Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

08/06/2019

Văn nghệ Thứ Bảy : Chu Thiên Hoàng Minh Giám với tiểu thuyết "Thoát cung vua Mạc" (1942)

Có hai ông Hoàng Minh Giám khác nhau. 

Một ông là Hoàng Minh Giám chính trị gia, người của Việt Minh, sau giữ nhiều chức vụ cao trong chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 1904-1995. Hậu duệ hiện nay là ông Hoàng Vĩnh Giang của ngành thể thao Việt Nam.

Một ông là Hoàng Minh Giám có bút hiệu Chu Thiên, là một nhà văn - nhà khảo cứu, tên tuổi gắn với các bộ tiểu thuyết lịch sử như Bút nghiên, Nhà NhoBóng nước Hồ Gươm. 1913-1991.

Chu Thiên có một tiểu thuyết lịch sử có tên Thoát cung vua Mạc đăng dài kì trên Tạp chí Tri Tân (năm 1942). Đây là một tiểu thuyết về nhà Mạc thời kì Thăng Long.

Hồi giữa thập niên 1990, chúng tôi có nhiều lần du lãng làng Đông Ngạc, có tới thăm mấy bận dòng họ Hoàng ở đó. Đó là quê nhà của Hoàng Minh Giám chính trị gia. Đến cuối thập niên 1990 lại có vài ba lần là đi với đàn anh O., vì hồi đó anh O. đang tìm hiểu về nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục.

Gần đây, thì lại hay du lãng ở vùng Ý Yên - Nam Định. Đó là quê nhà của Chu Thiên Hoàng Minh Giám.







---

"Chu Thiên với các tiểu thuyết lịch sử: “Bà Quận Mỹ” (14 số, từ số 2 đến số 16); “Thoát khỏi cung vua Mạc” (21 số, từ số 25 đến số 48)… với các loạt bài khảo cứu về lịch sử, tiểu thuyết lịch sử có nội dung yêu nước trên, Tri Tân đã phác họa lại những trang sử giành độc lập và xây dựng quốc gia tự chủ của người Việt từ thời cổ trung đến cận hiện đại; đồng thời kiểm định những đóng góp của các nhân vật đó trong lịch sử dân tộc."
(Nguyễn Trọng Lượng)


Người viết bài (tác giả NTL) có nhầm một chút. Tên tiểu thuyết thành ra "Thoát khỏi cung vua Mạc".





1.

(tên thật: Hoàng Minh Giám; 1913 - 91), nhà văn Việt Nam. Quê: huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Trước Cách mạng tháng Tám, viết tiểu thuyết lịch sử "Lê Thái Tổ" (1941), "Bà Quận Mĩ" (1942) và một số công trình nghiên cứu lịch sử: "Lê Thánh Tông" (1943), "Văn Thiên Tường" (1944), "Tuyết Giang Phu Tử" (1945). Tiểu thuyết "Bút nghiên" (1942), "Nhà nho" (1943), xoay quanh chủ đề học hành thi cử ngày trước. Sau 1954, là chuyên viên sử học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bộ "Bóng nước Hồ Gươm" (2 tập, 1970), phản ánh tinh thần yêu nước của người Hà Nội trong những năm đầu thực dân Pháp chiếm thành phố.


2.





 06/03/2014  21:27  1776

Bên cạnh các sưu tập báo chí cách mạng trước năm 1945 như: Dân Chúng (1938), Cờ Giải Phóng (1942-1945), Cứu Quốc (1942-1945), Việt Nam Độc Lập (1941-1945), trong kho cơ sở Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện còn lưu giữ một loại hình báo chí của tầng lớp trí thức yêu nước Việt Nam có xu hướng dân tộc tiến bộ hoạt động công khai, hợp pháp trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Đó là sưu tập Tạp chí Tri Tân (1941-1946) - một trong những nguồn sử liệu quí chưa nhận được sự quan tâm nghiên cứu đúng với giá trị vốn có của nó.
Sưu tập Tạp chí Tri Tân (1941-1946) hiện lưu giữ tại BTLSQG mang số kí hiệu 29388/gy.17854/BTLSQG đến số 30552/gy.17735/BTLSQG tổng cộng có 178 số/214 số (gồm 212 số Tri Tân loại cũ thuộc giai đoạn trước cách mạng tháng Tám năm 1945; và 2 số Tri Tân loại mới khi Việt Minh lên nắm chính quyền vào tháng Tám năm 1945; BTLSQG thiếu mất 36 số Tri Tân).
Tri Tân là tạp chí văn hóa ra hàng tuần (tên tiếng Pháp là: Revue Culturelle Hebdomadaire) do những nhà trí thức Việt Nam yêu nước sáng lập ngày 8/2/1941. Tri Tân bao gồm số ra thường kì hàng tuần có 24 trang; và các số Chuyên san, Đặc san, số Xuân, số lượng trang thường là 31 trang, 40 trang, 48 trang. Số lượng in mỗi kì là 1.500-2.000 bản. Nội dung của Tạp chí Tri Tân chủ yếu là về lịch sử, văn hóa, xã hội và nhân văn; tên của Tạp chí Tri Tân được rút ra từ mệnh đề “ôn cố tri tân” (ôn lại cái cũ để biết cái mới).
Với tư cách là một di sản văn hóa quí báu của dân tộc, khi nghiên cứu Tạp chí Tri Tân chúng ta nhận thấy bên cạnh các giá trị tiêu biểu như: việc truyền bá khoa học kĩ thuật, văn hóa, nghệ thuật, y học, giáo dục, canh tân đổi mới đất nước, nâng cao dân trí cho dân tộc, Tri Tân còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc trong bối cảnh lịch sử-xã hội Việt Nam giai đoạn trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Theo cuốn “Mục lục phân tích Tạp chí Tri Tân 1941-1945” Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên biên soạn, Hội KHLSVN xuất bản năm 1998, thể loại lịch sử, văn hóa đăng trên Tạp chí Tri Tân gồm 426 bài trên tổng số 1.478 bài của gần 300 tác giả, chiếm tỉ lệ 28,73% số bài, đứng vị trí thứ 2 sau thể loại văn học. Với số lượng bài viết lớn về lịch sử, văn hóa, có thể nói Tri Tân rất chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Đây là khuynh hướng chính và chủ đạo xuyên suốt nội dung của Tạp chí Tri Tân. Trong lời tuyên ngôn của Tạp chí đăng số 1, ngày 3/6/1941, Tri Tân tuyên bố không bàn tới chính trị, chỉ đơn thuần là học thuật “Chính trị? Món chuyên môn đó đã có nhà đương đại”, song Tạp chí Tri Tân đã không thể né tránh được âm hưởng sôi sục của khí thế cách mạng trong cả nước giai đoạn trước năm 1945. Ngọn lửa yêu nước được thể hiện trên Tạp chí Tri Tân đã được viết ra chính từ tâm huyết của tầng lớp trí thức học giả làm báo. Bắt đầu từ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947) với bài: “Quốc hiệu nước ta không nên gọi là An Nam” (số 1, ngày 3/6/1941), trong đó ông khẳng định “Sao ta lại không tự trọng mà giữ lấy cái quốc hiệu “Đại Nam” sẵn có?”.
Bài “Quốc hiệu nước ta không nên gọi là An Nam” – TCTT số 1, ngày 3/6/1941
Bên cạnh Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố còn có một loạt nhà nghiên cứu thuộc thế hệ thứ hai (tính từ đầu thế kỉ XX) xuất thân từ tân học quan tâm đến lịch sử, văn hóa quá khứ của nước nhà. Họ gặp nhau trên các trang Tri Tân với những cây bút nổi tiếng về chuyên môn học thuật như: Hoa Bằng với tác phẩm “Sử ta viết bằng chữ Hán có những bộ nào” (số 8, ngày 25/7/1941); Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng có các bài: “Chung quanh việc khởi nghĩa Bãi Sậy” (2 số, số 195, số 198); Đào Duy Anh với “Những truyền thuyết đời thượng cổ của nước ta” (số 30, ngày 7/1/1942); Chu Thiên với các tiểu thuyết lịch sử: “Bà Quận Mỹ” (14 số, từ số 2 đến số 16); “Thoát khỏi cung vua Mạc” (21 số, từ số 25 đến số 48)… với các loạt bài khảo cứu về lịch sử, tiểu thuyết lịch sử có nội dung yêu nước trên, Tri Tân đã phác họa lại những trang sử giành độc lập và xây dựng quốc gia tự chủ của người Việt từ thời cổ trung đến cận hiện đại; đồng thời kiểm định những đóng góp của các nhân vật đó trong lịch sử dân tộc.
Nhân các ngày lễ lớn kỉ niệm các anh hùng dân tộc, Tri Tân lại mở những Chuyên san, Đặc san về: “Hai Bà Trưng” (số 38, ngày 11/3/1942); “Vua Đinh Tiên Hoàng” (số 41, ngày 7/4/1942); “Đức Trần Hưng Đạo” (số 17, ngày 3/10/1942); “Vua Lê Thái Tổ” (số 65, ngày 29/9/1942),nhằm mục đích ca ngợi các Anh hùng dân tộc nhằm nhắc nhở “làm quốc dân biết rằng nòi giống ta không đến nỗi đớn hèn, mà đã có những ngày oanh liệt, đã từng trồng được những đóa hoa văn trị, võ công rực rỡ”. Thông qua các bài khảo cứu về các danh nhân lịch sử đăng trên các Chuyên san, Đặc san, Tri Tân đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của đất nước, giúp thế hệ độc giả đương thời có tầm nhìn thực tiễn về bối cảnh lịch sử, xã hội đang diễn ra của đất nước và trên thế giới, để họ suy nghĩ và có thái độ đúng đắn với thời cuộc. Có thể khẳng định, đây là một bước chuẩn bị về mặt tinh thần, tư tưởng cẩn thiết cho thế hệ thanh niên đương thời tham gia cách mạng khi thời cơ tới.
Đặc san về Đức Trần Hưng Đạo – TCTT số 17, ngày 3/10/1941
Để giáo dục và đề cao truyền thống lịch sử dân tộc, Tri Tân còn tổ chức các cuộc thi “Lịch sử ký sự” vào năm 1941 và cho đăng những bài của các tác giả đạt giải như bài “Một nhà liệt sĩ chết theo thành Hà Nội - Hoàng Diệu (1828-1882)”; bài “Sự thực về việc phá thành năm Nhâm Ngọ” (số 183, ngày 19/4/1945) của Tiên Đàm; bài “Thơ và câu đối quanh việc Hoàng Diệu tử trung” (số 185-186, ngày 10/5/1945) của Hoa Bằng. Ngoài ra còn có các loại tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, kịch thơ lịch sử... có nội dung yêu nước được in nhiều kì trên Tạp chí Tri Tân như: “Cháy cung Chương Võ” (27 số, từ số 108 đến số 145) của tác giả Chu Thiên; “An Tư” (36 số, từ số 146 đến số 194), “Vũ Như Tô” (12 số, từ số 121 đến số 139) của tác giả Nguyễn Huy Tưởng...
Truyền thống yêu nước và tinh thần dân tộc, khí phách dân tộc còn được Tri Tân thể hiện qua nhiều loại hình nghệ thuật khác như: văn, thơ, kịch. Tác giả Tùng Vân đạo nhân Nguyễn Đôn Phục có tác phẩm “Nam Đàn bát châu tục thảo” (29 số, từ số 58 đến số 159); Ứng Hòe - Nguyễn Văn Tố với công trình “Tài liệu để đính chính những bài văn cổ” (86 số, từ số 19 đến số 208); Đặng Thai Mai với bài “Phân tích bài hịch Hưng Đạo Vương dụ gia tướng” (số 17, ngày 3/10/1941). Tạp chí Tri Tân còn đăng các bài thơ, phú, các bài hát yêu nước rất phổ biến thời đó như: “Hội nghị Diên Hồng”, “Sóng Bạch Đằng” (số 17, ngày 3/10/1941); “Sông Bạch Đằng” (số 64, ngày 22/9/1942); bài hát “Tiếng gọi sinh viên”(số 120, ngày 11/11/1943)... không chỉ thu hút đông đảo thế hệ độc giả đương thời tham gia, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho thế hệ thanh niên thời đó bền gan tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc, vào tiền đồ của tổ quốc.
Bài hát “Sóng Bạch Đằng” – TCTT số 64, ngày 22/9/1942
Đặc biệt, Tri Tân thông qua thể loại các bài du kí để ca ngợi vẻ đẹp non sông đất nước, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của đất nước mình, như: Tam Lang với “Một ngày ở xứ Chàm” (số 1, ngày 3/6/1941); Biệt Lam Trần Huy Bá với “Ban Mê Thuột” (3 số, từ số 53 đến số 55); Nhật Nham Trịnh Như Tấu với “Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể”(14 số, từ số 58 đến số 74); Hoa Bằng và Cách Chi “Dâng hương đền Kiếp Bạc” (số 17, ngày 3/10/1941); Khái Sinh “Thăm cảnh Hoa Lư” (số 41, ngày 7/4/1942); Song Cối “Hai nữ tướng” (số 38, ngày 11/3/1942); Vô ngã “Cuộc hành hương đền thờ cụ Nguyễn Trãi, một vị anh hùng có công lớn giúp vua Lê trong cuộc bình ngô” (số 65, ngày 29/9/1942)... thể loại kí đăng trên tạp chí Tri Tân không chỉ thể hiện được niềm tự hào dân tộc, tình yêu nước quê hương đất nước, mà còn nhắc nhở thế hệ thanh niên đương thời về truyền thống đấu tranh anh dũng ngàn năm của cha ông ta thông qua việc du ngoạn, thăm viếng các danh nhân đất nước như: Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Vua Lê… và các địa danh di tích lịch sử: Kiếp Bạc, Nhị Khê, miếu Hát, Bối Khê…
Có thể nói, Tạp chí Tri Tân dù viết theo thể loại nào từ khảo cứu lịch sử - văn hóa, văn, thơ, đến kịch thơ, kịch lịch sử, hay bài hát ... đều có điểm chung, đó là khuynh hướng dân tộc yêu nước, ca ngợi truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc là xu hướng chủ đạo, bao trùm và thấm đẫm trong hầu hết các bài viết của Tạp chí Tri Tân. Thông qua các thể loại trên, qua các tấm gương lịch sử dân tộc, Tri Tân không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cho đại chúng, mà trên hết thức tỉnh lòng yêu nước, tự hào vể truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, từ đó giúp mọi người định hướng chọn lọc con đường đi đúng đắn của mình trong một thời đoạn lịch sử ngắn ngủi nhưng mang tính sách lược quan trọng, nó là thời kì bước đệm để chuẩn bị cho cuộc Tổng khời nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945. Tri Tân thực sự đóng góp quan trọng vào việc chuẩn bị lực lượng chính trị cho cách mạng trong cả nước, đặc biệt là lực lượng thanh niên trí thức giai đoạn trước cách mạng tháng Tám 1945.
Nguyễn Trọng Lượng (phòng NCST)

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.