Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/10/2021

Xem lại dần, bắt đầu từ việc tiêm chủng đầu thế kỉ XX (tư liệu hình ảnh)

Một thời gian trước, Giao Blog đã giới thiệu về việc chủng đậu ở Nhật Bản thông qua sự giao thoa Tây y và Đông y từ năm 1790 thời vua Khoan Chính (xem lại ở đây).

Bây giờ là giới thiệu về việc chủng đậu và tiêm chủng đầu thế kỉ XX ở Việt Nam.

Loạt bài này có nhiều kì, nên Giao Blog sẽ cập nhật chép về bên này theo bản đang lên bên TT & VH. Bác Dương Trung Quốc có cho biết trên Fb là bác đang giữ chuyên mục này.

Tháng 10 năm 2021,

Giao Blog

---



Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 1): Chuyện tiêm chủng xưa

Thứ Hai, 09/08/2021 19:06 GMT+7

(LTS) Khi định nghĩa 2 chữ “ký ức”, mọi cách tiếp cận đều nhắc đến 2 chữ “hình ảnh” được lưu vào võng mạc trước khi hằn vào nếp óc. Mô tả hình ảnh ấy chính là ký ức về cái đã qua. Ngôn ngữ là cái có trước nên con người lưu giữ ký ức bằng lời kể (truyền miệng) hay văn tự (sử sách, bia ký hay văn chương). Những họa sĩ là lớp người đầu tiên lưu giữ bằng hình ảnh vẽ lại (cũng theo ký ức đôi khi của người khác như vẽ về đề tài lịch sử).
Chỉ từ thế kỷ 19, khi những người tiên phong như Daguerre, Lumière… cùng nhiều nhà sáng chế khác phát minh ra cái máy ảnh và công nghệ nhiếp ảnh thì nhân loại có thêm một công cụ mới để lưu vào ký ức. Sự thần kỳ của nhiếp ảnh là “biến khoảnh khắc thành vĩnh cửu” đã giúp cho người đời sau nhìn thấy cái mà người các đời trước đã nhìn thấy qua tấm ảnh được in và có thể lưu giữ lâu dài cho nhiều thế hệ chiêm ngưỡng.
Nếu lịch sử đơn giản chỉ là “sự nối dài ký ức của cộng đồng” thì những sản phẩm của nghiếp ảnh chính là một nguồn sử liệu đáng tin cậy và là 1 trong những công cụ nhận thức về quá khứ hữu hiệu hơn cả. Cũng bởi thế, bảo tồn kho tàng hình ảnh cũng chính là bảo tồn nguồn sử liệu, bảo tồn ký ức của cộng đồng.
Trên Thể thao và Văn hóa từ số này, vào hàng tuần, chúng tôi xin mở một chuyên mục do nhà báo QXN đảm nhiệm với những bài viết nhỏ kèm theo hình ảnh minh họa về lịch sử để tạo hứng thú và mối quan tâm của bạn đọc về những hình ảnh của quá khứ như một nguồn sử liệu. Cũng mong các bạn viết cùng tham gia đóng góp bài vở hoặc bổ khuyết những sai sót trong khi sử dụng loại hình tư liệu này…

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuốn bút ký nổi tiếng Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, bác sĩ quân y Hocquard, người đã theo đạo quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ đã chụp ảnh in hình (bản khắc) một người Việt Nam trẻ tuổi tên là Ngô Đại.

Sự trớ trêu của lịch sử đã khiến tâm huyết của bác sĩ Charles Edouard Hocquard phải đi hết quãng đường vòng suốt gần 130 năm để có thể trở lại với Việt Nam - nơi khai sinh ra nó.
Đây là người được Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ giới thiệu với viên bác sĩ người Pháp là “thầy thuốc của nhà nước” được cử đến gặp để xin học cách chủng đậu và một vài cách phẫu thuật của Tây y. Thư giới thiệu đề ngày 3/6 năm Kiến Phước (25/7/1884).
Chú thích ảnh
Ngô Đại, nhân vật được bác sĩ Hocquard nhắc đến như người Việt Nam sớm nhất đến học cách chủng đậu
Ta biết rằng bệnh đậu mùa là 1 trong những dịch phổ biến nhất ở xứ nhiệt đới như nước ta. Trong chính sử có ghi chép về những trận dịch gây thiệt hại về người. Hoàng tử Cảnh, con trưởng của Gia Long, cũng chết vì bệnh đậu mùa và Tự Đức cũng từng bị bệnh mang theo di chứng…
Ứng phó với dịch bệnh, cư dân chỉ có cách tuân thủ quy định của hương ước làng xã để tránh dịch bệnh truyền từ làng này sang làng khác hay dùng một số phương thuốc Nam chủ yếu để phòng dịch còn khi đã phát dịch thì chỉ có bó tay giao cho số phận hay cầu cúng…
Chú thích ảnh
Tiêm chủng cho trẻ sơ sinh
Kể từ khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, Hoàng đế Minh Mạng cũng từng nhờ thầy thuốc Tây Despiau đến Ma Cao mua thuốc về nhờ tiêm chủng. Còn học cách chủng đậu thì Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ là người đầu tiên như trên đã kể. Phải 4 năm sau, tháng 4 Mậu Tý (1888) sử cũng chép, Triều đình Huế nghe theo lời khuyên của viên Khâm sứ Herto phái quan thầy thuốc đến sứ quán học phương pháp “trồng đậu” .
Chú thích ảnh
Việc tiêm chủng tượng trưng cho thành tựu của chính quyền được thể hiện trong bức tranh lớn tại giảng đường Đại học Đông Dương (trích đoạn tranh của H.Tardieu)
Đó là thời điểm dịch đậu mùa bùng phát bắt đầu ở Quảng Ngãi từ tháng 11 năm trước đến thời điểm này đã có 13.934 người cả đàn ông và đàn bà chết… Tình trạng đó khiến Phòng thần Nguyễn Thân đem ra bàn với Viện Cơ mật, nhờ công sứ Pháp ở các tỉnh điều thầy thuốc Tây y chữa trị và huấn luyện cách “trồng đậu để đỡ tai hại cho dân”.
Chú thích ảnh
Dân làng ở Bắc Bộ ra đình tiêm chủng
Đến triều Thành Thái, năm 1895, được các thầy thuốc Pháp hợp tác đã tổ chức để các thầy thuốc triều đình tổ chức tiêm chủng, theo cách nói bây giờ là “dịch vụ” với giá 5 xu mỗi liều, được dân chúng hưởng ứng, có tới 40.000 người đến chủng. Sau sự kiện này bác sĩ Grall, giám đốc Sở Y tế Trung và Bắc Kỳ quyết định lập một cơ quan tiêm chủng cho cả 3 kỳ nhưng phải đến 20/5/1903 mới thành lập và hoạt động sau khi dịch đậu mùa hoành hành suốt 2 năm 1902 và 1903 với những hậu quả “làm cho rất nhiều người chết” và “số tử vong trẻ con lên đến con số khủng khiếp”.
Đến triều Duy Tân (tháng 1 Ất Tỵ 1915) thì hoàng đế ban dụ quy định việc phòng dịch cho người và gia súc…
Chú thích ảnh
Đình làng Nam kỳ cũng là địa điểm tiêm chủng
Với một thuộc địa ở vùng nhiệt đới, đông dân, nên nước Pháp đã thiết lập một hệ thống các chi nhánh của Viện Pasteur được hình thành để nghiên cứu và ứng phó với các bệnh dịch nhiệt đới ngày một hiệu quả, kết hợp cả chống bệnh chó dại và cung cấp vaccine cho ngành thú y. Sản xuất và cung cấp vaccine cùng với tổ chức tiêm chủng trở thành một phần chức năng của ngành y tế Đông Dương, tuy chưa khắc phục được triệt để, nhưng góp phần thuyên giảm tác hại (nhất là về sinh mạng) của dịch bệnh ở nước ta.

Ngay từ năm 1904, một cơ quan chuyên nghiên cứu về vaccine đã được lập ở Thái Hà Ấp, Hà Nội và ngay năm 1905 đã sản xuất được hơn 480 ngàn liều cho Bắc Kỳ, gần 100 ngàn liều cho Trung Kỳ. Đến năm 1913, Viện Vệ sinh và Vi trùng Bắc Kỳ được thành lập. Năm 1925, trên cơ sở thỏa thuận của chính quốc, các cơ sở của Viện Pasteur của Pháp lập trên lãnh thổ Đông Dương được tổ chức thành một Viện Pasteur chung có các chi nhánh ở Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang… nâng cao năng lực phòng chống dịch cho người và gia súc.
Chú thích ảnh
Tiêm chủng tại chợ Cốc Lếu, Lào Cai
Năm 1928, riêng Viện Pasteur ở Hà Nội đã sản xuất được hơn 14 triệu liều vacccine chống bệnh đậu mùa, một con số khá lớn so với dân số cả Đông Dương lúc đó mới trên dưới 20 triệu dân….
Do vậy, hình ảnh tiêm chủng để phòng chống dịch bệnh trở nên khá phổ biến trên các ấn phẩm đương thời…
QXN
Tài liệu tham khảo
ĐNTL, t. 9, sđd, tr. 406, 418;
Những người bạn cố đô Huế, (bản tiếng Việt) của BAVH t. 8, 1921; tr.283-314, 296-297, t. 13, 1926, tr.132-142;
Bùi Thị Hà. Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ từ năm 1873 đến năm 1945. Luận án tiến sĩ sử học, HN, 2019


https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/anh-ky-uc-lich-su-ky-1-chuyen-tiem-chung-xua-n20210809080745027.htm










---




CẬP NHẬT


1. Ngày 6/10/2021

"


Đọc FB rất mừng thấy nhiều nhóm FBker quan tâm đến hình ảnh bổ sung cho việc bảo tồn và trao truyền ký ức, cũng chính là lịch sử. Từ 2 tháng nay, cộng tác với “Thể thao Văn hóa” (của TTXVN) giữ chân mục “Ảnh-Ký ức-Lịch sử” chú tâm sử dụng ảnh để truyển tải những hiểu biết về quá khứ, đã ra được 9 số. Nay muốn chia sẻ với cộng đồng FB mong mang lại những niềm vui nho nhỏ mỗi thứ hai hàng tuần. Xin up load bài mới nhất, số 9 (4-10) và sẽ lần lượt đăng lại những số đã ra…Hy vọng duy trì được mục này lâu dài… Mong các bạn đón nhận và đóng góp ý kiến nhé QXN.



https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=106814031775631&id=100073411022379

..






---

BỔ SUNG (các kì từ 2 trở đi)

.

9.

10:19 04/10/2021

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 9): Ngày xưa, vua quan đi lại trong kinh thành Huế bằng gì?

Đương nhiên, trong kinh thành vẫn có những không gian để người đứng đầu triều đình dạo bộ. Nhưng ở cương vị có quyền lực nhất, Ngài phải có những phương tiện đi lại cho tương xứng, khác và hơn người thường.

(Thethaovanhoa.vn) - Đương nhiên, trong kinh thành vẫn có những không gian để người đứng đầu triều đình dạo bộ. Nhưng ở cương vị có quyền lực nhất, Ngài phải có những phương tiện đi lại cho tương xứng, khác và hơn người thường.

Ngựa sẽ là phương tiện phổ biến nhất, sách vở có nói đến việc vua cưỡi ngựa đi trong kinh thành, nhưng chưa từng thấy cái ảnh nào, nhìn chung từ Tự Đức đến Khải Định đều là những người có thể chất yếu ớt, trừ ông Bảo Đại sau này thì chỉ có cưỡi ngựa thể thao, còn khi ông về chấp chính thì ngoài ngồi kiệu, cái ô tô trở nên phổ biến rồi. Kiến Phúc tại vị có 8 tháng để lại tấm ảnh duy nhất trên cỗ xe ngựa nhỏ.

Chú thích ảnh
Kiến Phúc trên xe ngựa

Voi là con vật có vóc dáng to lớn, uy nghi mà vua ở xứ ta đời nào cũng sở hữu nhiều voi to nhất, đẹp nhất nước. Vua Khải Định vào dịp “tứ tuần đại khánh” (sinh nhật lần thứ 40, năm 1924) được Toàn quyền Merlin tặng một “bạch tượng” (voi trắng) bắt được trên rừng Tây Nguyên… Nhưng chưa thấy hình ảnh nào Ngài Ngự cưỡi voi, ngay cả trong dịp theo đoàn rước ra Đàn Nam Giao hành lễ. Trong khi đó, dùng voi để cưỡi đã có nhiều vị đại quan cỡ từ tổng đốc trở lên được sử dụng. Kinh thành nằm bên sông Hương, nên Ngài Ngự có thuyển rồng, nhưng cũng chỉ để vãn cảnh trên sông mà thôi.

Phương tiện thông dụng nhất là dùng kiệu, nói đơn giản là cái ghế di động trên vai của những phu khiêng, tất nhiên đồ ngự dụng thì gỗ thật quý, chạm trổ sơn thiếp thật tinh vi… Có 2 loại kiệu chính, dựa vào hình loại để tạm gọi là kiệu hở và kiệu kín. Kiệu hở tức là chỉ có mái che đầu còn toàn thân thể của đức vua không có gì che khuất, vì việc đi lại chủ yếu trong cung cấm. Còn khi đi ra ngoài thì vua dùng loại kiệu kín tựa như ngồi trong xe ngựa hòm của người phương Tây. Kiệu có khung cửa kính nên người trong nhìn rõ bên ngoài, còn người ngoài chỉ có thể nhìn thấy hình bóng mà khó nhận rõ dung nhan.

Có người nói rằng cỗ kiệu này có từ thời Vua Gia Long, vì xung quanh có nhiều quần thần là người Âu tư vấn nên trông thiết kế và trang trí mang phong cách Tây phương; có người còn đồ rằng nó được phỏng theo cỗ xe ngựa của Vua Louis XVI tặng, mà cũng có thể nó được cải tiến từ cái xe ngựa ấy (!?). Nhưng dù sử dụng loại kiệu nào thì tháp tùng nó vẫn đầy đủ 4 lọng vàng và một số người cầm quạt phe phất để che nắng hay tạo gió mang tính tượng trưng cho oai quyền của đấng đế vương ngồi trong kiệu. Trong một bản vẽ thuyết minh cơ cấu của đoàn Lễ Nam Giao còn có cả xe do voi kéo nhưng chưa ai thấy bao giờ.

Chú thích ảnh
Khải Định yên vị trên kiệu

Chỉ từ Hoàng đế Khải Định, người đã từng sang Pháp (1922) và chịu ảnh hưởng nhiều phong thái Tây phương là người chấp nhận nhiều thay đổi như trang phục và kể cả phương tiện đi lại. Xem ảnh chụp trong dịp “tứ tuần Đại khánh” (9/1924), bất ngờ thấy Ngài ngồi trên một chiếc xe (chắc tự thiết kế) ngày nay thấy thô sơ nhưng hồi đó là tân tiến lắm. Đó là chiếc xe khung sắt đặt trên 4 bánh xe thép bọc cao su tựa như bánh xe đạp và có người đẩy phía sau (không khác xe đẩy cho người già hay khó khăn đi lại ngày nay). Nhưng cũng trong lễ trọng cùng năm là Lễ Nam Giao thì Ngài lại ngồi kiệu kín (hòm). Qua ảnh thấy trong đoàn xa giá vẫn mang theo cái kiệu hở, lại có thêm một cỗ xe ngựa hoàn toàn kiểu Tây, chắc để phòng xa hay có lúc cần thiết phải thay đổi.

Có một phương tiện được coi là phổ biến nhất đương thời là cái xe tay (xe kéo hay pouse-pouse) biến thể từ chiếc xe của người Nhật nhập đầu tiên vào nước ta. Loại này được coi là phổ biến nhất trong các đô thị. Năm 1886, triều Đồng Khánh đã có quyết định cho phép các quan trong triều sử dụng để đi lại trong kinh thay cho voi (các đại quan) và chủ yếu là thay cho võng. Lý do giải thích quyết định này được ghi trong Đại Nam thực lục là nằm võng rất bất tiện mỗi khi gặp quan trên, hay quan Pháp phải nhỏm dậy để hành lễ… Trong lễ cưới của Hoàng đế thì người sắp được phong Nam Phương hoàng hậu ngồi xe kéo tới lễ thành hôn, còn vị hôn phu thì vẫn ngồi kiệu.

Xe đạp trước những năm 40 của thế kỷ 20 vẫn chưa phổ biến, mặc dầu, từ cuối thế kỷ 19, ta đã thấy ảnh Đức Thành Thái khi vào Sài Gòn đến Phủ Toàn quyền của Pháp tỏ ra thích thú được chơi với một chiếc xe đạp lạ lẫm. Tờ Họa báo (L’Illustration) chụp được đã đăng hình trên số ra ngày 22/1/1898. Nhưng Thành Thái sau đó bị đi đày vì chống Pháp, còn xe đạp thì mãi đến giữa thập kỷ 30, thuở có phong trào “vui vẻ trẻ trung” mới thấy những người trẻ bản xứ tiên phong sử dụng.

Báo Nam Phong đưa tin, ngay sau lễ nhậm chức làm Khâm sứ Trung kỳ (17/5/1921), P.Pasquier đã đến bệ kiến Khải Định và thông báo sẽ chuyển quà tặng của Tổng thống Pháp cho Ngài Ngự là một chiếc Limousine được thửa riêng với nội thất thiết kế màu vàng của hoàng tộc. Trong "Tứ tuần đại khánh", Ngài Ngự ngồi xe đẩy, nhưng lại thấy ảnh các bà trong nội cung thì ngồi ô tô. Hiếm thấy ảnh Khải Định ngồi ô tô đi trong thành nội.

Qua thời Bảo Đại, người có cả tuổi trẻ sống, học hành và ăn chơi tại Pháp khi về chấp chính (1932) thì Ngài xài đủ thứ từ đi xe kéo đến cưỡi voi đi săn thú ở Tây Nguyên và sắm cả máy bay riêng… nhưng đó thuộc về một câu chuyện khác.

Chú thích ảnh
Bảo Đại trong kiệu hòm
Chú thích ảnh
Hoàng đế Thành Thái với chiếc xe đạp
Chú thích ảnh
Xe tự chế độc đáo của Hoàng đế Khải Định sử dụng trong Tứ tuần đại khánh
Chú thích ảnh
Đàn voi của triều đình phủ phục trước cổng Viện Cơ mật chờ đón quan chức về
Chú thích ảnh
Vị hôn thê của Hoàng đế Bảo Đại trong lễ cưới dùng xe kéo
Chú thích ảnh
Xe ngựa dự phòng trong đoàn Lễ Nam Giao 1924
Chú thích ảnh
Kiệu dự phòng treo đoàn rước đến Nam Giao
Chú thích ảnh
Hoàng đế Khải Định dùng ô tô, hơi lạ là tay lái nghịch (bên phải)

(Còn nữa)












QXN

https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/anh-ky-uc-lich-su-ky-9-ngay-xua-vua-quan-di-lai-trong-kinh-thanh-hue-bang-gi-n20211004110739597.htm


..



1.

05:19 12/05/2020

Ra mắt 'Một chiến dịch ở Bắc Kỳ': Một Việt Nam 'nguyên bản' của thế kỷ 19

Sự trớ trêu của lịch sử đã khiến tâm huyết của bác sĩ Charles Edouard Hocquard phải đi hết quãng đường vòng suốt gần 130 năm để có thể trở lại với Việt Nam - nơi khai sinh ra nó.

(Thethaovanhoa.vn) - Sự trớ trêu của lịch sử đã khiến tâm huyết của bác sĩ Charles Edouard Hocquard phải đi hết quãng đường vòng suốt gần 130 năm để có thể trở lại với Việt Nam - nơi khai sinh ra nó.

Tỷ phú Thái Lan viết sách về Việt Nam

Tỷ phú Thái Lan viết sách về Việt Nam

Để trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất Thái Lan, Vikrom đã phải nhiều lần “liều sống, liều chết” để cho ra đời những dự án kinh doanh đột phá.

Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Hocquard là cuốn sách thuộc dạng ký sự - du ký, với nội dung ghi lại những câu chuyện về con người, cảnh vật và nhiều nét phong tục tập quán tại Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ 19. Cuốn sách cổ khá đồ sộ này (dày ngót 600 trang, cộng cùng hơn 200 bức ảnh) vừa được Công ty Văn hóa Đông A cùng NXB Văn học chuyển ngữ và ấn hành.

Từ ông bác sĩ thích chụp ảnh…

Thực tế, cái tên Charles Edouard Hocquard vốn đã khá quen thuộc với giới nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam, khi một số nội dung của cuốn sách của ông vẫn thường được trích dẫn và giới thiệu trong những công trình gắn với Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19. Sinh năm 1853, Hocquard tốt nghiệp ngành y và làm việc trong quân đội Pháp từ năm 22 tuổi. Để rồi, năm 1884, ông tình nguyện sang Đông Dương, phục vụ trong quân đoàn viễn chinh Pháp, trên cương vị một thiếu tá quân y.

Đó cũng là giai đoạn mà người Pháp đang tiếp tục thực hiện những cuộc “bình định” ở khu vực Bắc và Trung Kỳ. Và, dù tên sách là Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, thực tế cho thấy Hocquard tham gia tới 4 chiến dịch dài ngắn khác nhau, trong đó có những trận giao chiến ác liệt. Tuy nhiên, khá thú vị, tác giả không kể nhiều về các trận đánh trong ký sự của mình. Thay vào đó, chiếm dung lượng lớn lại là những ghi chép theo kiểu “tai nghe, mắt thấy”, được ông lượm lặt hoặc tìm hiểu được trên những nẻo đường đã qua về đất nước, con người, tín ngưỡng, hoạt động sản xuất hay cách tổ chức xã hội tại Việt Nam.

Đặc biệt, đi kèm với lượng ghi chép ấy là những câu chuyện được ghi bằng nhiếp ảnh - khi thú chơi này đã sớm đến với ông từ lúc còn ở Pháp trước đó. Tới Việt Nam, Hocquard đã đem theo đầy đủ những dụng cụ máy chụp, buồng tối, đèn, chân máy, hóa chất… của mình, giống như vũ khí cần có của một người lính bộ binh, để rồi chụp hàng trăm bức ảnh trong gần 2 năm rong ruổi tại các tỉnh Bắc và Trung Kỳ.

Những bức ảnh hiếm hoi về con người và phong cảnh của một xứ sở mới từng giúp Hocquard nhận huy chương vàng tại Triển lãm Toàn cầu ở Anvers năm 1885, trong khi những câu chuyện Việt Nam (kèm ảnh) của ông được đăng tải rải rác trên một tạp chí dưới cái tên Ba mươi tháng ở Bắc Kỳ. Tới năm 1892, chúng được tập hợp và xuất bản thành sách với tên gọi Một chiến dịch ở Bắc Kỳ.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” của bác sĩ Hocquard, do Đông A và NXB Văn học ấn hành.

... Tới một Việt Nam sinh động trong quá khứ

Phần nào, cách viết của Hocquard trong cuốn sách cũng giống với cách ông chụp ảnh: Thấy sao viết vậy, ít bình luận nên tương đối khách quan, tùy thời gian điều kiện mà phác vài nét ký họa hoặc mô tả dưới nhiều góc độ khác nhau. Và, cũng với con mắt quan sát của một nhà nhiếp ảnh, rất nhiều thứ đã “lọt vào” ngòi bút của Hocquard, với những chi tiết tưởng như vụn vặt, hiếu kỳ nhưng lại vô cùng sống động và chưa từng xuất hiện trong những bộ sử chính thống.

Bởi thế, với một hệ thống mênh mông những câu chuyện được khắc họa bằng cả ảnh chụp lẫn ngòi bút, người đọc sẽ có rất nhiều lựa chọn để tiếp cận với Một chiến dịch ở Bắc Kỳ.

Chú thích ảnh
Buổi sáng trên hồ Hoàn Kiếm, tác phẩm ảnh được Hocquard chụp vào năm 1884

Đó có thể là câu chuyện về những con người rất bình thường - vốn dĩ luôn mờ nhạt trong những bộ địa chí, hội điển, biên niên sử... Với Hocquard, ta biết thêm về bọn trẻ bụi đời lêu lổng, từ khi Pháp chiếm Hà Nội bỗng có nghề làm “bồi” cho Tây; về những cô “me Tây” đam mê cờ bạc, chỉ qua một đêm là trở về nhà với bộ quần áo rách rưới trên người; về những thầy lang theo học bác sĩ Hocquard cách tiêm vắc xin và chữa đau mắt nhưng đã rất biết quảng cáo tài chữa bệnh của ông thầy Tây để “thầy được tiếng còn trò được miếng”.

Đó có thể là những đô thị cổ Hà Nội, Huế, Nam Định trong giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến, với những kiến trúc nay đã trở thành quá khứ như chùa Báo Ân, cửa Nam thành Hà Nội, cửa Nam Quan ở Lạng Sơn, cung Bảo Định ở Huế... hay những khu phố cổ như Hàng Mắm với “vịt ướp và cá khô treo trên trần nhà, mùi nước mắm, mắm tôm nồng nặc”.

Đó có thể là cái nhìn độc đáo với những phong tục tập quán An Nam được ghi lại rất cụ thể và tỉ mỉ như nhuộm răng đen, ăn trầu, búi tóc của đàn ông, nón quai thao của đàn bà, chỏm của trẻ con, thói đi chân trần, quần áo nâu của người Kinh, quần áo chàm của người Tày... Và, trong quá trình tiếp xúc với văn hóa Pháp, người ta bắt gặp những xung đột tức cười, khi các sĩ quan viễn chinh Pháp cho rằng hàm răng đen của người Việt dù đều tăm tắp cũng khiến mồm trông như... miệng cống, còn vị quan An Nam thì khen phụ nữ Pháp đẹp nhưng lại chê hàm răng trắng như... răng chó!

Chú thích ảnh
Phụ nữ Bắc Kỳ trong trang phục tỉnh thành

Riêng với Hà Nội, nơi tập trung tinh hoa của Bắc Kỳ, người ta không khó để bắt gặp những lời khen và thiện cảm mà tác giả dành cho sự khéo tay của người bản xứ. Ông chăm chú quan sát “những nghề nho nhỏ thực hiện ngoài trời” như hát xẩm, xiếc uốn dẻo, cắt tóc, lấy ráy tai, xoa bóp... rồi thích thú nhận xét “thủ đô xưa của Bắc Kỳ là một trong những thành phố thú vị nhất của trái đất này”. Nhận mấy bộ quần áo may đo, ông hài lòng khuyên “các bạn nào sắp sang Bắc Kỳ mà muốn sắm quần áo thì hãy ráng đợi để bàn việc ấy với thợ may Hà Nội”. Rồi, đó là lời nhận xét kinh ngạc “thật là một tác phẩm kỳ vĩ” khi nhìn thấy tượng thần Trấn Vũ, hoặc lời ca tụng “người An Nam thật khéo phối hợp các màu chỉ thêu” khi nghĩ đến việc xuất khẩu các hàng mỹ nghệ này sang châu Âu...

“Thẳng thắn, lần đầu tiếp xúc với sách, tôi vẫn giữ cho mình chút định kiến về cách nhìn đậm màu… thực dân mà nhiều tác giả Pháp để lại trong những gì viết về xứ An Nam thuộc địa. Thế nhưng lần này, màu sắc ấy không quá nhiều” - dịch giả Đinh Khắc Phách chia sẻ.

Chú thích ảnh
Lính tập Nam Kỳ - Lính tập Bắc Kỳ

Quả thật, đọc những gì được viết, ta ngờ rằng với những người như Hocquard, bên cạnh tham vọng mở mang thuộc địa mà người ta đặt lên vai những đạo quân viễn chinh còn có một động cơ mãnh liệt là khám phá một vùng đất xa xôi ở Viễn Đông, vốn hoàn toàn xa lạ với phần đông người Pháp khi ấy.

Vốn là một cuốn sách viết cho người Pháp đọc, hẳn bác sĩ Hocquard không thể ngờ rằng có ngày, người Việt Nam đón nhận tác phẩm của ông, với sự trân trọng vượt lên những định kiến hẹp hòi từng phổ biến một thời...

Giữ nguyên “màu thời gian” của cuốn sách

Trong lần xuất bản đầu tiên tại Pháp (năm 1892), 230 bức ảnh của cuốn sách đều được sử dụng dưới dạng các bản in từ tranh khắc gỗ, do công nghệ giai đoạn này chưa cho phép sao chụp ảnh trực tiếp.

Để đảm bảo giá trị xưa của cuốn sách, phía Đông A đã thử nghiệm, chọn ra phương án tối ưu nhất để giữ nguyên các bản khắc tinh xảo này trong sách, đồng thời bổ sung thêm một số phụ bản. Ngoài ra, trong quá trình dịch thuật, dịch giả Đinh Khắc Phách và phía biên tập cũng đã công phu đối chiếu và bổ chú để độc giả hiểu thêm về các thông tin được Hocquard cung cấp.

Hoàng Nguyên

https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/ra-mat-mot-chien-dich-o-bac-ky-mot-viet-nam-nguyen-ban-cua-the-ky-19-n20200512075122772.htm


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.