Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/08/2018

Khi các bạn ấy trở thành "cá mập": shark và khởi nghiệp Việt

Hôm nay, đọc báo thấy thông tin sau: "Theo cam kết, Shark Linh và Shark Vương sẽ đầu tư vào dự án này 2,5 tỷ đồng cho 51% cổ phần. Tuy nhiên, tại thời điểm Shark Tank mùa 2 bắt đầu phát sóng, chủ dự án Vườn rau nhà mình vẫn chưa nhận được tiền đầu tư từ 2 “cá mập”.". (xem toàn văn ở tư liệu 1).

Đại khái, có thấy một con "cá mập" ở trong bức hình 30 năm trước (xem cụ thể ở đây). Thi thoảng mình có ngó qua chương trình cá mập trên truyền hình, có liếc một chút tới các shark.

Nguồn và toàn văn ở đây

Bắt đầu từ entry này thì đi các entry lưu tư liệu về các bạn cá mập này.

Cập nhật dần.





---

TƯ LIỆU

.


2.

Shark Vương 3 lần khóc vì Shark Tank và quyết định lui về 'hậu cung'

Thứ Tư, 06/06/2018 15:40 GMT+7

    (Thethaovanhoa.vn) - Shark Vương - người tâm huyết đưa Shark Tank về Việt Nam đã rút lui khỏi mùa 2 để đứng đằng sau làm ban tổ chức chương trình. Vị "cá mập" vui tính nhất mùa 1 đã chia sẻ thật lòng về những gì ông dành cho Shark Tank.
    Mùa 1 của Shark Tank đã khép lại với sự yêu mến của khán giả, gần như tập phát sóng nào cũng được khán giả đón xem và "gây sốt" cộng đồng mạng với những thương vụ do các bạn trẻ kêu gọi đầu tư. Có thể thấy Shark Tank không chỉ đem đến cái nhìn thực tế về đầu tư, kinh doanh và doanh nghiệp mà còn truyền cảm hứng đến những bạn trẻ có mong muốn và mơ ước trở thành Start-up trong tương lai. Có rất nhiều người trẻ có những ý tưởng khởi nghiệp đầy thú vị, sáng tạo nhưng lại chưa có cơ hội cũng như điều kiện để thực hiện thì Shark Tank giống như một sân chơi để các bạn cố gắng biến ước mơ thành sự thật.
    Sắp tới đây, Shark Tank mùa 2 sẽ chuẩn bị quay trở lại với những thay đổi đầy bất ngờ từ nội dung cho đến dàn Shark mới. Mà đặc biệt trong đó chính là thông tin Shark Vương - người được các bạn trẻ yêu mến nhiều nhất bởi sự vui tính và hài hước sẽ chính thức "lui cung", nhường "ngôi" Shark cho một người khác vào mùa 2.



    Chú thích ảnh
    Vị Shark mang đến nhiều niềm vui và tiếng cười nhất trong Shark Tank sẽ chính thức lui về "hậu cung".
    Khóc 3 lần vì tâm huyết với Shark Tank Việt Nam
    Từ những ngày đầu tiên Shark Tank được xuất hiện tại Việt Nam đã là sự cố gắng mà ít ai biết của Shark Vương. Có thể đối với rất nhiều khán giả thì Shark Vương gần như là một Nhà đầu tư "thầm lặng". Tuy anh không xuất hiện trên các mặt báo nhiều hay được khác giả để ý, nhắc đến tên nhiều nhưng Shark Vương lại chính là người đã đưa Shark Tank về Việt Nam, tạo nên sân chơi cho các Start-up được thể hiện ý tưởng sáng tạo của bản thân.
    Với những gì ông đang sở hữu và những kinh nghiệm "thương trường" đáng để học hỏi thì Shark Vương đã mang đến Shark Tank Việt Nam những thành công đáng kể cho chương trình và đặc biệt là mang đến những lời khuyên giá trị cho các Start-up trẻ.
    Trong suốt quá trình Shark Tank tạo nên tiếng vang và những thành công cho mình, Shark Vương chính là người "lao tâm khổ trí" nhất. Ngay chính buổi họp báo này Shark Vương đã tiết lộ anh đã khóc 3 lần vì Shark Tank. Không ai ngờ được một người mạnh mẽ trong cuộc chiến kinh doanh như ông lại rơi nước mắt vì tâm huyết đưa Shark Tank đến với người trẻ Việt.
    Lần thứ 1 Shark Vương khóc là sau khi anh mang được Shark Tank về đây với phiên bản Việt Nam. Anh thật lòng chia sẻ mình đã rất hạnh phúc đến phát khóc vì sau bao cố gắng anh đã có thể mua được bản quyền của Shark Tank. Đây vốn là một chương trình mà anh cực kỳ yêu thích và anh rất mong muốn được đưa nó về để mang 1 làn gió mới cho giới Start-up Việt và mở ra cơ hội mới cho các bạn trẻ lẫn Nhà đầu tư.
    Lần thứ 2 anh rơi nước mắt là một bí mật vì anh đã âm thầm ôm chương trình Shark Tank suốt 18 tháng trời mà không nhận được sự đồng ý phát sóng của bất kỳ nhà đài nào. Lúc đấy anh đã ngỡ như không còn cơ hội nào cho Shark Tank thì may mắn thay anh đã gặp và làm việc cùng VTV24. Cuối cùng họ đã đồng ý hỗ trợ và giúp anh làm nên thành công cho Shark Tank như ngày hôm nay.
    Lần 3 anh khóc là cách đây vài hôm khi anh đứng trong hậu trường theo dõi mọi người quay Shark Tank mùa 2. Nhìn thấy sự phát triển của Shark Tank từ đầu mùa 1 cho đến nay mà anh không khỏi xúc động. Bất cứ điều gì bản thân anh tâm huyết mà đạt được thành công anh cũng đều cảm thấy hạnh phúc như thế và đối với anh thì Shark Tank cũng là điều mà anh vô cùng tâm huyết như khi anh thực hiện kế hoạch kinh doanh, đầu tư của cá nhân mình trong bao năm qua.
    Tuy anh hết  mình vì Shark Tank Việt Nam là thế nhưng anh cũng tiết lộ rằng mình đã lui về "hậu cung" để làm ban tổ chức chương trình thay vì làm Shark như mùa 1. Ở mùa 2 thì người thay thế vị trí của anh chính là Shark Louis Nguyễn. Thông tin này gây khá nhiều tiếc nuối đến với mọi người vì khi là 1 trong những "cá mập" của Shark Tank Việt Nam, anh đã có những lời khuyên cũng như những lời tư vấn cực kì uyên bác, đầy cảm hứng và bổ ích cho các Start-up trẻ.
    Bên cạnh đó, anh cũng hỗ trợ các Shark khác giúp đỡ các Start-up với những kế hoạch đầu tư vô cùng thông minh. Nhưng không vì thế mà Shark Tank mùa 2 khác đi, Shark Tank năm nay còn chào đón hội đồng các nhà đầu tư hoành tráng hơn và tài giỏi không kém.

    https://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/shark-vuong-3-lan-khoc-vi-shark-tank-va-quyet-dinh-lui-ve-hau-cung-n20180606152048985.htm

    1.






    Từ vụ Ba Huân kêu cứu nhìn lại các thương vụ đầu tư của Shark Linh: Cam kết đầu tư 4 thương vụ, cổ phần phải chi phối từ 45 - 51%, nhưng chưa rót vốn trường hợp nào

    Thế Trần | 
    Từ vụ Ba Huân kêu cứu nhìn lại các thương vụ đầu tư của Shark Linh: Cam kết đầu tư 4 thương vụ, cổ phần phải chi phối từ 45 - 51%, nhưng chưa rót vốn trường hợp nào

    Shark Linh là Giám đốc chiến lược & vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital, đã cam kết đầu tư vào 4 Startup trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 1, cổ phần hoán đổi luôn ở mức 45% - 51%.

    Mới đây, bà chủ Ba Huân đã gửi thư "kêu cứu" tới Thủ tướng, xin giúp đỡ bao vệ quyền lợi của doanh nghiệp giữ thị phần số 1 về trứng gà trong quá trình chấm dứt hợp tác với VinaCapital vì lo ngại quỹ này chiếm quyền điều hành. Trước đó, VinaCapital đầu tư 32,5 triệu USD mua lại một số lượng lớn cổ phần của Ba Huân.
    Từ vụ Ba Huân kêu cứu, nhìn lại các thương vụ đầu tư của Shark Thái Vân Linh - Giám đốc chiến lược & vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital trong Shark Tank Việt Nam mùa 1, thì cổ phần hoán đổi của các thương vụ này đều ở mức 45% - 51%.
    Kết thúc mùa 1, bốn Startup được Shark Linh cam kết rót vốn gồm Gcalls, Transformation Studio, Khu vườn của mẹ và Vườn rau nhà mình.
    Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi đến cuối tháng 6 năm nay, Shark Linh chưa rót vốn cho startup nào trong 4 trường hợp nêu trên.
    Gcalls
    Đây là thương vụ “nổi sóng” trên truyền hình, vì là đây là cam kết đầu tư lớn nhất trong chương trình Shark Tank. Theo đó, “cá mập” Thái Vân Linh đầu tư 1 triệu USD đổi lấy 45% cổ phầncủa Gcalls.
     Từ vụ Ba Huân kêu cứu nhìn lại các thương vụ đầu tư của Shark Linh: Cam kết đầu tư 4 thương vụ, cổ phần phải chi phối từ 45 - 51%, nhưng chưa rót vốn trường hợp nào  - Ảnh 1.
    Hai nhà sáng lập Gcalls.
    Tuy nhiên, khi bắt đầu Shark Tank mùa 2, phía Gcalls cho chúng tôi hay, thương vụ vẫn đang trong quá trình Due Dil. Về việc khi nào dự kiến hoàn tất quá trình thẩm định hay Shark Linh có thay đổi điều kiện rót vốn hay không, đại diện từ Gcalls từ chối trả lời.
    Khu vườn của mẹ
    Dự án được Shark Linh , Shark Khoa và “cá mập” Phạm Thành Hưng đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần. Cuối tháng 6, dự án này đang được tư vấn về mô hình, chiến lược nhưng chưa nhận được tiền rót vốn.
     Từ vụ Ba Huân kêu cứu nhìn lại các thương vụ đầu tư của Shark Linh: Cam kết đầu tư 4 thương vụ, cổ phần phải chi phối từ 45 - 51%, nhưng chưa rót vốn trường hợp nào  - Ảnh 2.
    Vườn rau nhà mình
    Theo cam kết, Shark Linh và Shark Vương sẽ đầu tư vào dự án này 2,5 tỷ đồng cho 51% cổ phần. Tuy nhiên, tại thời điểm Shark Tank mùa 2 bắt đầu phát sóng, chủ dự án Vườn rau nhà mình vẫn chưa nhận được tiền đầu tư từ 2 “cá mập”.
    Transform Studio
    Hai nhà sáng lập của Tranform Studio nhận được cam kết đầu tư 3,1 tỷ đồng cho 51% cổ phầncông ty. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, startup này chưa nhận được khoản đầu tư nào.
    Đỗ Đức Mười - sinh viên năm thứ 3 của ĐH Kiến trúc, Cofounder của công ty Transform Studio - cho biết: Thay đổi lớn nhất của Transform Studio sau chương trình Shark Tank là lượng đơn hàng tăng lên rất nhiều, quy mô công ty cũng phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu thị trường.

    http://soha.vn/tu-vu-ba-huan-keu-cuu-nhin-lai-cac-thuong-vu-dau-tu-cua-shark-linh-cam-ket-dau-tu-4-thuong-vu-co-phan-phai-chi-phoi-tu-45-51-nhung-chua-rot-von-truong-hop-nao-20180807210429792.htm


    0.

    … Và mối “nhân duyên” với thép

    KIM HOA (THỰC HIỆN) 28/9/2009

    Trần Anh Vương, cậu học trò chuyên toán, con một nông dân nghèo, sau khi tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã từng bước tìm thấy chỗ đứng cho mình trên thương trường từ khá sớm.

    … Và mối “nhân duyên” với thép
    Trần Anh Vương cậu học trò chuyên toán, con của một gia đình nông dân nghèo ở Thái Bình, sau khi tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã từng bước tìm thấy chỗ đứng cho mình trên thương trường từ khá sớm. Để gầy dựng được một thương hiệu uy tín không chỉ ở thị trường trong nước, anh đã phải trải qua 15 năm kiên trì “vượt dốc”. Có thể nói, điều may mắn nhất đối với Vương là mối nhân duyên “trời cho” với thép - “cơm” của ngành công nghiệp, như anh đã từng ví von...
    *Khi cầm tấm bằng cử nhân đi tìm việc, anh đã chọn Sài Gòn?
    - Đúng vậy, đó là năm 1994. Sài Gòn là một chân trời mới và mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm. Tôi đi làm kế toán cho một DN của Đài Loan chuyên về giầy dép trong 8 tháng, cũng oách lắm, nhưng lại thấy chán vì nhiều lẽ, đặc biệt là không tìm thấy hứng thú ở lĩnh vực kinh doanh này. Tôi đã kịp ăn một cái tết Sài Gòn trước khi trở lại quê nhà và bắt đầu đi vào một lĩnh vực mới hợp với mình hơn.
    * Đó là thép?
    - Thực ra, đó là một công ty xuất nhập khẩu, sản phẩm gồm có thép và xi măng. Mẹ bạn tôi làm giám đốc, thiếu người, và tôi đã đầu quân về. Không chỉ bắt tay vào công việc một cách thuận lợi mà tiền nong trong túi tôi lúc đó cũng khá rủng rỉnh. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, thì Công ty xảy ra chuyện lớn, giám đốc là mẹ của bạn tôi đã đột ngột ra đi vào cõi vĩnh hằng. Công ty rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí bế tắc.
    * Và quyết định chính xác lúc đó của anh là... ra đi?
    - Có lẽ vậy. Từ Thái Bình tôi đã khăn gói lên Hà Nội, với những kỹ năng và kinh nghiệm đã có, tôi được nhận làm giám đốc thuê cho một công ty kinh doanh xe máy. Sau hai năm làm việc tại đây, tôi bắt đầu cảm thấy “bức bối” và muốn “bung ra”. Rồi Luật Doanh nghiệp năm 2000 ra đời đã tiếp sức cho tôi hành động. Ngày 6/3 năm đó, Công ty Thép Bắc Việt ra đời và tôi là 1 trong với 4 thành viên sáng lập.
    * Hỏi thật nhé, lúc đó, trong túi anh có bao nhiêu tiền?
    - Tôi là con út trong một gia đình nghèo, có tới 7 anh chị em, mẹ mất sớm từ khi tôi đang còn là sinh viên. Năm 1997, khi tôi lấy vợ, bao nhiêu tiền nong tích góp được sau mấy năm đi làm thuê cũng chỉ đủ mua 1 căn phòng tập thể bé con con. Lúc quyết định thành lập Công ty, tôi phải gõ cửa vay mượn nhiều người, tổng cộng được khoảng 300 triệu đồng.
    * Bây giờ, khi đã làm chủ một thương hiệu có uy tín, thường xuyên có những lô hàng xuất khẩu trị giá hàng triệu đô la thì đồng tiền có ý nghĩa như thế nào với anh?
    - Không biết sau này tôi có thay đổi cái nhìn về đồng tiền hay không, nhưng quả thực, hiện tại, kiếm tiền không phải là mục tiêu số 1 của tôi. Với tôi, điều quan trọng nhất của người làm kinh doanh là danh tiếng. Danh tiếng của doanh nhân mới thực sự có ý nghĩa, chứ không phải là doanh số. Với tôi, “uy tín quý hơn vàng”. Để bảo vệ chữ tín, tôi sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình vì khách hàng. Trong 10 năm qua, điều tôi hài lòng nhất là mình đã gắn bó với thương trường mà không gây ra bất cứ “oán thù” gì. Điều này không đơn giản, muốn làm được, người kinh doanh phải biết đứng trên mọi mâu thuẫn về quyền lợi và phải có được tiếng nói trọng lượng trong hiệp hội ngành nghề của mình...
    Thép Bắc Việt hiện là “công ty mẹ” của một nhóm 8 công ty với doanh thu năm 2008 đạt trên 600 tỷ đồng. Sau 9 năm thành lập, hiện tại, sản phẩm của Thép Bắc Việt đã xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, châu Á và vùng Trung Đông. Với phương châm “Chất lượng hàng đầu - Giá cả cạnh tranh - Thi công nhanh chóng”, vừa qua, sản phẩm nhà thép tiền chế mang thương hiệu DamSan của công ty đã đạt giải Sao vàng Đất Việt năm 2009.
    *Thực tế cho thấy, để tồn tại trên thương trường khắc nghiệt hôm nay, ngoài chữ tín ra, những người lãnh đạo DN còn cần phải có “cái đầu” - tức tầm nhìn xa trông rộng. Anh có tự tin về điểm này, nhất là khi đứng trước các cộng sự, đối tác, khách hàng…?
    - Khi gây dựng Thép Bắc Việt, 4 anh em chúng tôi đã ngồi với nhau bên chén rượu trắng. Vốn là bạn bè, tất cả đều nhất trí bầu tôi làm giám đốc. Tôi tin là các cộng sự của tôi đã nhìn đúng về tôi, tin tưởng ở khả năng lãnh đạo và sự nhạy cảm trong kinh doanh của tôi. Lúc đó, dù đã bỏ thép đi làm việc khác mất vài năm, song khi quay lại tôi vẫn đủ tự tin. Tuy nhiên, tôi cũng không bào giờ quên rằng, quyết định đầu tiên của tôi trong vai trò giám đốc lại là một quyết định sai lầm!
    * Và anh đã phải trả giá ?
    - Đúng vậy! Trong những ngày đầu tiên nhậm chức, tôi đã quyết định nhập một lô hàng của Đài Loan. Kết quả là lỗ gần hết vốn. Quả là nóng vội thường dẫn đến hỏng việc, mà người trẻ lại thường hay mắc phải sai lầm này.
    * Âu cũng là “học phí”! Lúc đó tâm trạng anh ra sao?
    - Rất lo. Tôi về nói với vợ, may mà cô ấy bảo: “Mình đi lên từ số 0, nếu có trở về số 0 cũng chẳng sao!”. Nhờ câu nói ấy mà tôi mới không chùn bước. Từ đó, làm gì tôi suy nghĩ, tính toán cẩn thận hơn.
    *Vậy, trong số quyết định của anh sau này, quyết định nào là “đáng giá” nhất?
    - Đó là quyết định đi thuê đất, mua sắm máy móc thiết bị để việc sản xuất thép đi liền với kinh doanh thép. Nhờ thế, chỉ 1 năm sau Thép Bắc Việt đã lấy lại được phần vốn đã mất và từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, chúng tôi đã không ngừng tìm kiếm, học hỏi công nghệ sản xuất của nước ngoài, chấp nhận tốn kém, lặn lội tới nước Nhật để học cách quản lý của họ.
    * Nghe nói, anh chính là người đã đưa ra một “định nghĩa mới” về thép: “cơm” của nền công nghiệp”…
    - Đúng vậy, nhưng “gốc gác” định nghĩa đó là của người Nhật: “Thép là nguồn lương thực của nền công nghiệp”, tôi chỉ là người “nói lại” theo cách của người Việt mà thôi. Nền muốn biết nền kinh tế của một quốc gia có phát triển hay không hoặc phát triển đến đâu thì một trong những chỉ số hàng đầu để đánh giá chính là sự tăng trưởng của thép. Sự phát triển của mỗi quốc gia vì thế, được “đo” bằng những kilogam thép trên đầu người. Hiện Việt Nam mới chỉ đạt gần 100 kilogam thép/đầu người (khoảng 10 triệu tấn/86 triệu dân), trong khi sản lượng thép trên đầu người của Nhật Bản gấp chúng ta rất nhiều lần, dù chất lượng thép của họ không hơn thép Việt Nam là bao.
    *Có thể nói, anh đã đi lên từ thép, làm giàu từ thép, nhưng cũng lao đao vì thép. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động đến Thép Bắc Việt như thế nào? Giải pháp mà anh đã áp dụng để ứng phó với sự trồi sụt của thị trường là gì?
    - Thép Bắc Việt có hai mảng hoạt động chính là kinh doanh - phân phối thép và sản xuất cơ khí. Khủng hoảnh kinh tế đã làm cho giá thép thế giới giảm mạnh (nếu tháng 6/2008 là 1.000 USD/tấn thì đến tháng 3/2009 chỉ còn 400USD/tấn). Khó khăn chung của các DN thép là hàng tồn kho và Thép Bắc Việt không phải là ngoại lệ. Mặt khác, tháng 8/2008 Chính phủ lại có chủ trương hạn chế DN xuất khẩu thép nên lượng hàng tồn đọng càng nhiều hơn.
    Giải pháp chính của chúng tôi là xuất khẩu tái xuất nhanh hàng hoá; chú trọng vào mảng sản xuất cơ khí nhằm vào các công trình có sự kích cầu của Chính phủ, tập trung đầu tư mở rộng nhà máy lúc vật liệu xuống giá. Dĩ nhiên, để làm được điều này thì phải tạo được niềm tin với ngân hàng khi đi vay. Bài học mà tôi rút ra trong khủng hoảng là phải “thực tế” với chính mình, có giải pháp để kiểm soát rủi ro tài chính và kiểm soát chi phí để giảm giá thành, có sự đầu tư để nâng cao chất lượng lao động…
    * Nếu nhìn từ ngành thép, theo anh, cho đến nay, nền kinh tế trong nước đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét chưa?
    - Chưa rõ nét, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi, ít nhất là về tâm lý.
    * Người ta bảo “trong nguy có cơ”. Vậy, với Thép Bắc Việt và với cá nhân anh thì sao?
    - Có đấy. Từ đầu năm đến nay, nhiều DN nhận được sự hỗ trợ từ gói kích cầu của Chính phủ nên đã đầu tư vào nhà xưởng và đây chính là cơ hội cho Thép Bắc Việt. Năm 2009, chúng tôi đã có thêm 3 dự án đầu tư mới tại Bắc Ninh, Hải Phòng.
    *Theo anh, đâu là vấn đề nan giải nhất của ngành thép Việt Nam hiện nay?
    Trần Anh Vương trong một hội thảo
    - Đó là sự quy hoạch của Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập. Thép được xem là “xương sống” của nền kinh tế, nhưng sự quy hoạch vẫn chưa rõ nét, chưa có sự ưu tiên phát triển cụ thể… Ngay cả Hiệp hội Thép Việt Nam cũng chưa đưa ra được định hướng nào cả, chưa phát huy hết vai trò của mình.
    Bản thân tôi luôn đau đáu về một thương hiệu mạnh cho ngành cơ khí của đất nước, nhất là trong bối cảnh có rất nhiều DN sản xuất thép, song sự nhập nhằng, lẫn lộn về chất lượng đã làm cho danh tiếng thép nội bị giảm sút và thua thiệt rất nhiều. Chính vì vậy, khi chọn tên cho sản phẩm mới ra lò của mình, tôi muốn nó phải thật Việt Nam và đã nghĩ đến chàng DamSan - nhân vật chính trong một trường ca nổi tiếng của Tây Nguyên. Anh em chúng tôi gọi đây là “một thương hiệu đầy khát khao”, bởi nó đã vượt ra khỏi sự hạn hẹp của một thương hiệu nhỏ khi đi ra thị trường lớn.
    * Ngoài thép ra, hình như anh còn mê đá bóng và “suýt” trở thành ca sĩ?
    - Quả thật, hồi sinh viên tôi có đi biểu diễn và giành được Huy chương trong cuộc thi “Giọng hát vàng sinh viên thủ đô”. Bóng đá và ca hát không chỉ giúp giảm áp lực trong công việc mà còn làm cho cuộc sống của tôi nhẹ nhàng hơn.
    * Thế còn các hoạt động đoàn thể thì sao?
    - Tôi được giao phụ trách Văn phòng và các hoạt động phong trào của Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội. Tuy rất bận rộn, nhưng tôi rất vui và thấy mình… có ích. Giải bóng đá HYBA Cup 2009 vừa qua của Hội là do tôi “chủ xị” đấy.
    * Vậy, anh quan niệm thế nào về sự thành đạt của một doanh nhân thời hội nhập?
    - Tôi cho rằng, một doanh nhân được xem là thành đạt phải hội tụ các yếu tố: thành công trong kinh doanh, hạnh phúc trong cuộc sống đời thường và có trách nhiệm với cộng đồng. Người lãnh đạo DN phải xây dựng được hình ảnh tốt không chỉ trước khách hàng, đối tác mà còn trước các cộng sự của mình - những những đồng nghiệp, cổ đông, nhân viên. Với tôi đây là điều tối quan trọng.
    * Nghe nói, anh đang có ý định đầu tư cho quê hương. Có thể chia sẻ một chút về dự án này được không?
    - Đó là dự án tại Khu Công nghiệp Gia Lễ, Thái Bình, trên diện tích 8,2 ha. Trong tương lai, nơi đây sẽ chuyên sản xuất thép cán nguội cuộn và thép hình cán nóng.

    * Xin cảm ơn và chúc cho những dự định của anh sớm thành hiện thực! 
    https://doanhnhansaigon.vn/tro-chuyen-voi-doanh-nhan/va-moi-nhan-duyen-voi-thep-1006772.html
    .

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.