Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/06/2018

Giá trị văn hóa, triết lí giáo dục (bài Trần Ngọc Thêm)


Các bài dưới đây lấy từ trang Trần Ngọc Thêm.

Xếp theo thứ tự từ dưới lên như mọi khi.

---

2.

Chủ nhật, 06 Tháng 4 2014 15:23

Nghiên cứu về hệ giá trị ở Trung Quốc

  • NGHIÊN CỨU VỀ HỆ GIÁ TRỊ Ở TRUNG QUỐC

  • TT VHHLL&UD
Nghiên cứu về hệ giá trị ở Trung Quốc
Vừa qua, đoàn nghiên cứu về hệ giá trị ở Trung Quốc của đề tài cấp Nhà nước KX.04.15/11-15 “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ Công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” do Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM chủ trì, với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lí luận & Ứng dụng, chủ nhiệm đề tài, làm trưởng đoàn, đã thực hiện một chuyến đi công tác 10 ngày (24/4 – 03/5/2013) tại hai địa phương của Trung Quốc là Bắc Kinh và Thiểm Tây để trao đổi khoa học và tìm hiểu về hệ giá trị truyền thống và xây dựng hệ giá trị ở Trung Quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ở các địa phương này, Đoàn có một số buổi tọa đàm khoa học với các giáo sư, nhà khoa học làm việc tại các trường đại học và viện nghiên cứu Trung Quốc tổ chức tại Trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) và Trường Đại học Sư phạm Tây An (Thiểm Tây). 

Đoàn chụp ảnh lưu niệm với các Giáo sư Trường đại học Thanh Hoa – Bắc Kinh
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm Tặng Kỷ niệm chương cho Trường Đại học Thanh Hoa
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm Tặng quà lưu niệm cho trường Đại học Sư phạm Tây An
Tại các buổi tọa đàm khoa học này, về phía Việt Nam, GS. TSKH Trần Ngọc Thêm đã trình bày báo cáo “Về một cách tiếp cận nghiên cứu hệ giá trị ở Việt Nam”:
GS. TSKH Trần Ngọc Thêm trình bày báo cáo
TS. Nguyễn Ngọc Thơ trình bày báo cáo tham luận “Những giá trị Nho giáo trong văn hóa truyền thống Việt Nam”:
TS. Nguyễn Ngọc Thơ đang trình bày tham luận
ThS. Nguyễn Thị Tuyết Ngân trình bày báo cáo tham luận “Hiện tượng giả dối dưới góc nhìn giá trị học”
ThS. Nguyễn Thị Tuyết Ngân báo cáo tham luận
Về phía Trung Quốc, các nhà khoa học cũng đã trình bày nhiều báo cáo tham luận về giá trị văn hóa truyền thống Trung Quốc và việc xây dựng hệ giá trị ở Trung Quốc trong giai đoạn hiện tại.
GS.TS. Liu Xiao Feng – Đại học Thanh Hoa trình bày tham luận
GS.TS. Bai Gen Xing – Đại học Sư phạm Tây An trình bày tham luận
Hai bên đã thảo luận một cách rất thẳng thắn về các vấn đề khoa học và thực tiễn mà các báo cáo đã nêu ra, về các thuận lợi và khó khăn, các kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ giá trị trong giai đoạn đổi mới và hội nhập
Các Giáo sư của Đại học Thanh Hoa đang trao đổi ý kiến

Các Giáo sư của Đại học Sư phạm Tây An đang trao đổi ý kiến
Ngoài các buổi tọa đàm khoa học, lấy ý kiến của các chuyên gia, đoàn còn chia thành các nhóm nghiên cứu tỏa ra khảo sát tại một số khu dân cư trong hai thành phố Bắc Kinh và Tây An và một số khu dân cư tại vùng nông thôn ngoại thành để tìm hiểu thêm về cuộc sống thường ngày của người dân Trung Quốc.
Đoàn còn tiến hành khảo sát và nghiên cứu việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tại các bảo tàng như Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tâyvà khảo sát, nghiên cứu việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tại các di sản nổi tiếng tại Bắc Kinh và Tây An để tìm hiểu cách thức bảo tồn các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Trung Quốc, cách thức khai thác các di sản nàyvào việc phục vụ đời sống xã hội hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch - một lĩnh vực mà Trung Quốc thực hiện khá thành công. Đồng thời so sánh việc bảo tồn các di tích cũ và xây dựng các công trình mới từ góc nhìn chuyển đổi và tích lũy giá trị cho tương lai.
Sau đây là một số hình ảnh các hoạt động nghiên cứu của đoàn khảo sát tại các địa phương của Trung Quốc:
Đoàn làm việc tại các Bảo tàng Quốc gia Bắc Kinh
... và Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây

Đoàn khảo sát tại Vạn lý trường thành
Tại Di Hòa Viên
Tại Tiền môn, Bắc Kinh
Tham quan và tìm hiểu tại Bảo tàng và khu Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng
Nghiên cứu tại Khu di tích Binh Mã Dũng
Đoàn nghiên cứu tại mộ của Tần Thủy Hoàng đế
Nghiên cứu tư liệu tại Tháp Nhạn, Tây An
... và tại Chùa Pháp Lâm, Tây An


http://tranngocthem.name.vn/tin-hoat-dong/117-nghien-cuu-ve-he-gia-tri-o-trung-quoc.html



1.

Thứ hai, 27 Tháng 6 2016 15:18

Trần Ngọc Thêm. “Giáo dục hỏng chính là do triết lý giáo dục sai lầm”



  • TRẦN NGỌC THÊM.
    “GIÁO DỤC HỎNG CHÍNH LÀ DO TRIẾT LÝ GIÁO DỤC SAI LẦM”
  • Nhật Lệ thực hiện

Trần Ngọc Thêm. “Giáo dục hỏng chính là do triết lý giáo dục sai lầm”
Cách đây 4 năm, cũng trên Báo Lao Động, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm đã thẳng thắn chỉ ra 4 trọng bệnh của nền giáo dục VN là: Bệnh thành tích, bệnh cào bằng, bệnh suy dinh dưỡng và bệnh gian dối. Trong 4 năm qua, ông đã cho rằng, 4 căn bệnh ấy chưa khái quát được thể trạng thực của nền giáo dục đang suy yếu. Trong quá trình nghiên cứu “Hệ giá trị VN từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai”, ông nhận thấy những nan đề của giáo dục VN và việc xây dựng hệ giá trị VN có quan hệ mật thiết với nhau: Muốn giải quyết được những bế tắc của giáo dục thì phải xây dựng hệ giá trị; và ngược lại, muốn xây dựng được hệ giá trị thì phải giải quyết dứt điểm những căn bệnh khó chữa của nền giáo dục, mà điểm mấu chốt là phải thay đổi triết lý giáo dục.

Vì sao ông cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi triết lý giáo dục?
- Bởi vì đất nước ta hiện nay đang lúng túng, loay hoay chưa cất cánh được. Trong khi nhiều nước Đông Nam Á vốn có xuất phát điểm thấp hơn ta mà nay đang lần lượt vượt ta. Chúng ta tuyên bố văn hóa là quan trọng nhưng ở đâu cũng chỉ thấy lo phát triển kinh tế. Thực ra, nguyên nhân tụt hậu không phải do thiếu vốn mà là do con người. Con người VN đang sa lầy trong mớ bòng bong của 30 tật xấu nghiêm trọng mà đề tài nghiên cứu hệ giá trị của chúng tôi đã xác định như: Bệnh giả dối, thói dựa dẫm, thói cào bằng, bệnh hẹp hòi, bệnh sĩ diện, bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh hình thức, bệnh nói xấu sau lưng, bệnh triệt tiêu cá nhân, bệnh thụ động, bệnh đối phó, bệnh thiếu bản lĩnh, bệnh hám lợi, bệnh đại khái, bệnh dĩ hòa vi quý, bệnh nước đôi, bệnh sống bằng quan hệ, thói tùy tiện, bệnh thiếu ý thức pháp luật, thói khôn vặt, tật ăn cắp vặt... Bốn trọng bệnh của nền giáo dục VN mà tôi đã từng nói đến cũng không nằm ngoài 30 tật xấu này. Nếu không loại trừ các tật xấu này thì làm gì cũng hỏng.
Muốn loại trừ các tật xấu này, thay đổi con người thì giáo dục là một trong năm giải pháp quan trọng để xây dựng hệ giá trị VN mới. Nhưng nghịch lý là ở chỗ con người là sản phẩm của giáo dục; chính giáo dục đã góp phần quan trọng tạo nên con người hiện nay với 30 tật xấu này; các bệnh gian dối, bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh đối phó..., trẻ em đã học được từ môi trường giáo dục (nhà trường, gia đình, xã hội) chứ ở đâu? Giáo dục hỏng như vậy chính là do triết lý giáo dục sai lầm. Cho nên, cải cách giáo dục cần phải bắt đầu từ việc thay đổi triết lý giáo dục.
Vậy triết lý giáo dục của VN cho đến nay là gì, thưa ông?
- Các quan chức thường tuyên bố những triết lý giáo dục muốn có rất hay ho, nhưng lại không xuất phát từ thực tiễn để xác định xem triết lý giáo dục của VN cho đến nay là gì. Sửa mà không biết nó thế nào nên càng sửa càng sai. Tìm triết lý giáo dục ấy ở đâu? Nó không nằm trong những điều tốt đẹp được chúng ta tuyên bố, mà nằm trong thực tiễn hoạt động giáo dục hàng ngày. Thực tiễn hoạt động giáo dục hàng ngày này là do nhu cầu của xã hội quy định.
Xã hội VN truyền thống là xã hội nông nghiệp trồng lúa nước rất âm tính, với đặc trưng cơ bản là chỉ muốn sống yên ổn, ổn định. Muốn ổn định thì xã hội cần những con người ngoan ngoãn, biết vâng lời. Bởi vậy mà triết lý giáo dục truyền thống của VN có thể tóm gọn trong bốn chữ cửa miệng mà mọi người VN, các trường học VN thường dùng, là “con ngoan, trò giỏi”. Con ngoan là biết vâng lời (Con cãi cha mẹ trăm đường con hư), trò giỏi là học thuộc bài (câu hỏi cửa miệng thường là “Đã học thuộc bài chưa?”). Nói đầy đủ hơn, đó là một triết lý giáo dục hướng đến ổn định.
Theo ông, có phải cái “triết lý” con ngoan trò giỏi, triết lý hướng đến ổn định nêu trên đã tạo ra không ít bi kịch cho đất nước?
- Nói một cách công bằng thì triết lý giáo dục này từng phục vụ rất đắc lực cho việc tạo nên sự ổn định và giữ nước trong xã hội VN truyền thống. Con ngoan trò giỏi thì xã hội đồng nhất, có đồng nhất thì mới góp phần tạo nên tính cộng đồng cao, mới hướng nội, mới phát huy được tinh thần dân tộc, bảo vệ được đất nước, giữ được ổn định và bản sắc để không bị đồng hóa.
Nhưng nay thì khác. Nay là thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; xã hội không còn hướng nội mà cần hướng ngoại; sự ổn định thời xưa đạt được nhờ đứng yên, nhìn về quá khứ, còn ngày nay một xã hội ổn định phải là xã hội phát triển, nhìn về tương lai. Chính vì không còn thích hợp nên triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi”, triết lý hướng đến ổn định đã tạo nên những bi kịch và gây nên những trở ngại.
Trước hết, nó tạo nên một xã hội hiếu danh. Chúng ta thường tự hào rằng, người VN hiếu học, nhưng thực ra là người VN không hiếu học, mà hiếu danh. Hiếu học là ham kiến thức, ham vận dụng những điều đã học vào cuộc sống. Trong khi người VN thời xưa đi học chỉ cần thi đỗ làm quan (trong một xã hội lấy ổn định làm đầu thì như thế là đủ); nhưng ngày nay mà đi học vẫn chỉ cần thi đỗ lấy bằng (nhiều người trong quá trình thì học cho có, trốn học nhờ điểm danh, lúc thi thì học thuộc lòng, học tủ, thuê người thi hộ…), học xong rồi quên hết, làm việc kém hiệu quả, “hiếu học” theo kiểu như vậy thì làm sao đất nước phát triển được?
Triết lý giáo dục hướng đến ổn định gắn liền với một xã hội mà mọi thứ đều được bao cấp; thời bao cấp qua đã lâu nhưng do có gốc từ văn hóa nên hiện tượng bao cấp vẫn còn nguyên: Trong nhà thì cha mẹ bao cấp cho con cái; ở trường thì nhà trường, thầy cô bao cấp cho học sinh; ở phạm vi quốc gia thì bộ bao cấp cho các trường, nhà nước bao cấp cho nhân dân. Xã hội bao cấp dẫn đến cơ chế “xin - cho”. Như thế thì làm sao mà đất nước phát triển được?
Triết lý giáo dục hướng đến ổn định bằng lòng với tầm nhìn tiểu nông, chỉ thấy mục tiêu rất gần. Các bậc cha mẹ VN có tâm lý chung là cho con đi học, thấy con ngồi trước “đèn sách” là yên tâm; điểm cao, xếp thứ hạng cao là hài lòng. Quan chức VN suy nghĩ và làm việc theo tư duy nhiệm kỳ, chưa hết nhiệm kỳ đã chạy chọt để kiếm cái ghế ngon lành hơn, hoặc nếu sắp nghỉ hưu thì buông trôi, tìm cách hạ cánh an toàn, còn công việc thì “để cho nhiệm kỳ sau họ làm”. Như thế thì làm sao mà đất nước phát triển được?
Ông có thể phân tích thêm về các hệ lụy của “triết lý” này?
- Triết lý giáo dục này đẻ ra rất nhiều hệ lụy. Mục tiêu “con ngoan trò giỏi” và tầm nhìn tiểu nông khiến cho người VN làm gì cũng chỉ lo đối phó, khiến cho các trường chuyên lớp chọn của chúng ta chưa bao giờ thực sự là những nơi đào tạo nhân tài, mà chỉ là những lò luyện gà chọi, không hơn không kém. Tôi từng hỏi một trong những địa phương có trường chuyên nổi tiếng: Liệu có bao giờ các vị thử thống kê xem trong số những học sinh từng giật giải quốc tế, đem lại niềm tự hào cho trường mình có bao nhiêu người đã trở thành nhà khoa học lớn? Câu trả lời gần như là con số không. Với lối đào tạo đối phó, quy mọi đề thi về những dạng bài tập mẫu để dạy cách giải thì đúng là học sinh VN không khó để qua mặt các nước bạn. Song cuộc đời đâu phải là những đề thi, và mọi giải pháp đâu phải đều có sẵn trong những bài tập mẫu? Cuộc sống đòi hỏi phải sáng tạo, và vì vậy các nước rất chú trọng đào tạo nhân tài. Nếu Ngô Bảo Châu chỉ là sản phẩm của trường chuyên VN mà không có những năm học tập và nghiên cứu ở Đại học Paris VII, Đại học Paris XI và Trung tâm NCKH QG Pháp (CNRS) thì chắc hẳn đã không thể trở thành một nhà khoa học nổi danh như hiện nay.
Triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” dẫn đến một quan niệm rất lạ lùng về việc giới hạn dung lượng sách giáo khoa (SGK). SGK PT cứ phải giới hạn trong khoảng 70 - 80 trang, SGK ĐH trong khoảng 200 - 300 trang. Mang tiếng là hiếu học mà cứ tính toán từng đồng bạc, từng trang giấy - cái lợi thì nhỏ mà cái hại thì lớn. Hại ở chỗ sách đã cô đúc ngắn gọn rồi thì chỉ còn cách học thuộc lòng. Nếu sách có sai sót nữa thì HSSV VN sẽ học thuộc lòng cả cái đúng lẫn cái sai.
Chính là do ảnh hưởng của triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” mà chúng ta đã khôi phục khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở khắp nơi, cứ tưởng rằng xã hội lộn xộn thì chỉ cần gò trẻ em vào lễ là xong. Nề nếp do lễ mang lại ở đâu chưa thấy, trong khi ai cũng biết rằng, Nho giáo và chữ lễ trói buộc con người, không cho sáng tạo thì rất rõ. Không sáng tạo, làm sao có phát triển? Triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” còn khích lệ bệnh thành tích, góp phần phát triển bệnh giả dối. Ngày xưa, khi còn sống trong môi trường văn hóa làng xã, người Việt có khéo nhưng ít giả dối, vì trong quy mô hẹp, người ta nói khéo để khỏi mất lòng nhau, chứ mọi người quá rành về nhau. Ngày nay, khi quan hệ xã hội vượt ra khỏi làng xã, mọi người không thể biết hết về nhau, cộng thêm quản lý không nghiêm, sinh ra gian dối lan tràn. Đứa trẻ bước vào lớp 1 còn ngây thơ, trung thực, bước ra khỏi lớp 12 đã học được quá nhiều kinh nghiệm dối trá từ việc viết văn theo mẫu, diễn kịch khi có đoàn kiểm tra; trước mặt cha mẹ và thầy cô chúng có thể đóng vai đứa trẻ ngoan hiền, còn khi chỉ có chúng với nhau thì… có mà trời biết!
Chúng ta cũng đã làm rất nhiều cuộc cải cách giáo dục, vì sao mà không thu được hiệu quả, theo ông?
- Chính vì lần nào cũng chỉ tập trung vào ba yếu tố bề mặt là cấu trúc, chương trình và SGK, mà không giải quyết nguyên nhân gốc ở bề sâu là triết lý giáo dục và con người, nên việc cải cách chỉ gây thêm tốn kém và rối loạn.
Thêm vào đó, với truyền thống văn hóa tiểu nông, tầm nhìn ngắn, làm gì cũng đối phó, không cân nhắc thấu đáo, nên lần nào cũng cải cách nửa vời. Ở nước khác cũng cải cách giáo dục nhưng làm rất ít, tính toán rất kỹ, có thử nghiệm rất chu đáo. Còn ở ta, rất tiếc là cuộc thực nghiệm giáo dục rất bài bản của GS. Hồ Ngọc Đại thì bị hủy bỏ, thay vào đó là cải cách “rất nhiều”, lần nào cũng làm ào ào như đánh giặc, làm sao mà có chất lượng và hiệu quả?
Vậy theo ông, nên đưa ra giải pháp nào cho tình trạng này?
- Giải pháp cốt lõi tất nhiên sẽ là phải thay đổi triết lý giáo dục từ hướng đến ổn định chuyển sang hướng đến phát triển, từ “con ngoan trò giỏi” sang con có bản lĩnh, trò dám sáng tạo.
Xã hội muốn phát triển thì văn hóa phải thiên về dương tính. Điều đó có nghĩa là xã hội phải thực sự dân chủ và hoạt động theo pháp quyền, con người phải từ bỏ chủ nghĩa cộng đồng làng xã mà thay vào đó là bản lĩnh cá nhân và ý thức cộng đồng xã hội. Phải coi trọng sự trung thực hơn là khôn khéo; ý thức trách nhiệm thay cho thói dựa dẫm; tinh thần hợp tác vì việc chung thay cho thói sĩ diện, bệnh phe nhóm; tính khoa học và sáng tạo thay cho lối làm việc đối phó, tùy tiện.
Những giá trị này phải trở thành mục tiêu mà cải cách giáo dục cần hướng tới. Từ triết lý giáo dục và mục tiêu ấy, mới tính đến những vấn đề như cấu trúc các cấp học, chương trình, SGK sao cho phù hợp; bên cạnh đó, phần quan trọng là phải thay đổi một cách cơ bản cách dạy, cách đánh giá; cách nghĩ, cách làm của các thầy cô và bộ máy quản lý giáo dục đến từng trường.
Giáo dục là công việc không phải của riêng nhà trường. Nếu ngành giáo dục và nhà trường hoạt động đơn độc thì dù cố gắng đến mấy cũng không thể thành công.
Vậy thì còn cần bổ sung thêm những giải pháp nào?
- Phải thay đổi mô hình giáo dục. Mô hình giáo dục hiện nay gồm ba yếu tố là gia đình - nhà trường - xã hội. Đây chính là sản phẩm điển hình của triết lý giáo dục hướng đến ổn định của một xã hội bao cấp, khi mà tất cả mọi người đều làm giáo dục, còn bản thân đối tượng giáo dục thì hoàn toàn bị bỏ quên, học trò không là gì trong mô hình giáo dục cả.
Trong cuốn sách của mình về hệ giá trị, chúng tôi đưa ra mô hình giáo dục gồm 5 thành tố, trong đó thành tố quan trọng nhất, thành tố trung tâm là bản thân đối tượng giáo dục. Đứa bé phải được tham gia dần, cuối cùng là tự quyết định, phải là người có trách nhiệm cao nhất với việc học của mình. Gia đình, nhà trường, xã hội đóng vai trò định hướng, tư vấn, phục vụ, hỗ trợ. Và cuối cùng, nhà nước tạo mọi khuôn khổ thể chế, pháp lý... phục vụ cho việc đào tạo con người.
Với triết lý giáo dục và mô hình giáo dục như vậy, mọi thứ như cấu trúc hệ thống, chương trình, SGK, phương pháp dạy, phương pháp đánh giá, đội ngũ GV sẽ đều phải đổi khác.
Ông nói đến đa dạng hóa tư duy, có nghĩa là phải biết chấp nhận sự khác biệt và lắng nghe phản biện?
- Nếu mỗi người có bản lĩnh thì xã hội sẽ được đa dạng hóa. Vì có bản lĩnh nên mỗi người nghĩ một kiểu. Cùng học một môn nhưng mỗi người sẽ tiếp thu một cách khác nhau. Mỗi người là một thế giới riêng biệt không ai giống ai, chứ không phải là những rô-bốt từ trong nhà máy sản xuất ra. Đa dạng hóa xã hội, đa dạng hóa tư duy thì đó mới là xã hội thực sự của con người. Đa dạng nhưng tất cả cùng nhau hướng đến những mục đích tốt đẹp nhất cho xã hội chứ không phải là đào tạo thì theo một khuôn mẫu chung còn khi đi ra xã hội thì mạnh ai nấy làm, không hợp tác được với nhau.
Tôi biết làm như vậy sẽ rất khó. Các nước phát triển đã có con người với các tiêu chuẩn của văn hóa - văn minh công nghiệp, đô thị và hội nhập rồi nên mục tiêu giáo dục của họ không hoàn toàn giống ta, ta không thể bê nguyên xi mô hình của họ vào áp dụng. Nhưng có khó vậy thì mới có thể có được con người Việt Nam có bản lĩnh, mới thay được nền giáo dục “con ngoan trò giỏi” sang nền giáo dục “con bản lĩnh, trò sáng tạo”. Tôi nghĩ chúng ta có quyền hy vọng khi nghe tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn của Vnexpress ngày 10.4 cho rằng, mục tiêu của giáo dục là tạo nên những con người thực sự nhân văn, là phát triển năng lực người học và dạy làm người, là hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra chứ không phải là bằng cấp.
Xin cảm ơn giáo sư!

http://tranngocthem.name.vn/ung-dung-vhh/xa-hoi-hom-nay/156-tran-ngoc-them-giao-duc-hong-chinh-la-do-triet-ly-giao-duc-sai-lam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.