Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/03/2018

Qua phố Nỉ, nhớ chuyện "thủ cấp giả" của Đề Thám làm Pháp phải ngậm bồ hòn

Qua phố Nỉ, ở lần đầu tiên nhiều năm trước tự nhiên lại có ý nghĩ khác về nghĩa chữ "nỉ non" trong câu ca dao cổ về Cao Bằng. Từ phố Nỉ, có đường tắt lên Cao Bằng thật. Mà dấu tích vẫn còn để lại rải rác hành trình. "Nỉ non" và "tiếng khóc nỉ non". Chẳng bao xa là đã vào đến Cầu Vồng. Cứ mỗi lần đến Yên Thế, là thế nào người ta cũng lại nhắc đến Nhã Nam - nơi bọn Pháp bêu đầu cụ Đề Thám.

Đề Thám cứ đủ quân đủ lương là lại đánh chiếm đồn Nhã Nam. Lại mất. Lại chiếm. Có đến cả chục lần. Bởi vậy, nhắc đến Nhã Nam là nhớ đến Đề Thám, hay ngược lại.

Bỗng nhớ lại chuyện cụ Đề Thám làm giả thủ cấp (thủ cấp của cụ) để Pháp bêu ngoài chợ. Bù lô bù loa lên là đã chém được đầu cụ Đề, xong Pháp lại nhanh chóng phát hiện ra là bị mắc lừa. Bởi vậy, phía Pháp chưa từng công bố ảnh chụp thủ cấp và các tài liệu năm đó.

Mưu của Đề Thám, ngày trước, đã được Quang Trung sử dụng rồi. Người giả (vua giả) đi sang nhà Thanh triều cận Càn Long, chứ lấy đâu ra người thật ! Vua thật đến Thăng Long còn khinh, không thèm ở nữa là (kì thực là không dám ở Thăng Long, mấy lần có được thì đều để cả lại cho bộ tướng mà chuồn về miền trung) ! Cái thủ cấp năm đó, là của người khác, đâu phải của Đề Thám. Thế mới bảo giỗ Lê Lai bao giờ cũng trước giỗ Lê Lợi, "hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi". Võ truyền gia của Đại Việt.

Nhà Thanh ngày trước biết được sự thật thì đã muộn, mãi lúc Càn Long qua đời lâu rồi chắc mới vỡ lẽ ! Còn Pháp khi biết không phải là đầu Đề Thám thì vội vã giấu nhẹm tất cả.

Đề Thám vẫn còn sống, ông vẫn hoạt động. Và trớ trêu thay, theo tư liệu năm 1943 từ người vợ bé của ông, thì ông lại bị mất vì dính kiết lị ! Anh hùng không qua được ải mĩ nhân đã đành, ải kiết lị cũng không thoát được. Sẽ đưa tư liệu này một dịp khác.

Về đến Hà Nội, thử ngó vào lưới trời, thì thấy thiên hạ gần đây có bàn việc thủ cấp giả ! Nhưng theo một bản khác với bản 1943 ở trên.

Tháng 3 năm 2018
Giao Blog

Dưới là tin của báo chí.

---





Thứ năm, 05/02/2015 | 19:22 GMT+7

(ĐSPL) - Gần 100 năm sau cái chết của cụ Đề, chuyện mộ phần của cụ hiện nằm ở đâu vẫn là một dấu hỏi lớn.
Với những thông tin nghi vấn về dấu tích mộ cụ Hoàng Hoa Thám được xác định ở Mai Trung (Hiệp Hòa) rồi Hố Lẩy hay làng Trủng (xã Ngọc Châu, Tân Yên, Bắc Giang)... đã thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận và các nhà nghiên cứu lịch sử. Cho tới nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng, chính xác dựa trên những chứng cứ khoa học về nơi cụ Đề Thám yên nghỉ.
Bí ẩn lời sấm truyền trong rừng thiêng Yên Thế
Dường như biết được cái chết của mình, cụ Đề đã để lại lời sấm truyền cho hậu thế mà có lẽ đến nay vẫn còn ứng nghiệm với thực tế: "Ta chết chỉ có trời biết, đất biết và quạ biết". Có lẽ do có sự trùng hợp với lời sấm truyền này mà cho đến nay bí ẩn về ngôi mộ và cái chết của thủ lĩnh Đề Thám vẫn chưa thể có lý giải nào hợp lý.
Về không gian những nơi có thể được coi là nơi Hoàng Hoa Thám tạ thế, những chuyện thêu dệt kỳ bí ngày một nhiều và được lan rộng. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Khổng Đức Thiêm, tính đến ngày 1/12/1909, ngày bà Ba Cẩn bị bắt, Hoàng Hoa Thám chỉ còn hai thủ hạ đi theo (theo lời cung của 4 nghĩa quân Yên Thế ra hàng Bonifacy ngày 6/12/1909). Ông đã bí mật về nương náu tại mỏm cao 28 mà nhân dân địa phương quen gọi là Ngàn Ván hoặc đồi Yên Lễ (nay thuộc xã Dương Lâm, Tân Yên, Bắc Giang), tạm ngừng tất cả các hoạt động về quân sự...

Kỳ 2: Lời sấm truyền và cái chết chưa lý giải của Hoàng Hoa Thám - Ảnh 1

Tượng đài Hoàng Hoa Thám sừng sững trong khu di tích Yên Thế.

Năm 1913, Bang tá Lạng Sơn Vi Văn Định 35 tuổi, được nhà cầm quyền Pháp thông báo về việc đã sát hại được Hoàng Hoa Thám, đầu đem bêu ở Yên Thế, nhờ đó đã xua tan được mối nghi ngờ trong đám quan lại người Việt và dân chúng. Nhà nghiên cứu Tôn Quang Phiệt cũng đã đề cập đến chi tiết được Vi Văn Định kể lại sự việc này trong cuốn Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám (Sở Văn hóa- Thông tin Hà Bắc (cũ) xuất bản năm 1984). Ngay thời đó, ông Định và nhiều quan lại người Việt khác đều cho rằng, đấy là một cái đầu của ai đó, còn Hoàng Hoa Thám thì đã qua đời từ trước rồi. Giới cầm quyền Pháp lúc đầu cũng tin chiếc đầu đem nộp là đầu của Hoàng Hoa Thám nên đã cử người của sở Căn cước tên là Latalette và Brault lên Nhã Nam chụp hình để lập hồ sơ và công bố trên báo chí như vụ Hà Thành đầu độc diễn ra năm 1908. Khi phát hiện bị đánh lừa, việc trưng bày thủ cấp từ 3 ngày đã rút xuống còn 2 ngày, các gương ảnh bị thu hồi, cấm phổ biến. Vì đã trót làm rùm beng sự việc nên Thống sứ Bắc Kỳ đành ngậm bồ hòn làm ngọt, vẫn đưa các nhân chứng về Hà Nội lập khẩu cung, phát tiền thưởng và thăng cho Lương Văn Phúc từ Hậu bổ lên thẳng Tri phủ phủ Quảng Oai.
Đồng hành với các sự kiện trên, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, trong trận Ngàn Ván xảy ra đêm 21/11/1911, tuy Hoàng Hoa Thám và 2 cận vệ thoát ra ngoài nhờ trận mưa đột ngột nhưng cả ba thầy trò đều bị thương, bị bỏng rất nặng rồi qua đời khoảng mùa đông năm 1911. Tuy nhiên, các tài liệu của Bouchet, Paul Charle được ghi lại trong Lịch sử Quân sự Đông Dương vẫn cho thấy, các hoạt động của cụ Đề tại Bằng Cục (1/1912), Ngọc Cục, Ngọc Châu, Thúy Cầu, Dĩnh Thép, Lèo (tháng 2 và 3/1912) mà nổi bật là việc trừng trị Phó đội Liên ở Dĩnh Thép (19/11/1912) và Đồng Cửu ở Lục Giới (24/12/1912). Nhiều người không chắc chắn, đây có phải là những hoạt động của cụ Đề hay không, nhưng có vẻ nó không ăn nhập gì so với sự kiện Hố Lẩy năm 1913 cho lắm, bởi một tướng quân dạn dày kinh nghiệm chiến đấu như cụ Đề không thể bị hai kẻ cận vệ nửa đêm lẻn vào dùng cuốc đập chết được. Lời sấm truyền của cụ Đề Thám lúc sống lại càng trở nên bí hiểm hơn bao giờ hết. Và, tất nhiên cho đến nay, tìm được ngày tháng, địa điểm Hoàng Hoa Thám qua đời, yên nghỉ là việc khó như mò kim đáy biển.

Kỳ 2: Lời sấm truyền và cái chết chưa lý giải của Hoàng Hoa Thám - Ảnh 2

Pháp đã mất hơn 2000 quân viễn chinh nhưng không tiêu diệt được Hoàng Hoa Thám.

Thủ cấp của vị sư trụ trì?
Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu, chứng cứ đủ thuyết phục để lý giải rằng Hoàng Hoa Thám (sinh năm 1858, mất năm 1913) đã rơi vào tay của giặc Pháp và bị chặt đầu, bêu tại chợ Nhã Nam. Đến nay, mọi nghiên cứu của các nhà sử học đều căn cứ vào những tài liệu của Pháp ghi lại. Một trong những tài liệu có lẽ đủ sức thuyết phục nhất, đó chính là các bản hỏi cung của chính quyền thực dân Pháp đối với hai tên gian tế - nhưng kẻ đã trực tiếp giết hại cụ Đề - sau khi đột nhập được vào hàng ngũ của cụ. Tuy nhiên, những lời khai này đều chứng tỏ mâu thuẫn, được giới nghiên cứu phân tích và bác bỏ giá trị lịch sử, cho rằng, đây là kịch bản dàn dựng của người Pháp.
Nhà nghiên cứu Tôn Quang Phiệt cho rằng, sau khi giết được cụ Đề, lẽ ra quân Pháp phải chụp ảnh thủ cấp đăng tải lên báo chí, vì việc đó rất có lợi cho chúng trong việc "khủng bố" tinh thần của nhân dân. Đằng này, chúng đã nhanh chóng cho tịch thu các bức ảnh lại và cho đến nay, người ta cũng không tài nào tìm thấy những bức ảnh đó. Chắc chắn rằng, thực dân Pháp đã phát hiện ra, đó không phải là thủ cấp của Hoàng Hoa Thám.
Cũng theo nhà nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám, TS. Khổng Đức Khiêm trong cuốn sách của mình đề cập đến việc ông Lý Đào, một cận vệ cũ của Hoàng Hoa Thám sau khi đi xem về nói với con cháu rằng, ông thường cắt tóc cho thủ lĩnh nên biết đầu của thủ lĩnh có một đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, trên khuôn mặt có bộ râu ba chòm, nhưng cái đầu cắm ở Phủ đường không có đường gồ, cằm không có râu. Ông Giáp Văn Phúc, còn gọi là Cai Cờ, cũng xác nhận với con cháu hôm 29 tháng Chạp năm Duy Tân lục niên (4/12/1913), Hoàng Hoa Thám còn về làng Lục Giới bảo hộ một món tiền của mấy gia đình (ông Thiện 50 đồng, bà Tám và bà Lộc mỗi người 10 đồng), hẹn khi nào khôi phục xong sẽ trả. Do đó, thời gian xảy ra sự việc trên, thủ lĩnh không có mặt ở Yên Thế.
Câu chuyện từ làng Lèo đều cho rằng, cái đầu mà thực dân Pháp treo tại chợ Nhã Nam kia thực chất là của vị sư trụ trì ở chùa làng. Vị Sư này có dung mạo khá giống với Hoàng Hoa Thám, cùng với đó, tuy treo thưởng cho hai kẻ giết được Hoàng Hoa Thám nhưng không thấy thông tin gì. Nhiều tài liệu ghi, quan lại của chính quyền phong kiến lúc đó cũng cho rằng, Hoàng Hoa Thám không thể bị giết tại Hố Lẩy mà có thể đã qua đời trước đó, do bị thương hoặc ốm đau, bệnh tật. Đa số người dân cho rằng, Hoàng Hoa Thám vẫn còn sống trong vùng rừng núi Yên Thế, mãi sau này mới chết vì già yếu. Việc nhà cầm quyền Pháp chỉ cho bêu đầu tại Nhã Nam có hai ngày rồi vội vã cho tẩm dầu, đốt thành tro đem đổ xuống ao hay việc họ không cho công bố ảnh thủ cấp những người chống lại bị chém giết khiến cho mối ngờ vực ngày càng tăng thêm. Điều này, trái ngược hoàn toàn với việc thường lệ của thực dân Pháp khi bắt hay giết được bất kỳ thủ lĩnh nào của nghĩa quân Yên Thế, chúng đều cho phóng viên chụp lại ảnh để gửi về Pháp chứng minh cho sự thắng lợi của chúng trước "kẻ thù cứng cựa nhất" của mình.
Còn các tài liệu của Pháp đều cho rằng, sau khi giết được cụ Đề, chúng đã cắt thủ cấp của cụ và vùi xác ở Hố Lẩy, Tổ Cú, cách Nhã Nam 2km. Nếu đúng là như vậy thì tại sao, mãi đến tận ngày nay vẫn không ai có thể biết được xác cụ Đề ở đâu. Có lẽ chỉ có một sự thật duy nhất là cụ đã mất ở một nơi bí mật nào đó...



Tướng quân trung thành của nước Việt

"Tôi ở đất nước tôi, đất của tổ tiên tôi. Chúng tôi đây, những thần dân trung thành của nước Việt. Chúng tôi vô cùng thiết tha với phong tục trong nước, không bao giờ chịu dời bỏ phong tục đó, cho dù đứng trước cái chết, vì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào Trời Đất, thần linh phù hộ cho chúng tôi làm tròn sứ mệnh".

(Thư cụ Đề gửi quân Pháp trong trận đánh Hố Chuối)

http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/ky-2-loi-sam-truyen-va-cai-chet-chua-ly-giai-cua-hoang-hoa-tham-a82421.html


---


CẬP NHẬT



2. Ngày 15/7/2023

*
Sau khi công bố bài viết TÌM ĐƯỢC ẢNH CHỤP VỤ NGƯỜI PHÁP BÊU ĐẦU ĐỀ THÁM Ở NHÃ NAM ( 2 - 1913 ) nhiều bạn đọc hỏi thêm về sự xác thực của thời điểm Đề Thám hy sinh.Trong công trình HOÀNG HOA THÁM (1836 - 1913 ) tôi đã giành vài chục trang để tập hợp gần như toàn bộ các lời kể xoay quanh câu chuyện này và khẳng định thời điểm hy sinh như người Pháp công bố là có sức thuyết phục.Vào một ngày đầu tháng 11 - 2015 tôi nhận được một phong thư gửi từ Surrey Canada của một Việt kiều có tên là Hoàng Hữu - tự nhận là chắt nội của Cụ Đề kể lại về trường hợp hy sinh của Cụ Đề và bà Ba Cẩn mà toàn bộ nội dung như 4 trang thư tôi chụp kèm theo.
Như vậy ,theo ông Hoàng Hữu ,vợ chồng Cụ Đề đều thoát khỏi bàn tay thù , tiếp tục củng cố lực lượng và tiếp tục chiến đấu nhiều năm sau đó.Đọc xong thư ,tôi thấy còn rất nhiều điều cần được làm rõ như các địa điểm mà ông bà đã tới ở vùng biên giới cụ thể ở đâu , bà Ba Cẩn làm thế nào gặp lại cụ ông ,ông Hoàng Hữu là hậu duệ của bà vợ nào của Đề Thám mà ghi trong thư là chắt nội của cụ v.v..và v.v..Dù sao ,đây cũng là một nguồn hy vọng.Chỉ có điều, theo địa chỉ trong thư ,tôi gửi ngay thư sang để giữ mối liên hệ nhưng từ đó không có thêm hồi âm nào.Đọc xong bài viết này , biết đâu sẽ có fb hữu tìm gặp được chủ nhân của bức thư mà địa chỉ có trên bì thư ,giúp tôi nối lại liên lạc.
Cũng xin nói thêm rằng , ảnh mà người Pháp chụp trong vụ bêu đầu ở Nhã Nam nếu đem so với ảnh của cụ chụp trước đó vài năm khá giống .Theo các bạn thì sao.Việc dân địa phương bảo đó là thủ cấp của vị sư chùa Lèo mà người Pháp cắt thay thế để chứng tỏ Đề Thám đã bị giết , liệu có đủ sức thuyết phục ?









https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0qw1Z8fdnRcgtEPwK2X19zaeBuj13S1PQuNN9Cp6PLbptyJtyarS1hWmtTQrykPfol&id=100088856646073



1. Ngày 15/7/2023

Một ngày sau khi dựng lên sự kiện Đề Thám và tùy tùng đã bị giết , tờ Avenir du Tonkin ( Tương lai xứ Bắc Kỳ ) ra ngày 11 -2 -1913 đã loan tin về việc các nhân viên Sở Căn cước sẽ chịu trách nhiệm chụp ảnh vật chứng trước khi nhà cầm quyền đưa thủ cấp của họ ra Nhã Nam trưng cho dân chúng được tường.Tuy nhiên, do vấp phải sự phản ứng và phủ nhận của những người được đưa đến nhận diện nên chúng phải rút ngắn thời gian bêu đầu , cho thiêu hủy thủ cấp rồi đem đổ tro cốt xuống ao Phủ đường, thu hồi các gương chụp thủ cấp ,cấm tiếp tục công bố sự việc trên.
Kể từ thời điểm đó trở đi , không ai tiếp cận được với hồ sơ về vụ bêu đầu này
May cho chúng tôi , gần đây tra cứu thông tin trên mạng ,khi vào trang của một tờ báo hay tạp chí mang tên GALLICA - AMBASSADES ET LÉGATION số ra tháng 3 - 1936 trong một bài viết về bà Hoàng Thị Thế của A.Garenne , chúng tôi bất ngờ tìm được bức ảnh chụp một thủ cấp được ghi chú là đầu của Đề Thám.Có lẽ đây chính là bức ảnh do các nhân viên Sở Căn cước chụp được vào khoảng ngày 12 - 2 -1913.
Hiện tại chúng ta chưa bàn tới việc đó có đúng là đầu của Thủ lĩnh Đề Thám hay không.Hãy tạm thời bằng lòng với việc các gương kính chụp sự việc ngày hôm đó đã được đưa về bảo quản ở Pháp chứ không bị thiêu hủy. Và nhờ vậy ,chúng ta có cái để bàn thêm về sự đúng sai quanh sự việc Đề Thám bị sát hại hay không vào thời điểm đầu xuân 1913.
*






https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0RNamDGdKhb7rkPDMY6MgAMYu71WiiTHy7nWSepoMZBdBBfHHyGaxJ4qRPF22ChnMl&id=100088856646073
..

1 nhận xét:

  1. 2. Ngày 15/7/2023

    Khổng Đức Thiêm
    24 phút ·
    THÊM CHỨNG LÝ VỀ THỜI ĐIỂM
    ĐỀ THÁM HY SINH .
    *
    Sau khi công bố bài viết TÌM ĐƯỢC ẢNH CHỤP VỤ NGƯỜI PHÁP BÊU ĐẦU ĐỀ THÁM Ở NHÃ NAM ( 2 - 1913 ) nhiều bạn đọc hỏi thêm về sự xác thực của thời điểm Đề Thám hy sinh.Trong công trình HOÀNG HOA THÁM (1836 - 1913 ) tôi đã giành vài chục trang để tập hợp gần như toàn bộ các lời kể xoay quanh câu chuyện này và khẳng định thời điểm hy sinh như người Pháp công bố là có sức thuyết phục.Vào một ngày đầu tháng 11 - 2015 tôi nhận được một phong thư gửi từ Surrey Canada của một Việt kiều có tên là Hoàng Hữu - tự nhận là chắt nội của Cụ Đề kể lại về trường hợp hy sinh của Cụ Đề và bà Ba Cẩn mà toàn bộ nội dung như 4 trang thư tôi chụp kèm theo.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.