trên địa bàn) tự ý đặt các biển, bảng, băng-rôn không đúng với tên trong xếp hạng di tích; đồng thời kiến nghị làm rõ 18 đạo sắc phong ở phủ Vân Cát được cho là “mới”, không đúng lịch sử, thần phả của các triều đại ban tặng cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Làm rõ vướng mắc về bảng biển, sắc phong
Ông Trần Lê Thịnh, trưởng họ Trần Lê cho biết: Quần thể di tích Phủ Dầy được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1975, gồm gần 20 điểm di tích đền, phủ, chùa, lăng gắn liền sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Trong quần thể, có ba di tích chính, gồm phủ Tiên Hương và lăng Liễu Hạnh (ở thôn Tiên Hương) và phủ Vân Cát (ở thôn Vân Cát).
Từ tên gọi qua nhiều thời kỳ là “phủ Vân Cát”, đầu năm 2018, ông Trần Văn Cường, thủ nhang phủ Vân Cát tự ý tiến hành treo nhiều biển, bảng, băng-rôn có nội dung “Phủ Dầy - Phủ chính Vân Cát (nơi Thánh Mẫu giáng sinh)” trước phủ và trên các con đường dẫn vào phủ từ quốc lộ 10 hay quốc lộ 38B. Việc này không có sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Theo ông Trần Lê Thịnh, căn cứ vào gia phả họ tộc Trần Lê, dòng họ này ở thôn Tiên Hương là hậu duệ nhiều đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Dòng họ Trần Lê từ lâu đã lưu giữ, trông coi gia phả, lăng tẩm, từ đường, bia đá… liên quan nguồn gốc hậu duệ Thánh Mẫu. Thôn Vân Cát không có dòng họ Trần Lê, nên việc nhận là “nơi Thánh Mẫu giáng sinh” là không đúng sự thật.
Ông Thịnh cho rằng, theo lịch sử, khái niệm “phủ chính” thuộc về phủ Tiên Hương. Trong bia đá, bát nhang, lộc bình, con dấu đều ghi rõ hai từ này. Tại tấm bia thuộc đời vua Duy Tân của nhà Nguyễn, có dòng “Phụng sự tu lý, Tiên Hương phủ chính linh từ”. Trên con dấu của phủ cũng có hai từ “phủ chính”. Vậy, việc ông Trần Văn Cường cho treo bảng, biển “Phủ chính Vân Cát” cũng không có cơ sở.
Theo đại diện dòng họ Trần Lê, ngoài chuyện tên gọi, phủ Vân Cát còn đưa ra “18 sắc phong mới” để thu hút du khách. Nếu như phủ Tiên Hương còn lưu giữ được bảy trong số 15 đạo sắc phong cổ của các đời vua ban tặng Thánh Mẫu, được Bảo tàng tỉnh Nam Định hỗ trợ bồi dán, bảo quản, thì 18 đạo sắc phong của phủ Vân Cát chưa hề xuất hiện trước đây, được viết không đúng quy chuẩn về hình thức, câu chữ, con dấu.
Làm việc với phóng viên, ông Trần Văn Cường, thủ nhang phủ Vân Cát thừa nhận việc tự ý đặt tên “phủ chính”. Theo ông Cường, từ xưa hai phủ đều là những di tích quan trọng của Quần thể di tích Phủ Dầy, không phân biệt chính - phụ. Tuy nhiên do hơn 10 năm nay, phủ Tiên Hương treo bảng, biển “phủ chính”, ông cũng phải làm vậy để “đòi lại công bằng”.
Về cụm từ “nơi Thánh Mẫu giáng sinh”, ông Cường cho rằng từ hàng trăm năm trước, hai thôn Vân Cát, Tiên Hương là một (thuộc xã An Thái, huyện Thiên Bản), đến đầu thời nhà Nguyễn mới tách ra, xây phủ riêng thờ Thánh Mẫu. Vì vậy, thôn Vân Cát cũng là nơi Thánh Mẫu giáng sinh.
Về 18 đạo sắc phong, ông Cường cho biết: “Trước năm 2013, khi tôi làm thủ nhang của phủ Vân Cát, cha tôi (ông Trần Văn Bái, làm thủ nhang từ năm 2007 đến năm 2013 - PV) đã thu thập các tài liệu cổ, phục chế lại 18 đạo sắc phong đều đã thất lạc trong lịch sử. Sau đó, 18 đạo sắc phong được phục chế này chỉ được lưu giữ trong phủ để thờ. Giữa năm 2018, do đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) Nam Định yêu cầu kiểm kê các di sản, đồ vật, tôi mới cung cấp”. Ông Cường khẳng định 18 đạo sắc phong đều có giá trị lịch sử, văn hóa, không phải “tự chế ra” để thu hút du khách.
Sự chậm trễ của cơ quan chức năng
Được biết, dòng họ Trần Lê đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền và cơ quan chức năng về việc phủ Vân Cát tự ý đặt bảng biển sai, và đề nghị làm rõ giá trị 18 đạo sắc phong. Vào các ngày 3-8 và 11-10-2018, Thanh tra Bộ VHTT và DL có hai văn bản yêu cầu Sở VHTT và DL Nam Định xem xét, xử lý các nội dung trong đơn của dòng họ Trần Lê.
Ngày 15-6-2018, Sở VHTT và DL Nam Định ra văn bản trả lời dòng họ Trần Lê về việc bảng, biển của phủ Vân Cát. Văn bản nêu rõ: “Yêu cầu ông Trần Văn Cường tháo dỡ biển tên chỉ dẫn, băng-rôn và các ấn phẩm quảng cáo ghi chưa đúng theo quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21-2-1975 (của Bộ Văn hóa khi đó, công nhận Khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật phủ Dầy là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia - PV)”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Nhân Dân điện tử ở thời điểm cuối tháng 1-2019, tất cả bảng, biển, băng-rôn tự ý đặt nội dung của phủ Vân Cát vẫn tồn tại ngang nhiên quanh khu vực phủ.
Trao đổi về việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản Đỗ Văn Kỳ cho biết: Lãnh đạo huyện đã xuống làm việc ở phủ Vân Cát yêu cầu thực hiện tháo dỡ bảng, biển. Tuy nhiên, ông Trần Văn Cường không chấp nhận, và chỉ đồng ý tháo dỡ khi phủ Tiên Hương bỏ khái niệm “phủ chính”. Theo ông Kỳ, ngày 15-5-2018, UBND huyện Vụ Bản có công văn gửi ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở VHTT và DL Nam Định đề nghị giúp đỡ huyện khảo sát, nghiên cứu và làm rõ tên gọi từng di tích trong quần thể Phủ Dầy, nhằm “chấm dứt tình trạng tự ý đặt tên di tích không đúng với lịch sử, đồng nghĩa với việc đánh lừa du khách”. Thực tế, đoàn công tác của Sở VHTT và DL đã thực hiện chuyến khảo sát, nghiên cứu từ tháng 7-2018, nhưng đến nay vẫn không có kết luận. “Huyện cần căn cứ đủ lý, đủ tình để xử lý vụ việc, do liên quan tâm linh là lĩnh vực nhạy cảm”, ông Kỳ nói.
Theo đại diện dòng họ Trần Lê, đơn kiến nghị làm rõ 18 đạo sắc phong ở phủ Vân Cát cũng chưa được Sở VHTT và DL Nam Định hồi đáp.
Phóng viên Nhân Dân điện tử đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở, nhưng ông Kiên không trả lời.
Năm 2017, Phủ Dầy vinh dự được chọn làm nơi tổ chức lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để đáp ứng nhu cầu của du khách trong mùa lễ hội sắp tới, đề nghị Sở VHTT và DL Nam Định sớm xử lý các vấn đề vướng mắc, kiến nghị chung quanh quần thể di tích, bảo đảm phát huy nét đẹp về lịch sử, văn hóa của tỉnh.
https://nhandan.vn/di-san/can-som-xu-ly-viec-tu-y-dat-ten-va-lam-ro-18-dao-sac-phong-o-phu-van-cat-348871/
Phủ Dầy (Nam Định): Sao vẫn chưa trả lại tên cho... di tích?
VHO- Theo thông tin từ một số người dân phản ánh việc Phủ Vân Cát (Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh) treo những tấm biển, bảng không đúng tên gọi di tích trong hồ sơ xếp hạng, gây hiểu lầm trong dư luận, ông Phạm Xuân Phúc (Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL) cho biết, Thanh tra Bộ đã có công văn yêu cầu Sở VHTTDL Nam Định làm rõ những thông tin này. Sở VHTTDL tỉnh Nam Định sau khi xác minh đã yêu cầu địa phương trả lại tên cho di tích. Nhưng cho đến nay, những tấm biển vẫn chưa được tháo dỡ.
Những tấm biển sai tên gọi di tích
Sở yêu cầu nhưng ... “không dỡ”
Ông Phạm Xuân Phúc cho biết, Thanh tra Bộ đã nhận được đơn của đại diện dòng họ Trần Lê ở thôn Tiên Hương, xã Kim Thái phản ánh việc Phủ Vân Cát (quần thể di tích Phủ Dầy) đặt các biển, bảng, băng zôn có ghi: “Phủ Dầy- Phủ Chính Vân Cát, nơi Thánh Mẫu giáng sinh”. Nội dung này được phản ánh là không đúng với tên trong xếp hạng di tích. “Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ các quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ đã chuyển đơn đến Sở VHTTDL tỉnh Nam Định để xem xét, giải quyết”, theo ông Phạm Xuân Phúc.
Đơn cũng phản ánh việc Phủ Vân Cát cho làm 18 đạo sắc phong mới không đúng với lịch sử và thần phả của các triều đại ban tặng cho Mẫu được lưu tại dòng họ Trần Lê.
Theo nội dung thư, chúng tôi tìm hiểu và được biết, từ tên gốc Phủ Vân Cát, thủ nhang phủ này đã đổi thành "Phủ chính Vân Cát" và treo những băng rôn khẳng định đó là nơi Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh.
Đơn kiến nghị của dòng họ Trần Lê cũng cho hay, hiện nay dòng họ đang lưu giữ nhiều cuốn gia phả, tư liệu Hán Nôm cổ và 7 đạo sắc phong từ đời vua Lê Chính Hòa (năm 1683) đến đời vua Khải Định (năm 1924); phủ chính Phủ Dầy thuộc thôn Tiên Hương còn lưu giữ 15 đạo sắc phong cho Mẫu và hai cụ thân sinh ra Mẫu (từ năm 1730 đời vua Lê Vĩnh Khánh đến năm 1924 đời vua Khải Định). Tại Phủ Chính còn lưu giữ đạo sắc phong năm 1763 vua Lê Cảnh Hưng sắc phong cho Mẫu “được thờ phụng ở nơi Chính Phủ” và nhiều đồ thờ, hiện vật như bát nhang, chuông cổ, 4 bia đá cổ từ năm Thành Thái thứ 2 còn ghi là “Phủ Chính Linh Từ”. Ở Phủ Chính cũng còn lưu giữ một số tài liệu và biên bản ghi là “khu vực bất khả xâm phạm của Phủ Chính thuộc thôn Tiên Hương”, “Phủ Chính thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa”.
Sau khi xác minh, những tấm biển được Sở VHTTDL Nam Định yêu càu tháo dỡ
Đơn cho biết thêm, hiện nay các phần mộ chí của dòng họ Trần Lê đều đặt tại thôn Tiên Hương. Ngày 22.7.2009, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đã cử đoàn công tác, đại diện là Bảo tàng Nam Định khảo sát những tư liệu Hán Nôm tại nhà thờ dòng họ Trần Lê thuộc thôn Tiên Hương. Đoàn công tác nhận xét: “Toàn bộ tư liệu Hán Nôm đang lưu giữ tại nhà thờ dòng họ Trần Lê gồm 16 tư liệu đều là những tư liệu cổ, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Nội dung của những tư liệu này không chỉ đề cập đến các đời của dòng họ Trần Lê mà còn phản ánh về sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và tín ngưỡng thờ Mẫu trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam”.
Trước đó, tháng 6.2018, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đã có công văn 460/SVHTTDL- TTr gửi UBND huyện Vụ Bản cho biết, Sở đã nhận được đơn phản ánh của ông Trần Lê Phước và dòng họ Trần Lê với cùng nội dung phản ánh trên. Sở đã cử đoàn kiểm tra, xác minh gồm Thanh tra Sở, BQL Di tích- Danh thắng tỉnh Nam Định và Phòng VH-TT huyện Vụ Bản làm việc với thủ nhang Phủ Vân Cát về nội dung đơn phản ánh.
Qua xác minh, Đoàn nhận thấy tại khu vực di tích phủ Vân Cát có treo một số băng rôn và biển chỉ dẫn vào khu di tích phủ Vân Cát với nội dung "Phủ Dầy-Phủ chính Vân Cát, nơi Thánh Mẫu giáng sinh". Căn cứ Quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21.2.1975 của Bộ Văn hóa xếp hạng khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy gồm phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Liễu Hạnh và các di tích có liên quan tại xã Kim Thái, Sở VHTTDL Nam Định yêu cầu Phủ Vân Cát tháo dỡ biển tên chỉ dẫn, băng rôn và các ấn phẩm quảng cáo chưa đúng theo Quyết định 09.
Sở cũng đề nghị UBND huyện Vụ Bản chỉ đạo Phòng VH-TT huyện, UBND xã Kim Thái kiểm tra các di tích thuộc Khu Di tích Phủ Dầy và yêu cầu các di tích ghi biển tên theo Quyết định công nhận xếp hạng; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện theo Kế hoạch số 400/KH- SVHTTDL ngày 23.5.2018 của Sở về khảo sát, nghiên cứu các di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử- văn hóa Phủ Dầy để có báo cáo thống nhất tên gọi cho di tích.
Theo ông Phạm Xuân Phúc, liên quan đến vụ việc này, Thanh tra Bộ đã có các công văn chuyển đơn kiến nghị đến Sở VHTTDL cũng như yêu cầu Sở làm rõ nội dung đơn, xử lý theo thẩm quyền. Nhưng cho đến nay, được biết tại Phủ Vân Cát những tấm biển không đúng tên gọi di tích trong hồ sơ xếp hạng vẫn chưa được tháo dỡ theo yêu cầu từ Sở Nam Định.
Tìm gặp thủ nhang Phủ Vân Cát, ông Trần Văn Cường trả lời: “Đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông hạ biển ghi Phủ Vân Cát là Phủ Chính nhưng ông chưa thực hiện...”.
Đã phân cấp trách nhiệm cho huyện
Ông Trần Lê Hưng, đại diện dòng họ Trần Lê cho biết, việc treo sai tên gọi di tích sẽ khiến cho du khách thập phương hiểu nhầm, dẫn đến những hệ lụy, nhất là khi mùa lễ hội đang đến gần. “Chúng tôi mong các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt hơn, trả lại đúng tên gọi cho di tích”, theo ông Trần Lê Hưng.
Ông Hưng cũng bức xúc, vì sao khi đã có văn bản trả lời và yêu cầu từ Sở nhưng huyện, xã lại không thực thi?
Sở yêu cầu, di tích chưa thực hiện
Mới đây, ngày 25.1, đoàn kiểm tra của Sở VHTTDL tỉnh Nam Định tiếp tục làm việc với thủ nhang phủ Vân Cát và các cơ quan liên quan. Ý kiến của ông Nguyễn Tài Sinh, (Trưởng Phòng VH-TT huyện Vụ Bản) tại buổi làm việc cho biết: các đền, phủ tự phát dựng biển tên, biển chỉ dẫn mà không xin phép các cơ quan chức năng. Việc tự ý dựng biển là chưa đúng với quyết định xếp hạng di tích. Trưởng Phòng VHTT huyện đề nghị cơ quan chuyên môn sớm công bố kết quả khảo sát tên gọi các di tích và yêu cầu các di tích thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về di sản văn hóa và tuân thủ, tôn trọng quyết định của các nhà khoa học khi có kết quả khảo sát.
Ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định cho biết, Sở đã giao cho Thanh tra chủ trì xác minh, làm rõ theo nội dung đơn kiến nghị của dân và chỉ đạo từ Thanh tra Bộ VHTTDL.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở VHTTDL cũng cho hay, Thanh tra Sở đã chủ trì tiến hành xác minh. Cũng theo Chánh Thanh tra Sở, UBND tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn tỉnh. Điều 5, điều 7 của Quyết định nêu rõ trách nhiệm này thuộc về UBND cấp huyện, cụ thể ở đây là UBND huyện Vụ Bản.
UBND huyện Vụ Bản chưa thực hiện riết ráo theo đúng trách nhiệm được phân cấp
“Như vậy khi Sở yêu cầu di tích tháo dỡ hệ thống biển, bảng sai nội dung thì UBND huyện phải có trách nhiệm thực thi, đôn đốc, thậm chí là cưỡng chế và tháo dỡ. Tuy nhiên cho đến bây giờ huyện Vụ Bản vẫn chưa triển khai rốt ráo theo yêu cầu của cơ quan quản lý cũng như quyết định phân cấp của tỉnh...”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Phạm Xuân Phúc cũng cho rằng, việc trước hết là sớm phải trả lại tên cho di tích. Sau đó, các di tích nếu có lưu giữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu lịch sử để chứng minh cho tên gọi chính xác của mình so với hồ sơ công nhận di tích có thể đề xuất kiến nghị lên cơ quan chức năng xem xét.
Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Nam Định cho biết sẽ sớm có văn bản thể hiện quan điểm và chỉ đạo chính thức sau buổi làm việc ngày 25.1. Báo Văn Hóa sẽ tiếp tục thông tin.
HOÀNG NGÂN
http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/15448/phu-day-nam-dinh-sao-van-chua-tra-lai-ten-cho-di-tich
..
2. Ngày 4/3/2022, bài số 2 của báo Văn hóa
Trả lờiXóaXung quanh việc khảo sát, nghiên cứu những hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát (Nam Định): Bài 2: Vén bức màn “18 đạo sắc phong”
Thứ Sáu 04/03/2022 | 10:51 GMT+7
VHO- “Với tư cách chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương cần xử lý nghiêm đối với các sản phẩm ngụy tạo là 18 tờ tư liệu hiện đang được giữ trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát theo Luật Di sản văn hóa và các luật liên quan”.
Không chỉ nội dung băng rôn mà cả kích thước cũng phải chỉ đạo.
Trả lờiXóa3. Ngày 6/3/2022, truyền hình VOV
Trả lờiXóa2. Năm 2019, số sắc phong ngụy tạo của Phủ Vân Cát đã xuất hiện trong một chương trình của VTC6:
Trả lờiXóa