Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/07/2017

Văn chương Việt Nam một lần nở hoa trên đất Phù Tang (bài Nguyễn Đình Chú)


Bài trên VHNA.

Trang cuối cuốn Hải ngoại huyết thư in thạch bản ở Tokyo, năm 1909 (xem cụ thể ở đây)
I. Việt Nam và Nhật Bản là “cùng trong một họ da vàng” (Á tế Á ca), đồng văn đồng chủng, có quan hệ bang giao lâu đời, tuy có lúc không vui nhưng gần đây thì rất tốt đẹp. Người Nhật đầu tiên có mặt ở Việt Nam là Abe Nakamorô ( tên Trung Quốc là Zhao Xeng: Triệu Hành) làm quan với nhà Đường, đời Huyền Tông, năm 776, được cử sang An Nam đô hộ phủ làm quan Tả tán kỵ thường thị (1).
Đến đầu thế kỷ XV, có một ít người Nhật đến buôn bán ở Việt Nam. Thời kỳ Toyotomi Hidaxosi (1536 – 1598) cầm quyền, một thương nhân Nhật Bản tên là Bạch Tần Hiển đưa 5 thuyền lớn đến buôn bán ở Cửa Việt thuộc Thuận Hóa, gặp nạn, được chúa Nguyễn Hoàng cứu hộ tận tình, lại có thư gửi Mạc Phủ Đức Xuyên, do đó cũng có thư phúc đáp của Mạc Phủ Đức Xuyên, đều thể hiện quan hệ bang giao rất hữu hảo. Đến thế kỷ 16, 17, Nhật Bản là nước buôn bán lớn nhất ở Việt Nam. Không chỉ đến buôn bán mà còn lập phố để sinh sống, cả ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Hội An của Đàng Trong, Phố Hiến của Đàng Ngoài là hai địa điểm có người Nhật sinh sống, làm ăn và để lại nhiều dấu ấn nhất cho tới ngày nay.
Về phía Việt Nam, người đầu tiên có mặt ở Nhật Bản, có thể là công chúa Ngọc Khoa (?) do chúa cha Nguyễn Phúc Nguyên gả cho một người Nhật là Ararak Shotarô ( Hoàng Mộc Thái Tôn Lang, được mang họ nhà chúa), năm 1620. Công chúa theo chồng về Nhật. Mất năm 1645. Còn mộ ở Nagasaki. Con cháu vẫn giữ được tấm gương soi của công chúa đem từ Việt Nam về quê chồng. Năm 1695, có 9 người ở Hội An đi thuyền vào Gia Định làm phu dịch, bị bão, trôi dạt sang Nhật Bản, được người Nhật cứu hộ, chăm sóc chu đáo, sau đó gửi qua tàu Trung Quốc trả về Việt Nam. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã có thư cảm ơn tới Trương Kỳ Trấn thủ vương của Nhật Bản, lời lẽ rất chân thành, thắm thiết và kèm theo tặng phẩm là hai bức tranh mà tới nay dòng họ Chava ở Nagoya còn giữ được : - Một bức của họa sĩ đời Minh vẽ Phật Bà Quan Âm ngồi trên tảng đa, bốn bề sóng vỗ. Theo truyền ngôn, trên đường về lại Nhật gặp bão, song nhờ có bức tranh nên gió yên biển lăng, người chủ được an toàn – Một bức tranh có tên là Giao Chỉ quốc mậu dịch hải đố mô tả con đường hàng hải từ Nhật Bản đến Việt Nam và nhiều phong cảnh của Việt Nam, nhất là khu phố Nhật ở Quảng Nam – Đà Nẵng (2)
Đặc biệt, phong trào Đông du của Việt Nam trên đất Nhật Bản từ năm 1905 đến năm 1908 là hiện tượng để lại âm vang tốt đẹp nhất trong lòng nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
II.  Phong trào Đông du dù kết thúc đáng buồn do phía chính quyền Nhật Bản gây nên, nhưng vẫn là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam dưới thời bị thực dân Pháp đô hộ. Không ít người Việt Nam hôm nay vẵn nghĩ nhiều và không phải không tiếc cho phong trào Đông du một khi nghĩ đến con đường đi của đất nước vốn không phải là chuyện đơn giản trong nhận thức của mọi người theo nhịp thời gian. Việc nghiên cứu phong trào Đông du một cách khách quan, sâu sắc, toàn diện, vẫn là một yêu cầu cần thiết và thiết thực. Phong trào Đông du mà cũng là cuộc giao duyên giữa Việt Nam và Nhật Bản, ở phần tốt đẹp, đã có nhiều mặt liên quan đến cuộc sống Việt Nam trong đó có văn chương Việt Nam. Bản tham luận có nhan đề Văn chương Việt Nam một lần nở hoa trên đất Phù Tang tại cuộc Hội thảo khoa học quốc tế do Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với sự tài trợ của Japon Foundation-Nhật Bản tổ chức, chính là nhằm làm rõ thêm giá trị và ý nghĩa của một loại thành quả hấp dẫn trong cuộc giao duyên Việt-Nhật dù không trọn vẹn nhưng vẫn là tốt đẹp này. Điều đặc biệt là sự nở hoa về văn chương được nói đến ở đây trước hết lại là thành quả của chính vị lãnh tụ Đông du của Việt Nam là Phan Bội Châu vốn cũng là của các phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX nói chung. Nhận định về cuộc đời cách mạng của mình, Phan Bội Châu đã viết: “Đời tôi một trăm thất bại không một thành công”. Riêng với công cuộc Đông du (1905–1908) thì Phan lại cho là “thời kỳ đắc ý nhất” của đời mình. Đúng thế! Đây không chỉ là “thời kỳ đắc ý nhất” của Phan Bội Châu mà còn là của phong trào cứu quốc của dân tộc Việt Nam trước thời đại cách mạng vô sản. Công cuộc Đông du diễn ra trên đất nước Nhật Bản lúc này đang là hiện tượng kinh ngạc của thế giới, thần kỳ của châu Á. Bởi Nhật Bản từ một xứ sở nằm chơi vơi giữa biển Đông, toàn đảo với đảo, thiên nhiên không đãi ngộ gì đáng kể về tài nguyên; vậy mà trước đà tấn công áp đảo của phương Tây, bằng bản lĩnh cao cường và phi thường của mình, tiến hành cuộc Duy tân Minh Trị, với khẩu hiện “tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật phương Tây”, đã giữ vững được độc lâp. Không những thế, còn trở thành một cường quốc, vừa đánh thắng nước Nga Sa hoàng trong chiến tranh Nga – Nhật (1905). Trong khi, các nước khác của Á châu, trừ Thái Lan, đều mất chủ quyền cho bọn tư bản phương Tây trên con đường tìm kiếm thị trường. Cả đến nước Trung Hoa khổng lồ quen thói bắt nạt các nước xóm giềng, cũng mất mát,  điêu đứng không nhỏ. Phong trào Đông du của Việt Nam buổi đầu được nước Nhật hào hùng như thế ủng hộ nên phát triển sôi nổi, khả quan, sao lại không là “đắc ý nhất”! Mà điều “đắc ý nhất” ở đây là từ phong trào Đông du trên đất nước Nhật Bản, cách mạng Việt Nam có sự chuyển biến về đường lối. Chuyển từ chỗ chưa thoát ra khỏi ảnh hưởng của đường lối cần vương là chỉ biết chống thực dân xâm lược giành độc lập dân tộc mà chưa nghĩ gì đến việc thay đổi chế độ xã hội, sang đường lối quân chủ lập hiến vốn là thuận theo đà tiến bộ của thế giới đã được thực tiễn nhiều nước chứng minh, tiêu biểu là Nhật Bản và Anh quốc. Sự chuyển biến về đường lối này đã tạo cho phong trào cách mạng của Việt Nam bước qua giai đoạn tự khép kín trong phạm vi quốc gia dễ cho kẻ thù khống chế, tiêu diệt, sang giai đoạn mở rộng ra phạm vi khu vực, tiếp nữa là toàn cầu, sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ này khác.
Riêng với Phan Bội Châu, người lãnh tụ Đông du, ngoài sự đắc ý chung, còn có những điều đắc ý khác. Dĩ nhiên khác mà cũng là chung. Trước hết là sự thay đổi môi trường hoạt động từ chỗ ở trong nước bị theo dõi,vây bủa, tính mạng như treo đầu sợi tóc, sang được Nhật Bản là được tự do hoạt động, tự do tư tưởng, tự do giao tiếp, tự do phát ngôn. Đành rằng cuối cùng thì Phan đã bị các nhà cầm quyền Nhật Bản trục xuất trong khi giải tán Đông du, nhưng trong mấy năm còn là hữu nghị thì Phan cũng đã có không ít điều vui, đặc biệt là có những người bạn quí Nhật Bản như: Asaba Sakitarol (Thiển Vũ Tả Hỷ Thái Lang), Kashiwabara Buntarol (Bá Nguyên Văn Thái Lang), Migazuki Toten (Cung Kỷ Thao Thiên), Inukai, Okuma… kể cả bạn Trung Hoa bấy giờ đang sống ở Nhật Bản, tiêu biểu và có ảnh hưởng lớn đối với Phan là Lương Khải Siêu. Trong thời kỳ “đắc ý nhất” này của Phan Bội Châu, lại không thể không nói nhiều đến sự “đắc ý” về văn chương vốn là một khả năng ưu việt, một vũ khí thiết cốt nhất không thể thiếu trong cuộc đời cách mạng của Phan. Rõ ràng là trên đất nước Phù Tang, ngòi bút của Phan Bội Châu mặc sức mà tung hoành, mà nở hoa.
III. Có thể là hai bài thơ có nhan đề Đông du ký chư đồng chí đã mở đầu cho văn chương Đông du của Phan Bội Châu. Nhưng tác phẩm đáng coi là mở đầu thực sự là Việt Nam vong quốc sử, vì nó thuộc loại có tiếng vang, có ảnh hưởng nhất trong văn nghiệp của Phan Bội Châu nói chung. Lời nói đầu của tác giả cho biết chính nhờ sự khích lệ của Lương Khải Siêu mà tác giả vượt qua được trạng thái “muốn viết đoạn sử mất nước… mà cơ hồ không viết nổi chữ nào”, để có tác phẩm này. Việt Nam vong quốc sử đã làm rõ nguyên nhân và sự thật về Việt Nam mất nước, biểu dương những anh hùng cứu quốc, vạch trần tội ác của thực dân Pháp, vẽ ra tương lai đất nước để phấn đấu. Sự có mặt của Việt Nam vong quốc sử đã nâng thế bút của Phan Bội Châu lên một tầm cao hơn trước. Bởi ở đây, viết không chỉ là với người Việt Nam mất nước, mà còn cho cả thế giới biết về Việt Nam mất nước, đặc biệt còn như cho cả nước Trung Hoa vẫn tự phong là “hoa hạ”, quen thói ngão nghễ với chủ nghĩa Đại Hán nhưng lúc này đã như một con voi già nằm khểnh để cho các chú sói từ chân trời Tây đến róc rỉa. Một độc giả Trung Hoa ( không rõ tên) trong bài Cảm tưởng sau khi đọc Việt Nam vong quốc sử của Sào Nam Tử đã viết (1906) : “…Than ôi ! tôi đọc sách này, trăm nỗi băn khoăn, không thể không vì người Việt mà đau buồn lo sợ! Thế nhưng tôi không phải riêng vì người Việt mà lo sợ. Tôi lại tự lo sợ cho mình hơn là lo sợ cho người Việt”(3). Việt Nam vong quốc sử được in ở Nhật Bản ngay trong năm 1905. Trung Quốc cũng in năm 1905 và 1906 thì tái bản. Nói đến tác dụng tuyên truyền của văn thơ Phan Bội Châu, thường đã phải lấy Việt Nam vong quốc sử làm dẫn chứng số một. Đã có những câu chuyện rất cảm động về ảnh hưởng của Việt Nam vong quốc sử  trong đời sống Việt Nam trong thời mất nước (chuyện về Nguyễn Thiện Thuật, về Lê Khiết sau khi đọc Việt Nam vong quốc sử).
Hải ngoại huyết thư (Thư viết bằng máu từ ngoài nước) gồm tiền biên và tục biên, viết năm 1906, đăng trên Vân Nam tạp chí , ngay sau đó in thành sách lưu hành ở Nhật và gửi về trong nước.Từ Long Lê Đại dã diễn nôm theo thể song thất lục bát để dùng làm tài liệu phổ biến trong trường Đông Kinh Nghĩa thục (1907)và khắp cả nước. Đây là một bài phú có qui mô bề thế tới mức hầu như chưa từng có với nội dung xa hẳn loại phú trường ốc của chính Phan Bội Châu trước đó bởi ở đây tất cả chỉ là chuyện cần thiết cho công cuộc vận động cứu nước. Tác phẩm vạch trần tội ác âm mưu diệt chủng dân tộc Việt Nam của thực dân Pháp bằng hai phương thức: dương bác (bóc lột công khai) và âm toan (mưu toan bí mật). Cùng là tội lỗi của vua quan nhà Nguyễn đã không dám chống Pháp xâm lược, chịu giảng hòa với chúng, để mất nước, để “dân đói dân tàn mặc dân” trong khi mình thì “cơm ngự thiện bữa ngàn quan”, sống xa hoa và nịnh bỡ lẫn nhau. Cuối cùng , tác phẩm kêu gọi đoàn kết toàn dân chống giặc cứu nước cứu nòi. Với Hải ngoại huyết thư cũng như Việt Nam vong quốc sử, Phan Bội Châu là người đầu tiên có ý thức xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc một cách rộng rãi chống thực dân Pháp giành độc lập. Từ Hải ngoại huyết thư, nhiều thanh niên ưu tú của đất nước đã lên đường Đông du và sau Đông du thất bại vẫn kiên trì đấu tranh cứu nước. Triệu Trực Trai, người Trung Hoa trong Lời giới thiệu Hải ngoại huyết thư trên Vân Nam tạp chí đã nhiệt liệt ca ngợi tác phẩm có “lời lẽ bi ai thống thiết…đối với kẻ mưu khôi phục lại đất nước thật là tường tận rõ ràng…Than ôi! những ai sắp là người Việt Nam mà chưa phải là Việt Nam, cũng nên lấy đó làm gương… tình trạng nước ta (tức Trung Hoa – NĐC) cũng có thể lấy đó làm tin”. Ý kiến của Triệu Trực Trai thêm một lần cho thấy phạm vi, tầm vóc ảnh hưởng của ngòi bút Phan Bội Châu được viết trên đất Phù Tang bấy giờ là thế nào, hẳn là không dễ có.
Tân Việt Nam cũng được viết trên đất nước Nhật Bản tại Bính Ngọ Hiên, Hoành Tân. Đây là một tác phẩm chính luận có ý nghĩa cắm mốc lớn trên con đường phát triển tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu theo hướng xây dựng một nước Việt Nam mới: độc lập, dân chủ, giàu mạnh như Nhật Bản và các nước châu Âu. Về mặt văn chương, nó cũng là một cái mốc trong sự phát triển tư duy và bút pháp chính luận của tác giả. Đặt Tân Việt Nam vào lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, cũng sẽ thấy đây là một mốc lớn đáng ghi nhớ bởi nó là bản phác thảo đầu tiên cho đất nước mô hình một xã hội dân chủ tư sản.
Sùng bái giai nhân (Tôn thờ người đẹp) viết năm 1907 với bút danh Quốc Nhân Sào Nam Tử, được Sở in chữ rời Namili Tokyo ấn hành. Đây là tác phẩm mở đầu cho một thể loại đáng nói trong văn nghiệp Phan Bội Châu: truyện anh hùng, truyện danh nhân. Trước Đông du, không ít danh nhân lịch sử đã có mặt trong phú và thơ của Phan Bội Châu nhưng chủ yếu vẫn là danh nhân trong sử sách Trung Hoa. Nay, với Sùng bái giai nhân, vừa viết về danh nhân Việt Nam, vừa viết về danh nhan thế giới dưới hình thức thể truyện do đó mà nhân vật đã có hình hài, tiểu sử, cốt truyện, thành chân dung hẳn hoi. Tác giả đã sử dụng thể loại này với ý thức nêu gương cụ thể cho mọi người noi theo mà đứng lên cứu nước, dám làm việc lớn ở đời. Riêng truyện Mẹ Lân, ngoài ý nghĩa biểu dương người yêu nước còn có ý nghĩa mở đầu cho quan điểm tiến bộ về phụ nữ và cũng là hình tượng phụ nữ rất đẹp, rất mới trong văn nghiệp của Phan Bội Châu. Với động cơ nêu gương anh hùng, Phan Bội Châu, khi nghe tin trong nước, tại Hà Nội, vào đêm 27 – 6 – 1908 , có vụ đầu độc binh lính Pháp mà bị đàn áp đẫm máu, sau ba tháng, đã cho ra đời tác phẩm Hà Thành liệt truyện (Truyện về các kiệt sĩ ở Hà Thành).
Việt Nam quốc sử khảo viết năm 1908, Nhà xuất bản Shoransha ấn hành năm 1909, cũng được bí mật chuyển về lưu hành trong nước. Tác phẩm cho thấy một nét mới trong ngòi bút của Phan Bội Châu là việc khai thác sức mạnh tinh thần cùng với những bài học trong lịch sử dân tộc. Có thể nói ở đây, Phan Bội Châu đã viết sử không lấy mục tiêu sử học làm chính. Cái chính là mượn sử để luận giải cho những vấn đề mà công cuộc cứu nước đang đặt ra với đất nước, với nhân dân đương thời. Ở đây, thông qua một trình độ hiểu biết lịch sử dân tộc khá phong phú, bằng một khả năng biện giải sắc sảo, tác giả cứ như xoáy vào đầu óc người đọc một câu hỏi lớn buộc phải tự trả lời: Tại sao? Tại sao?…dân tộc Việt Nam ta đã có một lịch sử chống ngoại xâm vẻ vang như thế mà nay lại phải chịu sống kiếp nô lệ, lầm than.
Tuồng Việt vong thảm trạng (Thảm trạng Việt Nam mất nước) in trên Vân Nam tạp chí. Tòa soạn Ái quốc báo Bắc Kinh in lại lần thứ tư năm 1909 với tên Tân hí Việt Nam vong quốc thảm. Cũng vẫn là nội dung nói lên nỗi khổ mất nước nhưng đáng nói là được viết với hình thức tuồng cố, chứng tỏ thêm một phương diện tài năng văn chương của Phan Bội Châu đang độ tung hoành trên đất Phù Tang. Theo Đông Tùng trong Đông Tùng thi văn tập thì sau ngày Đông du thất bại, Phan Bội Châu về lại Trung Hoa rồi sang Thái Lan đợi thời, đã dịch bản tuồng này vốn bằng chữ Hán sang Nôm để diễn trong các buổi sinh hoạt của Việt kiều.
Ngoài những tác phẩm trên, trong thời Dông du, Phan Bội Châu còn viết các bức thư gồm: Thư gửi Ngài Sầm Xuyên nguyên Tổng đốc Quảng Đông, Thư kính trình Việt trấn tổng binh Lưu Uyên Đình quân môn Vĩnh Phúc, Thư gửi Bá tước Ôn Trọng Tín,Thư khuyên đồng bào trong nước giúp tiền cho thanh niên du học, Thư dâng vua Thành Thái, Thư gửi Cung kỳ Thao Thiên (Miyazaki Toten), Hòa lệ công ngôn (Gửi lời hòa cùng nước mắt), Thư gửi Phan Châu Trinh, Kính gửi ngài Tiễu Thôn Thọ Thái Lang Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản…Thêm nữa là các bài báo hoặc lời tựa đăng trên Vân Nam tạp chí gồm: Bàn về cuộc chiến tranh Nga – Nhật, Ai Việt điếu Điền (Thương nước Việt Nam xót tỉnh Vân Nam), Độc Nhật Bản tính thôn Trung Quốc chi sách chí tự văn ký(Bài ký nhân đọc bài tựa của cuốn sách Chính sách thôn tính Trung Quốc của Nhật Bản, Lời tựa của cuốn sách Khóc thương người xưa, Lời bạt viết cho tập sách Viễn hải qui hồng của Nguyễn Thượng Hiền, Đề tỉnh quốc dân hồn (Gọi tỉnh hồn quốc dân). Về thơ phú, ngoài Đông du ký chư đồng chí (Gửi các đồng chí khi Đông du), còn có Ai Việt Nam (Thương xót Việt Nam), Phổ cáo Lục tỉnh văn (Bài văn phổ cáo Lục tỉnh), Kính cáo toàn quốc phụ lão (Kính cáo phụ lão cả nước), Kính quốc nhân (Kính thưa mọi người trong nước), Bài ca kêu gọi phụ nữ, Đông Dương quốc âm ca (Bài ca về Đông Dương bằng quốc âm), Nam Hải bô thần ca (Bài ca của người biển Nam xa quê hương vì việc nước)…
Đúng là với Phan Bội Châu trong mấy năm hoạt động ở đất nước Phù Tang, đã có sự lên ngôi của văn chương trên phương diện tư tưởng và tư thế sáng tác: tự do viết để cứu nước cứu nòi, viết cho đồng bào của mình đọc đã đành, còn viết cho nhân dân thế giới đọc, viết bằng đủ thể loại : văn xuôi, văn vần, thơ, phú, truyện, ký, ký pha truyện, chính luận, sử, tiểu phẩm, thư, tự, bạt, tuồng, thể tài bác học, thể tài dân gian… Dĩ nhiên, bởi viết trên đất Nhật Bản nên đã phải sử dụng Hán nhiều hơn Nôm và do yêu cầu của công tác tuyên truyền vận động cách mạng một cách trực tiếp nên đã thiên về văn chương chính luận.
Trên đất Phù Tang, thuộc phong trào Đông du, bên cạnh văn chương của Phan Bội Châu, Hoàng giáp chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền đến sau nhưng cũng góp thêm những bông hoa tươi thăm. Đó là các tác phẩm : Viễn hải qui hồng (Chim hồng từ biển xa bay về) được Nhà sách Quan Căn Thạch, Đông kinh, Nhật Bản xuất bản bằng ba thứ chữ: Hán, Nôm, Quốc ngữ trong năm 1908 và các tác phẩm: Xuất dương di đồng bào thư (Thư đưa đồng bào) vừa Hán vừa diễn Nôm, Đông học thư thân ca (Bài ca của học sinh Đông du) nguyên văn chữ Nôm. Trong lời bạt cho Viễn hải qui hồng, Phan Bội Châu đã viết: “Ý nghĩa tinh tế của bài diễn từ thật là đầy đủ. Đó là mưu kế cho lưu học sinh nước ta, là mưu kế cho người nước ta, là mưu kế cho non sông Tổ quốc ngàn vạn năm sau. Tất cả là đây! Tất cả là đây! Đỉnh Thần tiên sinh(4) của chúng ta đã ban ơn cho chúng ta nhiều lắm”. Một học sinh Đông du về sau được sách Việt Nam nghiã liệt sử của Đặng Đoàn Bằng mệnh danh là “kỳ Nam tử”( người Việt Nam kỳ lạ), còn Phan Bội Châu thi khen có “văn chương khoa cử rất hay” là Nguyễn Đức Công ( Hoàng Trọng Mậu )- cũng để lại những dòng bình phẩm và lời bạt cho Việt Nam quốc sử khảo của Phan Bội Châu. Riêng Phan Châu Trinh không tham gia Đông du nhưng từng sang Nhật hội kiến với Phan Bội Châu và về sau, hồi sống trên đất nước Pháp đã có tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ đáng được xem là một hiện tượng thăng hoa của văn tài Phan Châu Trinh, một hiện tượng hồi sinh xinh đẹp của thể loại truyện thơ Việt Nam mà chính là phóng tác từ nguyên tác của tác giả Nhật Bản là Sài Tử Lang  đã được chuyển dịch sang Trung văn.   
                                            X
                                       X         x
Đúng là trên đất nước Phù Tang, ở thời Đông du, văn chương Việt Nam đã một lần nở hoa. Nó là sản phẩm  của tâm hồn, trí tuệ, tài năng  dựa trên cơ sở lòng yêu nước và chí khí quật cường cứu nước của người Việt Nam nhưng cũng là sản phẩm của cuộc giao duyên Việt–Nhật vốn “cùng trong một họ da vàng, đồng văn đồng chủng, ở một tình huống tốt đẹp. Hẳn là người Việt Nam và người Nhật Bản đã, đang và sẽ mãi mãi trân trọng, nâng niu, thích thú với những bông hoa văn chương tươi thắm đó.
                                                     Tân Mão , trọng thu (10-2011)
                                                             Yên Hòa thư trai
 Chú thích:
(1)        : Dựa theo sách Lịch sử Nhật Bản. Phan Ngọc Liên (chủ biên), NXB Văn hóa – Thông Tin,1995.
(2)        :  Theo sách đã dẫn.
(3)        Xem Phan Bội Châu toàn tập. Tập II, NXB Thuận Hóa, Trung Tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây,tr 9.
(4)        Đỉnh Thần: biệt hiệu của Hoàng giáp chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền.

https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/van-chuong-viet-nam-mot-lan-no-hoa-tren-dat-phu-tang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.