Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

23/12/2018

Nhìn lên Lóng Luông (Vân Hồ) : người Mông muốn nhập vào Tết Nguyên Đán

Hồi trước, lúc du lãng ở vùng Lóng Luông, chúng tôi đã tham dự một cái Tết theo phong tục người Mông. Mà mở đầu, là ngẫu nhiên gặp vị Chủ tịch Quốc hội lúc đó đi thăm bà con. Tức là thăm bà con ăn Tết cổ truyền của họ. Đã đi ở đây (viết tháng 1 năm 2012).

Bao giờ đặt bút viết về những cái Tết như vậy, mình sẽ chỉ ra sự diễn của bà con. Đang nhớ đến những cảnh, đại loại: đoàn công tác của bác Chủ tịch Quốc hội vừa rời đi, thì bà con liền nháo nhào cởi áo dân tộc, bỏ quần dân tộc đang mặc cho vào bao tải. Mấy em gái cũng không ngần ngại tụt luôn lớp áo váy dân tộc ở bên ngoài cho vào bao tải, khi mà mình đang đứng trước mặt.

Mấy hôm sau, lại du lãng đến tận bản của các em gái ấy. Mẹ chúng bảo: quần áo ấy là bọn chị đi thuê cho chúng mặc đó. Mình lại du lãng đến chỗ người ta cho thuê quần áo. Rồi đi tiếp, đến chỗ nhà đầu tư chính. Nhiều thú thú vị còn treo đây, chưa có dịp đặt bút.

Cũng lại đang nhớ đến những gói quà của Chủ tịch Quốc hội tặng bà con hôm đó.



Xem bản đầy đủ ở đây



Đại khái thế.

Gần đây, mình cũng chú ý trở lại thuật ngữ Tự quyết dân tộc (hay Dân tộc tự quyết). Mà trong liên đới với cụ Lã Văn Lô. Tức là vấn đề tự quyết ở khu vực Khu tự trị Việt Bắc hồi ấy, có tướng Chu Văn Tấn và nhà văn Nông Quốc Chấn. Khi nào bài đó in ấn chính thức sẽ đưa lên đây.

Nói thế là vì bây giờ xuất hiện cái công văn liên quan đến Lóng Luông như sau:



Dưới là ý kiến của các nhà về công văn. Ý của mình thì nói rồi: dân tộc tự quyết.

---

Ý KIẾN CÁC NHÀ



2.


Tết cổ truyền là di sản phi vật thể


Trinh Nguyễn

Một văn bản của xã Pà Cò (H.Mai Châu, Hòa Bình) thông báo việc chuyển ăn tết cổ truyền của người Mông sang ăn Tết Nguyên đán của cả nước. Việc này không được sự đồng thuận của không chỉ các nhà nghiên cứu mà của cả cơ quan quản lý văn hóa cấp trên.
“Nhập” tết
Nhiều nhà nghiên cứu và quản lý rất ngạc nhiên trước văn bản có thông tin người Mông ở 4 xã tại Sơn La và Hòa Bình sẽ chuyển sang ăn Tết Nguyên đán của cả nước từ Tết Kỷ Hợi 2019. Đó là Văn bản số 30 của UBND xã Pà Cò (H.Mai Châu, Hòa Bình) thông báo kết quả hội nghị tiếp giáp 4 xã được tổ chức tại Sơn La. Các xã gồm: Lóng Luông, Vân Hồ của H.Vân Hồ (Sơn La) và các xã Pà Cò, Hang Kia của H.Mai Châu (Hòa Bình).
Theo văn bản, UBND xã Pà Cò thông báo cho các cơ quan, ban, ngành tỉnh Hòa Bình, H.Mai Châu biết về các nội dung được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong bản quy ước của 4 xã Lóng Luông, Vân Hồ, Pà Cò, Hang Kia. Văn bản cho biết, tại điều 5 về tổ chức tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông được thống nhất. “Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông 4 xã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán của cả nước (không tổ chức ăn tết trước Tết Nguyên đán 1 tháng như trước đây). Kể từ Tết Nguyên đán, Kỷ Hợi năm 2019 trở đi”, văn bản nêu.
Văn bản có đoạn cuối: “UBND xã Pà Cò trân trọng thông báo cho các phòng, ban của tỉnh, huyện và các ban, ngành, đoàn thể xã, xóm biết để tổ chức quán triệt, triển khai rộng rãi đến toàn thể bà con nhân dân trong xã biết và cùng thực hiện”.
Bà Hà Thị Hòa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Mai Châu (Hòa Bình), cũng xác nhận với PV Thanh Niên, thông báo đó là có thực. Bên cạnh đó, một nguồn tin khác từ ngành văn hóa tỉnh Sơn La cũng cho biết văn bản về việc “nhập” tết người Mông vào Tết Nguyên đán là có thật.
Ông Sùng A Màng, Chủ tịch xã Pà Cò (H.Mai Châu, Hòa Bình), cho biết việc thay đổi này là do bà con thống nhất. “Chúng tôi họp từng thôn một, lấy ý kiến của nhân dân, trưng cầu ý kiến của nhân dân. Dân họ đồng tình rất cao. Chúng tôi là 95% đồng tình rồi. Chỉ có những người không có con em đi học, ở nhà không biết chữ thì người ta mới bảo là tổ chức tết thôi”, ông nói.
Lý do để phải thay đổi tết, thứ nhất, theo ông Màng, phải chuyển như thế để cho các cháu tập trung học hành. Thứ hai, việc nghỉ tết như cổ truyền ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. “Họ mà ăn tết đó 1 tháng thì họ ở nhà, họ không đi đâu. Thì như thế nó xảy ra một số tệ nạn xã hội. Cái này nó hệ lụy rất nhiều thứ. Cái này chúng tôi phân tích rất kỹ rồi”, ông Màng cho biết.

Quyền văn hóa

TS Mai Thanh Sơn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho rằng đây là văn bản vi phạm các công ước quốc tế về quyền văn hóa, đa dạng văn hóa và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO mà VN đã phê chuẩn. Nó cũng vi phạm nghiêm trọng luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội thông qua năm 2001, và sửa đổi năm 2009. “Tết cổ truyền của người H'mông rõ ràng là đối tượng phải được bảo vệ.
Ngành văn hóa sẽ có tiếng nói với chính quyền
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho biết hiện đã yêu cầu các sở xuống làm việc trực tiếp với xã, người dân. “Các sở sẽ xác định rõ vì sao lại có văn bản đó, việc ra văn bản đã có làm việc với dân chưa hay chỉ là quy ước của lãnh đạo. Trong trường hợp người dân chưa đồng thuận thì ngành văn hóa sẽ có tiếng nói với chính quyền, làm sao để vẫn giữ được tiếng nói của ngày tết các dân tộc”, bà Hương nói.
Hy vọng, sang tuần tới, các cấp chính quyền cao hơn sẽ có động thái nhắc nhở”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, cho rằng: “Nếu họ muốn thì cứ để họ ăn tết như truyền thống. Tất cả đồng ý mà có một gia đình không thích thế, vẫn muốn ăn tết Mông thì cũng kệ người ta. Đó là quyền văn hóa của người ta. Không nên vi phạm quyền văn hóa”. Ông Sơn nhận định, việc ăn tết này hoàn toàn không phải chuyện hành chính công sở hay phạm luật gì cả. Vì thế theo ông, không nên can thiệp như vậy.
Một nguồn tin từ ngành văn hóa tỉnh Sơn La lại cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là không nhất trí vì dù sao cũng phải giữ truyền thống của mình. Vừa ăn tết Mông vừa ăn tết Kinh thì càng tốt. Nhưng phải giữ tết của người Mông. Nếu bỏ thì rồi chỗ khác cũng bỏ, thế là nó mất tất. Tôi cũng có thông tin là người dân cũng không ủng hộ nhiều”.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho rằng việc này hoàn toàn không ổn. “Tết cổ truyền của mỗi dân tộc là một di sản văn hóa phi vật thể, nó là một truyền thống rất riêng của mỗi một dân tộc. Những cái tết đó nên giữ. Chưa kể nó còn liên quan đến tết các dân tộc khác như người Khmer, Thái, Chăm... Nếu cứ bỏ dần thì bản sắc văn hóa, văn hóa sẽ mất dần”, ông nói. Ông cũng cho rằng nếu nghĩ thay đổi ngày tổ chức sẽ giúp người dân chăm chỉ hơn, giảm tệ nạn hơn thì không phải. Điều quan trọng là phải thay đổi cách nghĩ, cách tổ chức tết cho người dân.
“Ví dụ, trước đây người Kinh cũng ăn tết rất nhiều. Tháng giêng là tháng ăn chơi mà. Họ ăn tết sớm rồi kéo dài tận rằm tháng giêng. Sau đó, họ thu gọn lại và giờ hầu như chỉ còn ba ngày tết thôi. Đối với người Mông cũng thế, không nên ăn tết cả tháng mà nên tập trung gọn gàng rồi mọi thứ đều trở nên bình thường. Như thế thì tốt hơn là bỏ tết dân tộc”, ông Huy nói.
https://thanhnien.vn/van-hoa/tet-co-truyen-la-di-san-phi-vat-the-1036684.html?fbclid=IwAR2xS-CsXfV6b2mUwnEgIK3-a-SgYv9uJ7jWbaT0VxBUat81uR1rhrQTbLk




1. Bác Mai Thanh Sơn

"
NHỮNG DẤU HỎI LƠ LỬNG
Sáng Chủ nhật, vừa ghé mắt vào "làng Phây", đã thấy hiện lên mấy câu hỏi lơ lửng. Gọi là lơ lửng, nhưng đều có địa chỉ cả. Và ai đó phải trả lời chứ nhỉ?
Thứ nhất, những câu hỏi về mấy quả ngư lôi trôi dạt vào bờ biển Quảng Bình, Phú Yên. Cho đến nay, phía "bạn vàng 4 tốt" đã thừa nhận đó là sản phẩm của họ; nhưng phía mình vẫn im ắng, bình chân như vại. Không như mọi lần, đến nay vẫn chưa thấy chị gái xinh lên đài chém gió. Bên Quân đội cũng không thấy có động thái gì. Nhẽ các anh còn đang bận cho các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập. Hy vọng sang tuần, sẽ có câu trả lời cho bà con từ phía các cơ quan hữu trách.
Thứ hai, bạn Châu Hoài An thông tin: UBND xã Pà Cò có công văn thông báo kết quả cuộc họp liên tịch 4 xã, ra Nghị quyết buộc bà con dân tộc H'mông ở đây sẽ không ăn Tết cổ truyền của dân tộc mình, mà nhập vào ăn Tết Nguyên đán với người Kinh (có hình kèm theo). Nhà thơ Văn Công Hùng cũng có đưa tin này lên trang của mình. Nếu công văn đó là thực, đây rõ ràng là một nghị quyết vi phạm nghiêm trọng các Công ước Quốc tế về Quyền Văn hóa, về Đa dạng Văn hóa, và về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Đồng thời, nghị quyết này cũng vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa đã được Quốc hội thông qua năm 2001, và sửa đổi năm 2009. Theo Khoản 1 Điều 4 của Bộ Luật sửa đổi, bổ sung: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.” Như vậy, Tết cổ truyền của người H'mông rõ ràng là đối tượng phải được bảo vệ. Hy vọng, sang tuần tới, các cấp chính quyền cao hơn, sẽ có động thái nhắc nhở.
Thứ ba, chuyện lùm xùm của bạn Nguyễn Xuân Diện. Tôi có đọc bản nhận xét của TS Trần Trọng Dương. Đó là một bản nhận xét khách quan, trung thực, đảm bảo tính chính xác khoa học, được viết bằng những ngôn từ trực diện/thẳng thắn nhưng chừng mực/chuẩn chỉ. Cả Xuân Diện và Trọng Dương đều là bạn tôi trên Fb. Tôi luôn kính trọng Trọng Dương bởi thái độ khoa học nghiêm túc/cẩn trọng, chứng lý sắc bén/tư liệu khả tín, văn phong/bút pháp hàn lâm. Bản thân Xuân Diện cũng thừa nhận: báo cáo đề tài cấp cơ sở của mình đã vi phạm quy tắc liêm chính học thuật. Cho dù trong báo cáo đó có những đóng góp hay đến đâu đi chăng nữa, sự vi phạm này đương nhiên không Hội đồng nào cho qua. Và tệ hơn, sẽ khiến cho cộng đồng vốn dĩ yêu quý anh phải thất vọng.
Tôi chỉ có mấy thắc mắc mà suy nghĩ mãi vẫn không thể lý giải được: (i) vì sao một người sừng sỏ như Xuân Diện, vẫn có thể mắc phải lỗi này. Hơn nữa, không chỉ một lỗi, mà quá nhiều lần trong một báo cáo? và (ii) Trọng Dương ngồi cả 2 Hội đồng, cùng với tư cách phản biện 2, sao ngay trong Hội đồng lần thứ nhất không chỉ ra những lỗi này?
Có lẽ Trọng Dương cũng nên có câu trả lời đối với nhà giáo Bui Tran Phuong trong một comment trên trang của của anh Xuân Diện: biểu hiện của mối đe dọa đến anh như thế nào? Cá nhân tôi không tin là có mối nguy hiểm nào đó đối với Trọng Dương, bởi anh luôn nhận được ủng hộ rộng rãi của cộng đồng và các nhà khoa học chân chính.
Tôi cũng tin vào "lời sám hối muộn màng" của Xuân Diện. Âu đó cũng là bài học xương máu. Nếu tôi ở vào địa vị của anh, có lẽ tôi sẽ tạm đóng Fb và Blog một thời gian để cho lòng mình lắng lại. Hơn năm chục cái xuân xanh rồi, tôi thật sự sẽ không chịu nổi những lời động viên/an ủi kiểu người lớn xoa đầu trẻ con: "Mày khá lắm Sỏn ạ. Mày từng làm được nhiều việc tốt. Nay có lỗi, biết nhận lỗi thế là dũng cảm. Anh/Chị tha cho mày".

"
https://www.facebook.com/thanhson.mai.16/posts/2310935758925367
.

---

BỔ SUNG




1.

GIỚI THIỆU UBND XÃ PÀ CÒ

 Được đăng: 04 Tháng 9 2014
ĐẶC ĐIỂM
             Xã Pà Cò là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Mai Châu 38 km về phía Bắc. Tổng diện tích tự nhiên là 19.727,79 ha. Phía Đông giáp xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và xã Tân Sơn, huyện Mai Châu; phía Nam giáp xã Nà Mèo, xã Bao La; phía Tây giáp xã Cun Pheo, xã Hang Kia; phía Bắc giáp xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
             Địa chỉ trụ sở làm việc: Xóm Pà Cò Con, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
             Điện thoại: 0218.628.7877
             THÔNG TIN LÃNH ĐẠO
             1. Đồng chí:  Sùng A Màng
- Chức vụ: Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐND xã
- Số điện thoại:
- Nhiệm vụ được giao: Lãnh đạo Đảng ủy chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị tư tưởng và tổ chức, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng hoạt động Đảng.
2. Đồng chí: Hàng A Páo
- Chức vụ:  Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ
- Số điện thoại:
- Nhiệm vụ được giao: Phụ trách Khối Dân vận, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, công tác xây dựng Đảng, tài chính Đảng; phân công theo dõi vùng xóm Tòng, xóm Nhuối.
3. Đồng chí: Sùng A Màng
- Chức vụ: Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã
- Số điện thoại:
- Nhiệm vụ được giao: Phụ trách Khối Nội chính, Văn hóa xã hội, Công an, Quân sự, Tư pháp, Thi đua khen thưởng và làm Trưởng các Ban chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng được phân công khác.
4. Đồng chí: Sùng A Sía
- Chức vụ: Phó chủ tịch UBND xã
- Số điện thoại:
- Nhiệm vụ được giao: Phụ trách Khối kinh tế, trực tiếp lãnh đạo và theo dõi các lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tài nguyên môi trường, tài chính kế hoạch, tham gia làm Trưởng Ban một số Ban do Chủ tịch UBND phân công.
http://maichau.hoabinh.gov.vn/d-nh-hu-ng-phat-tri-n/14-sample-data-articles/275-gi-i-thi-u-ubnd-xa-pa-co?fbclid=IwAR0-sxOWOLU3-uOBs4xdXDsS-oiDNO_aeKFAI-urGK8QLmYF3wQMLdEj9so
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.