Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/10/2017

Phan Đăng Lưu (1902-1941) qua hồi tưởng của lớp đàn em, là Trần Văn Giàu và Tố Hữu


Bài của tác giả Phan Xuân Hậu.



---



NGHIÊN CỨU - PHÊ BÌNH - TRAO ĐỔI


21/07/2017
Sinh thời, một lần đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, khi đến phòng trưng bày hình ảnh Phan Đăng Lưu, Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói: Phan Đăng Lưu là nhà trí thức cách mạng tiêu biểu.
Trong sự nghiệp đấu tranh của mình, Phan Đăng Lưu đã dìu dắt nhiều thế hệ đàn em trưởng thành để rồi sau đó họ trở thành những hạt nhân lãnh đạo cách mạng. Trong những người tôn vinh ông là thầy có những tên tuổi lớn như Giáo sư, nhà cách mạng lão thành Trần Văn Giàu và Nhà thơ nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu.
Trong bài trả lời phỏng vấn (của nhà nghiên cứu văn học Thái Doãn Hiểu) trên báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), khi được hỏi: “Xin chú kể đôi điều về người bạn Phan Đăng Lưu của chú?” (1). Giáo sư Trần Văn Giàu đã trả lời:
- Phan Đăng Lưu là người thầy, người anh của tôi chứ sao gọi là bạn. Anh là người tả xung hữu đột trên mặt trận báo chí trong thập kỷ 20 và 30 của thế kỷ XX. Tôi nên người, nên ngày hôm nay cũng là nhờ công dìu dắt của ảnh.
Cụ Phan Đăng Thành (cháu họ Phan Đăng Lưu, nguyên đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu 4), người đã có nhiều năm trông coi Khu di tích Phan Đăng Lưu, nói: “Hôm cải táng hài cốt Phan Đăng Lưu ở Bà Điểm (TP. Hồ Chí Minh), ông Trần Văn Giàu đã đến và khóc”.
Dong-chi-Phan-Dang-Luu

Đồng chí Phan Đăng Lưu
Trong bài “Gặp nhà thơ Tố Hữu” (2) của nhà văn Anh Đức đăng trên Tạp chí Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ Tố Hữu kể lại:
“… Sau khi được ông Bùi San giới thiệu để tôi (Tố Hữu – NV) gặp Hải Triều và Lê Duẩn để đọc sách nhưng vẫn chưa thỏa mãn vì có nhiều cuốn sách (bằng tiếng Pháp tôi đọc mà chẳng hiểu gì cả). Tôi nói với Bùi San cuốn này khó quá (cuốn Tư bản luận). Bùi San bảo: “Tao thì càng không hiểu vì tao không đọc được tiếng Tây, để tao chỉ mày một ông, cái gì ông ấy cũng biết”.
Nghe lời ông Bùi San, tôi đến gặp người chủ bút báo Dân. Đó là một người rất béo. Khi tôi bước vào thì ông đang cởi trần, mặc quần cụt. Ông niềm nở: “Cậu tìm tôi?”. Tôi hỏi mà không ngờ người mình hỏi chính là ông chủ bút báo Dân: “Tôi muốn gặp ông chủ bút?”. Ông ta nói: “Thì chính tôi đây, tôi là Phan Đăng Lưu”.
Tôi ngạc nhiên, không dè người mà Bùi San bảo là một trí thức cách mạng thông tường sách vở lại là một người hết sức giản dị và tự nhiên. Rất cởi mở không chút khách sáo, ông bảo tôi cần gì và cứ đánh trần ngồi tiếp chuyện tôi. Bây giờ, tôi mới thò cuốn Tư bản luận ra. Ông cầm lên xem và trố mắt: “Cậu mà đọc cuốn này à?”. Dừng một chút, ông nói:
- Cậu đọc chưa ra là phải, cuốn này khó đấy. Cần phải đọc những cuốn khác trước, còn cuốn này cậu đem trả đi, từ từ sẽ đọc sau.
Nghe lời ông, tôi đem trả. Khi nghe ông nói: “Thứ này khó đấy”, tôi hiểu rằng, người ở trần ngồi trước tôi có một trình độ rất cao. Ông cũng khuyên tôi khoan đọc Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử. Hãy cứ đọc sách 1 quan (sách bán giá 1 quan tiền – NV) của Nhà Bureau d’Edition. Thế là từ đó, tôi thường đến chỗ ông, người cách mạng đi trước thứ ba sau khi tôi gặp anh Hải Triều, Lê Duẩn… Đó cũng là may mắn cho tôi, một học sinh mới 16 tuổi mới tham gia Đoàn Thanh niên của Đảng. Anh Phan Đăng Lưu là một trí thức cỡ Thành chung nhưng nhờ tự học, cả Tây lẫn Hán đều giỏi. Hồi đó, anh đã là tác giả nhiều sách, trong đó có quyển Các tướng lĩnh Hồng quân Trung Hoa. Anh đã dịch quyển La Chine rouge en marche của Smidley, rồi Fils du peuple của Maurice Thorez. Riêng tôi rất mê các cuốn sách của anh, vì anh viết có lối văn rất mạnh mẽ, độc đáo. Ngoài viết và dịch sách, anh Lưu là một người chủ chốt của tờ báo Dân, một tờ báo công khai của Đảng. Một hôm, anh hỏi tôi:
- Này, đã khi nào cậu làm thơ chưa?
Tôi đáp rằng tôi rất thích làm thơ nhưng chưa bao giờ làm. Anh cười nói:
- Tôi trông cậu có tướng hơi mơ mộng, có thể làm thơ được. Cứ làm thử coi, báo tôi đang cần thơ. Dạo này, người ta cũng có gửi thơ đến tòa soạn nhưng toàn là thứ thơ ủy mị, than mây trách gió tôi không ưng.
Nghe anh nói vậy, dù chỉ ít câu ngắn ngủi, tôi cảm thấy như được tiếp thu một ý hướng, cộng vào đó là ý định muốn thử sức mình. Vài ngày sau, tôi làm một bài thơ, đem đến đưa cho anh. Đó là bài Hai đứa bé. Coi xong, anh Lưu vỗ đét vào đùi khen: “Khá, khá lắm!”, rồi cho đăng ngay vào tờ Dân. Tôi hứng khởi làm tiếp bài thứ hai, bài Vú em. Anh Lưu lại còn ngạc nhiên hơn bài trước. Anh chợt nhìn tôi, có vẻ như tự mình cũng ngạc nhiên về sự phát hiện ra tôi.
… Khi tôi đã đăng được cả gần chục bài thơ trên báo Dân thì tên tôi đã được trong Nam ngoài Bắc biết đến. Anh Phan Đăng Lưu tiếp tục động viên tôi: “Thơ cậu như vậy là được. Văn chương vô sản là thế, là văn chương bình dân, nó giản dị ngăn ngắn thôi. Chữ nghĩa phải dễ hiểu, viết cái gì phải viết cho rõ…”. Hóa ra, người thầy chỉ dạy văn chương cho tôi không phải là ông thầy trong nhà trường mà là anh Phan Đăng Lưu…”.
Khi Phan Đăng Lưu đang là yếu nhân của Đảng và “một mình chèo chống con thuyền cách mạng Việt Nam” (vì các Ủy viên Trung ương khác đã lần lượt bị bắt) (3) thì một thế hệ những nhà cách mạng đàn em của ông như Nguyễn Chí Thanh khi đó đang dần trưởng thành (năm 1939, Nguyễn Chí Thanh đang là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên). Còn những nhà lãnh đạo khác như Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt khi đó đang mới bước vào con đường cách mạng.
Như thế đủ biết vai trò của những nhà cách mạng tiền bối như Phan Đăng Lưu quan trọng như thế nào. Phan Đăng Lưu bị giặc Pháp thi hành án tử hình vào năm 1941 khi ông mới 39 tuổi. Đó là một tổn thất quá lớn đối với cách mạng. Nhưng tấm gương của ông và sự hi sinh của ông cùng với những người đồng chí của mình mãi mãi là ngọn đuốc soi sáng tâm minh của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Phan Xuân Hậu
(Yên Thành, Nghệ An)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 458
(1) Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), năm 2011.
(2) Tạp chí Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam), số 8 – 2014, trang 38-39-40-41.
(3) Đồng chí Phan Đăng Lưu (Nguyễn Thành, NXB Thuận Hóa).
http://tuanbaovannghetphcm.vn/phan-dang-luu-nguoi-thay-cach-mang/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.