Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/07/2017

Về Tứ Phủ Công Đồng (một luận giải của Bách Việt Trùng Cửu)

Bài viết có một số luận giải thú vị.

Vẫn như mọi khi, ý tưởng của Bách Việt Trùng Cửu thường chạy trước tư liệu. Hoặc tư liệu thì không đủ căn cứ cho ý tưởng. Có khi tư liệu với ý tưởng mỗi thứ chạy một đằng.

Lưu về đây.

Lấy nguyên về từ trang Bách Việt Trùng Cửu.




---





Các bộ tứ trong thần điện Việt: Tứ phủ công đồng


Tín ngưỡng thờ thần trong dân gian người Việt thường được đặc trưng bởi các “bộ tứ” khác nhau. Rất đặc biệt là phần lớn các bộ tứ này được định vị theo Ngũ hành, trong đó hành Trung tâm bị ẩn đi, hoặc nói cách khác ở vị trí trung tâm chính là vị trí của con người hiện tại, được bao quanh bởi thế giới của các thần linh. Vì thế trước khi vào các bộ tứ trong thần điện Việt xin điểm qua khái niệm Ngũ hành.
Ngũ hành gồm 5 hành hay năm hình, được tượng trưng bởi các loại vật chất (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Mỗi hành đồng thời cũng tương ứng với 1 mùa (thời gian), 1 màu sắc, 1 loại linh vật, 1 phương hướng,… Có thể kê sơ bộ các tượng của Ngũ hành như sau:
– Kim: phương Trung tâm, màu Vàng, hiện tại, con Người.
– Mộc: phương Đông, màu Xanh lá cây, mùa Xuân, con Rồng (long).
– Thủy: phương Bắc (nay), màu Đen (hoặc xanh chàm đậm), mùa Đông, con Rùa (quy).
– Hỏa: phương Nam (nay), màu Đỏ, mùa Hè, con Phượng.
– Thổ: phương Tây, màu Trắng, mùa Thu, con Lân.
Các bộ tứ gặp trong tín ngưỡng dân gian có thể kể đến Tứ phủ, Tứ linh, Tứ bất tử, Tứ pháp, Tứ trấn. Một vị thần hay một nhân vật có thể tham gia các bộ tứ khác nhau vì mỗi bộ tứ được sắp xếp với quy tắc và ý nghĩa riêng.
Một ban thờ gồm Ba vị vua cha, Tam tòa thánh mẫu và Ngũ vị tôn quan.
Tứ phủ công đồng
Là thần điện của tín ngưỡng Tam Tứ phủ mà nay bị gọi thành đạo Mẫu. Bản chất của tục thờ tam tứ phủ là thờ tổ tiên, thờ những vị quốc tổ, quốc mẫu, những nhân vật có công trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, có đức với nhân dân. Tứ phủ gồm 4 phủ là Thiên phủ, Thoải phủ, Nhạc phủ và Địa phủ là 4 phạm vi Trời, Nước, Núi và Đất, là nơi ngự trị của các thần linh, con người, cây cối và các sinh linh trên thế giới này. Đứng đầu mỗi phủ có 1 vị Vua cha và 1 vị Mẫu. Thấp hơn là tới hàng các quan lớn (chỉ có trong Thoải phủ), hàng chầu bà, các ông hoàng, các cô, cậu… Ở đây chỉ nêu các vị thần đứng đầu Tứ phủ, là những nhân vật có tầm “quốc gia”. Còn các hàng (các giá đồng) thấp hơn thường mang tính địa phương ở những vùng miền riêng biệt.
+ Thiên phủ
Thiên phủ là nơi của các thần linh, được cai quản bởi Ngọc hoàng Thượng đế và Tây Vương Mẫu trong đạo Giáo.
Vua cha Ngọc hoàng Thượng đế: ông Trời Ngọc hoàng Thượng đế chính là Đế Minh, vị vua Hùng đầu tiên của sử Việt. Đền thờ chính của Hùng Vương nằm ở núi Nghĩa Lĩnh (Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ), dưới tên Đột ngột Cao Sơn. Đền thờ riêng Ngọc hoàng có ở một số nơi khác như ở đền Đậu An (Hưng Yên).
Mẫu Thượng thiên: hay còn gọi là Mẫu Cửu trùng. Đây chính là vị Tây Thiên quốc mẫu của núi Tam Đảo. Bà là người đã giúp vua Hùng đánh giặc và xây dựng đất nước từ thủa hồng mông ban đầu. Mẫu Cửu trùng trong đạo Giáo là Tây Vương mẫu hay là Cửu thiên huyền nữ.

Bệ thờ cửu trùng với 9 lớp rồng ở điện Hòn Chén (Huế).
+ Thoải phủ
Thoải phủ hay Thủy phủ trong địa lý văn hóa Việt ứng với hướng Đông, nơi có biển Đông (Động Đình) và đồng bằng sông Hồng (sông Đào). Cội nguồn của đạo Mẫu Tam Tứ phủ xuất phát từ khu vực này nên Thoải phủ đóng vai trò rất quan trọng trong thần điện của Tứ phủ.
Mẫu Thoải: vị mẫu của Thoải phủ là bà Xích Lân Long Nữ, là con gái của Long Vương Động Đình, vợ của Kinh Dương Vương. Trong các sự tích còn gọi là nàng Ba hay Quý Nương. Bà là người sinh ra Lạc Long Quân.
Vua cha Bát Hải Động Đình: đứng đầu thủy cung thì không ai khác là cha Lạc Long Quân mà người Việt coi là quốc tổ. Trong Tứ phủ Lạc Long Quân được gọi là vua cha Bát Hải Động Đình, xuất thế nơi biển Động Đình, đánh giặc Thục ở phía Tây, dựng nên nước Đào – Hoa – Hạ. Đền thờ chính là đền Đồng Bằng ở Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Ngũ vị tôn quan: Riêng Thoải phủ với vai trò lập quốc như vậy nên có thêm hàng các vị quan lớn, hợp thành ban Công đồng trong thần điện. Đây là những vị quan tướng đã theo vua cha Bát Hải làm cuộc “kháng chiến” đánh Thục và lập nên quốc gia lịch sử chính thức đầu tiên – Hoa Hạ.
Trong số 5 vị thì đáng kể nhất là Quan lớn đệ Tam và Quan lớn đệ Ngũ. Quan đệ Tam là Trưởng Lệnh hay Thổ Lệnh (Thủ Lệnh), đứng đầu quan chức của Thoải phủ. Nơi hiển danh của ông là Lảnh giang hay Yên Lệnh (nơi yên nghỉ của Trưởng Lệnh). Một số nơi ở vùng đồng bằng sông Hồng Quan đệ Tam có thể được gọi thành Quý Minh (thủy thần), xuất phát từ chữ Quý nghĩa là thứ Ba trong thứ tự Mạnh, Trọng, Quý. Quý Minh nghĩa là quan lớn thứ Ba hay đệ Tam.
Quan lớn đệ Ngũ còn gọi là Quan tuần Tranh, có lẽ là người “thi hành công vụ” chính (nay ta gọi là hành pháp). Nơi hiển danh chính là ở sông Tranh (Hải Dương). Quan đệ Ngũ còn được gọi là Thạch Khanh trong sự tích các vị thần Tam Giang của ngã ba Bạch Hạc. Vị này nổi tiếng còn bởi nỗi oan khuất, bị đày lên sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn.
Riên Quan lớn đệ Nhất thường cũng chính là vua cha Bát Hải hay Lạc Long Quân. Đền thờ của vị này có ở nhiều nơi dưới những cái tên khác nhau, như đền thờ Quảng Xung ở Hữu Vĩnh bên chân núi chùa Hương (Ứng Hòa, Hà Nội) hay đền thờ Phạm Hải ở An Cố, Thái Thụy, Thái Bình.
Sự tích ngũ vị tôn quan gặp rất phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng cho tới ngã ba Bạch Hạc Việt Trì dưới dạng ông Đào Công Bột (Bột Hải đại vương hay Bát Hải) lấy vợ sinh ra bọc trứng, nở ra 3 hoặc 5 con rắn thần, hóa thành các chàng trai, rồi được vua Hùng tuyển làm tướng phụ trách đường sông nước (thủy thần). Các vị này có công giúp vua Hùng (Lạc Long Quân) đánh giặc Thục vào quãng 4.000 năm trước, chính là thời điểm mà dân gian cho mốc bắt đầu lịch sử nước ta.

Đền thiêng Hữu Vĩnh.
+ Nhạc phủ
Nhạc phủ thường được hiểu là nơi có cây cối, chim muông sinh sống, đối lập với Thoải phủ là nơi ở của tôm cá, rồng rắn. Do Tứ phủ bắt đầu từ Thoải phủ ở phía Đông nên phần Nhạc phủ ở phía Tây có phần bị lu mờ trong tín ngưỡng. Sự chia cắt Đông – Tây có nguồn gốc sâu xa từ khi cha Rồng – mẹ Tiên tách đàn con Bách Việt thành 2, kẻ lên rừng, người xuống biển, hay là cuộc chiến Hùng – Thục được nói đến trong sự tích về Thoải phủ ở trên.
Ngũ nhạc thần vương: đứng đầu Nhạc phủ là Ngũ nhạc thần vương, không ai khác chính là Tản Viên Sơn Thánh. Vị thần này được bà mẹ nuôi là Ma Thị Cao Sơn làm di chúc lại cho toàn bộ vùng rừng núi phía Tây và được phong là Nhạc phủ kiên thượng đẳng thần.
Mẫu Thượng ngàn: vị mẫu chủ của Nhạc phủ không đồng nhất ở các nơi. Có chỗ là công chúa Quế Hoa con vua Hùng. Có chỗ là công chúa La Bình con của Sơn Tinh. Rồi có chỗ là mẫu Đông Cuông người dân tộc miền núi. Đáng chú ý nhất, Mẫu Thượng ngàn là bà chúa Lâm Thao thời Hùng Vương hay công chúa Diệu Thiện đi tu Phật ở chùa Hương, trở thành Nam Hải Quan Âm.
Tam vị chúa Mường: Do Nhạc phủ từng có thời gian tách biệt ở phía Tây miền rừng núi nên hình thành thêm một bộ 3 vị chúa bà. Mỗi chúa bà có thể ứng với 1 phủ riêng trong Tam phủ. Bà chúa Tây Thiên ứng với Mẫu Thương thiên của Thiên phủ. Bà chúa Bói đệ nhị Nguyệt Hồ ứng với miền ao nước (Thoải) của rừng núi. Bà chúa Ót (út) là bà chúa Lâm Thao ứng với Mẫu Thượng ngàn như đã nói ở trên.
+ Địa phủ
Địa phủ là chốn gần con người nhất nên rất được tôn thờ. Tuy nhiên vị trí vua cha của Địa phủ là Diêm vương còn chưa xác định là nhân vật nào. Đáng chú ý Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái cung cấp thông tin:
Giếng Việt ở miền Trâu Sơn huyện Vũ Ninh. Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới núi Trâu Sơn. Hùng Vương cầu cứu Long Quân, Long Quân truyền đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ thì sẽ dẹp được giặc. Sóc Thiên vương ứng kỳ mà sinh, cưỡi ngựa sắt đánh giặc. Tướng sĩ nhà Ân đều bỏ chạy. Ân Vương chết ở dưới chân núi, biến thành vua ở địa phủ, dân phải lập miếu thờ…
Khu vực núi Trâu Sơn ở Quế Võ (Bắc Ninh).
Nếu theo tư liệu này thì vua của Địa phủ chính là Ân Vương, người đã chết trong trận chiến với Thánh Dóng. Tuy nhiên, có lẽ nhân vật Ân Vương quá xa lạ với người Việt nên vị trí này đang để thành “khuyết danh”. Và ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí vua cha Địa phủ hiện nay có lẽ là Hưng Đạo đại vương, vốn đã có trong các ban thờ Trần triều, luôn đi kèm với các nơi thờ Tam Tứ phủ.
Vị trí Mẫu Địa phủ khá rõ ràng là Vân Cát thần nữ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Nhưng do mẫu Liễu gần con người quá, rất được sùng tín nên bà thay mặt luôn cho bà mẹ Trời, trở thành Thiên Tiên Thánh mẫu. Tuy nhiên, mẫu Liễu chỉ có thể đóng vai trò cai quản con người chứ không thể đứng đầu các thần tiên như Mẫu Cửu trùng được nên cho dù bà có được khoác áo đỏ, màu của Thiên phủ, nhưng nội dung quyền lực với người và thần của bà vẫn cần phân biệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.