Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

31/05/2017

Tờ báo quốc ngữ ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ (1913-1917) : một tổng quan


Tổng quan đăng trên trang chủ của Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước.





---




Đông Dương tạp chí đã có những đóng góp không nhỏ trong việc tìm cách phổ biến chữ Quốc ngữ trong mọi tầng lớp dân chúng.
Chưa đầy chục năm sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta thì báo chí bắt đầu ra đời. Tờ báo Quốc ngữ ra đời đầu tiên ở nước ta là Gia Định báo, lúc đầu do một người Pháp là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ làm giám đốc; đến năm 1869 thì Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Càng về sau báo chí phát triển càng mạnh, có nhiều tờ nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san ra đời như: Phan Yên báo, Đại Nam Đồng Văn nhật báo, Nông cổ mín đàn, Đăng cổ tùng báo, Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí….Trong số này thì Đông Dương tạp chí được coi là tờ báo Quốc ngữ ra đời sớm nhất ở Hà Nội. (Trên thực tế Đại Việt Tân Báo (1905-1908) và Đăng Cổ Tùng Báo (1907) ra đời sớm hơn Đông Dương tạp chí; tuy nhiên hai tờ báo này không phải chỉ in chữ Quốc ngữ mà là song ngữ: một bên là chữ Hán và một bên là tiếng Việt. Như vậy về cơ bản phải đến Đông Dương tạp chí mới được in chủ yếu bằng chữ Quốc ngữ, và chỉ rất ít bài diễn văn của Toàn Quyền được kèm theo phần tiếng Pháp). Tờ báo này đã có những đóng góp rất lớn trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ.
 Đông Dương tạp chí ra số đầu tiên vào ngày 15 tháng 5 năm 1913 và đình bản vào năm 1917. Cũng có nhiều tài liệu cho rằng số cuối cùng của tạp chí được ra ngày 15 tháng 9 năm 1919, nhưng qua khảo cứu những số báo hiện nay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I còn lưu thì không thấy số báo nào của năm 1919. Đây là một phụ bản của tờ Lục Tỉnh tân văn (xuất bản ở Sài Gòn), ra vào thứ 5 hàng tuần tại Hà Nội và phổ biến rộng ở Bắc kỳ và Trung kỳ.
Tiền đề dẫn đến sự ra đời của Đông Dương tạp chí là do thực dân Pháp muốn thực hiện âm mưu “nô dịch văn hoá tinh thần người bản xứ”, như Soái phủ Nam Kỳ đề cập: “Đã đến lúc cần mở mang giáo dục, truyền bá học thuật và tư tưởng Pháp, tạo cho việc đưa chữ quốc ngữ vào quỹ đạo xâm lăng văn hoá đánh bạt chữ Nho”. Bên cạnh đó, khi chữ Hán cùng với đội ngũ nhà nho ngày một bị thu hẹp thì chữ Quốc ngữ gắn liền với đội ngũ tân học lại dần được mở rộng và sự ảnh hưởng của phương tây cũng ngày càng rõ nét. Luồng tư tưởng mới, chất liệu ngôn ngữ mới (chữ quốc ngữ) cần phải có môi trường để thể nghiệm, chính điều này đã chắp cánh cho nền văn học, báo chí phát triển. Như vậy, báo chí nói chung và Đông Dương tạp chí nói riêng đều là sự lựa chọn tối ưu của cả Pháp và giới “duy tân”. Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ cũng từng nhận định: “Đối với Schneider và những người Pháp đứng sau tờ Đông Dương tạp chí, thì mục tiêu chính trị là quan yếu nhất. Còn đối với những người Việt Nam cộng tác, đứng đầu là Nguyễn Văn Vĩnh, hẳn các ông cũng muốn lợi dụng báo để làm nơi tuyên truyền cho việc duy tân đất nước và xây dựng văn học mới...”Đấy chính là nguyên nhân, tiền đề dẫn tới sự ra đời của Đông Dương tạp chí.
Về tôn chỉ mục đích của Đông Dương tạp chí, do lúc đầu nằm trong sự tính toán xâm lược văn hóa của thực dân Pháp nên toàn bộ nội dung của tờ báo đều phải chịu sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền, và vì thế mục đích của tờ báo phải thuận lợi và phục vụ cho mục đích tuyên truyền của thực dân. Như trong mục “Cẩn cáo” trên Đông Dương tạp chí số ra mắt đầu tiên ngày 15 tháng 5 năm 1913, đã viết: “Bản báo vì có việc nguy-biến phải vội-vàng in ra, cho nên kỳ đầu này không kịp trình duyệt-báo chư quân tử, chủ-nghĩa báo này thế nào, và lối in, lối soạn chương mục báo có những gì, không kịp nói cho rõ được. Đến kỳ sau bổn-quán xin kể minh bạch chương-trình, chủ- nghĩa. Nay hãy nói đại cương để các ngài biết. Mỗi kỳ sẽ có một bài tổng thuật các việc trong tuần-lễ, một bài đại luận về thời-sự, các điện- báo- hoàn-cầu, các điều nên biết về buôn bán…(1). Theo đó, bài cũng nêu ra: “Cổ động cho dân An-nam lấy văn Quốc-ngữ làm quốc văn, làm gốc nghề học”“Bổn quán lại mở ra một chương đề là Đăng-văn cổ để lấy ra nhờ sở- ước thực và lẽ phải của dân an-nam mà dâng lên cho chánh- phủ biết và đem những ý cao Nhà-nước mà tỏ cho dân hay(2). Và, trong số báo thứ 2, ra ngày 22/5/1913, ở mục “Chủ-nghĩa”, tôn chỉ, mục đích của Đông Dương tạp chí một lần nữa được nêu lại rõ ràng và cụ thể hơn, đó là: “Phổ biến văn hoá Tây phương, cổ động học chữ quốc ngữ, giới thiệu kiến thức thực nghiệp như canh nông, công nghệ và tuyên truyền cho chính phủ bảo hộ”. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung thì : “Tất cả các mục tiêu mà Đông Dương tạp chí đề ra đều giống với mục tiêu của phong trào Đông kinh nghĩa thục, trừ việc tuyên truyền cho chính phủ bảo hộ”.
Về cách thức trình bày của tờ Đông Dương tạp chí như sau: Ở đầu trang nhất, dưới tên Đông Dương tạp chí có viết: “Edition spéciale du “Lục tỉnh tân văn” Pour le Tonkin et L’ Annam” (ấn bản đặc biệt của Lục tỉnh tân văn ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ), tiếp đó là dòng chữ Đông Dương tạp chí được viết bằng chữ Hán, tiếp theo là phần mục lục được đặt ở phía lề bên trái của tờ báo.

  
 Trang đầu của Đông Dương tạp chí, số 1.
 Trang bìa của Đông Dương tạp chí.
 Theo những số báo mà Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I còn lưu, thì qua gần 5 năm tồn tại Đông Dương tạp chí phát triển theo các giai đoạn sau :
Từ năm 1913 (số 1- số 33) đến năm 1914 (số 34 – số 52):
Đông Dương tạp chí có khuôn khổ lớn, độ dày của báo dao động từ 16 đến 24 trang. Số lượng các chuyên mục trong mỗi số báo là khá lớn. Trong quá trình phát hành, Đông Dương tạp chí có sự thay đổi thêm bớt ít nhiều về chuyên mục, ví dụ như chuyên mục “Tân học cổ học bình luận”, và một số chuyên mục phục vụ cho các mục đích chính trị, xã hội, thời sự… lúc bấy giờ ; đặc biệt từ số 45, Đông Dương tạp chí xây dựng mục “Tân học văn tập” với hai nội dung lớn là: Văn chương khoa và sư phạm học khoa. Song về cơ bản trong hai năm này, Đông Dương tạp chí vẫn giữ nhiều chuyên mục ổn định và xuyên suốt, cụ thể là những chuyên mục:
1.                  Kính Khai
2.                  Cẩn cáo
3.                  Thời sự tổng thuật
4.                  Điện báo
5.                  Quan báo lược lục
6.                  Đông Dương thời sự
7.                  Nhời đàn bà
8.                  Văn chương
9.                  Tự do diễn đàn
10.               Dưỡng anh nhi pháp
11.               Việc buôn bán
12.               Luân lý học
13.               Sách dạy tiếng An-nam.
Năm 1915
Bước sang năm thứ 3, Đông Dương tạp chí đã có sự thay đổi cả hình thức lẫn nội dung. Về khuôn khổ, Đông Dương tạp chí từ cỡ lớn được đổi thành cỡ nhỏ, đóng thành tập như sách với số lượng trên dưới 40 trang vẫn tiếp tục ra hàng tuần. Về nội dung chủ yếu đề cập tới văn chương, học thuật. Hệ thống chuyên mục của Đông Dương tạp chí bao gồm:
1.                  Pháp văn
2.                  Hán văn
3.                  Gương phong tục
4.                  Chuyện Hoa tiên
5.                  Kim Vân Kiều
6.                  Bình phẩm sách mới
7.                  Văn Nôm cổ
8.                  Văn Nôm đàng trong
Năm 1916 (từ số 51 đến số 104)
Về hệ thống chuyên mục của Đông Dương tạp chí năm 1916, tài liệu còn lưu trữ được chủ yếu là chuyên mục Văn chương (cổ kim văn hợp thái). Chuyên mục này bao gồm các nội dung sau: Pháp văn, Hán văn, văn Nôm, Gương phong tục, Kim - Vân - Kiều, Bình phẩm sách mới.
Năm 1917 (số 104 đến số 134)
Các chuyên mục được đánh theo thứ tự chữ La mã, bao gồm các chuyên mục chính như sau:
I.                    Tiểu thuyết tây diễn nôm.
II.                 Tiểu thuyết tàu.
III.               Tân học văn tập (Văn quốc ngữ, cách trí, tập đọc, giảng nghĩa và học thuộc lòng, Nam sử).
IV.              Văn chương (Pháp văn, Hán văn, Kim Vân Kiều, Bình phẩm sách mới).
V.                 Công văn tập.
VI.              Thiệt hành điện học.
Như vậy, 2 năm đầu (1913-1914), Đông Dương tạp chí thực sự đóng vai trò của một tờ báo cung cấp nội dung khá phong phú về mọi mặt trong đời sống xã hội lúc bấy giờ. Mặc dù vậy Đông Dương tạp chí cũng không quên một trong những mục đích, nhiệm vụ đề ra ban đầu là, xây đắp một nền quốc văn mới. Từ năm 1915, Đông Dương tạp chí đã có  một bước ngoặt lớn, nội dung của tờ báo chủ yếu chỉ dịch thuật đăng tải các tư tưởng học thuật và đặc biệt chú trọng đi sâu vào đề tài văn chương.
Với những thay đổi về nội dung và chuyên mục, Đông Dương tạp chí đã có những đóng góp không nhỏ trong việc phổ cập chữ Quốc ngữ. Vai trò của Đông Dương tạp chí đã được GS. Trịnh Vân Thanh đánh giá: “Mặc dù Đông Dương tạp chí ra đời không ngoài mục đích chính trị của thực dân Pháp... Nhưng họ đã thất vọng vì các cây bút viết cho báo không theo đúng mục đích chính trị, mà chỉ cốt thực hiện một nền quốc văn mới cho dân tộc...Có thể nói đây là một tạp chí, trước nhất chuyên về việc dịch thuật Hán văn và Pháp văn, nhằm mục đích nâng cao dân trí. Bên cạnh đó, nhóm Đông Dương tạp chí cũng đã sáng tác nhiều loạt bài với lối văn bình dị, nhắm vào việc giáo dục giới thanh niên trên con đường tiến hóa…Sau khi gạt bỏ những gì có tính chất chính trị mà thực dân Pháp đã dụng ý, Đông Dương tạp chí quả thật là đã có công xây dựng một cơ sở vững vàng cho nền quốc văn mới trong lịch sử văn học Việt Nam ở đầu thế kỷ 20”.
Quả thực, Đông Dương tạp chí đã có những đóng góp không nhỏ trong việc tìm cách phổ biến chữ Quốc ngữ trong mọi tầng lớp dân chúng và thay đổi lối hành văn trong cách viết. Đồng thời tạp chí cũng truyền bá tư tưởng Âu Tây bằng cách dịch những tác phẩm hay và nghiên cứu tư tưởng nền văn học Á Đông trên tinh thần mới. Đặc biệt, tờ báo còn đóng một vai trò lớn trong tiến trình hiện đại hóa văn học 30 năm đầu Thế kỷ XX Vì vậy, những số báo hiện được lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là nguồn tư liệu giá trị cho những nhà nghiên cứu văn học cũng như độc giả nghiên cứu về lịch sử báo chí.
Hoàng Cương – Thu Hường –Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Chú thích:
(1), (2): Đông Dương tạp chí số 1, hồ sơ 46538-04, phông RST

http://www.archives.gov.vn/Pages/Tin%20chi%20ti%E1%BA%BFt.aspx?itemid=219&listId=c2d480fb-e285-4961-b9cd-b018b58b22d0&ws=content

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.