Miền Tây đang rực rỡ nắng vàng.
Chúng tôi đã nhiều lần du lãng miền Tây. Có lần đi khá lâu, là đi xe 7 chỗ, đúng dạng du lãng. Hồi ấy đi xiên từ tỉnh này sang tỉnh kia, từ huyện này sang huyện kia, ở lại rất nhiều nơi, la cà ăn cơm dọc trên đường đi, kéo dài tới cả tháng. Một chiến lợi phẩm quan trọng là xác nhận được bằng nhận thức và vật chất về sự đa dạng của các loại mắm miền Tây. Hóa ra, miền Tây có một nền tàng văn hóa mắm thật tuyệt vời. Chúng tôi có đến khu lăng mộ cụ Phạm Đăng Hưng ở Gò Công - dân cho biết ông là bố đẻ của bà Từ Dũ trong cung nhà Nguyễn. Tương truyền bà Từ Dũ cũng là một người làm mắm có hạng.
Lần này thì chỉ chớp nhoáng, nên xuất phát từ Hà Nội, đi tàu bay của hãng VnAirline. Đây là chuyến máy bay đầu tiên tôi sử dụng sau đại dịch covid-19. Phải bó gối suốt từ đầu năm 2020.
1. Gặp lại một người anh có nhân duyên kì lạ. Hơn 19 năm trước, mà tính nhanh có thể xem là 20 năm, hai anh em gặp nhau ở Waseda, rồi hàn huyên nguyên một ngày với một đêm ! Bây giờ, hai anh em cùng xuất phát ở Nội Bài, rồi lại trú cùng một chỗ trong mấy ngày liền ! Mà sau 19 năm thì, kì lạ, anh tính ra một cách cụ thể hơn là 19 năm với bao nhiều tháng với bao nhiêu ngày, ý là gần tròn 20 năm. Nhưng mình quên con số cụ thể anh nhẩm ra rồi.
Thú nhất là anh vẫn điển trai không khác gì với hơn 19 năm về trước. Dáng người dỏng cao, mọi nét vẫn đẹp như ngày xưa !
Anh kể những chi tiết của hơn 19 năm trước mà mình thì đã quên tịt. Ví dụ, anh bảo: cái thẻ ấy em làm cho anh, đứng tên em, bây giờ anh vẫn giữ ! Mà cái thẻ ấy nó như một cửa ngõ khai hóa văn minh cho anh ngày đó đấy !
Mình thì chỉ nhớ nhất việc đưa anh đi thăm ga tàu điện ở gần trường Waseda và hướng dẫn cách đi tàu.
2. Mình đã nhanh chân đi bộ vào buổi chiều ra bến sông Cần Thơ, tới thăm các Thánh thất Cao Đài ở xung quanh đó. Nhưng vì buổi chiều phải hội quân sớm quá mà vội vã đi bộ ngược về cho kịp. Vào Nam, là tự nhiên như nhiên, mình sẽ liền tới các thánh sở của Cao Đài để thăm viếng.
Tự nhiên cảm hứng đi bộ khi tới Cần Thơ được khởi phát. Cho dù lòng đường và hè phố ở Cần Thơ cũng bị chiếm dụng, không tiện cho đi bộ lắm.
Thú vị với mấy chỗ nhà trọ cho sinh viên. Một thiết kế dạng tự phát, nhưng cũng khá ngăn nắp, tiện lợi.
Cũng thú vị với những hàng quán bên đường. Ghé thăm một tiệm cơm Dương Châu, chỉ xem cách làm thôi. Lại tạt vào quán Bún Bò Huề, cũng chỉ hỏi han. Qua cầu thì được mấy chị xinh xinh mời mua Xoài Non.
3. Buổi chiều sau hội thảo ở Học viện Chính trị khu vực 4, thì mới được một lần thảnh thơi ngồi uống Tai-gơ bạc bên cạnh dòng sông Hậu. Rồi là đi lướt nhanh qua bến Ninh Kiều, đúng vào dịp thành phố tổ chức hội hoa đăng.
Ở dưới, đăng một ít tin về hội thảo, để như đánh dấu về chuyến đi miền Tây lần này.
Tháng 11 năm 2020,
Giao Blog
---
TIN TỨC NHANH
..
2.
“Bách khoa toàn thư Việt Nam: Truyền thống và cộng đồng”
(ĐCSVN) – Lần đầu tiên đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam được truyền thông rộng rãi tới cộng đồng, đặc biệt là các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên nhằm thu hút các ý kiến đóng góp uy tín để cho việc triển khai biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam theo hướng mở ra cộng đồng đạt nhiều kết quả.
Ngày 28/11, tại TP Cần Thơ diễn ra Hội thảo “Bách khoa toàn thư Việt Nam: Truyền thống và cộng đồng”. GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS. TS Đinh Xuân Dũng, Phó Tổng Thư ký Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam và TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có hơn 150 nhà khoa học, đại diện các cơ quan đơn vị liên quan trong và ngoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định, việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam thực sự thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Đại biểu tham dự Hội thảo. |
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Đề án khẳng định, các nước phát triển, các nước có nền văn minh cao đều có lịch sử biên soạn bách khoa toàn thư hiện đại từ rất lâu. Nhiều nước không phải chỉ có một bộ bách khoa toàn thư tổng hợp cỡ lớn tiêu biểu cho nước mình mà có nhiều bộ do những nhà xuất bản khác nhau biên soạn để phục vụ những mục tiêu, đối tượng khác nhau và họ giữ tên sách truyền thống qua nhiều đời, nhiều thế hệ. Muốn đánh giá nền văn hiến, trình độ văn hoá, khoa học của mỗi quốc gia có thể thông qua tiêu chí là khối lượng và chất lượng các bách khoa thư mà nước đó biên soạn, xuất bản cung cấp cho bạn đọc. Có thể nói bách khoa thư phản ảnh khá chính xác nền văn minh và trình độ phát triển văn hoá, khoa học của một quốc gia, một dân tộc. Vì vậy việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam thực sự là thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong qúa trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chủ nhiệm xây dựng Đề án, tiếp nối thành quả của cha ông, hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ sách phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới, ngày 28/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1262/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 35 quyển (nay là 38 quyển). Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vinh dự được nhận nhiệm vụ chủ trì Đề án, trở thành đầu mối quy tụ hàng ngàn nhà khoa học trong 70 ngành khoa học thuộc các khối ngành xã hội và nhân văn, tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, quốc phòng - an ninh cùng chung tay xây dựng bộ sách đồ sộ này. Thành quả giai đoạn đầu đến nay là bộ sách Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 36 quyển chuyên ngành và 1 quyển sách dẫn đã được xác định.
Năm 2020, đề án bước vào giai đoạn 2 “mời cộng đồng cùng tham gia biên soạn” với yêu cầu đặt ra là: “Phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới, trong đó chú trọng những tri thức cần thiết đối với Việt Nam. Bảo đảm tính khoa học, cơ bản, dân tộc và hiện đại. Bảo đảm tính chuẩn mực và tính hệ thống. Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước...”.
Đây là lần đầu tiên đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam được truyền thông rộng rãi tới cộng đồng, đặc biệt là các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên nhằm thu hút các ý kiến đóng góp uy tín để cho việc triển khai biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam theo hướng mở ra cộng đồng đạt nhiều kết quả. Hội thảo đã nhận 24 bài tham luận trên các lĩnh vực khoa học khác nhau, trong đó có 19 tham luận xoay quanh các chủ đề liên quan đến việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Đa số các nhà khoa học đều tán thành việc tận dụng lợi thế của khoa học công nghệ, tận dụng sức mạnh của cộng đồng để thúc đẩy tiến độ và chất lượng của bộ sách Bách khoa toàn thư Việt Nam./.
https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/bach-khoa-toan-thu-viet-nam-truyen-thong-va-cong-dong-568859.html
1.
Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam: Truyền thống và Cộng đồng(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/11, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chủ nhiệm Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học "Bách khoa toàn thư Việt Nam: Truyền thống và Cộng đồng". Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên, lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/bien-soan-bach-khoa-toan-thu-viet-nam-truyen-thong-va-cong-dong-n20201128194414581.htm
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.