Cụ Tsuboi mình đã gặp khoảng 20 năm về trước, trong khuôn viên Đại học Tokyo. Nhưng do khác chuyên môn và khác sự quan tâm, nên hầu như mình chưa từng đọc sách của Tsuboi một cách chăm chú khi nào.
Sau này, có mấy người bạn và đàn em thì học trong zemi của thầy ở trường Waseda - một trường tư thục nổi tiếng ở Nhật Bản, mà ngày xưa, lúc nhà còn ở Odai thì bọn mình hay ghé chơi (nhà mình ở đầu này, chỉ ngồi Toden ít phút đến mút đầu kia là tới ngay sân trường Waseda). Thầy Tsuboi là một Giáo sư nổi tiếng của trường đó.
Dưới sự hướng dẫn của thầy Tsubuoi, một đàn anh nghiên cứu về chế độ ruộng đất, mà khảo kĩ thời "cách mạng ruộng đất" long trời lở đất, đến nay, sau khoảng 20 năm, vẫn còn chưa kết thúc. Học thuật ở Nhật Bản là vậy. Có khi đã là đại Giáo sư, thậm chí Giáo sư Hội trưởng lững lẫy và đã nghỉ hưu mới có thới gian quay về trường bảo vệ luận văn học vị (tiếng Việt bây giờ gọi là luận án tiến sĩ). Ví dụ trường hợp một bà giáo của chuyên ngành mình là cô Yamamoto vừa mới lấy xong học vị (đọc lại ở đây).
Đã kể nhanh về thầy Tsuboi đi tranh cử ở Bắc Hải Đạo (vùng phía bắc Nhật bản) bằng bài diễn thuyết về học thuyết Hồ Chí Minh, trên Giao Blog này. Bây giờ là đọc một bài phê bình một cuốn sách chính của thầy viết về Việt Nam.
Cuốn này mình chưa từng đọc kĩ lưỡng, nên cứ đưa bài phê bình tạm về đây đã. Sẽ bổ sung dần.
Chép nguyên về từ Fb.
---
Mình đã đọc xong quyển này và cảm nhận của mình là đọc lần đầu tiên, mình rất ấn tượng. Đọc lần thứ 2 khi tra lại sử Việt, mình thấy bị lừa gạt. Đọc lần thứ 3 từ đầu tới cuối, mình thấy không có gì cần phản luận, vì những thuyết thầy Tsuboi rất lõng lẻo và phần lớn, dạng đao to búa lớn, kiểu viết của các nhà nghiên cứu sử học tại Việt Nam mà mình đã đọc.
Mình không hiểu nhà văn Nguyên Ngọc đã đọc quyển sách này bao nhiêu lần để mà khen nó lên tới mây ? Thầy Nguyễn Đình Đầu không có trình độ về Hán Nôm, và xem ra khi dịch quyển này, mà lại viết trong Lời Người Dịch là có đọc lại từng sử kiện trong Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Liệt Truyện để kiểm tra thật là nực cười vì mình đọc tới đâu thấy đầy sự cắt xén sử kiện tới đó. Mình không hiểu thầy Nguyễn Đình Đầu đã đọc sử Đại Nam Thực Lục ra sao ? Còn vụ thầy viết là nhóm dịch giả có đọc bản Hán ngữ thì nếu thầy Nguyễn Đình Đầu không biết gì về Hán Nôm, mình nghĩ thầy cần xin lỗi độc giả người Việt. Bởi vì nếu thầy có đọc bản Hán ngữ, thầy đã có thể dễ dàng từ chối dịch thuật quyển sách này, vì nó đầy sự cắt xén và dịch bậy sử kiện trong ấy.
Riêng thầy Tsuboi, mình nghĩ thầy, lẫn trường Wasada, và trường đại học Paris nào đó, nên lên tiếng mà xin lỗi độc giả người Việt, cụ thể là mình (Brian Wu). Bởi vì trong công cuộc nghiên cứu sử Việt này, thầy Tsuboi đã vi phạm sự đạo đức và trách nhiệm tối thiểu của một nghiên cứu sinh sử học, đó là trích sử thì phải trích cho đúng, chứ không là cắt xén / chỉnh sửa sử kiện để làm cứ liệu ủng hộ cho thuyết của mình. Đó là sự tệ hại trong việc nghiên cứu học thuật, mà chắc một sinh viên người Nhật trong môi trường học thuật Nhật Bản không bao làm, huống hồ gì thầy còn đi học cả ở trường Tây bên Pháp.
Thầy Tsuboi trích dịch bằng cách cắt xén / chỉnh sửa sử kiện trong sử Việt để đưa đến các thuyết mà thầy nêu ra về sử thời Tự Đức như vậy là thầy giết sử Việt. Mình chưa cần bàn đến việc thầy có cắt xén / kiểm tra các nguồn sử liệu Pháp ngữ chưa, nhưng chỉ nội việc thầy cắt xén / chỉnh sửa sử Việt như vậy là việc làm đáng xấu hổ của một giáo sư danh tiếng của trường đại học danh tiếng Wasada. Mình nghĩ mình có quyền chê là thầy Trần Văn Giàu, thầy Georges Condominas nào đó, nhà văn Nguyên Ngọc, thầy Nguyễn Đình Đầu, các thầy đã khen một quyển sách mà tác giả đã cắt xén sử Việt không thương tiếc, như vậy nó cho thấy các thầy chưa bao giờ đọc sử gì cả, mà các thầy chỉ chạy theo bệnh thành tích, các thầy chỉ thích đọc những câu hoa mỹ nào đó như dạng văn chương, chứ không hẳn là các thầy đã thưởng thức một quyển sách sử theo đúng với truyền thống đọc sử và nghiên cứu về sử.
Đúng là người Việt mình, ai cũng gán dạng sách của các sử gia Hà Nội, những vị bồi bút chế độ mà đòi làm thầy thiên hạ. Nhưng không vì vậy mà người ta có quyền "đẻ" ra những thuyết sử Việt hấp dẫn bằng cách cắt xén / chỉnh sửa sử Việt tùy tiện. Đã 30 năm nay, đáng là ai đó nên lên tiếng phản đối thầy Tsuboi đã giết sử Việt, chứ làm thế nào mà vì họ gán sử của sử gia Hà Nội, mà lại tung hô cho thứ sử cắt xén chỉnh sửa vô trách nhiệm như quyển này của thầy Tsuboi nhỉ ?
Mình không biết thầy Tsuboi sẽ nghĩ gì khi thầy đọc những bài này (hay ai đó nói cho thầy nghe về những bài này). Mình cũng không biết trường Wasada họ nghĩ sao về một giáo sư sử học danh tiếng của trường họ lại tàn ác như vậy với sử Việt. Nhưng mình biết chắc một điều, ít nhất là trong 100 triệu người Việt, có được 1 người như mình đứng lên và viết bài phê phán sự vô trách nhiệm của thầy Tsuboi trong việc trân trọng sử Việt. Vâng, các bạn có thể ghét mình, các bạn có thể chê mình mất dạy vì mình nặng lời với bọn người bậc đại thụ mà đầu độc kiến thức sử học của người trẻ Việt, nhưng ít nhất mình dám tự mình viết những dòng status chữ Việt, để bảo vệ sử Việt.
Vậy với các bạn trẻ yêu mến sử Việt, mình khuyên các bạn nên tránh đọc quyển sách này. Quyển này có thể là một sách hấp dẫn từ 30 năm nay, và thầy cô của các bạn có thể tung hô nó, nhưng mình đã tự đọc, tự dò lại sử, và xin thưa với các bạn, quyển này nó cũng tệ như quyển Sử Việt 12 Khúc Tráng Ca của bạn Dũng Phan khi xưa. Nhưng trong khi DP là một người "tay ngang" viết sử nên viết sai đầy về sử, thì ngược lại, thầy Tsuboi biết rất rõ về sử nhưng thầy cố tình cắt xén / chỉnh sửa sử kiện hay trích dịch sai cả sử kiện. Đừng đến với sử vì những viên thuốc độc bọc đường này bạn ạ. Có khi ngay cả thầy cô của bạn cũng chưa bao giờ đọc về sử cả mặc dù họ giảng đầy về thứ sử mà người ta đã dạy họ. Hãy tự học đi bạn, hãy hỏi, hãy tranh đấu và bảo vệ sử Việt. Chúng ta là những người trẻ tự hào là con Rồng cháu Tiên của một nước Việt. Chúng ta có ăn có học, chứ không phải là bọn bình dân học vụ, bọn người đại thụ viết bậy mà đòi làm thầy chúng ta. Hãy nói không với các sách "truyền cảm hứng" dã sử. Và hãy nói không với những nhà nghiên cứu cắt xén / chỉnh sửa sử kiện. Cả 2 thái cực ấy chẳng có gì để giúp chúng ta nâng cao kiến thức sử học, mà chúng chỉ dạy cho chúng ta trở thành những thằng bù nhìn, và càng ngày càng trở nên ngu dốt về sử học.
Mình nghĩ thầy Tsuboi nên xấu hổ vì bài luận án tiến sĩ này của thầy. Nó đã được viết hơn 30 năm rồi và đã được in đến 4 lần tại Việt Nam. Có lẽ độc giả Việt Nam đang chờ thầy Tsuboi, trường Wasada, và trường đại học Paris nói lời xin lỗi cho người Việt. Vì nếu họ thật sự có tấm lòng với sử Việt, họ hãy nên xin lỗi vì sự vô trách nhiệm trong việc làm này, và hãy tự cùng nhau mà viết lại quyển này hoặc tự họp giải quyết gì đó cùng nhau. Đừng để người Việt đã phải sống với bọn bồi bút sử gia chế độ, mà lại còn phải sống với sự nghi kỵ rằng là các giáo sư nước ngoài cũng mất cả tinh thần trách nhiệm lẫn đạo đức nghề nghiệp trong công cuộc nghiên cứu sử học Việt Nam.
Regards,
Brian
https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/2118467528404198
---
BỔ SUNG
8.
Bài 8 - Về việc ngài Tôn Thất Thuyết có kêu gọi người dân Bắc Hà nổi dậy chống Pháp không ?
Đây là ở Chương VIII Tầng lớp Văn Thân lánh xa Tự Đức phần 1 Việc đàn áp cuộc nổi dậy của sĩ phu.
Phần này, thì trên mạng đã có một thầy tên là Trần Xuân An đã phản luận tại đây >> http://www.tranxuanan-writer.net/…/danh-mu…/tieu-luan-2/bai5.
Nhưng để mình viết thêm một hai điều luôn để bạn tự tham khảo.
Ở trang 350, thầy Tsuboi viết "Như chúng ta đã biết: hoàng thân Thuyết khi ấy là tổng đốc Sơn Tây, hồi 1874, được lệnh nhà vua, đem 2.000 quân về Thanh Hóa và Nghệ An để trấn áp các cuộc nổi dậy của sĩ phu, nhưng khi tới Ninh Bình, ngày 16-6-1874, ông gởi tới tất cả các quan, nho sĩ, thân hào, v.v. ... lời kêu gọi nhân dân Bắc Hà nổi dậy chống Pháp. Khi bày tỏ thái độ chống Pháp rõ ràng như vậy, ông gây được lòng kính nể quân nổi loạn, đến nỗi "người ta không còn biết ông ở bên phía nổi loạn hay phía vua quan".
Nếu bạn đọc kỹ lại bộ sử Đại Nam Thực Lục, thì bạn biết trước tiên hai điều - thứ nhất ngài Tôn Thất Thuyết chưa bao giờ là tổng đốc Sơn Tây mà là tuần phủ Sơn Tây; thứ hai và quan trọng hơn nhiều, ngài Tôn Thất Thuyết chưa bao giờ "được lệnh nhà vua, đem 2.000 quân về Thanh Hóa và Nghệ An để trấn áp các cuộc nổi dậy của sĩ phu" cả, mà đó là do ngài tự ý đem quân về để dẹp loạn, và chính vua Tự Đức đã khen ngài về điều này.
Đây theo Đại Nam Thực Lục Đệ Tứ Kỷ Quyển LI, Giáp Tuất, Tự Đức năm thứ 27 [1874], mùa hạ, tháng 6
****
Tuần phủ Sơn Tây sung Tham tán Tôn Thất Thuyết đem quân (2.000 người) và voi (2 con) chuyển đến Thanh Hóa, Nghệ An hội lại cùng đánh. Trước đây quan tỉnh Thanh Hóa (Hộ đốc Tôn Thất Tĩnh, Bố chính Hoàng Hữu Xứng, án sát Nguyễn Khuyến) cho là bọn giặc từ địa giới Nghệ An lan tràn đến gần, hạt ấy là nơi quê hương nhà vua, nên phải bị phòng bị nghiêm ngặt, tư báo quân thứ Bắc Kỳ cho vũ sinh tỉnh ấy về (nguyên trước trích phái đi theo làm việc bắt giặc ở quân thứ Thái Nguyên) và bàn ủy biền binh tiếp viện đánh dẹp. Thuyết được tờ tư của tỉnh Thanh, lại được tỉnh Nghệ báo là giặc chiếm giữ thành Hà Tĩnh, quan quân ở quân thứ Quảng Bình, hiện chưa tiến đánh, bèn cùng Thống đốc Hoàng Tá Viêm bàn định hiện tình ở quân thứ hơi thư (hạt Sơn Tây đã dẹp yên, giặc tràn sang Hưng Hóa, Tuyên Quang cũng đã rút trốn, quan quân chuyển về chỗ gần đóng giữ luyện tập), chính nên đi đến chỗ cần kíp, cho nên đem cả Đề đốc Nguyễn Văn Hùng, Lãnh binh Lê Văn Điếm, Phó lãnh binh Lê Văn Hổ đem quân và voi đạo ấy đi và vũ sinh tỉnh Thanh Hóa từ tỉnh Sơn Tây tiến đi rồi đem việc ấy tâu ngay lên. Vua khen là có lòng với nhà vua, thưởng trước cho. (Tá Viêm và Thuyết đều tức thì thưởng trước gia 2 cấp).
Lại dụ rằng : Ngươi là giỏi việc đánh trận, cho được thi thố, chóng báo tin thắng trận to, không những được yên lòng trẫm, cũng có thể được yên lòng ngươi. Đến khi đến tỉnh Thanh Hóa, lại xin lấy Nguyễn Đình Thi sung chức Tán lý, Trương Văn Đễ quyền sung Tán tương. (Đình Thi nguyên là Bố chính Thái Nguyên, vâng Chỉ về Kinh, vì đường nghẽn ở lại tỉnh Thanh Hóa ; Văn Đễ nguyên bị cách chức, cho làm việc chuộc tội, hiện ở Hà Nội chữa bệnh, Thuyết qua đấy mang đi). Vua đều y lời xin, để cho bàn bạc giúp việc."
Khi ấy bọn giặc ở Nghệ An từ xã Hoàng Mai (thuộc huyện Quỳnh Lưu, giáp núi Ngọc Sơn) tràn sang phủ hạt Tĩnh Gia đánh và quấy nhiễu. (Các sở đóng để ngăn chặn như Hà Niệm Thượng, Hà Niệm Trung, Du Xuyên, Sơn Châu, Đội Trà, quan quân nguyên đóng ở đấy đều tan vỡ cả), quan tỉnh Thanh Hóa đã phái quan quân đem 700 quân chia làm 3 đường tiến đánh. Thuyết tức thì đem bọn đề đốc, lãnh binh tiến quân, hợp với tỉnh Thanh Hóa đánh giáp lại, toàn được thắng trận (chém được đầu giặc, thu được tang vật của giặc rất nhiều, mà toàn quân chỉ có 4 người bị thương nhẹ), đuổi thẳng đến địa giới Tuần La (giáp Nghệ An), giặc ấy đều trốn chạy tan, rút quân về tỉnh đóng để trấn áp. Lần ấy các người đi đánh dẹp được việc, chuẩn cho đều thưởng cho có thứ bậc (Thuyết được thưởng quân công kỷ lục 3 thứ, bọn đề đốc, lãnh binh đều thưởng quân công kỷ lục 2 thứ. Quyền sung Tán tương tỉnh Thanh Hóa là Hồ Tư Cung, quyền sung Lãnh binh Lê Vi Quý, Đốc binh Lê Tước đều thưởng quân công kỷ lục 1 thứ, binh dõng thưởng cho 300 quan tiền), sau giặc ấy chuyển về hạt Nghệ An, rồi lại gọi nhau tụ họp ở các xã Thiện Kỵ, Hoàng Mai, đường trạm không thông được, Thuyết bèn mang quân đến địa giới Nghệ An tiến đánh, giặc thấy thanh thế quân lừng lẫy (khi ấy quan quân tỉnh Nghệ An hiện đương tiến đánh đến đấy), đã chạy trốn trước. Thuyết nhân tiện đến thẳng trường thi tỉnh Nghệ đóng quân, cùng với Tổng thống Nguyễn Chính hội bàn cùng đánh.
****
Như vậy bạn thấy đó, làm gì có việc ngài Tôn Thất Thuyết "được lệnh nhà vua" mà đem binh đi diệt loạn ở Thanh Hóa / Nghệ An như thầy Tsuboi đã viết bạn nhỉ ?
Và đáng sợ hơn, theo thầy Tsuboi ở trang 351, thầy trích ĐNTL là "Khi loạn quân nghe thấy tiếng kêu xung phong của đông đảo binh lính ông liền chạy trốn". Thầy viết đoạn này là từ sử Đại Nam Thực Lục tập IV quyển 51, tờ 11b-13a (tháng 6 năm Tự Đức 27, tức từ 14-7 đến 11-8-1847). Mình tra lại bản Hán ngữ Đại Nam Thực Lục phần thầy chỉ, thì đó là phần dịch bên trên của Viện Sử Học. Và rõ ràng thầy Tsuboi lại MỘT LẦN NỮA, thầy dịch ra sao mà lại "quên" dịch luôn cả đoạn "khi ấy quan quân tỉnh Nghệ An hiện đương tiến đánh đến đấy", nên thành ra độc giả mà đọc đoạn dịch này của thầy Tsuboi, lại tưởng là bọn loạn quân bỏ chạy CHỈ DO thanh thế của quân ngài Tôn Thất Thuyết mà thôi, nhưng thật ra bọn loạn quân này chạy trốn còn là vì "khi ấy quan quân tỉnh Nghệ An hiện đương tiến đánh đến đấy". Mà dịch thuật sử kiện lại cắt xén sử kiện như vậy, có là "bẻ cong lịch sử" không bạn ? Thế thì mời các bạn tự suy gẫm vậy. Mà thầy Tsuboi đã dựa vô sự dịch bọn loạn quân bỏ chạy vì nghe tiếng quân của ngài Tôn Thất Thuyết, mà đặt ra cả thuyết là ngài Tôn Thất Thuyết này và bọn người Văn Thân / sĩ phu liên quan gì đó tới nhau, rồi nhóm sĩ phu tín nhiệm ở ngài Tôn Thất Thuyết này là lãnh tụ kháng Pháp gì đó. Bạn cứ đọc trong sách của thầy để hiểu thêm.
Như vậy ở đây, một lần nữa, bạn thấy rõ ràng thầy Tsuboi đã cắt xén sử kiện để đưa độc giả vào mê cung suy luận của thầy.
Và do đó mà đáng ngờ hơn, là bạn có dám chắc rằng tờ hịch của ngài Tôn Thất Thuyết mà thầy Tsuboi viết là thầy kiếm ra được ở đâu đó, do một vị thông ngôn người Việt nào đó dịch lại, là đáng tin cậy không ? Bạn đã thấy tờ hịch này ra sao chưa ?
Và nếu bạn mà đọc lại sử kiện trong sử Đại Nam Thực Lục, bạn còn biết là thời này, "Cho Hoàng Tá Viêm lĩnh Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên vẫn kiêm sung Thống đốc quân vụ ; Tôn Thất Thuyết đổi bổ Tuần phủ Sơn Tây vẫn kiêm sung làm Tham tán. (Khi ấy quan ở quân thứ và ở tỉnh đùn đẩy cho nhau, nên có mệnh lệnh này).". Thế thì làm thế nào mà một vị tuần phủ Sơn Tây chức Tham Tán mà lúc ấy được triều đình sai đi trừ giặc phỉ Tàu miền Bắc, lại có thể viết cả hịch chống Pháp nào đấy gởi cho toàn quân dân miền Bắc bạn nhỉ ? Vậy chứ ngài Hoàng Tá Viêm, vị tổng đốc Sơn Hưng Tuyên và thống đốc quân vụ khi đó ở đâu ta ? Mà tuần phủ Sơn Tây thì chắc là chức vụ hơi nhỏ để mà kêu gọi toàn bộ quân dân Bắc Hà hãy chuẩn bị đồng xuống Hải Dương để ngài điều khiển đúng không ?
Nên bạn có chắc là với việc thầy Tsuboi cắt xén / chỉnh sửa sử Việt đầy rẫy trong quyển sách Nước Đại Nam này, những gì bạn đang đọc trong quyển Nước Đại Nam này là một công trình nghiên cứu sử học nghiêm túc không ? Bạn có chắc là thời nay, nếu bài luận án tiến sĩ này mà được viết như vậy, trường đại học không kỷ luật thầy Tsuboi và rất có thể đuổi thầy ra khỏi trường vì vi phạm sự đạo đức trong việc nghiên cứu sử học không ? Làm thế nào mà nghiên cứu sử lại thành ra là cắt xén / chỉnh sửa sử kiện vô tội vạ nhỉ ? Và mà làm thế nào mà hơn 30 năm nay, các học giả từ Tây đến Ta lại đánh giá quyển nào cao thế ? Có phải do họ chưa bao giờ đọc sử Việt Nam cả, và họ chưa bao giờ là sử gia cả,nên họ, với kiến thức sử chung chung, dạng jack of all trades master of none, đã coi quyển sử này như một quyển Thánh kinh về sử thời Tự Đức không ? Mà đọc sử mà chỉ đọc hời hợt, đọc với dạng kiến thức chung chung, thì có khác chi là con bò bạn nhỉ ?
Mà làm thế nào mà thầy Tsuboi 30 năm trước khi viết bài luận án tiến sĩ lại có thể cắt xén sử kiện Việt Nam thời vua Tự Đức đến thế nhỉ ? Đạo đức nghề nghiệp và học tập của thầy ở đâu ? Bạn có nghĩ rằng trường đại học Paris nào đó lẫn trường đại học Wasada lẫn thầy Tsuboi và nhóm dịch giả lẫn NXB Tri Thức có nên xin lỗi độc giả Brian Wu này không ?
Quyển này đã in lần thứ 4 và được biết là trong lần in thứ 4 năm 2014, 2000 cuốn sách dịch này đã bán sạch trơn đó bạn.
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/2116877761896508
7.
6.
5.
4.
3.
2.
1.
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.