Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/08/2018

Nhìn từ xa một ngôi đình làng thờ Liễu Hạnh Công Chúa : khu vực Nam Xá ở phủ Lý Nhân

Một khu vực khá đặc biệt liên quan đến các con đường chạy xuyên các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng, và những đoạn sông Hồng được gọi là "sông Châu Giang" hay "sông Sắt", là vùng xã Nam Xá và xã An Xá ngày xưa của phủ Lý Nhân (tỉnh Hà Nam).

Bây giờ, khu vực ấy là xã Nhân Nghĩa (và các xã lân cận) thuộc huyện Lý Nhân (sau một thời gian dài nhập vào tỉnh Hà Nam Ninh, thì sau đã trở về thành tỉnh Hà Nam như trước đây).

Tôi tính đi khảo sát ở vùng đó đã lâu, nhưng chưa thực hiện được. Từ vùng này mà sang Phủ Giày hay Phủ Nấp thì không bao xa. Lại có thể sang Thái Bình, vào Thanh Hóa, tới Nam Định hay sang Ninh Bình. 

Đến gần đây, lại có một số liên hệ để có thể đi khảo sát. Nên hôm nay, nhìn từ xa một ngôi đình làng khá thú vị: thờ Liễu Hạnh công chúa và các tùy tùng. Có nghĩa là, hệ thần Liễu Hạnh được tôn thờ là thành hoàng làng.





Bắt đầu bằng một bài của phía nhà trường xã nhà. Các bổ sung (nếu có) sẽ dán ở dưới.

---

TƯ LIỆU




.

Thầy và trò trường THCS Nhân Nghĩa chăm sóc khu di tích lịch sử quốc gia Đình Đức Bản


đăng 08:55, 28 thg 3, 2013 bởi Trường THCS Nhân Nghĩa - huyện Lý Nhân   [ đã cập nhật 01:48, 7 thg 5, 2013 ]


DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA

Đình Đức Bản Ngoại

1. Thông tin chung về di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn
1.1. Tên di tích:  Di tích Đình Đức Bản Ngoại - Hà Nam
1.2. Loại công trình: Kiến trúc nghệ thuật
1.3. Loại di tích: Xếp hạng cấp quốc gia
1.4. Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định 306/QĐ-BVHTT  ngày 22 tháng 01  năm 2009
1.5. Địa chỉ di tích:Thôn Đức Bản Ngoại xã Nhân Nghĩa - huyện Lý Nhân
 2.Tóm lược thông tin về di tích
 Sự ra đời của ngôi đình làng Đức Bản ngoại
Người dân Đức Bản Ngoại sau khi khai đất lập làng và trải qua hàng trăm năm lao động, vỡ ruộng khai hoang, chống chọi với thiên nhiên để tạo lập cơ sở hạ tầng và cuộc sống, mặc dù kinh tế còn chưa phát triển nhưng các bậc tiền nhân đã chắt chiu để xây dựng được ngôi đình là trung tâm chính trị, tâm linh cho cả dân làng.
Đình Đức Bản Ngoại được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Theo câu đối bên trái tòa thiên đường đã xác định:
Tự Đức Canh Tuất trọng hạ thành
Thành Thái Bính Tuất niên tôn tạo
Nghĩa là: Đình hoàn thành vào năm Canh Tuất niên hiệu Tự Đức mùa hè tháng năm (1850), và tu tạo vào năm Bính Tuất niên hiệu Thành Thái (1896).

Hình ảnh ngôi đình nhìn từ ngoài cổng
Đặc điểm kiến trúc, điêu khắc.
 Ngôi đình mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, tọa lạc trên thế đất “lý ngư vọng nguyệt” với diện tích 1560m2 theo hướng Nam ghé Đông, tầm nhìn bao quát hơn như câu đối trong hậu cung đã khẳng định:
Tứ cố hoàng giang lưu thánh trạch
Thiên trùng nam lĩnh trĩ thành công
Thế đứng của đình như câu đối nhấn vữa mặt ngoài cột đồng trụ cổng chính đã ghi:
Ngất nhiên đồng trụ giang san cổ
Mĩ hĩ kim đài cảnh sắc tân
Nghĩa là đồng trụ cao ngất cùng sông núi xưa, đài đẹp thay cảnh sắc đổi mới.
Mái đình cây đa xưa của làng Việt cổ bố cục hình chữ Đinh gồm 2 tòa: Tiền đường và Hậu cung, tòa Tiền đường gồm 3 gian 2 trái; đặc biệt Tiền đường còn giữ được 2 sàn cầu gỗ lim có chiều dài 5,2 m; chiều rộng 6,3 m. Bộ khung chịu lực của tòa Tiền đường gồm 6 vì, mỗi vì 4 hàng cột bằng gỗ lim hình trụ, cột cái cao 3,5 m, đường kính 0.45 m, cột quân cao 2,69 m đường kính 0,32 m. Hậu cung gồm 3 gian 4 vì hình thức kiến trúc theo kiểu: giá  chiêng chồng rường có đủ 7 tiền 7 hậu, có một sàn thờ bằng gỗ đặt 3 cỗ long ngai.
Toàn bộ các khâu kiến trúc đình đều thể hiện kỹ thuật trạm khắc điêu luyện hết sức tinh tế và sinh động ở cả Tiền đường và Hậu cung. Các vì: vì nóc, vì nách theo kiểu lá lật, cách điệu kê trên đấu vuông thắt đáy vừa khỏe vừa mềm mại, thể hiện sự điêu luyện về kỹ thuật chạm khắc công phu, tỉ mỉ bằng trí sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân, dân gian thời xưa. Ngôi đình có mái đao cong vút, có lưỡng long chầu nguyệt, có những chú nghê rạng rỡ nụ cười nhìn ánh dương mới hé trên một kiểu chữ đinh bề thế trang nghiêm. Những bộ phận của ngôi đình mang tên “mái tầu, lá tầu, quá giang, quá hải, kẻ, bẩy” các cột nối nhau bằng một khung vững chắc chịu đựng sức nén nặng của các bộ phận bên trên. Phần cơ bản của ngôi đình bằng gỗ không sử dụng đến đinh, những hoa lá đường nét vừa mềm mại vừa cứng cỏi thể hiện nghệ thuật kiến trúc dân tộc thời đó phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện.
Đồ thờ còn lưu giữ khá nhiều đồ cổ quý hiếm, mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và thời Nguyễn bao gồm nhiều thể loại khác nhau như: đồng, đá, gỗ, sành, sứ … Đặc biệt còn lưu giữ nhiều văn bản Hán Nôm như:
- Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Văn tế điền bạ, Văn cúng và 15 đạo sắc phong vào thời Nguyễn cho các vị Thần được thờ.
- Đồ thờ bằng gỗ: 3 bức hoành phi cỡ lớn treo phía trên gian giữa và hai bên tòa tiền đường
- Hoành phi giữa tiền đường ghi “Phụ Từ Giới Phúc”
- Hoành phi gian bên phải ghi: “Bồng Lai Tiên Cảnh”
- Hoành phi gian bên trái ghi: “Dâm Đài Nguyệt Hạ”
- Câu đối lòng máng ghi: “Tứ Dục Lê Nguyên, Nguyệt Lãng Vân Hưng Thần Bộ Giá, Mẫu Nghi Thiên Hạ Phong Hồi, Mộc Lĩnh Lẫm Linh Thanh”
- Ngoài ra còn 2 cỗ kiệu bát cống, một cỗ kiệu long đình, 2 bộ bát biểu, 2 cỗ lọng, 3 cỗ long ngai trong hậu cung và 1 đôi quạt ngài.
Từ những nét kiến trúc cổ truyền nhiều trạm khắc độc đáo, đồ thờ phong phú có giá trị cao từ những lí do đó ngôi Đình đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngày 22/01/2009 (theo số quyết định 306/QĐ-BVHTT).
Nhân vật thờ
- Đình làng thờ "Đế Thích Tiên Đình Liễu Hạnh công chúa thượng đẳng thần" và ngọc nữ theo hầu.
Về vị trí, vai trò, các hoạt động chính diễn ra tại đình làng Đức Bản.
Mái đình cây đa là biểu tượng đẹp đẽ của mỗi làng Việt cổ, là kỉ niệm đẹp của tuổi ấu thơ của mỗi người, là địa chỉ về hai tiếng quê hương mỗi khi đi xa để có nơi mà nhớ, nhưng khi Tổ quốc cần thì đình làng là nơi hội họp, luyện tập của đội tự vệ cứu quốc, 2 cây gạo cổ thụ cũng được mang đi góp vào việc làm bè, cản tầu chiến giặc trên sông Hồng. Gốc đa cũng được đào hầm giấu thương binh và cán bộ, vũ khí cất giấu ở gốc cây quéo. Ngoài ra đình còn là nơi tiếp nhận, trung chuyển thương binh. Là nơi trung tâm điều hành công việc, chỉ đạo chôn cất các liệt sĩ sau mỗi trận càn.
Hòa bình lập lại từ 1955-1960, đình là nơi học của học sinh cấp 1 xã Nhân Nghĩa.
1960-1974 là kho của hợp tác xã nông nghiệp Kinh – Đức – Thượng.
Từ 1975 tới nay là nơi trung tâm văn hoá, sinh hoạt, hội họp của các đoàn thể và dân làng. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì đình làng là nơi tiễn đưa con em lên đường nhập ngũ chiến đấu trên các chiến trường góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước.
Về lễ hội hằng năm: được tổ chức thành 2 kì lễ chính:
- Giỗ mẫu vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch
- Lễ cầu phúc (Thượng điền) từ 10-12/6 âm lịch.
3. Một số hoạt động chính của trường THCS Nhân Nghĩa trong nội dung chăm sóc di tích Đình Đức Ngoại
Để học sinh tìm hiểu thêm về lịch sử quê hương, trường THCS Nhân Nghĩa xin nhận chăm sóc di tích lịch sử Đình Đức Bản Ngoại được sự ủng hộ hoàn toàn của các vị lão thành cách mạng, ban quản lý di tích và chính quyền địa phương.
Trong các tiết học chính khóa về nội dung giáo dục địa phương theo quy định của Bộ GD-ĐT như môn Văn lớp 8, Lịch sử các khối lớp, giáo viên đã tìm hiểu tư liệu lịch sử địa phương, soạn giáo án, giảng dạy, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc và tinh thần cách mạng một cách hiệu quả cho tất cả các học sinh.
Tổ chức cho giáo viên, học sinh tham quan di tích Đình Đức Bản Ngoại để các em thấy được di sản cấp Quốc gia về văn hóa kiến trúc cổ. Các em còn biết được về nghệ thuật chạm khắc đặc sắc mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và thời Nguyễn, về một thời kỳ thịnh vượng huy hoàng của địa phương lúc bấy giờ. Ban quản lý cho em tìm hiểu các vị thần đang được thờ tại đình làng
Trong ngày lễ kỷ niệm 22/12 hằng năm, nhà trường tổ chức cho các em gặp gỡ, giao lưu với khách mời - đó là những nhân chứng lịch sử về cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn từ 1950-1954. Tại nơi đây, vụ tàn sát đẫm máu ngày 15/3/1952 trong trận càn Ăm-phi-bi, giặc Pháp đã giết chết 30 cụ già và 2 em nhỏ Đức Bản trong đó có 18 cụ già và 2 em nhỏ thôn Đức Bản Ngoại. Những tấm gương bất khuất kiên trung thà chết chứ không khai báo số thương binh còn nằm lại dưới hầm ở các gia đình trong làng. Đây cũng là niềm tự hào của mảnh đất Nhân Nghĩa có những tấm gương bất tử, các cụ đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sỹ.

Các em học sinh làm vệ sinh chăm sóc khu di tích

Tại đây học sinh của trường đã tổ chức lao động làm vệ sinh cảnh quan môi trường khu di tích Đình Đức Ngoại; lao động vệ sinh nghĩa trang liệt sỹ, thắp nến tri ân trong những ngày lễ kỉ niệm lớn của dân tộc. Với những việc làm thường xuyên này, các em học sinh nhà trường đã chung tay góp sức tôn tạo bảo vệ di tích, di sản địa phương.

Bằng những hành động thiết thực và việc làm cụ thể của học sinh, thông qua việc chăm sóc di tích lịch sử địa phương để các em có thêm điều kiện hiểu sâu hơn, gần gũi hơn và nhận thức trách nhiệm hơn với quê hương đất nước, đây cũng là mục tiêu quan trọng của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”
          Để tiếp tục việc bảo tồn phát huy di sản Đình Đức Ngoại, đây là tài sản kiến trúc quốc gia vô cùng quý giá, mọi người phải có nghĩa vụ bảo vệ, tôn tạo.
          Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, ban quản lý khu di tích Đình Đức Ngoại có kế hoạch huy động sức người, sức của để tôn tạo, bảo vệ nhằm giữ gìn, nâng cao giá trị sử dụng lâu dài của công trình theo tinh thần của luật di sản văn hoá và tinh thần mong ước tại câu đối nhấn vữa mặt ngoài cổng phụ bên trái là:
Thừa kế tiền nhân thiên cổ thịnh
Lưu truyền hậu thế bách niên hưng
          Nghĩa là: Nối tiếp người đi trước muôn thuở thịnh nương, lưu truyền đời sau còn mãi mãi.
Địa chỉ liên hệ:
1. Họ và tên hiệu trưởng: Trương Thị Mến
          Chuyên ngành đào tạo: Đại học quản lý giáo dục. năm tốt nghiệp ĐH tại chức:  2003
          ĐT cố định: 03513628008; ĐT di động: 0985125040
          Địa chỉ emại: ttmen62c2nng@hanam.edu.vn
2. Họ và tên Tổng phụ trách Đội: Nguyễn Văn Vĩnh
          Chuyên ngành đào tạo: CĐSP Lý Đội. Năm tốt nghiệp: 2004
          ĐT cố đinh:                             ĐT di động:  01693903416
          Địa chỉ email: nguyen_vanvinh@gmail.com
3. Địa chỉ trường:  xã Nhân Nghĩa - huyện Lý Nhân  tỉnh Hà Nam
          ĐT cố định: 03513628008                                                                                                                                                          

https://sites.google.com/a/hanam.edu.vn/thcsnhannghia/su-kien-moi/thayvatrotruongthcsnhannghiachamsockhuditichlichsuquocgiadhinhdhucban
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.