Liếc thấy có tranh luận của nhóm các bác cao niên Nguyễn Hải Hoành, Trần Xuân Hoài và các anh em nhóm trẻ tuổi, ở trên không gian mạng, một ít ngày gần đây.
Mình với tư cách người quan sát, sẽ đưa dần các bài về đây.
Thật ra, với cụ Hoành, mình đã có một ghi chép nhanh hồi tháng 8 năm 2020, ở đây. Bận mải nên còn chưa có dịp quay trở lại với các ghi chép nhanh ấy.
Ở dịp cuối năm 2020 này, mở đầu là bài của bác Hoành trên Tia Sáng. Sau đó, là bổ sung dán dần ở dưới.
Tháng 11 năm 2020,
Giao Blog
---
Nguyễn Hải Hoành
Giới thiệu
Tiến sĩ chuyên ngành tự động hóa GTVT, Học viện Kỹ sư GTVT Moskva, MIIT. Dịch giả tự do.
20/06/2020 18:51 - Nguyễn Hải Hoành
Được coi là đại diện cho ngôn ngữ, chữ viết in đậm dấu vết chặng đường một dân tộc đã đi qua. Vì thế cần nghiên cứu lịch sử các loại chữ viết dân tộc ta từng sử dụng trong hơn 2000 năm qua. Đó là chữ Nho, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Bài này sẽ bàn về nguồn gốc và mối tương quan của ba loại chữ viết đó.
Vào khoảng thế kỷ II trước CN, khi phong kiến Trung Quốc chiếm nước ta và bắt dân ta học chữ Hán, tổ tiên ta đã học theo cách đọc chữ bằng tiếng Việt mà không đọc bằng tiếng Hán, và gọi chữ Hán đã Việt hóa phần ngữ âm là chữ Nho. Mỗi chữ Nho ứng với một âm Hán - Việt. Như vậy, người Việt chỉ học chữ mà không học tiếng Hán, nhờ thế học chữ Hán dễ hơn và có chữ để dùng.
Nhờ có chữ viết, dân tộc ta thoát khỏi thời tiền sử lạc hậu, tiến sang thời đại văn minh có chữ để ghi lại lịch sử. Việc dùng chữ Hán mà không nói tiếng Hán còn giúp dân ta một mặt vẫn đạt yêu cầu học chữ của kẻ cai trị, mặt khác lại giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ, qua đó tránh được thảm họa ngôn ngữ bị Hán hóa, dân tộc bị Trung Quốc hóa sau nghìn năm Bắc thuộc. Rõ ràng, chữ Nho là một sáng tạo ngôn ngữ xuất sắc của người Việt.
Chữ Hán chủ yếu là loại chữ biểu ý (chữ ghi ý, ideograph), tương tự những chữ tượng hình vẽ con vật hoặc chữ số 1, 2, 3… , các dân tộc đều hiểu ý nghĩa của các ký hiệu biểu ý ấy nhưng đọc bằng tiếng của họ. Tổ tiên ta đã lợi dụng tính chất đó để đọc chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng vì là chữ Hán mượn về nên chữ Nho vẫn là chữ biểu ý và không ghi được hệ ngữ âm của tiếng Việt. Trên thực tế chữ Nho không ghi được được ngôn ngữ của tầng lớp bình dân, chỉ một số ít người trong giới quan lại và giới tinh hoa biết dùng, và chỉ dùng để viết (bút đàm), không dùng để nói.
Để sửa nhược điểm ấy, vào khoảng từ thế kỷ XII, tổ tiên ta đã dùng các ký tự vuông gốc chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, qua đó làm ra chữ Nôm. Đây là bước thử nghiệm tiến tới tạo một loại chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonograph) ghi được tất cả các âm tiếng Việt.
Sau mấy thế kỷ phát triển và hoàn thiện, chữ Nôm đã đạt mức ghi được hầu như gần hết âm tiếng Việt đã dùng. Có thể thấy điều đó từ các tác phẩm chữ Nôm như Truyện Kiều. Ảnh: Truyện Kiều bản Liễu Văn Đường 1866. Nguồn: Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm.
Chữ Nôm được xây dựng trên cơ sở chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt, kết hợp cả hai yếu tố biểu ý và biểu âm. Ban đầu chữ Nôm mượn dạng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, dần dần ghép hai chữ Hán để tạo ra một chữ mới, một phần gợi âm, một phần gợi ý, được dùng ngày càng nhiều và có hệ thống hơn. Tương tự chữ Hán, mỗi chữ Nôm thể hiện một âm tiết. Vì tiếng Việt giàu âm tiết nên có rất nhiều chữ Nôm. “Từ điển Chữ Nôm dẫn giải” của GS Nguyễn Quang Hồng sưu tầm 9.450 chữ Nôm trong đó có gần 3.000 chữ Nôm tự tạo, ghi 14.519 âm tiết tiếng Việt.
Chữ Nôm từng có thời được gọi là “Quốc ngữ” hoặc “Quốc âm”, tức chữ của “tiếng nói nước ta”. Tuy không phải là chữ Hán nhưng do cấu tạo trên nền tảng chữ Hán nên chữ Nôm phụ thuộc vào chữ Hán, khó học (biết chữ Nho mới học được chữ Nôm), khó phổ cập, lại chưa được đông đảo giới trí thức và chính quyền phong kiến nước ta thừa nhận. Vì vậy việc phát triển và hoàn thiện chữ Nôm gặp nhiều khó khăn. Tuy thế, văn thơ chữ Nôm, tức văn thơ tiếng Việt, do nói lên được tiếng nói và nỗi lòng của người bình dân nên đã tỏ ra trội hơn hẳn văn thơ chữ Nho, từng làm nên nền văn học chữ Nôm tỏa sáng rực rỡ với những tác phẩm tiếng Việt của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVI), Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương (thế kỷ XVIII-XIX) v.v…
Sau mấy thế kỷ phát triển và hoàn thiện, chữ Nôm đã đạt mức ghi được hầu như gần hết âm tiếng Việt đã dùng. Có thể thấy điều đó từ các tác phẩm chữ Nôm như Truyện Kiều… và bản dịch chữ Nôm các tác phẩm chữ Hán như Truyền kỳ mạn lục, Chinh phụ ngâm khúc, v.v.. Trong 200 năm sau khi chữ Quốc ngữ đã ra đời nhưng chưa được sử dụng, các linh mục Công giáo đều dùng chữ Nôm để viết tài liệu giảng đạo.
Dù sao, vì các ký tự vuông trong chữ Nôm không phải là chữ cái có thể ghép vần cho nên mức độ ghi âm tiếng Việt còn kém chính xác, nhiều chữ phải đoán âm đọc.
Thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên Francisco de Pina, Antonio Barbosa, Gaspar do Amaral, António de Fontes, Alexandre de Rhodes v.v… đến nước ta truyền giáo. Dòng Tên mang tên Chúa Jesus cao cả, chỉ tuyển người có học vị tiến sĩ1, yêu cầu nhà truyền giáo phải thông thạo ngôn ngữ và tuân theo phong tục tập quán của dân bản xứ.
Như đã biết, cha Francisco de Pina đến Việt Nam năm 1617, chỉ ba năm sau đã cùng các giáo sĩ khác biên soạn tài liệu giáo lý bằng chữ Nôm. Giáo sĩ Girolamo Maiorica trong khoảng 1632-1656, đã viết 45 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm, nổi tiếng nhất là cuốn Các Thánh Truyện viết năm 16462. Kho lưu trữ thư tịch chữ Nôm hiện còn giữ được nhiều tài liệu của các giáo sĩ Gaspar d’ Amaral, Antoine Barbosa…
Vì đối tượng truyền giáo là nông dân, ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi nên dĩ nhiên các tài liệu giảng đạo chữ Nôm phải dùng từ ngữ của dân thường. Từ đây có thể suy ra hai điểm:
- Thứ nhất, chữ Nôm thời đó đã ghi được phần lớn các âm “thuần Việt” dân dã;
- Thứ hai, các vị giáo sĩ rất giỏi chữ Nôm ấy không thể không nhận thấy đây thực sự là loại chữ có yếu tố biểu âm ghi được hệ thống ngữ âm của tiếng Việt; nhưng chỉ vì dùng ký tự vuông của Hán ngữ nên ghi âm chưa thật chính xác, và khó học, khó phổ cập. Họ cũng hiểu rằng việc chữ Nôm đã tồn tại 500 năm và từng làm nên những tuyệt tác văn thơ chứng tỏ tiếng Việt thích hợp với chữ biểu âm. Ngày nay, ngôn ngữ học hiện đại cho biết tiếng Việt và tiếng Hán tuy đều là ngôn ngữ đơn âm tiết nhưng chỉ tiếng Việt do giàu âm tiết nên mới thích hợp với chữ biểu âm.3
Với nhận thức như vậy, các giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học kể trên dĩ nhiên đã nảy ra ý tưởng dùng chữ cái La tinh để phiên âm chữ Nôm, biến thứ chữ có yếu tố biểu âm Hán hóa ấy thành thứ chữ biểu âm La tinh hóa dễ học dễ dùng cho việc truyền giáo của họ.
Rõ ràng, phiên âm một thứ tiếng đã có chữ viết ghi lại âm của tiếng đó thì đơn giản nhiều so với việc phiên âm một thứ tiếng chưa có chữ viết - ở thời xưa, đó là một công trình lao động sáng tạo cực kỳ phức tạp, cần nhiều người làm trong hàng trăm năm.
Thực tế cho thấy, các giáo sĩ kể trên dù ít người và làm việc phân tán nhưng đã tạo ra chữ Quốc ngữ trong thời gian ngắn kỷ lục: từ năm 1617 đến 1649.4 Họ đã nhanh chóng tìm ra các chữ cái La tinh phù hợp thay cho các ký tự vuông ghi âm tiếng Việt trong chữ Nôm. Năm 1617 Francisco de Pina đến Đàng Trong, năm 1619 đã viết xong một bản từ vựng tiếng Việt bằng chữ La tinh. Năm 1631 Gaspar d’ Amaral đến Đàng Ngoài, năm sau đã ghi âm rất tốt tiếng Việt, đến năm 1634 đã làm xong một cuốn từ vựng tiếng Việt. Trong mấy cuộc gặp tại Macao (1630-1631), các giáo sĩ đã xác định được 6 thanh điệu và tính đơn âm tiết của tiếng Việt. Năm 1649 Rhodes rời Việt Nam mang theo bản thảo Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum). Năm 1651 Từ điển này được in và xuất bản tại Roma, đánh dấu chữ Quốc ngữ Việt Nam chính thức ra đời.
Trong mấy chục năm làm chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, chủ yếu do hệ thống ngữ âm của tiếng Việt cực kỳ phong phú và mới lạ. Vấn đề phức tạp nhất là phải sáng tạo ra hệ thống ký hiệu thể hiện được các thanh điệu sắc, huyền, hỏi. ngã, nặng, và các con chữ thể hiện được các ngữ âm không có trong bộ chữ La tinh như ă, â, ê, ơ, ô, ư, đ. Bộ ký hiệu và con chữ ấy làm nên cái gọi là “giày và mũ” trong nhận xét của một học giả nổi tiếng Trung Quốc: “Chữ viết của Việt Nam sau khi phiên âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười.”5. Thực ra “mũ, giày” ấy là những sáng tạo hợp lý tới mức người Việt xưa nay đều không chấp nhận bất cứ thứ chữ Quốc ngữ nào không có các ký hiệu và con chữ đó. Ngoài ra các giáo sĩ thông thái ấy đã hiệu chỉnh các âm tiếng Việt mà chữ Nôm chưa ghi được chính xác, và hiện đại hóa phần ngữ pháp của chữ viết, như áp dụng các dấu ngắt câu, ngắt đoạn, viết hoa v.v…
Các nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm sưu tập tư liệu chữ Hán, Nôm trong các thư khố của Pháp. Ảnh: Fb Nguyễn Tuấn Cường.
Chữ Quốc ngữ có hình dạng khác xa chữ Nôm, nhưng về bản chất, cả hai đều là các hệ chữ viết ghi âm tiếng Việt; chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La thể hiện rất rõ mối tương quan với cấu tạo chữ Nôm 6.
Cuối cùng, các giáo sĩ Dòng Tên kể trên đã phiên âm và biến đổi chữ Nôm thành một thứ chữ biểu âm La tinh hóa về sau gọi là chữ Quốc ngữ. Như vậy chữ Quốc ngữ chính là chữ Nôm được La tinh hóa và hiện đại hóa.
Giả sử thời ấy chưa có chữ Nôm, chỉ có chữ Nho, thì việc làm chữ của các giáo sĩ sẽ vô cùng khó khăn vì chữ Nho vốn là chữ Hán. Thực tiễn cải cách chữ viết ở Trung Quốc đã chứng tỏ không thể dùng bất cứ bộ chữ cái nào để phiên âm chữ Hán thành chữ biểu âm.
Năm 1582 giáo sĩ Dòng Tên người Ý Matteo Ricci đến Trung Quốc truyền giáo. Ông rất giỏi Hán ngữ, đã dành nhiều năm nghiên cứu cách phiên âm chữ Hán. Năm 1605 Ricci đưa ra phương án phiên âm chữ Hán bằng chữ cái La tinh, nhưng phương án này chỉ giúp người Âu học chữ Hán dễ hơn, chứ chưa phải là một loại chữ viết mới. Về sau, giới trí thức Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu theo phương hướng của Ricci nhằm mục tiêu tạo ra một thứ chữ biểu âm có thể thay thế chữ Hán mà họ muốn loại bỏ. Nhưng mọi cố gắng ấy đều bất thành. Năm 1958 Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc làm ra Phương án phiên âm (Pinyin) Hán ngữ dùng chữ cái La tinh, nhưng chỉ có tác dụng phụ trợ là ghi chú âm cho chữ Hán, không phải là một loại chữ viết. Từ đầu năm 1986 Nhà nước Trung Quốc không còn nhắc tới mục tiêu tạo ra loại chữ biểu âm thay cho chữ Hán.
Tóm lại, việc dùng chữ cái La tinh phiên âm chữ Nôm đã thành công ngay từ đầu thế kỷ XVII trong khi mọi cố gắng phiên âm chữ Hán cho tới nay vẫn chưa có kết quả. Vì sao vậy? Vì chữ Nôm có yếu tố biểu âm, chữ Hán không có yếu tố ấy. Nói cách khác, không có chữ Nôm thì các giáo sĩ đáng kính nói trên sẽ không làm được chữ Quốc ngữ. Đến đây có thể kết luận: Bằng việc sáng tạo chữ Nôm, tổ tiên ta đã góp phần quan trọng dẫn đến sự hình thành chữ Quốc ngữ.
***
Đã hơn trăm năm nay nước ta chính thức sử dụng chữ Quốc ngữ, thứ chữ viết được các nhà trí thức tiên tiến đầu thế kỷ XX ca ngợi là Hồn của đất nước, công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt. Lẽ tự nhiên, dân tộc Việt Nam giàu truyền thống nhân văn uống nước nhớ nguồn không bao giờ quên công lao của những người đã góp phần làm ra loại chữ viết kỳ diệu ấy. Đáng tiếc là cho tới nay công luận trong nước vẫn chưa nhất trí chọn được các nhân vật tiêu biểu cần vinh danh, và cơ quan công quyền có trách nhiệm thay mặt dân giải quyết vấn đề này dường như cũng chưa tỏ thái độ rõ ràng. Đây không phải là công việc quá khó. Để tình trạng trên kéo dài sẽ không có lợi cho hình ảnh một dân tộc văn minh. Vấn đề này đã đến lúc cần bàn thảo rộng rãi và chính quyền cần sớm có kết luận cùng hành động tri ân.
Thời thuộc Pháp, có thể vì để đề cao “mẫu quốc” mà các sách giáo khoa ở ta đều quy công trạng làm ra chữ Quốc ngữ cho giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes. Quan điểm ấy trở thành chính thống trong một thời gian dài. Gần đây dư luận yêu cầu ghi công các giáo sĩ không phải người Pháp như Francisco de Pina, Antonio Barbosa, Gaspar d’Amaral, António de Fontes… và đóng góp của cộng đồng giáo dân miền Nam nước ta từng giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt, và đóng vai trò “thẩm định” trong quá trình thí điểm sử dụng chữ Quốc ngữ. Sự thay đổi quan điểm như vậy là hợp tình hợp lý.
Chúng tôi cho rằng dù thế nào cũng phải mãi mãi tôn vinh công trạng làm ra chữ Nôm của tổ tiên ta, một sáng tạo ngôn ngữ góp phần quyết định sự hình thành chữ Quốc ngữ –– thành quả kết hợp trí tuệ của nền văn minh Việt với nền văn minh Ki Tô giáo. □
Ghi chú:
[1] https://tuoitre.vn/chu-quoc-ngu-nhung-nguoi-dau-tien-khai-sang-20191206213804476.htm
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Girolamo_Maiorica . Lã Minh Hằng: “Đôi nét về thư tịch Hán Nôm Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm”
[3] Nguyễn Hải Hoành: “Một vài tìm tòi về ngôn ngữ”. TC Tia Sáng số 11 (5/6/2020)
[4] Phạm Thị Kiều Ly: “Lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615 đến 1861: Quá trình La-tinh hóa tiếng Việt trong trào lưu ngữ học truyền giáo”. TC Tia Sáng số (2019).
[5] Nguyễn Hải Hoành: “Sao lại nói chữ Quốc ngữ Việt Nam rất nực cười?”
[6] Nguyễn Ngọc Quân: “Chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La trong tương quan với cấu tạo chữ Nôm đương thời”.
Chữ Quốc ngữ muôn năm !
27/01/2020 06:30 - Nguyễn Hải Hoành
Chữ Quốc ngữ gắn liền với tiếng Việt như hình với bóng có thể làm tốt nhất chức năng ghi chép, trao đổi, kế thừa và phát huy trí tuệ của dân tộc ta.
Học giả Phạm Quỳnh là một trong những người tiên phong cổ vũ chữ Quốc ngữ. Nguồn ảnh: Tư liệu của TS Nguyễn Thụy Phương chụp Tạp chí L’Asie Nouvelle xuất bản năm 1937.
Nước ta bao đời nay chỉ dùng tiếng Việt, tức tiếng nói của dân tộc Kinh chiếm đa số tuyệt đối trong cộng đồng 54 dân tộc. Tiếc thay dân tộc ta có chữ viết quá muộn, vì thế nền văn minh Việt Nam phát triển chậm.
Chữ viết đầu tiên ta dùng là chữ Hán do người Trung Quốc mang đến khi họ xâm chiếm nước ta khoảng hơn 2000 năm trước. Đó là loại chữ biểu ý (ideograph) tách rời tiếng nói, vì thế tổ tiên ta đã nghĩ ra cách đọc chữ Hán theo âm tiếng Việt; nhờ đó mượn được chữ Hán làm chữ của mình, và gọi thứ chữ đã Việt Nam hóa phần ngữ âm ấy là chữ Nho. Trong suốt 1000 năm Bắc thuộc, dân tộc ta dùng chữ Hán nhưng không nói tiếng Hán, nhờ vậy đã giữ nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ, tránh được thảm họa tiếng Việt bị diệt vong bởi sự đồng hóa ngôn ngữ của văn minh Trung Hoa. Nguyên lý bài học giữ nước ấy của tổ tiên ta được học giả Phạm Quỳnh tóm tắt trong câu nói “Tiếng ta còn (thì) nước ta còn!”.
Nhưng chữ Hán không ghi được tiếng Việt, vì thế không phản ánh được tâm tư tình cảm của dân ta, chỉ được tầng lớp trên độc quyền sử dụng trong một số lĩnh vực hẹp. Để thoát khỏi hạn chế đó, thế kỷ XII tổ tiên ta làm ra chữ Nôm ghi được tiếng Việt. Chữ Nôm cấu tạo trên nền tảng chữ Hán, biết chữ Hán mới học được chữ Nôm. Vì khó học khó dùng lại không được chính quyền thừa nhận nên rốt cuộc chữ Nôm bị loại bỏ. Nhưng văn học chữ Nôm với các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đã tỏ ra hơn hẳn văn học chữ Nho.
May sao cuối cùng chúng ta được thừa hưởng chữ Quốc ngữ, một loại chữ biểu âm (phonograph) Latinh hóa thích hợp với tiếng Việt, do các nhà truyền đạo Kitô sáng tạo vào thế kỷ XVII. Đây là món quà vô giá mà văn minh phương Tây, văn minh Kitô giáo tặng cho dân tộc Việt Nam. Chữ Quốc ngữ đã đưa nước ta tiến sang một thời kỳ phát triển mới.
***
Với ưu điểm ghi được toàn bộ ngữ âm tiếng Việt, lại dễ học, dễ nhớ, chữ Quốc ngữ đã nhanh chóng được dân ta tiếp nhận. Các nhà Nho tiên tiến đi đầu truyền bá loại chữ mới này và lên án chữ Hán đã kìm hãm xã hội ta. Tiến sĩ Hán học Trần Quý Cáp nói "chữ Quốc ngữ là hồn trong nước, phải đem ra tính trước dân ta". Phó bảng Phan Châu Trinh nhận xét việc học chữ Hán “khiến cho người nước ta tối tăm, mù mịt, mềm yếu, ươn hèn” (“Thư gửi toàn quyền Đông Dương” 8/1906, viết chữ Hán, Ngô Đức Kế dịch) và hô hào "Không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam". Cũng có một số ít nhà Nho phản đối chữ Quốc ngữ, chê thứ chữ này ngoằn ngoèo như con giun lại chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng họ không ngăn cản được xu hướng ủng hộ chữ Quốc ngữ của số đông.
Hơn ai hết, giới nhà Nho tiến bộ hiểu rõ các nhược điểm của chữ Hán – khó học, khó nhớ, khó viết, khó dùng, không ghi được tiếng Việt – do đó họ thấy ngay các ưu điểm của chữ Quốc ngữ. Đây là chữ viết của toàn dân, không như chữ Hán chỉ tầng lớp trên độc quyền sử dụng, qua đó độc quyền tri thức. Hầu hết nhà Nho làm nghề dạy học, cho nên họ đi đầu dạy thứ chữ mới này. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đầu tiên tổ chức dạy Quốc ngữ với quy mô lớn giữa Thủ đô, thu kết quả bất ngờ. Xuất hiện cảnh tượng chưa từng thấy: Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ/ Khắp ba mươi sáu phố Hà thành/ Gái trai nô nức học hành/ Giáo sư tám lớp, học sinh non ngàn…
Các nhà cách mạng Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục đã sử dụng phong trào học chữ Quốc ngữ để phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng đất nước theo phương châm Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, với khai dân trí là trước hết dạy dân học; khi biết chữ dân chúng sẽ tự giác đấu tranh đòi độc lập, tự do, dân chủ.
Ngôn ngữ là công cụ tư duy; chữ viết là công cụ ghi chép ngôn ngữ, tức ghi chép tư duy. Khi chưa có chữ viết thì tư duy không được ghi lại, do đó không được lưu trữ và giao lưu, kế thừa; vì thế trí tuệ bị kìm hãm không phát triển được. Chữ Quốc ngữ gắn liền với tiếng Việt như hình với bóng có thể làm tốt nhất chức năng ghi chép, trao đổi, kế thừa và phát huy trí tuệ của dân tộc ta. Chữ Hán tách rời tiếng Việt, và chữ Nôm khó hơn chữ Hán không làm được chức năng đó. Học giả Phạm Quỳnh nói "chữ Quốc ngữ là công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt Nam".
Chữ Quốc ngữ là công cụ tốt nhất để dịch các ngôn ngữ khác thành tiếng Việt, nhờ thế dân tộc ta biết tới các thành quả tiến bộ xã hội của nhân loại. Ngay từ năm 1907 Ban Tu thư Đông Kinh Nghĩa Thục đã chuyển được nội dung nhiều “Tân thư” chữ Hán-Nhật thành chữ Quốc ngữ và in ra, phát không cho đồng bào. Lần đầu tiên những tư tưởng tiên tiến như bình đẳng, tự do, dân chủ, nhân quyền… du nhập đã thức tỉnh dân ta. "Hải ngoại Huyết thư" Phan Bội Châu viết bằng chữ Hán được nhà Nho Lê Đại chuyển thành thơ Quốc ngữ với những câu kích động lòng yêu nước như "Cờ độc lập xa trông phấp phới, Kéo nhau ra đòi lại nước nhà" được đồng bào học thuộc lòng truyền đi khắp nơi đã khiến thực dân Pháp hoảng sợ. Từ đó trở đi tất cả các phong trào chính trị đều dùng chữ Quốc ngữ để truyền bá học thuyết, quan điểm của mình. Chữ Quốc ngữ đã góp phần quyết định nâng cao dân trí, qua đó thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách thực dân phong kiến tiến tới thắng lợi cuối cùng.
Nguyễn Văn Vĩnh (người đội mũ phớt trắng), một trong những người làm báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ tại hội chợ Marseille năm 1906. Sau đó, Nguyễn Văn Vĩnh trở về với lòng tin, rằng chỉ có báo chí sẽ chứng minh được với người dân thứ chữ viết bằng chữ cái Latinh dễ học đến nhường nào, và nó hay đến thế nào… Nguồn: Nguyễn Lân Bình.
Chữ Quốc ngữ có khả năng chuyển được kho tàng tri thức văn minh nhân loại thành tiếng Việt, qua đó giúp dân ta thừa hưởng các thành tựu khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội-nhân văn và văn học nghệ thuật của thế giới, đẩy lùi các quan điểm lạc hậu và nạn mê tín dị đoan, thực hiện hiện đại hóa xã hội. Năm 1881 "Gia Định Báo" đăng nhiều kỳ bản tiếng Việt tác phẩm văn học phương Tây đầu tiên do Trương Minh Ký dịch, đánh dấu sự ra đời ngành dịch thuật ở ta. Trong thế kỷ XX ngành này phát triển mạnh, hầu hết tác phẩm lớn của văn học nước ngoài đã được người Việt biết tới. Các thư tịch chữ Nho, Nôm của tổ tiên ta đều phải dịch ra Quốc ngữ thì con cháu mới có thể đọc hiểu. Năm 1875, Trương Vĩnh Ký cho ra mắt Truyện Kiều bản chữ Quốc ngữ, được nhiệt liệt hoan nghênh. Cho tới nay nhiều thư tịch Hán Nôm đều đã được chuyển ngữ thành Quốc ngữ, nhờ thế các thế hệ sau không bị đứt quãng với di sản văn hóa cổ.
Chữ Quốc ngữ thuận tiện nhất dùng để viết văn, làm thơ… qua đó hình thành nền văn học tiếng Việt của toàn dân, không như văn học Hán/Nôm chỉ do tầng lớp trên độc quyền sở hữu. Năm 1887 Sài Gòn xuất bản tiểu thuyết chữ Quốc ngữ "Thầy Lazaro Phiền" của Nguyễn Trọng Quản, đánh dấu sự ra đời văn học tiểu thuyết tiếng Việt. Tại Hà Nội năm 1925 Hoàng Ngọc Phách cho ra mắt "Tố Tâm", tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc. Trong thế kỷ XX văn học tiếng Việt phát triển như vũ bão, xuất hiện nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Chữ Quốc ngữ đã góp phần quan trọng hình thành Thơ Mới, loại thơ không tuân theo luật của thơ cổ.
Do giúp chuyển tải nhanh chóng các kiến thức thể hiện bằng chữ alphabet của văn minh phương Tây, như toán học, hóa học, vật lý học… nên chữ Quốc ngữ trở thành bà đỡ cho sự ra đời ngành giáo dục toàn dân ở nước ta. Năm 1906, phong trào Duy Tân đi đầu mở hàng chục trường dân lập dạy chữ Quốc ngữ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, gây nên cao trào học chữ trong cả nước, nổi bật là Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. Cao trào đó tạo sức ép khiến chính quyền cai trị phải mở trường dạy chữ Quốc ngữ ở các tỉnh, hình thành hệ thống giáo dục toàn dân.
Chữ Quốc ngữ góp phần quyết định sự ra đời ngành thông tin, truyền thông, đầu tiên là báo chí, xuất bản. Ngày 15/4/1865, tờ “Gia Định báo” in chữ Quốc ngữ ra mắt số đầu tiên, đánh dấu sự xuất hiện "Quyền lực thứ 4" ở Việt Nam. Ngành báo chí nhanh chóng phát triển, làm cho đời sống tinh thần dân ta trong một thời gian ngắn có bước tiến chưa từng thấy theo hướng dân chủ hóa. Báo chí trở thành nơi gây dựng phong trào viết tiếng Việt.
Cũng vậy, nước ta khó có thể phát triển được ngành xuất bản, bưu chính viễn thông nhanh đến vậy nếu không dùng chữ Quốc ngữ. Chữ alphabet thuận tiện cho việc chế tạo và dùng máy chữ, sắp chữ in, mã hóa chữ thành tín hiệu điện…
Việc sử dụng chữ Quốc ngữ đã tạo điều kiện hình thành tầng lớp trí thức mới, với đại diện đầu tiên là những người tiếp thu tốt cả hai nền văn minh Đông và Tây như Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Quỳnh… Họ đả phá thói xấu xưa sùng bái chữ Hán nay sùng bái tiếng Pháp, chung kiếp làm nô lệ tinh thần cho nước ngoài (lời Phạm Quỳnh). Họ đi đầu phong trào viết tiếng Việt, ra sức xây dựng nền văn học Việt Nam độc lập tự chủ.
Chữ Quốc ngữ còn giúp nước ta "Thoát Hán" về ngôn ngữ. Việt Nam, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên thời xưa đều dùng chữ Hán. Sau khi thấy mặt hạn chế của thứ chữ ấy, cả ba xứ đều tìm cách thoát ra. Thế kỷ XV bán đảo Triều Tiên làm được chữ Hangul là loại chữ ghi âm có thể thay chữ Hán; nhưng phải đến năm 1948 hai miền Nam, Bắc Triều Tiên mới chính thức bỏ chữ Hán, chỉ dùng chữ Hangul. Tuy vậy hiện nay Hàn Quốc vẫn phải dùng một số chữ Hán để ghi chú các từ ngữ đòi hỏi chính xác, như họ tên trong giấy Căn cước, từ ngữ pháp lý trong các văn bản,…
Nước ta chính thức bắt đầu "Thoát chữ Hán" từ năm 1919. Chữ Quốc ngữ đã cứu dân tộc ta tránh được nguy cơ bị người Pháp đồng hóa về ngôn ngữ.
Người Nhật thuở xưa dùng rất nhiều chữ Hán để ghi âm tiếng Nhật. Thế kỷ IX họ sáng tạo ra chữ Kana là chữ ghi âm để dùng kèm, nhờ thế giảm được nhiều chữ Hán cần dùng. Thực ra họ có thể chỉ dùng chữ Kana, nhưng vì cho rằng làm thế lợi bất cập hại nên hiện nay vẫn dùng gần 2000 chữ Hán.
Nước ta chính thức bắt đầu "Thoát chữ Hán" từ năm 1919. Chữ Quốc ngữ đã cứu dân tộc ta tránh được nguy cơ bị người Pháp đồng hóa về ngôn ngữ. Thiển nghĩ đó là do thực dân Pháp thấy tiếng Việt và chữ Quốc ngữ có năng lực diễn đạt được các tri thức hiện đại và do đó đáp ứng nhu cầu khai hóa Việt Nam nên đã không buộc dân ta bỏ tiếng mẹ đẻ, chỉ dùng tiếng Pháp – như chúng đã thực hành với nhiều thuộc địa ở châu Phi. Quan điểm tiến bộ này đã tạo thuận lợi củng cố vị trí của chữ Quốc ngữ. Năm 1862 chính quyền Pháp mở trường Thông ngôn Sài Gòn, là trường học đầu tiên ở nước ta dạy chữ Quốc ngữ. Năm 1878 Thống đốc Nam Kỳ ký Nghị định yêu cầu đến năm 1882 toàn bộ giao dịch hành chính phải dùng chữ Quốc ngữ. Ngày 28/12/1918 vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử kiểu Hán học. Từ 1919, chữ Quốc ngữ được chính quyền thừa nhận là chữ viết duy nhất của Việt Nam.
***
"Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước". Một dân tộc hồn cốt mạnh sẽ có thể hiên ngang sánh vai cùng các dân tộc tiên tiến trên thế giới.
Chữ Quốc ngữ là chữ ghi âm, loại chữ tiên tiến ghi được toàn bộ tiếng nói và suy nghĩ của người Việt, nhìn chữ là đọc được âm, nghe lời nói là viết ra chữ, nói viết cơ bản như nhau; mỗi chữ có một âm đọc duy nhất, ít trường hợp chữ khác nhau mà âm đọc như nhau. Do gắn liền với tiếng nói nên chữ Quốc ngữ có sức sống mãnh liệt và luôn phát triển cùng tiếng Việt. Nhờ dùng chữ cái La tinh, là ký tự tiện lợi, thông dụng nhất, dễ học, dễ mã hóa, cơ khí hóa nên chữ Quốc ngữ dễ kết hợp với nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Hiển nhiên, như mọi chữ viết khác, chữ Quốc ngữ còn một số nhược điểm, nhưng vì không tác hại lớn nên không cần sửa đổi, bởi lẽ sửa đổi sẽ lợi bất cập hại.
Chữ Quốc ngữ đã đưa nền văn minh Việt Nam tiến sang kỷ nguyên phát triển chưa từng có. Thử tưởng tượng: nếu cho tới nay vẫn dùng chữ Hán hoặc Nôm thì đất nước ta sẽ như thế nào? Rõ ràng chữ Quốc ngữ đã làm một cú hích lịch sử đưa dân tộc Việt Nam ra khỏi vũng bùn lạc hậu, bước lên quỹ đạo phát triển sáng láng của nhân loại.
Chữ Quốc ngữ muôn năm!
..
---
BỔ SUNG
6.
https://www.facebook.com/haihoanh.nguyen/posts/3857364244275157
5.
https://www.facebook.com/haihoanh.nguyen/posts/3856200944391487
4.
https://www.facebook.com/haihoanh.nguyen/posts/3854216254589956
https://www.facebook.com/haihoanh.nguyen/posts/3854216254589956
3.
https://www.facebook.com/haihoanh.nguyen/posts/3853404041337844
2.
Nguyen Tuan Cuong đã thêm một ảnh mới vào album: Thông tin học thuật - Academic Information — với Hải Hoành Nguyễn và Gia Ninh Trần.
https://www.facebook.com/haihoanh.nguyen/posts/3853124064699175
Nguyen Tuan Cuong đã thêm bài viết vào album: Thông tin học thuật - Academic Information — với Hải Hoành Nguyễn và 2 người khác.
1.
https://www.facebook.com/gianinh.tran.3/posts/2744369279109992
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.