Bây giờ, đang xem lại văn bia khắc chữ Hán cổ nhất hiện còn ở Việt Nam, là bia dựng năm Đại Nghiệp 14 thời nhà Tùy (tức năm 618).
Suy nghĩ về mối quan hệ của nó với Tam Giới (vừa là Phật giáo, vừa là Đạo giáo).
Đi một ít bài liên quan.
Mở đầu là bài của em Trần Trọng Dương. Bổ sung thì dán ở dưới.
---
Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016
VĂN BIA ĐẠI TÙY-THỨ SỬ LÊ HẦU VÀ LỊCH SỬ VIỆT NAM THẾ KỶ 6-7
VĂN BIA ĐẠI TÙY-THỨ SỬ LÊ HẦU VÀ LỊCH SỬ VIỆT NAM THẾ KỶ 6-7
Trần Trọng Dương
Trần Trọng Dương. Văn bia Đại Tùy Cửu Chân- Thứ sử Lê Hầu và lịch sử Việt Nam thế kỷ VI-VII. Suối nguồn. Nxb Hồng Đức. 2014. tr.13- 72.
Tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn được giáo sư Đào Duy Anh phát hiện năm 1960 và ông đã công bố một bài nghiên cứu vào năm 1963. Tấm bia được tìm thấy tại đền thờ Lê Cốc (hay Lê Ngọc) làng Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Giáo sư Đào gọi là “bia cổ Trường Xuân”, học giả Trần Văn Giáp gọi là “bia đời Tùy”, nay chúng tôi gọi tắt là "bia Đại Tùy Cửu Chân" để tiện trình bày. Văn bia hiện đang lưu trữ tại khu trưng bày hiện vật giai đoạn Bắc thuộc (tầng 1) trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội. Tác giả bài văn bia này là Kiểm hiệu Giao Chỉ quận, Nhật Nam quận thừa, kiêm Nội sử Xá nhân, Nguyên Nhân Khí người ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc (xem chú thích 11 trong phần dịch). Văn bản được khắc vào năm Nhâm Dần, ghi niên hiệu đời nhà Tùy năm Đại Nghiệp thứ 14 (618). Từ năm 1960 đến năm 2012, văn bia này được coi là hiện vật văn hiến có niên đại sớm nhất tại Việt Nam [Đào Duy Anh 1963, Trần Văn Giáp 1969, Trịnh Khắc Mạnh 2008], trong đó có chứa nhiều sử liệu có giá trị không thấy được ghi nhận trong các bộ sử lớn của Trung Quốc và Việt Nam. Bài viết này sẽ tiến hành nghiên cứu về vấn đề văn bản học, sử liệu học của văn bia Đại Tùy để từ đó góp phần soi sáng những góc khuất chưa từng biết đến của lịch sử Việt Nam từ nửa sau thế kỷ thứ sáu đến đầu thế kỷ thứ bảy.
1. Một số vấn đề văn bản học của bia Đại Tùy Cửu Chân
Tấm bia Đại Tùy Cửu Chân có chiều cao quãng 152-153cm, rộng quãng 76-78 cm, dày 10,5cm. Tấm bia được làm bằng phiến thạch, nhưng trải qua gần 1.500 năm, đến nay chất đá đã bở thành nhiều lớp. Bố cục bia chia làm 3 phần: trán bia, thân bia và chân bia.
Phần trán bia (bi ngạch) được đẽo thành hình bán nguyệt cao 46 cm, diềm trán bia không đẽo góc vuông như các bia đời sau mà trực tiếp tạc lên đó hình đôi rồng liền thân , hai đầu rồng hướng sang hai bên cạnh bia, hướng miệng cắm vuông góc với mặt đất. Miệng rồng há, để lộ 4 cặp răng hàm bằng đều và hai chiếc răng nanh dài nhọn. Bờm rồng vuốt từ khóe miệng ra phía sau, áp sát theo thân rồng. Phía dưới cằm và trên môi trên chạm các tua râu bó sát đầu rồng. Phía trên đầu là lông mày tạc nổi, che phần hốc mắt phía trong. Ngay sau phần mày rồng, tai rồng và sừng rồng cũng kéo dài về phía sau áp theo khối thân. Riêng cuống tai dài bằng cả phần chính của tai. Giữa thân rồng có ba vạch khắc sâu. Cách tạc này cho thấy, bia được tạc khối chữ nhật trước, sau đó mới chém các cạnh mà chạm sâu vào thớ đá. Cách tạc này khiến cho hình mình rồng chính là phần trên cùng của trán bia (cả ở hai mặt, dù mặt âm không có chữ), bụng rồng ôm lấy phần không gian khắc chữ trên ngạch bia.
Phần chữ trên ngạch bia có thể khảo tả lại như sau. Trong phần bán nguyệt phía trong, còn lại trên trán bia, không gian được đặt ở chính giữa bởi một hình chữ nhật. Hình chữ nhật này được chia đều thành 12 ô vuông, và cách nhau bởi các gờ tự nhiên sau khi đã giật lòng tạo nét trong từng ô đó. Trong mỗi ô là một chữ triện khắc dương bản, là các chữ: 大隋九真 郡寶安道場之碑文. Các chữ này được sắp theo hàng dọc từ phải sang trái, gồm 4 hàng, mỗi hàng 3 chữ. Những phong cách mỹ thuật và thư pháp trên trán bia có thể cho phép đi đến nhận định rằng, tấm bia này giống như các văn bia đời Lục Triều khác hiện còn . Bia còn kỵ húy chữ “tùy”, nhà Tùy cho chữ “隨” có bộ quai xước (辶), trỏ việc chạy đi chạy lại long đong vất vả, nên mới dùng tự dạng “隋” . Từ tiêu chí mỹ thuật và văn tự học, có thể khẳng định, đây là một tấm bia nguyên bản có từ đời Tùy.
Phần thân bia cao 106 cm. Mặt bia nhiều chỗ đã bị bào mòn, nhiều chữ bị mờ không nhìn thấy chữ nữa. Bia không giật lòng, chữ viết được khắc trên mặt phẳng với trán bia. Phần phía dưới cùng bên tay phải của bia bị vỡ mất một miếng lớn, phía sau vỡ rộng hơn và cao hơn mặt trước. Dòng thứ nhất các chữ bị mất là “Nhân Khí soạn”, dòng thứ hai mở đầu bằng chữ “phù” và các chữ bị vỡ mất là “hỏa trạch”, dòng thứ 3 là chữ “dẫn” mở đầu, kết thúc là các chữ “kỳ hồi hướng phúc địa”, trong đó chữ “phúc địa” cũng đã bị vỡ mất. Mặt dương của bia có ba đường kẻ sọc, tạo thành 2 phần diềm bia nhỏ hai bên và ba không gian lòng bia dùng để khắc chữ. Hiện trạng văn bia chỉ còn đọc được khoảng 40-50 chữ. Song có thể đếm được văn bia có 26 dòng, mỗi dòng khoảng 38-40 chữ, viết bằng chữ chân (khải thư) . Dòng đầu tiên ghi lại tên bia, hết tên bia để quãng cách không gian, để phần cuối của dòng đó khắc tên và chức vụ của người soạn văn, dòng cuối cùng là tên người lập bia và niên đại dựng. Phần chân bia không rõ nguyên bản ra sao, còn hay mất. Chỉ thấy hiện vật trưng bày trong bảo tàng ngày nay được gắn liền trên một chân bia bằng bê tông! Trần Văn Giáp đoán có khả năng chân bia hiện vẫn còn ở địa phương [1969: 3]. Nhưng theo thông tin từ một số cán bộ văn hóa ở Thanh Hóa hiện nay, chân bia đã bị đem nung vôi vào quãng cuối những năm 1960. Bản rập của tấm bia mang số ký hiệu 20945 hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tiếc rằng bản rập có niên đại quá muộn nên cũng không có tác dụng nhiều cho việc giải độc tự dạng và khôi phục văn bản.
Văn bản còn lại nhiều chữ nhất đến nay còn giữ được là một bản sao của ông Chu Văn Liên, được thực hiện vào ngày mùng 9 tháng 4 năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nhâm Dần (1962) có tên là Tùy thì Đại Nghiệp bi văn, hiện cũng được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số ký hiệu VHv.2369, có ghi nhận ông Nguyễn Tấn Minh là người kiểm duyệt việc sao chép. Văn bản này chép lại một bản sao vào đời Nguyễn, vào ngày 26 tháng 02 niên hiệu Thiệu Trị (1842). Bản này dùng để giao cho xã Đồng Pho để phụng thờ, lưu chiểu .
Bản chép đời Thiệu Trị nguyên chép lại một bản khác cổ hơn do thân hào các xã Phù Liễn, Đồng Pho, Vạn Lộc, Hữu Bộc thuộc tổng Thạch Khê huyện Đông Sơn đã hội họp cùng nhau, rửa bia đọc chữ, rồi sao chép lại vào ngày 28 tháng 4 năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731). Các cụ ở Thạch Khê đời Thiệu Trị đã dựa trên bản này mà chép thành năm bản, một bản lưu lại đền thờ Lê Cốc ở Thạch Khê, bốn bản còn lại giao cho các xã Phù Liễn, Đồng Pho, Vạn Lộc, Hữu Bộc để thờ truyền đời . Cũng theo Đào Duy Anh, ông đã nộp bài văn bia đời Vĩnh Khánh cùng các thần tích về Lê Hầu và vợ con ngài, biếu cho Thư viện Khoa học Trung ương năm 1963. Nhưng đến nay, chúng tôi chưa tìm ra ký hiệu của các sách này .
Dựa trên các văn bản văn bia, bản rập, các bản sao còn lại, nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo dị, khôi phục và chú thích bài văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn này. Đầu tiên là bản in trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Tập 1, Từ Bắc thuộc đến thời Lý, Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện, Paris-Hà Nội 1998: 7-9). Năm 2000, phó giáo sư Trần Nghĩa công bố một bản chỉnh lý mới, kèm thêm các phần phiên âm khảo dị trong chuyên luận Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X (tr. 262-271). Đối chiếu tất cả các bản trên, chúng tôi thấy tình trạng văn tự của văn bản này như sau. Bài minh có 30 câu, mỗi câu 4 chữ, độ dài văn bản là 120 chữ, hiện chỉ còn đọc được 102 chữ. Toàn bài văn bia có độ dài 957 chữ, hiện đã mờ mất 246 chữ, chỉ còn đọc được 711 chữ.
Đến đây chúng tôi thấy có thể chia ra làm ba hệ văn bản của bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn như sau.
(1) Hệ 1: [1a] văn bản gốc văn bia tại Bảo tàng (niên đại tuyệt đối 618) > [1b] bản dập thác bản văn bia (niên đại bản dập đầu thế kỷ 20) > [1c] các bản ảnh ấn lại thác bản này trong Tổng tập văn bia Việt Nam (2009), Một số vấn đề về văn bia Việt Nam (2008), [1d] các bản ảnh điện tử chụp văn bia và thác bản văn bia của chúng tôi (chụp năm 2012) được in lại trong lần xuất bản này, [1e] bản ảnh điện tử chụp lại thác bản văn bia của Viện NC Hán Nôm (niên đại: XX-2000).
(2) Hệ 2: các văn bản ghi chép-giải độc văn tự của đời sau. [2a] Bản chép tay của các cụ lão nhiều địa phương thực hiện vào năm Vĩnh Khánh thứ 3, gọi là bản 1731 (đã mất); [2b] Bản chép tay lại bản này vào đời Thiệu Trị, ta gọi là bản 1842. [2c] Bản chép tay lại bản Thiệu Trị vào năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nhâm Dần, ta gọi là bản 1962. Hai bản [2a] và [2b] chúng ta không có trong tay. Bản [2a] khả năng cao là không thể tìm lại được. Bản [2b] có thể sưu tầm lại ở địa phương. Chúng tôi chỉ có bản [2c] để làm căn cứ đối chiếu.
(3) Hệ 3: các văn bản phục dựng của các nhà nghiên cứu. Trước nay chỉ có hai bản làm theo hướng này. Đó là bản của nhóm Phan Văn Các – Claudine Salmon năm 1998 và bản Trần Nghĩa năm 2000. Các tác giả đã tiến hành phục dựng một số vị trí đã mất, và cũng đã có những thảo luận khác nhau ở từng trường hợp cụ thể. Các phương pháp mà các nhà khoa học đưa ra là tiêu chí văn bản học, văn tự học, ngữ nghĩa học. Song, về cơ bản, hai bản này tuy không phải là bản gốc, và nếu tính về thời gian thì đây là hai bản muộn nhất, nhưng với phương pháp làm việc khoa học, đây có thể coi là hai bản tốt nhất đầy đủ nhất hiện còn.
Chúng tôi tạm lấy bản của nhóm Phan Văn Các và Claudine Salmon làm bản nền, bản Trần Nghĩa làm bản đối chiếu. Cách làm như vậy là ngược so với các thao tác văn bản học truyền thống. Sở dĩ như vậy là vì bản văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn còn lại đến nay đã tàn khuyết, hư hại nặng nề. Hiện chỉ còn đọc được vài chục chữ. Tuy nhiên, với vài chục chữ này, chúng tôi vẫn coi đây như là một văn bản gốc đáng tin cậy nhất để đưa ra những nhận định khoa học cuối cùng cho những vị trí ở trong các văn bản thuộc hệ 2 và hệ 3. Ví dụ, các hệ bản số 3 và số 2 không có tên phụ của bia, nay dựa trên bản gốc [1a] chúng tôi bổ sung thêm dòng này ngay đầu văn bản, rồi tiếp đó mới đến tên họ chức danh người soạn bia.
Ví dụ thứ hai, trước đây các nhà nghiên cứu có cân nhắc về tên hiệu con trai trưởng của Lê Hầu. Nhóm Phan Văn Các nhìn trên văn bia thì các nét bút còn lại không cho phép nghĩ rằng đó là chữ “益”, nên tạm để khuyết, và xác định tên của nhân vật này là “[…] Tự”. Nay dựa trên văn bia bản [1a] và bản 1962 [1c] , chúng tôi đưa ra hai kết luận như sau. (I) Tự dạng mà nhóm Phan Văn Các để khuyết là chữ “益”, vì lối viết liên bút trong hành thư khiến cho các nét chấm trong phần trên của chữ “ích” bị liền thành hai nét ngang ( ). (II) Tên hiệu của nhân vật này là “Ích Từ”. Nguyên văn chúng tôi xin đánh máy lại như sau: 長子益慈嗣... Sở dĩ, có thuyết cho đó là Ích Tự (益嗣) vì đọc sót chữ “từ”. Đoạn trên có thể phân tích như sau: “trưởng tử Ích Từ” là chủ ngữ, “tự” là động từ vị ngữ trong câu. Rất tiếc là sau chữ “tự” bị mất mấy chữ, nên không rõ tân ngữ/ hoặc bổ ngữ đầy đủ là gì, nhưng ngay sau đó còn một số chức danh và quan trọng nhất là chức Nhật Nam thứ sử. Chúng tôi tạm dịch cả câu như sau: “con trai trưởng [của Lê Hầu] tên hiệu là Ích Từ, nối [chức cha trước đây…], làm Thái thú quận Nhật Nam, kiêm [Tuyên] uy Tướng quân”. Bản 1962 là bản cũng khá muộn, song được sao chép có chủ đích về khoa học và có người giám sát về văn bản học, nên tạm thời có thể làm một bản tham khảo, đối chiếu. Bản Phan Văn Các có phục dựng được một số chữ và quan trọng nhất là lần đầu tiên có một bản làm đúng theo thao tác văn bản học, và bản này còn có trên 50 chú thích về từ ngữ, khảo dị, biện luận văn tự học. Bản của Trần Nghĩa chỉ có khoảng 20 chú thích. Đây chính là lý do khiến chúng tôi không lấy bản Trần Nghĩa mà chọn bản phục dựng của nhóm Phan Văn Các làm bản nền.
Công việc lần này của chúng tôi gồm:
1. Khảo tả lại tình trạng và mỹ thuật văn bia như đã thực hiện ở đầu bài khảo cứu.
2. Tái lập một số chữ đã bị mất thông qua con đường văn tự học, thi vận học, ngữ nghĩa học.
3. Tiến hành chú thích bổ sung các khái niệm Phật học, Nho học, nhân danh, địa danh, chức quan.
4. Phiên âm, hiệu điểm (chấm câu), ngắt ngữ đoạn.
5. Và quan trọng nhất, lần đầu tiên văn bản văn bia này được dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, vì số lượng chữ mất quá nhiều, cho nên bản dịch này chỉ mang tính chất phỏng đoán ở nhiều đoạn (được đặt trong ngoặc vuông [...] ), riêng đoạn giữa tàn khuyết nặng nhất, nên có khi chỉ dịch đôi ba chữ lẻ, không thể dịch thành một ngữ đoạn, chỉ có phần bài minh còn khá đầy đủ nên chúng tôi dịch đúng văn vận, một số câu, chữ bị mất thì được chúng tôi phỏng dựng bằng phương pháp ngôn ngữ học và từ chương học cổ điển.
Về cách trình bày, mỗi chữ bị mất đều được ký hiệu bằng một ô vuông (cả ở phần chính văn Hán văn và phần phiên âm), các chữ bị mờ trên văn bia hoặc trên các bản sao được đoán đọc thì tự dạng tái lập cùng phiên âm, dịch nghĩa của các vị trí tái lập đó sẽ được đặt trong ngoặc vuông. Các chú thích được đánh số ở cả chính văn, phiên âm và dịch nghĩa.
2. Sự nghiệp Lê Hầu và lịch sử Việt Nam thế kỷ 6-7 qua sử liệu bia Đại Tùy Cửu Chân
Về nội dung, tấm bia Đại Tùy Cửu Chân đề cập đến một nhân vật lịch sử họ Lê, giữ chức Thứ sử ở quận Cửu Chân, ông từng trải các chức Ái Châu Thứ sử, Đô đốc Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan chư quân sự vào thời nhà Lương, sau giữ các chức Thường thị Uy vũ Tướng quân, Cửu Chân thứ sử, tước Mục Phong hầu. Cho nên, ông còn được Nguyên Nhân Khí gọi là Lê Hầu, Lê Thứ sử hay Sứ quân Lê.
Bài văn bia ghi lại việc Lê Hầu dựng đạo tràng Bảo An (chùa Bảo An) tại quận Cửu Chân. Như truyền thống dựng chùa tháp và lập bi văn, chúng ta có thể thấy, Lê Hầu chính là hưng công hội chủ để xây dựng chùa này. Sau khi dựng chùa, ông đã mời Nguyên Nhân Khí viết văn bia, khi đó ông này đang giữ các chức Kiểm hiệu Giao Chỉ quận, Nhật Nam quận thừa, kiêm Nội sử xá nhân. Xét về chức quan, thì Lê Hầu giữ chức vụ cao hơn Nguyên Nhân Khí. Nguyên Nhân Khí có lẽ khi đó ít tuổi hơn, nhưng vì là người “thông minh mẫn tiệp”, giỏi văn chương và hiểu sâu về đạo Phật, nên đã được Lê Hầu nhờ soạn minh văn. Nguyên Nhân Khí là người Bắc, đến làm quan tại Nhật Nam, là em trai của Nguyên Huy – một người đang rất được trọng vọng ở triều đình nhà Tùy thời bấy giờ (cụ thể xem chú thích 11 trong phần dịch văn bia ở sau). Việc Lê Hầu nhờ Nhân Khí, hẳn thấy được sự quan hệ ở tầm cấp cao của hệ thống chính quyền thời bấy giờ. Lê Hầu trước đó hẳn đã nghe được văn tài cũng như thưởng đọc các tác phẩm của Nhân Khí, nên mới giao trọng trách này cho ông. Và ta biết, bài văn bia này cũng là tác phẩm văn chương duy nhất còn lại của Nguyên Nhân Khí. Qua lời văn bia, ta có thể thấy phần nào văn tài cũng như học vấn về Phật giáo của nhân vật này:
夫 法理靈符,非世智之可求;
法性幽深,豈石言之所測。
故 梵魔之境,猶為化城;
三界之間,方稱火宅。
Phù,
Pháp lý linh phù, phi thế trí chi khả cầu;
Pháp tính u thâm, khởi thạch ngôn chi sở trắc.
Cố,
Phạm ma chi cảnh, do vi hóa thành;
Tam giới chi gian, phương xưng hỏa trạch.
Tạm dịch sang văn vần:
Ôi,
Pháp Phật thiêng liêng, trí tuệ thế gian há thửa cầu.
Pháp tính thâm sâu, lời nói của trời khôn đoán hết.
Nên,
Cảnh Phạm thiên, còn là hóa thành
Chốn tam giới, cũng là nhà lửa.
Quay trở lại với nội dung tấm bia, chúng ta thấy, văn bia này còn ghi lại nhiều địa danh hành chính cổ vào nửa sau thế kỷ 6, đầu thế kỷ 7, như quận Giao Chỉ, quận Nhật Nam, châu Đức, châu Ái, châu Lị, châu Minh, châu Hoan, huyện Cửu Chân, quận Cửu Chân, quận Nam, huyện Vệ An, Giao Chỉ và một số khe động ở quận Cửu Chân. Những mảnh chữ rời còn sót lại như vậy ít nhiều cho phép chúng ta mường tượng các cấp hành chính vào thời này. Khe và Động có khả năng là những đơn vị cư dân bản địa, hẳn sẽ có tên nhưng không thấy chép trong văn bia hoặc đã mờ mất, chỉ biết Lê Hầu từng đem ân đức tưới tắm ở các khe động này, khiến nhân dân đều an cư lạc nghiệp ([ân] toại phú dân) mà tôn sùng ông, theo về với ông.
Người đầu tiên nghiên cứu về Lê Ngọc/Lê Hầu là Le Breton, ông cho rằng Lê Ngọc là Đô hộ Giao Châu (sic), là người đã dựng một quốc gia riêng và đóng đô ở Trường Xuân (Cửu Chân), sau đó ông chia các vùng lãnh thổ cho các con. Con cả Ích Trí (sic) được giao trị nhậm ở Cửu Chân, con thứ hai là Trung Quốc được làm Tả Quốc, con gái Tưng Liệt (sic, có lẽ là Trung Liệt – TTD chú) được trấn ở Đông Kinh. Sau đó, gia tộc của Lê Ngọc đã bị nhà Đường đánh lui về Cửu Chân, rồi bị tiêu diệt. Ông cho rằng thời đại của Lê Ngọc tồn tại từ năm 612 đến năm 619 [Le Breton 1924: 29]. Tuy nhiên, học giả người Pháp lại không thấy dẫn sử liệu nào từ văn bia, ông cũng không nhắc đến sự tồn tại của bia này. Theo phán đoán của chúng tôi, ông đã chủ yếu dựa vào thần tích.
Năm 1960, giáo sư Đào Duy Anh đã trở về Thanh Hóa khảo sát thực địa. Trong chuyến điền dã này, ông đã phát hiện ra tấm bia Đại Tùy Cửu Chân tại Trường Xuân. Sau đó, giáo sư Đào Duy Anh đã kết hợp với các tư liệu thần phả sưu tầm được tại địa phương và xác định rằng Thứ sử Lê tên thật là Lê Cốc hay Lê Ngọc, tổ tiên làm quan đời Tấn ở Trung Quốc và được phong hầu, đến đời Lương thì đã trải được ba đời, đều được phong hầu cả. Đến đời Tùy thì Lê Hầu được bổ làm Tuyên Uy Tướng quân, Nhật Nam Thái thú, đến niên hiệu Đại Nghiệp thì đổi làm Cửu Chân Thái thú [Đào Duy Anh 1963: 27]. Những nghiên cứu của Le Breton và Đào Duy Anh sau đó được một số nhà nghiên cứu như Trần Quốc Vượng , Lê Cường [2007: 83] kế thừa. Những nghiên cứu trên tưởng đã khép lại về một nhân vật lịch sử vào cuối thế kỷ 6 - đầu thế kỷ 7. Thế nhưng, điểm đáng ngạc nghiên nhất mà khi chúng tôi thực hiện nghiên cứu này, là sau hơn 50 năm phát hiện, bia Đại Tùy Cửu Chân chưa từng được bất kỳ học giả nào tiến hành dịch chú, và lạ hơn nữa là chỉ có một vài thông tin trong tấm bia này được các nhà nghiên cứu khai thác, còn phần lớn các sử liệu về Lê Ngọc chủ yếu lấy từ… thần tích. Ví dụ: tên chức Đô hộ (có từ đời Đường về sau), tên con trai cả là Ích Trí (chứ không phải Ích Từ như văn bia), rồi Ích Trí được giao trị nhậm ở Cửu Chân (thay vì Thái thú Nhật Nam như văn bia), rồi con gái út là Trung Liệt trấn ở Đông Kinh (một địa danh rất muộn về sau này, thuộc miền Bắc),… Vì thế, những khảo cứu giới thiệu dưới đây, sẽ đưa ra một tình hình khác về Lê Ngọc so với những công trình trước đây.
Theo như văn bia Đại Tùy Cửu Chân, gia tộc họ Lê đến thời Lê Hầu là đã “ba đời tự lập” (tự vị tam đại) . Tổ tiên Lê Hầu vào đời Tấn, nhân loạn Vĩnh Gia (xem giải thích trong phần chú thích văn bia) nên đã chạy về phía Nam lánh nạn. Thân sinh của ông có khả năng đã làm Thứ sử Triều Châu kiêm [Tổng quản] Tướng soái. Sau đó, đến đời nhà Lương, Lê Ngọc mới chuyển về vùng phên dậu biên viễn phía Nam, giữ các chức Thứ sử Ái Châu, rồi Thứ sử quận Cửu Chân đồng thời kiêm luôn các chức Đô đốc Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan ngũ châu chư quân sự, Thường thị Uy vũ Tướng quân. Việc các viên quan đứng đầu các châu quận đồng thời nắm luôn quyền quân sự là điều có thể hiểu được. Những thông tin ở trên cho phép đi đến nhận định rằng Lê Hầu đã chuyển đến làm quan và lưu trú tại Giao Châu cho đến khi ông mất, tức là thời gian lưu trú của ông ở Cửu Chân trên dưới 60 năm (xem giải thích thêm về tuổi tác của Lê Hầu tại chú về “Hữu Lương” trong phần chú thích). Như vậy, ông đã trị nhậm qua bốn triều đại là Lương (502-557), Trần (557-589), Tùy (581-618) và Đường (618-907). Văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn cho biết đời Lương, Lê Hầu giữ chức Ái Châu thứ sử kiêm Đô đốc quân sự năm châu Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan. Cả giai đoạn nhà Trần, không thấy chép ông giữ các chức gì. Chỉ thấy đến đời Tùy ông vẫn giữ chức tướng quân, làm Thứ sử các quận châu, được ban Thường thị Uy vũ tướng quân và vẫn nhậm Ái Châu Thứ sử. Từ đời Lương ông đã được phong tước Mục Phong hầu, đến đời Tùy ông vẫn ở tước đó, không được tấn phong thêm.
Với một bề dày trên chính trường, trải giữ nhiều chức vụ tại Cửu Chân trong quãng 60 năm, Lê Hầu đã có những quan hệ mật thiết với tầng lớp quan lại ở khắp các nơi từ Ái Châu đến Nhật Nam. Chính vì lẽ đó, trong văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận, chúng ta còn thấy một số các chức vụ quan lại ở một số nơi, ví dụ như Bằng Thừa Tự là Huyện lệnh huyện Cửu Chân. Thông tin này cho thấy, Bằng Thừa Tự là một viên quan dưới cấp của ông. Vào thời ông làm Thái thú quận Cửu Chân thì lị sở có khả năng là huyện Cửu Chân. Ngoài ra, còn có Huyện lệnh huyện Vệ An, hiện cũng chưa rõ huyện Vệ An ở đâu, và vị huyện lệnh này tên là gì, song có lẽ địa danh hành chính này cũng nằm đâu đó trong vùng đất Cửu Chân mà thôi.
Theo như nghiên cứu của giáo sư Đào Duy Anh, khi làm Nhật Nam Thứ sử, Lê Hầu đã lấy một người vợ ở đất Nhật Nam (Nghệ An ngày nay), sinh được ba người con trai và một con gái [Đào Duy Anh 1963: 27]. Qua tư liệu văn bia Đại Tùy Cửu Chân, chúng tôi thấy có nhắc đến con trai cả của ông tên là Ích Từ. Theo các tư liệu thần phả và các nghiên cứu của Le Breton và Đào Duy Anh, thì con trai trưởng của Lê Hầu hiệu là Ích Trí, tục gọi là đức Thánh Cả, con trai thứ hai là Trung Quốc, tục gọi là đức Thánh Hai, con thứ ba hiệu là Tham Xung được gọi là đức Thánh Lưỡng, vợ và con gái của ông không rõ tên nhưng thần hiệu là Tam Giang Trinh Liệt Thần Mẫu và Liệt Nữ Công Chúa [Le Breton 1924: 29; Đào Duy Anh 1963: 22]. Trên bia Đại Tùy Cửu Chân, đoạn nhắc đến trưởng nam Ích Từ còn thấy chép một số chức vụ như [Tuyên] uy Tướng quân, Nhật Nam Thái thú. Chưa nhà nghiên cứu nào trước đây nhắc đến chi tiết này. Chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết rằng, khi Lê Hầu làm Thái thú quận Cửu Chân thì con trai cả của ông đồng thời giữ chức Thái thú quận Nhật Nam kiêm [Tuyên] uy tướng quân. Điều này lý giải vì sao, Nguyên Nhân Khí – một viên quan dưới quyền của Lê Ích Từ được mời viết minh văn cho bia Trường Xuân.
Đặt trong hệ thống các sử liệu trước nay về giai đoạn này, chúng tôi thấy văn bia Đại Tùy Cửu Chân đã góp thêm một số sử liệu bổ sung cho diện mạo chính trường Giao Châu giai đoạn này như sau. Khi Lê Hầu mới sinh (quãng năm 535-540, có lẽ sinh ở Triều Châu) , Lý Bôn đánh Thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư. Năm 546, Thứ sử Giao Châu là Dương Phiêu đánh bại Lý Bôn ở thành Giao Ninh, năm sau Lý Bôn bị chém đầu [Lương thư q3, chuyển dẫn Đào Duy Anh 1963: 23]. Quãng những năm 550-557, khi đang ở độ tuổi khoảng từ 20-25 tuổi, Lê Ngọc giữ chức Ái Châu Thứ sử, Đô đốc quân sự năm châu. Đến năm 557, nhà Lương mất, nhà Trần lập quốc. Trong quãng từ năm 557-602, Lê Ngọc có khả năng vẫn trấn giữ đất Ái Châu. Trong khi, chính trường có nhiều biến động. Sách Trần thư chép, năm 558, nhà Trần sai Âu Dương Ngỗi đem con em là Thứ sử Giao Châu Thịnh đi đánh Chu Địch ở phía Bắc Ngũ Lĩnh. Sách Trần thư không hề chép thêm một chi tiết nào về Giao Châu giai đoạn này, mà chỉ chép các thông tin về vùng Quảng. Việt sử lược chỉ ghi chép một số biến động chính trị như sau. Thời Vũ Đế nhà Lương, có Trần Bá Tiên đã dẹp được Lý Bôn nên được giao làm Binh uy Tướng quân, Thứ sử Giao châu, rồi được gọi về Bắc. Đến năm 602, Lưu Phương làm Hành quân Tổng quản đánh Phật Tử ở thành Việt Vương và Đại Quyền ở Long Biên. Trong khoảng niên hiệu Đại Nghiệp (605-616) đời Tùy Dạng Đế vì Lâm Ấp làm phản nên vua nhà Tùy đổi Nhật Nam làm Hoan Châu, dùng Lưu Phương làm chức Hoan đạo Hành quân Tổng quản để đánh Lâm Ấp. Đánh xong, Lưu Phương khắc đá ghi công rồi trở về. Giữa đường bị bệnh mà chết. Năm 622, vua Cao Tổ nhà Đường trao cho Khâu Hòa (người Lạc Dương) chức Đại tổng Quản, tước Đàm quốc công, Hòa lại tâu xin đặt chức Đô hộ Phủ chúa. Những sử liệu trên cho thấy, những vùng đất có biến loạn, buộc các quan tướng triều Tùy đến đánh dẹp là thuộc phạm vi quận Giao Chỉ (tương ứng Bắc Bộ) và Lâm Ấp, không thấy có đoạn nào ghi chép về việc chinh phạt quận Cửu Chân do Lê Hầu trấn giữ trong quãng 60 năm.
Như vậy, khoảng thời gian từ những năm 557 đến năm 622, cả một vùng rộng lớn của quận Cửu Chân và quận Nhật Nam đều không thấy xuất hiện một dòng nào về việc chiến tranh tranh giành quyền lực với các thế lực phương Bắc. Điều ấy chứng tỏ rằng, Lê Hầu cùng với các con và thuộc tướng của mình đã tiến hành các phương thức chính trị hiệu quả. Một mặt, ông vẫn có những ứng xử mềm dẻo với chính quyền phương Bắc – để không bị nghi ngờ là kẻ có âm mưu làm phản. Mặt khác, đối với các thế lực quân sự tại quận Giao Chỉ, ông dường như “án binh bất động”. Tức là, ông chỉ chăm chú vào việc cai quản địa hạt của mình, và không tham gia vào các hoạt động tranh giành quyền lực của các thế lực địa phương. Về mặt ngoại giao, Lê Hầu trong khoảng 60 năm trải giữ các chức vụ quan trọng nơi vùng biên ải (Nhật Nam Thái thú, và Cửu Chân Thái thú) tiếp giáp và gần kề nhất đối với Lâm Ấp. Nhưng khi Lâm Ấp tỏ ra không thần phục ông cũng không khởi phát một cuộc chiến nào. Những việc chinh phạt ấy, dường như ông đã “đẩy” hết về các lực lượng của phương Bắc. Cuộc chinh phạt Lâm Ấp của Lưu Phương năm 605 hẳn đằng sau phải có bàn tay hậu thuẫn của các Thứ sử địa phương – Lê Hầu và Lê Ích Từ. Nhưng, những sử liệu hiện còn không thấy chép hai cha con ông có trực tiếp tham gia vào bất kỳ một trận tuyến nào. Văn bia chỉ ghi các hoạt động quân sự của Lê Hầu chủ yếu là huy động cơ binh để giữ an ninh trong phạm vi lãnh thổ. Đó là một sự khôn ngoan, sáng suốt đủ để an định cuộc sống của nhân dân và không làm hao tổn binh lực của bản quận, cũng như quyền lợi gia tộc. Có thể nói, Cửu Chân-Nhật Nam dưới thời của cha con Lê Hầu-Lê Ích Từ là một vùng đất thái bình, thịnh trị. Cho nên, Nguyên Nhân Khí trong văn bia Trường Xuân mới ca ngợi ông là “Lê hoàng” (vua Lê) của vùng đất này. Tên tước Mục Phong hầu dành tặng cho ông hẳn cũng vận đúng vào con người của ông.
Văn bia và những sử liệu không cho biết ông mất khi nào. Theo thần phả mà giáo sư Đào Duy Anh khai thác, sau khi nhà Đường diệt Tiêu Tiển thì Lê Hầu lui giữ Cửu Chân mà trấn thủ địa phương. Ông cùng các con đã kháng chiến với quân nhà Đường rồi tử trận [Đào Duy Anh tb2010: 90-92]. Trên đây là giả thuyết của Đào Duy Anh từ một số sử liệu gạn lọc được từ thần phả. Tuy nhiên, một số ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư đã nêu ra bối cảnh lịch sử khiến cho chúng ta nghĩ đến nhiều khả năng khác. Năm 622, Khâu Hòa làm Thái thú Giao Châu, cậy uy thế của nhà Tùy, thường đi tuần các khe động ở biên giới, ở châu hơn 60 năm (sic), sở hữu rất nhiều châu báu, giàu như vương giả [1998: 188-189]. Nhưng thông tin “ở châu 60 năm” hẳn là có vấn đề. Bởi lúc mà Khâu Hòa chuyển về trấn nhậm ở biên viễn phía Nam là lúc ông đã 60 tuổi [Taylor 1982: 166], nhận xét này của Taylor trùng khít với các sử liệu trong Cựu Đường thư. Sách này chép: Cuối đời Đại Nghiệp Hòa lánh mình ở Hải Nam, quan lại ở đấy thường cướp của thuyền chài, bách tính đều hàm oan, nên dấy loạn. Khưu Hòa khi đó đang trị lý hai quận đều thi hành chính sách nhân ái, rất nổi tiếng nên được Tùy Dạng Đế sai làm Giao Chỉ Thái thú, vỗ về hào kiệt, rất được lòng người Man. Đến khi nhà Tùy mất, bọn Tiêu Tiển, Nịnh Trường Chân đem quân đến đánh. Hòa dẫn thủ lĩnh các châu Giao-Ái, đánh lui bọn Trường Chân. Bờ cõi vẹn yên. Sau đấy, Hòa mới biết nhà Tùy đã mất bèn theo Tiêu Tiển. Đến khi Tiển bị dẹp, thì Hòa lại lấy đất Hải Nam dâng về nhà Đường. Vua Đường sai sứ Lý Đạo Dụ đến trao chức Thượng Trụ quốc Đàm Quốc công-Giao Châu Tổng quản. Hòa lại sai Cao Sĩ Liêm dâng biểu xin về triều. Vua thuận cho. Lại thêm, Khưu Hòa mất năm Trinh Quán 11 (636), thọ 86 tuổi. Năm 60 tuổi ông nhậm chức tại Giao Châu, suy ra năm ông nhậm chức tại Giao Châu là năm 816. Những thông tin này cho thấy có khả năng xung đột giữa Khâu Hòa và Lê Hầu. Nếu như khả năng này xảy ra thì đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự tiêu vong của dòng họ nhà Lê trên đất Cửu Chân đúng như giả thuyết của Le Breton và Đào Duy Anh.
Nhưng chúng tôi muốn hướng đến một giả thuyết khác, rằng Lê Hầu vẫn giữ chức Thái thú Cửu Chân cho đến hết đời. Tức là đã không xảy ra một cuộc chiến tranh nào giữa lực lượng của Lê Hầu cũng như của con trai ông – Thái thú Nhật Nam Lê Ích Từ với Thái thú Giao Châu-Khưu Hòa (từ 616 trở về sau). Có hai lý do khiến chúng tôi đưa ra giả thuyết như vậy.
Trước nay, các nhà khoa học cho rằng tấm bia Đại Tùy Cửu Chân do Lê Hầu dựng vào năm 618 tức là vào năm nhà Đường lật đổ nhà Tùy. Thế nhưng, văn bia vẫn cứ ghi “Đại Tùy” mà không ghi niên hiệu nhà Đường. Điều này chứng tỏ, Lê Hầu đã không đầu hàng nhà Đường mà đã đứng lên nổi dậy chống lại thế lực phương Bắc. Nhưng tính chi tiết thì không hẳn như vậy, văn bia Trường Xuân dựng vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Nhâm Dần niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (618), trong khi nhà Đường chính thức thay nhà Tùy vào ngày 18 tháng 6 năm này. Nghĩa là, bia dựng trước hai tháng mười ngày.
Thứ nữa, đến sau năm 618, Lê Hầu lúc đó có khả năng đã từ 85-90 tuổi, một độ tuổi đã rất cao để trực tiếp lãnh đạo chiến tranh để đến mức bị giết do thất bại. Cuối cùng, và quan trọng nhất, như chúng tôi đã phân tích ở trên, Lê Hầu luôn là một người có một độ lùi mẫu mực trên con đường chính trị, khiến cho suốt cuộc đời làm quan 60 năm, giữ chức Tướng quân năm quận, Thứ sử các châu quận của ông không hề phải “ra trận” một lần nào với các Thứ sử cùng cấp (như Lý Bôn, Lý Bí, Lý Phật Tử, Tiêu Tiển, Âu Dương Ngỗi, Chu Địch, Trần Bá Tiên…). Bất luận là triều đại nào, Lương, Trần hay Tùy ông đều mềm mỏng lĩnh chức để yên ổn với vùng đất “sinh địa” của mình. Những thay đổi triều đại dường như không có tác động nào đến cuộc đời chính trị của ông. Cho nên, từ sau năm 618, mặc dầu là quan nhà Tùy, nhưng trong bối cảnh toàn bộ lãnh thổ Hoa Hạ đã thuộc về nhà Đường, thì một người lão luyện về chính trị như ông cũng phải biết rằng vận của nhà Tùy đã hết. Khưu Hòa kiêu dũng vậy mà vẫn phải quy thuận huống hồ là một người chủ trương “vô vi nhi trị”, và đằm mình trong Phật pháp như ông.
Qua văn bia, ta vẫn thấy Lê Hầu vẫn là người thung dung trên dặm thanh vân, thảng thích trong nguồn Phật học (tâm tùy vô môn, thị yên du xứ). Ông đã cho xây dựng một số công trình như đạo tràng Bảo An (chùa bảo hộ sự an lành) , đài Sủng Tịnh (đài tôn thờ sự thanh tịnh) , và theo thông tin từ thần tích do giáo sư Đào Duy Anh khai thác, ông còn cho xây dựng thêm cả thọ oanh (sinh phần) . Có thể nói, sự mềm mỏng lão luyện trên chính trường cùng với tinh thần từ bi của nhà Phật đã làm nên công tích bình trị của Lê Hầu tại đất Cửu Chân-Ái châu-Nhật Nam.
Mặt khác, xét về cán cân lực lượng thì gia đình ông lúc đó đã chiếm đến 2/3 lãnh thổ thời và non nửa dân số thời bấy giơ . Ông giữ Cửu Chân, con trai ông giữ Nhật Nam, Khưu Hòa giữ Giao Châu. Cho nên, chiến tranh giữa Lê Hầu với nhà Đường đã là một chuyện khó xảy ra, xung đột giữa gia tộc nhà ông với Khưu Hòa có lẽ cũng khó trở thành hiện thực.
Việc ông cùng vợ con và tướng lĩnh khác được thờ làm phúc thần ở nhiều nơi trong Thanh Hóa ngày nay, theo chúng tôi, có lẽ không chắc là do ông đã hy sinh cho việc “đấu tranh giữ nước” (chúng tôi muốn chua thêm rằng khái niệm “đấu tranh giữ nước” là của đời sau dùng cho thế kỷ thứ 6-7). Người được thờ làm phúc thần còn là người suốt đời làm phúc cho nhân dân, khiến cho cuộc sống của dân được yên ổn hạnh phúc. Lê Hầu cùng gia tộc ông có lẽ thuộc về trường hợp này.
Xét ở khía cạnh nào đó, Lê Hầu có thể coi như là “một vị vua” ở vùng đất Cửu Chân-Nhật Nam vào cuối thế kỷ 6, đầu thế kỷ 7. Sự tự trị mang tính chất “mềm” đối với nhà Lương, nhà Trần, nhà Tùy cũng như nhà Đường đã làm nên tính ổn định cho sự độc lập, cho vương quyền của gia tộc họ Lê trên mảnh đất này. Sự độc lập ấy đã khiến Lê Hầu được nhân dân của Cửu Chân cũng như quan lại địa phương coi ông như là vị “Vương” của họ. Điều ấy được thể hiện qua hàng loạt các từ ngữ của Nguyên Nhân Khí dành cho ông trong văn bia Trường Xuân như Lê hoàng, vương cung, khâm minh (chữ dùng để ca ngợi vua Nghiêu), ngự điện, thiệu long (dùng để trỏ việc nhà vua kế nối sự nghiệp của tiên vương), nhân phong (từ dùng để ca ngợi công nghiệp trị lý của nhà vua)… Nguyên Nhân Khí đã coi ông như là “đấng triết vương ở nước Bội nước Dung làm phên giậu cho nhà Chu đời trước”, đã ca ngợi ông như là một vị Điều ngự “từ bi tính Phật, làu thông đạo học” để dắt đám lê dân còn mê muội đến với cõi Phật an lạc:
Lê hoàng kết thiêng,
Bốn bể hòa đồng.
Kính cẩn trên ngôi,
Chỉnh sửa huân nhung!
“Ơn trạch của ông đã tưới khắp, khiến muôn dân sung túc” giống như “ngọn gió xuân nuôi dưỡng muôn loài” (Mục Phong hầu). Nhân dân đời sau, nhớ đến công đức của Lê Hầu cũng như gia tộc ông nên đã tôn ông lên làm phúc thần ở nhiều nơi. Theo văn bia Tu tập uy linh miếu bi ký do tiến sĩ Nguyễn Thực soạn, đến thế kỷ 17, Lê Hầu đã được nhân dân thờ phụng, và tôn xưng là Cao Tổ Lê Ngọc hoàng đế . Theo khảo sát thực địa của giáo sư Đào Duy Anh, thì Lê Ngọc cùng với vợ và các con được thờ tại hơn trăm đền thờ tại Thanh Hóa ngày nay .
3. Văn bia Đại Tùy Cửu Chân: giá trị văn học và lịch sử Phật giáo
So với văn bia Xá lị tháp minh đời Tùy năm 601, thì văn bia Đại Tùy Cửu Chân có giá trị hơn hẳn về mặt văn học cũng như những thông tin sử học có liên quan đến các nhân vật lịch sử. Độ dài văn bia quãng trên 900 chữ, là một bài văn của đại bút Nguyên Nhân Khí. So với Xá lị tháp minh là một bài văn bia không có chất văn chương, thuần túy là “rập khuôn” theo một mẫu để chôn dưới các tháp xá lị do vua Tùy sai xây dựng. Tức là, bia Xá lị tháp minh chỉ có nêu những nội dung tương tự như vài chục bia xá lị được làm cùng đợt như vậy ở Trung Quốc.
Vì thế, ở phần này, chúng tôi thiết nghĩ cũng cần phải có đôi dòng khảo luận về thể thức, nội dung và nghệ thuật ngôn từ của văn bia Trường Xuân.
Về mặt nội dung, văn bia Trường Xuân rõ ràng được viết ra là nhằm mục đích ca ngợi Lê Hầu cũng như dòng họ nhà ông trong việc chăn dân. Thế nhưng, như phân tích của chúng tôi về phương thức chính trị của Lê Hầu ở phần trên, Lê Hầu tuy là người đứng ở vị trí “cai trị nhân dân”, nhưng ông luôn là người ứng xử như là một vị Phật sống để dẫn dắt nhân dân khỏi khổ ải lầm than của cõi nhân sinh. Ngay từ thời quãng 17 đến 25 tuổi, nhận thấy xã hội nhà Lương động loạn, ông đã tự đi tìm cho mình một mảnh đất mới xa xôi và an lạc. Cha ông là Thứ sử Triều Châu, còn ông đã chuyển về làm Thứ sử Nhật Nam (theo như thần tích), hay Thứ sử Ái châu. Khi đó, như ta biết, Nhật Nam hay Cửu Chân là mảnh đất biên viễn, là cực Nam của nhà Lương lúc bấy giờ. Phía Tây Bắc là giáp Đại Lý, phía Bắc giáp Giao Chỉ, phía Tây là giáp Bồn Man, phía Nam là giáp Lâm Ấp. Thường thì, trong tâm lý người đời, phải đi làm quan xứ ấy không khác gì phải đi đày, bởi khí hậu khắc nghiệt, nhiều lam chướng. Những câu chuyện chép trong một số bộ sử quan phương có thể cho thấy rõ việc này. Chuyện Lưu Phương, năm 605, dù có chiến thắng Lâm Ấp, nhưng cũng đã chết trên đường trở về. Chuyện tông thất nhà Đường chết nơi đất Giao Chỉ. Chuyện một viên quan nhà Đường sau đó, thà “khi quân” chịu chém đầu còn hơn phải đi nhậm chức ở Giao Châu. Thế nhưng, Lê Hầu đã chọn cái mảnh đất không ai muốn đến ấy, để xây dựng một triều đại 60 năm của mình kéo dài đến ba đời (từ ông, đến con trai ông Lê Ích Từ, và có thể cả cháu chắt ông nữa ). Chọn một nơi xa xôi như thế, Lê Hầu đã gần như cách li hoàn toàn khỏi những động loạn xã hội, những bể dâu thay đổi triều đại từ Lương, Trần, Tùy rồi đến Đường. Sự lựa chọn ấy thể hiện sự tinh tế và tầm viễn kiến của một người vừa lão luyện trên chính trường, vừa minh tuệ về mặt triết học nhân sinh.
Văn bia có ca ngợi ông một đoạn như sau:
“Ôi, Lê Hầu [sứ quân ta], [tính bẩm] thiên tư, đạo học dần đủ, trước xưng Thứ sử, [sau] gọi Lê Hầu. [Người trị lý đất Cửu Chân so với Hoa Hạ rộng lớn] như đấng triết vương ở nước Bội nước Dung [làm phên giậu cho nhà Chu thuở nọ], vì thế mới vâng mệnh [đến đây]. [Trước đây] khi [loạn] đời Vĩnh Gia, [tổ tiên ông lánh nạn đến]囗囗囗囗. [Thân phụ]囗囗囗囗囗囗, tổ cao làm [Tổng quản] tướng soái, Thứ sử quận Triều Châu. Khi nhà Lương còn đang cai trị, [ông] làm Đô đốc quân sự năm châu Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan, [nhiếp] chức Thứ sử Ái [châu], 囗囗囗囗囗囗囗囗 tướng quân, [được] phong tước Mục Phong hầu. [Cho nên] mới biết [việc cũ], [nhà ông] tự lập đã ba đời, hưởng năm lâu dài [vậy]. Ông ở nhàn tĩnh nơi vùng đất mới yên ổn [tránh được những động loạn các đời Lương, Trần, Tùy], ơn trạch tưới khắp, khiến muôn dân sung túc. [Ông vốn là người ham chuộng Phật pháp], khi theo học luôn có đức lại giữ pháp môn, [nên] phẩm hạnh được viên mãn. [Ông] thường hay lễ Phật tụng kinh, [thấy] linh tượng tỏa sáng; [lại lấy] Thiền tông làm lòng, thường tự thảng thích trong đó”.
Mặc dầu, câu chữ trên văn bia không còn nguyên vẹn, song những khắc họa về thân thế, gia tộc, công nghiệp và đức hạnh của Lê Hầu dưới ngòi bút của Nguyên Nhân Khí, có thể nói là hiện lên một cách khá sắc nét, rõ ràng. Ông tư chất vốn là một người nhân từ, lại thêm từ nhỏ đã được học hành, cho nên đức tài đều viên mãn (đạo học tiệm cụ). Chính cái sở học, cái thiên tư ấy đã giúp ông có được cái quyết định đúng đắn: coi đất Ái Châu-Nhật Nam là một miền đất hứa, một miền đất để định cư mà an lạc, ông đã coi đó như là “sinh địa” của cuộc đời ông, gia tộc ông.
Trong văn bia, Nguyên Nhân Khí cũng ca ngợi về phép cư xử của Lê Hầu. Dưới nhãn quan của Nho gia, Nguyên Nhân Khí coi hành động “trấn giữ Ái Châu” của Lê Hầu là một hình mẫu ứng xử chính trị tiêu biểu của sự nghiệp “tu tề”. Ông viết: “[Người trị lý đất Cửu Chân so với Hoa Hạ rộng lớn] như đấng triết vương ở nước Bội nước Dung [làm phên giậu cho nhà Chu thuở nọ]”. Có thể nói, đây là một biểu hiện rất sinh động cho thấy Nho giáo đã được thực thi như thế nào ở Việt Nam trong thế kỷ 6 thế kỷ 7. Chính vì thế, Lê Hầu được phong tước là “Mục Phong hầu”. Chữ “mục phong” là một điển ngữ xuất nguồn trong Kinh thi để trỏ ngọn gió mùa xuân mát lành thổi đến khiến cho muôn cây cỏ tốt tươi, sinh sôi nảy nở. “Mục Phong” là cái đức của người quân tử, là cái dụng của bậc vương chủ. Trong văn bia, Nguyên Nhân Khí đã dùng nhiều từ ngữ của Nho gia để ca ngợi Lê Hầu, nhưng quan trọng hơn cả các từ ngữ đó đều mang sắc thái tôn vinh, xưng tụng đối với các vị vua, các vị quân chủ.
Song, điểm nổi trội hơn cả trong văn bia Đại Tùy Cửu Chân chính là nội dung về Phật học. Như trên đã nêu, Lê Hầu là người ham chuộng Phật pháp, thường hay tụng kinh, là người biết giữ pháp môn, phẩm hạnh viên mãn. Ông đã cho xây dựng chùa Bảo An, cho khắc bia Trường Xuân, cho dựng đài Sủng Tịnh,… đây đều là những công trình có liên quan đến việc hoằng dương Phật pháp. Chính vì thế, Nguyên Nhân Khí đã sử dụng sáu bảy chục thuật ngữ Phật giáo trong bài văn bia này để nói về sự nghiệp của “đại hộ pháp” họ Lê trên đất Cửu Chân. Trong vòng 60 năm cai trị ở mảnh đất này, ông đã đem ơn đức, ân trạch, đã đem ánh sáng trí tuệ của Phật pháp chiếu rọi cho lê dân, đã đem đuốc tuệ (trí cự), nước tuệ (tuệ thủy) để dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi lầm than khổ ải. Cho nên, nhân dân mới coi ông như là một vị Phật sống, là người nối được chân tông, là đức “điều ngự” để “cứu vớt sinh linh”.
Đặt trong bối cảnh thời đại, thời Lương, Trần, Tùy là thời đại Phật giáo đang hết sức phát triển. Xã hội càng động loạn, con người càng cần đến chốn nương tựa tâm linh. Vào thời Lương, chùa Hồng Lô thuộc về Thiền tông. Cũng trong thời gian này, các thiền sư Thiên Trúc đã rộng truyền thiền pháp vào Trung Quốc. Trong đó nổi tiếng nhất là Bồ Đề Đạt Ma. Lương Vũ Đế nghe danh, mà mời vị sư này đến kinh đô Kiến Khang. Như thế, Phật giáo từ thời Lương đã đi vào chốn cung đình. Trải đến triều nhà Tùy, Phật giáo đã lên đến cực thịnh. Tùy Văn Đế từng tự nhận “công nghiệp của mình là do Phật pháp” (ngã hưng do Phật pháp), thậm chí sau còn chuyển sang bài xích Nho học, coi Phật giáo là quốc giáo. Tùy Văn Đế cũng là người dùng tôn giáo nhằm mục đích chính trị, ông này đã từng hiệu triệu sư tăng xuất sơn để “hành đạo vì quốc gia”. Đến thời Tùy Dạng Đế, thì ông vua bạo ngược này còn đích thân thụ giới của tông Thiên Thai, trở thành đệ tử nhà Phật. Nhà Tùy đã cho xây dựng hơn 5000 chùa tháp, tạo đắp vài vạn tượng Phật, phiên dịch vài vạn cuốn kinh Phật, khiến cho Phật giáo phát triển gấp bội so với các triều đại trước. Tùy Văn Đế còn cho xây dựng 83 tháp xá lị ở khắp nơi, trong đó có một tháp ở Long Biên (Bắc Ninh ngày nay).
Trong bối cảnh như vậy, việc Lê Hầu đi theo Phật pháp cũng là điều có thể hiểu được. Thế nhưng, lối “tu đạo” của Lê Hầu khác hẳn về chất so với các hoàng đế phương Bắc. Các vua Tùy Văn Đế, Tùy Dạng Đế tuy đẩy Phật giáo lên địa vị quốc giáo, khiến Phật giáo có địa vị tối cao, song cũng là những người đã thế tục hóa tôn giáo này. Hẳn không ít nhà sư đã nghe lời kêu gọi của Văn Đế mà lao vào cuộc chiến tranh “hành đạo” của ông vua này. Nhà Tùy, dựa trên chiêu bài Phật giáo để tiến hành thôn tính, chinh phạt hàng loạt các quốc gia láng giềng như Đột Quyết, Lâm Ấp, Khiết Đan, Cao Ly, Lưu Cầu, Y Ngô… Trong khi đó, Lê Hầu trong suốt 60 năm cai trị ở Cửu Chân, Nhật Nam ông không hề tiến hành bất kỳ một cuộc chiến tranh nào với các thế lực đương thời. Ông chuyên chú chăm lo cho dân chúng đi theo Phật pháp. Nhân Nguyên Khí ca ngợi ông là người “nối được chân tông”, hẳn cũng là vì thế.
Về mặt ngôn ngữ, văn bia Trường Xuân, tuy bị khuyết nhiều chữ, không còn đọc được toàn văn. Nhưng chúng ta còn thấy được thể thức, bố cục của văn bia thời này như sau. Ngoài tên bia trên bi ngạch, còn có tên phụ ở lòng bia. Ngay dưới tên phụ là chức tước tên tuổi, quê quán người soạn văn bia. Tên văn bản ghi rõ thể loại là “bi văn” trong đó, phần chính văn gồm đoạn thuyết lý duyên khởi về đạo Phật. Sau đó, là đoạn ký thuật về tông tộc, hành trạng, công nghiệp của Lê Hầu. Đoạn cuối là bài minh độc vận ca ngợi Phật pháp và công cuộc hoằng dương Phật giáo, dẫn dắt chúng sinh của Lê Hầu.
Văn bia Trường Xuân thể hiện rõ lối dùng văn xen kẽ giữa văn xuôi và văn biền ngẫu. Vì thế, có những đoạn lên xuống nhịp nhàng, cân đối mà thanh thoát, có những chỗ lại trần thuật lớp lang, giàu giá trị thông tin. Ví như:
Ôi,
Pháp Phật thiêng liêng, trí tuệ thế gian há thửa cầu;
Pháp tính thâm sâu, lời nói của trời khôn đoán hết.
Nên,
Cảnh Phạm thiên, còn là hóa thành;
Chốn tam giới, cũng là nhà lửa.
[Chúng sinh] khốn khổ, nhạo báng làm trái đạo […], [nên] khiến cho [thân…] phải chịu khổ ải.
Tùy cơ trời mà làm lợi cho muôn vật, [như] vua Dục Vương [dựng] tháp báu, Đế Thích [có] chùa chiền, [thực] đều [là để] chiêm ngưỡng dung nhan tôn quý. [Các đấng ấy] đã bắc cầu bến cứu vớt muôn loài, [khiến chúng sinh] hồi hướng về nơi tịnh độ đất phúc vậy.
Có thể thấy, ngay cả trong những đoạn văn xuôi, tác giả thỉnh thoảng xen cả những tiểu đối, khiến cho câu văn cũng trở nên duyên dáng hơn, mượt mà hơn.
Phần bài minh được tác giả soạn bằng thể 4 chữ thông dụng, với lối gieo vần độc vận. Lối gieo vần này khác so với một số bài minh đời Lí đời Trần. Nhưng nhìn chung, bút khí đi khá đều đặn, ngôn từ trau chuốt, ca ngợi nhưng không sáo mòn:
[Theo nối] chân tông,
Tâm pháp khó cùng.
Đức sinh 囗 ngự,
Xem dấu vương cung.
Từ bi tính Phật,
Học đạo làu thông.
Bừng bừng đuốc tuệ,
Dắt đám mung lung.
Nên xưng Điều ngự,
Làm đức Thế tông.
[Người] phá [đạo] pháp,
Thảy đều về không.
Lê Hoàng kết thiêng,
Bốn bể hòa đồng.
Kính cẩn trên ngôi,
Chỉnh sửa huân nhung.
Đẹp thay [Lê Hầu]!
Truyền nối hết lòng.
Tầng đài cao vút,
Giảng đạo thung dung .
[Lòng] [theo] [cửa] [Phật]
Tính [khua] cầu vồng.
Trong điện chính giác,
Mà tỏ thần công.
Nước tuệ nhuần tưới,
Hoa tiên thắm nồng.
Nên xem bia đá,
Gìn giữ nhân phong.
Hoa ngân [đầy] [đủ]
[Với] [thiên] [địa] [cùng]
Có thể nói, văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn tại Trường Xuân là một áng văn chương cổ có giá trị về mặt văn học.
Hình thức, nội dung, thể chức văn bia đã khá ổn định, do một người nổi tiếng tài hoa là Nguyên Nhân Khí soạn. Văn bia này đánh dấu mốc son khởi đầu cho thể loại bi kí cả ở mặt vật chất lẫn phương diện thể loại, để sau đó nó được tiếp tục phát huy trong thời đại Lí Trần. Văn chương Lí Trần trong đó bi kí Lí Trần là một đỉnh cao, đỉnh cao ấy bắt nguồn từ văn hóa đời Tùy-Đường. Hay nói cách khác, Tùy Đường là bệ phóng cho những yếu tố văn hóa, văn chương cho thời đại Lý Trần cũng như nhiều nước khác trong khu vực.
Với bài văn bia cũng như bài minh trong bia Đại Tùy Cửu Chân, Nguyên Nhân Khí là tác gia văn học sớm hàng đầu mà chúng ta hiện biết. Bài văn bia không chỉ có ý nghĩa cho văn học mà còn là hiện vật giá trị để cung cấp thông tin cho các ngành lịch sử, mỹ thuật cổ (điêu khắc, thư pháp),… Có thể nói, những thông tin sử liệu qua bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn tại Trường Xuân đã bổ sung một số cứ liệu quan trọng làm sáng tỏ hơn một giai đoạn lịch sử của mảnh đất Cửu Chân-Ái Châu-Thanh Hóa cũng như Nhật Nam-Hoan Châu-Nghệ An rộng hơn là lịch sử Việt Nam vào giai đoạn từ năm 557 đến 618 mà trước nay các bộ sử quan phương không hề nhắc đến. Những khôn khéo trong việc đối nội, đối ngoại, thù trong giặc ngoài cũng như lối “ứng xử mềm” của Lê Hầu đối với các triều đại phong kiến phương Bắc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự và lịch sử!
Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Anh, “Cái bia cổ ở Trường Xuân với vấn đề nhà Tiền Lý”, Nghiên Cứu Lịch Sử, 50 (5.1963), tr. 22-28.
2. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, tb. 2010.
3. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2000.
4. Le Breton, La Province de Thanh-Hoa, Imprimerie Kim Duc Giang, 1924.
5. Le Breton, Monuments et Lieux Historiques du Thanh Hoa (Contribution à l’inventaire des Vestiges), Revue Indochinoise, mars-avril-1921, XXIV, 3-4: 163-191.
6. Phan Văn Các – Claudine Salmon, Épigraphie en Chinois du Viet-Nam (Văn khắc Hán Nôm Việt Nam), Tập 1, École Française d’Extrême-Orient, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Paris-Hà Nội, 1998, tr. 1-12.
7. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ thuật, Hà Nội, 2003.
8. Lê Cường, “Nghiên cứu Mỹ thuật truyền thống: chặng đường dài”, Nghiên Cứu Mỹ Thuật, Nxb. Mỹ Thuật, H, 2007, tr. 80-89.
9. Trần Trọng Dương, “Đinh Bộ Lĩnh-loạn sứ quân: từ sử liệu đến sử thực”, Tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển, Huế, số 01.2012.
10. Trần Trọng Dương, “Biểu tượng núi vũ trụ Tu Di-Meru trong văn hóa Việt Nam và châu Á”, Tạp chí Nghiên Cứu Mỹ Thuật, 06. 2012, tr. 23-36.
11. Trần Văn Giáp, “Văn bia Việt Nam (công dụng thác bản văn bia Việt Nam đối với Khoa học Xã hội và những thác bản văn bia hiện còn có ở Thư viện Khoa học Xã hội”, Nghiên Cứu Lịch Sử, 118 (1.1969), tr. 3-6.
12. (Khuyết danh), XIII (?), Đại Việt sử lược, Trần Kinh Hòa biên hiệu, Soka daigaku Asia kenkyujo, Tokyo, 1987.
13. Nguyễn Quang Hà, “Về tấm bia đời Tùy (601) mới phát hiện tại chùa Giàn – Huệ Trạch tự (xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)”, Thông Báo Khảo Cổ Học, 2012.
14. Nguyễn Quang Hồng vcs, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H, 1992.
15. Phạm Lê Huy, “Việc xây dựng tháp Xá lợi dưới thời Tùy Văn Đế và minh văn tháp Xá lợi mới phát hiện tại Bắc Ninh”, Thông Báo Khảo Cổ Học 2012.
16. Hoàng Lê, “Tình hình sưu tầm và nghiên cứu văn bia”, Tạp chí Khảo Cổ Học, số 02.1982.
17. Trịnh Khắc Mạnh, Một số vấn đề về văn bia Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2008.
18. Trịnh Khắc Mạnh – Nguyễn Văn Nguyên – Philippe Papin, Corpus des Inscriptions Anciennes du Viet-Nam (Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam), Tập 21, Viện Cao học Thực hành-Viện Nghiên cứu Hán Nôm-Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Hà Nội, 2009.
19. Lê Viết Nga, “Về hai cổ vật niên đại thời Tùy ở Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh”, Báo Bắc Ninh, 2012.
20. Thủy kinh chú sớ, Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính-Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Địch phúc hiệu, Nguyễn Bá Mão dịch, Nxb. Thuận Hóa-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2005 [dịch từ ấn bản Thủy kinh chú sớ, Cổ Tịch xuất bản xã, Giang Tô, 1999].
21. Ngô Thị Thanh Tâm, “Nghiên cứu văn bia huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa” (Luận văn Thạc sĩ Hán Nôm), Thư viện khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2008.
22. Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1996.
23. Keith Weller Taylor, The 'twelve lords' in tenth-century Vietnam, Journal of Southeast Asian Studies 14, 1 (March 1983), pp. 46-62.
24. Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam, University of California Press, Berkeley, 1983.
25. Trần Thái Tông, XIII, Thiền tông khóa hư ngữ lục, Tuệ Tĩnh (tk 14) dịch Nôm, Trần Trọng Dương khảo cứu-phiên chú, Nxb. Văn Học, TP. HCM.
26. Tỉnh ủy-Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Địa chí Thanh Hóa (Tập 2: Văn hóa xã hội), Nxb. KHXH, Thanh Hóa, 2004.
27. Lê Trắc, (1335) An Nam chí lược, Mạnh Nghị Trần Kinh Hòa dịch (Nxb. Thuận Hóa-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, tb. 2002.
28. Chu Quang Trứ, “Bia và bia chùa Việt Nam”, Mỹ thuật Lý Trần - Mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ thuật, H, 2012, tr. 506-557.
29. Trần Quốc Vượng, “Xứ Thanh-vài nét về lịch sử-văn hóa”, Theo dòng lịch sử: những vùng đất, thần và tâm thức người Việt, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1996.
30. Khuyết danh, (đời Trần), (Đại) Việt sử lược, trong Tứ khố toàn thư (đời Càn Long nhà Thanh).
31. Chính Hòa thứ 18 (1697), Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản, Bản khắc in, Bản dịch, 1998, Tập 1, Ngô Đức Thọ dịch chú, Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
32. 阮實。《修葺昭慶廟碑》。1996。
33. 阮實。《修葺威靈廟碑記》。 1635。
34. 丁福寶。《佛教大辭典》 。文物出本社, 北京, 1984。
35. 葉昌熾 (撰) 。 柯昌泗 (評) 。 《石語異同評》。 中華書局。 北京。 1994。
36. 張正烺 (名譽主編) 。 呂宗力 (主編) 。 《中國歷代官制大辭典》。 北京出版社。 北京。 1994。
37. [唐] 林寶 (撰) 。 《元和姓篡》。四庫全書。(總纂:紀昀,陸錫熊,孫士毅)。
38. [唐] 李吉甫。《元和郡縣圖志》。四庫全書。(總纂:紀昀,陸錫熊,孫士毅)。
39. [唐] 魏徵, 顏師古、孔颖达。《随書》。 中华書局。北京。 2008。
40. 辭源。 商務印書館。
41. 沈起炜。徐光烈。《中国历代職官词典》。 上海辭書出版社。 上海。 1992。
42. 許慎。《說文解字》。 段玉裁注。 清代陳昌治刻本。
---
BỔ SUNG
..
3.
https://vnu.edu.vn/ttsk/?C2099/N21017/Thong-tin-luan-an-tien-si-cua-NCS-Pham-Le-Huy.htm
2.
Cập nhật: 09:00 31/08/2018
3.
Thông tin luận án tiến sĩ của NCS Phạm Lê Huy |
Tên đề tài luận án: Tầng lớp thủ lĩnh Giao châu – An nam thời đô hộ Tùy Đường |
1. Họ tên nghiên cứu sinh: Phạm Lê Huy
2. Giới tính: Nam
3. Ngày sinh: 04/10/1981
4. Nơi sinh: Hà Nội
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 2213/2011/QĐ-XHNV-SĐH ngày 21/11/2011
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo:
Quyết định số 3203/QĐ-XHNV-SĐH ngày 31/12/2014 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về việc kéo dài thời gian học tập.
Quyết định số 3919/QĐ-XHNV ngày 24/11/2016 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về việc điều chỉnh đề tài luận án.
7. Tên đề tài luận án: Tầng lớp thủ lĩnh Giao châu – An nam thời đô hộ Tùy Đường
8. Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
9. Mã số: 62 22 03 13
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án
- Bằng việc bổ sung tư liệu khảo cổ học, kết hợp với việc phân tích địa bàn hoạt động của các thủ lĩnh họ Đỗ (Chu Diên, Cửu Chân) đặt trong mối liên hệ với tuyến giao thông sông Đáy, Luận án làm rõ quá trình thay đổi kết cấu quyền lực địa phương ở khu vực đồng bằng và khe động sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Luận án chỉ ra quá trình “bản địa hóa” và phát triển thành tầng lớp thủ lĩnh địa phương của các nhóm di dân xuyên suốt từ thời Lục triều qua Tùy Đường, mối quan hệ giữa các thủ lĩnh có nguồn gốc di dân với các cuộc khởi nghĩa nổ ra tại Giao Châu – An Nam dưới thời Đường.
- Trên cơ sở phân loại, đánh giá lại các tư liệu liên quan đến khởi nghĩa Phùng Hưng, Luận án khảo cứu lại vấn đề đất bản bộ của Phùng Hưng, phân tích diễn biến khởi nghĩa với các mốc thời điểm cụ thể. Luận án cũng xem xét cuộc khởi nghĩa trong mối liên hệ với các sự kiện bên ngoài An Nam như hoạt động của nhà Đường ở đảo Hải Nam, từ đó làm rõ hoạt động và xu hướng ly tâm chính trị, nổi dậy giành quyền tự chủ của các thủ lĩnh Giao Châu – An Nam thời Tùy Đường.
- Sử dụng một số tư liệu mới, đặc biệt là tư liệu mộ chí, Luận án khảo cứu lại các mốc thời gian cụ thể, diễn biến, nguyên nhân thành công và thất bại của khởi nghĩa Mai Thúc Loan và Dương Thanh. Qua đó, Luận án làm rõ quá trình thay đổi kết cấu quyền lực địa phương tại khu vực Hoan Châu, chỉ rõ tính liên động giữa các cuộc nổi dậy của tầng lớp thủ lĩnh tại Giao Châu – An Nam với hoạt động của các thủ lĩnh ở miền Nam Quảng Tây.
- Nghiên cứu thực chứng của Luận án đóng vai trò như một dấu gạch nối cho các nghiên cứu đi trước của H. Maspéro, Trần Quốc Vượng, K. Taylor, Trương Hữu Quýnh và Nguyễn Danh Phiệt, chỉ ra sự tồn tại của thành phần di dân trong tầng lớp thủ lĩnh Giao Châu – An Nam thời Tùy Đường.
- Dù thuộc thành phần gốc di dân hay bản địa, tầng lớp thủ lĩnh Giao Châu – An Nam thời Tùy Đường thể hiện tính chất “bản địa” rõ nét, được nhận thức và tự nhận thức mình là những cộng đồng cư dân nằm ngoài thế giới “văn minh” Hoa Hạ.
- Luận án phân tích tính chất hai mặt trong mối quan hệ giữa tầng lớp thủ lĩnh tại Giao Châu – An Nam với chính quyền đô hộ Tùy Đường. Nhà Đường dựa vào tầng lớp thủ lĩnh để mở rộng lãnh thổ, cai trị một cách gián tiếp các vùng đất mới, trưng thu một phần tô thuế, lao dịch và binh dịch. Trong khi đó, tầng lớp thủ lĩnh địa phương ban đầu hợp tác với chính quyền đô hộ để tránh đối đầu trực diện với đế chế, duy trì quyền thống trị mang tính “thế tập” của dòng họ và quyền lợi kinh tế tại địa phương.
- Mối quan hệ mang tính hai mặt nêu trên tự thân đã hàm chứa nhiều mâu thuẫn nội tại, tất yếu sẽ bùng phát thành các cuộc nổi dậy khi chính quyền đô hộ tìm cách xóa bỏ quyền lực của tầng lớp thủ lĩnh, tăng cường bóc lột với người dân “Di Lão”.
- Trên nền tảng của nhận thức chung bản thân không phải là “Hoa Hạ”, bị đặt trước những nguy cơ chung là thủ lĩnh bị tước bỏ đặc quyền – đặc lợi, các “cộng đồng” mà thủ lĩnh làm đại diện phải chịu phú thuế, lao dịch nặng nề hơn, bằng sợi dây liên hệ là quan hệ giữa các thủ lĩnh trong cùng một gia tộc – dòng họ hay quan hệ giữa các thủ lĩnh khác dòng họ, dưới thời Tùy Đường, các “cộng đồng” Man – Di – Lão đã liên kết với nhau để trở thành các “liên cộng đồng”, rộng hơn nữa là “siêu cộng đồng”. Đó là nền tảng cho sự phát triển của ý thức dân tộc, giúp mảnh đất Giao Châu – An Nam thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc, trải qua giai đoạn quá độ là thế kỷ X, phát triển thành quốc gia Đại Việt thời Lý – Trần.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
Các kết quả nghiên cứu của Luận án góp phần làm rõ hơn một giai đoạn lịch sử là thời đô hộ Tùy Đường, đồng thời có thể được sử dụng để đính chính một số điểm chưa chính xác trong sách giáo khoa các cấp học (bao gồm cả giáo trình của một số trường đại học). Mặt khác, trên phương diện tổng quát, qua vai trò của các thủ lĩnh địa phương, Luận án cung cấp một tiền đề quan trọng góp phần lý giải sự phát triển và trưởng thành cũng như sự phân hóa của một tầng lớp xã hội giữ vai trò dẫn dắt đưa đến thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài của đất nước với những thành tựu phục hưng rực rỡ của nền văn minh Đại Việt.
13. Các hướng nghiên cứu tiếp theo:
14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:
1) Phạm Lê Huy (2012a), “Diện mạo và vị trí địa lý của An Nam Đô hộ phủ thời thuộc Đường”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (429), tr.34-51.
2) Phạm Lê Huy (2012b), “Diện mạo và vị trí địa lý của An Nam Đô hộ phủ thời thuộc Đường”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (430), tr.42-51.
3) Phạm Lê Huy (2012c), “Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh (819-820)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (440), tr.20-36.
4) Pham Le Huy (2012d), “On some Jimi provinces from the Tang Dynasty to the Ly Dynasty during the 8th–11th century)”, The Second Congress: Asian Association of World Historians (AAWH), Ewha Woman University, Seoul.
5) Phạm Lê Huy (2012e), “Hệ thống dịch trạm thời Đường nhìn từ văn học - Trường hợp An Nam Đô hộ phủ”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Giao hưởng Cổ đại II, Đại học Meiji.
6) Phạm Lê Huy (2012f), “Một vài suy nghĩ nhân sự kiện phát lộ các ngôi mộ cổ tại Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội)”, Thông báo Hán Nôm 2010-2011, tr.704 -712.
7) Phạm Lê Huy (2013b), “Một số vấn đề về phương pháp luận sử học và vấn đề thời điểm bùng nổ của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (444), tr.20-36.
8) Phạm Lê Huy (2015), “Phép thuật Cao Biền tại An Nam – Từ ảo tượng đến chân tướng”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (141), tr.105-132.
9) Phạm Lê Huy (2016a), “Khảo cứu bia miếu Đào Hoàng (Nghè thôn Thanh Hoài, Thuận Thành, Bắc Ninh)”, Tạp chí Khảo cổ học (1), tr.48-59.
10) Phạm Lê Huy (2016b), “Ý tưởng thiết kế Cung đô Nhật Bản thế kỷ VII và Kinh đô Thăng long thời Lý – Nhìn từ tư tưởng “chiêu gián” và thiết kế kinh đô của các vương triều Trung Quốc”, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn T2(4), tr.384-427.
|
Tân Lê - VNU - USSH |
https://vnu.edu.vn/ttsk/?C2099/N21017/Thong-tin-luan-an-tien-si-cua-NCS-Pham-Le-Huy.htm
2.
Cập nhật: 09:00 31/08/2018
Dấu ấn Thanh Hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
(Baothanhhoa.vn) - Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập năm 2011 trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là địa chỉ văn hóa hấp dẫn, là điểm đến lý tưởng trong hành trình tham quan Hà Nội, tham quan Việt Nam của du khách quốc tế và trong nước.
Bia đại Tùy.
Với bề dày truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ bảo quản một khối lượng di sản văn hóa vô giá với trên 200.000 tư liệu, hiện vật quý hiếm, phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu có niên đại từ thời nguyên thủy đến ngày nay. Trong số đó có nhiều hiện vật là báu vật quốc gia và gần 8.000 tài liệu hiện vật, bộ sưu tập hiện vật có giá trị quý hiếm, nhiều hiện vật độc bản giá trị được tổ chức trưng bày khoa học và hấp dẫn trên tổng diện tích là 3.700m2.
Di sản văn hóa là tài sản quý báu của quốc gia được trao truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi di sản đều chứa đựng những thông điệp của quá khứ, là tiếng nói phát ra từ tinh hoa văn hóa truyền thống của nền văn hóa phong phú đa dạng giàu bản sắc. Bảo vệ, gìn giữ, phát huy, giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi công dân. Người Thanh Hóa khi đến tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ hiểu thêm về lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh anh dũng quật cường trong quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha mình và sẽ được cộng hưởng niềm vinh dự, tự hào là vùng “địa linh nhân kiệt” với nhiều hiện vật quý hiếm góp mặt trong kho tàng vô giá này. Cùng với các tỉnh thành trong cả nước, lịch sử Thanh Hóa cũng được hiện hình qua mỗi phòng trưng bày, mỗi trang tư liệu hiện vật. Điều bài viết muốn nói đó là tỉnh Thanh Hóa đã in một dấu ấn đậm đặc tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, qua tiếng nói của hiện vật và tư liệu.
Theo công trình nghiên cứu “Văn khắc Hán Nôm Việt Nam tập 1”, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viễn Đông Bác cổ xuất bản năm 1996, số bia từ thời Bắc thuộc đến thời nhà Lý cả nước có tổng số 27 bia và chuông riêng Thanh Hóa có 6 bia. Trong số 6 bia nói trên thì 3 tấm bia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và có chế độ bảo vệ đặc biệt, 3 tấm còn ở lại Thanh Hóa.
1. Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An Đạo tràng chi bi văn, hay còn gọi (bia cổ Trường Xuân), dựng năm 618 ở thôn Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn. Bia hiện để tại khu trưng bày hiện vật giai đoạn Bắc thuộc (tầng 1) trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam ở Hà Nội. Theo dịch thuật của Học giả Phan Bảo, bia được khắc vào năm Nhâm Dần, ghi niên hiệu nhà Tùy năm Đại Nghiệp thứ 14 (618). Bia được coi là một trong những tấm bia cổ quý hiếm nhất có niên đại sớm nhất còn được lưu giữ. Bia có nội dung tụng ca công tính của Thái thú Lê Cốc (Lê Ngọc) cùng các con nổi dậy chống lại nhà Đường.
2. An Hoài Sơn Báo Ân tự bi ký dựng năm thứ 10 niên hiệu Hội Phong đời vua Lý Nhân Tông (1102) tại Núi Nhồi chùa Báo Ân thuộc xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Bia hiện đặt ngoài trời tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Theo niên đại khắc trên bia thì đây là tấm bia có niên đại rất sớm và còn lưu giữ được khá nguyên vẹn. Nội dung ghi việc Thái úy Lý Thường Kiệt chủ trì cùng với sự ủng hộ của thiện nam tín nữ Thanh Hóa xây dựng chùa Báo Ân (xã An Hoạch, huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Bia chính là minh chứng cho biết sự tôn sùng đạo Phật của vua và tầng lớp quý tộc xưa.
3. Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi ký dựng năm 1126 xã Ngọ Xá, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (hiện để tại Bảo tàng Lịch sử - trong không gian trưng bày giới thiệu nhà Lý 1009-1400). Đây là một trong số những tấm bia quý hiếm nhà Lý còn lại nguyên vẹn. Bia dựng trên thân rùa vững chãi, bề thế với tinh thần chí nguyện công lao to lớn sẽ được lưu truyền mãi. Về hình thể: Trán bia hình bán nguyệt khắc chữ Hán: Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi ký (bia chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng). Nội dung bia đề cao công đức của Thái úy Lý Thường Kiệt trong việc tìm đất, công đức tiền của để xây dựng chùa Linh Xứng. Bia còn cho biết lịch sử phát triển của Phật giáo thời nhà Lý cũng như võ công hiển hách của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống quân Chiêm Thành (Chămpa) năm 1069 và công cuộc bình Tống năm 1075-1077.
Bên cạnh đó còn có bia mộ chí - Bảo Chưởng Thái Bà mộ chí năm 1207 tại xã Hòa Chúng, huyện Quảng Xương cũng được đưa vào Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
3 tấm bia còn lại ở Thanh Hóa đó là:
1. Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh dựng năm 1118 tại thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, hiện còn tại Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh.
2. Càn Ni Sơn Hương Nghiêm tự bi minh dựng năm 1125 đặt tại chùa Hương Nghiêm, xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa.
3. Minh Tịnh tự bi văn đang được lưu giữ tại khu văn hóa thôn Thọ Văn, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa.
Dấu ấn văn hóa xứ Thanh được giới thiệu sâu rộng ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia đó còn là các di chỉ văn hóa Việt Nam tiêu biểu trên đất Thanh Hóa: Di chỉ văn hóa Núi Đọ, Di chỉ văn hóa Đa Bút, văn hóa Hoa Lộc, Di chỉ văn hóa Đông Sơn. Hiện vật tiêu biểu của Di chỉ Núi Đọ là rìu tay bằng chất liệu đá bazan cách ngày nay khoảng 400.000-300.000 năm. Rìu đá chính là loại hình công cụ lao động tiêu biểu của cư dân nguyên thủy thời kỳ đồ đá cũ dùng để lao động, tìm kiếm thức ăn, bóc vỏ hạt. Dù chỉ là chế tác bằng tay (hình thức chế tác kỹ thuật thấp), nhưng đã chứng minh cho quá trình tiến hóa đi từ trên cây xuống mặt đất để sinh sống, phát triển.
Văn hóa Đa Bút cách ngày nay khoảng 6.000-4.000 năm và được các nhà khoa học phát hiện năm 1925-1927 ở thôn Đa Bút, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc. Công cụ chế tác từ đá cuội, với kỹ thuật ghè đẽo và mài để tạo ra các loại công cụ thô sơ. Văn hóa Đa Bút nằm trải dài vùng ven biển Thanh Hóa và được biết đến từ việc chế tạo công cụ đá và nghề gốm. Nó cũng chứng minh cho sự phát triển của con người từ hái lượm đến săn bắt, đánh cá và biết gieo trồng một số loài cây củ quả.
Văn hóa Hoa Lộc cách ngày nay khoảng 4.000-3.000 năm, được phát hiện tại xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc. Hiện vật được giới thiệu đó là bản dập hoa văn, gốm đất nung. Các nhà nghiên cứu đã thống nhất đánh giá đây là thời kỳ phản ánh sự tiến triển trong tư duy, con người đã biết ghi dấu sản phẩm mình làm ra, tự hào về nó bằng tư duy thẩm mỹ giản dị mà tinh tế.
Văn hóa Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.500-2.000 năm. Văn hóa Đông Sơn được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1924 dựa trên vật cổ đó là chiếc trống đồng do người nông dân làm ruộng và lấy được ở bên bờ sông Mã thuộc huyện Đông Sơn (nay là TP Thanh Hóa). Các nhà khoa học định danh đây là nền văn hóa với một hệ thống những công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí. Đặc biệt, Thanh Hóa được biết đến là nơi có nhiều trống đồng nhất. Trống đồng là hiện vật tiêu biểu nhất kết tinh kỹ năng đúc đồng đạt đến trình độ cao nhất và tri thức khoa học của thời đại cũng như tài năng và tinh thần của người Việt cổ. Cũng từ đây địa danh nay vinh dự tự hào gắn với tên gọi của một nền văn hóa: Văn hóa Đông Sơn. Hiện vật đặc biệt nhất được giới thiệu đó là Cây đèn hình người qùy - là một trong số các bảo vật quốc gia. “Cây đèn được nhà khảo cổ học O. Janse (Thụy Điển) phát hiện khi khai quật ngôi mộ gạch ở Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa. Và được chuyển về bảo tàng năm 1935. Đây là hiện vật rất độc đáo trong số ít những cây đèn cùng loại thuộc thời kỳ hậu Đông Sơn, phản ánh sự giao thoa giữa văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa khác. Cây đèn với hình khối tạo tác và hoa văn trang trí thể hiện tài năng nghệ thuật cũng như tư duy thẩm mỹ và khả năng tiếp nhận thích ứng của người Việt cổ hàng ngàn năm trước”.
Có hai hiện vật mang nét riêng biệt thu hút người xem được trưng bày tại khu trưng bày Việt Nam thời kỳ từ thế kỷ 1- thế kỷ 10 SCN tại bảo tàng này có nguồn gốc từ Thanh Hóa đó là: Chậu trống đồng Lạch Trường thế kỷ 2-3 và khay gốm Lạch Trường thế kỷ 2.
Vương triều Hồ - vương triều ngắn ngủi nhất trong lịch sử tồn tại ở Thanh Hóa với kỳ quan thành Tây Đô và những dấu ấn cải cách mạnh mẽ về tiền tệ, về đất đai, văn hóa và quân sự được giới thiệu nổi bật với hiện vật đầu phượng đất nung thế kỷ 14-15, thường được trang trí góc mái hay đầu đao. Đầu phượng này mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật Đại Việt thời Trần Hồ. Đầu phượng có kích thước lớn cho thấy công trình kiến trúc kỳ vĩ và thể hiện tài năng của nghệ nhân dân gian Việt.
Dấu ấn Thanh Hóa còn được thể hiện nổi bật trong nhiều giai đoạn lịch sử tiếp theo nhưng ấn tượng nhất, có sức găm vào trí nhớ người xem đó là giai đoạn chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ với hình ảnh đoàn xe đạp thồ, hiện vật xe thồ của dân công tỉnh Thanh Hóa tiếp lương thực, thực phẩm cho chiến trường Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954 và hiện vật chiếc mũ rơm của các cụ lão dân quân Hoằng Trường trong chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ năm 1965-1972. Nhiều du khách quốc tế, nhiều Việt Kiều và những người con Thanh Hóa đã đứng lặng hồi lâu và trong lòng dâng lên cảm khái tự hào, khâm phục khi ngắm nhìn chiếc xe đạp thồ của ông Bùi Tín, dân công tỉnh Thanh Hóa dùng vận chuyển lương thực và thực phẩm phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ.
Dấu ấn Thanh Hóa trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hết sức sinh động và hấp dẫn, khó có thể kể ra và điểm hết trong một bài viết nhỏ, nhưng thực sự đã đem lại niềm tự hào, lòng ngưỡng mộ và khâm phục với các thế hệ cha ông đã cùng quân dân cả nước làm nên truyền thống dựng nước và giữ nước oanh liệt, oai hùng. Những hiện vật, những hình ảnh đó đã hội tụ và có tiếng nói mãnh liệt về vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn và vô cùng ý nghĩa của quân dân Thanh Hóa, chúng ta tin tưởng rằng sẽ được lưu truyền mãi, góp phần thắp sáng và hun đúc nên truyền thống Thanh Hóa anh hùng, nghĩa dũng trong mọi thời đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tuyển tập Văn bia Thanh Hóa - tập một Văn bia thời Lý Trần - NXB Thanh Hóa - 2012.
2. Hướng dẫn tham quan - Bảo tàng Lịch sử quốc gia - 2013.
3. Tài liệu điền dã cá nhân.
http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/dau-an-thanh-hoa-tai-bao-tang-lich-su-quoc-gia/90659.htm1.
04/11/2017 00:09 405
Bia Trường Xuân, đá, dựng năm Đại Nghiệp thứ 14 triều Tùy (618), thôn Trường Xuân, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Bia Trường Xuân, đá, dựng năm Đại Nghiệp thứ 14 triều Tùy (618), thôn Trường Xuân, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Bia Trường Xuân là một trong hai tấm bia cổ, quý hiếm nhất được phát hiện cho đến nay. Đỉnh bia trang trí đôi rồng đấu lưng vào nhau; trán bia hình bán nguyệt, mặt trước khắc ba hàng gồm 12 chữ: “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn”. Nội dung văn bia bị mờ gần hết, những phần chữ còn lại cho thấy văn bia ca tụng Phật pháp cũng như đạo học và sự nghiệp của viên Thứ sử Cửu Chân họ Lê (Lê Cốc hay Lê Ngọc) - người đã lập Bảo An đạo tràng (nơi thờ Phật) và cho dựng bia kỷ niệm. Theo tài liệu ghi chép, Ông cũng là người cùng các con nổi dậy chống nhà Đường năm 618. Vì vậy, bia Trường Xuân là tư liệu quý, không chỉ minh chứng cho sự du nhập và phát triển Phật giáo ở nước ta từ rất sớm mà qua đó còn cho thấy phong trào khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Hoa thời kỳ này.
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.