Người chủ xướng ra sự kiện hai tấm bia Mạc tự nhiên rớt xuống này là ông Nguyễn Văn Vịnh. Từ nhiều năm trước, trong liên quan đến ông Trần Đại Sỹ, tôi đã chú ý đến ông (đọc lại ở đây).
Bởi vậy, từ khá lâu, lúc nhận được một mail qua hộp thư (mail là một bức thư của một ông cụ rất bí ẩn gửi cho ông Nguyễn Văn Vịnh), tôi đã ngầm đoán ra sự thể rồi. Lúc đó, chỉ thảo luận trong nhóm một cách lặng lẽ. Không đưa ra bên ngoài.
Sau đó thì sự kiện lên mặt báo và các mạng xã hội. Trong nhóm, không ai tham gia. Chỉ quan sát.
Bây giờ là một chia sẻ gần đây nhất của ông Vịnh (do ông Đỗ Minh Tuấn thực hiện việc phỏng vấn). Để cho rộng đường dư luận.
Ở dưới đó là những cập nhật ở dạng bổ sung, làm dần như mọi khi.
Để quản lý, bảo quản hiện vật theo đúng luật, chúng tôi đề nghị xã Kiến Thiết làm biên bản bàn giao hiện vật để xã quản lý. Hiện nay 2 tấm bia cổ trên đang được UBND xã Kiến Thiết ký dán niêm phong và quản lý tại trụ sở UBND xã....
- Đầu tư trên 300 tỷ đồng xây dựng đường vào khu đi tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
- Thông tin thêm về việc phát hiện mộ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
- Xôn xao chuyện tìm được mộ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
- Lễ hội Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Vừa qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội có đưa tin và trao đổi về việc nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Vịnh (Chủ nhiệm Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội kiêm Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã phát hiện ra hai tấm bia cổ được cho là từ thời nhà Mạc, với di ngôn của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại khu cống cá bãi triều, thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
PV Chuyên đề VNCA đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Vịnh về sự việc này.
PV: Thưa TS Nguyễn Văn Vịnh! Xin ông cho độc giả biết thêm thông tin về sự việc phát hiện hai tấm bia cổ nghi là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm? Đây là một việc ngẫu nhiên hay là kết quả của một quá trình nghiên cứu?
TS Nguyễn Văn Vịnh: Nhóm Nghiên cứu Khoa học Xã hội độc lập (nghiên cứu các vấn đề xã hội với phương châm tự nguyện không vụ lợi) do tôi đại diện đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như các di sản sấm truyền, thơ, ca của Cụ để lại cho hậu thế.
Chúng tôi nhận thấy, đối với Cụ Trạng còn rất nhiều điều bí ẩn cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được. Đây cũng chính là mục tiêu nghiên cứu của nhóm chúng tôi. Qua quá trình nghiên cứu bằng nhiều phương pháp các câu sấm truyền của Cụ Trạng, những câu đồng dao, thơ, ca lưu truyền trong dân gian…kết hợp với rất nhiều lần đi nghiên cứu điền dã thực địa các địa danh liên quan và qua định vị bằng vệ tinh, chúng tôi nhận thấy, nếu nối các địa danh trên với nhau theo trục kinh và vĩ tuyến sẽ thấy các điểm trên cắt nhau tại một tâm điểm.
Từ tâm điểm này – đến các địa danh liên quan trên có bán kính như nhau khoảng gần 3.5km. Tâm điểm được xác định là khu Cống Cá thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết. Từ tâm quay 1 vòng tròn qua các địa danh trên cho chúng ta thấy đây chính là tâm của một hình tròn có dạng “Hình Thái cực”. Do đó, chúng tôi quyết định triển khai kế hoạch tìm kiếm di vật tại khu vực này.
- Xin Tiến sỹ cho biết cụ thể về quá trình tìm kiếm cũng như các thông tin liên quan tới hai tấm bia đá mà nhóm của ông phát hiện ra tại địa điểm trên?
- Trước khi triển khai quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, phát hiện 2 tấm bia này, ngày 25 tháng 4 năm 2018, nhóm chúng tôi đã gặp và báo cáo trực tiếp với ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng. Sau đó, chúng tôi đã báo cáo với Công an huyện Tiên Lãng, trực tiếp Phó Trưởng Công an huyện đã tiếp và cử cán bộ Công an huyện phụ trách địa bàn xã Kiến Thiết đưa chúng tôi xuống và làm việc với các ông: Chủ tịch, Bí thư và Trưởng Công an xã Kiến Thiết, đề nghị có sự hợp tác và tạo điều kiện cho công việc khảo sát nghiên cứu.
Hai tấm bia cổ tìm được tại Hải Phòng. |
Trước ngày 6/5/2018, chúng tôi đã liên lạc lại với lãnh đạo xã Kiến Thiết nhưng các vị trên đều bận công tác, mặt khác lại vào ngày chủ nhật nên các cơ quan của địa phương không làm việc. Do đã ấn định ngày, giờ cho nên vào lúc 9 giờ sáng chủ nhật, 6/5/2018, chúng tôi phải chủ động tiến hành công việc và mời hai vợ chồng ông Sĩ cùng hai người dân cùng thôn Thanh Trì tham gia khảo sát sơ bộ, dùng thuốn nhỏ kiểm tra.
Sau gần một giờ chúng tôi đã phát hiện và đưa hai tấm bia trên lên, làm vệ sinh sạch sẽ để thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa. Tuy nhiên do hôm đó (6/5/2018) là ngày Chủ nhật, các cơ quan công quyền của địa phương không làm việc nên 2 tấm bia được gửi lại tại gia đình ông Sĩ, bà Thư. 8h30 sáng ngày 7/5/2018 chúng tôi đã mang hiện vật lên UBND xã báo cáo và đề nghị phối hợp thực hiện các bước tiếp theo.
Để quản lý, bảo quản hiện vật theo đúng luật, chúng tôi đề nghị xã Kiến Thiết làm biên bản bàn giao hiện vật để xã quản lý. Hiện nay 2 tấm bia cổ trên đang được UBND xã Kiến Thiết ký dán niêm phong và quản lý tại trụ sở UBND xã. Rõ ràng việc tiếp cận, xác định tâm điểm vòng tròn kết nối các địa danh trong các câu truyền ngôn trong dân gian có liên quan tới Cụ Trạng Trình để đi đến phát hiện ra 2 tấm bia đá cổ, được chôn cất tại khu gò đất ở địa chỉ trên đã đạt hiệu quả cho thấy cách định hướng khảo cổ mà nhóm chúng tôi dày công nghiên cứu bằng các phương pháp khoa học tổng hợp là có giá trị thực tế, có thể áp dụng cho các hoạt động tìm kiếm di sản khác.
- Được biết nhóm của ông đã cho chụp lại những dòng chữ trên hai tấm bia để nghiên cứu và đã gửi cho các bậc túc nho, các nhà cổ học dể xin ý kiến đánh giá. Vậy ông có thể cho độc giả biết cụ thể kết quả nghiên cứu của nhóm và những đánh giá sơ bộ của các học giả về nội dung các dòng chữ khắc trên hai tấm bia này được không?
- Theo nghiên cứu sơ bộ của nhóm chúng tôi, đọc và dịch bước đầu của một cụ cao lão trong thôn Thanh Trì (97 tuổi) và đặc biệt khi một số báo mạng đưa tin và đăng ảnh 2 tấm bia trên đã có một số học giả và chuyên gia trong nước quan tâm, có kiến thức về Hán học, văn bia, khảo cổ đã có những ý kiến đánh giá và dịch nghĩa bước đầu gửi về nhóm.
Nếu đúng như những gì chúng tôi nhận được thì có thể khẳng định 2 tấm bia cổ mà nhóm chúng tôi đã nghiên cứu, tìm kiếm, phát hiện được ngày 6/5/2018 tại khu cống cá thuộc thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng có niên đại từ thế kỷ thứ XVI, liên quan tới thân thế, sự nghiệp của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một đại thần của Vương triều Mạc.
Nếu những nhận định bước đầu trên được khẳng định rõ ràng, 2 bia đá cổ trên sẽ rất quý, rất có giá trị về nhiều mặt: Lịch sử, văn hóa, rất có thể sẽ là chìa khóa để giới khoa học, học giả, sử học mở ra nhiều điều bí ẩn về Cụ Trạng, về một giai đoạn lịch sử của đất nước ta. Nhưng rất tiếc là sau khi có những thông tin về quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, phát hiện được 2 tấm bia trên được đăng tải trên các báo và mạng, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp làm việc tại xã (không mời nhóm chúng tôi tham dự), sau đó có 2 văn bản báo cáo UBND thành phố:
- Văn bản số 820/SVHTT-QLDSVH, ngày 8/5/2018. Trong đó có quy kết nhóm chúng tôi thăm dò, khai quật khảo cổ tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng là sai quy định của pháp luật.
- Văn bản số 926/SVHTT-QLDSVH ngày 18/5/2018, trong đó Sở Văn hóa -Thể thao Hải Phòng kết luận 2 tấm bia trên là hiện vật trôi nổi; không rõ nguồn gốc. Vì vậy đề nghị UBND thành phố chỉ đạo không tiếp tục cho nghiên cứu nữa.
Chúng tôi cho rằng những ý kiến mang tính kết luận và đề xuất tại 2 văn bản trên của Sở Văn hóa - Thể thao, cơ quan quản lý nhà nước cao nhất của thành phố Hải Phòng về lĩnh vực Di sản văn hóa là chưa cẩn trọng khi ứng xử với lịch sử, với di sản nhất là đối với bậc đại tiền nhân như Cụ Trạng Trình.
- Xin Tiến sỹ nói cụ thể hơn ý kiến của mình đối với việc Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng ra các văn bản pháp lý đánh giá giá trị hai tấm bia và đề nghị không cho nghiên cứu tiếp?
– Tôi cho rằng, một khi mọi việc chưa được chính ngôn, chưa được các tổ chức khoa học đầu ngành có pháp nhân, uy tín, tổ chức nghiên cứu, giám định, xác định thật kỹ lưỡng, với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài đưa ra kết luận chính thức thì chưa có thể kết luận được điều gì. Những cán bộ ở Sở Văn hoá - Thể thao Hải Phòng chưa đủ trình độ đánh giá nội dung và xuất xứ của các di ngôn trên hai tấm bia này.
Thử hỏi nếu nội dung ở 2 văn bia trên là những lời sấm truyền của Cụ Trạng chưa được phát hiện, chưa được công bố, chỉ dẫn một điều gì đó có liên quan tới lịch sử, tới đại sự quốc gia lại bị gạt bỏ bởi sự nhận thức, hiểu biết, đơn giản thực thi không đúng quy định của pháp luật thì những hệ lụy về mặt khoa học, về lịch sử, thậm chí những điều còn lớn hơn nữa sẽ như thế nào?
– Vâng, trước những sự việc như trên, nhóm các ông có ý kiến đề nghị gì với các cấp có thẩm quyền không?
– Từ những phân tích trên, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã có văn bản chính thức gửi tới UBND thành phố Hải Phòng, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hải Phòng, UBND Huyện Tiên Lãng, Bảo tàng Hải Phòng và UBND Xã Kiến Thiết đề xuất, kiến nghị một số vấn đề sau:
1. Việc dành nhiều tâm huyết, thời gian, công sức, thậm chí vật chất của nhóm nghiên cứu chúng tôi bằng các phương pháp khoa học tổng hợp để phát hiện ra hai tấm bia cổ trên là một đóng góp đối với Cụ Trạng, đối với Hải Phòng, cần được các cấp, các ngành thành phố Hải Phòng nhận thức đúng, có sự trân trọng để ghi nhận, động viên.
2. Hiện nay hai tấm bia trên đã được UBND xã Kiến Thiết niêm phong, quản lý, bảo quản. Trong khi chưa được các cấp có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, giám định niên đại, thật giả, chưa được tổ chức dịch thuật, vì vậy chưa xác định được giá trị đích thực của nó, đề nghị UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo việc bảo quản, giữ gìn thật tốt, tránh và tuyệt đối không để mất mát, hư hỏng ảnh hưởng tới việc nghiên cứu sau này. Mọi chi phí cho bảo quản hiện vật nhóm chúng tôi xin đảm nhiệm theo dự toán duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
3. Theo quy định của pháp luật, sau khi nhóm chúng tôi trình báo, bàn giao hiện vật, UBND thành phố sẽ phải chỉ đạo thành lập các Hội đồng thẩm định niên đại, tổ chức dịch nội dung bia đảm bảo công khai, minh bạch, thực sự khoa học. Sau khi có kết quả sẽ chính thức công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và xác định kế hoạch nghiên cứu tiếp.
Trường hợp Thành phố chấp nhận đề xuất của Sở Văn hóa -Thể thao cho dừng nghiên cứu (vì là hiện vật trôi nổi, không rõ nguồn gốc) đồng nghĩa với hai tấm bia không có giá trị khoa học, chúng tôi đề nghị UBND thành phố chỉ đạo giao lại cho nhóm chúng tôi 2 tấm bia trên để chúng tôi báo cáo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có đủ thẩm quyền và trình độ chuyên môn theo quy định của pháp luật để họ tổ chức việc nghiên cứu và thẩm định. Mọi chi phí cho việc nghiên cứu, thẩm định tiếp theo nhóm chúng tôi sẽ tự chi trả. Hiện chúng tôi đang chờ hồi âm của các cơ quan trên.
- Vâng! Xin cám ơn Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh! Chúc công việc nghiên cứu của nhóm ông sẽ đạt được những kết quả khoa học thuyết phục, đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc Việt Nam.
http://vnca.cand.com.vn/Ly-luan/Xung-quanh-viec-phat-hien-hai-tam-bia-nghi-la-cua-trang-trinh-Nguyen-Binh-Khiem-494588/
---
BỔ SUNG
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.