Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/07/2019

Đúng một năm trước: ngày 10/7/2018, tin Hà Minh Thành đã chết được ông Phạm Viết Đào loan

Tin này đã được lưu về đây từ năm ngoái. Tất cả được chép và giữ nguyên xi ở đây (entry lên trang ngày 27/7/2018, xem mục 2 thuộc phần bổ sung).

Một năm đã qua, tin loan trên blog Phạm Viết Đào vẫn để nguyên trên lưới trời.

Quả thực bóng ma Hà Minh Thành vẫn lẩn quất chỗ ông Đào nhiều năm nay (theo văn bản có chữ kí của ông Hữu Thỉnh thì có thể chính thức tính từ năm 2008). Đã, đang, và sẽ. Nhất là vào dịp tháng 7 hàng năm.







Hôm nay, chép nguyên một lần nữa tin trên blog PVĐ.




---

(bản chép ngày 10/7/2019)




"

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018


HÀ MINH THÀNH NGƯỜI KỂ CẬU CHUYỆN CẬU BÉ SOMA 9 TUỔI KHÔNG CHỊU NHẬN PHẦN THỨC ĂN ƯU TIÊN TRONG TRẬN ĐỘNG ĐẤT TẠI NHẬT 2011

Ảnh chụp Hà Minh Thành chụp trên đỉnh Lão Sơn, nơi có ngôi mộ tập thế của các bộ đội Việt Nam được vùi dưới các đống đá...do Hà Minh Thành gửi cho Phạm Viết Đào

Thưa quý vị và các bạn


Những trận đánh khốc liệt cũng với những trận đánh tại Vị Xuyên được blog Phạm Viết Đào đưa lên mạng đầu tiên 2010.



Nguồn thông tin do bạn Hà Minh Thành từ Nhật Bản dịch và gửi cho. Đáng tiếc lâu nay không liên hệ với Hà Minh Thành vì sau vụ Thông tin từ Nhật Bản và câu chuyện cậu bé Soma, Phạm Viết Đào và Hà Minh Thành bị vào sổ đen...



Tình cờ chiều nay, FB Phạm Viết Đào nhận được thông tin dưới đây do bạn Tuy Hoa Dân từ Nhật bản gửi cho và thông tin cho biết Hà Minh Thành không còn nữa. Anh đã mất cách đây 2 năm...

Hà Minh Thành tên thật là Hà Chính Quang, anh sang Nhật trước 1975. Dưới đây là thông tin do bạn Tuy Hoa Dân gửi cho FB Phạm Viết Đào. 

Xin gửi lời chia buồn với gia quyền, vợ con anh Hà Chính Quang ( Hà Minh Thành) và xin thành thật cáo lỗi vì biết tin về anh quá muộn... 

Sắp tới FB Phạm Viết Đào sẽ giới thiệu lại các thư từ, kỷ niệm và quan hệ bạn bè thân thiết với Hà Minh Thành, (Hà Chính Quang) cũng với câu chuyện Hà Minh Thành một thời nổi đình nổi đám trên báo chí và trên mạng giai đoạn 2010-2011...

Thư của bạn Tuy Hoa Dân gửi cho Phạm Viết Đào

Cháu có quen một anh cảnh sát Nhật gốc Việt cũng họ Hà nhưng mà không phải tên Hà Minh Thành mà là Hà Chính Quang (Hà Minh Thành không biết có phải bút danh của anh đó hay không ).

Anh này là đồng hương của cháu dân Tuy Hòa-Phú Yên. Dân du học ở Nhật trước 1975. Nghe kể thì hình như anh đó là con rể của ông Ishii Hajime người đứng đầu lực lượng cảnh sát Nhật thời điểm năm 94. Anh này hình như 2 năm trước thì phải cháu nhớ không chính xác nghe mấy bạn cháu nói đã chết vì bệnh ung thư tuyến giáp.

vào lúc  

"

https://nvphamvietdao5.blogspot.com/2018/07/vo-cung-thuong-tiec-bao-tin-ban-ha-minh.html


.


---


BỔ SUNG



2.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019

EM TÔI, LS PHẠM VIẾT TẠO HY SINH TRẬN 12/7/1984 QUA HỒI ỨC CỦA ĐỒNG ĐỘI?

ĐIỂM CAO 772
Nguyễn Đức Lưỡng

         ( Rút từ trong tập “Sư đoàn 356 và Ký ức Vị Xuyên”
-NXB Dân trí xuất bản 2018; Chủ biên: Nguyễn Đức Lưỡng)

Ls Phạm Viết Tạo

Điểm cao 772 thuộc xã Thanh Thủy-Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, nằm cách đường biên giới phía đông bắc giữa Hà Giang-Việt Nam và Vân Nam Trung Quốc 1,5 km bị đối phương xâm chiếm từ tháng 4/1984. Điểm cao 772 có vị trí phòng ngự thuận lợi trong thế trận phòng ngự liên hoàn vững chức. Phía đối phương muốn dùng 772 để làm bàn đạp tràn xuống Vị Xuyên, uy hiếp thị xã Hà Giang. Ta hiểu rõ điều đó và xác định được thế địch ở trên cao phòng ngự, ta ở dưới tiến công lên, sẽ vô cùng bất lợi nhưng vẫn quyết tâm giành lại.
          Điểm cao 772 là dông phía bắc của điểm cao 1509, thấp dần từ tây sang đông thuộc thôn Nậm Ngặt xã Thanh Thủy. Giống như một “con voi” đang tung vòi về phía tây, có nhiều đỉnh, nhưng có 3 đỉnh cao nhất. Tính từ đông sang tây thì đỉnh Đ 1 là phần đuôi, giáp đỉnh cao 685; đỉnh Đ 2 cao nhất, ở giữa là phần lưng, đỉnh Đ 3 phần đầu voi, liền kề 1509. Quá trình chiếm giữ, đối phương đã củng cố xây thành cứ điểm tương đối vững chắc xung quanh điểm cao; phía trước tiền duyên là hệ thống mìn các loại, dày đặc kèm theo hàng rào thép gai.
          Trên điểm cao 772, địch bố trí khoảng 2 tiểu đoàn bộ binh có lực lượng tăng cường để chiếm giữ, quân số hơn 600 tên, với sự yểm trợ của các trận địa pháo binh 152 ly, Đ 74, 112 ly, đặt ở phía sau, trong đó có hỏa lực trực tiếp bảo vệ 772 gồm 1 tiểu đoàn, 18 khẩu pháo 105; một trận địa 6 khẩu H 12, đặt cách đường biên giới 2 đến 4 km, một đại đội 6 khẩu pháo 85 ly bắn thẳng đặt trên đỉnh 1509, 2 trận địa cối 100 ly và 2 trận địa hỏa lực ĐKZ đặt ở sườn điểm cao 1509.
          Từ ngày 9/7/1984, Trung đoàn 876, sư 356 và một số đơn vị tham chiến hành quân vào vị trí. Đến 24 giờ ngày 11/7/1984, bộ đội các hướng tấn công đã tiến vào tuyến xuất phát xung phong, đào công sự, ngụy trang chờ lệnh.

          Giờ nổ súng
          Ngày 12/7/1984 lúc 0 giờ các đơn vị đã áp sát mục tiêu theo kế hoạch, cách địch 200 m đến 300 m. Đêm tối đen, lại thêm sương mù dày đặc, cách nhau 2 m không nhìn rõ mặt người. Từ đài quan sát mục tiêu không quan sát thấy, Sư đoàn trưởng Bùi Thanh Điếm yêu cầu:
-Đồng chí Đặng Xuân Nghiêm, chủ nhiệm pháo binh sư đoàn, áp dụng biện pháp khắc phục, điều chỉnh bắn.
-Điện báo hữu tuyến, chỉ đạo các đơn vị tham chiến, nhất là đài quan sát bộ binh, pháo binh mở rộng vị trí, dùng mọi biện pháp khắc phục, để nắm tình hỉnh báo cao.



          Đến 2 g 20 phút địch bất ngờ bắn cối xung quanh khu vực điểm cao nơi đội hình ta ém quân, đến 2 g 35 phút tiếp tục bắn đợt 2 10 phút, mật đội ngày càng tăng. Trung đoàn trưởng Trần Sĩ Tứ điện về xin pháo bắn trả và xin biết giờ G. Sư đoàn trưởng không đồng ý vì có điện báo: đặc công đánh điểm cao 233 đã vướng mìn. Nên địch tăng cường cảnh giới và tăng cường mật độ bắn vào trận địa của ta.
          3 g 00, các trận địa hỏa lực của toàn sư đoàn bắt đầu nổ súng, lúc này vẫn chưa có chi viện của pháo các đơn vị chi viện của pháo của các đơn vị hỏa lực phối thuộc. Cùng lúc Sư đoàn trưởng thông báo Giờ G là 3 g 40 phút.
          Lúc này, các tin báo liên tiếp dồn về: Đài quan sát 1: “Trời mùa sương không thấy mục tiêu”; Đài quan sát 2: “Không rõ mục tiêu, không thấy điểm nổ…yêu cầu bắn khống chế trận địa địch tại lùm cây tre, tọa độ…”, “địch bắn vào đội hình…”, “đội luồn sâu không có tín hiệu”…
          Pháo ta chuyển từ bắn phá hoại sang bắn áp chế. Nhưng cũng không quan sát được kết quả bắn. Trên hướng tấn công lên điểm cao 685, tiếng súng của ta cũng rộ lên, hỏa lực của trung đoàn 149, pháo 85, 37 ly của sư đoàn đồng loạt nhả đạn…

ĐỈNH Đ 2-ĐIỂM CAO 772 - Bức điện cuối cùng
Nguyễn Đức Lưỡng-Đặng Việt Châu
          Đ 2 là đỉnh trung tâm, cao nhất trong 4 điểm của điểm cao 772. Nhìn từ Cốc Nghè, phía bên phải là Đ 2 là Đ 1, bên trái chếch hướng tây là đỉnh Đ 3. Đỉnh Đ 2 nằm ở giữa có thể dễ dáng khống chế các đỉnh còn lại, nếu bên nào giữ được đỉnh này, coi như giữ được điểm cao 772.
          Địch bố trí Sở chỉ huy tiểu đoàn ở đây và 1 đại đội bộ binh tăng cường khoảng 200 tên, các hỏa lực bố trí kèm theo rất mạnh gồm súng ĐKZ 82, cối 60 và 12,7 ly. Một trận địa cối 100 ly nằm kế trên yên ngựa giữa Đ 2 và Đ 3; phía sau Đ 2 là một hệ thống hỏa lực dày đặc, xa nữa là nhiều trận địa hỏa lực cỡ lớn như: hỏa tiễn H 12, pháo 105, Đ 74, 155…
          Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 876 được chọn, giao và đã hạ quyết tâm đánh địch, chiếm lại đỉnh cao trung tâm này. Những cán bộ chỉ huy đội hình tấn công của D 1-E 876 gồm: Tiểu đoàn trưởng Trần Trung Chỉ, Tiểu đoàn phó Bạch Văn Kết, Chính trị viên tiểu đoàn Hồ Ngọc Sĩ…
          Tiểu đoàn 1 và chỉ huy Trung đoàn 876 xác định hướng tấn công phía tây nam cảu 772, đánh thẳng lên Đ 2, đây là hướng tấn công chủ yếu của Sư 356 và cũng là hướng chủ yếu Chiến dịch MB 84.
          Với vị trí quan trọng như vậy nên chỉ huy các cấp chọn Đại đội 2 của Tiều đoàn 1 là chủ công. Đây là đại đội có kỷ luật nghiêm, có nhiều thành tích trong huấn luyện làm đột kích 1, Đại đội trưởng là đồng chí Bành Trọng Hòa.
          Thi hài mai táng tại của Ls Phạm Viết Tạo: 
Do tính chất trận chiến đấu ác liệt không lấy được thi hài...

Đột kích 1 chọn đột phá là trung đội 2 do Trung đội trưởng Phạm Viết Tạo chỉ huy; Phạm Viết Tạo cũng chính là người được giao cầm cờ tiến công đột kích 1; chỉ huy trực tiếp đột kích 1 là tiểu đoàn trưởng Nguyễn Trung Chỉ.
          Đột kích 2 của hướng tấn công giao cho Đại đội 3, đồng chí Tiểu đoàn phó Bạch Văn Kết trực tiếp chri huy đột kích 2.
          Đúng theo kế hoạch, 2 g 00 ngày 12/7/1984 đội hình tiểu đoàn 1 đã ở vào vị trí bình độ 600 thuộc điểm cao 772, địa hình là một dải ruộng bậc thang, đây là tuyến xuất phát  xung phong, đội hình được bố trí theo hàng dọc, hướng thẳng lên đỉnh Đ 2.
          2 g 30, Đại đội 2 đã áp sát chiến hào 1, cách địch 200 m, tiến đầu là trung đội trưởng Phạm Viết Tạo và đại đội công binh mở cửa; Tiếp sau là đại đội 3. Toàn bộ đội hình đã bí mật củng cố hố chiến đấu cá nhân.
          4 g 10 phút, các vị trí cá nhân đã được bố trí xong, lúc này chỉ còn chờ hỏa lực pháo binh của ta nổ súng bắn phá đỉnh Đ 2 và các vị trí khác…
          Nhưng đến 4 g 30 vẫn chưa thấy pháo ta khai hỏa, đột nhiên nhiều tiếng nổ bất thường đã rộ lên ầm ầm, đạn pháo các cỡ gồm các dàn hỏa tiễn, pháo 152 ly, 105 ly và đạn súng cối 100 bắt đầu rơi vào đội hình Tiểu đoàn 1, mỗi lúc một nghiêm trọng hơn.
          Theo quan sát ban đầu, khi quân ta bắt đầu tấn công, không chỉ ở Đỉnh Đ 2 mà cả Đ 1 và D3, hỏa lực pháo của địch đã dựng lên một bức tường lửa trước tiền duyên của chúng. Có vị trí dàn hỏa tiễn của chúng bắn nhiều dàn trong 2 g đồng hồ liền. Nhiều vị trí của D 1, D2, D 3 của E 876 nằm gọn trong lưới lửa khủng khiếp đó.
          Trước tình thế đó, cấp trên đã hạ lệnh cho hỏa lực của Trung đoàn 876 nổ súng. Các trận địa pháo cối các cỡ, đạn ĐKZ, đạn KM 79…của trung đoàn, bắt đầu động loạt nhả đạn, tiếng nổ rộ lên…
Trong hình ảnh có thể có: 9 người, bao gồm Trịnh Xuân Thuỷ, Thái Khắc Ba và Trinh Huyền, mọi người đang đứng và trong nhà
Đặng Việt Châu, các CCB F 356 Tân Kỳ, Nghệ An thắp hương ngày giổ LS Phạm Viết Tạo
          Sau hơn 1 giờ nổ súng, hỏa lực của trung đoàn đã phá hủy được một số mục tiêu trên chiến hào Đ 2, tuy nhiên đã chưa đủ mạnh để công phá, khống chế địch…Lúc này đạn địch nổ mỗi lúc càng dày đặc, đạn cỡ lớn rơi nhiều vào đội hình Tiểu đoàn 1, nhiều đồng chí đã hy sinh ngay tại tuyến xuất phát, những người sống sót không ngóc dậy khỏi hố chiến đấu được.
          Trước tình hình đó, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Trung Chỉ quyết định ra lệnh mở cửa. Khi bộc phá đã phát hỏa, cũng là lúc lựu đạn hỏa lực ném vào Đ 2 cùng pháo cối các trận địa tập trung bắn cấp tập vào cửa mở. Đội hình Đại đội 2 chìm trong mưa đạn. Không thể nằm chờ, Nguyễn Trung Chỉ tức tốc gọi điện cho chỉ huy sư đoàn và Sư trưởng Bùi Thanh Điếm: ”Tôi đã vào tới cửa mở, đang cơ động lên Đ 2”…rồi anh phát lệnh tấn công.
          Đại đội 2 mà mũi nhọn là Trung đội 2 bật dậy trong mưa đạn. Trung đội trưởng Phạm Viết Tạo giương cao lá cờ, các chiến sĩ Đai đội 2 lao thẳng lên cửa mở hướng lên Đ 2. Hỏa lực các loại của địch quá dữ dội, đạn nổ, mảnh rít bay tứ tung, do vậy hầu hết anh em B 2 gục ngã trên đường tấn công, máu và đất bắn tung tóe. Đại đội 2 tiếp tục tổ chức tấn công đợt 2 cùng anh em B 1 dũng mãnh tiến lên và họ đã lần lượt ngã xuống. B 3 cũng không nằm chờ chết, những đội chân bước qua xác đồng đội tiến lên nhưng do đạn của địch rơi không ngớt nên tất cả họ đã hy sinh trước cửa mở…
          Những tiếng nổ hủy diệt vẫn ầm ầm mỗi lúc một dữ dội hơn, cảnh tượng anh em chết và bị thương nằm phơi mình khắp nơi, trông rất bi thảm. Trên chiến tuyến, không ít thi thể của anh em trên đường tấn công đã nhiều lần bị trúng đạn, thịt da hòa vào đất….Đại đội 3 là thê đội áp sát đại đội 2, bên những ruộng bậc thang, chưa kịp tấn công, cũng bị ngập trong mưa đạn, tổn thất ngày một nghiêm trọng.
          Tại sở chi huy sư đoàn, các đài thông tin luôn phát đi: “D 1 đâu, D 1 đâu…D 1 đâu…” một cách vô vọng. Vẫn chỉ nghe tiếng rù… rù…rù, lúc này mạng thông tin cả vô tuyến và hữu tuyến tới D 1 đều không tác dụng. Đại bộ phận anh em thông tin đều chết và bị thương.
          Đến 11 g ngày 12/7/1984, các đài thông tin vẫn không nhận được tin tức của Tiểu đoàn 1, bức điện tiếng công của Nguyễn Trung Chỉ-tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, E 876, F 356 đã là bức điện cuối cùng..
          11 g 30 phút ngày 12/7/1984, tiếng súng thưa thớt dần rồi im hẳn. Đường tiến công lên cao điểm 772 tanh bành, mất hết màu xanh cây lá, chỉ còn lại đất đỏ, khói bụi khét đặc thuốc súng, bụi đất mịt mù tràn khắp Thanh Thủy…Trận đánh đã không thành công. Tiểu đoàn 1 của E 876 đã tổn thất nghiêm trọng, cán bộ tiểu đoàn đến đại đội, trung đội hoàn toàn bị thương vong. Trong đó đồng chí Nguyễn Trung Chỉ tiểu đoàn trưởng, Bạch Văn Kết Tiểu đoàn phó, trung đội trưởng Phạm Viết Tạo cùng các đồng chí Nguyễn Văn Thêm, trợ lý tác chiến tiểu đoàn, Nguyễn Văn Thọ-Trợ lý chính trị trung đoàn 876 và hầu hết cán bộ Đại đội 2, Đại đội 3 đều đã hy sinh trên cao điểm 772…
                                                      N.Đ.L-Đ.V.C.
                        Liên hệ chủ sách nhà văn Phạm Viết Đào chia sẻ: Hoanghtham9@gmail.com; ĐT 0382598746

https://nvphamvietdao5.blogspot.com/2019/07/em-toi-ls-pham-viet-tao-hy-sinh-tran.html




1. Trên Fb, ngày 10/7/2019, ông Phạm Viết Đào đưa bài sau:

"
NHỚ VỀ "CHIẾN DỊCH MB 84"- 1200 BỘ ĐỘI ĐÃ HY SINH TRONG NGÀY 12/7/1984 TẠI THANH THỦY-VỊ XUYÊN ( Bài 2)
TRẬN 12/7/1984, CHÚNG TÔI ĐÃ ĐỔ NHIỀU MÁU
ĐỂ GIỮ ĐẤT VỊ XUYÊN ( Phần 2)
Ký sự của Phạm Ngọc Quyền.
C6, D2, E876, F356[1]

Lúc này trên đầu tôi tiếng đạn rít, tiếng lựu đạn nổ đất đá bay rào rào. Tôi cơ động trong đoạn hào và tì vào mép hào phía trên tiếp tục bắn trả bọn chúng. Bỗng tôi nghe tiếng “Quyền! Lựu đạn!”. Theo phản xạ, tôi thụt cả người xuống dưới hào, tiếng lựu đan nổ xé ngang mang tai. Rất may là lựu đạn nổ trên mặt giao thông hào. Đất đá chùm lên người. Tôi vùng đậy, đầu lắc lắc để đất rơi xuống. Nhìn sang trái thấy Trí, trung đội 2 cùng C6 với tôi,quê ở xã Thạch Cầu, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nhập ngũ tháng 8/82, cũng đang bắn trả lại bọn chúng. Tôi lao tới chỗ nó, hai anh em nhìn nhau trong ánh lệ nghẹn ngào.
Lúc này có vẻ địch đuổi để bắt sống chúng tôi chăng. Một thoáng suy nghĩ vì thấy chúng tản sang hai bên, chứ không tập trung tất cả từ trên xuống nữa. Hai anh em không kịp nói với nhau lời nào, tựa lưng về nhau quay mặt sang hai bên tiếp tục nhả đạn, đồng thời rút lui, loanh quanh trong đoạn hào cũ dập nát vì đạn pháo.
Hai anh em đang xoay xở bắn trả bọn chúng thì thấy Bảo, thượng sĩ trung đội trưởng trung đội 1, cùng C6, quê Phú Thọ, nhập ngũ 8/1982, vừa bò, vừa chạy từ phía đầu hào ngược lại chỗ chúng tôi. Bảo nói nhanh: “Rút thôi, bọn nó xuống đông lắm.”… Trí hỏi lại: “Rút đường nào?”
Lúc này chúng tôi đang loay hoay trong đoạn hào hẹp hình vòng cung.Trong khi đó đạn tiểu liên bọn chúng bắn đan chéo trên đầu ba anh em chúng tôi. Không kịp nghĩ, tôi nhặt nhanh quả lựu đạn cầu tung lên trên về phía chúng, chớp mắt không thấy đạn bay. Trí, Bảo cũng nhổm dậy tung lựu đạn theo. Lập tức tôi nhỏm dậy tì vào tả ly tiếp tục bắn, rồi cơ động trong đoạn hào. Tình cờ liếc nhìn, tôi phát hiện thành hào phía dưới vỡ tung tạo thành lối đi không rõ lắm, nhưng nó hơi giống ngã ba giao thông hào. 
Lúc này trong đầu tôi lại hiện về câu nói của mẹ tôi trong mơ: “Xuống tới ngã ba thì con nhảy xuống”. Tôi nghĩ: “Có lẽ là đây sao? Sự thật chăng?” Nhưng cùng đường rồi, tôi đưa tay giật quả lựu đạn cầu cài ở lỗ cúc áo ngực lúc rút xuống ném về phía chúng đồng thời hô to: “Trí, Bảo nhảy xuống”. Hai thằng đang bắn nghe thấy tiếng hô của tôi rồi nhìn tôi…
Ba anh em cùng nhảy tụt xuống khoảng chục mét gì đó, tôi chạm vào một xác đồng đội, trên người không có một mảnh vải che thân, nằm nghiêng cong theo kiểu úp thìa, đầu quay xuống dưới, chân quay lên trên. Tôi bò, tụt xuống sát anh ta lấy tay lật người nhưng anh hy sinh đã lâu nên người đã cứng, tôi nhìn vào mặt thì nhận ra tiểu đoàn phó Phạm Minh Ký. Tôi ngậm ngùi trong giây lát và thò tay kéo cây chuối nhỏ gẫy nát bên cạnh phủ lên người anh. Đang phủ đến tàu lá thì một đường đạn xoạt xoạt trúng cây chuối, tôi vội bỏ anh lại, nhảy phất xuống dưới theo Trí và Bảo.
Lúc này, ba anh em tôi đã tụt xuống dưới cách khá xa bọn chúng, nhìn lên không thấy bọn chúng đuổi theo mà chỉ có tiếng tiểu liên và tiếng đạn bắn đuổi theo không chính xác. Cuối cùng, cả ba anh em cũng mò mẫm tụt được xuống suối cụt. Xuống tới nơi, nhìn cảnh tượng thảm hại: bạt ngàn thương binh, tử sĩ nằm la liệt khắp các nền đá dưới suối… Ngán ngẩm quá, chúng tôi bảo với nhau dại mồm mà nó gọi pháo thì hậu quả khôn lường, rồi tôi xách súng đến gần anh em, mồm hô anh em tản ra tìm chỗ nấp, không có pháo nó bắn thì chết cả nút bây giờ. Đồng thời tôi dìu đỡ một số anh em thương binh vào các khe đá nằm nghỉ. Lúc này tôi đã thấm mệt, tôi ngâm mình dưới nước, bơi trườn theo các khe đá xuôi ra phía ngoài. Được một đoạn thì thấy ánh nắng chiếu rọi, tôi ngước nhìn lên thì thấy bóng cao điểm 685 soi gương rõ mồn một. Nhận thấy nguy hiểm, tôi ép mình chìm dưới nước, đầu chui vào khe đá tay vẫn lăm nhăm khẩu AK, chờ tối rồi tính tiếp... Lúc này tôi đoán khoảng 2-3 giờ chiều gì đó…

Chiều ngày 12/7/1984 
Tôi ngâm mình dưới nước suối cụt, đầu ép sát vào khe đá, mắt vẫn hướng lên Đ1 cao điểm 772 và cao điểm 685 để quan sát địch, tiếng nổ ì ùng của đạn pháo từ xa vẫn vang vọng vào vách núi đá…
Bỗng...xoẹt...xoẹt...oành...oành…một loạt đạn pháo nổ bên trong suối khe cụt? Nước suối cuồn đục ngầu màu đỏ của máu,cùng các vật liệu cành cây, cỏ rác…sủi ùng ục chùm ngập đầu tôi…Tôi đã nhận định đúng? Địch đã bắn trúng suối cụt nơi anh em ta rút xuống…Nhưng rất may, chúng chỉ bắn có đúng một loạt xuống suối cụt lúc khoảng 3 giờ chiều ngày 12/7.
Dứt tiếng pháo, tôi nhổm dậy để quay vào đoạn trong chỗ anh em xem ra sao thì gặp một tốp anh em của C5 ở bên trong đó đang bì bõm lội suối ra chỗ tôi. Tôi nhận ra Tr. người xã Nhật Tân-Từ Liêm cùng huấn luyện AT với tôi và D. người Cổ Nhuế-Từ Liêm (xin phép được dấu tên). Chúng tôi hỏi chuyện nhau thì tôi được biết họ vừa bị đạn pháo dội vào trúng suối nhưng hơi lui vào đoạn trong, mấy quả đạn pháo cũng gây thiệt hại cho số anh em đang ẩn náu nhưng không nhiều? Mấy thằng này sợ quá bò ra ngoài này thì gặp tôi. Chúng tôi chuyện trò vài câu, chúng nó nói với tôi là “sợ lắm rồi, bọn tao đêm nay chuồn thôi”…
Tôi cũng không biết nói ra sao với các bạn đồng hương nữa mà chỉ dặn một câu là: “Nếu về, chúng mày qua nhà tao, bảo ông già tao là tao vẫn khỏe và bình thường”, rồi tôi bỏ lại anh em đi vào trong cùng của khe suối cụt. Vừa vào đến nơi thì lại bị mấy quả pháo cầm canh lạc hướng của địch dội suống mép suối, đất đá, cành cây bay rào rào xuống đầu nhưng không có thiệt hại gì. (Sau này về tôi được gia đình cho biết là Tr. có vào nhà chơi và kể chuyện về tôi cho gia đình nghe, rồi nó còn khẳng định tôi đã chết ở trong khe cụt… Từ đó bố tôi đã lập cho tôi một chiếc bàn thờ cùng một tấm ảnh học sinh, ảnh tôi làm hồ sơ thi đại học, bên cạnh là ảnh của mẹ tôi. Hằng ngày, ông đều hương khói nghi ngút cho hai mẹ con !!!…)
Tối ngày 12/7/1984, tôi khoác trên vai một khẩu AK, lưng cõng một đồng đội thương binh, bò ngược lên giông đồi đất của 468, đường mòn lúc anh em tôi vào giờ đã bị đạn pháo cày tung, tre, nứa, cây rừng đổ ngổn ngang không biết lối mà đi…
Mò mẫm mãi tôi cũng cõng được đồng đội lên tới trên (vị trí ngày nay đặt cây hương) thì gặp một toán vận tải, họ có cáng thương, rồi họ bảo tôi là đặt anh thương binh vào cáng để họ cáng về cho. Nghe theo lời của họ và tôi cũng đi theo họ, tôi thấy họ không đi về hướng 468 thì tôi thắc mắc và được họ đáp: “Đi hướng này để chuyển về phẫu, ở đó mới có y tá cấp cứu”. Tôi nghe và đi theo họ (thực chất tôi cũng không biết nơi này là đâu). Đi được một đoạn thì lại gặp một tốp anh em đang dìu nhau cùng ra theo hướng này, nhưng không có cáng. Thấy vậy, tôi cũng hòa nhập vào đoàn người và cùng sốc nách dìu thương binh đi cùng. Đến khuya thì chúng tôi tới cầu treo cọc sáu, qua cầu sang bên kia thì gặp rất nhiều người của F356. Từ đây tôi mới biết bên dưới cầu treo cọc sáu khoảng 800 m là trạm phẫu của F356 nằm tại đây.
Trong màn đêm của ngày 12/7/1984 tại khu vực cọc sáu, tôi đi lại và tìm gặp được C8 D2 E876 là C cối 82 lúc vào đánh 772. C8 đặt tại đồi đất của 468, nay cũng rút về đây. Tôi nhận ra đồng hương, anh em cùng huấn luyện AT tại C4 D4 E153, đang chuyện trò thì có tiếng gọi, ngoảnh lại thì tôi nhận ra đồng hương Thảo, làm y tá của trạm phẫu….
Đồng hương Thảo nói chuyện và dẫn tôi vào chỗ xếp tử sĩ và chỉ cho tôi biết Đào Văn Tiến (ở công ty cầu 7, Tổng công ty cầu Thăng Long Hà Nội). Nó là đồng hương cùng với tôi, anh em nhập ngũ cùng ngày, học AT cùng, nó học AT ĐKZ. Nó được bổ sung về Đ3, vào đánh Đ3 của cao điểm 772 và bị hy sinh. Buồn quá! Ở đây tôi gặp khá nhiều đồng hương, mọi người cứ giữ tôi ở đây, nhưng tôi nói với các bạn tôi là phải quay lại 468 nơi đơn vị tôi lấy làm cứ để xem tình hình ra sao… Cảm ơn anh em đồng hương, tôi xách súng lầm lũi một mình trong đêm đi theo đường tăng quay ra Thanh Thủy, vượt qua cầu treo trở về 468, lúc này trời cũng vừa hay tang tảng sáng ngày 13/7…
Về đơn vị ngày 13/7 và cũng được biết đơn vị tôi, C6 vào đánh Đ1 cao điểm 772, tất cả là 94 cán bộ chiến sĩ, nay trở về không còn ai là cán bộ đại đội, là sĩ quan? chỉ còn lại vẻn vẹn 17 anh em là hạ sĩ quan và chiến sĩ …
Ôi thật sự sốc và đau đớn…!
Tiếp theo những ngày sau đó,hàng đêm chúng tôi rời lèn đá 468 quay trở lại 772 để tìm và chuyển tử sĩ về đặt tại 468 để chờ vận tải họ vào mang ra, chuyển về tuyến sau…

kimtd3f356 – Phản hồi: 
Chào anh em và các bạn. 
Bác Quyền đang phác họa lại phần nào những gì đã diễn ra ở hướng của bác trong ngày 12-7-1984, một trận đánh rất khốc liệt mà hiện nay hàng trăm đồng đội thân yêu của chúng ta vẫn còn nằm lại trên đó, ở những bờ hào, bụi cây khe đá…
Những người còn sống như chúng ta hôm nay sẽ tìm lên với anh em, nhất định lên, bằng tấm lòng và sự tri ân, bằng hành động và việc làm thiết thực chứ không phải bằng những lời nói suông, sáo rỗng, nọ kia...Những người lính trở về từ 1509, 1100, 772, 685, 300-400…sẽ và vẫn luôn là những con người sống trọn tình vẹn nghĩa trước sau…
Trở lại câu chuyện đêm hôm ấy: sau khi kiểm tra kỹ không còn gì, chúng tôi nhanh chóng rút về hang suối Cụt, pháo sáng và tiếng nổ ùng oàng xa xa của pháo địch không làm tôi để tâm bằng hàng chữ in trên mấy cái tóp thuốc lá mà chúng tôi đã thu được…Về đến cửa hang suối cụt đã thấy có anh Mã và vài chiến sỹ khác đứng ở cửa hang. Anh khẽ lắc đầu và nói với tôi: may quá về đủ cả và an toàn. Anh nói thêm: kế hoạch đánh 685 đêm nay tạm hoãn, anh em vào trong tìm chỗ nào mà nghỉ tạm đi. Ba đồng chí trinh sát tìm về phía đơn vị mình. Tôi cũng xách súng tìm đến chỗ để cái ba lô, tôi thấy ở vách bên cạnh có ánh đèn và tiếng người. Tôi nhẹ nhàng đi đến và ngó sang tôi nhận ra anh Đệ, tham mưu trưởng trung đoàn đang nói chuyện với mấy người, bộ dạng ai cũng bơ phờ tả tơi. Một người nói giọng hổn hển mệt mỏi: Báo cáo anh, em và ba anh em thông tin đang đánh điện liên lạc với trung đoàn thì phát hiện ra có động, chúng em vừa rời khỏi vị trí thì bị bọn thám báo chúng nó bắn và ném lựu đạn như mưa vào hang, may mà có vách đá che chắn và rút kịp thời chứ không thì chết hết cả rồi… Anh xem có tổ chức lực lượng truy lùng chúng không? 
Tôi thẫn thờ, toát mồ hôi ngồi thụp xuống và nhận ra đó là anh Tá phụ trách thông tin của trung đoàn. Rồi giọng anh Đệ cất lên: Tôi hiểu rồi, tôi hiểu rồi. Ông Tá này, mai ông về ông cạo ngay bộ râu quay nón đi cho tôi nhờ, lần này là may mắn lắm chứ lần sau mà thế nữa thì không biết thế nào mà lần đâu… 
Tôi lẳng lặng xách súng, ôm ba lô tìm một chỗ để ngả lưng. Thật là hú vía quá. Nhưng thôi thế cũng là may, vừa thoát chết qua khỏi trận pháo bắn lại không bắn nhầm trúng anh em mình…
Trận pháo kích hôm ấy đã làm sáu anh em bị hy sinh và chín đồng chí khác bị thương, thật là đau xót. Riêng với anh Tá sau này cứ mội lần nhìn thấy tôi ngang qua là lại giơ nắm đấm dứ dứ, tất nhiên là với bộ râu quai nón đã được cạo nhẵn. Anh bảo là để cho lũ bộ binh gà mờ chúng mày khỏi nhầm lẫn tao với thám báo địch. Anh còn bảo: may hôm đó tao đè hòn đá lên sợi dây leo rừng để báo hiệu chứ mà gài trái lựu đạn thì chúng mày tiêu rồi…
Tầm chiều hôm sau 12/3/1985, tôi đang ngồi trong hang dùng dầu xoa vào những chỗ bị bầm tím đêm hôm qua thì anh Mã đến bảo tôi chuẩn bị sẵn sàng để đêm nay lên trinh sát địa hình trên E2, E5 của 685 cùng với anh Đệ, anh Mã, anh Canh đại trưởng C20 trinh sát, một đồng chí thông tin và ba đồng chí trinh sát…
Tôi lại lao vào chuẩn bị cho cho chuyến đi tối nay, một chuyến công tác đầy nguy hiểm và nhiều xúc cảm không thể nào quên. Đến tận bây giờ, mỗi lần nghĩ lại thì cái cảm giác chơ vơ giữa trời ở vách đá cheo leo trên núi đá 685, trong tiếng pháo nổ rung chuyển của những ngày ấy lại ùa về …
kimtd3f356

Bài liên quan:
>Viet Dao Pham cùng với Quyen Pham.
20 giờ ·
NHỚ VỀ "CHIẾN DỊCH MB 84"- 1200 BỘ ĐỘI ĐÃ HY SINH TRONG NGÀY 12/7/1984 TẠI THANH THỦY-VỊ XUYÊN ( Bài 1)
>NHỚ VỀ "CHIẾN DỊCH MB 84"- 1200 BỘ ĐỘI ĐÃ HY SINH TRONG NGÀY 12/7/1984 TẠI THANH THỦY-VỊ XUYÊN ( Bài 1)
Rút từ:" VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"
Biên khảo về Mặt trận Vị Xuyên Hà Tuyên
Sách dày 700 trang...
Liên hệ chia sẻ với tác giả:
Hoanghtham9@gmail.com
ĐT: 0382598746
Bình luận
  • Le Van Thao Cảm ơn tác giả đã kể lại những ngày tháng chiến đấu chống giặc Tàu mà biết bao chiến sĩ anh hùng đã xả thân cho Tổ Quốc để giữ vững biên cương . Rất nhiều người cả lính lẫn dân sống đương thời còn không biết gì nhiều ( cả lớp trẻ bây giờ ) về những chiến công đầy gian khổ hy sinh đó , vì chế độ cs đã giấu giếm một cách tàn nhẫn vô lương . Chỉ vì mấy chữ vàng rởm mà họ dám bán đứng cả Dân tộc và Tổ quốc .
    4
  • Nguyễn Quốc Cảm ơn các bác, các chú đã đổ xương máu vì Tổ Quốc!
    2
  • TuyHoa Dân Cám ơn các liệt sĩ đã hy sinh, cảm ơn tác giả Phạm Ngọc Quyền, cám ơn chú Phạm Viết Đào đã cho tụi cháu biết một trang lịch sử đẩm máu oai hùng đã bị bọn phản quốc thân Tàu giấu nhẹm bao nhiêu năm nay. Đọc mà không cầm được nước mắt. Bây giờ cháu mới hiểu tại sao bọn chúng phải bỏ tù chú.
  • Duy Tăng Đoàn Họ còn đục tên những anh hùng liệt sĩ trên bia Vị Xuyên .Đung là lũ bán nước
    2
  • Cham Ba Cảm on các anh.rồi có ngày lũ bán nước đền tội
  • Không Tâm Thái Chân thành tri ân, vạn phần kính phục!

"

https://www.facebook.com/vietdao.pham.77/posts/153732759114406

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.