Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/12/2021

Văn nghệ Thứ Bảy : ngắm đường Cầu Giấy và mộ quan năm Pháp ngày xưa qua ảnh cũ

Văn nghệ Thứ Bảy tuần này là cùng ngắm lại trục đường Cầu Giấy ngày xửa xửa qua ảnh cũ. Đây vốn là trục đường thiên lí dẫn đi Sơn Tây.

Mở đầu là một ít ảnh kèm chú thích, diễn giải của nhà sưu tập Tạ Thu Phong.

Các tư liệu cập nhật và bổ sung sẽ dán dần lên ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 12 năm 2021,

Giao Blog


---

Đoạn này là vừa đi qua Cầu Giấy. Bên trái là làng Dịch Vọng, nơi quân Cờ Đen phục binh sau những bụi tre dày đánh quân Pháp trong trận Cầu Giấy lần 2 (1883). Chỉ huy Pháp Rivière bị giết ở chỗ này (nay khu vực này tương ứng với Bưu điện Cầu Giấy). Bên phải mấy cái nhà tranh kia có lẽ là quán cơm, trong cuốn "Giặc Cờ đen" nói về người lính truyền tin ngồi ăn cơm trong mấy quán lá này. Cuối con đường này dẫn đến thành phủ Hoài Đức.
Phủ Hoài Đức thời Lê là có tên là phủ Phụng Thiên. Đây là phủ thuộc đất kinh kỳ, không thuộc trấn nào cả. Thời Nguyễn do kinh thành chuyển vào Huế nên năm Gia Long thứ 4 (1805), phủ Phụng Thiên mới đổi thành phủ Hoài Đức và vẫn là phủ biệt lập thuộc Tổng trấn Bắc thành quản lý. Phủ lỵ lúc đó nằm ở huyện Thọ Xương (nay là ngõ Huyện- Hoàn Kiếm).
Đến thời Minh Mạng cải tổ hành chính, phủ Hoài Đức lĩnh thêm huyện Từ Liêm và thuộc tỉnh Hà Nội. Năm 1832, phủ lỵ Hoài Đức được chuyển về làng Dịch Vọng.
Thành phủ được xây hình tứ giác theo kiểu Vauban, lối kiến trúc thành rất phổ biến thời nhà Nguyễn. Xung quanh có hào nước hộ thành. Thành phủ Hoài Đức có hai cửa. Cửa chính Đông mở ra đường thiên lý đi Sơn Tây (nay chính là đường Cầu Giấy). Cửa còn lại mở ra hướng Bắc. Ở bốn góc thành là bốn pháo đài hình bán nguyệt nhô ra để bảo vệ thành.
Trong hai trận Cầu Giấy 1873 và 1883, thành phủ Hoài Đức là nơi đại quân của Nam triều do Hoàng Kế Viêm chỉ huy tập kết để tiếp ứng cho quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc đánh Pháp ở Cầu Giấy.
Địa điểm của Học viện Báo chí tuyên truyền ngày này được xây nằm trọn trên thành phủ Hoài Đức khi xưa (đầu đường Nguyễn Phong Sắc và đường Cầu Giấy).
Nguồn ảnh: gallica.bnf.fr



https://www.facebook.com/havu.hoang.16/posts/2259631084178784

..

Nhờ trang Thư viện Pháp mở ra, chúng ta được tiếp cận rất nhiều tư liệu quý.
Đây là các bức ảnh khác nhau về Đài tưởng niệm viên Quan Năm Rivière ở Cầu Giấy. Nay dấu tích của ngôi mộ này là một phiến đá xanh rất to nằm ngay mặt đường Cầu Giấy (Ngõ 155 Vỹ Hậu gần Bưu điện Cầu Giấy).
Ảnh thứ nhất: Ngôi mộ Riviere khi mới được xây (khoảng năm 1884)
Ảnh thứ hai: Khu đài tưởng niệm khi hoàn thành
Ảnh thứ ba cho thấy năm 1952, tấm bia trên khu tưởng niệm này đã bị đập bỏ
Và cuối cùng là dấu tích ngày nay.

Sở dĩ quân Pháp nhận ra thi thể không lành lặn là của Rivière bởi hai chữ HR (tên viết tắt của Henri Rivière) thêu trên áo ngực và ống tay áo. Biên bản khám nghiệm của viên Bác sĩ Masse ngày 8-10-1883 cho ghi chi tiết như sau:
“ Khi vừa đào một lớp đất chừng 25-30 cm, chúng tôi phát hiện giữa hỗn hợp vôi và đất một đầu xương mà Mondon cho là xương tay phải. Toàn bộ cơ thể đang trong tình trạng phân hủy nhanh đã lộ ra và chúng tôi có thể ghi nhận như sau: Thi thể dưới mắt chúng tôi còn một chiếc quần bằng vải flannele xanh, một áo gilet bằng vải flannelle trắng, một áo sơ mi bằng vải thường, không đầu, không tay. Xương cốt đã rời ra, để lộ những cơ bắp và dây chằng. Xương sườn thứ nhất và xương đòn bên trái bị gãy, xương cánh tay trên còn thấy bị cắt..”.
Thi thể rời rạc của Rivière được gom lại mang về khu nhượng địa mai táng. Sau này mới được chuyển về nghĩa trang Montmartre ở Paris nước Pháp.

Đây là ngôi mộ xây lên sau khi đã tìm thấy thi thể của Riviere (khoảng năm 1884)

Tháng 5-1888, tại nơi đã từng chôn thi thể không đầu của Rivière ở làng Hạ Yên Quyết, Phó Thống lý Hà Nội Halais cho dựng đài tượng niệm rất lớn bằng đá xanh. Công trình được xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Lichtenfelden. Trên phiến đá là tấm bia “ghi công” viên sĩ quan này. Xưa, những người cao niên ở làng này quen gọi là "mộ quan Năm". Tại đây, trong một số sự kiện quân Pháp lại tổ chức duyệt binh trước đài kỷ niệm này.

Góc chụp từ hướng Cầu Giấy. Con đường ta nhìn thấy chính là đường Cầu Giấy ngày nay

Ảnh này chụp năm 1952, đường Cầu Giấy đã được mở và tấm bia lớn trên ngôi mộ đã bị đập bỏ. Đường Cầu Giấy cũng được tôn cao so với trước đó rất nhiều

Dấu tích ngôi mộ ngày nay chỉ là tấm đá xanh lớn ở ngõ 155 Vỹ Hậu Cầu Giấy

https://www.facebook.com/havu.hoang.16/posts/2256777411130818

..




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.