Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

23/11/2019

Đắc Lộ bản cập nhật 2019 : vẫn chưa yên với "chữ quốc ngữ" suốt từ 1650s

Thập niên 1650 là một thập niên đáng ghi nhớ trong lịch sử chữ quốc ngữ, với việc giáo sĩ Đắc Lộ đã miệt mài trong suốt mấy năm ở châu Âu để cho ra đời bộ 3 tác phẩm quan trọng:
- Từ điển Việt - Bồ - La,
- Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài,
- Hành trình và truyền giáo.

Bộ sách được chuẩn bị từ mấy chục năm trước, nhưng đến thập niên 1650 mới được in thành sách và phổ biến rộng rãi ở châu Âu.


1. Niên đại 1650s luôn là cột mốc vĩ đại trong lịch sử Việt Nam (trên nhiều phương diện). Còn riêng về lịch sử chữ quốc ngữ, bộ 3 tác phẩm của Đắc Lộ cũng là một cột mốc vĩ đại. Vĩnh viễn không thể phủ nhận.

2. Bộ sử chính thống của Đại Việt phải đến 1680s mới được nhà nước Đại Việt đem in khắc gỗ. Tức là muộn lại so với 1650s tới khoảng 30 năm. Chưa có bộ sử nào được in trước thập niên 1680. Mới chỉ có bản chép tay trên giấy trải qua các đời Lý - Trần - Lê mà thôi. 

3. Loạt bia đá chính thống của nhà Lê Trịnh ở Văn Miếu - Quốc tử giám, tức bia đề danh bia kí (ghi tên các vị đỗ tiến sĩ ở các đời vua Lê trung hưng - Lê mạt), cũng là phải tới thập niên 1650s mới được khắc tiếp. Khắc cùng lúc tới mấy chục tấm bia đề danh tiến sĩ, vì phải đến lúc đó mới có được điều kiện.

Việc khắc bia tiến sĩ ở Văn Miếu của Đại Việt bị dừng trong một thời gian rất dài, từ 1520s đến tận 1650s, tức là khoảng 130 năm !

Sắp tới, mấy hôm nữa, tôi sẽ công bố một bài viết về thập niên 1650 đáng ghi nhớ này trong lịch sử Việt Nam.

4. Hãy nghe lại, Đắc Lộ đã viết như sau vào thập niên 1640 (đã đi entry riêng từ mấy năm trước, ở đây):

"Lúc vĩnh viễn phải bỏ xứ này mà đi, không thể có cơ hội trở lại, Đắc Lộ viết (viết khoảng năm 1645, sau này được in năm 1653):

"Tôi từ giã xứ Nam bằng thể xác, nhưng chẳng bằng lòng trí, cả đối với xứ Bắc cũng vậy; thật sự, tâm hồn tôi để trọn ở hai nơi ấy, và tôi tưởng không bao giờ lòng trí tôi có thể rời khỏi đó".


(Voy.p268. Bản dịch tiếng Việt của Phạm Đình Khiêm năm 1960).

Bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên năm 1994:

"... họ lớn tiếng rao lệnh trục xuất tôi: chúa cấm tôi không được trở lại đất này, nếu không sẽ bị xử tử, cả thuyền trưởng người Bồ chở tôi đến cũng sẽ mất đầu.
Đó là ngày mồng 3 tháng 7 năm 1645, thân xác tôi rời bỏ Đàng Trong nhưng linh hồn tôi thì không, cả Đàng Ngoài cũng không kém. Thực ra cả hồn và xác tôi đều ở cả hai nơi và tôi không nghĩ tôi có thể rời bỏ mãi được. Mới ra tới biển, thì một trận bão rất dữ dằn nổi lên làm cho tàu chúng tôi gần như bị vỡ. "

Đến năm 2019, vấn đề Đắc Lộ với chữ quốc ngữ vẫn chưa yên. Cách đây 6 năm, vào năm 2013, mình đã viết ở đây.

Đi một ít tư liệu. Cập nhật dần theo thứ tự ngược.


Tháng 11 năm 2019,
Giao Blog













---


9.

"
(Topic này không hoan nghênh những người không làm nghiên cứu hàn lâm)
Topic này giới thiệu: (i) Luận án tiến sỹ của GS Thuần thực hiện ở Đại học Paris, Pháp năm 1969, được dịch ra tiếng Việt. Trong đó trang 4-6 có đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa chính sách truyền giáo và xâm lược thực dân ở VN, bao gồm cả giai đoạn thế kỷ 15, 16 trở đi (nghĩa là bao gồm giai đoạn Rhodes làm việc ở VN)
(ii) Phần dẫn nhập - cuốn sách "Đạo Thiên Chúa & Chủ Nghĩa Thực Dân tại Việt Nam" cũng của GS Thuần, trong đó nói đến việc Rhodes bị xua đuổi khỏi VN vì gây hại cho văn hóa VN như thế nào.

Như vậy, việc nhóm TS Lê Cung nói rằng đạo thiên chúa mở đường cho Pháp xâm lược VN là có cơ sở và dẫn chứng tài liệu ở nước ngoài. (Mở đường có nghĩa là chuẩn bị cả nhân sự, cả về hiểu biết về xứ sở, mối quan hệ với người bản xứ cho nên có thể kéo dài hàng trăm năm). Đó cũng là nghi ngờ phổ biến lâu nay ở VN rằng các cố đạo tây là một bầy gián điệp là có cơ sở.

Tôi rất kinh ngạc khi có những nhà nghiên cứu sang Mỹ học mà còn chụp mũ rằng NIỀM TIN và SỰ TƯỞNG TƯỢNG của nhóm TS Cung dựa vào các tài liệu bịa đặt trong nước.

Lại có nhà nghiên cứu trẻ so sánh các sách và bài viết của Rhodes, (những tài liệu chỉ đáng so sánh với tài liệu của nhân viên các tổ chức quốc tế báo cáo sếp, bởi không có peer-reviewed), với các bài báo của giới hàn lâm để chê bai nhóm TS Cung. Tôi không hiểu anh ta đi học tiến sỹ để làm gì?? Tôn giáo vốn bị coi là đối nghịch với khoa học, và các tài liệu tôn giáo không bao giờ nên so sánh với các nghiên cứu khoa học.

Kinh hãi hơn nữa khi có nhiều người cả đời không đọc nổi 1 cuốn sách nghiên cứu, 1 chữ bẻ đôi tiếng Pháp, Bồ, Latinh không biết, nhưng rất hăng hái xông vào thóa mạ các nhà nghiên cứu.


https://sachvui.com/sachvui-686868666888/ebooks/2018/pdf/Sachvui.Com-giao-si-thua-sai-va-chinh-sach-thuoc-dia-cua-phap-tai-viet-nam-1857-1914--cao-huy-thuan.pdf?fbclid=IwAR24wdPGR2CyzF2NOXP_z2zFFtYHyzP6pxXeK_W2cYHbmDjqE-ToBoCcHOw
"


8.



30/11/2019 11:31 GMT+7

TTO - 'Từ ngày báo chí, dư luận công bố bản kiến nghị tạm dừng đặt tên đường hai vị giáo sĩ do chúng tôi đứng tên gửi TP Đà Nẵng, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại lạ gọi đến chửi bới, dọa dẫm, thậm chí là khủng bố'.


Nhóm người gửi kiến nghị không đặt tên đường hai giáo sĩ: Chúng tôi bị khủng bố - Ảnh 1.
Nhóm nghiên cứu đề nghị TP Đà Nẵng dừng lấy tên hai vị giáo sĩ làm tên đường đã bị nhiều số điện thoại lạ "khủng bố" - Ảnh: Chụp màn hình
TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - giảng viên khoa lý luận chính trị Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, một trong nhóm 11 người gửi đơn đề nghị TP Đà Nẵng hoãn việc đặt tên đường với hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online như vậy. 
Cô Huyền nói "Chưa bao giờ thấy việc nghiên cứu khoa học lại mệt mỏi và nguy hiểm đến thế".
Cô Huyền cho biết đã là nghiên cứu khoa học bản thân sẵn sàng lắng nghe, phản biện, nếu các nhà khoa học khác có dẫn chứng xác đáng về vấn đề này thì cô sẵn sàng thay đổi quan điểm.
Chỉ đơn giản là khoa học
Cô kể khi nhận được lời đề nghị tham gia việc gửi kiến nghị từ PGS.TS Lê Cung, cô đã bảo với thầy nếu bản kiến nghị đó với nội dung phản ánh đúng lịch sử, khách quan, có dẫn chứng đúng đắn, khoa học và không vì mục đích tôn giáo hay chính trị, trên tinh thần xây dựng thì cô đồng ý tham gia.
Bản thân cô cũng thấy TP Đà Nẵng đang trưng cầu ý dân. Vì vậy, với tư cách là một nhà khoa học, cô Huyền đồng ý tham gia bởi cô thấy việc đặt tên đặt tên đường hai vị giáo sĩ còn nhiều việc phải làm rõ.
"Đã là nghiên cứu khoa học thì có đúng có sai, có quan điểm này đối lập với quan điểm kia. Phải có sự đối lập, tranh luận mới có sự phát triển. Tôi xin nhấn mạnh việc này với chúng tôi là nghiên cứu khoa học và không có mưu đồ chính trị, văn hóa hay gì khác ngoài khoa học" - cô Huyền nói.
Bị chửi bới, khủng bố
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, cô Huyền nói rất buồn và cảm thấy bị áp lực sau khi báo chí, mạng xã hội công bố bản kiến nghị kèm danh sách nhóm của cô gửi  TP Đà Nẵng.
Ngay sau đó, số điện thoại cá nhân của cô bị "khủng bố" bởi nhiều cuộc gọi lạ. "Đa phần những cuộc gọi này gọi đến tôi để chửi bới với những lời lẽ tục tĩu nhiều hơn là để hỏi về vấn đề đặt tên đường. Không chỉ tôi mà các thành viên trong nhóm ai cũng bị vậy" - cô Huyền nói.
"Khi TP Đà Nẵng có ý muốn đặt tên đường, với tư cách là một người dân chứ chưa nói đến nhà nghiên cứu khoa học, tôi nghĩ việc có ý kiến về vấn đề này là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, dư luận chỉ vì việc này mà chửi bới chúng tôi dữ dội như vậy, thử hỏi sau này ai dám có ý kiến về những vấn đề xã hội như thế nữa" - cô Huyền tâm tư.
Cũng liên quan đến việc này, Tuổi Trẻ Online đã tìm đến nhà riêng của PGS.TS Lê Cung - người đứng thứ nhất trong danh sách kiến nghị TP Đà Nẵng tạm dừng đặt tên đường hai vị giáo sĩ. Tại đây, ông Cung chỉ nói rằng tất cả mọi tâm huyết, ý kiến của mình đã nêu rõ trong bản kiến nghị và xin không thông tin gì thêm nữa. 
Tuổi Trẻ Online cũng đã liên lạc với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về việc này. Ông Xuân cũng nói rằng mục đích của việc gửi bản kiến nghị lên TP Đà Nẵng là tạm dừng việc đặt tên đường để tiếp tục nghiên cứu thêm. Trước mắt mục đích này đã thành công, TP Đà Nẵng cũng đã lắng nghe các nhà nghiên cứu nên ông Xuân nói rằng cũng không thông tin gì thêm.
Đặt tên đường 2 giáo sĩ: chờ tranh luận ngã ngũĐặt tên đường 2 giáo sĩ: chờ tranh luận ngã ngũ
TTO - Kiến nghị phản đối Đà Nẵng đặt tên đường hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes nhận được nhiều phản biện và làm dấy lên những nghi ngại về tính chính danh.
https://tuoitre.vn/nhom-nguoi-gui-kien-nghi-khong-dat-ten-duong-hai-giao-si-chung-toi-bi-khung-bo-20191130101436605.htm?fbclid=IwAR3LD2eUKrVhSQKww4Pd199Q8KSBq43xv2uehbntEoTgWVSz8iOymtEzQ68



7.


Mạc Văn Trang


Chuyện TP Đà Nẵng phải hoãn đặt tên đường phố mang tên hai giáo sĩ Francisco De Pena và Alexandre De Rhodes do có 12 người ký tên phản đối, đã có nhiều người bàn luận. Tôi đã định không viết gì về chuyện này nữa, nhưng hôm nay lại nhận được một bài viết, của một người, nêu thêm mấy lý do.

Gộp cả lại, mấy người phản đối hoặc chưa đồng tình, vì cho rằng:
- Các vị giáo sĩ này Latinh hóa tiếng Việt nhằm mục đích truyền giáo chứ không nhằm giúp dân Việt Nam có chữ Quốc ngữ (Món quà vô tình, nên không cần cám ơn);
- Các vị giáo sĩ có liên quan đến chuyện Pháp xâm lược Việt Nam, vậy là có tội, sao lại có công (Dù các vị này đã chết hơn 200 năm, trước khi Pháp xâm lược Việt Nam);
- Latinh hóa là xu thế quốc tế vào thế kỷ XVI – XVII, Nhật, Trung quốc, Ấn độ, các nước Ả Rập… cũng tiến hành Latinh hóa chữ viết của họ, chứ đâu chỉ có Việt Nam … (Nhưng xin thưa, họ không thành công, nên nay vẫn dùng chữ riêng của họ, hoặc dùng tiếng Anh);
- Các giáo sĩ này không làm việc Latinh hóa Tiếng việt thì cũng sẽ có người khác làm (Nói vậy, cũng như nói, nếu ông không là bố tôi, mẹ tôi cũng lấy người đàn ông khác và cũng đẻ ra… tôi!);
- Chữ Quốc ngữ là công của nhiều giáo sĩ, chứ đâu chỉ có hai ông này. (Nhưng, thưa, hai ông này có ghi rõ tên tuổi trong những công trình còn lưu giữ đến nay, các ông cũng ghi rõ đã tiếp thu cái gì, làm thêm cái gì, chứ không đạo văn);
- Chữ Quốc ngữ được bảo tồn và phát triển là nhờ công của nhiều người truyền bá, nhất là công người Pháp mở trường dạy chữ quốc ngữ, rồi bao nhiêu phong trào, chữ Quốc ngữ mới phát triển rực rỡ như ngày nay…(Vâng, những người nổi danh từ chữ Quốc ngữ đã được vinh danh rồi: Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phan Khôi… Nhưng hai ông “Tổ nghề” thì lại chưa “đạt yêu cầu”!

Nhân sự kiện này tôi nhớ tới câu nói nổi tiếng của nhà nghiên cứu văn hóa Pháp Edouard Herriot: "Văn hóa là cái còn lại khi ta quên đi tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả".

“CÁI CÒN LẠI”… của Francisco De Pena và Alexandre De Rhodes đó chính là CHỮ QUỐC NGỮ toàn dân Việt Nam đang dùng; nó hay, nó đẹp, nó tiện ích ra sao, nên nó mới được bảo tồn và phát triển rực rỡ như ngày nay và chắc là Tiếng ta còn, thì Chữ Quốc ngữ sẽ trường tồn cùng dân Việt.

Nào, bao nhiêu vị được đặt tên đường phố, quảng trường… hỏi mỗi vị ấy có cái gì “CÒN LẠI” có ích cho dân tộc hôm nay? Chắc không nhiều lắm đâu!

Bới móc quá khứ, tội lỗi, cái “xấu” của nhau ra theo con mắt của thời nay thì kinh lắm đấy!

Giá trị Văn hóa, Lịch sử của mỗi Con người – Nhân cách của người ấy, chính là sau khi đã quên đi tất cả, họ CÒN LẠI cái gì CÓ GIÁ TRỊ cho hôm nay và mai sau?

“CÁI CÒN THIẾU” trong câu chuyện phản đối đặt tên đường phố mang tên Francisco De Pena và Alexandre De Rhodes là gì? Là SỰ HỌC HỎI!

Không chỉ 12 vị ký tên phản đối đặt tên đường hai giáo sĩ đâu! Dân ta, nói chung là thế! “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”; “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”… Khi trong lòng chứa chất đầy thù hận, định kiến “không tan” thì chẳng nhìn ra đâu là chân lý.

Hãy xem NGƯỜI NHẬT.
Người Mỹ đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống TP Hiroshima (6/8/1945) và TP Nagasaki (9/8/1945), rồi sau đó Thống tướng Douglas MacArthur Tư lệnh Tối cao Tổng lực lượng Đồng Minh Vùng Tây Nam Thái Bình Dương, lực lượng chủ yếu đánh tan đội quân hùng mạnh của Nhật tại Châu Á – Thái Bình dương, đem quân vào chiếm đóng nước Nhật. Ông ta trực tiếp “bắt” Nhật Bản ký “đầu hàng nhục nhã” ngày 2/9/1945. Rồi ông ta đem 350 ngàn quân chiếm đóng Nhật bản suốt hơn 5 năm (1945 – 1951).

Ông ta đã tha tội chết cho nhà vua Nhật, đáng lẽ là tội phạm chiến tranh đầu sỏ, nhằm “duy trì chế độ phong kiến thối nát”; ông ta xây dựng nên một “Chính phủ bù nhìn, làm tay sai cho Mỹ”; ông ta làm ra một bản Hiến pháp mới “cưỡng bức từ vua quan đến toàn dân nhật phải tuân theo”; ông ta “áp đặt” hàng loạt chính sách tái thiết, phát triển Nhật Bản thành mô hình Tư bản mới… Ông ta đại diện cho đế quốc Mỹ, trực tiếp gây “tội ác tầy trời với Nhật”…

Ông ta còn “mắc nhiều khuyết điểm trầm trọng” nên bị Tổng thống Harry S. Truman triệu hồi về nước ngày 11 tháng 4 năm 1951.

Nhưng điều kỳ lạ là, trong Hồi ký của Kiichi Miyazawa (Thủ tướng Nhật nhiệm kỳ 1991-1993) có đoạn viết:

Ngày 11/4/1951, báo đài đưa tin MacArthur bị miễn chức. Tin này làm người Nhật vô cùng sửng sốt, họ không thể nghĩ tới chuyện Thống tướng MacArthur – người nghiễm nhiên tự cho mình là Thái Thượng Hoàng nước Nhật lại có thể bị bãi miễn dễ dàng bởi một mệnh lệnh của Tổng thống. MacArthur là người nắm quyền lực tối cao ở Nhật. Hàng ngày ông đi làm và về nhà bằng xe cắm quốc kỳ Mỹ. Khi ấy giao thông trên các đường phố xung quanh trụ sở Bộ Tư lệnh SCAP đều bị cấm, quân cảnh Mỹ đứng trên các ngã tư chỉ huy giao thông… Ngày 16/4, MacArthur rời Tokyo về Mỹ. Hôm ấy dân chúng Nhật đứng chật kín suốt hai bên đường từ trụ sở SCAP tới sân bay Haneda. Thủ tướng Nhật cùng toàn thể thành viên Chính phủ ra sân bay tiễn đưa. Tôi đứng sau Bộ trưởng Tài chính, đối diện với chiếc chuyên cơ. MacArthur cùng vợ và con trai lần lượt bắt tay từng quan chức. Khi MacArthur bước lên thang máy bay, một quan chức Nhật bỗng hô to “MacArthur muôn năm !” Thế là tất cả mọi người đều giơ tay hô theo “Muôn năm”…. (Dẫn theo Nguyễn Hải Hoành, http://nghiencuuquocte.org/2018/04/02/macarthur-nguoi-mo-cua-nuoc-nhat-lan-thu-hai/).

Người Nhật thế đó. Và nước Nhật đến 1968 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và luôn là đồng minh tin cậy của nước Mỹ.

Có phải “CÁI CÒN THIẾU” của người Việt Nam là vẫn chưa học được như người Nhật?

29/11/2019
Mạc Văn Trang










Nguyễn Hải Hoành


Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Nước Nhật trong lịch sử từng hai lần được mở cửa với thế giới phương Tây, nhờ đó nhanh chóng trở thành cường quốc thế giới. Và như một định mệnh, cả hai lần mở cửa ấy đều do người Mỹ chủ động thực hiện.
Nhân vật đầu tiên mở toang cánh cổng mấy nghìn năm đóng kín nước Nhật phong kiến bảo thủ là Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Matthew Perry (1794-1858). Ngày 14/7/1853 hạm đội do ông chỉ huy cặp bến Kurihama (nay là Yokosuka) ở vịnh Tokyo, chuyển tới chính quyền Nhật thư của Tổng thống Mỹ Millard Fillmore yêu cầu Nhật mở cửa thông thương với Mỹ. Chín tháng sau, khi hạm đội Perry quay lại Tokyo, chính quyền Nhật chấp nhận mở cửa, từ đó nước Nhật sang trang lịch sử mới, bắt đầu bước lên con đường hiện đại hóa, nhanh chóng trở thành một cường quốc. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử ấy, năm 1901 người Nhật khánh thành Công viên Perry cùng tượng đài kỷ niệm ông tại chính địa điểm Perry lên bờ lần đầu. Nhưng cuối cùng sự nghiệp hiện đại hóa vẻ vang ấy đã bị thế lực quân phiệt Nhật chôn vùi trong đống tro tàn của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương do họ gây ra.
Lần mở cửa thứ nhất kết thúc thất bại vì nước Nhật chưa triệt để hiện đại hóa về chính trị. Nhưng sau đó nước này được mở cửa lần nữa, mở cửa toàn diện và sẽ không thể thất bại, bởi lẽ lần này nhân dân Nhật được làm chủ đất nước. Nhân vật mở cửa nước Nhật lần thứ hai lại là một người Mỹ – tướng Douglas MacArthur (1880-1964).
Nếu như ngót trăm năm trước Perry dựa vào đội tàu chiến hùng mạnh của ông để gây sức ép đòi Nhật mở cửa buôn bán với Mỹ, và ông phải chờ 9 tháng sau mới nhận được sự đồng ý của Tokyo, thì lần này MacArthur được toàn quyền quyết định số phận nước Nhật. Trong gần 6 năm chỉ huy đội quân chiếm đóng Nhật, ông đã sử dụng quyền lãnh đạo tối cao nước này để thực hiện mục tiêu tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phong kiến quân phiệt Nhật, cải tạo toàn bộ nền chính trị, kinh tế, giáo dục theo một mô hình mới người Nhật chưa từng biết, khiến nước Nhật thực sự “Thoát Á nhập Âu”, trở thành quốc gia có chế độ chính trị-kinh tế-xã hội tiên tiến, tạo điều kiện để tới năm 1968 trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đóng góp của MacArthur đối với nước Nhật lớn tới mức ông là người nước ngoài duy nhất  được xếp vào danh sách Mười hai người tạo dựng nước Nhật (The Twelve Men Who Made Japan) trong cuốn sách cùng tên của Sakaiya Taichi xuất bản năm 2003 tại Tokyo. Chương 10 sách này có đầu đề “MacArthur – Thí nghiệm biến Nhật Bản thành một ‘nước Mỹ lý tưởng’”. Sở dĩ gọi là “nước Mỹ lý tưởng” vì MacArthur không hài lòng với nước Mỹ đương thời, ông tưởng tượng ra một nước Mỹ hoàn hảo hơn, và ông muốn tạo dựng nước Nhật theo hình mẫu nước Mỹ lý tưởng ấy. Quả thực ông đã đem lại cho người Nhật những thứ họ chưa từng biết đến: chế độ chính trị dân chủ, bình đẳng nam nữ, tự do ngôn luận, nền kinh tế không có các đại tập đoàn gia tộc, v.v… Nhưng không phải người Nhật chấp nhận tất cả những thứ mới lạ ấy, chẳng hạn về sau họ lại xây dựng các tập đoàn công nghiệp khổng lồ có tính sở hữu gia tộc.
Nếu Perry chỉ là một vị khách của nước Nhật thì MacArthur là chúa tể nước này trong khoảng 6 năm sau Thế  chiến II, quyền lực cao hơn cả vua nước Nhật.
Người Nhật gọi đức vua của họ là Thiên Hoàng (tiếng Nhật: Tenno), vì họ tin rằng gia tộc nhà vua ấy là dòng dõi của Thiên Chiếu Đại Thần, tức Thần Mặt Trời Amaterasu, là người thần, không phải người thường, vì thế được quyền cha truyền con nối cai trị nước Nhật suốt lịch sử, chưa hề bị thay bằng người khác gia tộc (như ở Trung Quốc, Việt Nam).
Vì MacArthur chỉ huy cả đương kim Thiên Hoàng Hirohito nên người Nhật gọi ông là Thái Thượng Hoàng, tức hoàng đế đã truyền ngôi cho con nhưng vẫn nắm thực quyền.
Trước đó MacArthur đã rất nổi tiếng ở Mỹ. Ông là người Mỹ duy nhất từng chiến đấu trong 3 cuộc chiến lớn là Thế chiến I, II và Chiến tranh Triều Tiên, thập niên 1930 từng làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, là một trong 5 quân nhân Mỹ được phong hàm Thống tướng (General of the Army), là người Mỹ duy nhất được Chính phủ Philippines phong hàm Nguyên soái quân đội Philippines (Field Marshal). Vị tướng 5 sao này nổi tiếng với câu nói: “Trong chiến tranh không có gì thay thế được chiến thắng (In war, there is no substitute for victory). Ông có cá tính mạnh mẽ, thẳng thắn tranh cãi với cấp trên, với các Tổng thống Mỹ ông từng phục vụ. Cũng vì mâu thuẫn với Tổng thống Truman về chủ trương giải quyết cuộc chiến tranh Triều Tiên (MacArthur muốn ném bom vùng Đông Bắc Trung Quốc, Truman phản đối vì ngại Liên Xô có cớ can thiệp) mà tháng 4/1951 ông bị mất chức và phải về Mỹ, kết thúc cuộc đời binh nghiệp 52 năm.
Tháng 8/1945, MacArthur 65 tuổi được cử làm Tư lệnh Tối cao Quân đội Đồng minh (Supreme Commander for the Allied Powers, SCAP). Ngày 30/8, ông đến Tokyo. Ngày 2/9, ông thay mặt lực lượng Đồng minh ký văn kiện chấp nhận Nhật đầu hàng trong nghi lễ đầu hàng cử hành trên tàu chiến Missouri của Mỹ đậu trong vịnh Tokyo. Phát biểu tại nghi lễ ấy, ông nói về việc tạo ra một “thế giới tốt đẹp hơn” cho nước Nhật. Ngày 27/9 ông tiếp Thiên Hoàng Hirohito lần đầu tiên.
MacArthur chủ trương thiết lập chế độ chiếm đóng quân sự nhằm tạo dựng một nước Nhật phi quân sự hóa, dân chủ hóa và phi tập trung hóa, hạn chế chủ quyền quốc gia vào 4 đảo chính (HonshuHokkaidoShikokuKyushu) và một số đảo nhỏ. Chế độ chiếm đóng kéo dài 6 năm 8 tháng kết thúc ngày 8/9/1951, khi 51 quốc gia ký với Nhật Hòa ước San Francisco. Sau khi Hòa ước có hiệu lực (28/4/1952), Nhật trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền, năm 1956 gia nhập Liên Hợp Quốc.
Nước Mỹ huy động 350.000 lính chiếm đóng đất Nhật nhằm bảo đảm sự tuân thủ các điều kiện đầu hàng. Lính Mỹ đã tiến hành giải thoát tù binh, sa thải toàn bộ viên chức chính quyền quân phiệt, tước vũ khí và giải tán quân đội Nhật, buộc toàn bộ hơn 7 triệu lính Nhật trở về gia đình. Hai Bộ Lục quân và Hải quân Nhật bị bãi bỏ, tất cả đạn dược và vũ khí, thiết bị quân sự bị phá hủy. Công nghiệp quân sự chuyển sang sản xuất hàng dân dụng.
MacArthur tự mình đưa ra hai quyết định quan trọng: giữ lại Thiên Hoàng Nhật, và trừng trị các tội phạm chiến tranh Nhật. Với quyết định thứ nhất, ông đã chống lại sức ép mạnh mẽ từ trong nước và từ các nước Đồng minh đòi xử tử đầu sỏ tội phạm chiến tranh Hirohito và thủ tiêu chế độ Thiên Hoàng. Tuy rằng bản thân Hirohito cũng tự nhận chịu toàn bộ trách nhiệm về cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, nhưng MacArthur cho rằng Thiên Hoàng là biểu tượng sống của nước Nhật, biểu tượng sự ổn định và hòa hợp của người Nhật, nếu không có Thiên Hoàng thì dân tộc này sẽ hỗn loạn, các phe phái sẽ tranh giành quyền lực, gây mất ổn định chính trị, tàn binh Nhật sẽ tổ chức đánh du kích chống lại quân chiếm đóng. Quan điểm này về sau đã được chứng minh là đúng. Dân Nhật có truyền thống tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành lời Thiên Hoàng, họ không hề có hành động nào chống lại quân chiếm đóng.
MacArthur và Thiên Hoàng Hirohito gặp nhau tất cả 11 lần, Hirohito đều tiếp thu các chủ trương của MacArthur về quản trị nước Nhật. Ngày 1/1/1946, Hirohito đọc bản Tuyên ngôn Nhân gian (Ningen-sengen) trên đài truyền thanh, lần đầu tiên trong lịch sử tuyên bố Thiên Hoàng chỉ là người thường, không phải thần thánh, nghĩa là chấp nhận từ bỏ địa vị nắm quyền tối cao của quốc gia. Như vậy MacArthur là người lãnh đạo cao nhất nước Nhật.
Thi hành quyết định thứ hai, các quan tòa người Mỹ đã tổ chức xét xử tội ác chiến tranh, phát hiện hơn 4.200 quan chức Nhật có tội, trong đó 700 tội phạm nặng nhất bị kết án tử hình. Ngoài ra 186 nghìn nhân vật công chúng (public figures) bị thanh trừng. 28 quan chức chính phủ và sĩ quan cấp cao bị đưa ra Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn đông họp ở Tokyo, trong đó 25 người bị tuyên án có tội, 7 người bị kết án tử hình.
Sau khi đến Nhật, MacArthur lập tức ra lệnh cấm quân đội Đồng minh tấn công người Nhât và dùng lương thực thực phẩm của Nhật. Ông yêu cầu Chính phủ Mỹ viện trợ khẩn cấp lương thực thực phẩm cho Nhật để ngăn ngừa nạn đói và rối loạn chính trị. Sau chiến tranh, nước này chỉ còn là đống tro tàn. 9 triệu người không có nhà ở, 13 triệu người thất nghiệp. Bộ Tài chính Nhật báo cáo có 10 triệu dân bị đói. Đường phố đầy người ăn xin, phần lớn là lính giải ngũ và người tàn tật. Khẩu phần ăn của mỗi viên chức chỉ bằng một nửa so với tiêu chuẩn 2.200 calorie/ngày. Đã thế mùa màng năm 1945 lại xấu nhất trong 30 năm. Giá lương thực đắt gấp 7,5 lần. MacArthur lập tức tìm mọi cách cứu đói. Ngay từ cuối năm 1945 ông sửa lại kế hoạch đưa quân đội Mỹ đến chiếm đóng Nhật, giảm bớt 200.000 người, lấy số lương thực dôi ra để giúp dân Nhật. Năm 1946, ông đề nghị Chính phủ Mỹ viện trợ không hoàn lại cho Nhật 330 triệu USD; năm 1947 – 297 triệu USD. Quốc hội Mỹ đáp ứng mọi yêu cầu cứu đói dân Nhật do MacArthur nêu ra. Nhờ đó tới năm 1948, công chức Nhật đã được hưởng khẩu phần 2.000 calorie/ngày. Năm 1949, dự trữ lương thực từ số không lên tới 3 triệu tấn. Sản lượng gạo năm 1950 đạt 9,5 triệu tấn. Chính phủ Nhật dự định từ 4/1951 sẽ bỏ chế độ tem phiếu lương thực, nhưng sau đó phải hoãn lại, vì chiến tranh Triều Tiên bất ngờ có thay đổi do Trung Quốc đưa quân vào Triều Tiên tham chiến.
MacArthur chủ trương xây dựng tại Nhật một chế độ dân chủ kiểu Mỹ. Ông từng nói: Xét theo tiêu chuẩn hiện đại, nước Nhật là “một bé trai 12 tuổi” (a boy of 12), cần được dẫn dắt tiến lên chế độ dân chủ và chế độ tư bản phương Tây. Một trong những việc đầu tiên ông làm sau khi đến nước này là tịch thu 5 triệu thanh kiếm Nhật – biểu tượng tinh thần thượng võ của samurai (võ sĩ), từng bị bọn quân phiệt Nhật lợi dụng để gây chiến tranh. Ông ra lệnh bãi bỏ Thần đạo nhà nước (State Shinto) tức quốc giáo của nước Nhật, tôn giáo từng được bọn quân phiệt lợi dụng để phục vụ chiến tranh xâm lược, tuy vẫn cho các tôn giáo khác hoạt động. Ngày 4/10/1945, ông ra lệnh thả hết tù chính trị, kể cả tù cộng sản Nhật, cho dù Mỹ là nước chống chủ nghĩa cộng sản.
Đồng thời với việc tiệu diệt tận gốc cơ sở của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, MacArthur đã phát động cuộc cải cách dân chủ hóa nước Nhật toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế và giáo dục, khởi đầu bằng việc sửa đổi Hiến pháp.
Ngay từ tháng 7/1945, khi Mỹ, Anh và Trung Hoa Dân quốc bàn về các điều kiện đầu hàng của Nhật, MacArthur đã đề xuất Nhật phải sửa đổi Hiến pháp Minh Trị (ban hành năm 1889) nhằm thực hiện dân chủ hóa nước này. Tháng 10/1945 ông chỉ thị Chính phủ Nhật tiến hành việc đó. Tháng 2/1946 phía Nhật đưa ra dự thảo Hiến pháp, nhưng MacArthur không chấp nhận. Ông lập một Hội đồng gồm 25 người Mỹ và yêu cầu trong vòng một tuần phải dự thảo xong Hiến pháp mới, tức xong trước ngày họp các nước Đồng minh (26/2/1946), như vậy nước ngoài sẽ không thể can thiệp nội trị Nhật.
Hiến pháp mới thể hiện đầy đủ quan điểm tự do dân chủ và nguyên tắc tam quyền phân lập. Thiên Hoàng bị tước bỏ địa vị nắm quyền tối cao của quốc gia, chỉ còn là “Tượng trưng của quốc gia Nhật, của khối thống nhất quốc dân Nhật; địa vị của Thiên Hoàng dựa vào ý chí của toàn dân”. Việc cải cách triệt để chế độ Thiên Hoàng đã quét sạch chủ nghĩa độc tài chuyên chế phong kiến và đánh sập trụ cột tinh thần của chủ nghĩa phát xít Nhật.
Chương II quan trọng nhất chỉ có một điều khoản (Điều 9) ghi rõ: Nhân dân Nhật vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh, vĩnh viễn không sử dụng vũ lực hay đe dọa vũ lực trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nhằm mục đích đó, nước Nhật sẽ không duy trì lục quân, hải quân, không quân cũng như các tiềm năng chiến tranh khác, không công nhận quyền tuyên chiến của quốc gia có chủ quyền.
Chế độ Nghị viện được cải cách theo hướng dân chủ hóa: Quốc hội gồm Thượng viện và Hạ viện, thành viên Quốc hội là do công dân đủ 20 tuổi trực tiếp bỏ phiếu bầu ra. Thiên Hoàng và quân đội không còn có quyền can thiệp vào công việc của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội chỉ định, do lãnh tụ chính đảng giành nhiều phiếu nhất trong Quốc hội đảm nhiệm. Quân nhân chuyên nghiệp không được tham gia Chính phủ. Chế độ tập trung quyền lực được thay bằng chế độ địa phương tự trị. Quyền tư pháp không còn tập trung vào Thiên Hoàng như trước mà thuộc về Tòa án Tối cao và Tòa án các cấp, mở rộng tính độc lập của các cơ quan tư pháp. Các điều 10~40 của Hiến pháp mới quy định quyền lợi và nghĩa vụ công dân; phụ nữ trước đây có địa vị cực thấp trong xã hội nay được hoàn toàn bình đẳng với nam giới.
Ngày 10/4/1946, nước Nhật tổ chức tổng tuyển cử, bầu ra Chính phủ đầu tiên. Thiên Hoàng Hirohito và đại đa số dân Nhật ủng hộ Hiến pháp mới. Ngày 3/11/1946 Hirohito công bố Hiến pháp này trước Nghị viện. Từ 3/5/1947 bắt đầu thực thi Hiến pháp mới, đánh dấu thắng lợi của công cuộc cải cách chính trị.
Về giáo dục, MacArthur chỉ thị loại bỏ tư tưởng quân phiệt ra khỏi hệ thống trường học, cấm tuyên truyền giáo dục Thần đạo, phải dạy học sinh học tinh thần dân chủ chứ không dạy sùng bái nhà vua, cấm dạy tinh thần Võ Sĩ Đạo (Bushido). Luật Cơ bản về giáo dục ban hành ngày 31/3/1947 cải cách thể chế hành chính giáo dục tập trung quyền lực vào trung ương, thực hành chế độ phân quyền địa phương, Ủy ban Giáo dục các cấp do dân bầu ra sẽ phụ trách công việc hành chính trong công tác giáo dục của địa phương. Hệ thống giáo dục theo kiểu Mỹ này đã đào tạo ra những người trẻ tuổi có tư tưởng tự do dân chủ, căm ghét tư tưởng quân phiệt Nhật và ủng hộ Mỹ.
Đồng thời MacArthur tiến hành các cải cách kinh tế mạnh dạn, như cải cách ruộng đất, tổ chức lại các công đoàn, ủng hộ quyền bãi công của công nhân, tái cơ cấu các tập đoàn tư bản tài chính-công nghiệp. Công cuộc tái phân phối ruộng đất do MacArthur tổ chức được coi là hình mẫu cải cách ruộng đất thành công nhất thế giới, chính ông cũng nói đây là thành tích lớn nhất trong sự nghiệp làm chính trị của mình. Theo chỉ thị của ông, Chính phủ Nhật ban hành Luật Cải cách ruộng đất, lần thứ nhất ngày 28/12/1945, lần thứ hai ngày 21/10/1946. Các chủ đất buộc phải bán cho nhà nước theo giá quy định tất cả số ruộng đất họ không tự cày cấy, sau đó nhà nước bán lại cho nông dân chưa có đất, ưu tiên cho người đang cày thuê mảnh đất đó. Cuộc cải cách này tiến hành rất quyết liệt và triệt để, kết quả toàn bộ người cày đều có ruộng, nước Nhật thực sự không còn tầng lớp địa chủ nữa, tức không còn cơ sở của chế độ phong kiến.
Nền công nghiệp Nhật trước đây tập trung vào tay các zaibatsu (tập đoàn tài phiệt gia tộc) nhằm phục vụ chính sách xâm lược của quân phiệt Nhật. MacArthur chủ trương giải thể các zaibatsu. Bước đầu, hai zaibatsu lớn nhất là Mitsubishi và Sumimoto bị chia thành nhiều công ty cổ phần nhỏ, 56 người là gia tộc tài phiệt của 10 zaibatsu lớn bị chỉ đích danh và buộc phải nộp hơn 160 triệu cổ phiếu trị giá hơn 7,57 tỷ Yên. Bước hai, ông chỉ thị Chính phủ Nhật ban hành Luật Cấm độc quyền và lập Ủy ban Kinh doanh công bằng, nhằm ngăn chặn sự phục hồi tư bản độc quyền.
Thông thường dân nước bại trận rất sợ quân đội nước thắng trận sẽ có những hành động trả thù. Khi chuẩn bị đón lính Mỹ tới chiếm đóng, chính quyền Nhật đã lập nhiều nhà thổ, tập trung gái điếm để “phục vụ” lính Mỹ, nhằm tránh xảy ra nạn lính Mỹ cưỡng bức phụ nữ Nhật. Nhiều cô gái Nhật cắt tóc ngắn giả làm con trai, có cô mang theo thuốc độc để tự tử khi bị cưỡng bức… Thế nhưng phụ nữ Nhật đã không phải lo sợ. MacArthur chỉ thị lính Mỹ phải tôn trọng dân bản xứ, ví dụ phải bỏ giày khi vào nhà, giúp đỡ các trẻ em thiếu ăn, nhường đường cho họ v.v… Vì thế người Nhật từ chỗ e sợ trở nên quý mến người Mỹ, chỉ sau 6 tháng đổ bộ lên đất Nhật, lính Mỹ ra đường không cần mang vũ khí tự vệ nữa. Và khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, MacArthur đã có thể yên tâm rút phần lớn quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật sang mặt trận Triều Tiên chiến đấu trong lực lượng Liên Hợp Quốc do ông chỉ huy chống lại Bắc Triều Tiên.
MacArthur chưa hề đi hết nước Nhật, ông rất ít gặp người Nhật, chỉ tiếp xúc với một số quan chức Nhật cấp cao, thế nhưng đông đảo dân Nhật có thiện cảm với ông tới mức say mê, tôn kính ông như tôn kính Thiên Hoàng, coi ông là cứu tinh của nước Nhật. Họ gửi tặng ông vô số quà biếu và lời mời. Cách thể hiện tình cảm thú vị nhất là họ viết thư cho ông. Tổng cộng MacArthur đã nhận được khoảng nửa triệu bức thư từ dân chúng Nhật. Nhiều người cảm ơn chính sách rộng lượng của MacArthur và nước Mỹ. Có thư tố cáo những tên phát xít còn ẩn náu trong dân. Nhà văn Nhật Sodei Rinjiro từng viết cuốn sách có tên “Tướng MacArthur thân mến: Những bức thư gửi từ người Nhật trong thời gian Mỹ chiếm đóng” (xuất bản 2001). Sodei đã đọc hơn 10 nghìn thư, và trích đăng vào cuốn sách của mình 120 bức thư thú vị và quan trọng.
Người Nhật thích MacArthur vì ông đã giải thoát họ khỏi chiến tranh, đói nghèo, khỏi ách áp bức của chế độ chính trị chuyên chế Nhật, cũng như khỏi tâm trạng chán chường thất vọng. Dưới sự chỉ huy của MacArthur, đội quân chiếm đóng Nhật trở thành đội quân giải phóng nhân dân Nhật. Trước và trong chiến tranh, người Nhật sống dưới ách cùm kẹp của bọn quân phiệt. Hệ thống cảnh sát quân sự Kampeitai [còn viết Kenpeitai, tức Hiến binh đội, thành lập năm 1881] theo dõi thái độ chính trị của từng người, chúng không cho dân được nói ý kiến của mình, bỏ tù hoặc giết bất cứ ai dám có ý kiến khác với chính quyền hoặc không ủng hộ các nỗ lực chiến tranh. Vì thế khi SCAP ban hành các sắc lệnh thủ tiêu mọi sự hạn chế quyền lợi của dân chúng, người Nhật vô cùng cảm động, phấn khởi và biết ơn người Mỹ. Ngay từ tháng 10/1945, MacArthur đã tuyên bố toàn dân Nhật có quyền tự do phát ngôn và hội họp. Ông ra lệnh cho Thủ tướng Nhật mở rộng quyền của các công đoàn, trao cho phụ nữ quyền tự do ngôn luận và bầu cử.
Nhiều sử gia cho rằng việc đưa nước Nhật đi từ chế độ quân phiệt phong kiến lên chế độ dân chủ hiện đại là công trạng lớn nhất của MacArthur, lớn hơn bất cứ chiến công nào ông từng lập được trên các chiến trường Thế chiến I, II và chiến tranh Triều Tiên. Bản thân MacArthur cũng tự coi ông là người mở cửa nước Nhật lần thứ hai, hơn là một người chinh phục quốc gia này.
Khảng khái giúp đỡ nhân dân nước thù địch bại trận là một chính sách sáng suốt đã đem lại cho nước Mỹ thiện cảm của nhiều người. Phát xít Nhật là kẻ thù tàn bạo nhất, gây ra nhiều thiệt hại nhất cho nước Mỹ trong Thế chiến II. Nhật không tuyên chiến mà hèn hạ đánh trộm Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), làm hơn 3.000 người Mỹ thương vong, gây ra cuộc chiến tranh Thái Bình Dương tàn khốc. Lính Nhật đã tra tấn, hành hạ đến chết nhiều tù binh Đồng minh, tội ác của chúng khiến dân Mỹ kinh tởm…. Vì thế tướng MacArthur đã phải chịu sức ép lớn từ trong nước khi ông yêu cầu nước mình viện trợ lương thực cứu đói nước Nhật. Nhờ MacArthur có uy tín cá nhân rất cao trong nhân dân Mỹ, các yêu cầu của ông đã được chấp nhận. Sự viện trợ to lớn, hào hiệp của nước Mỹ đã giúp người Nhật thoát khỏi tình cảnh vô cùng khó khăn, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế bị tàn phá nặng nề. Ngay từ ngày mới đến Nhật, MacArthur từng chân thành thổ lộ ý muốn biến nước Nhật thành một Thụy Sĩ phương Đông. Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là thời cơ có một không hai giúp kinh tế Nhật cất cánh. Sản xuất công nghiệp tăng vọt do nhận được những đơn đặt hàng khổng lồ của quân đội Mỹ. Rốt cuộc nước Nhật thù địch trở thành siêu cường kinh tế thứ hai thế giới và đồng minh trung thành của Mỹ.
MacArthur một mình cai trị toàn diện nước Nhật bại trận trong gần 6 năm, bỏ ngoài tai mọi ý kiến bất đồng của các nghị sĩ và quan chức Mỹ; người ta gọi ông là “nhà độc tài thần thánh” (Godlike dictator). Nhưng nhà độc tài ấy được đông đảo dân Nhật thực sự tôn kính với lòng biết ơn sâu sắc. Có phụ nữ Nhật viết thư xin được sinh con với ông. Khi MacArthur tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1948, người Nhật ủng hộ ông mạnh nhất. Ngày ông trở về Mỹ, hàng trăm nghìn người Nhật kéo nhau ra đường đưa tiễn, hô vang “Đại nguyên soái”, nhiều người nước mắt ròng ròng.
Hồi ký của Kiichi Miyazawa (Thủ tướng Nhật nhiệm kỳ 1991-1993) có đoạn viết:
Ngày 11/4/1951, báo đài đưa tin MacArthur bị miễn chức. Tin này làm người Nhật vô cùng sửng sốt, họ không thể nghĩ tới chuyện Thống tướng MacArthur – người nghiễm nhiên tự cho mình là Thái Thượng Hoàng nước Nhật lại có thể bị bãi miễn dễ dàng bởi một mệnh lệnh của Tổng thống. MacArthur là người nắm quyền lực tối cao ở Nhật. Hàng ngày ông đi làm và về nhà bằng xe cắm quốc kỳ Mỹ. Khi ấy giao thông trên các đường phố xung quanh trụ sở Bộ Tư lệnh SCAP đều bị cấm, quân cảnh Mỹ đứng trên các ngã tư chỉ huy giao thông… Ngày 16/4, MacArthur rời Tokyo về Mỹ. Hôm ấy dân chúng Nhật đứng chật kín suốt hai bên đường từ trụ sở SCAP tới sân bay Haneda. Thủ tướng Nhật cùng toàn thể thành viên Chính phủ ra sân bay tiễn đưa. Tôi đứng sau Bộ trưởng Tài chính, đối diện với chiếc chuyên cơ. MacArthur cùng vợ và con trai lần lượt bắt tay từng quan chức. Khi MacArthur bước lên thang máy bay, một quan chức Nhật bỗng hô to “MacArthur muôn năm !” Thế là tất cả mọi người đều giơ tay hô theo “Muôn năm”….
Trở về Tổ quốc sau 11 năm ở châu Á, ngày 19/4/1951 MacArthur ra trước Quốc Hội Mỹ đọc bài diễn văn từ biệt kết thúc bằng lời một khúc quân ca: “Những người lính già không bao giờ chết; họ chỉ phai nhạt dần (Old soldies never die; they just fade away).” “Và giống như người lính già của bài hát đó, giờ đây tôi khép lại cuộc đời binh nghiệp của tôi và mờ nhạt dần — một người lính già đã tận sức mình làm tròn bổn phận của mình khi Thượng Đế ban cho tôi ánh sáng để tôi thấy được bổn phận đó. Xin tạm biệt.” Bài nói dài 11 phút bị ngắt quãng 10 lần bởi những tràng vỗ tay và cuối cùng cử tọa đứng dậy hoan hô nồng nhiệt. Diễn văn có tên “Những người lính già không bao giờ chết” này được coi là một trong số những bài diễn văn hay nhất thế giới.
Dư luận Mỹ đánh giá cao MacArthur. Nhà Nhật Bản học Edwin Reischauer (thập niên 1960 làm Đại sứ Mỹ ở Tokyo) đánh giá MacArthur là “nhà lãnh đạo Mỹ cấp tiến nhất, có thể gọi là người xã hội chủ nghĩa, và cũng là một trong những người thành công nhất.
Douglas MacArthur qua đời ngày 5/4/1964 tại Washington, D.C, thọ 84 tuổi. Lễ tang ông cử hành theo quy chế quốc tang. Ông được mai táng tại Nhà Tưởng niệm Douglas MacArthur ở thành phố Norfolk, bang Virginia. Đây là nhà bảo tàng lưu giữ bộ sưu tập về cuộc đời binh nghiệp của vị danh tướng này, và cũng là nơi yên nghỉ của vợ ông – bà Jean Marie Faircloth, một nhà hoạt động xã hội (1898-2000).
"
http://nghiencuuquocte.org/2018/04/02/macarthur-nguoi-mo-cua-nuoc-nhat-lan-thu-hai/?fbclid=IwAR0n0C_tGyGVsTHd9OkaI2FBKS5GjAmp-sVSwr2X5tHBM9gVW85ck4wOZto




6.

------------------
Đây là đoạn văn bản được dùng để chỉ trích Alexander de Rhodes có ý đồ mời Pháp tới xâm lược Việt Nam, được nhiều học giả dẫn ra, như ông Bùi Kha và Cao Huy Thuần, và phân tích, như cụ An Chi. Nội dung cụ thể như sau:
“J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Églises. Je suis soirti de Rome à ce dessein le 11e Septembre de l’année 1652 après avois baisé les pieds du Pape”.
-------------------
Phần được trích dẫn nhiều nhất của đoạn văn trên là cụm "plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient", trong đó các học giả nói trên nhấn mạnh rằng "soldats" là lính chiến, chứ không thể nào là các nhà truyền giáo, như cụ Nguyễn Đình Đầu và một số học giả tên tuổi khác biện giải.
--------------------
Chúng ta nên xét lại về mặt văn bản học.
Trước hết là dịch nghĩa Pháp sang tiếng Việt:
“J’ai cru que la France [tôi nghĩ rằng nước Pháp], étant le plus pieux royaume de monde [(nước) đang là vương quốc mộ đạo nhất trái đất], me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient [sẽ gửi cho tôi thêm nhiều chiến sĩ (những con người mà) có thể đi chinh phục toàn cõi phương Đông], pour l’assujetter à Jésus Christ [nhằm quy phục xứ này về với Chúa Kito], et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques [và đặc biệt là rằng tôi sẽ tìm thấy ở trong những người đó/công cuộc đó cái cách để mà có được những Giám mục], qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Églises [những người đã có thể từng là các Cha và các Thầy của chúng ta trong các giáo đoàn này]. Je suis soirti de Rome à ce dessein le 11e Septembre de l’année 1652 après avois baisé les pieds du Pape [Tôi đã rời Rome (để đi Pháp) vì mục đích này vào ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Giáo Hoàng])”.
------------------------
Có hai điểm băn khoăn mà một người có thiên hướng suy nghĩ về ngữ pháp viết như mình thấy cần đặt ra:
- Thứ nhất, đoạn văn này có 2 ý chính, được bày tỏ sau 2 chữ "que". LM Rhodes đã viết rất chuẩn chỉ theo đúng văn phong Latin mà trong đó ý chính thứ hai rõ ràng được nhấn mạnh hơn hẳn ý chính số 1 thông qua 2 dấu hiệu: vị trí (trong tiếng Latin lẫn Germanic, cái gì quan trọng thì đứng cuối) và trạng từ "particulièrement". Vậy, từ văn bản mà thấy, ý chính của LM Rhodes liên quan đến vấn đề truyền đạo và xây dựng nhân lực cho vấn đề truyền đạo.
- Thứ hai, ý chính số 1 đã có cụm trạng ngữ nêu mục đích (pour l’assujetter à Jésus Christ [nhằm quy phục xứ này về với Chúa Kito]). Đây vẫn tiếp tục là về vấn đề truyền đạo. Lại một lần nữa, LM Rhodes đưa cụm trạng ngữ này về cuối mệnh đề. Thật khó hiểu nếu ai đó giải thích mục đích "gửi thêm chiến sĩ" là nhằm xâm lược Việt Nam trong khi về mặt văn bản LM Rhodes đã rõ ràng như vậy.
----------------------------
Về cụm từ "plusieurs soldats", có mấy điểm cần trao đổi như sau:
- Nếu hiểu hoàn toàn đây là lính chiến thì mâu thuẫn với mệnh đề còn lại của câu. Xin đọc lại mệnh đề này:
"...và đặc biệt là rằng tôi sẽ tìm thấy ở trong những người đó/công cuộc đó cái cách để mà có được những Giám mục, những người đã có thể từng là các Cha và các Thầy của chúng ta trong các giáo đoàn này...".
Làm sao lính chiến mà lại có thể từng là các Cha và các Thầy để đưa lên làm Giám mục?
- Nhưng loại bỏ hoàn toàn nghĩa lính chiến thì không ổn, bởi về mặt ngữ pháp không cho thấy điều gì chắc chắn như vậy. Vậy cần xem xét thêm ở các khia cạnh khác.
----------------------------
Nhận xét của mình là chúng ta nên đặt lại văn bản này trong văn cảnh và bối cảnh lịch sử.
Xin không xét thêm về về văn cảnh bởi đã nhiều người mổ xẻ. Nhưng xin xét thêm về bối cảnh lịch sử.
1/ Cho tới thời đó, các linh mục dòng Tên như Rhodes vẫn có tâm tưởng về một cuộc Thập tự chinh về phương Đông. Họ muốn đem ánh sáng của Thiên chuá, của Công giáo tới những vùng đang bị thống trị bởi những kẻ dị giáo hoặc vô thần kém văn minh, bằng tất cả các phương tiện có thể. Chiến tranh tôn giáo hay truyền giáo chỉ là hai mặt của một vấn đề. Nhưng bàn về xâm lược quân sự nhằm chiếm đóng lãnh thổ lại là một vấn đề khác.
2/ Tại sao Rhodes lại chọn Pháp.
Nhiều kiến giải cho rằng Rhodes thiên vị quê hương của mình. Cách lý giải này không ổn. Rhodes sinh ra tại Avignon nay thuộc Pháp, nhưng trong lịch sử, Avignon thuộc Nước Giáo hoàng (Dicio Pontificia) kể từ năm 1305 tới tận Cách mạng Pháp.
Chỉ đơn giản như LM Rhodes nói: Pháp là một trong những quốc gia mộ đạo nhất.
Đầu tiên chúng ta cần nhớ lại bối cảnh lịch sử.
Sau khi bị Chúa Trịnh Tráng trục xuất ở Đàng Ngoài, Rhodes sang Macau 10 năm, rồi sau rốt LM Rhodes dành ra gần 6 năm trời ở quanh Huế truyền đạo; nhưng cuối cùng bị chúa Nguyễn Phúc Lan kết án tử. Ông cùng đường phải rời khỏi Việt Nam.
Ông đã tìm mọi cách để quay lại truyền đạo ở xứ ta. Giải pháp của ông là kiến nghị Giáo Hoàng tăng cường hoạt động truyền giáo ở VN với lý do đây là một vùng cực kỳ trù phú và còn người dân thì mộ đạo, dù có lẽ hơi phóng đại. Cả người Bồ lẫn Giáo Hoàng đều không mặn mà gì với ý tưởng này.
Lần giở lại sử sách, ở châu Âu thì Pháp, Bồ và đế chế Hasburg (Tây Ban Nha và Áo-Hung) là các vương quốc toàn tòng Công giáo từ xưa cho tới nay. Các nước này là trụ cột mà Giáo Hoàng trông cây chống lại làn sóng ly giáo, Từ Tin Lành, Kháng Cách cho tới Tân giáo, lẫn truyền giáo ở những vùng đất mới được phác lộ sau thể kỷ XV – thế kỷ của những khám phá địa lý vĩ đại đối với phương Tây. Như vậy, Rhodes chỉ còn 2 lựa chọn: nhà Hasburg và Pháp. Trong lúc Tây Ban Nha đã được phân công lo sự vụ truyền giáo ở Tây Bán Cầu, rõ ràng chỉ còn Pháp là lựa chọn khả thi duy nhất.
3/ Xét về việc Pháp thực hiện nguyện vọng của LM Rhodes trên thực tế:
Bất cứ ai nghiên cứu về lịch sử truyền giáo tại Việt Nam đều biết mốc 1665, khi Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris thay thế Dòng Tên của Bồ truyền đạo ở xứ ta, chỉ 5 năm sau khi LM Rhodes mất. Như vậy Pháp có để tâm thực hiện, thông qua sự thiết lập Hội truyền giáo Hải ngoại Paris, chứ không phải là môt tổ chức quân sự.
Thêm nữa, cũng đúng như Rhodes nhấn mạnh, các Giám mục quan trọng nhất đã đựa lựa chọn từ những người tình nguyện thế tục hoạt động cho Hội truyền giáo hải ngoại Paris, như François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, khi ấy đã được gửi tới Viễn Đông trong tư cách là các giám mục tông đồ (Apostolic vicars).
Điều đó cho thấy, nước Pháp trực tiếp hiểu và thi hành nguyện vọng của Rhodes dưới góc độ truyền giáo.
------------------------------
Việc kết nối LM Rhodes vào chuyện Pháp xâm lược Việt nam 200 năm sau quả thật là khiên cưỡng, xét từ góc độ văn bản lẫn hiện thực lịch sử.
-----------------------------
Đây là 1 trong ba nôị dung chính mình sẽ trình bày tại hội thảo Quốc Ngữ tại Đà Nẵng. Văn phong facebook không có trích dẫn cũng không chuẩn chỉ khoa học, xin mọi nguời thông cảm.

https://www.facebook.com/bohr.niels.5/posts/3250594198345379





5.


 30 OCT 2019
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------ oOo -------------
BẢN KIẾN NGHỊ
(V/v đặt tên đường ở Tp. Đà Nẵng)
Kính gửi: Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
Thành phố Đà Nẵng
Đồng kính gửi: Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng
Ngày 23 tháng 10, năm 2019
Được biết Thành phố Đà Nẵng đang lấy ý kiến về đặt và đổi tên đường, trong đó điểm đáng chú ý là thành phố dự kiến lấy tên 2 linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina đặt tên cho 2 tuyến đường ở thành phố Đà Nẵng trong số 137 tuyến đường vào dịp này; chúng tôi, một số nhà nghiên cứu xin đề đạt đến các cấp lãnh đạo và quản lý thành phố một số ý kiến:
Thưa các đồng chí!
Dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc đã có công “khai hóa”, nên tôn vinh Alexandre de Rhodes là người sáng tác chữ quốc ngữ. Sau ngày bại trận ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), thực dân Pháp cuốn gói về nước, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có cả những linh mục, đã chứng minh Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ. Chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của một số nhà nghiên cứu:
1.“Giáo-sĩ Đắc-Lộ (tức Alexandre de Rhodes) thật ra không phải là ông tổ và cũng không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ. Trước ông, đã có nhiều người đã cố gắng tìm cách phiên âm tiếng nói của dân Việt bằng vần La-tinh và chính ông cũng đã bao lần trong những tác phẩm của ông nói đến nhiều sách vở được viết ra trước ông bằng tiếng Việt (...). Và đồng thời với giáo sĩ Đắc-Lộ, chắc chắn cũng có nhiều giáo sĩ khác quan tâm đến vấn đề phiên âm: Đó là lẽ dĩ nhiên vì công cuộc phiên âm là một lợi khí rất lớn cho việc truyền giáo. Vậy thì không còn ai có thể bào chữa thuyết cho rằng giáo sĩ Đắc-Lộ là ông tổ và ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ” (Giáo sư, Tiến sĩ Trương Bửu Lâm, trong Việt Nam khảo cổ Tập san, số 2-1961, tr. 11).
2. “Đắc-Lộ không phải là người Âu châu đầu tiên học tiếng Việt, cũng không phải người đầu tiên sáng tác chữ quốc ngữ, hơn nữa, vào năm 1636 Đắc-Lộ cũng không phải là người ghi chữ quốc ngữ đúng được như một số Linh mục Dòng tên Bồ Đào Nha ở Việt Nam thời đó. Thật ra, trong giai đoạn thành hình chữ quốc ngữ, Đắc-Lộ chỉ góp một phần trong công việc quan trọng này, mà rõ rệt nhất là soạn sách chữ quốc ngữ và cho xuất bản đầu tiên” (Linh mục Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn, 1972, tr. 78).
3. “Đắc Lộ đã tiếp thu, thừa kế, sắp đặt lại cho hoàn chỉnh tất cả các thành tựu của các nhà truyền giáo tiền phong hay đồng thời, dựa trên những trợ giúp quý giá, không thể thiếu được của các tín đồ người Việt tiếp xúc gần gũi với ông, chia sẻ chí hướng của ông (...). Thực sự công trình sáng tạo chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh là một công trình tổng hợp có tính chất tập thể quốc tế, trong đó Đắc Lộ là người đã có một vị trí cốt yếu khi sử dụng rộng rãi thứ chữ mới này trong các tác phẩm in trình bày những kiến thức sâu rộng. Các bậc thức giả như Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Nguyễn Khắc Xuyên, Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Võ Long Tê đều khẳng định chữ quốc ngữ là một công cuộc chung của nhiều người” (Đỗ Hữu Nghiêm, Đắc Lộ trong lịch sử hình thành chữ quốc ngữ, báo Công giáo và dân tộc, số 798,17/3/1991, tr. 14).
4. “Giáo sĩ Đắc Lộ không những không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ mà cũng không phải là một trong các ông tổ của chữ quốc ngữ,… Sở dĩ Đắc Lộ về sau này được lịch sử nhắc nhở đến nhiều, có lẽ không phải vì ông đã có công kiện toàn chữ quốc ngữ cho bằng ông đã để lại hai quyển sách (tức Từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày) được coi như tài liệu duy nhất về chữ quốc ngữ” (Linh mục Thanh Lãng, trích trong “Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh”, Nxb. Tp. HCM, 1988, tập II, tr. 136-137).
5. Và chính A. de Rhodes cũng đã viết: “Tuy nhiên trong công cuộc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm, thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh (tức Đàng Trong và Đàng Ngoài), thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc Hội Dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam (tức là từ điển Việt - Bồ), ông sau bằng tiếng Bồ - Đào (tức là từ điển Bồ - Việt), nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn,...” (Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, tức Từ điển Việt - Bồ - La, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, phần phiên dịch, tr. 3).
6. “Vậy rõ ràng A. de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Chẳng những thế, ông ta cũng không phải là người châu Âu đầu tiên soạn từ điển về tiếng Việt vì trước ông ta đã có hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là G. de Amaral và A. Barbosa. Ông ta chỉ thừa hưởng công trình của hai cố đạo kia rồi thêm tiếng La Tinh vào theo lệnh của Tòa thánh La Mã mà thôi,… Lời lẽ của chính đương sự rõ như ban ngày: A. de Rhodes làm sách bằng chữ quốc ngữ là để phụng sự cho việc truyền bá đức tin Ki-tô giáo, chứ tuyệt đối không vì bất cứ một lợi ích nhỏ nhoi nào của người Đại Việt cả. Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ, mà một số cố đạo đã đặt ra, với sự góp sức của một số con chiên người Đại Việt, để làm lợi khí cho việc giảng đạo, thành lợi khí của chính mình để phát triển văn hóa dân tộc, để chuyển tải một cách đầy hiệu lực những tư tưởng yêu nước và những phương thức đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Đây chẳng qua là chuyện ‘gậy ông đập lưng ông’ mà thôi” (An Chi, “Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ Việt”, báo An ninh thế giới, 28-9-2010).
....
Thưa các đồng chí,
Lại nữa, Rhodes viết cuốn Phép giảng tám ngày bằng tiếng Việt nhằm mục đích truyền đạo Thiên Chúa giáo (Công giáo). Nhưng bên cạnh đó, ông đã sử dụng nhiều câu chữ thô bạo để công kích Tam giáo ở Việt Nam (Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo). Thật vậy, Khổng Tử được hầu hết người Á Đông xưng tụng là nhà hiền triết, là Vạn thế sư biểu, và nhiều học lý của Nho giáo vẫn còn giá trị đến ngày nay. Còn Phật Thích Ca được Liên hiệp quốc đánh giá là một vĩ nhân văn hóa của nhân loại. Thế nhưng, trong sách Phép giảng tám ngày, A. de Rhodes gọi Phật Thích Ca “là thằng hay dối người ta” và phê phán Khổng Tử “chẳng phải hiền, chẳng phải thánh, mà độc dữ”. Ông phê bình Nho, Lão, Phật: “Bởi Tam giáo này, như bởi nguồn độc, nhiều sự dối khác. Song le bắt mỗi sự dối ấy chẳng có làm chi, vì chưng biết là bởi đâu mà ra, cho hay tỏ tường là dối thì vừa. Như thế có chém cây nào độc cho ngã, các ngành cây ấy tự nhiên cũng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích Ca là thằng hay dối người ta, ngã xuống” (Aleaxandre de Rhodes, Phép giảng tám ngày, Tủ sách Ðại Kết, Tp. Hồ Chí Minh, 1993, trang 113, 115, 116).
Đặc biệt, Alexandre de Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông. Trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), xuất bản tại Paris năm 1653, ở đoạn cuối chương 19, phần thứ 3, Alexandre de Rhodes viết: “J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ”. Trong bài viết “Ai làm ra chữ quốc ngữ?” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 31-1-1993, Giáo sư Hoàng Tuệ đã dịch câu đó như sau: “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”.
Chính vì thấy những ý định không tốt của A. de Rhodes (chống đối truyền thống thờ cúng tổ tiên của dân tộc, chia rẽ tinh thần đoàn kết giữa đồng bào lương và giáo, âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta…) nên cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều đã trục xuất A. de Rhodes, không cho ông ta cư trú và hoạt động ở Việt Nam. Vì những lẽ trên, ở miền Bắc sau 1954 và ở miền Nam sau 1975, các đường phố, trường học,… mang tên A. de Rhodes (do thực dân Pháp hay chính quyền Việt Nam Công hoà đặt) đều bị xóa. Gần đây, một số người lặp lại luận điệu sai trái của thực dân trước đây để đòi phục hồi tên của A. de Rhodes, nhằm những ý đồ chính trị hay tôn giáo của họ.
Chúng tôi khẳng định: “A. de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ,..”. Trái lại đối với dân tộc Việt Nam, Rhodes là kẻ có tội thì làm sao vinh danh, đặt tên đường được. Quan điểm của các sử gia Việt Nam là quá rõ: “Sau hàng thế kỷ trường kỳ mai phục bằng hội Truyền Giáo đối ngoại, tới đây tư bản Pháp đã nắm được thời cơ can thiệp thẳng vào Việt Nam. Đó là cái mà các sử gia triều đình phong kiến thực dân gọi là “công nghiệp” của Pi-nhô đờ Bê-hen (Pigneau de Béhaine), người được Lu-i XVI phong tước công và cử làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền bên cạnh Nguyễn Ánh và được Nguyễn Ánh tôn lên làm “cha cả” với chức thái phó tước quận công. Nhưng vai trò Bá Đa Lộc vốn chỉ là kẻ trực tiếp khiến cho tư bản Pháp nắm được Nguyễn Ánh, còn yếu tố quyết định đầu tiên là cả một quá trình hoạt động không biết mệt mỏi của hội Truyền Giáo đối ngoại nằm trong tay thế lực tư bản Pháp, vốn do Rốt sáng lập” (Hoàng Văn Lân, Đặng Huy Vận, Mưu đồ chính trị của A-lếch-xăng-đờ-rốt và vấn đề chữ quốc ngữ, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Viện Sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, số 63, tháng 6, 1964, tr. 14-28).
Chúng tôi xin kiến nghị với Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng:
Không lấy tên hai giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina để đặt cho đường phố, trường học,…ở Đà Nẵng. Nếu đặt rồi thì thay bằng tên của những người Thiên Chúa giáo (Công giáo) yêu nước như linh mục Nguyễn Bá Kính (thời chống Pháp), Hồ Huệ Bá (thời chống Mỹ),…
Trân trọng!
phép giảng tám ngày
ĐỒNG KIẾN NGHỊ
1. PGS. TS. Lê Cung, Trường Đại học Sư phạm Huế, Địa chỉ: 18 Lê Hồng Phong, Huế; ĐT: 0914.202.343, email: lecungdhs@yahoo.com.
2. Nhà Nghiên cứu lịch sử và văn hoá Nguyễn Đắc Xuân, Địa chỉ: 3/7 Nguyễn Công Trứ, Huế, ĐT: 0914.203.944; email: gacnhieuloc@yahoo.com
3. PGS. TS. Trần Thuận, nguyên Phó Trưởng khoa, khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh; ĐT: 0979.630.690, email: tranthuanxhnv@gmail.com
4. PGS. TS. Phạm Quốc Sử, Trưởng khoa lịch sử, Trường Đại học Thủ đô, Hà Nội; ĐT: 0913.571.617, email: suphamquoc@yahoo.com
5. PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Khoa Lý luận chính trị, trường Đại học Khoa học Huế, ĐT: 0384.915.555, email: ntdunghueuni@gmail.com
6. PGS. TS. Trương Công Huỳnh Kỳ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế; Huế; ĐT: 0913.427.562.
7. TS. Phan Văn Hoàng, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, ĐT: 0937.212.549, email: phanvanhoang@gmail.com
8. Nhà Nghiên cứu Văn học dân gian: Trần Hoàng, Nhà giáo Ưu tú, nguyên Phó Trưởng khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế; ĐT: 0914.478.721.
9. Ths. Hà Văn Lưỡng, nguyên Trưởng Khoa Văn, Trưởng Đại học Khoa học Huế; ĐT: 0914.066.061, email: havanluongdhkh@gmail.com
10. Nhạc sĩ Chúc Linh, Địa chỉ: 21/7 Đường 2, Phường Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, Điện thoại: 0908.988940, Email: chuclinh.tavanson@gmail.com
11. PGS. TS. Nguyễn Tất Thắng, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế, ĐT: 0914.025.002, email: tatthangsp@gmail.com
12. TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giảng viên chính, khoa Lý luận chính trị, trường Đại học Khoa học Huế, ĐT: 0915.665.531, email: ntthuyenhue@yahoo.com.vn
-------------------------------------------------
CHỈ NÊN VINH DANH NHỮNG NGƯỜI CÓ CÔNG
--------------------------------
NỘI DUNG PHỎNG VẤN CỦA NHÓM SINH VIÊN
(V/v Đề án đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng)
Được biết Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Đà Nẵng đang lấy ý kiến dự thảo Đề án đặt, đổi tên gần 137 đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2019. Điểm đáng chú ý là hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes cũng có tên trong đề án và được đề nghị đặt tên cho hai tuyến đường ở khu Đông Nam Đài Tưởng niệm thuộc quận Hải Châu.
Nhận thức rằng việc “tên đường phố cũng là một dạng địa danh, thể hiện sự trân trọng của các thế hệ hôm nay và mai sau đối với lịch sử, văn hóa của một dân tộc, một vùng đất”, chúng tôi – những sinh viên đang trong quá trình đào tạo, học tập và nghiên cứu Lịch sử cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Chính vì vậy, ngày 8-10-2019, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà Nghiên cứu Lịch sử (NCLS) Nguyễn Đắc Xuân.
Nhóm sinh viên: Thưa ông! Chúng cháu được biết, thành phố Đà Nẵng sắp sửa đặt tên cho 137 tuyến đường. Điểm đáng chú ý là trong bản dự thảo đặt tên đường, có tên đường Alexandre de Rhodes (1593 – 1660) và Francisco De Pina (1585 – 1625). Ông nghĩ như thế nào về việc đặt tên đường mang tên hai vị giáo sĩ này? .
Nhà NCLS Nguyễn Đắc Xuân: Chữ quốc ngữ là một sự kiện lịch sử văn hóa quan trọng của dân tộc Việt Nam. Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam phải biết lịch sử ra đời và quá trình phát triển chữ quốc ngữ. Còn vấn đề vinh danh, đặt tên đường thì phải thận trọng. Đặt tên đường, tên công viên, tên các công trình công cộng ở Việt Nam cũng như trên thế giới là một cách vinh danh. Người ta thường dùng tên những người đã hy sinh cho Tổ quốc, những anh hùng dân tộc, các nhà văn hóa có tên tuổi hoặc các địa danh nổi tiếng, những sự kiện văn hóa lịch sử, v.v... đặt tên đường, tên công viên, tên các công trình công cộng. Điều này đồng nghĩa với vinh danh những người có công đóng góp lớn cho văn hóa lịch sử dân tộc. Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và Francisco De Pina, đặc biệt là Alexandre de Rhodes có công với Vatican trong sự nghiệp truyền bá Đạo Thiên chúa vào Việt Nam, nhưng đối với dân tộc Việt Nam là người có tội, phỉ báng văn hóa và đạo đức Việt Nam, ông đã kêu gọi, thúc đẩy thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam gây ra bao nhiêu chết chóc, đổ nát, đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt nhiều thế kỷ. Ba bốn thế kỷ qua ông cha ta đã xem Đắc Lộ là địch. Từ giữa đầu thế kỷ XX đến nay, các nhà nghiên cứu trong Nam, ngoài Bắc và cả Việt Kiều ở nước ngoài đã làm rõ điều đó. Cần khẳng định rằng tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam khởi đầu từ thời linh mục Đắc Lộ. Vinh danh Đắc Lộ là làm nhục những nhà yêu nước Việt Nam/Đà Nẵng. Năm ngoái Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Khoa hộc lớn kỷ niệm 160 năm Pháp đánh vào Đà Nẵng. Mà Pháp đánh vào Đà Nẵng cũng do một số linh mục kêu gọi. Chính vì vậy, nếu giờ vinh danh Đắc Lộ thì thật tội nghiệp cho những người anh hùng của đất nước như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân, Thái Phiên.v.v.
Xét về phương diện văn hóa, Việt Nam là nước ở trong vùng sử dụng chữ Hán (cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Từ chữ Hán, chúng ta đã sáng tạo ra chữ Nôm. Trong vốn ngôn ngữ vốn có của ta mang đậm hồn dân tộc Việt: “Thị tại môn huyền náo/ Nguyệt lai môn hạ nhàn”. Còn chữ quốc ngữ chỉ ghi lại âm của từ ngữ đó chứ không mang nghĩa lóng như chữ Hán – Nôm trước đây. Chữ quốc ngữ có thể nói làm mất cả hồn dân tộc, việc dịch truyện Kiều ra chữ quốc ngữ đã làm mất đi một phần, nếu không nói mất đi rất nhiều giá trị của tác tác phẩm này. Mặt khác, chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển văn minh của dân tộc ta, mà chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta. Chúng ta cần phải hiểu, không nên có suy nghĩ “nhờ vào chữ quốc ngữ (Latinh hoá) mà tiến bộ, văn minh”. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… không sử dụng chữ La tinh hóa, vẫn giữ ngôn ngữ từ trước đến nay, nhưng họ vẫn văn minh vẫn tiến bộ vượt bậc, chứ đâu phải chữ quốc ngữ La tinh hóa làm cho dân tộc văn minh hơn. Lào, Căm-pu-chia, Miến Điện, Thái Lan cũng thế.
Phải hiểu lịch sử chữ quốc ngữ một cách khách quan, cùng với những nhân vật có liên quan đến nó và hơn hết là phải công bằng với các bậc tiền nhân có công với dân tộc. Và nếu Đà Nẵng quyết định đặt tên đường mang tên Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina, tôi tin sẽ có một cuộc phản biện toàn quốc không hay ho gì cho Đà Nẵng và ngay cả với hai vị Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina
Nhóm sinh viên: Nghe những vấn đề nhà NCLS Nguyễn Đắc Xuân chứng minh và chia sẻ, chúng tôi cũng mạo muội đặt thêm một câu hỏi nữa mang tính giả thuyết để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Chúng cháu đã được nghe và đã hiểu những vấn đề mà ông nói. Nhưng chúng cháu muốn hỏi thêm bác một câu hỏi nữa ạ. Chúng ta hãy phớt lờ đi những gì về chính trị hay về văn hóa, chúng ta chỉ đặt tên đường của hai nhân vật này chỉ vì họ sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Vậy theo ông thì có nên không ạ? p>
Nhà NCLS Nguyễn Đắc Xuân: Đặt tên đường là vinh danh cho một nhân vật có công, chúng ta không thể phớt lờ đi được những vấn đề đó. Khi đã vinh danh thì phải vinh danh những người có công với đất nước, với dân tộc. Còn với hai nhân vật này dù là đặt tên đường lớn nhỏ gì cũng không được, vì như thế là đã vinh danh họ. Chúng ta cần phải tìm hiểu để biết về họ nhưng không được vinh danh bằng cách đặt tên đường. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina rất có công với Vatican, với Đạo Thiên chúa ở Việt Nam. Trong phạm vi do nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam họ có quyền được vinh danh những người đã có công với họ.
Tóm lại, đặt tên đường theo tên của nhân vật lịch sử nào đó cũng đồng nghĩa với việc vinh danh nhân vật đó. Chữ quốc ngữ thật ra chỉ là bước “bẻ ngoặt” trong tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa của dân tộc ta. Chữ quốc ngữ không chỉ là công cụ để truyền giáo mà hơn thế nữa, thực dân Pháp đã sử dụng nó để cai trị dân ta. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của chữ quốc ngữ, nhưng không được nghĩ rằng chữ quốc ngữ làm cho đất nước ta giàu mạnh, văn minh hơn.
Nhóm sinh viên: Chúng cháu cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của ông rất nhiều ạ, những gì ông nói dường như đã giúp những người đang học lịch sử như chúng cháu có cái nhìn khách quan hơn về lịch sử, nhìn nhận vấn đề lịch sử theo nhiều chiều và hơn hết là thúc đẩy thêm niềm đam mê nghiên cứu lịch sử của chúng cháu hôm nay và sau này. Chúng cháu kính chúc ông luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục nghiên cứu và truyền lửa cho chúng cháu. Một lần nữa chúng cháu chân thành cảm ơn ông rất nhiều ạ.
-------------------------------------
Như vậy, sau cuộc gặp gỡ và nói chuyện cùng với Nhà NCLS Nguyễn Đắc Xuân về vấn đề đặt tên đường của Đà Nẵng, đã giúp chúng tôi có cái nhìn khách quan về chính xác hơn về công tội của những nhân vật lịch sử. Có những người cần phải biết, phải tìm hiểu những việc làm của họ, nhưng nếu muốn vinh danh thì phải xét lại một cách thật kỹ công tội của họ trong tiến trình lịch sử. Bởi vậy, cần phải viết lịch sử một cách khách quan, bất cứ những gì về lịch sử mà viết theo quan điểm cá nhân không khách quan thì không bao giờ tồn tại, mà còn mang nợ cho tương lai. Thông qua việc này, chúng tôi cũng hy vọng Đà Nẵng cần phải “chậm lại” để nhìn nhận, xem xét kỹ lưỡng lại vấn đề này và đánh giá đúng nhân vật lịch sử, có như vậy mới có sự công bằng với tiền nhân và sự đồng thuận của nhân dân.
Nhóm Sinh viên Sử 4, Khoa Lịch sử,
Trường Đại học Sư phạm Huế thực hiện:
Nguyễn Vũ An, quê huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi,
ĐT: 0963.783.177; email: nguyenvuan2026@gmail.com
2. Lê Thị Thiên Lộc, Thị xã Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; ĐT: 0906.570.899
3. Dương Văn Hậu, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam;
ĐT: 0856041059
___________
Bài liên quan:
- V/V Đặt Tên Đường Ở TP Đà Nẵng - Thư Kiến Nghị Của Một Nhóm Trí Thức Trong Nước  (Xin đọc http://sachhiem.net/DOITHOAI/Rhodes.php)
- Các bài trong trang nhà liên quan đến nhân vật Alexandre De Rhodes: https://sachhiem.net/TONGIAO/ListRhodes.inc.php





https://sachhiem.net/DOITHOAI/Rhodes.php?fbclid=IwAR1rl_NV7A7kgnqjo8aNLCPgHZ4cx93BkwBZcl6X5KnoOTU4cNZ3DhUywe4




4.



26/11/2019 17:36 GMT+7

TTO - PGS.TS Lê Cung: Alexandre de Rhodes có tội làm sao đặt tên đường được. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Chữ quốc ngữ tạo ra không nhắm phát triển dân tộc ta mà là công cụ xâm lăng. Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng: "Không nên bỏ bóng đá người".

Vì sao phản đối đặt tên đường 2 giáo sĩ có công với chữ quốc ngữ? - Ảnh 1.
Đường dẫn vào khu vực phía nam tượng đài ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng nơi dự định sẽ đặt tên 2 nhà truyền giáo có công với chữ quốc ngữ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Liên quan đến việc đặt tên đường 2 giáo sĩ (linh mục) Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng, Tuổi Trẻ Online lấy ý kiến sâu của các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử đã phản đối.
Phải xứng đáng để hậu thế noi gương
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lê Cung, Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế), người đứng đầu đồng đơn kiến nghị lên lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng không nên lấy tên 2 linh mục này để đặt cho đường phố, trường học... vì thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc đã có công "khai hóa".
Có lẽ vì vậy nên họ tôn vinh Alexandre de Rhodes là người sáng tác chữ quốc ngữ. Sau ngày bại trận ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp cuốn gói về nước, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có cả những linh mục, đã chứng minh Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ.
Theo ông Cung, thời điểm Alexandre de Rhodes ở Việt Nam, vì thấy những ý định không tốt của ông nên cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều đã trục xuất, không cho ông ta cư trú và hoạt động ở Việt Nam.
Vì thế ở miền Bắc sau năm 1954 và ở miền Nam sau năm 1975, các đường phố, trường học… mang tên Alexandre de Rhodes (do thực dân Pháp hay chính quyền Việt Nam Cộng hòa đặt) đều bị xóa.
Ông Cung khẳng định: Alexandre de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Trái lại, đối với dân tộc Việt Nam, Rhodes là kẻ có tội thì làm sao vinh danh, đặt tên đường được.
Còn phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thuận, nguyên phó trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc đặt tên đường cho những nhân vật lịch sử, nhân vật văn hóa phải xem xét đến việc nhân vật đó có đóng góp trong lịch sử, có xứng tầm để hậu thế noi gương hay không.
Bởi việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.
"Dù TP.HCM đã đặt tên đường này nhưng những nơi khác chưa đặt thì chúng tôi phải nêu ý kiến. Nhất là căn cứ trên quy định pháp lý, những nhân vật mà lịch sử còn tranh cãi chuyện công tội thì cần bàn tỏ tường trước khi quyết định" - ông Thuận nói.
Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng
Nội dung nghị định 91
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân phân tích thêm rằng quá trình ban đầu của việc tạo ra chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển văn minh của dân tộc ta, mà chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta.
Ông Xuân cho rằng chúng ta phải hiểu Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina rất có công với Vatican, với đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Trong phạm vi nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam thì họ có quyền vinh danh những người đã có công với họ.
Còn việc xác định đặt tên đường là vinh danh những người có công với đất nước, với dân tộc.
Vì sao phản đối đặt tên đường 2 giáo sĩ có công với chữ quốc ngữ? - Ảnh 3.
Đoàn học giả Việt Nam tại lễ dựng bia trên mộ Alexandre de Rhodes ở Iran cuối năm 2018 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN/ Tư liệu Tuổi Trẻ.
Không nên "bỏ bóng đá người"
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP Đà Nẵng, tranh cãi quanh việc đặt đổi tên đường không phải là mới.
Trước đây đã từng có thời kỳ chúng ta loại bỏ tên đường nhiều vị vua triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Sau đó có nhiều hội thảo lịch sử đã đánh giá lại công trạng của một số nhà vua rồi đặt lại tên đường.
Đối với việc đặt tên 2 vị linh mục có công với tiếng Việt, ông Hùng cho rằng những bậc tiền nhân, sĩ phu yêu nước của dân tộc ta, những nhân vật yêu cách mạng từ thế kỷ trước đều xác định việc truyền bá chữ quốc ngữ là yêu nước.
Cụ thể như các phong trào Duy Tân cho đến việc thành lập Hội truyền bá chữ quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Tố, sau này là chủ tịch Quốc hội, đã nỗ lực truyền bá.
"Chữ quốc ngữ là hồn trong nước. Phải đem ra tính trước dân ta. Ông Trần Quý Cáp đã đánh giá cao như vậy. Chúng ta không nên "bỏ bóng đá người" mà phải xem xét và nhận thức đầy đủ" - ông Hùng nói.
Từng đi đầu đặt tên đường Phan Khôi
Ông Huỳnh Văn Hùng kể trước năm 2013 cả nước chưa có nơi nào đặt tên người khởi đầu phong trào thơ mới Phan Khôi (1887-1959).
Sau đó có một số hội thảo và sách của các học giả có uy tín đánh giá đúng vai trò, đóng góp của ông trên lĩnh vực văn hóa. Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng cũng đã thực hiện loạt phim về tác giả Tình già.
"TP Đà Nẵng mới thấy rằng một người con quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng có ảnh hưởng trên văn đàn, có tên tuổi ai cũng vinh danh, truyền hình cũng làm phim, tại sao lại không đặt tên đường? Thế là đặt tên trên địa bàn quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Sau này nhiều địa phương khác cũng có tên đường Phan Khôi" - ông Hùng kể.
TP.HCM đặt tên đường Alexandre de Rhodes từ lâu, Đà Nẵng chưa đặt vì tranh cãiTP.HCM đặt tên đường Alexandre de Rhodes từ lâu, Đà Nẵng chưa đặt vì tranh cãi
TTO - Việc TP Đà Nẵng dự định lấy tên hai người đã góp công hình thành chữ quốc ngữ là giáo sĩ Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Pháp) để đặt tên đường đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư

https://tuoitre.vn/vi-sao-phan-doi-dat-ten-duong-2-giao-si-co-cong-voi-chu-quoc-ngu-20191126151416452.htm




3.


Chữ Quốc ngữ là công đức to lớn của hai vị giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina đối với dân tộc ta, non sông đất nước ta... Rất lạ là chính quyền Đà Nẵng đã nghe ai đó mà từ chối đặt tên đường cho hai Ngài. Sự vô ơn của chính quyền này đối với những người có công với đất nước là điều đã có vô vàn tiền lệ, nên không có gì khó hiểu. Nhưng điều quái đản ở đây là có một ông thượng tọa tiến sĩ Phật học là Thích Nhật Từ lại nhẩy ra mừng rỡ, reo lên bằng chính những chữ cái mà hai Ngài tiền bối vĩ đại kia đã dày công để lại cho chúng ta ngày nay.
Tại sao Thích Nhật Từ mừng rỡ?
Tại vì hai chữ “quốc ngữ”. Suy diễn rất vớ vẩn, sặc mùi kì thị và phân biệt, điều không thể có ở bất kì một con Phật nào, huống hồ đây lại là một ông tiến sĩ Phật học, mang giáo phẩm Thượng tọa, trụ trì một lúc mấy chùa, toàn chùa trăm tỉ dát vàng, nắm giữ 7 chức vụ cao trong giáo hội. Suy diễn rằng chữ viết bằng kí tự La Tinh gọi là “quốc ngữ”, thì tiếp theo, người Pháp sẽ tôn đạo Thiên Chúa giáo là “quốc giáo”.
Ông cứ việc một mình mừng rỡ, tư cách gì mà lôi cả nước vào? coi sự vô ơn kia của chính quyền Đà Nẵng là “tin vui cho Việt Nam”?
Thật là buồn cười và đáng khinh bỉ cho một kiến thức hẹp hòi, nông cạn và đầy tội lỗi của ông thượng tọa. Ông này nổi tiếng kì thị tôn giáo, phỉ báng đạo Thiên Chúa giáo, điều mà không một nhà sư chân chính nào dám làm, trong cả 3 nghiệp thân, khẩu, ý.
Những ai đọc kinh điển Đại thừa, hiểu được 4 chữ “phương tiện thiện xảo” của Đức Phật, thì phải biết rằng Chúa Giê Su là một vị Đại Bồ Tát, chớ có phỉ báng Ngài mà mang nghiệp nặng. Thích Nhật Từ chắc cũng tụng kinh Pháp Hoa, mà không hiểu phẩm “Phương tiện” hay sao? Chắc đã đọc kinh Viên Giác, mà không vỡ nổi phẩm “Tịnh Chư nghiệp chướng Bồ Tát” ư?... Tất cả những gì mà Đức Giê Su đã làm cho nhân loại, đều không ra ngoài những kinh điển vĩ đại ấy của Phật giáo. Thích Nhật Từ cần phải học lại từ đầu, từ lớp vỡ lòng. Nhưng không dùng chữ “quốc ngữ”, thì học bằng cái gì đây?
2.

Thích Nhật Từ - Pháp Thoại

22 tháng 11 lúc 07:55 ·

TIN VUI CHO VIỆT NAM: TP ĐÀ NẴNG ĐÃ TIẾP THU Ý KIẾN, NGƯNG ĐẶT TÊN ĐƯỜNG CHO HAI LINH MỤC ALEXANDRE DE RHODES VÀ FRANCISCO DE PINA

Khi UBND Thành Phố Đà Nẵng lên kế hoạch đặt tên đường cho hai vị giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina, các nhà nghiên cứu đã gửi thư kiến nghị đến thành phố Đà Nẵng, yêu cầu ngừng đặt tên đường mang tên hai giáo sĩ có tội nhiều hơn công đối với dân tộc Việt Nam. Theo lá thư của GS Lê Cung dưới đây, chính quyền Đà Nẵng đã tiếp thu ý kiến, và ngưng đặt tên đường cho hai giáo sĩ này.
***

Huế, ngày 21 tháng 11 năm 2019

THƯ GỬI CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU
có tên trong BẢN KIẾN NGHỊ (V/v đặt tên đường ở Tp. Đà Nẵng)

Kính thưa các nhà nghiên cứu!

Ngày 21 tháng 11 năm 2019, chúng tôi nhận được Thư phản hồi đề ngày 19 tháng 11 năm 2019 của SỞ VĂN HOÁ VÀ THỂ THAO thuộc UBND thành phố Đã Nẵng. Nội dung thư có đoạn viết: “Sở Văn hoá và Thể thao xin cảm ơn sự quan tâm của các nhà nghiên đối với công tác đặt, đổi tên đường ..., đã cung cấp các thông tin hữu ích về lịch sử liên quan đến việc đặt tên đường 2019”.

“Đối với 2 linh mục (Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina - LC Chú thích) nói trên, do còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa có sự đồng thuận cao, Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã báo cáo UBND thành phố chưa đặt tên đường lần này”.

Thư viết tiếp: “Sở Văn hoá và Thể thao kính phản hồi để Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Cung và các nhà nghiên cứu được biết và rất mong sẽ tiếp tục nhận sự quan tâm, đóng góp của các ông trong công tác đặt, đổi tên đường trong những năm tới”.

​Vậy chúng tôi xin thông báo để các nhà nghiên cứu biết.

Cám ơn các nhà nghiên cứu đã đồng hành cùng chúng tôi về V/v đặt tên đường ở Tp. Đà Nẵng như đã đề cập.

​Trân trọng!
​PGS. TS. Lê Cung

___________
Bài liên quan:

- V/V Đặt Tên Đường Ở TP Đà Nẵng - Thư Kiến Nghị Của Một Nhóm Trí Thức Trong Nước (Xin đọc http://sachhiem.net/DOITHOAI/Rhodes.php)

- Các bài trong trang nhà liên quan đến nhân vật Alexandre De Rhodes: https://sachhiem.net/TONGIAO/ListRhodes.inc.php

1. Với tác giả Bùi Kha, thì có thể xem thêm bài ở đây.



Đăng lúc: Thứ sáu - 05/08/2005 07:20 - Người đăng bài viết: Administrator

Từ CHLB Đức, GSTS Thái Kim Lan, uỷ viên hội đồng biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam, đã gửi về bài viết này và đề nghị giới thiệu để góp phần đính chính những nhầm lẫn tai hại về A. Rhodes dẫn đến việc đề nghị 'tri ân' không xứng đáng với nhân vật lịch sử này. Nhận thấy bài viết của Bùi Kha là rất đáng tham khảo, BBT chúng tôi cho đăng toàn văn, mong nhận được sự trao đổi của các nhà khoa học trong và ngoài nước để có thể đi đến nhận định thống nhất về việc nên hay không tôn vinh A. Rhodes trên đất nước Việt Nam chúng ta.

Mấy ngày qua nhiều anh em gởi email cho tôi với tựa đề "Khôi phục lại tượng đài Alexandre de Rhodes" các bạn nghĩ sao ? Kèm theo bài viết của PGS Hà Đình Đức đăng trên TTX Việt Nam và nghe nói bài viết này cũng được báo Hà Nội mới đăng lại khoảng hai tháng trước.
Đúng ra tôi không nên viết để nêu rõ những nhầm lẫn trong bài của PGS Hà Đình Đức vì tháng 7/1996 tôi đã viết bài đối luận về những sai lầm trong bài "Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau"  của GS Chương Thâu đăng trong Nguyệt san Công giáo  năm 1995. Bài đối luận của tôi có tựa đề. "Góp ý với Giáo sư Chương Thâu về vai trò của linh mục Alexandre de Rhodes và nguồn gốc chữ Quốc ngữ",  về sau đổi gọn thành  "Alexandre de Rhodes và chữ Quốc ngữ, biện chính với Giáo sư Chương Thâu".  Tháng 2/2004, bài viết này được in lại trong cuốn "Bùi Kha, tuyển tập" gồm 4 bài: A.d. Rhodes, Trần Lục, Trương Vĩnh Ký và Ngô Đình Diệm.
Vì bài viết nói trên quá dài, 55 trang sách, nên tôi thấy cần viết thêm bài này, cô đọng vài điểm chính của bài viết trước, cách đây 8 năm, cũng chỉ nhằm để thảo luận với PGS Hà Đình Đức về linh mục Alexandre de Rhodes, người cố ý hay vô tình vinh danh sai lầm qua nhiều thế hệ!
1. PGS Hà Đình Đức viết: "Cách đây hơn 60 năm, tại khuôn viên nhỏ cạnh đền Bà Kiệu trên Hồ Gươm đã từng có nhà bia Alexandre de Rhodes - người có công trong việc chế tác chữ Quốc ngữ...".
Sáu mươi năm trước, tức là khoảng 1940, thời kỳ Việt Nam còn bị ách thống trị của thực dân Pháp và của giáo hội Công giáo Pháp thì việc ca tụng A.d. Rhodes (một giáo sĩ người Pháp) chắc chắn mang nhiều tính chất chính trị, tôn giáo và thiên vị hơn là tính sử học khách quan đúng đắn.
2. "Ông để tâm nghiên cứu về phong tục tập quán, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên nước ta...Ông đã sọan ra nhiều truyện ký dịch ra nhiều thứ tiếng như: "Phép giảng tám ngày", "Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La tinh", "Diễn giải vắn tắt về Hành trình truyền giáo Đàng Ngoài", "Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài"...
PGS Hà Đình Đức chép lại đoạn ghi trong bia ký như trên nhưng đã không đọc để biết mục đích "nghiên cứu về phong tục tập quán, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên nước ta..." của vị linh mục này là với hậu ý gì ? PGS cũng không đọc để biết các cuốn "Phép giảng tám ngày", "Hành trình tuyên giáo"... viết gì trong đó ? Với những lời lẽ kích động "tiến lên",  xấc xược ngạo mạn đầy rẫy trong mấy tác phẩm của ông, nhất là trong cuốn "Phép giảng tám ngày" của vị giáo sĩ Dòng Tên này có đáng được xem là những tác phẩm văn hoá có giá trị hay không ? Vấn đề này tôi đã phân tích trong bài viết cách đây 8 năm, nên không nhắc lại ở đây nữa. Và cuối cùng là cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La"  không phải là sản phẩm hoàn toàn của A.d. Rhodes mà ông chỉ thêm phần La tinh vào hai cuốn từ điển đã có sẵn của người khác.
3. "Đến năm 1993, nhân 400 năm ngày sinh của Alexandre de Rhodes, Câu lạc bộ Sử học đã tổ chức cuộc toạ đàm về Alexandre de Rhodes. GS Nguyễn Lân nhắc đến nhà bia tri ân Alexandre de Rhodes bên Hồ Gươm đã bị phá bỏ do tư tưởng hẹp hòi không phù hợp với đạo đức của dân ta, một dân tộc trọng tình nặng nghĩa, uống nước nhớ nguồn...Sau Cách mạng tháng Tám, ta vẫn giữ tượng bán thân của nhà vi trùng học Pasteur ở vườn hoa trước viện Vệ sinh dịch tễ, trước viện này có phố mang tên bác sĩ Yersin..."
Qua đoạn văn trên chúng ta thấy ý kiến của GS Nguyễn Lân rất đúng là "đạo đức dân ta, một dân tộc trọng tình nặng nghĩa, uống nước nhớ nguồn". Nhưng trọng tình nặng nghĩa và uống nước nhớ nguồn trong trường hợp nhà vi trùng học Pasteur và bác sĩ Yersin thì đúng, còn trường hợp đối với linh mục A.d. Rhodes tại Hà Nội thì hoàn toàn sai, và việc phá bỏ nhà bia tri ân A.d. Rhodes tại Hà Nội và bãi bỏ tên đường mang tên ông ta tại TP. Hồ Chí Minh là một việc làm sáng suốt áp dụng đúng cho bản chất và con người chính trị đội lốt tôn giáo, A.d. Rhodes, mà tôi sẽ chứng minh trong bài này.
4. "Năm 1995, nhân kỷ niệm 335 ngày mất của Alexandre de Rhodes, Trung tâm KHXH & NVđã tổ chức hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Alexandre de Rhodes. GSTS Nguyễn Duy Quý đã kết luận: trước mắt, đối với Alexandre de Rhodes - như chúng ta đã có kiến nghị với Chính phủ - để thiết thực ghi nhận những đóng góp của ông, chúng ta sẽ tiến hành đưa tấm bia ghi công ông trong việc điển chế hoá chữ Quốc ngữ vào khuôn viên Thư viện Quốc gia và sẽ khôi phục là tên phố Alexandre de Rhodes ở TP Hồ Chí Minh".
Đoạn văn này, một lần nữa, cho thấy các nhà khoa học trong cuộc hội thảo nói trên đã không tìm hiểu rõ ràng nên đã sai lầm trong việc kiến nghị với Chính phủ để ghi nhận, thay vì lên án linh mục A. D.Rhodes. Nguyên nhân chính dẫn đến việc khôi phục lại địa vị của Alexandre de Rhodes như trên, GS Chương Thâu trình bày rõ hơn trong bài "Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau". Theo bài viết này thì trong cuộc hội thảo tháng 3/1993, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Cầu, GS Sử học Đinh Xuân Lâm và cả GS Chương Thâu đã đồng ý với linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch cụm từ "Pluisieurs Soldats" là "mấy chiến sĩ" và còn chú thích, chiến sĩ ở đây được hiểu là "Lính thừa sai", tức là "các giáo sĩ" chứ không phải là lính chiến là các người có súng để đánh giặc. Vì việc dịch sai lầm nên mới đưa đến có kiến nghị phục hồi vị trí (sai lầm) cho ông A.d. Rhodes như vừa nói trên.
Trong bài " Alexandre de Rhodes và chữ Quốc ngữ biện chính với Giáo sư Chương Thâu" tôi đã đưa ra 6 luận điểm bằng sử liệu để chứng minh việc dịch sai lầm ấy. Sau đây tôi chỉ tóm lược 3 điểm chính.
a. Từ điển Larousse dịch "Plusieurs"  là "nhiều"  và chữ  "Soldats" là "lính chiến" (tiếng Anh: soldiers). Và chữ "Missionnaires" mới có nghĩa là "thừa sai"  hay "giáo sĩ"
b. Linh mục Alexandre de Rhodes viết rất rõ: "Tôi nghĩ nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi nhiều binh lính (Plusieurs Slodats) để chinh phục toàn cõi Phương Đông (La conquête de tout I"Orient".
Nước Pháp hay nói đúng hơn là Chính phủ Pháp thì không thể có lính thừa sai mà chỉ có lính chiến (soldats) mà thôi. Và chỉ trong Giáo hội Pháp mới có "lính" ("thừa sai" missionnaires).
c. Tại sao linh mục Alexandre de Rhodes không xin Giáo hội Pháp mà xin Chính phủ Pháp ? Vì sắc lệnh 1493, Giáo Hoàng Alexander Borgia chia thế giới làm hai, cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có quyền đi chiếm thuộc địa và truyền đạo. Vì vậy mà Giáo hội Pháp không có quyền chen chân vào các nước Phương Đông nơi mà Giáo hoàng Alexander Borgia đã chia cho Bồ Đào Nha. Vì thế, linh mục A. D.Rhodes không thể nhờ cậy gì vào Giáo hội Pháp trong việc chinh phục toàn cõi Phương Đông (laconquête de tout I"Orient) mà phải nhờ Chính phủ Pháp là vì vậy. Chính cụm từ "la conquête de tout I"Orient"  cũng được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, GS Sử học Đinh Xuân Lâm và GS Chương Thâu trong buổi hội thảo nói trên dịch là "Nước Cha trị đến" thì thật là quá gượng ép, nhằm cưỡng từ đoạt lý.
Tôi không những đồng ý với Bộ Văn hoá và Chính phủ Việt Nam, đã có lần, bãi bỏ việc vinh danh Alexandre de Rhodes mà còn nên liệt kê rõ công, nếu có, và tội của ông giáo sĩ này để làm gương cho hậu thế.
Công, nếu có, hay tội của Alexandre de Rhodes thường được căn cứ vào ba câu hỏi chính sau đây:
A. Sáng chế chữ quốc ngữ:
Alexandre de Rhodes có phải là người sáng chế chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La tinh hay không ? Chính ông Alexandre de Rhodes, chứ không phải là người nào khác, trả lời KHÔNG qua đoạn trích dẫn do chính ông viết trong "Lời nói đầu" của cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La"  như sau:
"Quyển từ điển tam ngữ này, gồm  tiếng An Nam, Bồ Đào và La tinh tôi đặt nó vào trong tay và để trước mắt bạn được, là nhờ vào sự tài trợ của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin...
Tuy nhiên trong công việc này (học chữ Quốc ngữ - B.K) ngoài những điều mà tôi học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần hai mươi năm thời gian mà tôi lưu trú lại hai xứ Cô-sinh (Đàng trong - B.K) và Đông Kinh (Đàng ngoài - B.K) thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào, thuộc Hội Dòng Giê - su rất nhỏ bé, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ đào, nhưng cả hai ông đều chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông tôi còn thêm tiếng La tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn..."
(Từ điển Việt - Bồ - La, Alexandre de Rhodes, NXB Khoa học xã hội, Tp Hồ Chí Minh, 1991, trang 3, phần Việt ngữ).
Ông A.d. Rhodes cho thấy rõ là ông không phải là người sáng chế chữ Quốc ngữ và ông cũng chưa bao giờ là tác giả hoàn toàn cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La" mà ông chỉ có công thêm phần La tinh vào mà thôi. Vậy, chúng ta có cần phải gán cho Alexandre de Rhodes cái công sáng chế chữ Quốc ngữ là việc làm mà chính ông đã khẳng định là KHÔNG qua đoạn văn chính ông viết thư trên ? Alexandre de Rhodes "lương thiện" như thế vì trước ông đã có "Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha" của Gaspar de Amaral, "Từ điển Bồ Đào Nha - An Nam"  của Antonio Barbosa, "Nhập môn tiếng Đàng Ngoài" (Manuductio ad Linguam Tunckinensem) của giáo sĩ Thuỵ Sĩ gốc Đức Onofre Borges.
Thêm nữa và gần đây nhất, bài viết của Nguyễn Phước Tương cũng đưa ra những sử liệu cho thấy Rhodes không phải là người sáng chế chữ Quốc ngữ. Tạp chí "Huế, xưa & Nay "  số 62 (tháng 3,4/2004), trong bài viết "Sự phát minh chữ Quốc ngữ: vai trò tiên phong của Francisco de Pina và vị trí quan trọng của người Việt", tác giả Nguyễn Phước Tương đã trích dẫn lá thư dài 7 trang của vị giáo sĩ Bồ Đào Nha này gửi cho Khâm sai  Jérónimo Rodriguez vào năm 1623 (được nhà ngôn ngữ học người Pháp Roland Jacques tìm thấy trong Thư viện Quốc gia của Cung điện Hoàng gia Ajuda ở Lisbone và công bố trong công trình của mình vào năm 1995 và 2002), cùng những trước tác ngữ học và văn học bằng tiếng Việt La tinh của ông ("Chuyên luận về Từ vựng và các thanh tiếng Việt", "Ngữ pháp tiếng Việt", "Tập các loại chuyện cổ tích", "Tuyển tập các bài viết hay ở Đàng trong"), cũng như ghi lại quá trình lĩnh hội và xử lý tiếng Việt để chứng minh hai điều: (a) Nếu phải xác định ai là người tiên phong và đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ, trước khi Rhodes đặt chân tới nước ta, thì người đó phải là linh mục Bồ Đào Nha Fracisco de Pina; và (b) Chính De Pina đã dạy cho Alexandre de Rhodes tiếng Việt và sau khi De Pina chết, chính Rhodes, "một người dị nghị trong hàng ngũ đồng nghiệp về trình độ tinh thông tiếng Việt "đã" giữ lại các công trình đó cho mình và đã mang theo trong chuyến ra Đàng Ngoài vào năm 1627.
B. Tư tưởng chính trị
Ông Alexandre de Rhodes có vận động Pháp đánh chiếm Việt Nam hay không? Chính ông ta trả lời Có trong đoạn văn mà cũng chính ông viết như sau trong cuốn "Hành trình và truyền giáo" (Divers Voyages Et Mission), bản dịch của Hồng Nhuệ, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Tp Hồ Chí Minh, 1994)
"Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông Phương, đưa về quy phục chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Roma ngày 11/9/1652 sau khi tới hôn chân Đức Giáo hoàng" - (gần cuối tr.263).
"Tội đi quan Marxaay và Lyon rồi tới Paris; theo tôi thì Paris là thu gom hay đúng hơn là bản mẫu tất cả những gì đẹp nhất tôi đã thấy ở khắp trái đất này" - (cuối tr. 263).
Trên đưòng từ Lyon tới Paris tôi nghiệm thấy có sự quan phòng rất đặc biệt của Chúa tôi vẫn coi như kim chỉ nam và mẫu mực. Để ra mắt ở Pháp tôi cần có thiên thần hộ vực để đưa tôi lọt vào triều đình vua cao cả nhất hoàn cầu. Thế là tôi gặp ở Roanne đức Henri de Maupa, giám mục thành Puy, tu viện trưởng Saint Denis, đệ nhất tuyên uý của Hoàng hậu. Ngài có nhã ý cùng đi với tôi trong cuộc hành trình nhỏ bé này. Trong mười lăm ngày, tôi thấy nơi ngày rất nhiều nhân đức và thương yêu, suốt đời tôi, tôi quý mến công ơn và sẽ đề cao cuộc hội ngộ may mắn nhất trong suốt các hành trình của tôi" (đầu tr.264.).
Đoạn văn trên đã cho thấy, chính linh mục Alexandre de Rhodes đã nhờ Giám mục thành Puy, Henri de Maupa cũng là tuyên uý của Hoàng hậu vợ vua Luis, dẫn vào triều đình để vận động xin giúp nhiều lính chiến (Plusieurs Slodats) để chinh phục toàn cõi Đông phương (trong đó có Việt Nam). Tuy sự vận động đó chưa thành hình vào thời điểm của ông, nhưng nó đã mở đường cho Pháp xâm lăng nước ta 206 năm sau. Lính Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 1/9/1858.
Thế mà một số các nhà nghiên cứu của ta, bảo hoàng hơn vua, lại cứ muốn "cưỡng ép" ông Rhodes (Đắc Lộ) phải đóng vai cha đẻ chữ Quốc ngữ cho bằng được, và tìm cách chối bỏ cái tội mà ông đã vào trong triều đình Pháp vận động để Pháp đánh chiếm nước ta để rồi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để vinh danh một người không những tầm thường mà là một tên gián điệp, vì động cơ chính trị của ông là bước khởi dẫn cho gần một trăm năm nước ta bị Pháp đô hộ và hệ quả của nó vẫn còn di hại cho đến ngày nay.
Trong suốt gần 100 năm Pháp thuộc, chính quyền Pháp và Giáo hội Công giáo Pháp  (cũng như Việt) đã cố tình "dạy" cho dân ta rằng người sáng chế chữ Quốc ngữ là một ông cố đạo người Pháp tên là Alexandre de Rhodes mà không nhắc đến các giáo sĩ người Bồ Đào Nha chủ yếu là vì hai lý do: (a) Về mặt tôn giáo, thách thức sắc lệnh năm 1493 của Giáo hoàng Alexander Borgia chia thế giới làm hai, gạt bỏ Giáo hội Pháp dành cho Bồ Đào Nha độc quyền truyền bá đạo Chúa tại các nước phương Đông; và (b) Về mặt chính trị, ghi công Rhodes đã góp phần đắc lực vào công cuộc xâm lược và đặt nền móng đô hộ tại Việt Nam của Pháp thông qua những hoạt động gián điệp và đào tạo một đội ngũ tay sai bản xứ của ông ta.
Như vậy, Rhodes biểu tượng rõ ràng cho cả cuộc xâm lăng văn hoá (sẽ trình bày rõ hơn trong phần C dưới đây) lẫn nền đô hộ chính trị. Và đối với Giáo hội Công giáo Pháp và bản địa thì việc vinh danh Rhodes, vì ông là người đi chinh phục toàn cõi phương Đông, trong đó có Việt Nam, để mang về cho Vatican những con người sẵn sàng phản bội với tổ quốc của chính họ. Còn người Pháp cũng như tay sai của họ, việc đúc tạc bia cho Rhodes là chuyện đương nhiên phải làm để nhớ cái công ơn sáng kiến chinh phục cõi phương Đông, và cung cấp cho Pháp một đội ngũ trung thành không thể thiếu trong cuộc xâm lược và đô hộ nước ta. Còn dân Việt ta đã đánh đuổi được quân xâm lăng Pháp ra khỏi bờ cõi để dành lại nền độc lập chính trị và chủ quyền quốc gia, thế mà giờ này, năm 2004, ngay tại Thủ đô Hà Nội, vẫn còn có một số nhà nghiên cứu đòi vinh danh một tên gián điệp của thực dân ?
C. Khí cụ chữ Quốc ngữ
Các giáo sĩ Tây phương sáng chế chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La tinh với mục đích gì ? Chúng ta nên thấy rõ chiến lực chính trị của Giám mục Puginier mặc dầu ông không sống đồng thời với linh mục Alexandre de Rhodes, nhưng chiến lược lịch sử thì giống nhau, vì đây là một trong những công cụ đã được sáng chế bởi những giáo sĩ đi trước Giám mục này.
Mục đích việc sử dụng chữ Quốc ngữ của Giám mục Puginier.
"Từ lâu, tôi chủ trương dạy chữ và dùng chữ châu Âu để viết tiếng An Nam, nhưng khốn thay, tôi không được ủng hộ trong việc thực hiện kế hoạch mà đã sáu lần tôi đề nghị. Nhưng tôi sung sướng thấy từ hai năm nay, chúng ta hoạt động tích cực trong mục đích này: ngoài trường dạy tiếng Pháp của phái bộ là trường đầu tiên thiết lập ngày 8/2/1884, Chính phủ còn lập nhiều trường khác từ ngày 5/4/1885.
Cần phải dạy càng sớm càng tốt cho người An Nam viết và đọc được tiếng họ bằng chữ Âu châu, việc này dễ hơn và tiện lợi hơn dùng chữ Nho. Trong vài năm sau, cần phải bắt buộc mọi giấy tờ chính thức không được viết bằng chữ Nho như trước nữa, phải viết bằng tiếng trong nước, mỗi viên chức ít nhất phải được dạy học và viết tiếng An Nam bằng chữ châu Âu. Trong lúc đó việc dạy chữ Pháp sẽ tiến triển nhiều hơn và chúng ta chuẩn bị một thế hệ để cung cấp các viên chức có học tiếng nước chúng ta. Như thế có lẽ trong vòng 20 hay 25 năm chúng ta có thể bắt buộc mọi giấy tờ đều viết bằng tiếng Pháp, do đó chữ Nho sẽ dần dà bị bỏ rơi mà chúng ta chẳng cần phải cấm đoán gì.
Khi chúng ta đạt được thành quả lớn lao đó, chúng ta xóa đi nước Trung Hoa một phần lớn ảnh hưởng tại An Nam và phe trí thức An Nam là phe rất căm ghét sự thiết lập thế lực Pháp, cũng sẽ bị tiêu diệt dần dần.
Vấn đề này có tầm quan trọng rất lớn, sau khi đạo Thiên Chúa được thiết lập, tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần dần ban đầu bằng tiếng An Nam, rồi bằng tiếng Pháp như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông"
Ngoài việc Thiên Chúa giáo hoá xứ này và xoá bỏ chữ Nho, Giám mục Puginier còn đề nghị một số biện pháp thực tế khác để củng cố nền thống trị Pháp ở Bắc Kỳ: cho định cư tại ven biên giới Việt Nam, tiếp cận Trung Hoa các nhóm dân thân hữu và trung thành với nước Pháp, sử dụng các dân tộc ít người trong công việc bình định, đào tạo một đội quân Pháp theo mẫu quân đội Ấn Độ xưa kia, tạo lập một nông trại kiểu mẫu do tu sĩ dòng Luyện Tâm đảm đương, giảm bớt chi phí và thuế má để chinh phục (lòng quý trọng và thương yêu) của dân chúng...
Giám mục kết luận: "Tôi đã làm việc gần 30 năm trong phái bộ và tôi biết khá nhiều về đất nước này để đảm bảo được rằng nếu Chính phủ chấp thuận theo kế hoạch mà chúng tôi hân hạnh đưa ra, thì không bao lâu nữa Bắc Kỳ sẽ thành một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông mà tôi một lòng tha thiết muốn xây dựng"
"Là giám mục Hà Nội, người cầm đầu phái bộ lớn nhất Bắc Kỳ đã giúp nhiều cho đoàn quân chiếm đóng Pháp nhờ sự hiểu biết rộng lớn về đất nước này, Puginier lúc nào cũng là vị cố vấn được nghe theo nhiều nhất, là kẻ hợp tác mà giới chức Pháp luôn tôn trọng. Tóm lại, ông ta là Laviegerie ở Đông Dương" (Cao Huy Thuan "Christianisme Et Colonialisme Au Vietnam 1857 - 1914), Paris, Frace - 1968. Pp.425 - 426; Luận án Tiến sĩ của Cao Huy Thuần, "Thiên Chúa giáo và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam 1857 - 1914",  bản ronéo  tiếng Pháp. tr.425-426).
Như thế, chữ Quốc ngữ được các giáo sĩ người Bồ, nhất là Fracisco de Pina, chứ không phải Alexandre de Rhodes, sáng chế, trước hết, là để dễ dàng biến đổi những người Việt hiền lành theo lời kêu gọi "Chẳng thà mất nước không thà mất Chúa"  như linh mục Hoàng Quỳnh khẳng định, hoặc như Giám mục Puginier cũng đã xác nhận "Không có giáo sĩ và giáo dân thì người Pháp cũng như cua bị bẻ gẫy hết càng", và về sau chữ Quốc ngữ đã trở thành một khí cụ đồng hoá dân tộc ta như Giám mục Puginier cho thấy như trên.
Nhân dân ta đã nhanh nhẹn biết sử dụng loại vũ khí chữ Quốc ngữ để dễ mở mang dân trí nhằm đánh đuổi thực dân ra khỏi nước. Vì tiến trình không tốt đẹp giữa cứu cánh và phương tiện chữ Quốc ngữ, nên nhiều nhà nghiên cứu đưa ra nhiều ý kiến tương đồng:
Tiến sĩ Trần Chung Ngọc: một bọn cướp vào nhà, chúng dùng khí giới uy hiếp, giết người. Nhưng khi có người đã giành được khí giới của chúng và giải phóng các nạn nhân. Vậy chúng ta có cần phải biết ơn những tên cướp đó không ?
Cựu thẩm phán Charlie Nguyễn, một trí thức đạo Dòng hỏi: kẻ thù vào nhà dùng dao cướp của giết người, chúng để lại dao, ta dùng dao vào việc tiện ích. Vậy chúng ta có cần phải tạc tượng để ghi ơn chúng ?
GS Trần Thanh Đạm cũng luận: thực dân Pháp vào Việt Nam, chúng xây phi trường để cho máy bay oanh tạc nghĩa quân kháng chiến. Nay chúng ta sử dụng phi trường đó để vận chuyển, chẳng lẽ chúng ta phải biết ơn thực dân ?
Tóm lại, bài viết được đăng trên một hãng thông tấn có giá trị của Nhà nước (TTXVN), nhưng hầu như PGS Hà Đình Đức đã không đọc mấy tác phẩm của Alexandre de Rhodes, mà chỉ lặp lại vài đoạn khắc "công lao"  của vị linh mục này trên tấm bia ký dựng năm 1941.
Cũng thế, qua bài viết của GS Chương Thâu "Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau", chúng ta cũng thấy được thêm nhiều hội thảo viên đã chưa đọc mấy tác phẩm của Alexandre de Rhodes, nhất là cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La" và "Hành trình và truyền giáo" nên đã bị các GS Chương Thâu, Nguyễn Đình Đầu, Đinh Xuân Lâm và linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên...chi phối. Vì vậy, GS Chương Thâu cho biết, "Chính trong cuộc hội thảo đó của Hội Sử học đã đưa ra nhiều kiến nghị với các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá...) nhằm "khôi phục" vị trí xứng đáng cho linh mục A.d.Rhodes".
Việc kiến nghị thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng này đã làm cho Thủ tướng và Bộ văn hoá trở thành khó xử trước một vấn đề lịch sử, mà cho đến nay các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước vẫn chưa cử một ban đặc biệt chuyên môn để nghiên cứu lại các nhân vật được vinh danh nhầm như Alexandre de Rhodes, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký...để công bố cho quốc dân biết công và tội của họ.
        Nguồn: Văn hiến Việt Nam, số 7(39), 2004, tr. 12-15


1 nhận xét:

  1. "Tuy sự vận động đó chưa thành hình vào thời điểm của ông, nhưng nó đã mở đường cho Pháp xâm lăng nước ta 206 năm sau. Lính Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 1/9/1858." Lời kết luận hồ đồ và cưỡng ép, không xứng đáng là nhà nghiên cứu lịch sử!

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.