Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/06/2021

Phủ Giầy Vân Cát - nhà cũ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, 10 năm về trước (2011-2021)

Đó là tháng 6 năm 2011.

Chúng tôi tới nhà cũ của Thánh Mẫu vào một sáng mùa hè tương đối mát, bầu trời hôm ấy mây kéo tới dọa mưa tiếp. Một trận mưa chắc đã đổ xuống đêm qua, nên đường làng vẫn còn nhiều vũng nước.



Các bô lão được mời tới Phủ Vân Cát. Có cụ đã nói ngay sau bắt tay, đại ý: tớ thoát li làng lúc mới lớn, rồi đến lúc về hưu mới trở lại quê, nên cơ bản không nắm được việc cụ thể đâu, chỉ biết đại khái. Cụ ấy sau lại rất nhiệt tình, xung phong dẫn chúng tôi đi một số nơi khác trong vùng Vụ Bản.

Lúc ấy, cụ Bái thủ nhang của Phủ Vân Cát vẫn tráng kiện. Cụ mang nhiều ảnh cũ thời cụ học ở Liên Xô ra cho chúng tôi xem. Anh Cường con trai cụ đang sưu tầm sắc phong cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ nhiều nơi về, cũng đang tập viết chữ Hán bằng bút lông.

Buổi trưa tháng 6 năm ấy, tức chẵn 10 năm trước, chúng tôi được đãi món thịt trâu xào rau muống đặc trưng của quê hương Thánh Mẫu. 

Bây giờ, tháng 6 năm 2021, cụ Bái đã qui liễu mấy năm, anh Cường đã nối nghiệp làm thủ nhang Phủ Vân và dốc lòng vào công việc thờ phụng Thánh Mẫu.

Mấy hôm rồi, Hà Nội nóng như thiêu như đốt. Đêm qua, trởi nổi cơn giông, nhiệt độ cứ dịu dần đi. Lúc này, không khí mát mẻ, thật dễ chịu. Chúng tôi đang chờ một cơn mưa thật lớn cho thỏa.

Tháng 6 năm 2021,

Giao Blog


---

CẬP NHẬT


4. Ghi chú ngày 11/9/2023


Trần Chánh ---- Các tư liệu lấy từ Fb Long Vũ

"

Fb Long Vu (6/9/2023)

Kính bác trần chánh hôm qua bác đăng một bài viết nói về một cụm từ được các bác cho là Kinh điển của cụ ,Cao Xuân Dục nói về năm Sinh .và năm mất của Đức thánh mẫu phủ dầy. Nội dung như sau ( nhâm thìn nhi sinh bính thìn nhi hóa ) vậy em hỏi bác ngày 15 tháng 8 năm 1557. Có phải là năm nhâm thìn như vế câu đối của cụ Cao hay ko bởi vì các bác có ăn học chắc giỏi hơn em ở chỗ này và ngày mồng 3 tháng 3 năm 1577 có phải là năm bính thìn hay ko theo em tìm hiểu các tư liệu được nghiên cứu của các nhà khoa học thì em được ngài sinh ngày 15 tháng 8 năm đinh tỵ và ngài mất ngày mồng 3 tháng 3 năm 1577 năm đinh sửu ngài thọ 21 tuổi nhưng ở vế câu đối này nếu cụ tính đúng thì sao Sai thì sao vậy em mới bác và vế sau là. ( Vân cát thị thuỷ phố Cát thị trung ) theo câu này thì em cũng không rành lắm nhưng mà nội dung là ngài sinh ở vân cát là thứ nhất và phố Cát là thứ Hai. vậy em mới hỏi bác nếu tính theo văn hóa phương đông thì thuỷ khởi đầu nếu là con người thì được tính là một kiếp vậy thì lần đầu tiên ngài sinh phải là phủ Quảng Cung vỉ nhuế ý yên cơ nếu mà suy luận theo cách của các bác và cụ Cao thì (ngài Sinh ra ở xã Vân cát là lần thứ nhất và phố Cát là thứ Hai thì chúc mừng bác bác sắp bị người khác bảo bác đang nói náo) mà chỗ vân cát là vân cát nào là xã Vân cát có bốn thôn xưa Kia và tien hương cũng là thành viên trong bốn thôn ấy sau tách ra hay là thôn vân cát ngày nay chỗ này phải cần những người có chuyên môn bác ạ em ko giám bắt bẻ câu chữ của tiền nhân nhưng mà em cũng ko thể để câu chữ của tiền nhân bị xuyên tạc được .em và các bác tranh luận góp ý với Nhau bổ sung những khiếm khuyết Cho tốt đời đẹp đạo thôi hà cớ gì các bác bác không trả lời mà còn dùng những câu từ ko có văn hóa chửi rủa em là thế nào em nhắc lại (em ko bắt bẻ câu chữ của tiền nhân nhưng mà thấy bác đăng lên cho là Kinh điển em mới hỏi bác khi Em đăng một bài lúc trước mong bác Tham khảo nhưng chìa sẻ vào nhóm chùa việt bị chặn vào nhóm phủ dầy cũng bị chặn em cũng muốn mọi người phải bình tĩnh nhìn thẳng vào sự việc để có cái nhìn khách quan thôi chứ ko có ý gì đâu mong các ông đồng cụ đồng thông cảm cho nhà cháu

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02GSrENJnQWrjEXt7nC5fjUwuKQph2BXqneHMxcqykJXHVRD7B52prpR8mekRqruncl&id=100026553363891













"


3. Ghi chú ngày 7/8/2023

Hơi có phần bất ngờ là có nhiều bạn đã lặng lẽ đọc các tài liệu nghiên cứu (bài nghiên cứu, sách nghiên cứu,...) và hiểu được những điểm quan trọng. Ví dụ ở đây là bạn Việt Vũ trên Fb (bạn kí tên là Vũ Đức Việt).

Chép nguyên một stt đã post năm 2021 của vạn Việt Vũ.

"





MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ MẪU LIỄU HẠNH VÀ NƠI THỜ TỰ NGÀI TẠI PHỦ DÀY

(Hà Nội, 2/9/2021, Vũ Đức Việt)
Gần đây một số thanh đồng, đạo quan đưa ra một số thông tin về truyền thuyết, thần tích Mẫu Liễu Hạnh cũng như lịch sử của tín ngưỡng thờ mẫu nhưng có nhiều điểm chưa chính xác gây hiểu lầm lớn cho các con nhang, đệ tử và tín đồ các nơi. Tôi e sợ rằng "lộng giả thành chân", thông tin thiếu chính xác kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" + "tam sao thất bản" mà lại được nhiều người chia sẻ tán thưởng thì há chẳng phải là gián tiếp tiếp tay cho hành vi "phá đạo"???. Bằng chút hiểu biết nhỏ hẹp nhặt nhạnh được của mình tôi xin được đưa ra một số thông tin giúp mọi người có thêm cơ sở xác minh. Những điều còn chưa rõ và chưa đúng xin các quý vị tri thức, tiền bối, đạo hữu lượng thứ, bổ khuyết và phủ chính cho.
- Phủ Giày (còn được viết là Phủ Dày) được dùng ở bài viết này là để chỉ chung cho cả hai xã (hay hai làng) là Vân Cát 雲葛社 và Tiên Hương 仙鄉社 thuộc tổng Đồng Đội 同隊總, huyện Vụ Bản 務本縣, tỉnh Nam Định 南定省 thời Nguyễn, nay là các thôn thuộc vào xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xã Vân Cát (có Phủ Dầy Vân Cát, hay Phủ Vân) và xã Tiên Hương (có Phủ Dày Tiên Hương, hay Phủ Tiên Hương) đã có một quá trình tách và nhập mang tính hành chính trong lịch sử, nói như Trần Quốc Vượng thì “Vân Cát - Tiên Hương là một, hồi sau tách đôi và rồi đã và đang lần kết đôi”. Theo tác giả Chu Xuân Giao-2013 có thời kỳ dài giữa Vân Cát với Tiên Hương, cũng tức là giữa Phủ Vân Cát với Phủ Tiên Hương, có sự tranh giành thế lực thông qua đua tranh danh phận, bên nào cũng tìm cách nhận làng mình là nơi mà Thánh mẫu đã được sinh ra, nên phủ thờ của làng mình phải là Phủ Chính - tức nơi chính thức thờ ngài. Cuộc đua tranh lâu dài này có thể đã gây một ảnh hưởng nào đó tới bản thân các tư liệu mang tính gốc gác hiện còn đang được lưu giữ tại địa phương, nhưng ở đây xin tạm gác lại vấn đề “đâu là Phủ Chính thực sự” vốn rất nan giải này mà chỉ đề cập tới cách gọi chung là phủ Dày.
- Văn bản ghi nhận vào đầu thế kỷ XVII, ngôi đền sớm nhất thờ chúa tiên (phủ Dày) đã được dân trong vùng đến thăm viếng. Nhà nước phong kiến đã ban sắc thần. Ông Nghè Phạm Đình Kính (1669 - 1737), đã đến thăm đền và làm thơ ca ngợi ngài “Linh thiêng huyền ảo mãi lưu truyền”, và khẳng định thời gian lập đền:
Quản Cò Thế Tông (1578-1579) đầu mới dựng Nhà xây Phúc Thái (1643 -1649) lại trùng tân.
Trong "Tiên từ phả ký" bản gốc ở Phủ Giầy thì đoạn cuối cùng là như sau: “Thời Lê Dương Hòa thứ 8 (1642) vâng chiếu chỉ xây dựng
đền ngói. Thời Lê Chính Hòa thứ 2 (1681) cấp cho dân làng 10 sái phu (người quét rửa đền) trải qua các triều đại đều được phong tặng Bậc thần thứ nhất”
Ông Phạm Quang Phúc là tri phủ huyện Vụ Bản đầu thế kỷ XX khai rằng: “Năm 1672 vua mới phong cho Mẫu sắc Liễu Hạnh công chúa, và hạ lệnh cho xã Tiên Hương xây một đền thờ bằng ngói để thờ Mẫu ở ngang chỗ buồng ngủ của Mẫu ngày trước thay vào ngôi đền bằng lá hồi bấy giờ. Đến năm 1677 mười người trong họ Mẫu được ơn vua cho trừ phu đài tạp dịch mãn đại để chuyên về sự thờ cúng Mẫu”
- Năm 1600, Ngọc Đài lấy Trịnh Tráng. Trước khi về Kinh đô Thăng Long, Ngọc Đài có đến lễ ở Phủ Dầy cầu xin mẫu Liễu Hạnh phù trợ cho nàng làm nên nghiệp lớn. Năm 1606, Ngọc Đài sinh Trịnh Tạc. Năm 1623, Trịnh Tùng mất, Trịnh Tráng lên làm chúa, Ngọc Đài trở thành Vương phi. Đê trả ơn mẫu Liễu, Ngọc Đài cho dân phu Vụ Bản tổ chức Hoa trượng hội (xếp chữ gậy hoa) lễ truớc phủ Mẫu hàng năm. Năm 1627, Vương phi Ngọc Đài cho tôn tạo lại chùa Pháp Quang rất lớn ở Bảo Ngũ (Xóm Mai), đã lợp ngói, đúc tượng vàng. Năm Dương Hòa thứ 8 (1642) chúa Trịnh cho tôn tạo lại Phủ Dầy, cho lợp ngói và cử 10 người trông coi. Sau đó, Vương phi Ngọc Đài còn cho con là Trịnh Tạc đang làm Trấn thủ Sơn Nam, xây dựng phủ thờ mẫu Liễu bên cạnh chùa Pháp Quang, tô tượng mẫu để thờ.
- Năm 1669, Ngọc Đài mất, thọ 93 tuổi, Trịnh Tạc cho tạc tượng mẹ mình cùng thờ bên cạnh mẫu Liễu và đặt tên cho phủ này là Phủ Thông. Khi tiến hành Hoa trượng hội, phu kéo chữ rước Kiệu lên làm lễ xin chữ tại Phủ Thông về Phủ Dầy để tiến hành kéo chữ.
Nơi phát tích tín ngưỡng thờ mẫu Liễu Hạnh là ở làng Kẻ Dầy (nay tương đương xã An Thái). Từ khi có Hội hoa trượng của Trịnh Thái phi Trần Thị Ngọc Đài tổ chức cho dân phu trong cả huyện Vụ Bản làm lễ, diễn xướng tại Phủ Dầy thì việc tôn thờ mẫu Liễu Hạnh mới phát triển mạnh mẽ.
Kể từ xuất hiện Phủ Thông đặt ở làng Mai (Bảo Ngũ) được tính là bắt đầu có sự lập đền phủ thờ Mẫu ngoài làng Kẻ Dầy.
- Một tài liệu nghiên cứu của Bùi Văn Tam đăng trên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định cho rằng Phủ Dầy Vân Cát đến đời Lê Cảnh Trị, cuối thế kỷ XVII mới lập. Tương truyền sau khi làm Phủ Thông, Chúa Trịnh cho tạc tượng Mẫu Liễu Hạnh và bà chúa Trần Thị Ngọc Đài và chở bằng thuyền về Phủ Thông. Nhưng khi đến Vân Tập (nay tương đương với xã Minh Tân, Vụ Bản) thuyền bị đắm vì gặp lũ, dân Vân Tập vớt được hai tượng, lập đền thờ bên mé Vân Tập.
- Phải sang đến đầu thế kỷ XIX, khi cuốn Truyền Kỳ Tân Phả (bản in 1811) có chép chuyện Vân Cát thần nữ của bà Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) xuất hiện thì ảnh hưởng của Mẫu Liễu Hạnh mới lan rộng khắp cả nước, lễ hội Phủ Dầy ngày càng đông và nhiều nơi lập đền phủ thờ Mẫu. Điều cần lưu ý theo tác giả Bùi Văn Tam là ở cả hai cuốn "Trần tộc cựu tích" và "Vân Cát thần nữ" vốn nguyên bản không hề đề cập đến tiền thân Mầu cũng như Sòng Sơn Đại Chiến sau này. Người cùng thời với Đoàn Thị Điểm là Tiến sĩ Phạm Kim Kính (1669 - 1737) khi đến thăm đền thờ mẫu Liễu đầu thế kỷ XVIII đã để lại bài thơ “Bái An Thái tiên nữ từ” cũng không nói gì đến tiền thân của mẫu là tiên nữ Phạm Thị (Tiên) Nga thờ ở phủ Nấp. Bốn câu thơ đầu của bài thơ như sau:
Vân Hương tái thế nhất kỳ truyền
Lê Thị đầu sinh Đinh Tỵ niên
Giá tại Trần môn năng khắc hậu
Tử ư An ấp khả quang tiền
Sang cuối đời Nguyễn, các nhà nho có danh tiếng trong nước tiếp tục ca ngợi mẫu Liễu, đồng thời mở rộng nội dung lịch sử về mẫu Liễu Hạnh, ghép sự tích bà chúa phủ Nấp_Phạm Thị (Tiên) Nga (1433 - 1473) coi là tiền thân của mẫu Liễu, bổ sung “Sòng Sơn đại chiến” vào phần sau của hành trạng mẫu Liễu, tạo ra thân thế sự nghiệp của mẫu Liễu cùng và ba lần sinh hóa.
- Về sắc phong cho thánh mẫu không thấy có sắc phong nào sắc phong "thượng thượng thượng đẳng thần". Các danh xưng "thượng thượng thượng đẳng", "tối tối tôn thần" ... là do các đệ tử của Mẫu suy tôn thường được viết trong các sách cúng sách chép tay về sự tích của các ông đồng ông thống mang đậm tính dân gian. Trong bản sao kê nội dung 22 đạo sắc phong ở phủ Dày của EFEO trước năm 1917 có sắc Cảnh Thịnh thứ 1 (nhà Tây Sơn-1793) ngoài ra nhiều nơi thờ tự Mẫu Liễu Hạnh khác cũng còn sắc cho mẫu Liễu Hạnh dưới thời Tây Sơn như: ở đền Bà Kiệu-Hà Nội (sắc Cảnh Thịnh thứ
😎
, phủ Tây Hồ (sắc Quang Trung năm thứ 5)... Cho nên chuyện ông đồng nào đó nói: nhà Tây Sơn sắc cho mẫu là "thượng thượng thượng đẳng thần" nhưng bị nhà Nguyễn phá hủy đốt đi, là chuyện hoàn toàn bịa đặt vu khống tiền triều.
- Lại nói về “Tứ bất tử” (bốn vị thánh không chết) là tâm thức dân gian đề cao 4 vị Thánh trong cả nước. Không rõ việc này có từ bao giờ? Dân ta thờ phụng rất nhiều thần thánh, sao chỉ chọn có 4 vị này? Dựa vào tiêu chí nào để chọn?
Ba vị nam Thánh là nhân vật có từ đời Hùng Vương dựng nước: Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Tản Viên Sơn Thánh. Còn vị nữ Thánh duy nhất là Mẫu Liễu Hạnh mới xuất hiện từ thế kỷ XVI. Các tư liệu đời Lê khi nhắc tới "tứ bất tử" là nhắc tới 4 vị nam thần Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Từ Đạo Hạnh (bản "Dư địa chí" in trong bộ "Ức Trai di tập" của Nguyễn Tông Quai ở thế kỷ XVII). Không có tư liệu nào nói về “Tứ bất tử” có mẫu Liễu Hạnh cho tới đầu thế kỷ XX. Các hoành phi, câu đối, các bài thơ đề ở thế kỷ XVII, XVIII, XIX ở các đền phủ thờ mẫu Liễu đều không nói gì đến “Tứ bất tử” cả.
Thực ra, “Tứ bất tử” là hiện tượng tín ngưỡng mang tính chất tôn vinh và do tâm thức dân gian lựa chọn, chứ không có hệ thống tín ngưỡng và điện thờ như “Tứ phủ công đồng”. Đến mãi năm 1910 trong lời "Án sách Tiên phả dịch lục" của Giá Sơn Kiều Oánh Mậu (1854-1911) mới thấy có đoạn viết: "Tên các vị Tứ bất tử của nước ta, người đời Minh cho là: Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đúng là như vậy. (Vì) bấy giờ tiên chúa (Liễu Hạnh) chưa giáng sinh nên người đời chưa thể lưu truyền, sách vở chưa thể ghi chép. Nay chép tiếp vào."
Có lẽ người viết về bộ “Tứ bất tử” có mẫu Liễu Hạnh đầu tiên là Đào Thái Hành, trong một khảo luận bằng tiếng Pháp năm 1914 trong đó chữ “Thánh Mẫu” được viết nguyên bằng quốc ngữ, và mở ngoặc dịch sang tiếng Pháp là “la Sainte Mère”. Kế sau đó có thể kể đến Nguyễn Tuân (1910 - 1987) và Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (1905 -1975). Năm 1940 Nguyễn Tuân cho ra mắt cuốn "Vang bóng một thời" trong đó có truyện "Trên đỉnh non", trong truyện này có đoạn "... Bốn vị Tứ bất tử nơi thế giới u linh: thánh Tản Viên, chúa Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử, và Phù Đổng thiên vương". Năm 1944, giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã cho ra đời cuốn “Sự phụng thờ các vị Thánh bất tử ở Việt Nam”, đã giới thiệu bốn vị Thánh bất tử được lưu truyền trong dân gian, trong đó có mẫu Liễu Hạnh.
Còn Mẫu Liễu Hạnh ba lần có sinh có hóa rồi cũng về trời. Cũng như Mẫu phủ Dày các Mẫu phủ Nấp (lần giáng sinh thứ nhất) hay Mâu phủ Giáp Ba (lần giáng sinh thứ ba) vốn đều có lăng mộ nhưng niềm tin dân gian cho rằng ngài chỉ "hóa" chứ không mất.
Trong cuốn "Trần tộc cựu tích" ghi về sự qua đời của mẫu như sau: “Từ đó trên mình nàng tự nhiên sương mây mờ mịt bay tỏa lên che phủ, hình hài của nàng dần dần không thấy nữa. Nàng hóa tại xứ Mả Quan (nay gọi là xứ Cây Đa)... Lúc đó Giáng Tiên thăng lên thiên đình, vào chầu Thượng đế. Thượng đế rất mừng.” Chuyện nói khi mai táng thánh mẫu bị sét đánh tan thành khói bụi là lời của những kẻ đạo sĩ điêu ngoa không chấp nhận tín ngưỡng này như một chính đạo, cố tình tung ra nhằm mục đích bôi nhọ hạ thấp uy tín thánh mẫu (chỉ có những kẻ gây ra tội tày trời mới bị Thiên lôi đánh, mà ở đây còn là chết rồi vẫn không tha thì hẳn phải là phạm điều ác lắm). Ngoài ra nhóm đạo sĩ và những kẻ chống tín ngưỡng thờ mẫu còn cố tình thêu dệt các câu chuyện linh dị theo hướng mẫu tác yêu tác quái giống như các loài ma quỷ yêu tinh.

-Về việc xây lăng mẫu thì vào đầu thế kỷ XX, có một vị quan người Hà Tĩnh là Phan Tử Phong và vợ là bà Nguyễn Thị Đào. Hai vợ chồng đã nhiều lần dự hội Phủ Dầy và hội đền Sòng, có lòng ngưỡng mộ mẫu Liễu Hạnh và có cầu đảo ngài. Khi Phan Từ Phong được thăng chức Hồng Lô Tự Khanh làm quan trong triều thì nhớ đến ân đức của mẫu, muốn trả ơn. Năm 1925, ông bà rước chân hương mẫu Liễu ở Phủ Dầy vào Huế, lập miếu thờ ở chùa Bảo Quốc. Phan Tử Phong lập một chi đệ tử của đạo thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Huế, lấy tên tự là Đào Chi. Khi lập miếu thờ, Đào Chi có mời cụ Đẻ Đồng (thân phụ của ông đồng quan Trần Vũ Thực) và ông đồng quan Trần Vũ Thực vào Huế làm lễ tại vị. Năm 1930, Đào Chi ở Huế cử một đoàn đệ tử cả nam và nữ ra làm lễ ở Phủ Dầy. (Hiện chi này còn lưu giữ 2 bài thơ giáng bút của Mẫu về hành trình đi và về của Đoàn cùng nhiều bức ảnh trước Phủ Dầy Tiên Hương và mộ đất của Mẫu). Khi về Huế, Đào Chi quyết định xây đền Phổ Hóa để thờ Mẫu ở Huế, đồng thời quyên góp tiền để xin xây lăng Mẫu. Năm 1934, Đào Chi gửi đơn xin Tổng đốc Nam Định cho xây lăng, nhưng không được chấp nhận. Năm 1935, nhờ có sự can thiệp của quan Án Sát Thanh Hóa họ Tôn Thất, đơn mới được chấp nhận. Năm 1936, lăng Mẫu được khởi công xây dựng do Tham tá Hồ Trọng Lầm làm đốc công, có sự giúp đỡ tích cực của ông đồng quan Trần Vũ Thực, lúc đó cũng đang khởi công mở rộng Nguyệt Du Cung. Lăng Mẫu được hoàn thành năm 1938. Trong lăng Mẫu có hơn 60 câu đối thì có hơn 50 câu đối do đệ tử Đào Chi cung tiến. Trong lầu thờ ở góc lăng Mẫu có khắc bài Giáng bút của Mẫu chứng minh việc làm ân nghĩa của Đào Chi Phổ Hóa, đệ tử của Mẫu ở Huế. Đây là những chứng cứ bác bỏ lời đồn đại lăng do vua Bảo Đại làm, bà Nam Phương hoàng hậu là con chiên công giáo thì càng không có chuyện vợ chồng Bảo Đại đi cầu tự nơi thánh mẫu rồi xây trả ơn. (Năm 1935 có quyết định của quan trên cho làm lăng Mẫu mà mãi năm 1936 mới đẻ thái tử Bảo Long)"

https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid0382YrvuQ9tJJPU3pgg8kh7tfA7VfXCPDLDsiVtAtXQzWCKkM7phYEvgvq3SjJN3uel&id=100002434466085&mibextid=Nif5oz



2. Tối ngày 29/7/2023, tôi ghi nhanh mấy lời, chỉ như các ghi chú, chưa phải trả lời (vì các luận điểm của Nguyễn Xuân Diện và nhóm Nguyễn Xuân Diện sẽ được phía cơ quan chức năng trả lời chi tiết sau)


Đầu tiên, cần nói rõ: chẳng có "tin nóng" gì ở đây cả. Như thấy đúng như entry này hiện thị ở trên, chỉ là entry cũ trên Giao Blog, viết từ mùa hè năm 2021 để nhớ về mùa hè 2011 (cách nhau 10 năm). Vẫn quen thói tung hỏa mù trước nay, mà mọi người đã biết rõ, Nguyễn Xuân Diện đưa luôn thành tin giật gân, nào "tin nóng" hay "cực nóng" !

Còn từng điểm NXD (và nhóm NXD) đưa ra, thì như sau:

1).

- "NĂM 2011: CHÍNH THỨC NHẬN PHỦ VÂN CÁT LÀ NHÀ CŨ MẪU LIỄU ( NHÀ KHI SINH CÙNG BỐ MẸ ĐẺ)
NĂM 2022~2023: KHÔNG CÔNG NHẬN PHỦ VÂN CÁT LÀ PHỦ DÀY ( DO KHÔNG CÓ BIA KHẢI ĐỊNH) (Thực tế bia vẫn còn nguyên)"

Trả lời:
- Năm 2011, tôi chỉ ghi "nhà cũ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh". Cái mở ngoặc "Nhà khi sinh cùng bố mẹ đẻ" là do các ông thêm vào, suy diễn thêm không phải của tôi. Mà "nhà cũ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh" đó là tôi ghi theo chủ trương của ông thủ nhang lúc đó, là cụ Trần Văn Bái (thân sinh thủ nhang Trần Văn Cường hiện nay), và của 4 cụ bô lão. Chúng tôi đi cả đoàn khảo sát, mọi người đều ghi chép lời kể hay khẳng định như vậy của đương kim thủ nhang (lúc đó) và các bô lão.

- Năm 2022-2023: Về tấm bia, các ông cần đọc báo cáo toàn văn của Bảo tàng Nam Định. Đọc báo cáo toàn văn, thì các ông sẽ thấy nội dung người phụ trách trả lời câu hỏi của ông Trần Văn Cường (kèm theo công văn của huyện Vụ Bản). Ông Cường thì quả quyết rằng, Phủ Vân Cát đang có "bia đá (1916) rất có giá trị về lịch sử, nội dung có ghi Phủ Dầy bắt nguồn từ Vân Cát" (thời điểm gửi đơn lên trên).

Về khẳng định đó của ông Cường, báo cáo của Bảo tàng Nam Định đã trả lời rất rõ rồi. Các ông hãy đọc lại, và cần hiểu cho đúng.

Tôi vốn không phụ trách về bia đá Phủ Vân trong đoàn khảo sát, nên không có ý định ghi chú thay cho người phụ trách (cũng không cần thiết đưa lại ảnh chụp báo cáo của Bảo tàng Nam Định), chỉ đề nghị ông đọc lại cho kĩ. Đừng vừa đọc vừa bóp méo ý của người ta, hoặc cắt xén tư liệu, để rồi lu loa lên như thói quen xưa nay của ông !

Vào ngày hôm nay, Thứ Bảy ngày 29/7/2023, có một đoàn khảo sát bia của phía Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã xuống Phủ Vân để xác nhận thêm một lần nữa. Sau đây, đoàn khảo sát này sẽ công bố chính thức kết quả xác nhận.


2).

"NĂM 2011: KHẲNG ĐỊNH PHỦ VÂN CŨNG LÀ MỘT TRONG NHỮNG PHỦ CHÍNH CỦA PHỦ DÀY.

NĂM 2022~2023: PHỦ CHÍNH TIÊN HƯƠNG LÀ TRUNG TÂM CỦA PHỦ DÀY."

Trả lời:

Chẳng có gì sai ở đây cả. Phủ Vân vẫn là một trong những phủ chính của Phủ Dầy (có 3 điểm chính của quần thể Phủ Dầy, thì đã biết rộng rãi: Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh). Đồng thời, không ai bác bỏ được vị trí trung tâm của Phủ Chính Tiên Hương, trên tất cả các phương diện (vị trí địa lí, giá trị lịch sử, vai trò từ trong lịch sử và vai trò từ Đổi Mới đến nay đối với toàn xã hội nói chung và cộng động địa phương Kim Thái - Vụ Bản - Nam Định nói riêng).


3).

"NĂM 2011: BIẾT NGƯỜI THỦ TỪ BÂY GIỜ LÀ ÔNG CƯỜNG ĐANG SƯU TẦM SẮC PHONG CHO PHỦ VÀ THẤY TRÂN TRỌNG VIỆC NÀY

NĂM 2022-2023: LÊN ÁN VIỆC SƯU TÀM SẮC PHONG KIA LÀ NGỤY TẠO ĐỂ TỰA NHƯ VÂN CÁT CÓ SẮC PHONG"

Trả lời:

Để biết khung cảnh năm 2011, các ông cần đọc lại những trang đầu trong báo cáo của tôi (có báo cáo của cá nhân tôi về nhóm các tờ tư liệu đựng trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân thời điểm khảo sát). Cho đến hôm nay, 29/7/2023, các ông vẫn chỉ đưa ra mấy trang cuối của báo cáo mà thôi. Trước đó còn có mấy trang nữa chứ. Các ông chuyên cắt xén tư liệu như vậy thì đã rõ dụng ý của các ông.

Đọc những trang đầu đó, thì thấy tôi đã trình bày rõ về việc: ở thời điểm năm 2011, con trai thủ nhang Trần Văn Bái (tức ông Cường hiện nay) có sưu tầm một ít sắc phong về Phủ Vân như một thú chơi vậy thôi, không/chưa có ý định gì cả. Cụ thể là sắc phong gì ở thời điểm 2011 thì phải đọc báo cáo và xem bức ảnh chụp kèm trong báo cáo (ảnh màu chụp cảnh ông Cường đang cuộn tờ tư liệu để cất đi).

Ở thời điểm năm 2011, ông Cường đúng là đang tự học chữ Hán, tự học viết bút lông (tôi có lưu tư liệu cả). Tôi thấy có phần quí mến việc tự học chữ Hán này.

Tuy nhiên, từ sau mùa hè năm 2011 đó, tôi không có điều kiện gặp trực tiếp ông Cường một lần nào nữa. Vì lúc đó, cụ Bái vẫn là thủ nhang, nên có việc gì liên quan đến Phủ Vân tôi sẽ gọi điện hay về hỏi cụ trực tiếp.

Sau khi cụ Bái mất, có nhiều lần tôi về Phủ Dầy, lúc đi riêng, lúc đi cả đoàn, thì vẫn ghé chơi Phủ Vân, hoặc chỉ thăm thú thêm, hoặc có hỏi người ở trong Phủ Vân thì được trả lời là "đi vắng".

Các năm sau này, Phủ Vân đã thuê người viết sắc phong (thực chất là làm nhái, ngụy tạo sắc phong). Báo cáo của tôi đã chỉ rõ việc ngụy tạo như thế nào. Đặc biệt, như các đơn từ mà ông Cường gửi lên các cấp (có kèm công văn của huyện Vụ Bản) thì ông Cường (với tư cách thủ nhang Phủ Vân) có ý đồ muốn đưa nhóm sắc phong nhái vừa tạo ra đầu thế kỉ XXI này vào hồ sơ/lí lịch di tích Phủ Vân.

Tôi lên án là lên án ý đồ định đưa cả nhóm sắc phong nhái vào hồ sơ/lí lịch của ông Trần Văn Cường. Trước khi viết đơn lên các cấp, ông Cường đã quảng bá nhóm sắc phong nhái này trên các kênh (có video có kèm logo của VTC6).

Sở dĩ có các cuộc khảo sát do Bảo tàng Nam Định chủ trì, tại Phủ Vân, vào đầu năm 2022, là từ đơn đề nghị của ông Cường.

Đơn đề nghị của ông Cường như sau:





Công văn của phía huyện Vụ Bản kèm theo đơn này thì sắp tới có thể sẽ được phía Bảo tàng Nam Định công bố toàn văn để công luận được rõ (ở đây chỉ tạm đưa đơn của ông Cường mà thôi - tên đúng là "biên bản làm việc" với ngày tháng là 6/1/2022).

Ngày 29/7/2023,

Giao Blog







1. Ngày 29/7/2023, Nguyễn Xuân Diện có đăng trên Fb một phân tích như dưới đây (in nguyên):












https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/pfbid02FnGoZtd2GXZGNcHMMBGKC8YYA7Uzo7po9ejKidSs5Z8pPSC8KSRCcvcVCuCCS7wBl


---

BỔ SUNG


1. Tháng 6 năm 2021, trang Phủ Dầy vừa đi bài về Phủ Vân Cát, chép về Giao Blog như dưới đây

"

Phủ Vân Cát

Phủ Vân Cát là một công trình di tích lịch sử quan trọng trong hệ thống các di tích thuộc Quần thể Phủ Dầy, bên cạnh Phủ Chính Tiên Hương và lăng Mẫu Liễu Hạnh. Năm 1975, Phủ Vân Cát đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia nhờ những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh của dân tộc.

Nằm ở phía Bắc thôn Vân Cát thuộc xã Kim Thái, cách Phủ Chính Tiên Hương chừng 1 km về phía Tây Nam, Phủ Vân Cát được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 1 hecta, quay về hướng Tây nhìn dãy núi Tiên Hương (núi Ngăm). Phủ Vân Cát là một trong những phủ chính thuộc khu di tích Phủ Dầy. Từ Phủ Chính Tiên Hương đi thẳng tới Ủy ban nhân dân xã Kim Thái, rẽ bên phải đi tới lăng Mẫu, còn đi về bên trái là đi tới Phủ Vân Cát.

Phủ Vân Cát

Toàn cảnh Phủ Vân Cát

Từ ngoài vào, phía trước phủ Vân Cát là hồ bán nguyệt xây bằng đá xanh, đây là đặc trưng của các phủ tại quần thể Phủ Dầy. Giữa hồ bán nguyệt có một phương du nằm ở ngay chính giữa và có hai cầu đá dẫn lối lên xuống. Phương du gồm có ba gian làm bằng gỗ lim, mái có góc uốn cong, xung quang lan can thấp ghép bằng những tường hoa đá.

Trên tường trang trí bằng những mảng phù điêu chạm khắc một số loài hoa và những con lân, con voi, hổ. Phương du có bốn mặt thoáng, là nơi khách đứng xem kéo chữ, tổ chức hát văn vào ngày hội.

 

Từ cổng bước vào là Ngũ Vân Lâu, gác chuông với 5 cổng lớn xây dựng từ thời vua Tự Đức.

Bên trong phủ Vân Cát cũng có 4 cung thờ. Cung Đệ nhất và cung Đệ nhị đều được xây dựng ba gian, được tôn tạo và mở rộng từ đời Tự Đức năm Kỷ Mão (1879). Cả hai cung này đều bị giặc Pháp phá hủy bằng ném bom, năm 1959 dân làng xây dựng lại cung Đệ nhất còn cung Đệ nhị mới được tôn tạo lại vào năm 1992.

Cung đệ nhất là chính cung khép kín thờ Tam tòa Thánh Mẫu, tượng bằng đồng gồm có Mẫu Đệ nhất Thượng Thiên ngồi giữa, Mẫu Thượng Ngàn ngồi bên trái và Mẫu Đệ tam thoải phủ ngồi bên phải.

Cung đệ nhị thờ Tứ vị chầu Bà và Tam tòa Quan lớn, đặc biệt có hai khám thờ hai bên thờ Ông Hoàng Mười bên phải và thờ Ông Hoàng Bảy bên trái

 

Cung đệ tam, tại đây có thờ Công đồng tứ phủ, cung này cũng có ban thờ Bà chúa bản đền.

Cung đệ tứ hay còn gọi là tòa Bái Đường, cung này có thờ Quan Giám sát

Trong phủ cũng có cung cấm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, nơi đây theo truyền thống chỉ những ngày lễ trọng đại hoặc khai hội mở đền mới mở phủ và rất ít khi được phép ra vào.

Trong phủ có nhiều dấu tích các câu đối hoành phi, câu đối, đại tự có giá trị.

Ngoài ra, nét độc đáo còn nằm ở văn bia cùng ngũ vân lâu ngay tại mặt chính trước cửa phủ Các công trình bố trí chặt chẽ tạo thành thể thống nhất, giữ lại nét giá trị từ ngày đời nay. Cùng với hệ thống đồng trụ tường hoa khiến tổng công trình nội trùng thiềm, ngoại chữ quốc ở đây bố cục chặt chẽ – là di tích xếp hạng di tích lịch sử quốc gia

 

Văn bia “Thánh Mẫu cố trạch linh từ bi ký” được đặt ở Ngũ Vân Lâu trước phủ Vân Cát do Tổng tài quốc sư quán đời Nguyễn là Cao Xuân Dục soạn năm Thành Thái Tân Sửu (1901) viết về quá trình xây dựng phủ Vân Cát: “ .. .là một lầu cổ miếu, chọn đất dựng nền từ thời Lê Cảnh Trị (1633- 1671)Khoảng đời Cảnh Thịnh (1794 – 1800) hội nguyên Trần Gia Du, thiếu tả giám Trần Công Bản đã mở rộng ra. Đến năm Kỷ Mão (1879) đời Tự Đức, quan huyện Lê Kỳ đã sửa lợp lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898) đền phủ bị hư hại nhiều vì mưa gió nên các quan huyện… cùng các bậc thân hào đứng ra sửa. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì hoàn thành.”

Thủ nhang Phủ Vân Cát Trần Văn Cường loan giá thực hiện nghi thức hầu Mẫu

Phủ nằm giữa đền làng Vân Cát và chùa Long Vân nơi thờ Phật, vì thế tạo nên một quần thể thờ Phật-Mẫu-Thần. Cùng với Phủ Tiên Hương và lăng Mẫu Liễu Hạnh, phủ Vân Cát đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1975 nhờ những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh của dân tộc.

>>> Xem thêm: Phủ Tiên Hương

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

https://phuday.com/phu-van-cat.html
































"

4 nhận xét:

  1. 1. Tháng 6 năm 2021, trang Phủ Dầy vừa đi bài về Phủ Vân Cát, chép về Giao Blog như dưới đây

    "

    Phủ Vân Cát
    Posted on 19/06/2021 by Admin
    Phủ Vân Cát là một công trình di tích lịch sử quan trọng trong hệ thống các di tích thuộc Quần thể Phủ Dầy, bên cạnh Phủ Chính Tiên Hương và lăng Mẫu Liễu Hạnh. Năm 1975, Phủ Vân Cát đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia nhờ những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh của dân tộc.

    Trả lờiXóa
  2. 2. Tối ngày 29/7/2023, tôi ghi nhanh mấy lời, chỉ như các ghi chú, chưa phải trả lời (vì các luận điểm của Nguyễn Xuân Diện và nhóm Nguyễn Xuân Diện sẽ được phía cơ quan chức năng trả lời chi tiết sau)

    Trả lờiXóa
  3. 3. Ghi chú ngày 7/8/2023

    Hơi có phần bất ngờ là có nhiều bạn đã lặng lẽ đọc các tài liệu nghiên cứu (bài nghiên cứu, sách nghiên cứu,...) và hiểu được những điểm quan trọng. Ví dụ ở đây là bạn Việt Vũ trên Fb (bạn kí tên là Vũ Đức Việt).

    Chép nguyên một stt đã post năm 2021 của vạn Việt Vũ.

    Trả lờiXóa
  4. 4. Ghi chú ngày 11/9/2023



    Trần Chánh ---- Các tư liệu lấy từ Fb Long Vũ

    "

    Fb Long Vu (6/9/2023)

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.