Bác Nguyễn Linh Khiếu là một nhà xã hội học làm thơ, công tác tại Tạp chí Cộng sản (có thể đọc thêm ở đây).
Hồi nhỏ, mình được thấy những trang bản thảo viết trên giấy không dòng kẻ của bác, trong một cái bàn có ngăn kéo. Đại khái, cái bàn ấy nằm trong một khuôn viên có thể thấy trong loạt ảnh cũ ở đây.
Hồi nhỏ, mình được thấy những trang bản thảo viết trên giấy không dòng kẻ của bác, trong một cái bàn có ngăn kéo. Đại khái, cái bàn ấy nằm trong một khuôn viên có thể thấy trong loạt ảnh cũ ở đây.
Nhớ cái tên đó trên các trang bản thảo. Vì thấy lạ. Nhưng từ đó đến giờ, mấy chục năm, cũng chưa từng có cơ hội gặp trực tiếp bao giờ, cho dù hay ngó thấy bác ở chỗ này chỗ kia (chủ yếu là trên mạng).
Cuối năm 2018 và đầu năm 2019, nghe đâu có bọn thợ chuyên môn thuổng thơ tự ý đem nhào lộn mấy bài của bác rồi cho đăng báo Văn nghệ danh giá của Hội Nhà văn Việt Nam. Gọi là sự kiện đạo thơ.
Đại khái đưa bài đầu tiên là từ TPO về.
Có bổ sung gì thì dán ở dưới như mọi khi.
---
03/03/2019 12:33
Nạn đạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng
TP - Sau ngày Thơ Rằm tháng Giêng, các buổi cà phê văn chương nhiều lần xôn xao vì chùm thơ ba bài của tác giả Phạm Phương Thảo đăng trên báo Văn Nghệ có tới hai bài dính nghi án “đạo”. Vậy người trong cuộc nói gì?
“Phải lên tiếng để tránh sự ăn cắp trơ trẽn”
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, “bị hại” trong nghi án kể trên cho biết, ông được nhiều anh em bạn nghề rỉ tai mới hay thơ của mình được “lấy lại”. Cụ thể, nhà thơ cho rằng, những hình ảnh như “hoa linh thảo”, “phồn sinh”, “sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo” v.v... trích từ hai bài thơ nổi tiếng và ưng ý nhất của ông là “Hoa linh thảo” và “Phù sa sông Hồng” (đều viết năm 1995, được giải C cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ) đã bị nhà thơ Phạm Phương Thảo lấy lại nguyên văn trong bài “Linh thảo gọi mùa” đăng trên báo Văn Nghệ số ra ngày 29/12/2018. Một fan của Linh Khiếu nhận xét: “Linh thảo gọi mùa” chính “đứa con lai” được pha trộn, cắt ghép từ “Hoa linh thảo” và “Phù sa sông Hồng” bởi từ cấu tứ, hình ảnh, ngôn ngữ đều giống nhau một cách lạ kỳ.
Linh Khiếu cho biết thêm, bản thân ông ban đầu không định làm to chuyện này, nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa hơn một lần nói với ông: “anh phải làm rõ, nếu không hiện tượng này sẽ thành cái lệ, trở thành trào lưu đáng buồn cho văn chương”.
Một điều chỉ những bạn thân thiết của Linh Khiếu mới biết: hoa Linh thảo vốn không có trong từ điển thực vật. Đó là cái tên ông bịa ra từ tên người yêu cũ. Đây cũng là thói quen sáng tác của Linh Khiếu. Trong thơ ông, không thiếu những cái tên kiểu này, ví dụ như hoa Lam Hạnh (trong bài thơ “Mưa rơi dọc Cam Ranh” được giải Nhất cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, cùng với “Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ’ và “Hoa Mộc Miên biên giới” đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường). Ngoài ra còn có hoa Khởi Trinh ông dùng để đặt cho loài hoa mọc hoang không tên ở quê mà sau này mới phát hiện ra có nơi gọi là cây vằng (chè vằng).
Nguyễn Linh Khiếu chia sẻ, ông từng bị đạo thơ nhiều lần. Cách đây hai năm, một tờ báo in cả 5 bài của ông nhưng dưới tên người khác. Thắc mắc thì được biết, người “đạo” hóa ra lại là một bạn chơi chung, ông bỏ qua.
“Nhưng lần này tôi không bỏ qua được nữa vì ngay năm ngoái vừa phải nếm một “quả đắng” cho thói xuê xoa này”, nhà thơ nói. Sự việc cũng liên quan đến bài thơ “Phù sa sông Hồng” ông viết năm 1995, khi đó tìm ra từ “phồn sinh” Linh Khiếu rất thích: “khanh khách nước cười màu mỡ phồn sinh”. Đây cũng là một từ không có trong từ điển. Linh Khiếu cho biết: “Khi đó tôi đã gặp Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, và cả nhà thơ Hữu Thỉnh để hỏi thì hai người đều khẳng định “phồn sinh” không có trong từ điển. Sau tôi tìm gặp cả nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu hỏi trong văn học phía Nam có ai dùng từ này chưa? Họ trả lời là chưa”.
Sau này, lấy cảm hứng “phồn sinh” Linh Khiếu viết thành trường ca cùng tên vào năm 2002 và được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet. Tập “Phồn Sinh” mãi chưa xin được giấy phép cho đến năm 2018. Nhưng trong khoảng thời gian ở dạng bản mềm đó, đã có hai luận án tiến sĩ nghiên cứu về nó, 28 bài báo nhắc đến và phân tích “Phồn sinh” như một tác phẩm “đáng kể” của trường ca Việt Nam hiện đại.
Thì vào năm 2018 vừa rồi, tác giả Đinh Sỹ Minh lấy tên “Phồn sinh” đặt cho một tập thơ của mình. Ngược đời hơn, ông Sỹ Minh còn bắn tin với bạn sẽ kiện Linh Khiếu vì tội “đạo chữ”.
“Tôi là người cẩn thận, tất cả các sáng tác của tôi đều đã đăng ký bản quyền, nhưng để tránh những vụ việc tương tự, có lẽ chúng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận lại vấn đề này, không thể chuyện lớn hóa nhỏ mãi được, bởi bây giờ người ta đạo văn không chỉ tinh vi mà còn trơ trẽn”, tác giả Linh Khiếu khẳng định.
“Đạo” hay “ảnh hưởng vô thức”?
Trong số ba bài thơ của tác giả Phạm Phương Thảo, bài “Hát cho một người” cũng bị dò ra là giống đến 70% so với bài “Tiền kiếp” của nhà thơ trẻ Nguyễn Thành Tâm, bút danh Đại Ngàn.
Chị Tâm cho biết: “Đến ba người bạn gọi điện báo cho tôi, khuyên tôi lên tiếng đi. Tôi đã đọc bài thơ của chị Thảo, cảm giác đầu tiên là không thích. Bài này với bài của tôi giống nhau quá, gần như trùng lặp hầu hết các từ chính, chỉ là đảo vị trí, nhào trộn một chút. Giống như hai bức tranh, bố cục giống hệt nhau, mảng màu, cảm xúc cũng giống nhau. Bên này có suối bên kia có suối, bên này có sông bên kia có sông, bên này có vòng ôm bên kia có vòng ôm, bên này có nụ hôn, bên kia có nụ hôn, bên này cựa mình thức bên kia cựa mình đòi thức, bên này có tiền kiếp bên kia kiếp trước... Có bạn đọc của tôi nhận xét là như bản sao, có người bảo như bản dịch”.
Lật lại thời gian xuất bản, “Tiền kiếp” của Thành Tâm đăng lần đầu trên facebook ngày 16/10/2018, sau đó đăng trên báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 20/12/2018. “Hát cho một người” của Phạm Phương Thảo đăng lần đầu trên báo Văn Nghệ số ra ngày 29/12/2018.
Người lên tiếng mạnh mẽ về câu chuyện này chính là nhà văn Y Ban. Chị có một status ngắn trên trang cá nhân khẳng định đây là vụ đạo văn nghiêm trọng và đáng xấu hổ.
Nhà thơ Thành Tâm nói thêm, về chủ đề tình yêu tiền kiếp, chị đã có hẳn một tập thơ gồm hơn 40 bài. Có nhiều bài đã phổ nhạc, có những bài được share rộng rãi như “Thương đủ mấy nghìn năm”. Nói thêm là tác giả Thành Tâm có thể coi như một “của lạ” trên văn đàn khi mà các sáng tác của chị đều rất dễ thuộc và có một lượng fan theo dõi đông đảo. Trung bình một bài thơ có thể lên tới 2.000 lượt like và hàng trăm lượt chia sẻ. “Trong tình trạng văn hóa đọc ơ hờ như hiện nay, đây có thể coi là một tác giả ăn khách”, một nhà thơ đàn anh đánh giá.
Cùng ý kiến về vụ “đạo văn” này, một số tác giả cho rằng, hai bên nên xử lý nội bộ với nhau, đừng ầm ĩ làm gì vì “cùng ở Hội Nhà văn, ngẩng đầu không gặp cúi đầu sẽ gặp”.
Một số người nêu ý kiến, có thể nhà thơ Phạm Phương Thảo không cố tình đạo văn, chỉ là vì bị ảnh hưởng trong vô thức.
Về lý do này, nhà thơ Linh Khiếu cho rằng: “Đã là người cầm bút phải đọc rất nhiều, một là để học hỏi, hai là để tránh. Cũng có trường hợp không phải do đọc nhưng trùng ý tưởng. Song tôi khẳng định, nếu ảnh hưởng vô thức thì chỉ là một ý, một từ, một hình ảnh chứ không phải cả một biểu tượng của người ta. Ví dụ “hoa linh thảo nở dọc con đê”, viết nguyên ra thế, rồi “sột soạt thẹn thùng từng vạt ngô thay áo”... lặp lại cả một dãy biểu tượng của tác giả”.
Nhà thơ Linh Khiếu kể thêm: “Tôi với Thảo biết nhau, từ sau khi trên mạng rộ vụ này còn gặp nhau ba lần, nhưng Thảo coi như không có gì, cũng không giải thích, xin lỗi”.
Tác giả Thành Tâm thì đắn đo với việc “sẽ lên tiếng như thế nào để không làm tổn thương người khác vì các nhà thơ đa phần đều có tâm hồn nhạy cảm, mỏng manh”. Sau khi bị nhiều đàn anh, đàn chị “dọa” nếu không làm rõ ràng, năm mười năm sau có thể bị kiện ngược, nữ nhà thơ sinh năm 1974 mới đưa ra ý tưởng: nếu chị Thảo nói rằng vì thích tác phẩm của tôi mà cảm tác, họa theo... thì mọi chuyện đã khác”!
Nhà thơ Phạm Phương Thảo không muốn nói chuyện nàyKhi phóng viên gọi điện cho nhà thơ Phạm Phương Thảo để xác minh về nghi án đạo thơ, chị Thảo trả lời: “đấy là một câu chuyện khác, không liên quan. Tôi đang rất bận không theo dõi chuyện này đâu”.Khi được hỏi thêm về “câu chuyện khác” chị Thảo cho rằng đây là việc cá nhân và khẳng định “không muốn nói về câu chuyện này”.
“Báo Văn Nghệ không có chức năng xử lý vụ này”Nhà thơ Lương Ngọc An là thư ký toà soạn của báo Văn Nghệ trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án xử lý nghi án đạo thơ: “Thứ nhất tất cả ý kiến của các tác giả “bị đạo” đều mới chỉ là nói với nhau và nói với tôi chứ không phải là yêu cầu xử lý. Thứ hai, quan điểm báo Văn nghệ là không đối thoại tất cả ý kiến trên mạng xã hội. Thứ ba, báo không có chức năng phân định ai đạo của ai. Tôi cũng nói với anh Linh Khiếu, nếu cơ quan nào xử lý việc này, báo sẽ đăng thông tin.Về phía cá nhân, tôi đã đọc cả mấy tác phẩm này, về mặt định tính thì có một số từ ngữ, ý tứ trùng. Nhưng để nói có đạo hay không thì không thể lượng hóa được”.
Nhà văn Y Ban: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làngNhà văn Y Ban là người chính thức lên tiếng về nghi án đạo thơ của tác giả Phạm Phương Thảo trên trang cá nhân. Chị bày tỏ quan điểm:Xuất phát từ góc nhìn của một nhà văn, tôi cho rằng văn chương phải xuất phát từ tài năng, lao động nghệ thuật của mỗi người, và nếu có người cố tình ăn cắp thì phải xử lý nghiêm.Nếu dung túng cho việc này, nó còn tạo ra những tiền lệ rất xấu vừa ăn cắp vừa la làng. Status của tôi được chia sẻ rộng rãi, người ta còn nhắn: sao đương sự không nói gì mà Y Ban cứ nhảy lên? Còn dọa sẽ kiện tôi lên an ninh mạng.
Hạnh Đỗ
https://www.tienphong.vn/giai-tri/nan-dao-tho-khong-dung-tung-cho-viec-vua-an-cap-vua-la-lang-1383818.tpo
---
BỔ SUNG
6. Bác Bùi Quang Anh Tú đã tìm ra niên đại 1931 cho "phồn sinh"
"
"
https://www.facebook.com/TuancongThuphong/posts/2359876994243006?comment_id=2359900154240690&comment_tracking=%7B%22tn%22%3A%22R%22%7D
5.
http://www.lethieunhon.vn/2019/03/cau-hoi-thu-3-gui-toi-tac-gia-phon-sinh.html
4.
http://www.lethieunhon.vn/2019/03/quy-ket-ao-van-au-de-the.html
3. Bài của Hoàng Tuấn Công
http://tuancongthuphong.blogspot.com/2019/03/ai-tim-ra-tu-phon-sinh.html
2.
1.
Thơ Nguyễn Linh Khiếu và khát vọng phồn sinh
Đỗ Ngọc Yên
BỔ SUNG
6. Bác Bùi Quang Anh Tú đã tìm ra niên đại 1931 cho "phồn sinh"
"
"
https://www.facebook.com/TuancongThuphong/posts/2359876994243006?comment_id=2359900154240690&comment_tracking=%7B%22tn%22%3A%22R%22%7D
5.
NGUYỄN HÒA
Ngày 6.3.2019, trên lethieunhon.vn, trong bài “Mạn phép xin được gửi hai câu hỏi tới PGS.TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu” tôi có đưa ra hai câu hỏi và hy vọng PGS.TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu sẽ trả lời. Song đến nay, sau hơn một tuần, vẫn thấy ông im lặng, vì thế tôi rất áy náy. Có thể giải thích sự im lặng đó với ba khả năng: Ông hoàn toàn không biết bài viết của tôi? Ông có biết nhưng thấy không cần hoặc không muốn trả lời? Lethieunhon.vn là trang web cá nhân, không phải trang web chính thống, không xứng tầm với ông? Tuy nhiên, tôi lại gửi gắm hy vọng vào khả năng thứ tư: Hai câu hỏi lặt vặt là không bõ bèn, phải có câu hỏi thứ ba mới đủ sức nặng để ông gõ bàn phím? Vì vậy trong bài viết ngắn này, tôi mạn phép xin gửi tới ông câu hỏi thứ ba.
Như bài “Nạn đạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng” đăng trên báo Tiền Phong ngày 3.3.2019 cho biết thì năm 2002 ông hoàn thành trường ca Phồn sinh và “được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet”, dù đến năm 2018 Phồn sinh mới xin được giấy phép xuất bản thì “trong khoảng thời gian ở dạng bản mềm đó, đã có hai luận án tiến sĩ nghiên cứu về nó”. Theo đó, ông có thể cho biết hai luận án do hai nghiên cứu sinh nào thực hiện và vào năm nào, họ nghiên cứu nội dung gì của Phồn sinh? Tôi hỏi cụ thể như vậy bởi qua đây muốn ông trả lời một câu hỏi quan trọng hơn nữa là: Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghiên cứu sinh có được thực hiện luận án tiến sĩ với đối tượng nghiên cứu là tác phẩm chưa xuất bản, mới chỉ tồn tại ở dạng bản thảo hay không?
Là Phó Giáo sư Tiến sĩ, hẳn Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu từng hướng dẫn luận án tiến sĩ, hoặc tham gia hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, nên chắc chắn ông biết rõ có hay không quy chế này. Như vậy:
- Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy chế cho phép luận án tiến sĩ được nghiên cứu tác phẩm chưa xuất bản, mới chỉ tồn tại ở dạng bản thảo, thì hai luận án được nhắc tới là phù hợp quy chế, và không tôi có gì để viết thêm.
- Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy chế quy định luận án tiến sĩ không được phép nghiên cứu tác phẩm chưa xuất bản, mới chỉ tồn tại ở dạng bản thảo, thì hai luận án được nhắc tới đã vi phạm quy chế, và cần phải xem xét lại.
Dẫu câu hỏi thứ ba có thể vẫn chịu chung số phận với hai câu hỏi trước đó tôi gửi đến ông, nhưng tôi vẫn mạn phép gửi tới PGS.TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu câu hỏi thứ ba này, và vẫn hy vọng sẽ may mắn được ông trả lời.
4.
NGUYỄN THẾ HÙNG
Năm 2018 là một năm yên ả và nhàn nhạt của văn đàn khi hai giải thưởng hằng năm đầy uy tín của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam đều không tìm được tác phẩm sáng tác văn, thơ xứng tầm để trao giải. Bước sang năm 2019, văn đàn bắt đầu dậy sóng. Chỉ tiếc rằng “những con sóng” ấy lại ngoài văn chương, nó chẳng những không thúc đẩy con thuyền văn chương của nước nhà phát triển mà phần nào còn tạo tác động ngược lại.
Mở đầu là tranh cãi về việc dịch câu thơ “Sông núi trên vai” ra tiếng Anh. Đúng sai đã có nhiều ý kiến phân tích, người viết bài này không lạm bàn thêm, chỉ thấy rằng từ việc dịch một câu thơ đã có nhiều vấn đề đến như thế thì cái việc quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật của nước nhà ra thế giới chắc sẽ là một việc làm lắm nỗi nhiêu khê. Dịch như thế nào để không làm mất đi cái hay, cái đẹp và giữ được nguyên những giá trị nghệ thuật của tác phẩm? Dịch như thế nào để không bị đánh giá bi quan “dịch là diệt”? Đây là những vấn đề lớn chắc phải có một cuộc hội thảo tầm cỡ mà ở đó tập hợp được những dịch giả có uy tín, những nhà ngôn ngữ học đầy tài năng và tâm huyết. Nếu không làm được điều đó thì văn học nghệ thuật của chúng ta còn mãi là chuyện “áo gấm đi đêm”, chỉ loanh quanh trong nước mà thôi.
Mới đây nhất văn đàn lại tiếp tục dậy sóng vì một nghi án “đạo văn” của các nhà thơ ít nhiều có tên tuổi trên văn đàn. Theo như một bài viết in trên Báo Tiền phong của tác giả Hạnh Đỗ thì “bị hại” trong vụ này là nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Bài viết có đoạn: “…nhà thơ cho rằng, những hình ảnh như “hoa linh thảo”, “phồn sinh”, “sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo” v.v... trích từ hai bài thơ nổi tiếng và ưng ý nhất của ông là “Hoa linh thảo” và “Phù sa sông Hồng” (…) đã bị nhà thơ Phạm Phương Thảo lấy lại nguyên văn trong bài “Linh thảo gọi mùa” đăng trên báo Văn Nghệ số ra ngày 29/12/2018”. Đáp lại ý kiến này của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, nhà thơ Phạm Phương Thảo viết: “Linh Thảo là bút danh của em từ bao lâu nay, email cũng là Linhthao đấy, Linh là tên con gái em. Còn “Linh Thảo gọi mùa” là em viết về cảm xúc trước các loài hoa dại ven sông. Em thích hoa dại và hay viết về các dòng sông từ lâu nay rồi (…). Còn phồn sinh và phồn thực là những từ em thích và dùng trong nhiểu tản văn từ lâu nay”. Chưa dừng lại ở đó, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu còn “tố” nhà thơ Đinh Sỹ Minh đạo chữ “phồn sinh” của ông và còn bắn tin là sẽ kiện ông (tức Nguyễn Linh Khiếu) tội “đạo chữ”. Về nội dung này, nhà thơ Đinh Sỹ Minh đã có thư ngỏ gửi nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nói rằng ông chưa hề đọc thơ của Nguyễn Linh Khiếu và chữ “phồn sinh” là do nhà thơ Vương Tâm “cho” và chính nhà thơ Vương Tâm cũng đã công nhận là lấy hai chữ “phồn sinh” trong một câu thơ của chính nhà thơ Đinh Sỹ Minh để đặt hộ tên cho tập thơ của Đinh Sỹ Minh. Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, người có bài thơ “Phồn sinh” với những câu: “Vũ trụ/ đói đôi bàn tay/ Thân gầy/ người đói một ngày phồn sinh”, cũng khẳng định hai chữ “phồn sinh” ông đã sử dụng rất lâu và rất nhiều lần trong những sáng tác của mình. Oái oăm thay ông cũng chưa hề đọc bài thơ nào của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.
Người viết bài này cũng rất bất bình và không thể chấp nhận được với nạn đạo văn và đã viết một số bài về vấn nạn này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng lần này thì hình như mọi quy kết cho hành động “đạo văn, đạo chữ” của “bị hại” Nguyễn Linh Kiếu hơi vội vã chăng?! Nếu chỉ lấy những câu thơ này để vội “kết án” thì e rằng chưa thể thuyết phục: “Những sớm mai trên bờ bãi sông Hồng chập chờn trong sương tiếng sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo”. (thơ Nguyễn Linh Khiếu) Và “Đi dưới triền sông Hồng/ Những dải phù sa non ửng đỏ/ Sột soạt, thẹn thùng từng vạt ngô thay áo/ Ngực gió còn tiếc nhớ sữa non?” (thơ Phương Thảo Phạm). Nói vội vã vì công bằng mà nói, những sáng tạo chữ trong câu thơ trên của Nguyễn Linh Kiếu là khá đặc sắc, đáng ghi nhận. Những sáng tạo chữ đó mang dấu ấn cá nhân khá rõ nét và khi đọc nó đã khơi gợi được những cảm xúc bên ngoài con chữ của cả câu thơ. Phạm Phương Thảo khi sáng tạo do vô tình hay hữu ý đã “bước những dấu chân trùng lên dấu chân của người đi trước” nhưng xin khẳn định rằng, tỷ lệ những “dấu chân bước trùng” là không quá nhiều và có thể chấp nhận được. Với những “tang chứng”, “vật chứng” như đã nêu, chưa đủ để cấu thành tội “ăn cắp”, có chăng nó như kiểu “đường sắt cắt đường bộ” mà thôi. Tuy nhiên để xẩy ra tình trạng đó trong sáng tạo nghệ thuật là một điều đáng tiếc và rất không nên, được mất trong chuyện này chính nhà thơ Phạm Phương Thảo là người rõ nhất.
Quy kết Phạm Phương Thảo đạo thơ của Nguyễn Linh Khiếu chưa đủ, tác giả Hạnh Đỗ còn hồ đồ gán tiếp tội cho Phạm Phương Thảo đạo thơ của Nguyễn Thanh Tâm khi đưa ra ảnh chụp hai bài thơ “Hát cho một người” (của Phạm Phương Thảo) và “Tiền kiếp” (của Nguyễn Thanh Tâm) và chú thích: “Tác phẩm “Hát cho một người” và “Tiền kiếp” được cho là giống nhau đến 70%”, với những lập luận thật vô lý và nực cười: “…Bên này có suối bên kia có suối, bên này có sông bên kia có sông, bên này có vòng ôm bên kia có vòng ôm, bên này có nụ hôn, bên kia có nụ hôn…”. Nếu cứ theo độ quy chiếu ấy để quy kết tôi ăn cắp thì trong ba nhà thơ nổi tiếng sau không biết ai “đạo” thơ ai: “Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất/ Có ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu/ Cái thùng thư mới một lần sơn lại/ Bác gác cổng già năm trước giờ đâu?” (thơ Nguyễn Đức Mậu); “Tháng năm xanh ai đốt/ tàn tro bay trắng đầu/ Về quê thăm bạn cũ/ Mây bồng bềnh mắt nhau” (thơ Nguyễn Ngọc Oánh) và “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau” (thơ Đoàn Văn Cừ). Cả ba nhà thơ đều thể hiện thời gian và tuổi tác, đều có thi ảnh là “tóc bạc trên đầu” và đặc biệt là “cái hơi thơ” cũng gần gần giống nhau. Và với cái đà phán bừa như thế thì tin chắc rằng 99% các nhà văn nhà thơ trở thành “kẻ cắp”(!?) vì họ đều sử dụng 24 chữ cái để sáng tác nên không thể không có sự trùng lắp nhau.
Trở lại với hai chữ “phồn sinh” mà Nguyễn Linh Khiếu khẳng định là của mình vì “Đây (phồn sinh) cũng là một từ không có trong từ điển. (…) Khi đó tôi đã gặp Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, và cả nhà thơ Hữu Thỉnh để hỏi thì hai người đều khẳng định “phồn sinh” không có trong từ điển. Sau tôi tìm gặp cả nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu hỏi trong văn học phía Nam có ai dùng từ này chưa? Họ trả lời là chưa”. Sự cẩn thận với chữ nghĩa đối với người nghệ sỹ là rất đáng trân quý. Nhưng đặc trưng của nghệ thuật là sự sáng tạo, trong đó sáng tạo ra ngôn ngữ mới là một yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm văn học. Rất nhiều thế hệ độc giả thuộc và thích bài thơ “Lá diêu bông” của Nhà thơ Hoàng Cầm và biết rằng “lá diêu bông” là cái lá không có thật, chỉ là cái lá do chính Hoàng Cầm nghĩ ra. Người viết bài này trong một truyện ngắn của mình cũng đã tự đặt tên cho một loài hoa, đó là “Hoa Lam Hà”. Nhưng hình như chưa khi nào thấy Hoàng Cầm “cẩn thận” đi hỏi rằng “lá diêu bông” đã có trong từ điển chưa và khẳng định “lá diêu bông” là của riêng mình. Với người viết bài này lại càng không dám “to tiếng” nhận độc quyền “hoa lam hà” là của riêng mình vì tự biết, dù mình chưa thấy trong từ điển, bạn bè mình cũng chưa đọc được ở đâu có loài “hoa lam hà”, nhưng biết đâu đó, trong dân gian, ở một vùng quê xa xôi hay ở một đất nước nào đó trên thế giới, trong một cuốn sách, cuốn truyện nào đó đã có một loài hoa mang tên lam hà được nhắc tới?! Xưa nay cái lạ chưa chắc đã là cái mới, nhưng cái mới thì sẽ có yếu tố lạ vì cái lạ đơn giản chỉ là do mình mới tiếp xúc lần đầu mà thôi, chứ thực chất cái ấy nó đã xuất hiện ở một nơi nào đó cách nay đã hàng thế kỷ. Ví như một cái bình cổ có hình thù lạ chẳng hạn. Lạ là vì ta giờ mới thấy chứ nó đâu phải là cái mới. Còn cái mới thì rõ ràng là sẽ có yếu tố lạ, vì nó mới vừa được sinh ra, trước nó chưa hề có cái tương tự nó bao giờ nên yếu tố lạ là đương nhiên.
Dựa vào từ điển là một việc làm thường xuyên của những người làm công tác nghiên cứu, nhưng hình như đối với người nghệ sỹ thì họ ít làm điều đó, bởi suy cho cùng, từ điển luôn luôn và mãi là thứ đi sau ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ có sự phát triển theo thời gian, có sinh ra và có mất đi, nhưng từ điển là “đóng khuôn” những ngôn ngữ đã được sử dụng trong đời sống cộng đồng. Cũng như thuốc chữa bệnh thì luôn đi sau con bệnh vậy. Bởi đơn giản một điều,chỉ khi có bệnh mới xuất hiện thì các nhà khoa học mới nghiên cứu và tìm ra thuốc đặc trị căn bệnh đó. Chính vì thế hai chữ “phồn sinh” mặc dù được nhiều người khẳng định là chưa thấy, chưa đọc và trong từ điển chưa có, nhưng có ai dám khẳng định rằng là mình đã đọc hết các sách vở từ đông tây kim cổ? Làm sao ai có thể dám chắc “lá diêu bông”, “hoa lam hà”, “phồn sinh”…chưa từng xuất hiện ở một nơi nào đó trong thế giới rộng lớn bao la này?!
Mới hay rằng, muốn “độc quyền” về ngôn ngữ thì tự mình phải tạo được một “thương hiệu” lớn, khi ấy không cần đi đăng ký hay hỏi ai thì mọi người hâm mộ cũng biết rằng “Lá diêu bông” là của nhà thơ Hoàng Cầm; “Chém treo ngành” là của nhà văn Nguyễn Tuân; “Bát cháo hành Thị Nở” là của nhà văn Nam Cao…
Ăn cắp là một hành vi đáng lên án, đặc biệt lại là những người có chữ nghĩa đi ăn cắp chữ nghĩa lại càng đáng lên án hơn, nhưng đừng vì sốt sắng bảo vệ mình và còn những ý muốn khác ngoài văn chương mà vội quy kết cho một ai đó cái tội đang rất mù mờ về “hành vi” thể hiện.
Nguồn: Văn Nghệ Công An số ra ngày 14-3-2019
http://www.lethieunhon.vn/2019/03/quy-ket-ao-van-au-de-the.html
3. Bài của Hoàng Tuấn Công
17 thg 3, 2019
AI ĐÃ “TÌM RA” TỪ “PHỒN SINH”?
"Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu phản đối việc đạo thơ sau nhiều lần “xuê xoa” và bị kiện ngược" Ảnh + chú thích: Báo Tiền Phong |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Trong bài “Nạnđạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng” (Hạnh Đỗ - Báo Tiền Phong - 3/3/2019), Nhà thơ, PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu cho biết, ông từng nhiều lần “bỏ qua” mỗi khi bị đạo thơ, nhưng rồi “phải nếm một “quả đắng” cho thói xuê xoa này”, nên lần này “phải lên tiếng để tránh sự ăn cắp trơ trẽn” đó. Cụ thể,vào năm 1995, ông là người “tìm ra” từ “phồn sinh”, thế mà đến “năm 2018 vừa rồi, tác giả Đinh Sỹ Minh lấy tên “Phồn sinh” đặt cho một tập thơ của mình”:
“…bài thơ “Phù sa sông Hồng” ông viết năm 1995, khi đó tìm ra từ “phồn sinh” Linh Khiếu rất thích: “khanh khách nước cười màu mỡ phồn sinh”. Đây cũng là một từ không có trong từ điển. Linh Khiếu cho biết: “Khi đó tôi đã gặp Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, và cả nhà thơ Hữu Thỉnh để hỏi thì hai người đều khẳng định “phồn sinh” không có trong từ điển. Sau tôi tìm gặp cả nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu hỏi trong văn học phía Nam có ai dùng từ này chưa? Họ trả lời là chưa”.
Sau này, lấy cảm hứng “phồn sinh” Linh Khiếu viết thành trường ca cùng tên vào năm 2002 và được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet. Tập “Phồn Sinh” mãi chưa xin được giấy phép cho đến năm 2018. Nhưng trong khoảng thời gian ở dạng bản mềm đó, đã có hai luận án tiến sĩ nghiên cứu về nó, 28 bài báo nhắc đến và phân tích “Phồn sinh” như một tác phẩm “đáng kể” của trường ca Việt Nam hiện đại.
Thì vào năm 2018 vừa rồi, tác giả Đinh Sỹ Minh lấy tên “Phồn sinh” đặt cho một tập thơ của mình. Ngược đời hơn, ông Sỹ Minh còn bắn tin với bạn sẽ kiện Linh Khiếu vì tội “đạo chữ”.
Đáp lại, trên trang lethieunhon.vn, Nhà thơ Đinh Sỹ Minh trong “THƯ NGỎ gửi ông Nguyễn Linh Khiếu và ôngTổng Biên tập báo Tiền Phong!” cho biết, ông“không bắn tin và cũng không có ý định kiện ai như bài báo đã đưa tin”. Mặt khác, tên tập thơ “Phồn sinh”, là do Nhà thơ Vương Tâm đặt giúp ông, và nó được lẩy ra từ câu "Chưa thôi mong ngày sỏi đá cũng PHỒN SINH", trong bài thơ “SỎI” của chính Đinh Sỹ Minh: “Tôi không hề biết ông Nguyễn Linh Khiếu đã có tác phẩm PHỒN SINH trước hay sau tôi”, Nhà thơ Đinh Sỹ Minh nói.
Cũng trên trang lethieunhon.vn, trong bài “Hai câu hỏi gửi PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu”, Nhà phê bình Nguyễn Hoà viết:
“Dù là “khẩu thiệt vô bằng”, tôi vẫn xin thưa từ những năm 80 của thế kỷ trước tôi đã tiếp xúc với khái niệm “phồn sinh”, nhưng vì không sử dụng nên tôi không chú ý tìm hiểu nội hàm khái niệm này. Nay tôi mới được biết PGS.TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu là người đã sáng tạo khái niệm “phồn sinh…”
Xin được nói ngay rằng, tôi không quen biết hai nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và Đinh Sỹ Minh, cũng không có ý định đứng ra phân xử đúng sai trong chuyện này. Tuy nhiên, nhân có bạn đọc đề nghị cho biết ý kiến, và xét thấy vấn đề có liên quan đến ngôn ngữ khá thú vị, nên xin có đôi lời lạm bàn:
1- Đối với một sinh ngữ, quá trình “rơi rụng”, biến nghĩa, thêm nghĩa, du nhập, hoặc sản sinh ra từ ngữ mới luôn luôn diễn ra. Thông thường, từ lúc xuất hiện đến khi được từ điển thu thập, giải nghĩa, thì từ mới phải qua một quá trình vận dụng nhất định. Nghĩa là từ ngữ được sử dụng tương đối ổn định trong đời sống, sau đó các nhà biên soạn từ điển mới thu thập, giải nghĩa, chứ không phải nhà biên soạn từ điển “sản xuất”, đặt ra từ ngữ rồi “cung cấp” cho đời sống. (Lưu ý: cũng có người chủ trương cứ thấy từ mới xuất hiện là thu thập vào từ điển, cho dù “ngày mai” nó không còn được ai nhắc đến nữa). Từ điển cũng không phải cái kho chứa đựng hết tất thảy từ ngữ nói và viết, cũng như không ai có thể đọc hết thiên kinh vạn quyển trong thiên hạ (dù “thiên hạ” ở đây được hiểu là một đất nước, vùng miền có giới hạn nào đó…).
Bởi vậy, không thể căn cứ vào lời của một vị “Viện trưởng viện ngôn ngữ”, hay một nhà thơ, nhà nghiên cứu nào đó “khẳng định” từ này, từ kia “không có trong từ điển”, không có trong “văn học phía Nam”, hay phía Bắc, rồi tin rằng nó hoàn toàn mới, hay chưa từng ai dùng trong thực tế.
2- Từ “phồn sinh” có thể “mới” với Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, chứ không mới với người khác; có thể không có trong từ điển này, nhưng lại có trong cuốn từ điển khác.
“Hán ngữ đại từ điển” 漢語大詞典 (La Trúc Phong chủ biên-Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã-1993) là bộ sách gồm 12 quyển, bắt đầu biên soạn từ 1975, sau 18 năm (1975~ 1993) thì hoàn thành và xuất bản trọn bộ. Sách này đã thu thập và giải thích từ “phồn sinh” như sau:
“PHỒN SINH: phồn thực; sinh trưởng, sinh sản; phát triển nhiều thêm.”[nguyên văn: 繁生 fán shēng. 繁殖滋生; 發展增多 - phồn sinh: phồn thực tư sinh; phát triển tăng đa].
“Hán ngữ đại từ điển” cũng dẫn liệu:
- Tống Ứng Tinh (1585~1666), một nhà khoa học đời Minh mạt, trong sách “Thiên Công Khai Vật”, mục “Hồ thỉ” viết về cây hoa (cây cáng lò, bulo) một loại cây có thể lấy vỏ đốt nhựa làm đuốc, làm keo chế cung tên, “sản ở Liêu Dương,phía Bắc thì “phồn sinh” (mọc nhiều, sản sinh nhiều) ở Tuân Hoá, phía Tây thì “phồn sinh” ở quận Lâm Thao, các vùng như Mân, Quảng, Triết đều có cả.” [明宋應星 “天工開物‧弧矢”: “凡樺木關外產 遼陽, 北土繁生 遵化, 西陲繁生 臨洮郡,閩, 廣, 浙 亦皆有之 – Minh Tống Ứng Tinh “Thiên công khai vật‧Hồ thỉ ”: “phàm hoa mộc quan ngoại sản Liêu Dương, Bắc thổ phồn sinh Tuân Hoá, Tây thuỳ phồn sinh Lâm Thao quận, Mân, Quảng, Triết diệc giai hữu chi].
- Tản văn gia, Tiểu thuyết gia Dương Sóc (1913~1968), trong “Hải thị”, viết: “Mùa hoa đào cũng là mùa vạn vật “phồn sinh” (sinh sôi, nảy nở).” [楊朔 “海市”: “桃花時節, 也是萬物繁生的時節 - Dương Sóc “Hải thị”: “đào hoa thời tiết, dã thị vạn vật phồn sinh đích thời tiết].
- Nhà văn Lỗ Tấn (1881~1936), trong “Tam nhàn tập - Cận đại thế giới đoản thiên tiểu thuyết tập-tiểu dẫn”, viết: “Trong hoàn cảnh hiện nay, người ta bận bịu nhiều công việc, không có thời gian đọc trường thiên. Tự nhiên điều này trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho đoản thiên tiểu thuyết “phồn sinh” (phát triển, thịnh hành).” [魯迅 “三閑集‧ “近代世界短篇小說集”小引”:“在現在的環境中,人們忙於生活,無暇來看長篇,自然也是短篇小說的繁生的很大原因之一 Lỗ Tấn “Tam nhàn tập‧ “Cận đại thể giới đoản thiên tiểu thuyết” tiểu dẫn”: “Tại hiện tại đích hoàn cảnh trung, nhân môn mảng ư sinh hoạt, vô giá lai khán trường thiên, tự nhiên dã thị đoản thiên tiểu thuyết đích phồn sinh đích ngận đại nguyên nhân chi nhất].
- “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm từ điển học Vietlex kế thừa và phát triển), là bộ từ điển được biên soạn, chính lý bổ sung một cách bài bản, hệ thống. Tuy chưa thu thập và giải nghĩa từ “phồn sinh”, nhưng trong kho ngữ liệu mà Trung tâm từ điển học Vietlex cung cấp cho chúng tôi có ghi nhận từ “phồn sinh”: “Tôi và cô đã bí mật gặp nhau. Một buổi trưa, ngày chuyển mùa, nắng đầu hạ nhạt và nhẹ tênh. Sự giao linh của mùa đã nhú mầm PHỒN SINH trên cây cỏ”. [Văn nghệ quân đội. Tác giả: Lê Ngọc Minh. Ngày phát hành: 01-06-1997.].
Có thể lấy ngay từ “giao linh” trong câu văn của Lê Ngọc Minh làm ví dụ:“Sự GIAO LINH của mùa đã nhú mầm PHỒN SINH trên cây cỏ.”.
Trong hàng chục cuốn từ điển xuất bản tại Việt Nam “từ cổ chí kim”, chúng tôi chưa tìm thấy cuốn nào thu thập từ này. Thậm chí, khi tìm kiếm trên Google, “Giao Linh” chỉ hiển thị với nghĩa là tên một ca sĩ ở miền Nam trước 1975. Tuy nhiên, “giao linh” được “Hán ngữ đại từ điển” thu thập và giải nghĩa là: “1.Chỉ linh khí trời đất giao hoà [謂天地兩種靈氣交合-vị thiên địa lưỡng chủng linh khí giao hợp]; 2. Nói hồn phách tương giao. [謂魂魄交往-vị hồn phách giao vãng].
Cũng theo ngữ liệu của Trung tâm từ điển học Vietlex, sau Lê Ngọc Minh đúng một tháng, “Giao linh” xuất hiện trong một bài thơ của tác giả khác: “Tất cảgiao linh trong nhịp đập của đất” [Tiền Phong cuối tháng. Tác giả: Vi Thuỳ Linh. Ngày phát hành: 01-07-1997.].
Cả Lê Ngọc Minh và Vi Thuỳ Linh đều dùng “giao linh” đúng với nghĩa như “Hán ngữ đại từ điển” đã giảng. Vậy, nếu theo cách “độc quyền từ ngữ” của Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, thì tác giả Lê Ngọc Minh cũng có quyền đi kiện Vi Thuỳ Linh, vì đã dùng từ “giao linh” chăng?
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cho rằng, Nhà thơ Đinh Sĩ Minh đã "đạo chữ" "phồn sinh" do ông "tìm ra" từ 1995 Ảnh: Lí Học |
3-Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu viết: “trong khoảng thời gian ở dạng bản mềm đó, đã có hai luận án tiến sĩ nghiên cứu về nó, 28 bài báo nhắc đến và phân tích “Phồn sinh” như một tác phẩm “đáng kể” của trường ca Việt Nam hiện đại.”
Nhà phê bình Nguyễn Hoà đặt nghi vấn: một tác phẩm chưa xuất bản, thì liệu có đủ tiêu chuẩn để lựa chọn làm luận án tiến sĩ hay không? Còn chúng tôi lại muốn nói đến một vấn đề khác. Với một tác phẩm văn học, sự đóng góp của nhà văn không chỉ về tư tưởng, cốt truyện, hay hình tượng nghệ thuật…mà còn về mặt ngôn ngữ. Giả sử ai đó là người sáng tạo ra từ “phồn sinh”, thì sự đóng góp “đáng kể” của tác phẩm về mặt ngôn ngữ sẽ phụ thuộc vào việc từ “phồn sinh” có thực sự “phồn sinh” trong đời sống hay không.
Như vậy, xét về “lí”, thì người đầu tiên Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cần “kiện” về tội “đạo chữ”, phải là tác giả Lê Ngọc Minh, chứ không phải Đinh Sỹ Minh. Hoặc sau Lê Ngọc Minh (1997) là “ khởi kiện” vô số người khác đã dùng từ “phồn sinh”, theo kết quả tìm kiếm trên Google, như:
-“…về biểu tượng phồn sinh trong văn hóa Chăm.” (doanhnhansaigon.vn-15/7/2012).
-“Có hay không một thánh địa của nghi lễ phồn sinh tại Cát Tiên.” (Báo Lâm Đồng-2013).
-“Ước vọng phồn sinh, phồn thực” (Tạp chí Sông Hương-2015).
-“Bài chòi phồn sinh sức xuân.” (Báo Quảng Nam-2015)…
Tuy nhiên, nếu người ta có thể kiện tụng, “đòi chữ” kiểu này được, thì con cháu của Tống Ứng Tinh bên Tàu lại sẽ là người khởi kiện Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu về tội đã dùng từ “phồn sinh” theo đúng cái nghĩa mà từ nửa thiên niên kỷ trước, cha ông họ đã dùng mới phải. Nhưng dẫu muốn, thì con cháu Tống Ứng Tinh cũng không thể căn cứ vào sự ghi nhận của “Hán ngữ đại từ điển” mà kiện Nguyễn Linh Khiếu được. Bởi hai chữ “phồn sinh” trong “Thiên công khai vật” có “niên đại” sớm nhất trong số 3 dẫn chứng mà “Hán ngữ đại từ điển” đưa ra, chứ không có nghĩa Tống Ứng Tinh là người đầu tiên, hoặc người sáng tạo ra từ này. Theo đó, có thể trước ông đã có người, hoặc nhiều người dùng “phồn sinh” rồi. Cũng như theo ngữ liệu của Trung tâm từ điển học Vietlex, thì “phồn sinh” xuất hiện trong tác phẩm của Lê Ngọc Minh (1997), nhưng thực tế Nguyễn Linh Khiếu đã dùng trong “Phù sa sông Hồng” từ hai năm trước (1995). Và dĩ nhiên, trước 1995, không bằng cách này thì cách khác, phải có người du nhập, dùng từ “phồn sinh”, rồi Nguyễn Linh Khiếu mới biết đến mà vận dụng.
4- Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu nói: “Tôi là người cẩn thận, tất cả các sáng tác của tôi đều đã đăng ký bản quyền, nhưng để tránh những vụ việc tương tự, có lẽ chúng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận lại vấn đề này, không thể chuyện lớn hóa nhỏ mãi được, bởi bây giờ người ta đạo văn không chỉ tinh vi mà còn trơ trẽn.”!
Nhưng liệu có cơ quan nào dám chứng nhận “bản quyền” từ “phồn sinh” cho Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, khi ông không phải là người sáng tạo ra từ này?
Trong Hán tự, chữ “phồn” 繁, có nhiều nghĩa, như: nhiều; thịnh vượng; tươi tốt; sinh sôi; hưng thịnh; tạp loạn; biến cải…Chữ “phồn” được dùng để cấu tạo nên hàng chục, hàng trăm từ ngữ khác:
-“Từ điển Hán Việt” (Phan Văn Các chủ biên-NXB Từ điển Bách khoa-2014) thu thập hơn 30 từ ngữ có chữ “phồn”, như: “phồn bản” 繁本 (bản đủ, bản dài); “phồn bác” 繁博 ([dẫn chứng] phong phú, nhiều nguồn); “phồn phức” 繁複(phiền toái, phiền phức); “phồn hoa” 繁花 (nhiều hoa); “phồn hoa” 繁華 (phồn hoa, sầm uất); “phồn lệ” 繁麗; ([từ ngữ] dồi dào hoa lệ); “phồn loạn” 繁亂 ([công việc] rắc rối); “phồn mang” 繁忙 (công việc bận rộn); “phồn mậu” 繁茂 (cây cối rậm rạp, tốt tươi); “phồn mật” 繁密 (dày đặc, đông đúc); “phồn nan” 繁難 (phức tạp, khó khăn); “phồn náo” 繁鬧 (phồn vinh, náo nhiệt); “phồn vinh” 繁榮 (phồn thịnh, phát triển); “phồn dục” 繁育 (nhân giống phát triển)…
-“Hán ngữ đại từ điển” thu thập và giải nghĩa hơn 150 từ ngữ bắt đầu bằng chữ “phồn”, như: “phồn mộc” 繁木 (cây cối tốt tươi rậm rạp); “phồn văn” 繁文 (văn từ dài dòng, phức tạp…); “phồn đa” 繁多 (nhiều đông); “phồn ngôn” 繁言(nhiều lời); “phồn lâm” 繁林 (cây rừng rậm rạp): “phồn chi” 繁枝 (cành lá tốt tươi); “phồn xương” 繁昌 (phồn vinh, đẹp tốt); “phồn dục” 繁育 (sinh đẻ và nuôi nấng); “phồn pháp” 繁法 (quy định phiền hà); “phồn chỉ” 繁祉 (nhiều phúc); “phồn vân” 繁 雲 (nhiều mây); “phồn thử” 繁暑 (nhiều nắng), v.v…
Như vậy, việc xác định người đầu tiên đặt ra “phồn sinh” là không thể. Bởi cấu tạo và nghĩa của từ “phồn sinh” không có gì đặc biệt so với hàng trăm từ ngữ có chữ “phồn” khác. Nói cách khác, nó đặc biệt, hay dở ra sao là phụ thuộc vào tài vận dụng của từng người. Một mình từ "phồn sinh" không làm nên giá trị của tác phẩm. Hơn nữa, giả sử Tống Ứng Tinh hoặc một tác gia cổ đại nào đó “đăng ký độc quyền từ ngữ”, thì chắc hẳn, từ “phồn sinh” chẳng những không “phồn sinh” được, mà còn nằm chết dí trong tác phẩm của họ từ mấy trăm năm trước. Người đời sau đâu còn được quyền “tìm ra”, rồi tạo nên tác phẩm “đáng kể” như Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tự hào?
HTC/3/2019
2.
NGUYỄN HÒA
Sau khi đọc bài “Nạn đạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng” đăng trên báo Tiền Phong, tôi có thêm cứ liệu để tin rằng sự phong phú vốn từ vựng của một dân tộc - cụ thể ở đây là tiếng Việt, có sự đóng góp quan trọng của các nhà văn, nhà thơ. Tuy nhiên, vì còn có một vài thắc mắc, nên tôi mạn phép được gửi tới PGS TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu hai câu hỏi:
1. Về khái niệm “phồn sinh”:
Dù là “khẩu thiệt vô bằng”, tôi vẫn xin thưa từ những năm 80 của thế kỷ trước tôi đã tiếp xúc với khái niệm “phồn sinh”, nhưng vì không sử dụng nên tôi không chú ý tìm hiểu nội hàm khái niệm này. Nay tôi mới được biết PGS.TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu là người đã sáng tạo khái niệm “phồn sinh”; trước khi công bố, ông đã cẩn trọng hỏi ý kiến Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và các tác giả Hữu Thỉnh, Phùng Tấn Đông, Nhật Chiêu nhằm xác minh xem đã có ai dùng hay chưa, và được trả lời rằng “phồn sinh” chưa có trong từ điển, văn học phía Nam cũng chưa ai dùng.
Vậy với sự cẩn trọng về kết quả sáng tạo và bản quyền như thế, khi công bố, ông xác định nội hàm khái niệm này cụ thể là gì, đã giới thiệu khi nào và ở đâu? Tôi đưa ra câu hỏi vì theo tôi, bất kỳ khái niệm hoặc từ nào mới xuất hiện đều mang trong nó một nội hàm, một ý nghĩa; nếu không xác định được nội hàm hay ý nghĩa thì đó chỉ là khái niệm, hoặc từ vô giá trị. Như giai thoại tôi được nghe kể: Có lần Nguyễn Tuân không vừa ý với biên tập viên tờ báo nọ vì người này sửa “phập phèo điếu thuốc” trong một bài viết của ông thành “phì phèo điếu thuốc”; bởi theo Nguyễn Tuân, chỉ vào lúc nhàn tản, thư thái người ta mới “phì phèo điếu thuốc”, còn khi vừa hì hục làm việc vừa hút hơi được hơi chăng thì phải gọi là “phập phèo điếu thuốc”.
2. Về khái niệm “linh thảo”:
Như ông cho biết thì hoa Linh thảo là “tên ông bịa ra từ tên người yêu cũ”, và điều này khiến tôi liên tưởng tới “lá diêu bông” của thi sĩ Hoàng Cầm. Song tò mò tìm trên internet tôi lại thấy nhiều thông tin đề cập linh thảo. Như: nghệ sĩ đàn tranh Linh Thảo, ca sĩ Linh Thảo; trên sendo.vn có Shop Linh Thảo; bà Nguyễn Duy Linh Thảo ở Kiên Giang bị kỷ luật; TS. Bác sĩ Nguyễn Linh Thảo chuyên về Sản phụ khoa; Amy Nguyen có tên thật là Nguyễn Hoàng Linh Thảo hiện ở Mỹ, Lê Linh Thảo người Úc gốc Việt, trước năm 1975 dạy Việt văn tại một số trường trung học ở miền nam… Các thông tin này cho thấy hai khả năng: hoặc linh thảo không xa lạ, hoặc là người ta thuổng của PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu? Vậy theo ông, khả năng nào có thể khả dĩ chấp nhận được (xin lưu ý: Nguyễn Hoàng Linh Thảo năm nay 41 tuổi, Lê Linh Thảo năm nay 87 tuổi). Thêm nữa theo ông, “hoa linh thảo” có phải do ông “bịa ra” hay không, khi trên bibomart.com.vn thấy giới thiệu “mật ong phấn hoa linh thảo”, còn trong bài “6 lợi ích tuyệt vời của cây Linh Thảo” trên kenhsinhvien.vn, người ta đã giới thiệu linh thảo là cây họ đậu kèm theo ảnh hoa linh thảo?
Đôi điều thắc mắc mạn phép gửi PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu và hy vọng sẽ được ông trả lời.
http://www.lethieunhon.vn/2019/03/hai-cau-hoi-gui-pgs-ts-nguyen-linh-khieu.html
1.
Thơ Nguyễn Linh Khiếu và khát vọng phồn sinh
12/11/2014 15:12
Cả chương 9 của trường ca Phồn sinh chỉ duy nhất có một dấu chấm ở cuối chương, đủ biết nguồn mạch thơ phồn sinh trong ông dạt dào tuôn chảy đến nhường nào. Dù cho điều ấy là vô tình hay cố ý thì cũng đã ít nhiều tạo nên một dấu ấn riêng trong phong cách thơ của Nguyễn Linh Khiếu, mà không phải ai cũng có được.
(Toquoc)- Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, sinh năm 1959 tại Thái Bình. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Giải thưởng thơ báo Văn nghệ (1995) và Tạp chí Văn nghệ quân đội (2010). Các tập thơ đã xuất bản: Chùm thơ tiên cảm (1991), Mùa thiêng (1995), Hoa linh (2000), Dọc sông Hồng (in chung, 2002); và các tập thơ, tản văn chuẩn bị xuất bản: Sa hồng, Mùa yêu, Lá phong vàng, Hoa đào nở trước sân, Lễ hồi sinh và đặc biệt là đại trường ca Phồn sinh có độ dài hàng ngàn câu thơ, 130 ngàn chữ tương đương với khoảng trên 700 trang in khổ 15x23cm. Nguyễn Linh Khiếu là PGS.TS Triết học, sống và viết tại Hà Nội.
1.
Nguyễn Linh Khiếu xuất hiện cùng thời với các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương... Các tập Chùm thơ tiên cảm (1991), Mùa thiêng(1995) và Hoa linh (2000) đã minh chứng cho điều đó.
Cũng giống như các nhà thơ thuộc khuynh hướng này, người đọc trước hết cần phải có một cảm quan thẩm mỹ khác, không giống như khi đọc thơ truyền thống hay thơ cách tân trên cơ sở truyền thống khi tiếp cận trực tiếp với văn bản thơ.
Dẫu rằng thể loại hay khuynh hướng thơ nào cũng đều là nghệ thuật ngôn từ, nhưng với mỗi trào lưu, khuynh hướng và từng cá nhân nhà thơ đều có cách riêng của mình trong việc khám phá thế giới vô cùng tận và chuyển tải cách nhìn về nó bằng các hệ hình thẩm mỹ khác nhau, thông qua hệ thống hình tượng, ngôn ngữ, giọng điệu, cách tổ chức câu thơ, cách đặt tên từng bài, tập thơ với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh và độc đáo. Thậm chí cả cách ngắt câu, xuống dòng, dùng các dấu chấm (.), dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (;), dấu hỏi (?), dấu cảm (!), dấu ba chấm (...), việc sử dụng từ láy, từ ghép, từ điệp, cách phân chia khúc thức, trường đoạn, chương hồi... của Nguyễn Linh Khiếu cũng chẳng giống ai.
Tuy nhiên, ở Nguyễn Linh Khiếu có sự độc đáo riêng mà người khác không có. Quán xuyến hầu khắp các tập thơ của ông là một khát vọng phồn sinh róng riết và thâm hậu. Đến mức, dường như nhu cầu phồn sinh thường trực trong ông cũng sục sôi không kém nhu cầu tồn tại về khía cạnh bản thể. Trong tư cách là nhà thơ cách tân, với Nguyễn Linh Khiếu, tồn tại bản thể cũng đồng nghĩa với tồn tại phồn sinh. Sẽ chẳng bao giờ có tồn tại bản thể nếu như bản thể ấy không đích thực phồn sinh, tức là tồn tại trong tư cách vận động và phát triển, chứ không phải tồn tại trong tư thế đứng im, chết cứng.
Trong chương 127 và 128, của trường ca Phồn sinh, nhà thơ dùng khá nhiều tính từ biểu đạt sự sinh sôi, nảy nở, hiển lộ rõ sức phồn sinh của cỏ cây, đất trời, vạn vật và cả con người nữa, như: non nớt, lấm tấm, phơn phớt, tinh tơm, mảnh mai, mềm mỏng, mơn mởn, long lanh, bổi hổi bồi hồi, miên man, díu dan, mỏng mảnh, buâng khuâng, thập thò, hoang hoải, mỡ màu, chan chứa, nồng nàn, mộc mạc, nâu non, tràn trề, lênh láng, hân hoan, dào dạt, rì rào, li ti, tin hin, nương vương, dung dăng dung giẻ, thích thú, nắc nẻ, hít hà sừng sững, rung rinh, ngất ngây...
Đặc biệt các tính từ láy đôi như: sột soạt, nây nẩy, nồng nàn, hổn hến, mỡ màng... rất giàu thanh âm và sắc màu phồn sinh, thật sự ám ảnh người đọc, đã được ông triệt để khai thác và dùng đi dùng lại nhiều lần ở hầu hết các bài thơ và trường ca, trong đó có đại trường ca Phồn sinh.
Thế giới tự nhiên, trong đó bao gồm cả con người trong suy tư nghệ thuật của Nguyễn Linh Khiếu, là một thế giới luôn chuyển động và phát triển không ngừng nghỉ. Nhưng mọi sự phồn sinh chỉ có thể diễn ra từ căn cốt của sự tồn tại bản thể phồn thực như ăn, uống, hít thở, cựa quậy và quan hệ tính giao, như là phương cách duy nhất để duy trì sự sống và phát triển giống nòi:
những sớm mai trên bờ bãi sông Hồng
chập chờn trong sương tiếng sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo
nây nẩy những bắp non tươi ẩn hiện
mùa nước sinh đang hổn hển trở về. (Linh hương Hà Nội)
2.
Đông Đô- Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến luôn là mảnh đất màu mỡ cho các sáng tạo văn chương- nghệ thuật từ bao đời nay. Hồ dễ đã từng có tới hàng ngàn bài thơ về Hà Nội. Nhưng nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu là một trong số những người hiếm hoi đã có hẳn một mảng thơ về Hà Nội khá bề thế. Ngoài các bài thơ lẻ và các trường đoạn, khúc thức, chương trong đại trường ca Phồn sinh, ông còn có hai trường ca dành riêng viết về Hà Nội là Lá non mùa Hà Nội và Linh hương Hà Nội. Ở đây, nhà thơ đã xuất thần vẽ nên một bức tranh khá đặc sắc về Hà Nội theo cách riêng của mình, khiến bất kỳ ai đọc lên cũng cảm thấy đích thị đấy là Hà Nội đầy đặn và hấp dẫn không thể nào trộn lẫn với bất cứ một địa danh nào khác.
Ấy là khi tiết Đông dần vợi đi nhường chỗ cho tiết Xuân đang lấp ló đâu đây trên những cành lộc biếc: ... mùa lá non bắt đầu khi những hạt mưa lập xuân chuyếnh choáng trên phố phường nghiêm trang cổ kính/ khi những ngọn xuân mơn mởn miên man ô cửa mỗi ngôi nhà/ khi những cánh đào Nhật Tân xốn xang long lanh ánh mắt/ thành phố bảng lãng sương mai dịu dàng hơi xuân yểu điệu bâng khuâng mùi hương da diết/ .../ thành phố lá non ngân nga chuông chùa Trấn Quốc/ mịt mờ âm dương phủ Tây Hồ linh sương lành lạnh/ văn bia tỏ mờ nguyên linh lay động/ những ban mai nắng sớm lảo đảo bút nghiên/ mỗi hoàng hôn dóng dả chuông chùa Hàm Long da diết/ réo rắt Đồng Xuân lanh chanh xẩm xờ phố thị/ bì bõm lặn lội Tễu hoan hỉ le te ao bèo rối nước/ tiếng ra đêm cửa ga ời ợi diệu vợi khê nồng/ trà nóng vỉa hè chén hoa hồng nồng nàn ngạt ngào hương hôi hổi/ thành phố uy nghi ngàn tuổi hồn nhiên tò he xanh đỏ tím vàng/ thành phố trẻ thơ non dại ngày lộc biếc lá non/ xao xuyến mặt hồ những vòm cây lòa xòa lung linh bóng nước/ lung linh bóng ta bóng nàng... (Lá non mùa Hà Nội)
Hà Nội trong ông là:
thành phố bên sông gương mặt ai cũng lấp lánh sông Hồng
sa hồng dịu dàng
sa hồng tươi non
sa hồng mỡ màu
sa hồng rười rượi
em quý phái em đài các em xa hoa em yểu điệu em kiều diễm em lộng lẫy em khoan thai em nồng nàn em khoan dung em nhân hậu... (Lá non mùa Hà Nội)
và:
lá non là thông điệp phồn sinh trên đất đai màu mỡ mùa màng cấy cày vun trồng chăm bón gặt hái châu thổ lúa nước của chúng mình... (Lá non mùa Hà Nội)
Rõ ràng nếu không có một sự quan sát tinh tế, một sự cảm nhận sâu sắc và trên hết là một tình yêu Hà Nội từ thẳm sâu trong trái tim thi sĩ, thì sẽ chẳng bao giờ có thể vẽ nên được một Hà Nội tràn đầy phồn sinh đến như thế. Dù Hà Nội trong tâm khảm của Nguyễn Linh Khiếu vẫn là một thực thể hoàn toàn khác, khó có thể khỏa lấp được. Bởi, hằng đêm ông thường thức dậy lúc ba giờ sáng để kịp nhận ra chính mình, một thi sĩ nhà quê lên tỉnh:
trong ngôi nhà thân yêu chỉ một mình ta là người ngụ cư là người nợ nần máu huyết khăng khít với một vùng quê khác (Linh hương Hà Nội)
3.
Để có thể có được một thủ pháp nghệ thuật tương thích với khát vọng phồn sinh, Nguyễn Linh Khiếu đã sử dụng nhiều từ láy đôi, láy ba và có khi láy bốn, thậm chí có những đơn vị câu thơ của ông trừ hai từ mào đầu là Hà Nội còn lại là các từ láy đôi: Hà Nội ngõ ngách nhóc nhách thăm thẳm âm u (Linh hương Hà Nội)
Trong chương 127 của đại trường ca Phồn sinh gồm 62 đơn vị câu thơ, Nguyễn Linh Khiếu đã sử dụng tới 88 từ láy. Bình quân mỗi đơn vị câu thơ ông sử dụng tới trên 1,4 từ láy. Còn từ chương 1- 9, trường ca Linh hương Hà Nội gồm 192 đơn vị câu thơ, ông cũng đã sử dụng tới 193 từ láy, Tuy nhiên trong số các từ láy nói trên, có từ được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng nhìn chung là các từ láy mới. Thậm chí có những đơn vị câu thơ một từ láy được lặp lại tới 4 lần: Hà Nội trà nóng nghi ngút vỉa hè nghi ngút ngõ nhỏ sườn đê nghi ngút cầu thang nghi ngút sân trường.
Việc sử dụng nhiều từ láy trong một đơn vị câu thơ, bài thơ, trường ca hiển lộ sự chủ tâm của tác giả muốn nhấn mạnh một đặc tính nào đấy của cảnh vật, miền đất, con người... ngõ hầu gây ấn tượng cho người đọc. Tuy nhiên bản thân từ láy luôn là con dao hai lưỡi, nếu không được chọn lọc kỹ và đặt đúng vị trí đắc địa của nó, có khi lại phản tác dụng, làm phá vỡ cấu trúc đơn vị câu thơ, bài thơ hay trường ca, dễ gây cho người đọc sự nhàm chán, phản cảm không cần thiết, thậm chí có thể gây nên sự hiểu lầm rằng nhà thơ vì nghèo vốn từ vựng nên phải dùng nhiều từ láy đến như thế.
Thông thường, thơ truyền thống và kể cả thơ Mới rất ít khi sử dụng từ láy. Về khía cạnh từ loại, từ láy là tính từ hai, ba hay bốn âm tiết, mà giới nghiên cứu ngôn ngữ thường gọi là từ láy đôi, láy ba hay láy bốn, trong đấy có những âm tiết chỉ là hư từ, tức là không biểu đạt một nghĩa riêng biệt, độc lập, mà chỉ làm mềm hóa hay bổ sung nghĩa cho những từ đi cùng. Chẳng hạn như các từ láy: ngõ ngách thì từ ngõ có nghĩa độc lập, còn từ ngách là nghĩa thu hẹp của từ ngõ trong từ láy đôi này, mặc dù thực tế, từ ngách vẫn có nghĩa độc lập khi nó đứng riêng. Còn trong các trường hợp như thăm thẳm chỉ có từ thẳm là có nghĩa biểu hiện độ sâu của một hiện tượng tự nhiên, tình cảm nào đấy của con người, chẳng hạn như khi muốn chỉ một con vực rất sâu người ta thường nói vực sâu thăm thẳm, hay sắc của bầu trời rất xanh ta thường nói trời xanh thăm thẳm, tuy nhiên từ thăm ở đây chỉ là hư từ, không mang một ý nghĩa tự thân nào cả.
Trở lại với thơ Nguyễn Linh Khiếu, hầu hết các từ láy của ông đều được chọn lọc kỹ, đặt đúng chỗ nên đã phát huy được tác dụng, gây ấn tượng cho người đọc.
mỗi sáng mai trên bờ bãi sông Hồng
chập chờn trong sương tiếng sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo
nây nẩy những bắt non tươi ẩn hiện
mùa nước sinh đang hổn hển trở về. (Linh hương Hà Nội)
... phù sa non đầm đìa đam mê
lộng lẫy như đàn trâu cái vào mùa động đực (Phù sa sông Hồng)
Ngoài việc sử dụng nhiều từ láy ra, Nguyễn Linh Khiếu là người chịu khó sử dụng điệp ngữ. Thực chất điệp ngữ không có nhiều ý nghĩa về mặt từ vựng, mà chỉ có ý nghĩa về khía cạnh tu từ. Việc lặp đi lặp lại một cụm từ nào đấy cho thấy sự dan díu, ám ảnh không thể vượt thoát khỏi một vùng đất, một hiện tượng nào đấy của tự nhiên, xã hội và của con người của chủ thể sáng tạo trong những giây phút mặc khải:
nghi ngút sông Hồng cồn cào màu mỡ sinh sôi
nghi ngút hồ Gươm linh thiêng gươm báu
nghi ngút Tây Hồ thanh thoát sâm cầm
nghi ngút Bảy Mẫu xôn xao rực rỡ hồn cây
nghi ngút Trúc Bạch bóng Cẩu Nhi khói hương vương vấn
nghi ngút sông Tô ca dao tục ngữ
nghi ngút sông Sét bầy rô đồng vinh danh
nghi ngút sông Nhuệ đền đài thờ cúng
nghi ngút vô vàn những sông ngòi hồ ao to nhỏ như những nồi rượu hôi hổi
nghi ngút vô vàn những hổ hển phả lên khung trời thành phố một làn sương
cao thượng tinh khiết huyền ảo một làn sương nồng nàn màu nhiệm... (Linh hương Hà Nội)
Đặc biệt, ở chương 9 của trường ca Linh hương Hà Nội chỉ có 23 đơn vị câu thơ mà tác giả đã sử dụng tới 23 điệp ngữ, chỉ trừ câu mở đầu:
dọc triền đê cỏ ướt ta và nàng như hai chú nghé con trong suốt cao quý linh thiêng lặng lẽ ngắm nhìn Hà Nội bồng bềnh đắm đuối trong sương
Hà Nội phố
Hà Nội hồ
Hà Nội hoa
Hà Nội thiếu nữ
Hà Nội đài các và dân dã
Hà Nội trần tục và thánh thần
...
Hà Nội chợ chen chúc đứng ngồi bán mua mặc cả
hàng rong lam lũ gành gồng khuya khoắt sớm hôm
Hà Nội phố cổ chất chồng hàng hóa con người đứng ngồi nghẹt thở
Hà Nội chung cư văn minh lịch sự cơi nới tít mù
Hà Nội làng phố phường ngoắt ngéo
Hà Nội ngõ nghách nhóc nhách thăm thẳm âm u
...
Hà Nội trà nóng nghi ngút vỉa hè nghi ngút ngõ nhỏ sườn đê nghi ngút cầu thang nghi ngút sân trường
Hà Nội bánh cốm mứt sen kẹo lạc kẹo vừng thơm lừng quán nước
Hà Nội sủi cảo văn thắn gà tần sằng sặc thuốc bắc
Hà Nội bún riêu bún ốc tí tô rau diếp hăng nồng
Hà Nội nức nở phở gà phở bò bún vịt bún ngan
Hà Nội hăng vôi bánh khúc xanh những cánh đồng hương nếp
Hà Nội bánh cuốn Thanh Trì cà cuống chấp chới bay rợp tâm can
Hà Nội cốm Vòng hơi thu se sẽ
Hà Nội ngô nướng buổi tối đầu đông và nàng dọc phố Bạch Mai nóng bỏng
Hà Nội những tối nàng đi học muộn ta đứng chờ dưới cây muỗn già cây muỗn hàng trăm tuổi vẫn lộng lẫy ngạt ngào hào hoa đài các hương sắc kinh đô
Hà Nội mắt em nhìn ta ngày ấy ba mươi năm vẫn thăm thẳm bùa mê.
Với thủ pháp nghệ thuật sử dụng hai điệp ngữ nghi ngút và Hà Nội, Nguyễn Linh Khiếu đã vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh vừa cụ thể đến từng chi tiết, vừa có sức khái quát cao về một Hà Nội xưa và nay. Dù chưa phải là tất cả, nhưng với những ai đã từng sống ở Hà Nội và thậm chí chưa một lần đặt chân lên mảnh đất này cũng đủ để hình dung ra một Hà Nội thực thể và phồn sinh biết nhường nào.
Cả chương 9 của trường ca này chỉ duy nhất có một dấu chấm ở cuối chương, đủ biết nguồn mạch thơ phồn sinh trong ông dạt dào tuôn chảy đến nhường nào. Dù cho điều ấy là vô tình hay cố ý thì cũng đã ít nhiều tạo nên một dấu ấn riêng trong phong cách thơ của Nguyễn Linh Khiếu, mà không phải ai cũng có được./.
Đỗ Ngọc Yên
http://toquoc.vn/tho-nguyen-linh-khieu-va-khat-vong-phon-sinh-99128645.htmĐỗ Ngọc Yên
5.
Trả lờiXóaXIN ĐƯỢC GỬI CÂU HỎI THỨ BA TỚI PGS.TS NHÀ THƠ NGUYỄN LINH KHIẾU
NGUYỄN HÒA
Ngày 6.3.2019, trên lethieunhon.vn, trong bài “Mạn phép xin được gửi hai câu hỏi tới PGS.TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu” tôi có đưa ra hai câu hỏi và hy vọng PGS.TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu sẽ trả lời. Song đến nay, sau hơn một tuần, vẫn thấy ông im lặng, vì thế tôi rất áy náy. Có thể giải thích sự im lặng đó với ba khả năng: Ông hoàn toàn không biết bài viết của tôi? Ông có biết nhưng thấy không cần hoặc không muốn trả lời? Lethieunhon.vn là trang web cá nhân, không phải trang web chính thống, không xứng tầm với ông? Tuy nhiên, tôi lại gửi gắm hy vọng vào khả năng thứ tư: Hai câu hỏi lặt vặt là không bõ bèn, phải có câu hỏi thứ ba mới đủ sức nặng để ông gõ bàn phím? Vì vậy trong bài viết ngắn này, tôi mạn phép xin gửi tới ông câu hỏi thứ ba.
Như bài “Nạn đạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng” đăng trên báo Tiền Phong ngày 3.3.2019 cho biết thì năm 2002 ông hoàn thành trường ca Phồn sinh và “được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet”, dù đến năm 2018 Phồn sinh mới xin được giấy phép xuất bản thì “trong khoảng thời gian ở dạng bản mềm đó, đã có hai luận án tiến sĩ nghiên cứu về nó”. Theo đó, ông có thể cho biết hai luận án do hai nghiên cứu sinh nào thực hiện và vào năm nào, họ nghiên cứu nội dung gì của Phồn sinh? Tôi hỏi cụ thể như vậy bởi qua đây muốn ông trả lời một câu hỏi quan trọng hơn nữa là: Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghiên cứu sinh có được thực hiện luận án tiến sĩ với đối tượng nghiên cứu là tác phẩm chưa xuất bản, mới chỉ tồn tại ở dạng bản thảo hay không?