Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/02/2022

Tịch điền mở lại với Nhâm Dần 2022 (sau gián đoạn một năm Tân Sửu 2021 )

Tịch điền năm ngoái, năm Tân Sửu 2021, bị hoãn (xem lại ở đây). Hoãn là do covid ở thời điểm đó đang hoành hoành, mọi sự kiện bị dừng hết.

Năm Nhâm Dần 2022, tịch điền được mở lại. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi cày với trang phục nâu sồng cả bộ.

Tin từ các nơi.

Tháng 2 năm 2022,

Giao Blog


---


07/02/2022 12:58 GMT+7


Trong bộ quần áo nâu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức xuống đồng, cày ruộng đầu năm trong lễ hội Tịch điền.

Sáng nay (mùng 7 Tết Nhâm Dần 2022), người dân từ khắp nơi đã tới xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) để cùng xuống đồng, tham dự lễ hội Tịch điền.

Lễ hội được phục dựng theo tích Vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan tổ chức cày Tịch điền dưới chân núi Đọi (năm Đinh Hợi 987).

Lễ hội Tịch điền được khôi phục gần 15 năm nay nhằm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đã có mặt tại nơi tổ chức lễ hội để theo dõi và chứng kiến cảnh vua đi cày đầu năm. 

Sau màn múa trống khai hội cùng màn múa rồng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã dâng hương linh vị Vua Lê Đại Hành và Thần Nông.

Một lão nông tái hiện hình ảnh Vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo Vua Lê và Thần Nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau là các cô gái đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Người được lựa chọn vào vai vua phải là lão nông đạo mạo, có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm cày ruộng và phải là thành viên của gia đình văn hóa.

Tiếp đó, Chủ tịch nước cùng một số vị lãnh đạo thực hiện nghi thức xuống đồng đầu năm.

Lễ hội Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, ý thức tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp để đời sống được no đủ, hạnh phúc.

Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày “đánh thức đất đai, khai Xuân động thổ,” cầu cho năm mới mưa gió thuận hòa, mùa vàng bội thu, người dân ấm no hạnh phúc đã trở nên quen thuộc, là niềm mong đợi của người dân Hà Nam và các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Về dự lễ hội Tịch Điền năm nay có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam và đông đảo người dân dân và du khách thập phương.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Lễ hội Tịch Điền diễn ra hàng năm vào mùng 7 tháng Giêng. Trong cuốn "Việt lược sử" biên soạn vào thời Trần, năm Đinh Hợi (987) vua Lê Đại Hành về cày tịch điền ở Đọi Sơn, mở đầu phong tục đẹp để các vị vua hậu thế noi gương khuyến nông.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Màn múa rồng và trống khai hội do phụ nữ Đọi Sơn thực hiện khiến không khí lễ hội càng trở nên náo nhiệt.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Đọc văn trình trước đàn tế Thần nông và Linh vị Vua Lê Đại Hành.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương và các đại biểu tham dự đã thực hiện nghi lễ dâng hương tiên tổ khai sáng ra lễ hội Tịch điền.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lễ hội Tịch điền đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng - một lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai hoang, mở mang ruộng đồng, đề cao quan niệm lấy nông nghiệp làm căn bản, coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng ý nghĩa khuyến nông sâu sắc của lễ hội Tịch điền mang đến cho tất cả mọi người một khí thế mới, một không khí lao động hăng say, một tinh thần hiện đại hóa ngành nông nghiệp, xây dựng quê hương Việt Nam yêu dấu ngày càng giàu đẹp.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Sau khi làm lễ, ông Nguyễn Ngọc An đeo mặt nạ giả vua Lê Đại Hành. Theo sau "vua Lê Đại Hành" là những thôn nữ gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Sau khi những luống cày nâu tươi màu được nhà vua bật lên, hạt ngũ cốc đủ sắc màu sẽ được các cô thôn nữ gieo xuống, hứa hẹn một năm mùa màng bội thu, no đủ.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Trong trang phục nhà nông, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các đại biểu và người dân địa phương thực hiện nghi thức Tịch điền, cày những luống đất đầu tiên, khởi đầu cho mùa vụ mới bội thu.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền
Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền
Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm nay tổ chức trong 3 ngày từ 5-7/2 (tức từ 5-7 tháng Giêng). Trong đó, ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng tổ chức các nghi lễ tâm linh như lễ cáo yết, lễ rước nước lên đàn tế, lễ sái tịnh, lễ cầu an trên chùa Đọi Sơn...

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

 Cũng nhân dịp này, 200 suất quà đã được trao cho nhân dân địa phương.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Ngày mùng 7 tháng Giêng (chính hội) sẽ tổ chức khai mạc lễ Tịch điền và công bố, trao bằng cho các xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam năm 2021. Buổi tối cùng ngày sẽ diễn tổ chức lễ yên vị tại chùa Đọi Sơn và đình Đọi Tam.

Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền
Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Trần Thường - Nguyên Trí

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chu-tich-nuoc-xuong-dong-cay-ruong-o-le-tich-dien-813887.html




Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ hội Tịch điền tại Hà Nam

07/02/2022 12:03 GMT+7

TTO - Sáng 7-2 (tức mùng 7 tháng giêng năm Nhâm Dần), tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam), UBND tỉnh và huyện tổ chức lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi thức tịch điền cùng nhân dân địa phương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ hội Tịch điền tại Hà Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xuống đồng cày ruộng đầu năm mới - Ảnh: TTXVN

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Theo sử sách, cách đây 1.030 năm, tức năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987), vua Lê Đại Hành, người vốn coi trọng nông nghiệp, đã về vùng đất núi Đọi sông Châu khởi xướng và đích thân cầm cày trong lễ xuống đồng đầu năm. Được lưu truyền từ đó đến nay, lễ hội Tịch điền được coi như một ngày quốc lễ, một lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ, bởi nó mang ý nghĩa nhân văn, khuyến khích nhân dân lao động, sản xuất.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương và các đại biểu tham dự đã thực hiện nghi lễ dâng hương tiên tổ khai sáng ra lễ hội Tịch điền.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lễ hội Tịch điền của Hà Nam đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng - một lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai hoang, mở mang ruộng đồng, đề cao quan niệm: Lấy nông nghiệp làm căn bản, coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội.

Chủ tịch nước nêu rõ, những năm gần đây, trong bối cảnh thiên tai dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 trong năm 2021, nông nghiệp, nông thôn của nước ta một lần nữa không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng ổn định cuộc sống, đóng góp vào hội nhập quốc tế, xuất khẩu lớn hàng đầu khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích và đề cao sự phát triển của nông nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch nước đánh giá, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Tỉnh Hà Nam là một trong những địa phương không chỉ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, mà còn triển khai nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn Hà Nam có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, an sinh xã hội đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng nông thôn được giữ vững.

Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, chính quyền, người dân chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, coi trọng giá trị sản xuất và sản lượng một số sản phẩm đảm bảo cân đối lớn. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống tưới tiêu hiện đại ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong các khâu của chuỗi giá trị, công nghệ sau thu hoạch, hình thành nền nông nghiệp thông minh.

Đặc biệt, Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung sản xuất, chỉ đạo sản xuất, khai thác thị trường quốc tế với 15 hiệp định thương mại tự do đã có, trong đó có EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương… Coi trọng sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhân dân trong nước với 100 triệu dân. Tập trung triển khai chương trình "Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị" với chất lượng tốt, an toàn thực phẩm cao, thuận lợi hơn cho người tiêu dùng.

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng ý nghĩa khuyến nông sâu sắc của lễ hội Tịch điền mang đến cho tất cả mọi người một khí thế mới, một không khí lao động hăng say, một tinh thần hiện đại hóa ngành nông nghiệp để góp phần đưa nghị quyết 26 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào cuộc sống, xây dựng quê hương Việt Nam yêu dấu ngày càng giàu đẹp.

Sau nghi lễ bái yết Thần Nông, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu là màn trống khai hội do đội trống nữ làng Đọi Tam biểu diễn kết hợp với múa rồng. Buổi lễ đã tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do bô lão trong làng thực hiện, theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống.

Trong trang phục nhà nông, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các đại biểu và người dân địa phương thực hiện nghi thức tịch điền, cày những luống đất đầu tiên, khởi đầu cho mùa vụ mới bội thu.

Cũng nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng 200 suất quà cho nhân dân địa phương.

Theo ban tổ chức, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022 sẽ tổ chức trong 3 ngày từ 5 đến 7-2 (tức từ 5-7 tháng giêng năm Nhâm Dần). Trong đó, ngày mùng 5 và mùng 6 tháng giêng tổ chức các nghi lễ tâm linh như lễ cáo yết, lễ rước nước lên Đàn tế, lễ Sái tịnh, lễ cầu an trên chùa Đọi Sơn... Ngày mùng 7 tháng giêng (chính hội) sẽ tổ chức khai mạc lễ Tịch điền và công bố, trao bằng cho các xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam năm 2021. Buổi tối cùng ngày sẽ tổ chức lễ yên vị tại chùa Đọi Sơn và đình Đọi Tam.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, các hoạt động ở phần hội năm nay sẽ được rút gọn chỉ còn tổ chức hội thi vẽ, trang trí trâu; triển lãm của hội sinh vật cảnh thị xã; trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của thị xã.

https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-du-le-hoi-tich-dien-tai-ha-nam-20220207115630973.htm




---


BỔ SUNG


1. 

UBND thị xã: Triển khai một số nội dung chuẩn bị tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022
Cập nhật lúc: 1/11/2022 5:29:00 PM
Chiều 10/01/2022, tại xã Tiên Sơn, UBND thị xã Duy Tiên đã tổ chức Hội nghị triển khai một số nội dung chuẩn bị cho Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022. Đồng chí Ngô Văn Liên, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã chủ trì hội nghị.


Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn thông qua kịch bản chi tiết tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022 dự kiến được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 5 - 7/2/2022 tức ngày 5-7 tháng Giêng năm Nhâm Dần tại khu vực chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn; giao nhiệm vụ cụ thể, phân công thành viên phụ trách các đội tham gia hoạt động trong lễ hội như lễ cáo yết; lễ rước nước, lễ sái tịnh và lễ cầu an; ngày mùng 7 chính hội có lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, lễ rước thành hoàng và Tổ nghề trống làng Đọi Tam về sân lễ Tịch điền; màn múa trống khai hội, múa rồng mừng hội, đọc văn trình, lễ dâng hương và nghi trình cày Tịch điền; lãnh đạo phòng Văn hóa và thông tin trao đổi, đề xuất một số giải pháp nhằm chuẩn bị kỹ lượng mọi công việc để tổ chức lễ hội trang trọng, an toàn, tiếp tục quảng bá rộng rãi tới nhân dân và du khách về ý nghĩa của Lễ hội Tịch điền. Các đại biểu đại diện cho các đội ở thôn xóm của xã Tiên Sơn đã phát biểu, đề xuất Ban tổ chức lễ hội và địa phương quan tâm, hỗ trợ kinh phí tu sửa một số dụng cụ như trống, kiệu phục vụ lễ hội đã bị hư hỏng; hỗ trợ mua trang phục,  tập luyện khi lực lượng tham gia các đội trống, rước kiệu, múa lân, múa rồng sau một vài năm đã bị thay đổi.

Kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Văn Liên, Phó bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã nhấn mạnh: Để kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh và thị xã; Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022 về quy mô, thời gian tổ chức sẽ được rút gọn lại; trọng tâm vào phần lễ; riêng phần hội chỉ tổ chức hội thi vẽ trang trí trâu, số lượng trâu tham gia giảm, họa sỹ tham gia hội thi cũng chỉ trong khuôn khổ địa bàn tỉnh; không tổ chức các trò chơi dân gian và hội thi làm bánh dày làng Đọi Tam như mọi năm. Đồng chí Chủ tịch UBND thị xã đề nghị thành viên Ban tổ chức; các đội tham gia Lễ hội và cấp ủy chính quyền xã Tiên Sơn làm thật tốt mọi công tác chuẩn bị đảm bảo bài bản, kỹ lưỡng; chú trọng công tác trang trí khánh tiết, vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP, đảm bảo ANTT, ATGT và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh covdi19 để Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022 diễn ra trang trọng, an toàn, phục vụ nhân dân đón năm mới trong không khí vui tươi, phấn khởi./.


Thanh Hương

http://www.duytien.gov.vn/index.aspx?TinTuc=14016

..



---

CẬP NHẬT


5. Ngày 13/2/2022

"

Lễ hội Tịch điền trong câu chuyện đầu năm .Những hình ảnh được chụp tại cánh đồng Đọi Tín ,xã Tiên Sơn { Thị xã Duy Tiên - Tỉnh Hà Nam } năm 2022 .Có thể thấy, Lễ hội Tịch điền đem theo thông điệp như lời nhắc nhở của các bậc tiền nhân đến thế hệ ngày nay, cần phải nhớ đến công ơn của cha ông trong việc khai phá ruộng đồng, trồng cấy lúa ngô, hoa màu, chú trọng hoạt động sản xuất nông nghiệp. Lễ hội diễn ra vào đầu năm với mong muốn cầu an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để người nông dân có một năm được mùa, giúp cuộc sống ấm no, hạnh phúc.





















"

https://www.facebook.com/groups/vietnamesevillage/posts/1953777891473112/




4. Ngày 10/2/2022

"

Mấy ngày nay, dư luận sôi nổi bàn về những khía cạnh liên quan đến Lễ Tịch điền diễn ra ở thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam). Rất nhiều người lấy làm lạ khi thấy trên "sân khấu - khán đài" có các bức chữ Hán với nội dung “Phi công bất thịnh”, “Phi nông bất ổn”, “Phi thương bất phú”, “Phi trí bất tiến".
Tôi không rõ ai là "đạo diễn" của chương trình cho một nghi thức, nghi lễ nhà nước, mang tầm quốc gia, nhưng sao lại tùy tiện sửa ý, lời của cụ Lê Quý Đôn như vậy. Cụ Bảng nhãn có nói như vậy đâu. Nguyên văn câu của Cụ, như nhiều bạn Fb đã chỉ ra là : "Phi nông bất ổn, Phi công bất phú, Phi thương bất hoạt, Phi trí bất hưng" (không có nông nghiệp thì xã hội không ổn định, không có công nghiệp thì xã hội không giàu, không có buôn bán thì xã hội không năng động, không có tri thức và trí thức thì xã hội không phát triển được.
Vậy ý "Phi thương bất phú" ở đâu ra, và xuất hiện từ bao giờ? Theo tôi, câu này xuất hiện tương đối muộn và xuất phát từ Trung Quốc. "Nguyên bản" của bốn chữ này nằm trong hai câu: "Quan phi Thương bất phú, Thương phi Quan bất an", với nghĩa: coi trọng sự hợp lực hay liên kết (và cả câu kết) giữa nhà buôn với quan lại có chức quyền để cùng có lợi, hay quan muốn giàu phải chơi với thương nhân vì nhà buôn lắm tiền, sẵn sàng dùng tiền lo lót ; thương nhân muốn yên ổn làm ăn thì phải dựa vào quan, phải dùng tiền biếu xén quan để họ "quan kê, bảo kê" cho các hoạt động buôn bán của mình. Người đưa ra "định đề" này là Hồ Tuyết Nham (1823 - 1885) - một thương gia giàu nhất Hàng Châu (Trung Quốc) nửa sau thế kỷ XIX. Cuốn sách "Hồ Tuyết Nham" của Chung Nguyên, Doanh Vịnh, Nxb, Trí thức, 2008 kể các câu chuyện liên quan đến các chuyến đi buôn của thương gia họ Hồ Quá trình buôn bán lúc lãi lớn, khi lỗ nặng đã giúp ông đúc kết, muốn buôn bán yên ổn và phát đạt thì phải nương nhờ cửa quan. Từ Hồ Tuyết Nham, thế ứng xử này được coi là một trong những phương châm quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các nhà buôn Trung Quốc, được vận dụng triệt để. Tuy nhiên, ở Việt Nam, lại được hiểu và chuyển nghĩa thành "phi thương bất phú". Có lẽ, do ở Việt Nam, nền nông nghiệp ruộng nước độc canh, năng suất thấp và bấp bênh, đã buộc người nông dân phải kiếm thêm thu nhập bằng buôn bán và trên thực tế, nghề buôn đã tạo cho người buôn nguồn lãi lớn, thu nhập cao và ổn định?
(Trích từ bài "Bàn thêm về quan niệm buôn bán của người Việt" trong sách "Làng Việt ở Bắc Bộ, truyền thống và biến đổi", Nxb. KHXH, 2020) của tác giả.







"

https://www.facebook.com/buixuandinhdth/posts/1116490092419975




3. Ngày 9/2/2022


"

Nhật hoàng năm nào cũng thực hiện nghi lễ xuống đồng, tự tay cấy lúa, trang phục như thường dân, đi đôi ủng. Nhà vua chỉ ra đồng có một mình, và chỉ cho một phó nháy ra chụp đúng một bức ảnh để đưa cho truyền thông thôi.
Đến khi lúa chín, nhà vua lội ruộng gặt lúa về để thổi xôi dâng cúng tổ tiên.
Trong khi đó, Hoàng hậu Michiko lại nuôi tằm tại trung tâm nuôi tằm Hoàng cung với sự giúp đỡ của nhiều nhân lực. Bà nuôi tằm bằng lá dâu, noi theo gương của tiền nhân là Hoàng Hậu Dowager Shoken, vợ của Nhật Hoàng Minh Trị.
Mỗi mùa xuân, Hoàng hậu bắt đầu nuôi từ 120 ngàn -130 ngàn con tằm, chăm sóc chúng trong suốt hơn hai tháng và thu hoạch khoảng 150 kg kén tằm vào đầu mùa hè. Một số tơ này được dùng để phục hồi lại những trang phục cổ có giá trị lịch sử được hoàng gia giữ gìn từ thể kỷ thứ 8, đang được gìn giữ tại Kho lưu trữ bảo vật hoàng gia Shosoin ở Nara, khi đó là thủ đô của Nhật Bản.
Từ xưa ở Hoàng cung Nhật vẫn chỉ có vậy.
Tin và Hình ảnh: Vietnam Plus.






"

https://www.facebook.com/son.hoaithach.7/posts/631256701493063





"


"

https://www.facebook.com/dung.duongtrung.3/posts/4957773827621199





2. Ngày 8/2/2022

"

Sáng hôm qua (mùng 7 Tết Nhâm Dần) xe của nhóm chúng tôi từ Ý Yên Nam Định hướng về làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam để viếng thăm Từ đường nơi thờ cúng hương linh Nhà thơ Nguyễn Khuyến.
Sau đó xe sẽ vòng về thôn Thiện Vinh, xã Cộng Hoà huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định viếng mộ cố Nhà thơ Nguyễn Bính
Bỗng thằng cháu lái xe ‘’nảy ra sáng kiến’’ghé Đọi Sơn Hà Nam xem bác Phúc Chủ tịch nước lội ruộng đi cày khai Hội Tịch điền năm 2022.
Trời rét tê tái . Lễ hội rình rang trống phách cờ quạt diễn văn ngay trên nền đất ruộng…
Ngàn người chờ giữa gió đông
Bác xong show diễn nhà nông đi cày….
Thế là xe chúng tôi vội lăn bánh trực chỉ Từ đường cụ Nguyễn Khuyến.
Cháu đời thứ 5 của cụ trông coi Từ đường tiếp đón chúng tôi khá thân tình cởi mở. Ông đọc nhiều bài thơ của cụ tổ và có ý phản biện những nhận xét chưa thấu đáo của vài bậc học giả về thơ của cụ tổ
Tôi xin phép được chụp những tấm ảnh trong và ngoài sân Từ đường và xin chụp một tấm ảnh với ông…
Xe tiếp tục lăn bánh về viếng mộ nhà thơ Nguyễn Bính
Khung cảnh nơi cố nhà thơ yên nghỉ thật buồn tẻ đìu hiu
Cháu họ nhà thơ nhà ở bên cạnh thấy chúng tôi tới liền sang hỏi han giãi bày
Ông bảo:
- Em gái ruột Nhà thơ đã chuộc lại khuôn viên đất này do trước đã cầm cố sang nhượng cho người khác. Bà đã để lại hơn 100 mét vuông xây dựng nhà tưởng niệm anh trai bà, phần còn lại mấy trăm mét vuông bà dành cho các con bà sử dụng. Bà cho xây tường bao và dựng rào sắt phân định rạch ròi…
Lúc này tôi mới để ý trên bức tường ngoài đường vào ai đó đã gỡ tấm bảng Nhà Tưởng niệm Nhà thơ, vệt xi măng đắp vội còn rất mới…
Sống cơ hàn, thác bần hàn
Nén hương đã lạnh, hoa tàn đã khô…
Chúng tôi nghiêng mình bái biệt cố Nhà thơ thiên tài
Tôi sẽ trở lại stt này trong một dịp khác…
Xe chạy đến chợ Viềng thì trời đã tối mịt và gió lùa hun hút không chịu nổi...
Tiếc quá!
KhuC, Thị trấn Lâm Huyện Ý Yên Tỉnh Nam Định mùng 8 Tết Nhâm Dần 2022
Photo Vũ Duy Chu





"

https://www.facebook.com/vuduy.chu/posts/2180611682089463




"

Lễ hội Tịch điền, vua đi cày chỉ là nghi thức. Chủ tịch nước đi cày trong buổi lễ này cũng chỉ mạng tính biểu tượng. Bắt bẻ khe khắt quá là không nên, vì ông chủ tịch có xuất thân từ thợ cày đâu. Lễ hội năm nay có phần phản cảm vì vẽ trâu thành hổ (hai con vốn là kẻ thù của nhau, phải luôn cảnh giác, không thể nhìn gà hoặc cuốc, mắc bẫy như chơi).

"

https://www.facebook.com/lieu.quach.773981/posts/699925357857451





"

Ối giời ơi là đất! Tôi bảo các bác trên giời thế này nhé, các bác cai trị dân thì chế độ nào cho ra chế độ ấy nhé. Nếu theo cộng sản, các bác cứ cai quản theo kiểu cộng sản, vô thần hoàn toàn, dẹp hết thờ cúng miếu mạo đi, tổ chức xh đơn giản như những năm 60, 70 ấy, nghèo nhưng nó cũng có tý trật tự. Còn nếu là quân chủ thì tổ chức xh theo chế độ quân chủ, đặt định lễ nghĩa nghi thức cho đàng hoàng. Giờ tự nhiên nửa dơi nửa chuột, cộng sản không ra cộng sản quân chủ chả ra quân chủ tư bản không thành tư bản, cả nước từ kinh tế đến văn hóa xã hội, cứ lộn tùng phèo như nồi nước lẩu tàu í. Dân tình nháo nhào nhào chả biết bám vào cái gì mà theo, bản thân các bác cũng chả xác định được mình đang là cái gì. Bày ra đủ trò linh tinh, rồi hớn hở diễn, trông bực hết cả mình. Biết là cái xh này chả chữa được nữa rồi, cứ lặng im mà sống, nhưng hôm nay thấy cái cảnh này nó chán không thể tả được, nói vài câu để xả.

"

https://www.facebook.com/kimanh.tran.9210/posts/4781834088551608






"

Nhằm ngày Lễ tịch điền, 7/2 âm lịch, Việt Nam công bố Quyết định 150/QĐ-TTg 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp.
Vậy là lời khuyên "Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới!" của Philip Kotler- người được coi là cha đẻ của marketing thế giới, đã phần nào thành chiến lược quốc gia và “Giấc mơ nông nghiệp” mình viết cách đây 7 năm (sau khoảng 3 năm cất công đi sâu tìm hiểu) có khả năng thành hiện thực.
Đọc QĐ 150, mình thấy sự cần thiết có 1 chiến lược gia có thể hoạch định tổng thể ngành nông nghiệp để triển khai và biết đánh “bản tổng phổ” Giấc mơ nông nghiệp cho đất nước, chứ nếu cứ phân thành chương trình, dự án… như hiện tại (ghi trong QĐ) lại nát cả nền nông nghiệp cho mà xem.
Là người đã mục sở thị cách làm của Bảo vệ thực vật An Giang- sau này thêm Lộc trời, từng đi nhiều nơi từ Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Mộc Châu đến Đà Lạt … xem nuôi con gì, trồng cây nào; canh tác, chế biến, kể câu chuyện thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ra sao… mình không tin những ai đó lên truyền thông nói chuyện thương lái, nông nghiệp 4.0… không một lần lội ruộng, không tìm hiểu sâu các quy trình sản xuất, chế biến, phân phối nông lâm, thủy hải sản… lại có thể dẫn dắt nền nông nghiệp. Cho nên, anh Hoan ạ, anh phải làm thực thôi, hạn chế đăng đàn bàn tán, Chính phủ đã có hẳn NQ lớn như khoán 10 rồi đó
😇
.
Ảnh chụp màn hình nói về giấc mơ con của mình;)

"

https://www.facebook.com/hoatuhuyen/posts/5511527778864110


"

Mấy chữ Nho bọn vô văn hóa bày trên đám ruộng bị lễ tịch điền dày xéo là chữ ăn cắp trong sách của Cụ Lê Quý Đôn. Nguyên văn như sau:
“Phi trí bất hưng”
“phi nông bất ổn”,
“phi công bất phú”,
“phi thương bất hoạt”
Chữ của Cụ hay như thế, nhưng vì vô học, nên họ không hiểu chữ của Cụ Đôn, đã tùy tiện sửa thành:
“Phi trí bất tiến”
“phi thương bất phú”,
“phi nông bất ổn”,
“phi công bất… chữ mả mẹ gì đấy đọc không rõ.
(Ở 1 góc chụp khác, đọc ra chữ "thịnh" ("phi công bất thịnh"), trong khi chữ của cụ Đôn là "phi công bất phú")
Hưng đổi thành tiến là ngu, song cũng còn tạm được. Hoạt đổi thành phú là thậm ngu, là bọn con buôn chỉ nghĩ chuyện làm giàu. Bỏ mất chữ hoạt thì ngu không để đâu cho hết. Thật không còn gì để nói.



"

https://www.facebook.com/vuphong.luuplv/posts/632094234714079



"

lễ tịch điền được duy trì cũng là sự coi trọng nghề nông truyền thống. Tuy nhiên, nếu thay con trâu bằng máy cày thì cho thấy hy vọng và hứa hẹn một nền nông nghiệp hiện đại. Chứ cứ con trâu đi trước cái cày đi sau như vậy ngàn đời nay nước mình đã không khá nổi.
Máy cày, có vẽ nó thành con hổ cũng phù hợp
🙂
Chứ ai lại trâu vẽ thành hổ, làm nhớ truyện ngụ ngôn xưa: chắc hồi đó một con "hổ trâu" như thế này mới hỏi trí khôn của người ở đâu




https://www.facebook.com/haukhaoco/posts/5545056828843126



1.

Bí thư Nguyễn Văn Nên dự Lễ Khai hạ - Cầu an đầu năm mới 2022

TIN NHANH 24HThứ Hai, 07/02/2022 15:26:52 +07:00

(VTC News) - 

Sáng 7/2 (nhằm Mùng 7 Tết Nhâm Dần 2022), tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh), TP.HCM tổ chức Lễ Khai hạ - Cầu an đầu năm mới 2022.

Đến dự lễ có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; cùng các Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM. 

Bí thư Nguyễn Văn Nên dự Lễ Khai hạ - Cầu an đầu năm mới 2022 - 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại lễ Khai hạ. (Ảnh: Long Hồ/Thành ủy TP.HCM)

Lễ Khai hạ - Cầu an thường diễn ra vào mùng 7 Tết Âm lịch hàng năm, được tổ chức tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt hay còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu. Buổi lễ một điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ và TP.HCM để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh , dân tộc ta đã có truyền thống hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Để đất nước có được như ngày hôm nay, biết bao thế hệ tiền nhân đã hy sinh giành được độc lập, thống nhất lãnh thổ. Bổn phận của các thế hệ nối tiếp phải nhớ ơn, gìn giữ, dựng xây và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Bí thư Nguyễn Văn Nên dự Lễ Khai hạ - Cầu an đầu năm mới 2022 - 2

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thực hiện nghi thức khai bút đầu năm. (Ảnh: Long Hồ/Thành ủy TP.HCM)

“Đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm xây dựng TP phát triển ngày càng tốt hơn nữa, trước mắt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Lần thứ XIII của Đảng. Cùng chung tay xây dựng đất nước cường thịnh với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh", Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh và mong muốn TP tiếp tục cố gắng, đã đoàn kết, đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm, quyết tâm hơn nữa, đã thành công, thành công hơn nữa để năm sau luôn luôn phát triển hơn năm trước.

Bí thư Nguyễn Văn Nên dự Lễ Khai hạ - Cầu an đầu năm mới 2022 - 3

Đoàn nghi thức vào Lăng để bắt đầu buổi lễ Khai hạ. (Ảnh: Long Hồ/Thành ủy TP.HCM)

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), thời vua Gia Long (1802 - 1820) và vua Minh Mạng (1820 - 1841), là người đã có công vào sự nghiệp mở mang, phát triển vùng đất phía Nam của Tổ quốc, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định.

Khi còn giữ chức Tổng Trấn thành Gia Định, dưới sự quản lý điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm. Thuở còn sống, Tả Quân Lê Văn Duyệt cùng người dân trong vùng vẫn hay làm các nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa. Các nghi thức tế lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn.

Để học tập tinh thần trung quân ái quốc, phẩm chất chính trực, công bằng... người dân TP.HCM đã đến xin ấn Tả Quân về treo trong nhà như để nhắc nhở con cháu noi gương ông và cũng là để cầu may một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.

https://vtc.vn/bi-thu-nguyen-van-nen-du-le-khai-ha-cau-an-dau-nam-moi-2022-ar660221.html

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.