Đợt mới này, có 17 di sản trên toàn quốc được công nhận - tức là được Bộ Văn hóa (nói tắt) đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia. Một trong số đó là Nghề rèn của người Nùng An ở xã Phúc Sen huyện Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng.
Đến hiện tại, tỉnh Cao Bằng có hai di sản quốc gia trọng yếu, là chuông Đà Quận (chùa Viên Minh) và nghè rèn Nùng An (xã Phúc Sen), thì với tôi, đều là gắn bó thiết thân.
Tin từ các nơi.
---
14/02/2019 | 16:18
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XXVI.
Theo đó, 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này gồm:
1. Lượn Cọi của người Tày (Huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn);
2. Nghề rèn của người Nùng An (Xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng);
3. Hò Cần Thơ (Huyện Thới Lai, quận Ô Môn, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ);
4. Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của người Cống (Xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên);
5. Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của người Hà Nhì (Xã Sín Thầu, xã Chung Chải, xã Sen Thượng, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên);
6. Lễ hội Chùa Bà Đanh (Xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).
7. Hát Dậm Quyển Sơn (Xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).
8. Lễ hội Làng Triều Khúc (Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội);
9. Nghề cốm Mễ Trì (Phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội);
10. Nghi lễ Mo Tham Thát của người Tày (Xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai);
11. Nghi lễ Then của người Giáy (Huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai);
12. Lễ Cấp sắc của người Dao Quần Chẹt (Xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ);
13. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê (Xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi);
14. Nghệ thuật Rô-băm của người Khmer (Xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng);
15. Lễ hội Nghinh Ông (Thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng);
16. Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ (Huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên, huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang);
17. Xường giao duyên của người Mường (Xã Cao Ngọc, xã Thạch Lập, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa).
Các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận thuộc 5 loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, Nghề thủ công truyền thống, Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian.
Quyết định nêu rõ, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa./.
https://bvhttdl.gov.vn/cong-bo-danh-muc-17-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-20190214155649566.htm
..
BỔ SUNG
1. Thông tin chính thức của Cục Di sản
"
"
http://dch.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=1699&c=41
BỔ SUNG
1. Thông tin chính thức của Cục Di sản
"
Nghề rèn của người Nùng An
Người Nùng An ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng có nghề rèn lâu đời, hiện vẫn lưu truyền 2 truyền thuyết về nguồn gốc của nghề rèn: thứ nhất, nghề rèn được người Nùng An mang theo khi di dân từ Trung Quốc sang; thứ 2, nghề rèn được kế thừa từ lò rèn đúc vũ khí vào thời nhà Mạc (thế kỷ XVI).
Người Nùng An thường lập bát hương thờ tại nhà và tại lò rèn, thắp hương vào các ngày rằm, mùng một hàng tháng. Lễ cúng Tổ thường được tổ chức vào tết Nguyên Đán, tết rằm tháng Bảy để mời tổ tiên và tổ nghề về ăn tết cùng gia đình, phù hộ cho năm mới sẽ luôn đỏ lửa và vang tiếng búa đe. Dịp tết Nguyên đán, người dân cắm một cành lá bưởi lên lò rèn và một cành trước cửa nhà để tẩy uế. Đầu năm mới, người dân chọn ngày khai trương đốt lửa lò rèn lấy ngày. Với những gia đình, cá nhân chuyển đi nơi khác làm ăn thì phải mời thầy tào làm lễ tạ Tổ xin thôi không làm nghề nữa với sự chứng kiến của gia đình, dòng họ và già bản, nói rõ lý do thôi nghề, hứa không bao giờ quên và phản bội lại nghề rèn của quê hương bản quán.
Để làm nghề, trước tiên cần đắp lò bằng đất sét cao ngang hông, gắn bễ thổi có pít tông được thiết kế theo phương nằm ngang, tiện lợi khi sử dụng, sức gió lớn và không tốn nhiều sức. Giàn đe được đặt bên cạnh với 2 loại đe tròn và đe nhọn có trọng lượng từ 150 - 200kg. Trong quá trình rèn, người thợ sử dụng các dụng cụ như: búa tạ, búa tay, các loại kìm, các loại đục để chặt sắt, cưa sắt, bào sắt, các loại dũa sắt, các loại đá mài... và bể nước để tôi sản phẩm.
Quy trình rèn thủ công phải qua nhiều công đoạn nặng nhọc, cần có sự hỗ trợ lẫn nhau nên một lò rèn có 2 - 3 thợ gồm thợ cả và các thợ phụ. Thợ cả là người có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm, chỉ đạo mọi khâu trong quá trình rèn sản phẩm, kiểm tra độ nóng của lò, độ nung của sản phẩm, tạo dáng sản phẩm, đảm nhiệm việc tôi sản phẩm. Các thợ phụ làm việc theo hướng dẫn của thợ cả, trực tiếp quai búa đập dãn sắt cho mềm dẻo khi đã được nung đỏ, giúp thợ cả kéo bễ lò, mài, dũa sản phẩm.
Nguyên liệu sắt được phân loại cho phù hợp với từng sản phẩm sẽ chế tác, cưa, đục chia sắt theo trọng lượng cần rèn. Nhiên liệu trước đây dùng than củi, nay thay bằng than đá. Lò được nhóm, thổi cho than hồng đủ nhiệt lượng, thợ cả cho thanh sắt cần nung vào lò, để chảy mềm vừa độ rồi dùng kìm gắp ra đặt lên đe và thợ phụ dùng búa đập cho miếng sắt dẻo đều với kỹ thuật quai búa đặc biệt giúp tiết kiệm sức nhưng vẫn đảm bảo đủ lực. Có thể có 4 tay thợ (3 búa tạ, 1 búa con) cùng quai búa cho một sản phẩm trên đe. Sau đó, tiếp tục cho sắt vào nung đỏ để thợ cả tạo dáng sản phẩm. Sắt đang nóng, mềm, thợ cả dùng búa tay đập tạo dáng theo công năng sử dụng, sau đó trau chuốt hình thức sản phẩm. Việc tạo dáng phụ thuộc vào kinh nghiệm và tay nghề của thợ cả, từ việc canh nhiệt độ trong lò, giữ nhiệt luôn ổn định để có sản phẩm chất lượng. Sau khi đã hoàn thành công đoạn tạo dáng sản phẩm, người thợ sẽ thực hiện khâu dồn sắt cho sản phẩm có độ cứng như mong muốn. Đây là một bí quyết của nghề rèn Phúc Sen, thợ rèn ở các vùng khác không làm công đoạn này. Công đoạn làm nguội, sản phẩm khi được rèn tạo dáng xong sẽ được bào nhẵn để làm nhẵn các vết lồi lõm do búa đập khi rèn nóng, rồi được đem dũa làm sạch các bụi sắt, phôi rèn còn dính trên sản phẩm. Sau khi dũa, sản phẩm sẽ được mài bóng trên đá mài, rồi mang tôi. Tôi sản phẩm là khâu khó nhất trong nghề rèn, quyết định chất lượng của sản phẩm, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, kỹ năng thuần thục. Đây cũng là bí quyết gia truyền của từng lò rèn, làm nên sự khác biệt về chất lượng sản phẩm nghề rèn Phúc Sen. Nước tôi là nước lã nhưng người thợ có kinh nghiệm và bí quyết riêng sẽ chọn thời điểm, độ nóng của sản phẩm để tôi. Sản phẩm được tôi nhiều lần, với từng bộ phận. Sau khi tôi xong, người thợ mài lại một lần nữa để sản phẩm thật bóng và sạch sẽ. Công đoạn cuối là đánh bóng lấy màu cho sản phẩm. Sản phẩm được hơ trên lửa cho thật khô, đến khi có màu xanh bóng là đạt yêu cầu. Để bảo quản sản phẩm, người thợ dùng vỏ bắp ngô quấn quanh rồi quấn thêm một lớp vải cũ khô sạch bên ngoài để chống rỉ.
Sản phẩm của nghề rèn Phúc Sen phong phú về chủng loại và kiểu dáng, từ các loại đinh, khuy cho đến dao, búa, cày, cuốc, súng kíp..., trong đó chủ yếu là các công cụ phục vụ cho lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Có khoảng 30 loại sản phẩm như: các loại dao, búa, rìu, liềm, cuốc, lưỡi cày, bừa, cưa, đục, bào, kéo… phục vụ nhu cầu trong huyện, tỉnh và các tỉnh lân cận như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số tỉnh có đồng bào Cao Bằng đi làm kinh tế mới như Lâm Đồng, Gia Lai, Kom Tum, Đắc Lắc, Bình Dương, Bình Phước. Đặc biệt, một số đồng bào vùng ven biên giới Trung Quốc cũng rất ưa chuộng sản phẩm rèn của Phúc Sen. Sản phẩm được tiêu thụ và đặt hàng nhiều nhất đó là các loại dao, búa, lưỡi cuốc, cào cỏ.
Nghề rèn được trao truyền theo phương thức cha truyền con nối, thường truyền nghề cho con trai với những bí quyết riêng của từng gia đình.
Nghề rèn tồn tại và phát triển cùng với sự có mặt của người Nùng trên vùng đất Cao Bằng nói chung, của xã Phúc Sen nói riêng nên có thể đoán định được thời gian người Nùng An đến định cư ở vùng này và ngược lại. Nghề rèn ở Phúc Sen góp phần làm giàu bản sắc văn hóa truyền thống của người Nùng An với tục thờ Tổ nghề, các giá trị văn hóa liên quan đến bản nghề, thơ ca dân gian, truyện cổ tích. Nghề rèn ở Phúc Sen góp phần vào sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết tương thân, tương trợ, truyền thống yêu lao động, đạo đức nghề nghiệp... Nghề rèn còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế, là nguồn thu nhập chính của người Nùng An xã Phúc Sen. Các sản phẩm đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân trong huyện, trong tỉnh và các vùng lân cận.
Với giá trị tiêu biểu, Nghề rèn của người Nùng An được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019.
http://dch.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=1699&c=41
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.