Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/11/2020

Dịch giả, doanh nhân Đoàn Tử Huyến vừa qua đời (1950-2020)

Thật ra, ông sinh năm 1950 (trên giấy tờ ghi 1952).

Mấy năm trước, nghe tin anh bị tai biến. Sau đó là một cuộc hồi phục kì lạ.

Mấy ngày trước, nghe tin anh đã nhẹ nhàng rời xa cõi tạm: anh ngủ rồi đi luôn ở Sơn Tây, tại nhà của thông gia.

Tôi biết anh khoảng từ năm 1994, qua giới thiệu của anh Hòa - một đàn anh khoa Ngữ Văn ngày trước, lúc đó là biên tập viên Nxb Văn hóa Thông tin. Anh Huyến lúc đó vẫn đang thuộc biên chế của Nxb Lao Động, nhưng hoạt động chủ yếu ở cửa hàng sách Đông Tây trên 51 Trần Hưng Đạo. Anh in sách và bán sách văn học và khoa học xã hội.

Anh Hòa và tôi đã đạp xe qua 51 Trần Hưng Đạo. Nói chuyện cả buổi sáng, rồi trưa thì theo thông lệ của anh Hòa là đi bia hơi. Một quán bia đâu đó ở bên kia đường, đối diện chếch với hiệu sách Đông Tây của anh. Lúc đó, anh Hòa chắc U50, anh Huyến thì ngoài bốn mươi, còn tôi thì mới hơn hai mươi một chút - còn chưa tốt nghiệp đại học. 

Qua anh lần đó cốt để bàn việc xuất bản một dịch phẩm của tôi hồi đó, với danh nghĩa là sách của Nxb Văn hóa Thông tin và anh Hòa là người biên tập, nhưng thực chất là nhà Đông Tây của anh Huyến làm. Nhưng tới nơi, gặp người rồi, thì chỉ nói chuyện xuất bản dăm ba phút, vì ok luôn, còn sau đó là chuyện hải hồ dọc ngang. 

Một lần nào đó anh Huyến ới qua, rồi lân la đưa qua thăm phòng chế bản của nhà Đông Tây (ở đâu đó gần trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, có nhiều máy tính dạng để bàn rất to hồi đó). Có làm việc với anh Thảo. Có gặp chị Minh là dân Ngữ Văn K34, tức trên tôi một khóa ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng giờ không nhớ rõ nữa.

(...)

Hồi thư viện của anh bên đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy) mới khai trương, tôi có ghé qua một vài lần, nhưng đều không gặp anh. Có lần thì gặp Đoàn Tử Hoan là em trai anh. Hoan ra chào, và khi được người đi cùng giới thiệu, thì Hoan vui mừng nói: "Ồ, hóa ra anh Giao à, anh Giao của Bách khoa gia đình đây".

Sau này, thấy Hoan triển khai dần hệ thống Không gian Văn hóa Đông Tây. Ở không gian ấy, có hôm còn ngồi trò chuyện với hai nhà tên Sơn (là Thiên Sơn và Đặng Thiên Sơn).

Gần đây, có qua thư viện của anh, thấy các cuốn sách về quê hương Đức Thọ của anh đã được ấn hành. Trong đó, có nhiều trang viết dành cho Đoàn Tử Huyến và một số văn nhân trong gia đình họ Đoàn của anh.

Thường người ta hay nhắc đến "dịch giả Đoàn Tử Huyến", nhưng với tôi thì "dịch giả, doanh nhân Đoàn Tử Huyến" mới trọn vẹn về công việc và sở nguyện của anh - một trong những người tiên phong trong xuất bản tư nhân ở miền Bắc sau Đổi Mới. Anh chấp nhận và làm khéo léo trong cái thế kẹt giữa "nhà nước" và "tư nhân". Doanh nhân ở lĩnh vực văn hóa của chúng ta sau Đổi Mới đều chấp nhận như vậy. Bán công bán tư, dùng công làm tư, lấy công làm biển hiệu cho tư, mang cái tư đánh đồng với cái công,... bao thứ như vậy, và hết thập niên thứ hai của thế kỉ XXI vẫn cứ như vậy. Sự chấp nhận mang tính tạm thời hình như lại thành ra phong cách của Việt Nam rồi. 

Đưa tin đầu tiên lấy về từ VOV. Các tin bổ sung sẽ dán ở dưới như thường khi.

Tháng 11 năm 2020,
Giao Blog











---



Thứ ba, 06:00, 24/11/2020


VOV.VN

"Ai chịu khó đọc sách thì thấy vốn kiến thức uyên bác của chú trong các tác phẩm. Chú Huyến sống lạc quan, luôn hàm ý "đời phải vui". Tôi đang dịch sách báo và chú Huyến là một trong những người dịch tôi phải học cả đời”, anh Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.

Đoàn Tử Huyến không những là một dịch giả tiếng Nga rất giỏi, chuyên về các tác phẩm văn học lớn của Nga - Xô Viết, mà còn là một trong những người xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa, văn học đầu tiên ở Hà Nội cho các nhà văn, nghệ sĩ với Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.

Ông có nhiều bản dịch được độc giả yêu thích như: tập tản văn Giọt rừng (Mikhail Prisvin), tiểu thuyết Trái tim chó (Mikhail Bulgacov), truyện dài Đêm sau lễ ra trường (Vladimir Tendriacov), tiểu thuyết Đấng cứu thế (Miguel Otero Silva), tập truyện ngắn Những ô cửa màu xanh (Nhiều tác giả), tập truyện ngắn Khóm hoa tử đinh hương (Nhiều tác giả).

7 tác phẩm này đã được gia đình in lại trong năm 2016, mừng dịch giả vừa qua cơn bạo bệnh. Với vai trò là người làm xuất bản, ông chuyên làm các bộ sách văn học, văn hóa có giá trị nhưng khó bán. Ông tha thiết làm, lặng lẽ làm.

Trong đó phải kể đến bộ Phan Bội Châu toàn tập in hai lần, Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử 1.100 trang, Mỹ học Hegel cùng các cuốn sách triết học, văn hóa học khác của nhà văn hóa Phan Ngọc…

Với việc lập ra Nhà sách Đông Tây, sau là Trung tâm Văn hóa Đông Tây, Đoàn Tử Huyến được đánh giá là một trong những người đi đầu mở ra những không gian sinh hoạt văn hóa văn học cho văn nghệ sĩ ở Hà Nội.

Cả với văn hóa và với bạn bè, Đoàn Tử Huyến đều nổi tiếng bởi là một người hết mình vì bạn bè. Bạn bè của ông không chỉ có trong giới văn chương còn có nhiều lĩnh vực như hội họa, điện ảnh, âm nhạc. Hầu hết các nhà văn hóa có tiếng ở trong và ngoài nước đều tìm đến và trở thành những người bạn thân thiết. Bạn bè ông có đủ lứa tuổi không phân biệt già, trẻ. Ở ông có một sức hút mãnh liệt kiểu như “mê đắm”.

Nghe tin dịch giả Đoàn Tử Huyến đột ngột qua đời vào sáng 22/11, anh Nguyễn Quang Thạch, Người giành giải Unesco sau 19 năm "miệt mài" cõng sách về làng chia sẻ: “Dịch giả Đoàn Tử Huyến là một trong những thành viên đầu tiên của Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam. Tôi thường xuyên chuyện trò với chú Huyến về sách, về dịch thuật, về tình hình xã hội. Chú Huyến làm việc nghiêm túc, cẩn trọng với từng con chữ khi phát ngôn. Ai chịu khó đọc sách thì thấy vốn kiến thức uyên bác của chú trong các tác phẩm. Chú Huyến sống lạc quan, luôn hàm ý "đời phải vui". Tôi đang dịch sách báo và chú Huyến là một trong những người dịch tôi phải học cả đời”.

Cũng là người học ngoại ngữ và làm công việc dịch thuật, anh Nguyễn Quang Thạch cho rằng dịch văn học rất khó bởi lượng kiến thức đa lĩnh vực ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Đọc các tác phẩm văn học Anh và thấy mình chưa đủ trình dịch bởi vậy đọc các tác phẩm của dịch giả Đoàn Tử Huyến dịch tôi nể phục.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến ra đi để lại Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây - một trong những không gian sinh hoạt văn hóa đầu tiên ở thủ đô do anh sáng lập. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc trò chuyện về văn hóa văn nghệ, rất nhiều hoạt động làm cầu nối văn hóa trong và ngoài nước mà anh lại cũng chính là linh hồn.

Nhà thơ trẻ Đặng Thiên Sơn khi nghe tin đã bày tỏ tình cảm của mình với người thầy bằng tất cả sự kính trọng: “Năm 2014, tôi xin về làm biên tập viên tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, tức nhà sách Đông Tây bây giờ, dịch giả Đoàn Tử Huyến là tổng chủ quản về nội dung. Vốn nghe tên tuổi của ông từ trước, khi gặp ông lần đầu tôi có phần… sợ, như sợ bất cứ người nổi tiếng nào. Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn tiếp xúc với ông tôi thấy ở ông một sự dung dị, dễ gần. Ông ít nói, nhất là với nhân viên. Nhưng nói câu nào trúng câu đó. Hiếm khi chúng tôi phản biện lại được. Hãy làm đến tận cùng, và buông bỏ những thứ không cần thiết. Cái gì chưa chắc chắn thì không nên làm, mà đã làm thì phải hiểu cho thấu đáo, và phải theo đuổi cho đến cùng, đừng dở dang khổ mình mà mất thời gian của người khác. Làm phải có hệ thống, khoa học và chỉn chu… Đó là những nguyên tắc mà dịch giả Đoàn Tử Huyến đặt ra cho chúng tôi khi bắt đầu biên tập, biên dịch một công trình dù lớn hay nhỏ, dù thời vụ hay dài hơi…”.

“Ông tỉ mỉ đến từng dấu câu, từng ghi chú nhỏ. Cái nào chưa yên tâm thì dừng lại tra cứu. Vì vậy có những cuốn sách không xuất bản được ở Đông Tây chỉ vì còn một vài câu, vài từ chưa hiểu thấu đáo, ông cũng cho dừng lại, dù đã mất cả năm thực hiện bản thảo. Mọi người thấy dịch giả Đoàn Tử Huyến gần như dành phần lớn thời gian ngao du với bạn bè. Có dịp chúng tôi nửa tháng không gặp ông ở văn phòng. Nhưng sức làm việc của ông khiến ai cũng phải kính nể. Khi ông nhập tâm với công việc thì phải làm bằng xong, làm cho đến cùng mới thôi. Đó là sự nghiêm cẩn của một nhà khoa học mà ít ai có được”,  Nhà thơ trẻ Đặng Thiên Sơn bày tỏ.

Bạn bè, đồng nghiệp, người thân ai cũng biết ông từng bị tai biến bốn năm trước, phải tiến hành mổ não nên sức khỏe, trí nhớ suy giảm nhiều. Rất may, theo thời gian, sức khỏe của ông dần ổn định. Gần đây ông có thể chăm hoa, tưới cây và gặp gỡ bạn bè. Nhưng rồi sau một giấc ngủ nhẹ trong một sáng đầu đông ông đã ra đi mãi mãi.

8g30 ngày 21/11/2020 ông đã đăng hai câu thơ trên trang facebook cá nhân của mình: “Cánh cò bay lả bay la,/ Bay từ Trại Trúc bay qua Đồng Đà...”, 24 giờ sau ông đã thành người thiên cổ. Sự ra đi của dịch giả Đoàn Tử Huyến nhẹ nhàng như cuộc đời ông vậy./.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952, tại xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng đi học ở Nga (Liên Xô cũ), về nước giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi làm biên tập viên Nhà xuất bản Lao Động.

Có thời gian ông làm phó tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài, tập hợp đội ngũ dịch văn học, rồi tổ chức hội thảo dịch thuật. Sau đó ông sáng lập Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây - trung tâm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản phát hành sách.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến được biết đến với rất nhiều tác phẩm đưa bạn đọc đến gần hơn với nền văn học bác học của thế giới như “Diễn từ của các nhà văn Nga đoạt giải Nobel”, “Các nhà thơ đoạt giải Nobel”, Các nhà văn đoạt giải Nobel”, “108 nhà văn thế kỷ 20”…

Ông còn là dịch những tác phẩm nổi tiếng như “Tiếng gọi vĩnh cửu” (tiểu thuyết của Ivanov), “Kỳ lạ thế đấy cuộc đời này” (tiểu thuyết của D.Granin), “Nhật ký vũ trụ của Ion lặng lẽ” (chuyện giả tưởng của S.Lem), “Nghệ nhân và Margarita” (tiểu thuyết của M.Bulgacov)...

Ông từng được trao Giải thưởng Văn học dịch (Hội Nhà văn 1990 - 1991) cho tác phẩm “Nghệ nhân và Margarita” (tiểu thuyết của M.Bulgacov).

Tang lễ dịch giả Đoàn Tử Huyến sẽ được tổ chức từ 7 giờ 15 đến 9 giờ 15 ngày 24/11, tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 1 Trần Vỹ, Cầu Giấy, Hà Nội. An táng tại quê nhà, xã Hòa Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Lan Hạ/VOV.VN

https://vov.vn/van-hoa/dich-gia-doan-tu-huyen-ra-di-nhe-nhang-trong-mot-sang-dau-dong-819528.vov

..



---

BỔ SUNG




1.

Dịch giả, nhà văn Đoàn Tử Huyến là người nổi tiếng với những tác phẩm dịch Văn học Nga và lập ra nhà sách Đông Tây, cho ra đời rất nhiều tác phẩm giới thiệu các nền văn hóa của thế giới, được nhiều bạn bè quý mến, được đông đảo bạn đọc hâm mộ.
Đoàn Tử Huyến từ giã cõi đời ngày 22/11/2020. Sáng ngày 24/11, tại nhà tang lễ quận Cầu Giấy, Hà Nội, gia đình và bè bạn tổ chức tang lễ tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng.
Tối ngày 24, một anh bạn của chúng tôi hỏi có ý trách, tại sao Hội Nhà văn Việt Nam không có ai đến viếng anh Đoàn Tử Huyến, có phải do mải Đại hội mà quên không?
Tôi bảo, xưa nay Hội Nhà văn Việt Nam rất chu đáo trong việc thăm hỏi hội viên, đặc biệt là việc hiếu, khi các hội viên qua đời. Anh Hữu Thỉnh nổi tiếng là người chu đáo trong chuyện này. Bận gì thì bận, Hội cũng cử người đại diện tới dự lễ tang hoặc gửi vòng hoa viếng. Chả lẽ vướng đại hội mà sơ suất quên mất tang lễ của hội viên?
Tối khuya, vào đọc FB của anh Phạm Xuân Nguyên, thấy anh viết: “Tang lễ anh Huyến do gia đình tổ chức, không nhờ cậy gì Nxb Lao Động mà anh là viên chức bốn chục năm qua, cũng như Hội Nhà Văn Việt Nam và Hội Nhà Văn Hà Nội mà anh là một hội viên cũng đã nhiều năm”.
Đọc FB của Nhà văn Vũ Ngọc Tiến (Vu Ngoc Tien) thấy viết: “Sáng nay 24/11/2020 cùng bạn bè ngậm ngùi tiễn đưa một con người tử tế - dịch giả văn học Nga, nhà văn Đoàn Tử Huyến rời cõi tạm hồn bay về cõi vĩnh hằng. Lễ tang sao vắng thế? Tại cử hành sớm hay các bạn văn còn bận bịu với cuộc bầu bán trong ĐH? Sắp đến giờ di quan, điếu văn bác Thỉnh thì thôi khỏi cần, nhưng cũng chưa thấy vòng hoa của HNV là đến muộn hay không có?...
Buồn, Huyến ơi!...”
Bạn Nguyễn Văn Nhật cũng cung cấp thông tin là Hội Nhà văn VN không có người đến viếng. Tôi hỏi thông tin ấy có chính xác không, thì bạn ấy bảo là có “người trong cuộc nói”.
Từ đó, có một số bạn viết comments chê trách Hội Nhà văn Việt Nam không có tình có nghĩa…
Sáng 25/11, gặp nhà văn Đức Dũng trong Ban Văn học chuyên đề của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi hỏi ngay chuyện này. Nhà văn Đức Dũng sửng sốt: “Tại sao lại có thông tin ấy? Chính em là thành viên trong đoàn Hội Nhà văn đi viếng anh Huyến mà..”
Đức Dũng kể, sáng ngày 24/11, Đoàn Hội Nhà văn xuất phát từ Nhà khách La Thành (nơi diễn ra Đại hội) đến nhà tang lễ để viếng nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến. Đoàn do Nhà thơ Nguyễn Hoa, Trưởng Ban công tác Hội viên làm Trưởng đoàn và hai thành viên là Nhà thơ Ngô Thế Oanh (Tạp chí Thơ), nhà văn Đức Dũng (Ban Văn học chuyên đề). Do hôm đó là Ngày khai mạc chính thức Đại hội nên các anh đi viếng sớm để còn về dự Đại hội. Các anh Hữu Thỉnh (Chủ tịch) và hai Phó chủ tịch Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa đều trong Chủ tịch Đoàn điều hành Đại hội nên không thể đi được.
Đoàn của Hội có vòng hoa kính viếng. Nhà thơ Nguyễn Hoa (trưởng đoàn) có viết sổ tang. Không hiểu tại sao lại có thông tin là Hội Nhà văn Việt Nam không có ai đến viếng, khiến rất nhiều bạn đọc comment trên các trang FB chửi Hội Nhà văn bạc tình bạc nghĩa với các hội viên của mình.
Nhà văn Đức Dũng bảo: Có lẽ do bọn em đến viếng sớm và không dự lúc đọc điếu văn vì còn về dự Đại hội nên nhiều người tưởng Hội Nhà văn không có ai.
Một số nhà văn không có điều kiện dự tang lễ, những ngày sau cũng đến chia buồn cùng tang quyến nhà văn - dịch giả Đoàn Tử Huyến.
Xin chia sẻ ý kiến của nhà văn Đức Dũng để các bạn hiểu thêm sự việc, kẻo oan cho Hội Nhà văn
(P/S: Ngay tối 25, tôi đã viết comment dưới bài viết của anh Vũ Ngọc Tiến để giải thích thắc mắc của anh. Anh cũng đã nhắn lại OK. Một số bạn khác cũng đã hiểu rõ vấn đề)
Ảnh : Dịch giả Đoàn Tử Huyến

https://www.facebook.com/chau.hongthuy/posts/3833777763300386

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.