Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/01/2018

Tấm bia đá mang niên đại cổ nhất Việt Nam ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh)

Niên đại đang được xem là thế kỉ 4.

Di vật tìm thấy gần đây ở huyện Thuận Thành - một địa bàn đặc biệt quan trọng, nơi còn thấy các di tích liên quan đến Sĩ Nhiếp và xung quanh thời điểm đó. Cũng liên quan với Sĩ Nhiếp (Nam Giao học tổ) là hệ thống Tứ Pháp.

Tấm bia này thì liên quan tới nhân vật Đào Hoàng - người Hán được cử tới làm quan ở Giao Châu.

Dưới là một ít thông tin từ phía báo chí và mạng xã hội.

---



1. Một ít ảnh của mạng xã hội (tháng 1 năm 2018)












2. Tin của báo chí

 Thứ Sáu, 06/12/2013 - 07:12









(Dân trí)- Với những căn cứ thể hiện trên bia hoàn toàn có thể khẳng định đây là tấm bia có niên đại sớm nhất Việt Nam. Văn bia có niên đại vào đầu thế kỷ thứ 4, sớm hơn niên đại của văn bia Đại Tùy được phát hiện trước đó là 3 thế kỷ.

LTS: Với những phát hiện xung quanh bia đá này, những người có chuyên môn đã khẳng định đây là tấm bia đá cổ nhất được phát hiện ở Việt Nam tính tới thời điểm này. Để độc giả có những thông tin chính xác nhất về phát hiện mới này, chúng tôi xin đăng bài viết của ông Nguyễn Phạm Bằng - cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh. 



 
Tấm bia cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 4

Vừa qua những người làm công tác nghiên cứu văn hóa đã phát hiện một tấm bia đá cổ tại nghè thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. tấm bia đá cổ gồm 2 mặt với 2 niên đại khác nhau. Mặt thứ nhất có ghi niên đại“Kiến Hưng nhị niên cửu nguyệt”, chúng tôi tạm cho rằng đây là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế (313 - 317), tức rơi vào tháng 9 năm 314. Mặt thứ hai có có dòng niên đại “Duy Tống Nguyên Gia chấp thất niên” (tức năm 450).
Kết cấu của bia gồm 2 phần: thân bia và đế bia. Thân bia được tạo tác bởi một phiến đá lớn, phần đầu bia được đục vát hai đầu thành hình tam giác tạo thành trán bia nhưng đã bị vỡ làm đôi. Đế bia là một khối đá hình hộp chữ nhật nhìn rất đồ sộ. Nếu bia vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu thì phần thân bia sẽ cao 200cm, rộng 100cm, dày 15cm; Phần đế bia có chiều dài 136cm, rộng 100cm, cao: 30cm.
Theo lời kể của nhân dân địa phương thì trước đây bia vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một vết nứt chéo ngang thân bia, vào năm 1967 máy bay ném bom của Mỹ bị rơi trúng địa phận thôn Thanh Hoài, cách vị trí bia hiện nay khoảng 300m. Khi cho nổ các quả bom còn sót lại đã gây ra chấn động mạnh khiến cho tấm bia bị vỡ làm đôi như hiện nay.




Nghè thôn Thanh Hoài, nơi phát hiện tấm bia đá cổ

Qua khảo sát chúng tôi thấy số chữ còn lại ở cả 2 mặt bia khá khiêm tốn, khoảng gần 300 chữ, mỗi mặt lại được viết theo một lối chữ khác nhau. Mặt thứ nhất có dòng niên đại Kiến Hưng nhị niên, hiện còn khoảng 120 chữ, được viết theo phong cách Lệ thư. Mặt thứ hai có niên đại Tống Nguyên Gia chấp thất niên còn khoảng 150 chữ, được viết theo phong cách Khải thư.
Hiện nay ở bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam có lưu giữ một trong những tấm bia đá cổ nhất Việt Nam, đó là tấm bia mang tên Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng bi văn, bia nguyên ở làng Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Bia có ghi niên đại là ngày mùng 8 tháng 4 năm Mậu Dần, niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (tức năm 618). Năm 2012, tại xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bảo tàng tỉnh Bắc Ninh phát hiện và công bố tấm bia tháp xá lợi có dòng niên đại được ghi rõ “Đại Tùy Nhân Thọ nguyên niên, tuế thứ Tân Dậu, thập nguyệt Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu” (tức ngày 14 tháng 10 năm 601)..
Nội dung văn bia ghi chép về nhân vật Đào Hoàng, là Đại tướng dưới thời Đông Ngô và Tây Tấn. Đào Hoàng từng làm Thứ sử Giao Châu trong khoảng 30 năm. Tuy nhiên mỗi mặt lại có một nội dung khác nhau: Mặt thứ nhất ghi chép về lai lịch, công trạng của ông; mặt thứ hai ghi chép về việc trùng tu nơi thờ tự của ông.
Văn bia gồm 2 mặt, mỗi mặt được khắc một niên đại khác nhau. Niên đại của mặt thứ nhất được ghi ở dòng cuối cùng của mặt bia: “Kiến Hưng nhị niên cửu nguyệt nhâm…”. Niên đại của mặt bia thứ 2 được ghi ở dòng thứ 5 (tính từ phải sang trái) như sau: “Duy Tống Nguyên Gia chấp thất niên, Thái tuế Canh Dần, thập nhị nguyệt (Bính Thìn)(Đúng vào niên hiệu Nguyên Gia năm thứ 27, sao Thái Tuế đóng tại Canh Dần, trước ngày 25 (ngày Canh Thìn) tháng 12 (tháng Bính Thìn)). Về niên đại Tống Nguyên Gia của mặt bia thứ hai ta có thể dễ dàng xác định được đây là niên hiệu của Lưu Nghĩa Long (424 - 453).Về niên hiệu Kiến Hưng được khắc ở mặt bia thứ nhất, theo khảo sát của chúng tôi thì từ sau năm Đào Hoàng mất (năm 300) cho đến nhà Tiền Lương thì có tới 7 lần niên hiệu Kiến Hưng được sử dụng. Trong vòng 57 năm (304 - 361) có đến 7 lần sử dụng niên đại Kiến Hưng, vậy thì niên đại Kiến Hưng được nhắc đến trong bia là niên đại nào? Giả thuyết thứ nhất, nếu theo logic về mặt thời gian thì niên hiệu Kiến Hưng của nhà Thành Hán là tương đối hợp lý, bởi theo niên đại này thì niên hiệu Kiến Hưng nhị niên sẽ là năm 305, tức 5 năm sau khi ông qua đời.
Giả thuyết thứ hai, theo chúng tôi thì đây là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế (313 - 317) vì sau khi Đông Ngô hàng Tây Tấn thì Đào Hoàng lại trở thành đại tướng dưới triều đại này. Nếu tính từ khi ông mất cho đến niên đại Kiến Hưng thứ 2, tất cả là 14 năm (từ năm 300 đến năm 314), cũng không phải là khoảng thời gian quá lâu cho việc dựng bia. Thêm vào đó, trên tiêu đề được ghi ở trán bia:“ Tấn (?) cố sứ trì tiết quán quân tướng (quân) giao châu mục đào liệt hầu bi” (Chữ “tấn” chỉ còn bộ “viết” phía dưới, chữ “quân”trong ngoặc đứng mất hẳn, đọc theo vị trí chữ và chức phong của nhà Tấn cho Đào Hoàng trong Tấn thư). Với những cứ liệu trên, chúng tôi cho rằng dòng niên đại được nhắc đến trong bia rất có thể là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế, tức niên hiệu Kiến Hưng nhị niên (314).
Trong bài viết lần này, chúng tôi mới chỉ công bố về vấn đề phát hiện một tấm văn bia quý và lược bàn về vấn đề niên đại của nó, còn về vấn đề nội dung và các vấn đề liên quan chúng tôi tạm thời chưa đề cập đến. Với hai giả thuyết về vấn đề niên đại nêu trên thì niên đại tuyệt đối của tấm bia vẫn còn là một ẩn số. Nhưng dù niên đại của nó có rơi và thời điểm nào đi chăng nữa (năm 305 hoặc 315) thì với những căn cứ hiện có chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định tính cho tới thời điểm hiện tại thì đây sẽ là tấm bia có niên đại sớm nhất Việt Nam được phát hiện, văn bia có niên đại vào đầu thế kỷ thứ 4, sớm hơn niên đại của văn bia Đại Tùy mới phát hiện trước đó là 3 thế kỷ.
Nguyễn Phạm Bằng
Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh
http://dantri.com.vn/van-hoa/thong-tin-them-ve-bia-da-co-nhat-viet-nam-1386784466.htm






---


BỔ SUNG

3.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA Ở HUYỆN THUẬN THÀNH, TỈNH BẮC NINH

11/07/2018 07:45 Số lượt xem: 943      

Thuận Thành, vốn có lịch sử - Văn hóa lâu đời và gần như hội tụ đủ truyền thống, bản sắc của nền văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc. Là một huyện nằm trong vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, ở phía nam tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm tỉnh - Tp.Bắc Ninh 15 Km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 25 Km về phía tây nam, cách TP. Hải Dương 45 Km về phía đông nam. Diện tích tự nhiên 116,04km2; dân số 155,943 nghìn người; Với 18 đơn vị hành chính gồm 17 xã và 01 thị trấn.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam tỉnh Bắc Ninh.Thuận Thành có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội nói chung, cho phát triển du lịch nói riêng. Các tuyến đường giao thông chạy qua địa hạt Thuận Thành như: Quốc lộ 38, quốc lộ 17… và các tuyến đường thủy dọc sông Đuống tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu hàng hóa và vận chuyển khách giữa Thuận Thành - Bắc Ninh với các địa phương trong vùng và cả nước. Với lợi thế địa văn hóa gần thủ đô Hà Nội, thành phố Bắc Ninh, thành phố Hải Dương, thành phố Hưng Yên, đầu mối trung chuyển khách nội địa và quốc tế lớn vào bậc nhất cả nước tạo cho Thuận Thành có cơ hội khai thác thị trường khách du lịch cả nội địa và quốc tế nhiều tiềm năng. Quốc lộ 38 đoạn từ Bắc Ninh đến quốc lộ 5, quốc lộ 17 đoạn lối tiếp từ Quốc lộ 5 từ Phú Thị về ngã tư Đông Côi- Thị Trấn Hồ là trục giao thông chính đưa khách du lịch nội địa từ Hà Nội và các địa phương, các tỉnh lân cận đến Thuận Thành. Đây là lợi thế quan trọng của Thuận Thành về mặt vị trí địa lý.

Ngày nay trên quê hương Bắc Ninh, ít có huyện thị nào lại lưu giữ được những di sản của nền văn hiến Kinh Bắc phong phú và đặc sắc như huyện Thuận Thành. Các kết quả nghiên cứu, đặc biệt từ hai cuộc hội thảo khoa học về “ Văn hóa Luy Lâu và Kinh Dương Vương” năm 1999, do UBND tỉnh Bắc Ninh và Trung Tâm KHXH & NV quốc gia tổ chức; Và cuộc Hội Thảo khoa học, về: “Khu di tích Kinh Dương Vương - Giá trị lịch sử và văn hóa” năm 2001, do Sở VHTT tỉnh Bắc Ninh và UBND huyện Thuận Thành tổ chức. Đã xác định, Luy Lâu là vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên, với vai trò đặc biệt quan trọng như đánh giá của cố GS.Sử học Trần Quốc Vượng: “ Luy Lâu là không gian điển hình đan xen, hỗn dung, tiếp xúc  - biến đổi, hội tụ và kết tinh văn hóa Việt cổ với văn hóa Phật - Ấn, Nam Á và Trung Hoa, văn hóa  Nho - Lão Trung Hoa - Đông Á để rồi hình thành bản sắc văn hóa Kinh Việt”. Những phát hiện khảo cổ học gần đây một lần nữa đã chứng minh điều đó, như: Khám phá và giải mã về cảnh quan đô thị cổ của trị sở Luy Lâu, kết cấu và niên đại của thành cổ Luy Lâu; phát hiện những mảnh khuôn đúc Trống Đồng; Tìm thấy những tấm bia đá cổ có niên đại 314 tại nghè Thanh Hoài xã Thanh Khương và tấm bia đá có niên đại 601 tại chùa Dàn (Chợ) xã Trí Quả. Các nhà chuyên môn xác định hai tấm bia được tim thấy có niên đại cổ nhất, nhì Việt Nam đều thuộc vùng Dâu – Luy Lâu. Các di tích, truyền thuyết và lễ hội về Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ; Man Nương và Tứ Pháp… Trong đó tiêu biểu là Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương ở Á Lữ, Khu di tích thành cổ Luy Lâu, di chỉ khu lò đúc đồng và việc tìm thấy khuôn đúc Trống Đồng trong thành cổ Luy Lâu… cho thấy đây là trung tâm chính trị - kinh tế - Văn hóa của người Việt ở đồng bằng châu thổ Sông Hồng từ thời dựng nước đầu tiên là nơi đây.

Phong phú và đậm đà hơn cả là hệ thống các  di tích, di sản cổ vật và tài liệu về Luy Lâu – Long Biên thời Bắc thuộc, thời phong kiến. Rồi các nguồn tài liệu về văn hóa, văn nghệ dân gian, truyền thuyết, phong tục tập quán, lễ hội và tín ngưỡng, tôn giáo…Những nguồn tài liệu ấy không chỉ phản ánh về vai trò và vị thế của Luy Lâu – Thuận Thành trong lịch sử dân tộc, mà còn là cơ sở khoa học để tìm hiểu và xác định về văn hóa của vùng đất và con người Luy Lâu - Siêu Loại - Thuận Thành trong tiến trình lịch sử văn hóa con người Việt Nam, đã đóng vai trò hội tụ nhân tài vật lực – kết tinh hình thành cá tính xứ Bắc hay bản sắc nền văn hiến Bắc Ninh - kinh Bắc, nét điển hình của cá tính Việt Nam.

         Bản sắc nền văn hiến Bắc Ninh - kinh Bắc hiện diện ở Thuận Thành thật sự tiêu biểu với những giá trị về lịch sử và văn hóa (vật thể và phi vật thể) đa dạng, phong phú. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử văn hóa, với 126 điểm di tích. Trong đó, tính đến 31/12/2017, có 72 di tích LSVH đã được công nhận và xếp hạng, gồm: 20 di tích cấp quốc gia, 02 di tích quốc gia đặc biệt, 06 bảo vật quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thuận Thành cơ bản còn giữ được tính nguyên gốc. Trong đó phải kể đến các di tích tiêu biểu, như: Chùa Dâu ( di tích quốc gia đặc biệt) - Tổ đình của Phật giáo Việt Nam, TKII/SCN; Chùa Tổ - Mãn Xá ( thờ Phật mẫu Man Nương, sinh ra Tứ Pháp Vùng Dâu - Luy Lâu); Chùa Bút Thápdi tích quốc gia đặc biệt) - Một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng ở phía Bắc. Nơi lưu giữ pho tượng phật: Thiên thủ thiên nhỡn / Nghìn mắt nghìn tay ( bảo vật quốc gia); Chùa Ngọc Khám - Linh Ứng tự, với ba pho tượng đá Tam Thế ( bảo vật quốc gia); Đền và lăng mộ Sĩ Nhiếp “Nam giao học tổ”; Khu di tích lăng mộ danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều và nhà thờ dòng họ Nguyễn Gia ở làng Liễu Ngạn; Di tích nhà thờ các vị Trạng Nguyên, như: Vũ Kiệt, Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Lượng Thái… Đặc biệt là khu di tích lăng mộ và đền thờ thủy tổ Việt Nam Kinh Dương Vương ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành…

         Với giá trị lịch sử - văn hóa, ý nghĩa, tầm quan trọng của các di sản văn hóa, đặc biệt là hệ thống các di tích lịch sử văn hóa. Huyện Thuận Thành đã và đang cùng các cấp, các ngành... từ trung ương đến địa phương phát huy nguồn lực xã hội để đầu tư, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn đạt hiệu quả cao, nhằm khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển Du Lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Cụ thể, phòng VHTT huyện đã kiểm kê, hệ thống hóa tài nguyên di tích trên địa bàn, huy động mọi nguồn lực trùng tu tôn tạo các di tích LSVH xuống cấp, phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn của Sở VHTT&DL tỉnh và Bộ VHTT&DL tiến hành nghiên cứu khảo cổ học khu vực Dâu – Thành cổ Luy Lâu; Tham mưu xây dựng đề án phát triển Du Lịch huyện Thuận Thành giai đoạn 2014 – 2020, định hướng đến 2030. Đã và đang triển khai và thực hiện một số nhiện vụ và nội dung trọng tâm của Đề Án phát triển Du Lịch, như: Tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Thuận Thành thông qua các chương trình quảng cáo có tính chất chuyên nghiệp bằng hình ảnh, đa dạng hoá các hình thức thông tin tuyên truyền; Xây dựng website về du lịch Thuận Thành; Đưa hình ảnh các điểm di tích bằng công nghệ 3D giới thiệu trên trang TTĐT của huyện…

        Để khai thác tiềm năng quý giá này phục vụ phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan thẩm nhận và tìm hiểu nghiên cứu của du khách trong và ngoài nước, UBND huyện Thuận Thành đó có sự chỉ đạo trong cụng tỏc quản lý và phân công rõ trách nhiệm của cơ quan văn hoá và chính quyền địa ph­ương sở tại nơi có di tích (điểm tham quan) về thu lệ phí và các khoản thu khác một cách hợp lý, nhằm vừa khai thác vừa bảo tồn, tôn tạo ngày một đẹp đẽ, bền vững hơn các di tích và môi tr­ường cảnh quan xung quanh di tích theo đúng quy định của UBND tỉnh. Cụ thể, tại cỏc di tớch (điểm tham quan) đều có các bảng  niờm yết giỏ dịch vụ trụng giữ xe cụng khai; thống nhất khụng thu vộ tham quan di tích của du khách đến tham quan trên địa bàn huyện. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, giới thiệu giá trị văn hoá nghệ thuật của các di tích, các điểm tham quan trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc bằng nhiều các hình thức khác nhau để thu hút khách du lịch. Tại ba di tích lớn như: Chùa Dâu, Bút Tháp và Kinh Dương Vương, đều bố trí HDV của BQL di tích tỉnh và huyện thường trực để đáp ứng nhu cầu nghe giới thiệu di tớch của du khỏch; Triển khai xây dựng cỏc cụm pano quảng cỏo giới thiệu di tớch, các biển báo chỉ dẫn, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến thăm quan; Liên hệ và ký hợp đồng với các công ty Du Lịch trong và ngoài tỉnh đón nhận các đoàn khách du lịch lữ hành đến thăm quan; Đó phối kết hợp tốt với cỏc cơ quan chuyên môn của sở VHTT&DL tỉnh giám sát và hỗ trợ công tác thực hiện các dự án, như:  Dự án trung tâm bảo tồn và giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ, tại khu vực di tích Đỡnh Tranh Đông Hồ - Song Hồ; Dự ỏn cải tạo và nõng cấp trung tõm bảo tồn, giới thiệu và phát huy nghề rối nước dân gian Đồng Ngư, tại làng Đồng Ngư – Ngũ Thái…

Những  kết quả ban đầu trong công tác quản lý và phát huy hệ thống di tích LSVH của huyện Thuận Thành, là cơ sở để các hoạt động du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch trên quê hương Thuận Thành phát triển đúng hướng, đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho địa phương và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần đảm bảo cho di tích LSVH được bền vững./.

                                           

Nho Thuận
http://thuanthanh.bacninh.gov.vn/news/-/details/22340/cong-tac-quan-ly-va-phat-huy-di-san-van-hoa-o-huyen-thuan-thanh-tinh-bac-ninh



2.
Thứ Tư, 02/10/2019, 15:26 (GMT+7)
Vừa qua tại Bắc Ninh, giới khảo cổ tìm thấy một tấm bia đá được đánh giá là cổ nhất Việt Nam.

Tuy bị vỡ làm đôi và nét chữ bị mờ nhưng các nhà khảo cổ vẫn cố gắng tìm kiếm thông điệp từ bảo vật cách đây tròn 1.700 năm.

Bia cổ thời Đông Ngô

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, ông Lê Viết Nga tiết lộ: "Vừa qua ngành khảo cổ đã phát hiện một tấm bia đá cổ tại nghè thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương (Thuận Thành). Tấm bia đá gồm hai mặt với 2 niên đại khác nhau. Mặt thứ nhất có ghi niên đại "Kiến Hưng nhị niên cửu nguyệt", tạm cho rằng là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế, khoảng tháng 9 năm 314. Mặt thứ hai có ghi niên đại "Duy Tống Nguyên Gia chấp thất niên", tức năm 450".

Khi phóng viên có mặt tại nghè Thanh Hoài, xã Thanh Khương, tấm bia vẫn nằm nguyên vị trí cũ. Do tấm bia bị vỡ làm đôi nên nửa dưới được gắn với đế, nửa trên được xếp dưới đất. Cụ Nguyễn Huy Chiện, Từ đền Thanh Hoài cho biết, địa phương đang có phương án thuê thợ đá về gắn lại cho hoàn chỉnh.

Theo quan sát của chúng tôi, kết cấu của bia gồm 2 phần là thân bia và đế bia. Thân bia được tạo tác bởi một phiến đá lớn, phần đầu bia được đục vát hai đầu thành hình tam giác tạo thành trán. Đế bia là một khối đá hình hộp chữ nhật đồ sộ. Chiều cao của tấm bia là 2m, rộng 1m và độ dày là 15cm. Phần đế bia có chiều dài 1,36m, rộng 1m và cao 0,5m.

Tấm bia bị gẫy làm đôi.

Theo cụ Nguyễn Huy Chiện, trước đây bia vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một vết nứt chéo ngang thân bia. Năm 1967, máy bay đế quốc Mỹ bị rơi trúng địa phận thôn Thanh Hoài cách bia khoảng 300m. Khi bộ đội công binh cho nổ các quả bom còn sót lại đã gây ra chấn động khiến tấm bia bị vỡ làm đôi.

Cũng theo cụ Chiện, từ khi bia bị vỡ thì dân làng xếp vào chái nhà của nghè. Củi khô xếp đống nên một thời gian dài tấm bia quý giá rơi vào quên lãng. Khi ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh đi khảo sát xếp hạng di tích, các chuyên gia lược dịch mới biết đây là tấm bia cổ kính.

Ông Lê Viết Nga khẳng định: "Với hai giả thiết về niên đại của bia thì niên đại tuyệt đối của tấm bia vẫn còn là một ẩn số. Nhưng dù niên đại của nó có rơi và thời điểm nào (năm 305 hoặc 315) thì với những căn cứ hiện có, hoàn toàn có thể khẳng định đây là tấm bia cổ nhất Việt Nam được phát hiện. Văn bia có niên đại vào đầu thế kỷ thứ IV, tức thời Đông Ngô bên Trung Quốc".

Tấm bia được xác định niên đại năm 314.

Tấm bia viết gì?

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, số chữ còn lại ở cả 2 mặt tấm bia cổ chỉ khoảng gần 300 chữ, mỗi mặt được viết theo lối chữ khác nhau. Mặt thứ nhất có dòng niên đại Kiến Hưng nhị niên, hiện còn khoảng 120 chữ viết theo phong cách Lệ thư. Mặt thứ hai có niên đại Tống Nguyên Gia chấp thất niên còn khoảng 150 chữ, viết theo phong cách Khải thư.

Nội dung văn bia ghi chép những gì hiện chưa được công bố. Nhưng ông Lê Viết Nga bật mí về nhân vật được ghi trong tấm bia là Đào Hoàng. Tuy nhiên, mỗi mặt lại có một nội dung khác nhau: Mặt thứ nhất ghi chép về lai lịch, công trạng của ông, mặt thứ hai ghi chép về việc trùng tu nơi thờ tự, tức nghè Thanh Hoài.

Niên đại của mặt thứ nhất được ghi ở dòng cuối cùng của mặt bia: "Kiến Hưng nhị niên cửu nguyệt nhâm". Niên đại của mặt bia thứ hai ghi ở dòng thứ 5 (tính từ phải sang trái): "Duy Tống Nguyên Gia chấp thất niên, Thái tuế Canh Dần, thập nhị nguyệt (Bính Thìn)".

Ông Nga cho hay, về niên đại Tống Nguyên Gia của mặt bia thứ hai ta có thể dễ dàng xác định đây là niên hiệu của Lưu Nghĩa Long (424 - 453). Về niên hiệu Kiến Hưng được khắc ở mặt bia thứ nhất, từ sau năm Đào Hoàng mất (năm 300). Giả thuyết thứ hai, thì đây là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế (313 - 317).

Một số hàng chữ trên tấm bia.

Đào Hoàng là ai?

Theo nội dung tấm bia cổ cũng như khi các nhà khảo cổ đối ứng với lịch sử Trung Quốc thì Đào Hoàng không rõ năm sinh nhưng mất năm 300. Tên tự Thế Anh, là đại tướng dưới triều Đông Ngô và Tây Tấn.

Giám đốc bảo tàng Bắc Ninh, ông Lê Viết Nga cho biết, "Tấn thư" không ghi thân thế và tổ tiên của Đào Hoàng, chỉ biết rằng ông sinh ra và lớn lên ở vùng Mạt Lăng, quận Đơn Dương thuộc nước Ngô, một trong ba quốc gia thời Tam Quốc.

Thời bấy giờ, miền đất Giao Châu thuộc vùng quản lí của Đông Ngô thường phát sinh bạo loạn. Năm 269, thấy đã mất hai châu, Tôn Hạo hoảng sợ, vội sai Ngu Dĩ làm Giám quân, Tiết Vũ làm Uy Nam tướng quân, đại đô đốc và Đào Hoàng được phong chức Thương Ngô thái thú, đem quân tiến đánh nhằm chiếm lại Giao châu.

Trận đầu ra quân, Đào Hoàng bại trận ở sông Phần phải lui về giữ Hợp Phố, hai tướng tử trận. Đào Hoàng dẫn hơn 100 quân vào tập kích Đổng Nguyên. Bên quân Tấn. Đào Hoàng nhân tình hình đó lại công hãm và chiếm được Giao Châu. Đông Ngô cho ông làm Thứ sử Giao châu.

Địa thế ba quận Vũ Bình, Cửu Đức, Tân Xương hiểm trở, lại thường có giặc cướp. Tôn Hạo sai Hoàng đem quân đánh, mở mang ba quận vào đất Ngô. Sau Tôn Hạo phong ông làm đô đốc Vũ Xương, dời đến Hợp Phố và cho viên thái thú Hợp Phố Tu Nguyên lên thay, nhưng có nghìn người Giao châu xin cho Hoàng ở lại, vua Ngô bèn cho ông ở lại Giao Châu.

Nghè Thanh Hoài.

Năm 280, Tấn Vũ Đế đem quân diệt Ngô, hạ Kiến Nghiệp, bắt sống Tôn Hạo. Tôn Hạo đích thân viết một bức thư, sai Hoàng Tức đến khuyên Đào Hoàng quy thuận nhà Tấn. Đào Hoàng khóc suốt mấy ngày, sau cùng mới chịu, sai sứ đưa ấn bao về Lạc Dương. Tấn Vũ Đế cho ông giữ nguyên chức cũ, lại ban tước Uyển Lăng hầu, Quan quân tướng quân.

Theo sử sách, Đào Hoàng ở Giao Châu hơn 30 năm, ân, oai tỏ rõ, được dân địa phương quý mến. Năm 300, ông qua đời, nhân dân kêu khóc như mất cha mất mẹ. Bởi khi còn sống, Đào Hoàng giúp dân khai khẩn, lập các làng ấp, an cư cho dân nên được yêu quý. Khi chết, dân lập đền thờ Đào Hoàng tại xã Thanh Khương (Thuận Thành) tưởng nhớ công ơn.

"Tấm bia cổ được coi như bảo vật quý nên chúng tôi có đề nghị với các cao niên địa phương được trưng dụng để hàn gắn và bảo quản. Tuy nhiên, địa phương cho rằng đó là bảo vật truyền đời nên giữ lại và có phương án trùng tu và để tại nghè Thanh Hoài".

Ông Lê Viết Nga(Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh)

Theo Trần Thế/Kiến thức






https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tiet-lo-thu-vi-ve-tam-bia-da-co-nhat-viet-nam/20191001012746593

1.
Nghè làng Thanh Hoài đón nhận danh hiệu di tích lịch sử văn hóa

18/09/2013 04:14 Số lượt xem: 395
      
Ngày 18/9/2013 UBND xã Thanh Khương long trọng tổ chức buổi lễ đón bằng xếp hạng di tích nghè làng Thanh Hoài xã Thanh Khương. Đến dự buổi lễ có các đ.c lãnh đạo sở văn hóa thể thao và du lịch lịch tỉnh, các đ.c trong ban quản lý các khu di tích tỉnh. Đ.c Nguyễn Văn Phúc phó chủ tịch UBND huyện.

Căn cứ vào thần tích, thần sắc năm 1938 của làng Thanh hoài hiện còn lưu giữ tại viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội cho biết, Nghè làng Thanh Hoài xã Thanh khương là nơi thờ phụng thành hoàng làng “Trì tiết quan quân tướng Giao Châu mục Đào Hoàng” Ông là người mưu lượt trí dũng, đặc biệt ông là người có tâm nhân hậu, thích làm việc thiện, thường giúp đỡ người nghèo vì vậy được nhân dân trong vùng quý mến. Sau khi ông mất được nhân dân 2 thôn Thanh Hoài và Đại Tự xã Thanh Khương thờ làm thành hoàng làng.  Nghè làng Thanh Hoài được xây dựng từ lâu đời vẫn ở vị trí cũ, trên nền đất cao hơn với xung quanh, có hình tựa búp sen nhô lên khỏi mặt nước. Trải qua các giai đoạn lịch sử và chiến tranh tàn phá nghè vẫn được nhân dân gìn giữ, trùng tu, xứng đáng là chốn thiêng của làng, Đặc biệt tại nghè hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, trong đó có tấm bia đá rất có giá trị, nói lên chứng tích của nghè.







Tại buổi lễ đón nhận danh hiệu di tích lịch sử, Đảng ủy, UBND xã Thanh Khương đã giao nhiệm vụ cho bqn quản lý thôn Thanh Hoài và nhân dân trong thôn quản lý, bảo vệ và phát huy tốt giá trị của di tíchl ịch sử văn hóa, trở thành tài sản quý của quê hương ./.

Quốc Hoàn

http://thuanthanh.bacninh.gov.vn/news/-/details/22340/nghe-lang-thanh-hoai-on-nhan-danh-hieu-di-tich-lich-su-van-h-1
..
..

1 nhận xét:

  1. 2.
    Thứ Tư, 02/10/2019, 15:26 (GMT+7)
    Tiết lộ thú vị về tấm bia đá cổ nhất Việt Nam
    Vừa qua tại Bắc Ninh, giới khảo cổ tìm thấy một tấm bia đá được đánh giá là cổ nhất Việt Nam.
    Tuy bị vỡ làm đôi và nét chữ bị mờ nhưng các nhà khảo cổ vẫn cố gắng tìm kiếm thông điệp từ bảo vật cách đây tròn 1.700 năm.

    Bia cổ thời Đông Ngô

    Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, ông Lê Viết Nga tiết lộ: "Vừa qua ngành khảo cổ đã phát hiện một tấm bia đá cổ tại nghè thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương (Thuận Thành). Tấm bia đá gồm hai mặt với 2 niên đại khác nhau. Mặt thứ nhất có ghi niên đại "Kiến Hưng nhị niên cửu nguyệt", tạm cho rằng là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế, khoảng tháng 9 năm 314. Mặt thứ hai có ghi niên đại "Duy Tống Nguyên Gia chấp thất niên", tức năm 450".

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.