Vừa rồi du lãng chốn Non Nước, có tạt ngang tạt dọc vào những di tích có liên quan đến cụ Thăng Phủ nổi danh ở đời Trần.
Con cháu họ Trương đang trùng tu tôn tạo nơi thờ tự cụ.
Về nhà, xem lại một tấm bia cụ đã viết năm 1339 cho một ngôi chùa ở Bắc Ninh. Bia sau này mờ đi, nên người địa phương đã khắc lại vào thời Tây Sơn hay thời Nguyễn gì đó. Nghe đâu là bác Nguyễn Huệ Chi có về địa phương khảo sát năm 1969.
Bài khảo cứu dưới là của nhóm Phạm Thị Chuyền ở Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
---
1.
Danh nhân Trương Hán Siêu và tấm bia đá thời Trần tại chùa Vọng Nguyệt 19/02/2013 13:28 PM
Trương Hán Siêu (? – 1354), tên tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu quê ở làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Ông là một danh sỹ nổi tiếng thời Trần làm quan tới chức “Chính nghị đại phu, Hàn lâm học sỹ, tri chế các kiêm thiên tri nội mật Viện sự chưởng bảo tứ kim ngư đại nha thủy”. Ngoài tài năng về võ thuật Trương Hán Siêu còn là nhà thơ nổi tiếng với bài Phú “Bạch Đằng giang” - kiệt tác văn chương, áng thiên cổ hùng văn chan chứa niềm tự hào dân tộc có ý nghĩa tổng kết lại chiến thắng Bạch Đằng lịch sử thời bấy giờ.
Ông cùng với Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) biên soạn “Hoàng triều đại điển” và “Luật hình thư” hai bộ sách lớn nhất thời Trần. Bên cạnh những tác phẩm lớn kể trên di văn của ông còn lại tới ngày nay là các bài ký khắc trên bia đá ở một số ngôi chùa lớn thời ấy như: Linh Tế thập ký (bài ký Tháp Linh Tế), Quang Nghiêm tự bi văn (bài văn bia chùa Quang Nghiêm), Khai Nghiêm bi ký (bài văn bia chùa Khai Nghiêm)… đều thể hiện bản tính cương trực, thẳng thắn của ông trong việc bài xích Phật giáo vốn được coi là “Quốc giáo” khi đó.
Tấm bia “Khai Nghiêm bi ký” do Trương Hán Siêu soạn vào ngày 15 tháng 2 năm Kỷ Mão niên hiệu Khai Hựu 11 (1339) đời vua Trần Hiến Tông khắc lại vào thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh 5 (1797) hiện đang lưu giữ tại chùa làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là một minh chứng sát thực cho bản tính cương nghị của ông trong việc phê phán đạo Phật đối với xã hội đương thời. Đạo Phật sinh ra là để cứu giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ nhưng tác giả đã đả phá kịch liệt bọn sư sãi lợi dụng lấy đạo Phật làm nơi tụ tập ăn chơi xa hoa không chịu cày cấy làm ăn. Đã vậy bọn quyền thế, bọn ngoại đạo đương thời lại còn a dua đòi hùa theo vào, dân chúng thì bỏ nhà cửa, làng xóm lũ lượt quy theo.
Ông đã phải than lên rằng: “Than ôi! Các bậc thánh hiền ngày càng xa cách, chính đạo ngày càng lu mờ, những kẻ làm thầy, làm tướng đã không có bậc Chu, Thiệu để dẫn đầu việc giáo hóa, các xóm thôn châu huyện lại không có trường để dậy dỗ nghĩa hiếu thảo hòa thân, như thế thì người ta tránh sao khỏi hoang mang ngoảnh nhìn rồi bỏ đi theo đường khác. Đó cũng là thế tất nhiên”.
Đối với việc xây dựng chùa chiền ông kịch liệt phản đối, coi việc thánh triều muốn mở mang giáo hóa (Phật giáo) để sửa đổi phong tục đồi bại là việc làm khó có thể mang lại kết quả, thực tế lịch sử đã chứng minh điều này. Văn bia có đoạn viết: “Chùa hỏng lại xây đã là ngoài ý muốn của ta, thì việc dựng bia khắc chữ có can hệ gì đến văn từ của ta”.
Bằng những lời lẽ cứng cỏi nêu trên tác giả cho chúng ta thấy sự suy thoái của xã hội Đại Việt vào cuối thời kỳ nhà Trần. Sau một thời gian dài ngự trị Phật giáo không còn chiếm giữ vị trí độc tôn trong xã hội nữa, thay vào đó là một hệ tư tưởng mới đang có sức ảnh hưởng tích cực tới đường lối trị nước của các bậc đế vương. Đó là Nho giáo - hệ tư tưởng chính thống sau này được triều Lê sơ (thế kỷ XV) chọn làm quốc giáo và tồn tại cho đến tận những năm đầu thế kỷ XX.
Với giá trị to lớn đó tấm bia trở thành bảo vật của tỉnh Bắc Ninh, phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo trên vùng đất được mệnh danh là vương quốc của những ngôi chùa cổ.
Theo BBN
http://113.191.248.134/dukhach/noidung/tintuc/Pages/doanhnhankinhbac.aspx?ItemID=12
2.
BÙI HƯƠNG DUNG1
PHẠM THỊ CHUYỀN2
Đền thờ Trương Hán Siêu
Tóm tắt: Trương Hán Siêu (?- 1354) vốn là một nhà Nho cuối thời Trần. Nhiều tư liệu Hán Nôm đã ghi lại những phát ngôn của ông liên quan tới đạo Phật. Đã có nhiều nhà nghiên cứu nhận định ông là “nhà Nho bài xích Phật giáo” hoặc “nhà nho kịch liệt bài xích Phật giáo”, tuy nhiên những nghiên cứu đó không phải phân tích từ góc nhìn tôn giáo học. Nay qua khảo cứu bài ký trên bia đá chùa Khai Nghiêm (Bắc Ninh), với những phân tích tôn giáo học, chúng tôi thấy rằng Trương Hán Siêu không hoàn toàn là “nhà nho bài xích Phật giáo” mà đúng hơn ông là người đứng trên quan điểm của một nhà nho am hiểu Phật giáo đã có những phát ngôn “đồng thuận” và “không đồng thuận” với một số phương diện tích cực và tiêu cực của Phật giáo đương thời.
1. Sử viết về Trương Hán Siêu
Trương Hán Siêu (chữ Hán: 張漢超;?-1354), tên tự là Thăng Phủ hoặc Thăng Am, hiệu Đôn Tẩu, là một vị quan, một danh nhân văn hóa đời Trần. Ông quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1300, Trương Hán Siêu đã nổi tiếng về văn chương và chính sự, từng làm môn khách của Trần Quốc Tuấn và được Quốc Tuấn tiến cử vào triều. Năm 1308, mùa xuân, tháng Giêng, vua Trần Anh Tông phong Trương Hán Siêu làm Hàn lâm học sĩ. Năm 1326, Trần Minh Tông phong Trương Hán Siêu làm Hành khiển. Năm 1337, mùa thu vua Trần Hiến Tông phong Trương Hán Siêu làm Môn tạ hữu ty lang trung. Năm 1341, Trương Hán Siêu cùng với Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành. Năm 1342, vua Trần Dụ Tông phong Trương Hán Siêu làm Tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang. Năm 1345, Trương Hán Siêu làm Tả gián nghị đại phu. Năm 1351, Trương Hán Siêu làm Tham tri chính sự. Năm 1354, trấn giữ Hóa Châu, biên thùy trở lại yên ổn, ông xin trở về triều, vua y cho, nhưng về chưa tới kinh sư thì chết, được truy tặng Thái bảo. Sinh thời ông là người chính trực, bài xích dị đoan, từng soạn văn bia chùa Khai Nghiêm và gả con gái cho Tam bảo nô Nguyễn Chế khi trông coi chùa Quỳnh Lâm. Những ghi chép trên cho thấy, Trương Hán Siêu vốn là một nhân tài từng giữ những chức vụ cao, phục sự nhiều đời vua nhà Trần. Tài năng uyên thâm ít nhiều có được nhờ giáo dục khoa cử Nho giáo của ông đã có được nhiều điều kiện kinh bang tế thế cả về vị trí và quyền lực. Chính vì thế, khi ông có những luận điểm phê phán Phật giáo trong một số văn bia thì nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ông chủ trương tôn sùng Nho giáo và bài xích Phật giáo. Một trong những văn bia được các nhà nghiên cứu trích dẫn để minh chứng cho luận điểm “Trương Hán Siêu bài xích Phật giáo” là bài văn bia chùa Khai Nghiêm ở thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Thiết nghĩ, nếu Trương Hán Siêu chỉ tôn sùng Nho giáo mà bài xích Phật giáo thì sao ông ta lại soạn văn bia cho chùa Khai
Nghiêm? Bài viết này nhằm tìm hiểu kỹ hơn nữa về những luận điểm trong bài văn bia này, để góp phần tìm hiểu về quan điểm của Trương Hán Siêu về Phật giáo.
Nghiêm? Bài viết này nhằm tìm hiểu kỹ hơn nữa về những luận điểm trong bài văn bia này, để góp phần tìm hiểu về quan điểm của Trương Hán Siêu về Phật giáo.
2. Về Bài ký trên bia đá chùa Khai Nghiêm.
Bia chùa Khai Nghiêm, thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, kí hiệu thác bản 23637 – 38. Bia cao 117 cm, rộng 40 cm, trán hình rồng chầu vào ô chữ ở giữa, diềm trang trí dây hoa cúc. Toàn văn chữ Hán, mờ một số chữ. Văn bia do Trương Hán Siêu soạn, khắc năm Khai Hựu thứ 11 (1339), đến năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1797) khắc lại. Văn bia này từng được chép trong 皇越文選 (Hoàng Việt văn tuyển), (ký hiệu A. 3163/1-3) do Tồn Am Bùi Huy Bích tuyển chọn và Nguyễn Tập / 阮摺 , Đốc học trấn Sơn Nam biên tập và viết tựa năm Minh Mệnh 6 (1825). Người ta lại có thể tìm thấy văn bia này được chép trong 世次見聞叢記 (Thế Thứ Kiến Văn Tùng Kí) (A.326/1-2) biên soạn vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833). Sau này, văn bia được giới thiệu trong Thơ văn Lý Trần, tập IIa, tr.748, Nxb.Khoa học xã hội, 1988 và trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, thời Trần, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 2002.Nguyên văn chữ Hán như sau:
開嚴碑記
像教由設,乃浮屠氏度人方便。蓋欲使愚而無知,迷而悟者,即此以為回向白業地。乃其徒人之狡獪者,殊失苦空本意,務占名園佳境,以金碧其居,龍象其眾。當世留俗豪右輩,又徒而晌應。故凡天下奧區名土,寺居其半。緇黃皈之,匪耕而食。匹夫匹婦往往離家室,去鄉里,隨風而靡。
噫去聖逾遠,道之不明。任師相者,既無周召以首風化,州閭鄉黨。又無庠序以申孝弟之義。斯人安得不皇皇顧而之地,亦勢使然也。
維北江路上畔如兀甲次二社開嚴寺乃李朝月生公主所創也。其面勢則僊山望其南,甜江抱其北。一方形勝,實萃於斯。依昔規模隳祀無幾。於是內人火頭周歲遂倡率鄉人并力重新。繇開祐五年,癸酉,越七年乙亥畢工。佛教僧房畢仍舊貫。落成之日闔培境矣耄莫不合掌贊嘆以為月生復生也。
戊寅冬自來天長求予文以為記。且曰寺故有鐘,金始代石,若非記實,恐泯前蹤,予謂寺廢而興,故非吾意,石立而刻何事吾言。方今聖朝欲暢皇風以救穨俗,異端在可黜,正道當復行。為士大夫者非堯舜之道不陳前,非孔孟之道不著述。顧乃區區與佛氏囁囁,吾將誰欺。
雖然歲常為內密院吏,習於曹事,晚泊士宦,好舍施,固辭厚祿,奉身而退。是吾所願學而未能也。是可書也。
開祐十一年己卯歲二月十五日。
正議大夫翰林學士知制誥兼僉知內密院事掌寶賜金魚袋鴉水張漢超升甫記。
Dịch nghĩa:
VĂN BIA CHÙA KHAI NGHIÊM3
Tượng giáo4 đặt ra là để đạo Phật dùng làm phương tiện tế độ chúng sinh; chính vì muốn khiến cho những kẻ ngu mà không giác ngộ, mê mà không tỉnh lấy đó làm nơi trở về với thiện nghiệp. Thế nhưng những kẻ giảo hoạt trong giới sư sãi lại bỏ mất cái bản ý “khổ, không”5 của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của mình rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của mình lộng lẫy như voi rồng. Đương thời bọn có quyền thế, bọn ngoại đạo a dua lại đua đòi hùa theo. Vì thế những nơi u nhã thanh kỳ trong nước, chùa chiền đã chiếm mất một nửa. Đám áo thâm, áo vàng6 tụ tập ở đấy, không cày mà ăn, không dệt mà mặc; những người thất phu thất phụ thường bỏ cửa nhà, bỏ làng xóm lũ lượt quy theo.
Than ôi! Các bậc thánh hiền ngày càng xa cách, chính đạo ngày càng lu mờ, những kẻ làm thầy, làm tướng đã không có bậc Chu, Thiệu7 để dẫn đầu việc giáo hóa, các xóm thôn châu huyện lại không có trường để dạy dỗ nghĩa hiếu thảo hòa thân, như thế thì người ta tránh sao khỏi hoang mang, ngoảnh nhìn rồi bỏ đi theo đường khác. Đó cũng là thế tất nhiên.
Chùa Khai Nghiêm ở xã Thứ Nhị, giáo Như Ngột, miền trên lộ Bắc Hà là ngôi chùa do công chúa Nguyệt Sinh8 triều Lý xây dựng. Xung quanh núi Tiên Sơn chầu phía Nam, sông Điềm9 bao phía Bắc; cảnh đẹp cả một vùng thực đã quy tụ nơi đây. Nhưng tiếc thay, quy mô xây dựng trước đã đổ nát chẳng còn được bao nhiêu. Lúc đó Chu Tuế làm chức Nội nhân hỏa đầu10 dẫn dắt dân làng góp công xây dựng lại. Khởi công từ năm Quý Dậu, niên hiệu Khai Hựu11 thứ 7 thì xong. Trong chùa điện Phật, phòng tăng đều theo kiểu cũ. Ngày làm lễ khánh thành, già trẻ trong cả một vùng đều chắp tay ngợi khen, tưởng như công chúa Nguyệt Sinh sống lại.
Mùa đông năm Mậu Dần12, Chu Tuế thân hành đến phủ Thiên Trường xin ta viết cho bài ký và nói: “Chùa này xưa vốn có chuông, nay mới thay bằng bia đá. Nếu không ghi lại sự tích, sợ sau này mai một mất dấu xưa13”. Ta nói: “Chùa hỏng lại xây đã ngoài ý muốn của ta thì việc dựng bia khắc chữ có can hệ gì đến văn tự của ta? Vả lại, ngày nay thánh triều muốn mở mang giáo hóa để sửa đổi phong tục đồi bại. Dị đoan14 đáng phải truất bỏ, chính đạo phải được phục hưng. Đã là kẻ sĩ đại phu, nếu không phải đạo Nghiêu Thuấn thì không bày tỏ trước vua; nếu không phải đạo Khổng Mạnh thì không trước thuật. Thế mà ta lại dương dương tự đắc, bàn bạc dài dòng về đạo Phật, ta sẽ lừa dối ai?”. Tuy nhiên, Chu Tuế đã từng làm trong Nội mật viện, thông thạo việc ty tào, đến lúc tuổi già khinh đường sĩ hoạn, ham việc bố thí, cố từ bổng lộc, tự xin về ẩn dật để được an nhàn, thì đó là việc ta muốn học mà chưa được. Cho nên, đó cũng là việc đáng ghi chép vậy.
Ngày 15 tháng Hai năm Kỷ Mão, niên hiệu Khai Hựu thứ 11 (25/03/1339).
Chính nghị đại phu, Hàn lâm học sĩ, Tri chế cáo kiêm Thiêm tri nội mật viện sự Chưởng bảo tứ Kim ngư đại Nha Thủy Trương Hán Siêu tự Thăng Phủ viết.
Tấm bia đá thời Trần tại chùa Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh
3. Quan điểm của Trương Hán Siêu về Phật giáo
Tác giả Doãn Chính trong Tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIV, đã có nhận định rằng, từ thời vua Trần Minh Tông trở đi, giới cầm quyền nhà Trần đã thể hiện hai
khuynh hướng tư tưởng. Một là khuynh hướng trung thành với tư tưởng Thiền học Trúc Lâm của giới quý tộc nhà Trần và hai là khuynh hướng trung thành với Nho học của đa số nho sĩ. Khuynh hướng trung thành với Nho học ngày càng được đông đảo Nho sĩ ủng hộ, từng bước đẩy lùi thế lực của tầng lớp tăng lữ, quý tộc trên lĩnh vực chính trị. Lực lượng sáng tác văn chương cũng chuyển dần sang tầng lớp Nho sĩ15. Trương Hán Siêu cũng là một trong số đông các Nho sĩ theo khuynh hướng thứ hai. Những gì ông đã học, những việc ông làm đều chứng tỏ ông đang thể hiện mình là một Nho sĩ đích thực theo quan niệm đương thời. Tuy nhiên, ngay từ những dòng đầu của văn bia này chúng ta đã được thấy Trương Hán Siêu là một người am tường đạo Phật: “Tượng giáo đặt ra là để đạo Phật dùng làm phương tiện tế độ chúng sinh; chính vì muốn khiến cho những kẻ ngu mà không giác ngộ, mê mà không tỉnh lấy đó làm nơi trở về với thiện nghiệp.” Ông hiểu rõ “tượng giáo” của Phật giáo là phương tiện chuyển hóa con người, là phương tiện để con người hướng về việc thiện. Luận điểm này không mang tính phê phán, mà mang tính khẳng định khía cạnh tích cực của giáo lý Phật giáo. Vậy thì ý phê phán như Doãn Chính nói nằm ở đâu?
khuynh hướng tư tưởng. Một là khuynh hướng trung thành với tư tưởng Thiền học Trúc Lâm của giới quý tộc nhà Trần và hai là khuynh hướng trung thành với Nho học của đa số nho sĩ. Khuynh hướng trung thành với Nho học ngày càng được đông đảo Nho sĩ ủng hộ, từng bước đẩy lùi thế lực của tầng lớp tăng lữ, quý tộc trên lĩnh vực chính trị. Lực lượng sáng tác văn chương cũng chuyển dần sang tầng lớp Nho sĩ15. Trương Hán Siêu cũng là một trong số đông các Nho sĩ theo khuynh hướng thứ hai. Những gì ông đã học, những việc ông làm đều chứng tỏ ông đang thể hiện mình là một Nho sĩ đích thực theo quan niệm đương thời. Tuy nhiên, ngay từ những dòng đầu của văn bia này chúng ta đã được thấy Trương Hán Siêu là một người am tường đạo Phật: “Tượng giáo đặt ra là để đạo Phật dùng làm phương tiện tế độ chúng sinh; chính vì muốn khiến cho những kẻ ngu mà không giác ngộ, mê mà không tỉnh lấy đó làm nơi trở về với thiện nghiệp.” Ông hiểu rõ “tượng giáo” của Phật giáo là phương tiện chuyển hóa con người, là phương tiện để con người hướng về việc thiện. Luận điểm này không mang tính phê phán, mà mang tính khẳng định khía cạnh tích cực của giáo lý Phật giáo. Vậy thì ý phê phán như Doãn Chính nói nằm ở đâu?
Trương Hán Siêu không phê phán tất cả các tăng sĩ Phật giáo lúc bấy giờ, mà ông chỉ nhằm vào “những kẻ giảo hoạt trong giới sư sãi lại bỏ mất cái bản ý “khổ, không”của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của mình rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của mình lộng lẫy như voi rồng”. Đó là những sư sãi xa rời giáo lý Phật giáo, không giữ thanh quy, lợi dụng sự ủng hộ của những kẻ có quyền, có tiền, của những người dân ít hiểu biết để tạo thành một lực lượng xã hội lười nhác, tiêu phí đất đai và tiền của của xã hội. Trương Hán Siêu không phê phán những tu sĩ Phật giáo chân chính, gìn giữ thanh quy, thực hành giáo hóa dân chúng. Ông thương cho những người dân không được hưởng sự giáo dục tốt, cho nên mê lầm theo những sư sãi giảo hoạt kia.
Ông than rằng “Những nơi u nhã thanh kỳ trong nước, chùa chiền đã chiếm mất một nửa” thì việc “Chùa hỏng lại xây” đương nhiên nằm ngoài ý muốn của ông, chưa nói tới việc đồng ý soạn văn bia cho chùa. Hơn nữa, ông khẳng định mình là một Nho sĩ chân chính của “thánh triều muốn mở mang giáo hóa để sửa đổi phong tục đồi bại”. Theo tinh thần đó, ông phải truất bỏ “dị đoan”, phải phục hưng “chính đạo”. Đã là kẻ sĩ đại phu, nếu không phải đạo Nghiêu Thuấn thì không bày tỏ trước vua; nếu không phải đạo Khổng Mạnh thì không trước thuật? Vậy vì sao ông lại nhận lời soạn văn bia này, ghi lại tường minh về ngôi chùa này, về người đã hưng công xây dựng lúc ban đầu và người hưng công xây dựng lại đương thời? Lý do vì sao ông đi ngược lại với tinh thần Nho sĩ chân chính trên, để vẫn trình bày những thứ không phải đạo Nghiêu - Thuấn, trước thuật những thứ không phải đạo Khổng - Mạnh trong văn bia này? Lý do gì mạnh mẽ tới vậy? Đó là “Chu Tuế đã từng làm trong Nội mật viện, thông thạo việc ty tào, đến lúc tuổi già khinh đường sĩ hoạn, ham việc bố thí, cố từ bổng lộc, tự xin về ẩn dật để được an nhàn, thì đó là việc ta muốn học mà chưa được”. Đương thời, một Nho sĩ chân chính luôn lấy đường học làm quan (sĩ hoạn) để tiến thân, để hưởng bổng lộc. Chu Tuế cũng có thể đã là một Nho sĩ chân chính, nên Trương Hán Siêu mới nể trọng như vậy. Nhưng điều đặc biệt hơn nữa, Chu Tuế không vì cái danh sĩ hoạn, cái bổng lộc của cá nhân, mà ông buông bỏ hết những thứ đó để thực hành bố thí làm lợi lạc cho nhiều người. Nhờ đó được thanh nhàn, không vướng bận, không lo âu. Trương Hán Siêu phục Chu Tuế ở điều đó. Điều đó cũng có nghĩa là tâm “buông xả” và hạnh “bố thí” trong Phật giáo đã có thể lấn át được ý chí kiên cường của một Nho sĩ chân chính. Trương Hán Siêu cảm phục Chu Tuế ở điều đó. Và chính vì vậy, Trương Hán Siêu đã bước qua quy tắc của mình để soạn văn bia này truyền lại cho tới ngày nay.
Như vậy, bài văn bia này đã nói lên ba điểm đáng chú ý về quan điểm của Trương Hán Siêu về Phật giáo. Thứ nhất, căn cứ vào văn bia này chúng ta phải khẳng định rằng Trương Hán Siêu rất am hiểu Phật giáo và không hề bài xích Phật giáo nói chung. Thứ hai, Trương Hán Siêu phê phán tệ lậu của Phật giáo đương thời tại Đại Việt. Thứ ba, Trương Hán Siêu khẳng định mình là một nhà Nho nhưng ngưỡng mộ người có thực hành Phật giáo chân chính – đó là Chu Tuế.
1. Bùi Hương Dung, Bộ môn Ngoại ngữ, trường Đại học Y Dược Thái Bình
2. Phạm Thị Chuyền, Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
3. Bài bi ký/văn bia này được in trong Hoàng Việt Văn tuyển, nhưng tấm bia hiện nay vẫn được đặt tại chùa ở xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Bia đã được khắc lại ở đời Nguyễn Tây Sơn, Quang Toản. Năm 1969, ông Nguyễn Huệ Chi đã đến khảo sát tấm bia tại chỗ. Văn bản trình bày trên đây được đối chiếu với chính bản trong lần khảo sát đó.
4. Tượng giáo: Thuật ngữ đạo Phật, chỉ phương pháp truyền dạy bằng hình tượng. Phật giáo muốn cho chúng sinh dễ hiểu đã dùng những hình tượng để thuyết giáo như thế giới Tây Thiên thì có nhà ngọc, thềm pha lê, trời ấm áp …; địa ngục thì có quỷ sứ xẻ cưa, nấu vạc dầu.
5. Khổ không: Tinh thần cơ bản của Phật giáo là làm cho người ta hiểu tất cả đều là không (không có ta, không có mọi vật), tất cả là khổ (giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ, vui buồn sung sướng đều khổ).
6. Áo thâm, áo vàng: Áo của các nhà sư thường có màu nâu, màu vàng.
7. Chu, Thiệu: Chu là Chu Công tên là Đán và Thiệu là Thiệu Công tên là Thích, là con của Văn Vương. Hai người đều là hiền thần của nhà Chu, rất có công xây dựng và bảo vệ nền văn hóa chính trị của nhà Chu thời đó.
8. Công chúa Nguyệt Sinh: Chưa rõ con vua nào triều Lý.
9. Sông Điềm: một khúc của sông Cầu ngày nay.
10. Nội nhân hỏa đầu: Một chức quan hầu cận vua. Có người cho hỏa đầu trông coi việc ăn uống của vua, như theo Đại Việt sử ký toàn thư. Thời Lý Thần Tông, có những Nội nhân hỏa đầu làm Thái phó, tước Đại liêu ban. Như vậy Nội nhân hỏa đầu cũng là chức quan to.
11. Khai Hựu: Niên hiệu vua Trần Hiến Tông (1329-1341). Chùa bắt đầu xây dựng lại từ 1333 đến 1335 thì xong.
12. Năm Mậu Dần: Năm 1338.
13. Câu này ý nói: Chùa Khai Nghiêm trước có bài ký khắc trên chuông nay định thay bằng thạch bi (bia đá).
14. Dị đoan: Nho giáo dùng từ này để chỉ những tư tưởng đối lập với đạo Nho như Phật, Lão.
15. Doãn Chính (2011), Tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.15-19.
http://chuaxaloi.vn/thong-tin/truong-han-sieu-voi-phat-giao-qua-bi-ky-chua-khai-nghiem-bac-ninh/1285.html?fbclid=IwAR2WY55vPUjXIXPMCIIuZHcTv9bIDzKmEJOJRGKrQpv5YYW7Lhfexkk4OSk
..
Quan điểm của Trương Hán Siêu Quá Hay! “những kẻ giảo hoạt trong giới sư sãi lại bỏ mất cái bản ý “khổ, không”của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của mình rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của mình lộng lẫy như voi rồng”.
Trả lờiXóa