Do các con cháu trong gia tộc Trần Tán công bố lần đầu tiên trên website Tronglang.com năm 2012. Hiện tại, trang này bị hỏng hay đã bị xóa bỏ hoàn toàn.
Bản đăng lại năm 2017 của Giao Blog là lấy từ lưu trữ cá nhân (lấy xuống từ Tronglang.com).
Giao Blog
Tháng 7 năm 2017 (bắt đầu)
Trang Tronglang.com năm 2012 (hiện đã không còn hoạt động) |
---
Thời tôi viết Hà Nội Lầm Than có thể cho là một thời tương đối “đèm đẹp” trên phương diện “làm người”. Thời đó, thiên hạ còn biết xấu hổ, khi phải dấn thân vào con đường làm đĩ: đĩ trai, đĩ gái. Ðã từng có nhiều bà, cô, quan niệm như một vị bác sĩ y khoa thử thời là Ðốc tơ Nguyễn văn Luyện: “Cứ ngủ với hai người đàn ông là làm đĩ rồi”. Họ chỉ có một chồng, có khi không cần yêu, cũng như đàn ông thờ một Chúa, theo một Ðạo.
Thật ra, “đĩ gái” phải là cô gái đã ăn nằm từ hai đến “thùng bất chi kỳ thình” đàn ông mà cô không hề yêu, để rồi tận cùng trong cảnh làm vợ khắp người ta, tức là cảnh làm nhà thổ như cô Thúy Kiều.
“Ðĩ trai” là những anh “đĩ chính trị”, những “Ngài bồi tây”, “Việt gian phản nước”…
Ðĩ trai, đĩ gái, đều còn biết xấu hổ ngay cả lúc soi gương. Chứ không như giờ đây giữa một cảnh tranh tối tranh sáng, chấm phá bằng nhiều mầu da mặt, đĩ gái dám thi đua ra mặt đĩ, trắng trợn lấy mầu đen-kịt làm mầu “sống-nhất”.
Ðĩ trai thì treo số trên xe hơi, trang trí ra cả ngoài cảnh nhà lầu. Chỉ có một thứ, là: tiền kiếm được, khi gập lưng “đánh đĩ”, thì họ đem giấu kín ở ngoài nước.
Vậy thì: thời ấy, cách đây bốn chục năm rồi, không có gì xấu hơn là làm đĩ, thứ nhất là “đĩ công khai”, chả hạn như đĩ nhà thổ đóng thuế, có nhà nước chăm sóc, lo dùm sức khỏe.
Làm nhà Thổ đã xấu, mà anh đi nhà Thổ lại xấu hơn. Có nghèo mạt rệp và vô duyên mọi mặt, thì mới đi chơi nhà Thổ.
Chẳng thế mà, anh nào muốn vào nhà Thổ, thường phải nhìn trước nhìn sau, rồi mới lẻn vào nhà Thổ như đi ăn trộm.
Bởi vậy mới có nghề “ngó cổng” trong nhà Thổ. Tức là nhà Thổ nuôi đĩ già đã bị đào thải, cho giữ việc ngó cổng hộ khách làng chơi.
Mụ sẽ ra lệnh:
- “Vào đi! Vào đi! Vắng người rồi!” Hay là: “Ra đi! Ra đi! Không có ai cả!”
Khách làng chơi cứ việc nghe lệnh mụ mà vào hay là ra.
Viết đến mục “Nhà Thổ”, tôi đã băn khoăn về vấn đề tài liệu “sống”, trong khi trái lại, tài liệu sống về “Cô đầu, gái nhảy” kiếm dễ như mua đồ trong tiệm hàng sang trọng.
Anh Ritz, tức anh Gia-Trí, chuyên minh họa cho thiên “Hà Nội Lầm Than”, có lần đã nói với tôi:
- “Ta chỉ cần không khí, tức là cái ambiance và khuôn cảnh tức cái cadre. Còn nhân vật thì, đấy: Tất cả đều ở ngoài trời, giữa xã hội, tha hồ sáng tác. Sáng tác được một cô gái cấm cung, thì sao lại không sáng tác được một con nhà thổ?”
Rồi chính anh lại yêu cầu tôi đưa anh đi … nhà thổ, để anh ghi lại vài nét chính của khung cảnh, không khí nhà thổ.
Hà Nội thời ấy thường lấy tên nghề nghiệp, món hàng mà đặt tên cho phố. Chả hạn, phố Hàng Mành bán toàn mành mành, Hàng Bông bán bông, Hàng Hòm bán rương, Hàng Bạc bán vàng bạc, Hàng Mắm bán mắm, Hàng Muối bán muối, phố Hàng Vải bán vải.
Thảng hoặc mới có hàng thịt chó len vào giữa phố Hàng Hòm, là phố có nhà ở của Tú Mỡ. Hay là có nhà Thổ, ngoài treo hình hai quả đào, gọi là nhà bà Hai Quả Ðào, ngay giữa phố Hàng Mành.
Ði nhà thổ, còn xấu hơn cả là làm nhà thổ, cho nên chúng tôi tìm đến ngõ Sầm Công, là cái ngõ có đền thờ Sầm-Nghi-Ðống, bại tướng nhà Minh. Ðó là nơi tập trung của các gánh hát, du côn, kẻ cắp, tiệm hút thuốc phiện và nhà thổ.
Kẻ đi vào nhà Thổ tại ngõ Sầm Công có thể được coi như là tay anh chị và như thế sẽ không còn bị ai để ý. Chúng tôi dến nhà thổ số 2, tương đối sạch nhất.
Anh Gia-Trí vốn người hồn nhiên, giản dị, nên anh không “lẻn” vào, mà đàng hoàng bước vào, nghênh ngang ngắm nghía. Mụ chủ nhà thổ có vẻ vì thức đêm, vì tàn ác, vì nói nhiều quá, nên quắt queo trông giống như một xác ướp. Mụ nhìn quần áo chúng tôi rồi nói rối rít bằng cả mắt, cả tay, cả mồm:
- “Vào đi, vào đi! Ðường vắng lắm! Con Nhài đâu! Chạy ù sang rạp hát réo con Xuân, cái Mộng về ngay, có khách sộp …”
Tôi theo sau anh Trí, nhưng nói trước:
- Thôi được! Một xuất thôi. Khỏi cần phải kêu Xuân hay Mộng gì gì đó. Cứ cái Nụ, cái Sen, cái Hoa gì cũng được rồi.
Mụ đáp lời bằng một câu nghề nghiệp:
- Xin cậu một đồng! Một xuất mà lị! Còn tiền đầu, tiền nước tùy cậu, đi! À quên, còn tiền ngó cổng nữa!
Và mụ cười hi hí.
Tôi trả tiền thuê một ả “không biết mặt”. Và liếc nhìn thấy anh Trí đang hí hoáy vẽ trên sổ tay. Bỗng thấy anh gật đầu, ý bảo xong rồi.
Chúng tôi quay ra. Mụ chủ xông lên trước nói:
- Ðể cháu trông ngõ cho hai cậu đã!
Tôi đáp:
- Không cần! Chúng tôi đi … “xem”, chứ có đi “chơi” nhà thổ đâu, mà sợ người ta trông thấy!
Ra đến đường, anh Gia-Trí chìa cho tôi coi những gì anh đã vẽ được, rồi nói:
- Chẳng có quái gì cả! Chỉ có bẩn và tanh quá thôi!
Tôi nhìn “bức vẽ”: chỉ thấy có hình một cái … giường! Cái đặc biệt nhất là bẩn và tanh hôi, thì lại không vẽ dược!
(còn tiếp)
---
Các entry liên quan đã đi trên blog này:
- Hồi kí của Trọng Lang Trần Tán Cửu : "Trước ngã ba lịch sử" - 4
- Hồi kí của Trọng Lang Trần Tán Cửu : "Trước ngã ba lịch sử" - 3
- Hồi kí của Trọng Lang Trần Tán Cửu : "Trước ngã ba lịch sử" - 2
- Hồi kí của Trọng Lang Trần Tán Cửu : "Trước ngã ba lịch sử" - 1
- Chuyến đi Pháp hồi đầu thế kỉ XX của nhà khoa bảng Trần Tán Bình
- Nhân vật Đông Kinh Nghĩa Thục còn ít được biết đến : Trần Tán Bình (1868-1937)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.