Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/09/2021

Dân tộc chí trên không gian mạng : một nhóm người Dao ở Tam Giác Vàng (ghi chép của Nguyễn Văn Chính)

Về người Dao ở Việt Nam, thì trên Giao Blog, có thể đọc lại ở đây hay ở đây.

Hôm nay là một ghi chép nhanh về nhóm người Dao ở bên bờ sông Mê Kông thuộc khu vực Tam Giác Vàng. Các ảnh chụp được thực hiện vào năm 2011 - cách nay 10 năm.

Lấy về từ Fb Sen Hoa (trang của nhà dân tộc học Nguyễn Văn Chính).

Tháng 9 năm 2021,

Giao Blog


---

1. Đại học giữa rừng
Tháng 10 năm 2011, mình đang làm việc tại Học viện Khổng tử của Tầu ở Đại học Chiang Mai thì nhận được điện thoại của Mô Mô. Nàng hỏi: "Có thích lên Đại học Mae Fah Luang chơi không?" Chời, gì chứ đi chơi thì ai chả thích. Mình gật ngay, nhưng cũng ngay sau đó nhận ra là đã nhanh nhẩu đoảng. Nàng ra điều kiện: “Anh muốn ở đây chơi bao lâu cũng được, trường sẽ bao tất, nhưng mà phải dạy cho chúng em một chuyên đề cơ.” Bảo chơi thì được chứ dạy học là ngại, bèn hỏi lại để kiếm cớ thoái lui: “Dạy cái gì, bao nhiêu giờ, cho ai?” Nàng thỏ thẻ: “Một khóa đào tạo ngắn hạn, sinh viên quốc tế, chỉ một tuần thôi. Anh thích dạy gì cũng được. Nhưng về các tộc người xuyên biên giới ở khu vực sông Mê Kông thì nhiều sinh viên quan tâm.” Mình hơi đắn đo. Quen biết với Mô Mô từ hồi nàng còn học NCS ở trường SOAS, bên UK từ hơn chục năm trước. Giờ nàng đã là đương kim Phó Chủ tịch Đh Mae Fah Luang, quyền thế nghiêng một góc trời, từ chối thì bất tiện, mà nói chỉ lên chơi thì càng bất tiện hơn, lại đã trót nói nhớ nàng rồi, thích Tam Giác Vàng rồi thì gật đầu là hơn. Vậy là hăm hở cất bước lên đường, dù không nhớ đã là lần thứ mấy đến vùng đất này.
Đại học Mae Fah Luang được hoàng gia yêu ái cho phép lấy tên của bà hoàng Somdet Yah, người sinh ra Nhà vua Bhumibol (1927-2016) để đặt tên cho trường. Đây là vị vua được dân Thái tin yêu nhất, trị vì xứ Thái lâu nhất, từ khi lên ngôi năm 1946 cho đến khi qua đời năm 2016. Tên gọi Mae Fah Luang cũng có ý nghĩa tương tự như cách gọi “Mẫu nghi Thiên hạ” ở xứ An Nam mình. Người Thái rất tự hào về đại học Mae Fah Luang, gọi nó bằng cái tên trìu mến: University in the Park (Đại học giữa rừng). Quả thực, trường đại học này chỉ có khu hiệu bộ là khá bằng phẳng, diện tích còn lại chủ yếu được xây dựng trên địa hình đồi núi nhấp nhô và cây xanh bao phủ. Trường có nhiều nhà khách, nhưng ngôi nhà đẹp nhất làm bằng gỗ quý tọa lạc bên hồ nước, phòng ốc rộng rãi, tiện nghi giống như khách sạn 5 sao vậy. Mỗi sáng thức dậy, nghe chim hót líu lo, mình ra ban công ngắm nhìn hồ nước phẳng lặng, cứ ngỡ như đang ở chốn Thiên Thai vậy. Mô Mô giao hẳn cho hai em NCS giúp mình thời gian ở Chiang Rai, hướng dẫn đi lại vì đại học mênh mông giữa rừng thế này chả biết đâu mà lần. Giáo viên và sinh viên trong trường đi lại chủ yếu bằng xe bus và xe chạy điện cỡ nhỏ của nhà trường, nhưng hai nàng sinh viên có xe con chở mình đến văn phòng, chiều lại đón về nên ít khi đi xe công của trường.
Đại học Mae Fah Luang mới thành lập từ 1998, tức là sau ĐHQG Hà Nội 3-4 năm (1995), và phải mất mấy năm mới xây xong. Lúc mình đến thì trường này có khoảng hơn 10 ngàn sinh viên ở cả ba bậc học, với 11 trường thành viên (gọi là schools/colleges chứ không vênh vang tự xưng là university như ở ĐHQG Hà Nội). Trường thành viên mới nhất là Trường Y (School of Medicine) lập vào năm 2013, và quy mô của đại học này vẫn đang không ngừng mở rộng. Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng khởi xướng vào thời kỳ này, thậm chí sớm hơn, mà sau mấy chục năm hô khẩu hiệu, bốn đời giám đốc, đến giờ vẫn chỉ toen hoẻn như vũng nước đái của nàng Kiều, "sè sè nấm đất bên đường, dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh". Một điều đặc biệt cần lưu ý, Mae Fah Luang là đại học duy nhất ở Thái Lan dạy các môn học bằng tiếng Anh và là đại học chào đón tất cả sinh viên trong khu vực GMS chứ không chỉ dành cho sinh viên Thái. Khi mình đến thì Học viện Khổng tử Trung Quốc mới trình làng một học viện đẹp thuộc loại nhất thế giới trong khuôn viên của đại học này. Nghe nói Trung Quốc bỏ ra hơn 6 triệu đô la để xây cái viện này. Từ những năm 2006-07, hàng năm Trung Quốc gửi cả trăm sinh viên ngành Việt Nam học sang trường XHNV Hà Nội học tiếng Việt và văn hóa, mỗi năm mang lại nguồn thu 7-8 tỷ đồng cho ngôi trường đại học nghèo nàn bé tý tẹo của mình. Khi khủng hoảng cáp quang và dầu khí ở Biển Đông xảy ra, Trung Quốc chuyển tất số học bổng này sang Đh Mae Fah Luang, làm trường XHNV đã nghèo lại thất thu một khoản lớn, lãnh đạo cứ tiếc hùi hụi. Năm 2020 Mae Fah Luang được Higher Education Time xếp hạng 601, trong tốp 600 đến 800 trường đại học tốt nhất thế giới.
Tiếp xúc với sinh viên Thái lại không thể không so sánh với sinh viên Việt Nam. Không biết tự bao giờ, sinh viên VN bắt đầu xa lánh các thầy cô giáo đến thế. Gần như đã mất mối quan hệ tương tác thầy – trò. Sinh viên đến trường học, rồi về, thậm chí chả nhớ tên chả biết gì về người thầy đang dậy mình. Họ cốt học lấy điểm tốt nghiệp, học cho nhanh để học thêm ngành học thứ hai, hoặc chạy đi làm thêm kiếm sống, không quan tâm đến tích lũy tri thức. Thầy cũng vậy, chả quan tâm đến cuộc sống sinh viên, lên lớp hết giờ là về. Giữa họ là quan hệ đối tác sòng phẳng: Tôi đóng tiền, ông dạy học, chấm điểm, thế thôi. Bộ trưởng Nhạ và nhiều nhà giáo dục học mới lên đời gần đây hay lý luận: Sinh viên VN dốt, đào tạo đại học chất lượng thấp vì học phí thấp. Muốn nâng chất lượng phải tăng học phí. Phải đào tạo người giỏi từ tầng lớp tinh hoa (elite) chứ đào tạo bình dân thì lấy đâu ra người tài! Mới đây, đại học của Vingroup cũng tuyên bố khoản học phí khoảng 900 triệu/người/khóa ba năm để đào tạo ra những thiên tài. Lại còn định ra kế hoạch bao nhiêu năm nữa sẽ có giải Nobel khoa học. Nghe mà nghẹn lời, chả khác nào giọng điệu của bọn trọc phú! Mình đã làm việc ở nhiều trường đại học của Thái Lan, và nhận thấy sinh viên Thái rất khác. Không chỉ là thái độ trọng thầy trọng tri thức mà còn ở tinh thần chân thành học hỏi, tương thân tương ái, và một không khí học thuật sôi nổi, không đua tranh phong trào nọ kia, vì họ học cho mình, không học cho đảng nào cả. Quan sát các đại học nổi tiếng của Thái, mình vẫn nghĩ vấn đề không phải ở học phí cao trả lương cao thì sẽ đào tạo ra người giỏi mà là ở môi trường học tập và nghiên cứu mà đại học tạo ra được, trong đó tự do tư tưởng và sáng tạo cộng với trao đổi học thuật thường xuyên trong và ngoài trường, cùng một hệ thống thông tin thư viện phục vụ đào tạo tốt sẽ có ý nghĩa quyết định. Lại nghĩ, kiểu Việt Nam đang cho là thượng sách hiện nay như nhập giáo trình các nước tiên tiến về để dậy, để đi tắt đón đầu thì cùng lắm cũng chỉ tạo ra được một lũ vẹt mà thôi.
(Còn tiếp) 2. Thăm người Dao Làn Tẻn ở Chiang Khoỏng

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=4660925283926862&id=100000283104576



2. Thăm bản Dao Làn Tẻn bên sông Mê-kông
Mấy nàng sinh viên được cô giáo giao cho chăm sóc thầy mà cứ ngày nào cũng chỉ một lộ trình với điểm đến là văn phòng, điểm về là nhà khách thì áy náy lắm, chúng hỏi dò xem thầy thích đi đâu. Mà thực ra thì những chốn khách du lịch hay đến như đền đài thành quách bảo tàng thì thầy cũng đến hết cả rồi. Một nàng nảy ra sáng kiến: Thầy đã qua cửa khẩu sang Mae Sài (Myanmar) rồi. Hay là lần này qua phà sang bên Lào chơi? Gợi ý hay quá, liền bảo: Thế hai em đi cùng chứ? Tất nhiên rồi. Chủ Nhật, mấy thầy trò kéo nhau xuống phà vượt sông Mae Kong sang bên Chiang Khỏng chơi. Bên ấy có casino, có chợ bên sông, khách Tầu xuôi thuyền từ Vân Nam đổ xuống đây ăn chơi, mua sắm lũ lượt cả. Chiếc phà vượt sông Mae-kong thuộc hạng sang, có phục vụ bữa ăn nhẹ, ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn dòng sông Mae-kong hùng vĩ thấy đã con mắt. Lại nhớ hồi còn học đại học, có lần GS Phạm Đức Dương đến giảng bài về tiếp xúc ngôn ngữ Đông Nam Á, ông giải thích: chữ Mê bắt nguồn từ tiếng Thái "mae", có nghĩa là mẹ, là cái, là lớn, còn chữ "kông" có gốc tiếng Thái là "kloỏng" hay "khoỏng", có nghĩa là con sông. "Mae Khoỏng" có nghĩa là con sông mẹ, sông cái, sông lớn. Bài học mấy chục năm trước giờ lại hiện về, khi đang đi trên con sông mẹ huyền thoại nuôi sống cả trăm triệu dân này. Sang đến bên Lào, xe đón khách tíu tít. Mấy thầy trò thuê một cái tuk-tuk đi theo ngày, anh tài vớ được khách sộp, cười tít cả mắt. Thấy sinh viên bảo đi chùa Lào, leo mất trăm bậc lên cao thú vị lắm, bảo họ thôi, đi vào làng bản thích hơn. Thế là tài xế lái thẳng bọn mình vào một quán bún tươi đầu làng. Ở đây người ta đang làm bún theo cách cổ xưa nhất còn được biết tới ngày nay: Bột gạo ủ lên men được vắt vào một cái rây cho chảy thẳng vào chảo nước sôi ùng ục để rồi vớt ra những nắm bún rối nóng hổi. Người ta không làm sẵn mà chỉ khi có ai ăn mới làm. Mình ăn thử một bát bún, ăn với quả cà xanh chấm bún mắm cá, ăn cho biết thôi, chả ngon. Làng nghèo xác xơ, đi sâu vào bên trong thấy có hơn chục nhà đang nấu rượu, lửa đỏ bập bùng. Hóa ra khách Tầu đến đây thích mua các loại rượu ngâm rắn, ngâm rễ cây và nấm “tăng cường sinh lực phái mạnh” nên các lò rượu làm ăn rất phát đạt….
Từ trên xe tuk-tuk mình thấy một ngôi làng lụp xụp không giống của người Lào, bảo lái xe giông thẳng vào đây. Hóa ra là một bản của người Dao Làn Tẻn. Trước đây mình chỉ nghe người Dao sống ở trên vùng bán sơn địa, độ cao vừa phải, mà chưa hình dung ra có những bản người Dao sống bên sông. Người địa phương gọi bản Dao này bằng cái tên “Lào Huay”, có nghĩa là người Lào sống ở bên suối, để phân biệt với Lào Lùm (sống ở vùng thấp) và Lào Xủng (sống ở trên núi). Hỏi người dân thì họ bảo tên gọi Lao Huay mới có sau 1975, khi chính phủ Lào phân loại dân tộc thì đặt ra tên Lào Huay chứ họ vốn chỉ biết đến tên tự gọi là Kìm Dì Mùn. Ngôi làng khá nhỏ, nhà làm trên nền đất, mái tranh lụp xụp, nghèo xơ xác. Bảo sinh viên lấy điện thoại tra internet xem nhóm Dao này thuộc ngành nào, một cô loay hoay một lúc thì ah lên một tiếng. Cô ấy tìm thấy bài của Jacques Lemoine, một nhà dân tộc học Pháp chuyên gia về người Dao ở Lào và khu vực ĐNA. Ông ấy bảo ở Lào chỉ có hai nhóm Kìm Miền và Dìu Miền, ngôn ngữ giống nhau khoảng gần 80% nhưng trang phục khác nhau nhiều. Ông ấy mở đầu bài viết bằng việc phê phán ông GS Nguyễn Duy Thiệu trong sách viết về các tộc người ở Lào (1996) đã sáng tác ra tên gọi mới cho nhóm Dao Làn Tẻn là “Lenetene”, làm ông ấy tức điên. Lemoine bảo tên gọi nhóm này phải viết như Đặng Nghiêm Vạn (1993) là “Làn Tiển” mới đúng như cách người Tầu xưa kia viết về nhóm này. Nói thế, nhưng ông vẫn viết là “Lanten”, có lẽ ông viết theo cách của người Tây cho dễ đọc? Nhưng thôi, kệ ông ấy. Năm 2007 mình có gặp ông Lemoine ở Đại học Vân Nam, lúc ấy ông đã quá già, mùa đông trời lạnh ông phải đội cái mũ che kín tai vì sợ lạnh. Ông đi đến đâu các nhà dân tộc học Tầu và Thái vẫn xem ông ấy là bậc đại sư phụ về người Dao. Mình bảo sinh viên lưu lại cái đường link để tối về nhà đọc lại bài của ông ấy. Từ sau chuyến đi hôm ấy mình còn trở lại bản Dao Làn Tẻnnày vài lần nữa.
Phụ nữ Dao Làn Tẻn chủ yếu mặc đồ xanh chàm, áo dài đến gối, xẻ hai bên, trong mặc quần thùng thình quá gối một chút. Nếu họ đi ra ngoài thì dùng vải rườm bâu dệt sợi bông ràng bắp chân lại thành chiếc xà cạp, khi ở nhà thì họ để trần. Ở cổ áo phụ nữ có viền một túm tua rua dài đến gần bụng, làm bằng sợi bông nhuộm hoặc sợi len mầu đỏ hồng, nhưng họ thích nó sẽ ngả dần sang mầu trắng hơn là giữ mầu gốc. Hầu như lông mày của phụ nữ đều bị nhổ hoặc dùng chỉ lăn qua lại để nhổ hết đi ngay từ khi mới dậy thì, độ 12-13 tuổi. Ngay cả mớ tóc trước trán nếu rủ xuống sâu quá thì cũng bị cạo bớt đi cho nó thành cái mode “mày trơ trán bóng”, được coi là biểu tượng cho vẻ đẹp của phụ nữ. Tóc phụ nữ thường được búi ngược lên trên, buộc lại rồi dùng chiếc trâm bằng bạc xuyên ngang để giữ cho nó không bị xõa ra. Quả thực cách trang điểm này làm cho khuôn mặt phụ nữ Làn Tẻn có hình hài “khuôn trăng đầy đặn”, tròn vành vạnh hơn. Đặc biệt, phụ nữ Làn Tẻn đi đâu cũng đeo một cái túi mầu trắng, tương phản với màu xanh chàm của bộ áo dài làm cho họ trở nên nổi bật.
Có hai điểm nổi bật dễ nhận ra khi bước vào ngôi làng này, đó là những tấm phên phơi bông do họ tự trồng, và những tấm giấy bản khổ lớn phơi trên lối đi, làm bằng bột tre nứa. Đây là hai loại vật phẩm không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Làn Tẻn. Bông để kéo sợi dệt vải, và chính ở ngôi làng này, mình phát hiện một loại khung dệt vải có lẽ thuộc vào loại cổ xưa nhất của loài người (xem ảnh). Có đến cả chục phụ nữ xúm quanh một cái trục sợi bông và họ dường như đan sợi vải hơn là dệt. Mình đã xem các khung cửi của người Pakoh và Ka Tu ở miền Trung Việt Nam và Hạ Lào, nhưng chỉ một đến hai phụ nữ dêt/đan sợi thôi. Bên cạnh vải để may quần áo, người Làn Tẻn ở đây coi giấy bản là một vật dụng không thể thiếu, giúp cho các thầy cúng viết sớ, viết sách, thực hiện các nghi lễ thờ cúng thần linh, và để vẽ ra những bức tranh thờ treo trên ban thờ gia tiên và khi làm các nghi lễ khác. Bước vào một nhà thầy cúng, thấy cái ban thờ có mấy chiệc mặt nạ làm bằng gỗ dùng trong nghi lễ. Mặt nạ chính là hình ảnh tưởng tượng về con người ở thế giới bên kia nên nó rất sống động.
Mình muốn lưu ý rằng người làm ra hai loại vật dụng quan trọng trong đời sống Dao Làn Tẻn là giấy và vải thì đều là phụ nữ. Nhưng trong các bữa ăn, phụ nữ thường chỉ ăn sau khi tất cả đàn ông trưởng thành đã ăn xong. Điều này làm mình nhớ lại cách đây hơn 4 chục năm, khi dẫn sinh viên thực tập điền dã dân tộc học ở người Dao Thanh Y (Ba Chẽ), mình đã không biết tập tục này, thấy đồ ăn ngon nên đánh chén cho đến khi trên mâm sạch bách thức ăn, lúc ấy mới biết rằng phụ nữ và trẻ con vẫn đang đợi mình ăn xong thì đến lượt họ, và người đàn ông lịch lãm thì nên để phần lại cho họ thức ăn. Trời ơi, thật là một bài học nhớ đời, vì khi biết tập tục này, mình chỉ còn thiếu nước độn thổ mà thôi.
Dù sử dụng chữ Nôm Dao cải biên từ chữ Hán nhưng người Làn Tẻn ở bên sông Mae-kong không theo nguyên tắc cửu tộc như người Mông hay các nhóm Dao khác. Người cùng dòng họ nhưng cách nhau từ đời thứ tư trở đi có thể kết hôn. Có lẽ tục này là do cộng đồng Dao ở đây quá bé nhỏ chăng? Tuy nhiên, có một thực tế là nạn hữu sinh vô dưỡng ở đây khá cao. Mình hỏi mấy cặp vợ chồng thì được biết họ rất thích có nhiều con. Nếu cặp vợ chồng nào không có con hoặc con chết thì xin nhận con nuôi từ các nhóm bên cạnh như A-kha (Hà Nhì) hoặc Lào. Mỗi lần như vậy họ thường trả công cho cha mẹ đứa trẻ 4-5 trăm ngàn kíp để cảm ơn. Người Dao Làn Tẻn không phân biệt con nuôi hay con đẻ.
Người Làn Tẻn vẫn coi Dương Châu (Yangzhou) là cội nguồn, là quê cha đất tổ của họ. Trong các đám tang, thầy cúng tiễn đưa linh hồn người chết về đất Dương Châu để gặp tổ tiên. Cũng như các nhóm Dao khác, tục cấp sắc là một yêu cầu bắt buộc với tất cả đàn ông trong làng để linh hồn họ được về với tổ tiên. Học chữ, học nhảy, học vẽ, để trở thành thầy cúng là niềm ước mong và tự hào của mọi đàn ông Làn Tẻn, cũng giống như đám quan lại người An Nam bây giờ, dù phải vắt túi ra tiền để có tấm bằng thạc sỹ tiến sỹ cũng vênh vang tự đắc vì đó là tấm giấy thông hành để họ bước vào quan lộ vậy.

































https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=4661607907191933&id=100000283104576

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.