Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/02/2022

Ngày xuân đến với phong tục độc đáo : lễ hội Nam Trì và việc thờ bộ ba Bảo - Lang - Biền (Lữ Gia - Nguyễn Lang - Cao Biền)

Đại khái có thể tóm tắt như sau.

1. Bảo tức Bảo Công, hay Lữ Gia (Lã Gia). Người trước công nguyên, tức trước thời Hai Bà Trưng.

Lang tức Lang Công, hay Nguyễn Danh Lang. Người trước công nguyên, tức trước thời Hai Bà Trưng.

Bảo và Lang đều là trọng thần của nhà Triệu ở đất Phiên Ngung (tức nhà Triệu của ông cháu Triệu Đà - Triệu Hồ). Tương truyền cả hai ông đều là người đất Giao Châu lên làm quan cho nhà Triệu.

Sau khi Bảo và Lang mất, các ông được người Giao Châu thờ ở nhiều nơi.

Biền tức Cao Biền, vị danh tướng thời Đường được cử xuống trị nhậm An Nam. Vua Lí Thái Tổ đã tôn Cao Biền là Cao Vương, xem như là một đế vương trị nhậm An Nam trước mình.

2. Tương truyền, khi xuống trị nhậm An Nam, họ Cao đã kết thân với hai vị thần Bảo và Lang.

Thế rồi, đến lúc Cao Biền mất, người An Nam cũng lập miếu thờ Cao Biền.

Có nơi, người ta đã kết hợp thờ cả ba vị, thành ra bộ ba thần Bảo - Lang - Biền. Đó là vùng Nam Trì với lễ hội Nam Trì.

Thú vị hơn nữa, ở Nam Trì còn phối thờ của cụ Tả Ao - một nhà địa lí danh tiếng của Đại Việt.

Mình còn quan tâm đến Nam Trì, bởi đó là quê nhà của võ tướng Đinh Văn Tả - một vị rất nhân duyên với nhà Mạc thời kì Cao Bằng.

3. Người viết thần tích cho bộ ba Bảo - Lang - Biền, vẫn không ai khác, là đại tiểu thuyết gia Nguyễn Bính ở thời Lê Trung Hưng. Cụ được nhà nước trao cho chức vị để chuyên tâm viết tiểu thuyết dã sử.

Nếu so với Nguyễn Bính của Đại Việt ta, thì bút lực viết tiểu thuyết dã sử của Kim Dung (Trung Quốc) hay Shiba (Nhật Bản) không thấm vào đâu.

Người đầu thể kỉ XXI thường chỉ biết có nhà thơ Nguyễn Bình của quê hương Nam Định thời cận hiện đại, mà hầu như rất ít biết đến nhà tiểu thuyết đại tài của thế kỉ XVI là Nguyễn Bính.

Dưới là một ít tư liệu trực tuyến về lễ hội Nam Trì, còn gọi là lễ hội Bảo - Lang - Biền.

Tháng 2 năm 2022,

Giao Blog


---

Kì bí ngôi làng cổ được Cao Biền và Tả Ao trấn yểm

Nếu xét về mặt phong thủy, chắc hiếm ngôi làng nào may mắn như làng Nam Trì (xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Tương truyền ngôi làng này từng được cả Cao Thiên Vương Cao Biền và Tả Ao Vũ Đức Huyền trấn yểm. 

Họ cũng quả quyết, với thế đất ấy, dân làng tất phát đường công danh tài lộc.

I. Nhìn từ bên ngoài, Nam Trì không có gì khác biệt so với nhiều ngôi làng lâu đời khác ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Duy chỉ có cánh cổng làng được xây dựng khá bề thế, nhất là nếu so với đời sống dân làng có phần còn vất vả.

 
 

Đình làng Nam Trì ngày nay

Đặc biệt là đình làng. Đó vừa là dấu tích, vừa là nơi thờ phụng Cao Biền và Tả Ao - hai bậc thầy phong thủy địa lý được phong thánh và là những bậc thành hoàng làng Nam Trì. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã nói rằng, Nam Trì là ngôi làng duy nhất thờ chung hai vị thánh địa lý nổi tiếng này.

Đình nằm trên một gò đất, bao quanh tứ phía ao hồ, lối vào duy nhất là cây cầu nối với đường làng, giống như cầu Thê Húc nối với đền Ngọc Sơn ở chốn kinh thành Hà Nội. Thủ từ là một ông lão đã ngoài 80 - cụ Vũ Văn Điền, hậu duệ nhiều đời của dòng họ Vũ, một trong hai dòng họ lớn Nam Trì.

Sau thời phục dựng lại đình năm 2006, ông Điền được chọn làm người nhang khói cho các bậc thánh thần. Dù nhà ở đối diện đình nhưng từ mấy năm nay ông chuyển vào ở hẳn trong khuôn viên. Ông cụ vốn không phải là dân chữ nghĩa hay nghiên cứu gì, chỉ là nông dân thuần, tuy vậy, trọn 10 năm gắn bó với đình, ông cũng cố công nghiên cứu, đọc thêm các tài liệu nên ước chừng cũng được xem như pho sử sống của làng.

Dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm ở ngôi làng này có cả những câu chuyện nửa thực nửa hư rất lí thú. Vết tích đều còn cả. Nhất là chuyện đình đền. Người đời vẫn xem những ngôi đình, đền ở đây như một minh chứng của những màn thi thố tài năng thánh địa lý phương Bắc Cao Biền và thánh địa lý nổi danh nhất xứ Việt - Tả Ao.

Cổng đình làng Nam Trì ngày nay vẫn còn lưu giữ câu đối tả về địa lý, phong thuỷ của thánh Tả Ao thế này: “Tây lộ khê lưu kim tại hậu - Đông giang thuỷ tụ mộc cư tiền” nghĩa là phía Tây của làng có đường và dòng nước chảy, phía sau làng là hướng Tây Bắc ( hành Kim) - phía Đông làng có sông nước tụ, phía trước làng hướng Đông Nam (hành Mộc). Thánh Tả Ao lưu truyền, thế đất làng rất đẹp nên đã cùng nhân dân chọn nơi phong thủy xây dựng đình, đền. Qua thời gian, chỗ dấu tích ấy có nhiều người chiếm lấy đình đền sửa sang làm nhà ở.

 Cụ Vũ Văn Điền

Ông cụ Điền quả quyết, thế đất làng Nam Trì đẹp đến nỗi Tả Ao tiên sinh ở mãi nơi này đến lúc về già, sau này hóa, được dân làng thờ Thành hoàng, thỉnh thoảng vẫn hiển linh báo mộng. Còn thánh Cao Biền, dù có nhiều dã sử không tốt về nhân vật này đối với dân tộc, nhưng người Nam Trì vẫn thờ phụng Thành hoàng làng vì đã có nhiều công trạng với Nam Trì.

II. Cái thế đất Nam Trì mà cả Cao Biền và Tả Ao đều ca ngợi nghe bảo là thế Phượng Hoàng hàm thư (chim Phượng Hoàng ngậm thư).

Thế đất có bốn khu, sau sáp nhập lại thành hai khu gọi Bảo Tàng, Ngọc Khê, được mô tả: Thiên Nam Trì thuỷ sơn hà đới - Địa Bảo Tàng hương bích ngọc khê (nghĩa là: Thiên nhiên Nam Trì thủy sơn sông nước bao quanh; Đất đai Bảo Tàng có khe nước trong xanh). Nam Trì là nơi có tam giang giao hội, thuỷ tụ khê lưu, chảy vòng chín khúc tức là 3 mặt hai dòng sông lớn (phía bắc và phía đông) và dòng sông nhỏ (phía tây). Thế đất này, những bậc địa lý tài danh quả quyết, chắc chắn dân làng sẽ phát về đường công danh, tài lộc.

Ấy thế mà ngay cả ông Vương Văn Bằng, một lão nông tha hương làm đủ thứ nghề mưu sinh cuối cùng quay về làng được dân bầu lên làm trưởng thôn lại kể những câu chuyện khá buồn về "Phượng Hoàng hàm thư".

Nam Trì bây giờ có tầm 300 nóc nhà nhưng thống kê hơn 400 hộ dân. Là bởi, có nhiều gia đình con cái dựng vợ gả chồng nhưng không có đất ra riêng. Cả thôn vẫn còn 23 hộ nghèo đa chiều. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, 200 mẫu đất ruộng trồng màu, trồng lúa. Hết vụ dân lại rời làng li tán làm thuê, đời sống xem chừng còn cơ cực lắm. Chuyện cũ tích xưa, vị trưởng thôn rất ậm ờ, chỉ tôi sang nhà Bí thư Chi bộ Vũ Thị Duyên tìm hiểu. Rồi cả bà Bí thư cũng không nắm rõ, chỉ biết đình làng rất thiêng, hàng năm có nhiều cán bộ cấp cao về lễ, cung tiến bổng lộc cho các vị thành hoàng làng, cho các thầy địa lý, trồng cây, gắn bia lưu niệm…

Trong khuôn viên của đình cũng có văn miếu, cũng đài nghiên, tháp bút mô phỏng tháp bút Hồ Gươm trên Thủ đô, bia lưu danh người làng Nam Trì thành đạt cũng làm bằng đá cẩm thạch hẳn hoi, bên trái là võ chỉ, bên phải là văn chỉ, đại ý theo lối quan văn quan võ song hành. Chỉn chu, bài bản lắm.

Bia minh đình Nam Trì 

Tuy nhiên danh sách người hiển vinh chỉ có vài ba vị, nhìn qua đã có thể nhớ hết họ tên. Đứng đầu võ chỉ là Quận công Đinh Văn Tả từ thời Lê và một số đại tá, thượng tá, bộ đội, công an. Văn chỉ là Tiến sĩ Đinh Tú thời nhà Mạc. Hàng mấy thế kỷ trôi qua, hàng văn chỉ thêm được có 3 người là Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Hồng Hạnh đều là thạc sĩ. Hàng võ chỉ thêm được 8 người nhưng lại có những “quan võ” rất lạ như ông Nguyễn Xuân Hiên - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Vũ Văn Đối - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Hưng cũ…

Cơ sự này, hình như liên quan đến một lời nguyền của Quận công Đinh Văn Tả.

Câu truyền trong dân gian họ Vũ làm đình họ Đinh làm đền là vì, khi thánh Tả Ao đến Nam Trì, ngôi làng này chủ yếu có hai dòng họ lớn là họ Đinh và họ Vũ. Họ Vũ giàu có, nhiều địa chủ, đồ Nho, chữ nghĩa, có thế lực, nhiều đời làm chức sắc trong làng, ngoài tổng. Nếu so bề thế, họ Đinh có phần lép vế hơn nên mới sinh ra mâu thuẫn.

Người ta kể rằng, trong thời gian thánh Tả Ao ở Nam Trì đã chịu nhiều ân đức của dòng họ Đinh nên đã góp sức giúp dòng họ này tìm long mạch, đặt mộ phần tại gò đất quí để cháu con phát đường khoa cử, võ tướng. Nghe đâu chỗ ấy có hình thế Tam Thai tại cánh xứ Vườn Bông ở phía Nam của làng. Quả nhiên, đến năm Quảng Hoà thứ 4 thời Mạc Phúc Hải (Triều Mạc) hậu duệ Đinh Tú đỗ Tiến sĩ, tên tuổi được ghi ở Văn Miếu Quốc Tử giám (Hà Nội) và Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên). Đó cũng là người đầu tiên của làng Nam Trì vinh hiển.

Triều đình nhà Mạc đã bổ nhiệm làm quan, chức Hiến sát xứ Hải Dương, khi mất được phong tước Phù Nham bá. Đến thời Quận công Đinh Văn Tả, người gọi vị tiến sĩ đầu tiên của làng bằng cụ, thậm chí còn hiển hách hơn nhiều. Quận Tả có công rất lớn với vua Lê chúa Trịnh, được phong Thần từ lúc sống (Sinh phong). Lúc mất được vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn tới viếng và ban thụy hiệu là Vũ Dũng, sai Bộ Lễ về nguyên quán là làng Nam Trì hộ tang, tổ chức lễ tang với nghi thức của bậc đế vương.

Chúa Trịnh Căn còn viếng đôi câu đối: “Tiết việt quyền long triều túc tướng - Phiên toàn trách trọng quốc nguyên huân”. Địa danh Voi Phục ở làng bây giờ chính là nơi xưa kia vua chúa xuống voi làm lễ tang cho Quận công Đinh Văn Tả.

Thời họ Đinh lên ngôi tất họ Vũ lại trở thành lép vế. Mâu thuẫn giữa hai dòng họ càng nối sâu ngăn cách. Khi Quận công Đinh Văn Tả vinh quy bái tổ, lễ rước đón không được như thông lệ ở nhiều ngôi làng khác. Nếu chiểu theo phong tục, làng Nam Trì phải tổ chức đón rước Quận công từ cột Đá Mốc (ranh giới với làng Thổ Hoàng trên quốc lộ 38 hiện nay) nhưng khi Đinh Văn Tả về làng, dân làng Nam Trì chỉ tổ chức đón rước ngay tại Chợ Đìa đầu làng. Quận công cho rằng dân Nam Trì trọng văn, khinh võ nên ông đã đóng đinh thuyền giữa nền đình và lập một lời nguyền: Từ đây Nam Trì sẽ không còn ai đỗ đạt cao được nữa.

Quả thật, lời nguyền ấy xem chừng rất linh nghiệm. Theo thống kê trong Văn miếu Xích Đằng, cả huyện Ân Thi có tới 35 người đỗ đại khoa được lưu danh ở nơi này, vậy mà Nam Trì chỉ có duy nhất Tiến sĩ Đinh Tú. Đến cả như làng Thổ Hoàng bên cạnh, nơi cũng được thánh Tả Ao đặt mồ mả, trấn long mạch có tới 13 người được lưu danh. Còn Nam Trì, suốt nhiều thế kỉ, đất “Phượng Hoàng hàm thư” tuyệt không có lấy một bậc tài danh, đỗ đạt nào.

Mãi cho đến những năm đầu thế kỷ này, nhiều người làng đi xa thường nằm mộng gặp thánh Tả Ao hiển linh truyền dạy: Muốn giải lời nguyền của Quận công Đinh Văn Tả thì phải xây dựng Văn miếu - Tháp bút - Đài nghiên ở trong đình làng.

III. Thượng tá Phạm Tuấn, đang công tác ở Tổng cục An ninh (Bộ Công an) là một trong những người làng Nam Trì thành đạt, khá ít ỏi, được ghi danh ở "bia tiến sĩ" trong đình làng. Nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử làng mình, ông Tuấn đã biên soạn cuốn sách "Nam Trì ngọc phả thần tích", cuốn sử chính thống nhất của Nam Trì. Bản thân là người học rộng, lại công tác trong ngành công an, nhưng có những điều về ngôi làng này bản thân vị thượng tá không sao lí giải nổi, đặc biệt là về mặt khoa học.

Cũng giống như nhiều người dân Nam Trì khác, thượng tá Tuấn cho rằng, một vùng đất mà cả hai vị thánh địa lí đều ca tụng thì đương nhiên là phải có điều gì đó đặc biệt. Còn chuyện phát đường khoa cử, công danh, tin hay không thì phải tùy người.

Năm 1953 bom quân đội Pháp rơi giữa sân đình, làm đình làng Nam Trì bị đổ nát, hoang phế không còn chút dấu tích nào. Đó là quãng thời gian làng Nam Trì lụn bại, hiếm người đỗ đạt, kinh tế cũng bần hàn. Mãi đến năm 2006, thánh địa lý Tả Ao hiển linh, một số hương tử, khách thập phương tâm đức và nhân dân Nam Trì đã quyết tâm dựng lại ngôi đền tại gò Vườn Soi, chính là nơi xưa kia Cao Biền xây đền thờ hai vị Thần Lang Công, Bảo Công. Gò Vườn Soi có thế đất “thủy nhiễu chu viên”, song long, tứ nhãn, nhị nhãn ẩn, nhị nhãn hiện” (nước chảy quanh vườn, hai rồng bốn mắt, mắt ẩn, mắt hiện), một năm sau ngày khởi công, làng tổ chức khánh thành đình. Đó là một thế đất, một công trình xét về phong thủy được rất nhiều nhà nghiên cứu ngợi ca.

Bia minh đình Nam Trì do Thượng tọa Thích Thanh Quyết phụng soạn được khắc vào đá, có những đoạn nói rõ chuyện Thành hoàng làng hiển linh ứng báo: Thiện duyên đã hội, quả phúc tạo nhanh. Đình thờ các vị Thượng đẳng phúc thần Đại tướng Nguyễn Danh Lang, Tể tướng Lữ Gia, hai thánh địa lý Cao Biền, Tả Ao (được phong Thành hoàng làng vào triều Nguyễn) và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Năm đó vào dịp 30.6, sĩ tử Nam Trì nhiều năm thi cử lẹt đẹt, nhưng khánh thành đình xong thì mùa thi năm ấy có gần 20 cháu trong làng đỗ đại học liền", thượng tá Tuấn kể tiếp.

Chưa hết, sau khi xây đình, làng có vị Tiến sĩ thứ hai - Vị tiến sĩ đầu tiên sau khoảng 5 thế kỷ, từ thời Tiến sĩ Đinh Tú. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đạt, một cán bộ công tác bên lĩnh vực ngân hàng ở Thủ đô Hà Nội. Thôi thì khó kể xiết nỗi hân hoan của người làng Nam Trì. 24 dòng họ lớn nhỏ trong làng đều xem đó là sự kiện trọng đại, cột mốc lịch sử mới về khoa bảng của làng. Người làng còn kháo, hiện đang có 3 người cũng đang làm luận án, nay mai thôi sẽ có thêm mấy tiến sĩ nữa cho mà xem.

Thêm một chuyện mừng, sau nhiều thế kỷ, họ Vũ - họ Đinh đã không còn mâu thuẫn từ nhiều năm nay. Trai gái họ nọ lấy họ kia được rồi. Những lời nguyền thuở xưa xem chừng đều đã được hóa giải. Một cột mốc lịch sử mới hi vọng sẽ tươi sáng với Nam Trì.

Theo Theo Hoàng Anh/Báo Nông Nghiệp

https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/ky-bi-ngoi-lang-co-duoc-cao-bien-va-ta-ao-tran-yem-1045094.html

..


Lễ hội Nam Trì

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Lễ hội Nam Trì là lễ hội tế Thần có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên của trang Nam Trì (nay là làng Nam Trì xã Đặng Lễ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên, dân gian gọi là Lễ hội Bảo, Lang, BiềnBảo, Lang, Biền là ba vị Thượng đẳng Phúc thần Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành hoàng Đại vương thờ tại đền Nam Trì.

Lễ hội chính được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm.

Nguồn gốc lễ hội[sửa | sửa mã nguồn]

Lễ hội Nam Trì có nguồn gốc từ việc tế ba vị thần Bảo, Lang, Biền: Nguyễn Danh Lang hiệu Lang Công người Nam Trì (Bản TT-TS FQ 40 18/X11, 11 - Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam), tướng ba đời nhà Triệu nước Nam ViệtThừa tướng bốn đời nhà TriệuLữ Gia hiệu Bảo Công (người huyện Lôi Dương quận Cửu Chân cùng gia quyến cư ngụ tại Nam Trì, nhận Nguyễn Danh Lang là em kết nghĩa); Tướng quốc Cao Biền. Tướng quốc Cao Biền sang Giao Châu tiễu phạt giặc Nam Chiếu qua Nam Trì đóng đồn, xây dựng hành cung, kết nghĩa anh em với hai vị Thần trong đền, cưới hai cô con gái sinh đôi họ Phạm ở Nam Trì (Lữ nương, Lự nương), cùng dân Nam Trì sửa miếu, lập đền hai vị Thần Bảo, Lang (Bản TT-TS FQ 40 18/X11, 11 - Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam).

Khi Lang Công, Bảo Công, Công chúa Hùng vương Lâu nương (phu nhân Lữ Gia) chết, dân làng xây đền miếu phụng thờ. Sau, Cao Biền chết, dân làng phụng thờ cùng hai vị Bảo, Lang. Lễ hội Nam Trì còn gắn liền với vị Thánh địa lý của Việt Nam Tả Ao Vũ Đức Huyền. Ông có công giúp dân Nam Trì lập lại làng, xây dựng đình chùa nên dân Nam Trì phụng thờ ông cùng ba vị Bảo, Lang, Biền.

Đền thờ, lăng mộ[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Thần tích thì Nguyễn Danh Lang về đến quê Nam Trì thì mất nên dân làng lập đền thờ. Khi Lữ Gia bị chém quân sĩ quê Nam Trì đưa xác Lữ Gia không có đầu về Nam Trì an táng và thờ cùng Nguyễn Danh Lang. Đền thờ lúc sơ khởi nằm trên đất làng Nam Trì hiện nay nhưng không rõ địa điểm cụ thể. Thời Đường, Cao Biền chọn đất, dựng lại đền thờ tại gò Vườn Soi (cuối làng Nam Trì bây giờ). Thời Hậu Lê, Thánh địa lý Tả Ao chọn đất, dựng lại đền thờ tại gò Ao Đình (phía tây nam của làng Nam Trì bây giờ). Hiện nay, đền thờ nằm trên gò Vườn Soi nơi đất cũ do Cao Biền chọn, thế đất có hoàng long địa mạch, song long tứ nhãn, nhị nhãn hiện nhị nhãn ẩn, thuỷ nhiễu chu viên; năm gian rộng, hình chữ đinh, hướng nam. Hậu cung thờ ba vị thần Bảo, Lang, Biền và Thánh địa lý Tả Ao. Trung đường thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiền bái là ban thờ công đồng.

Lễ hội Nam Trì (lễ hội Bảo, Lang, Biền) ở thôn Nam Trì xã Đặng Lễ huyện Ân Thi Hưng Yên

Thời Bắc thuộc các triều đại Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống của Trung Hoa đều sắc phong ba vị Thượng đẳng Phúc thần Bảo, Lang, Biền: Tướng quốc Cao Biền Quốc Vương thiên tử Đại Vương, Thừa tướng Lữ Gia là Trung Thiên Bảo Quốc Đại Vương, Tướng Nguyễn Danh Lang là Trung Lang Tế thế Đại vương, Lâu Nương Công chúa là Trung đẳng Thần, cho hai vị phu nhân: Lữ nương, Lự nương được thờ phối hưởng và chuẩn cho trang Nam Trì lập đền chính phụng sự. Các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn sắc phong như vậy. Triều hậu Lê sắc phong: Tướng quốc Cao Biền Tá trị Hựu thánh, Thừa tướng Lữ Gia Cương trực hiển Thánh, Tướng Nguyễn Danh Lang Dũng lược quả đoán. Sau lại sắc phong thêm tam vị duệ hiệu: Dực bảo trung hưng; Công chúa Lâu lương là Tôn tinh uyển Trai tĩnh bảo trung hưng Trung đẳng Thần. Tiếp, triều Nguyễn đều sắc phong như cũ. Cho đến năm 1880 niên hiệu Tự Đức thứ 6 thì sắc phong thêm làm Bản cảnh Thành hoàng.

Mộ hai vị Bảo, Lang xưa kia táng tại gò bên bờ sông Nam Trì, hiện nay tọa lạc tại gò phía nam làng Nam Trì (đình Ba Xã), nơi hai vị lập quán Hội đồng, Cao Vương dựng hành cung xưa kia và là nơi rước Thần, tế lễ.

Lễ hội Nam Trì (lễ hội Bảo, Lang, Biền) ở thôn Nam Trì xã Đặng Lễ huyện Ân Thi Hưng Yên

Lễ hội[sửa | sửa mã nguồn]

Lễ hội Nam Trì là lễ nghi tôn giáo tế Thần có từ thời thượng cổ. Lễ hội vừa mang tính tín ngưỡng dân gian vừa là văn hóa cộng đồng làng xã. Thời thượng cổ việc tế Thần phức tạp hơn như phải tế vật sống (Tam sanh). Ngày nay thủ tục này không còn nữa. Sau các Thần ở đây được tôn làm Thành Hoàng nên lễ được tổ chức theo nghi thức tế Thành Hoàng. Đây là lễ hội chung của ba làng Nam Trì, Đới Khê và Bảo Tàng. Lễ hội tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, kéo dài năm ngày: ngày 8/3 quét dọn hai khu đền miếu, rước Thần đến sở Công đồng làm lễ yết cáo xong rước đi các nơi làm lễ tắm Thánh. Ngày 9/3 là ngày lễ chính. Ngày 10/3 làm lễ lại, lễ đón Cao Vương. Ngày 12/3 thì cả ba làng làm lễ tạ. Các ngày tế lễ là các ngày sinh, ngày hóa của các vị Thần Bảo, Lang, Biền, Công chúa, hai vị phu nhân, ngày húy nhật của Thánh phụ Thánh mẫu, ngày Khánh hạ (các ngày 4/6, 8/6 và 12/8), lễ Tam sanh (các ngày Đinh tháng 2, tháng 8). Lễ vật ngày lễ chính gồm trâu, bò, lợn, gà, xôi rượu và bánh mật (trâu, lợn đen tuyền mua của những gia đình vợ chồng song toàn). Hội là ca hát 10 ngày, đánh cờ, đấu vật. Khi rã đám thì ba làng phải cùng dọn đình Ba Xã để rước thần về đó làm lễ. Lễ vật ngày sinh của 2 vị phu nhân là lễ chay gồm hoa quả, xôi, rượu. Các lễ tế khác thì biện lễ tuỳ nghi, thỉnh cả Thánh phụ, Thánh mẫu. Ngày hành lễ cấm mặc quần áo màu tía, kiêng tên húy các vị Thần và Thánh phụ, Thánh mẫu.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]


https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%85_h%E1%BB%99i_Nam_Tr%C3%AC

..








..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.