Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/04/2017

Kiến giải chính và tầm nhìn đến năm 2020, của Bộ Văn hóa, về "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ"

Loạt bài gồm 3 kì.

Lấy nguyên về từ trang của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.


---


1.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bài 1: Những giá trị tiêu biểu

(Cinet)- Kể từ khi “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và thế giới.

Bản chất của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.
Ảnh minh họa. Nguồn: DSX

“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” còn có tên gọi khác như: Tín ngưỡng Thờ Mẫu; Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt; Tín ngưỡng Thờ mẫu Tứ phủ; Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ; Nghi lễ Chầu văn của người Việt.

Chủ thể di sản là cộng đồng người Việt ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, châu thổ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số địa phương khác trong cả nước. Trong đó, tỉnh Nam Định có những trung tâm thờ Mẫu Tam phủ được hình thành từ thế kỷ XVI và được coi là sớm nhất ở Việt Nam. Những người thực hành là thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, lên đồng tại các phủ, điện Thờ Mẫu.

Bản chất của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo, được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.


Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt có những giá trị to lớn... Ảnh minh họa. Nguồn: DSX

Tại các điện thờ Thánh Mẫu, nghi thức thờ cúng hàng ngày do các thủ nhang thực hiện. Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) với những nghi lễ, diễn xướng dân gian, xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt...

Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt có những giá trị to lớn, trước hết là giá trị về giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ (khoảng 70 vị thần), trong đó có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí… Khi sống họ là những người có tài, có đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, khi mất hiển linh, là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước.

Tín ngưỡng Thờ Mẫu còn thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc. Với tính cởi mở của tín ngưỡng, mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Người Việt tôn thờ các vị Thánh Mẫu và các vị thánh bản địa, đồng thời tôn trọng và tiếp nhận các vị thần, các yếu tố văn hóa của một số các dân tộc thiểu số. Trong thần điện có các vị thánh (Mẫu Thượng ngàn, các vị Quan, các Chầu, các Cô) thuộc miền rừng núi, nơi cư trú tập trung của các dân tộc thiểu số như người Mường, Tày, Nùng, Dao,... Các trang phục dân tộc, các điệu xá thượng trong hát văn mang sắc thái văn hóa dân gian của các dân tộc miền núi phía Bắc. Các vị thần có nguồn gốc là dân tộc thiểu số trong điện thần thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.


... và mang giá trị của những sáng tạo văn hóa dân gian. Ảnh minh họa. Nguồn: CAND

Hơn thế nữa, Tín ngưỡng Thờ mẫu còn mang giá trị của những sáng tạo văn hóa dân gian. Thực hành lễ hội, lên đồng, hát văn với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa... được thể hiện một cách nghệ thuật gắn với Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, đó cũng là một phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

Ngoài ra, Tín ngưỡng thờ Mẫu còn đề cao vai trò người phụ nữ. Thực hành và tham dự vào nghi lễ lên đồng và các hoạt động lễ hội để cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, thể hiện khát vọng trong cuộc sống thường ngày, hướng con người đến lòng từ bi bác ái như là nền tảng của những nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người. Thờ cúng Thánh Mẫu, biểu tượng người mẹ tối linh góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh dưới góc độ văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu đó là tri thức dân gian, ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình, trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng… Bản thân Tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị đặc sắc bởi di sản gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ ngàn đời nay. Chính vì vậy, cộng đồng nói chung cũng như những người thực hành di sản nói riêng cần nhận thức sâu sắc hơn về di sản để lấy đó là niềm tự hào, tạo động lực tích cực trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt .


Thủy Trịnh
- See more at: http://cinet.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=31809&sitepageid=539#sthash.E7pBh6H5.P5x5MRJL.dpuf



2.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bài 2: Thực hành, sáng tạo và truyền dạy

(Cinet)- Trong bản Dự thảo Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật  thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” giai đoạn 2017-2020, một trong những nội dung được Bộ VHTTDL đề cập đến là tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.

Bài liên quan : >> Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bài 1: Những giá trị tiêu biểu


Bên cạnh đó, khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục về giá trị và ý nghĩa của di sản trong trường học.
 

Cần tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Công thương Điện tử

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm lễ hội, lên đồng, hát văn, cầu cúng, đi lễ… với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa… được kết hợp một cách nghệ thuật, như “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Trong đó, nghi lễ Lên đồng là nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Lên đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần trong điện thần của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kết hợp một cách hài hòa, thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh mang tính tâm linh và biểu tượng.

Những người thực hành tin rằng bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các thầy đồng - người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh. Đây là hình thức shaman giáo - diễn xướng xuất nhập thần tương đối phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới (Hàn Quốc, Mông Cổ, Uzbekistan, Braxin, Zimbabwe...).

Những năm gần đây, nghi lễ này được thực hành thường xuyên, nhất là vào dịp đầu năm mới hoặc các dịp lễ hội. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, nghi lễ hầu đồng phần nào đang có nguy cơ biến tướng và thương mại hóa. Thậm chí có không ít cá nhân lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân để trục lợi. Không những thế, việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu ở một số địa phương cũng đang có nhiều biểu hiện lệch lạc, gây phản cảm như chen chúc, tranh giành nhau làm lễ, đốt vàng mã. Một số người mua sắm lễ vật xa hoa, lãng phí, cầu ước những điều không hợp đạo lý, trái ngược tín ngưỡng thờ Mẫu, làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Đặc biệt gần đây còn có hiện tượng hầu đồng diễn ra ở nhiều chùa, đền (Chùa Một Cột, đền thờ Hai Bà Trưng…)


Đồng thời khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ. Ảnh minh họa. Nguồn: baotintuc

Một di sản được vinh danh để rồi nếu không thực hành tốt sẽ làm hình ảnh của di sản đó xấu đi. Vì vậy áp lực bảo vệ di sản đang đặt rất lớn. Tuy nhiên trách nhiệm không phải của riêng cơ quan quản lý văn hóa, mà còn ở ngay trong chính cộng đồng. Bởi sự sáng suốt trong thực hành di sản, không để niềm tin tín ngưỡng bị lợi dụng đến mù quáng, mê muội là điều mà trước hết bản thân mỗi người dân cần phải nắm rõ, qua đó giúp cho việc kết nối, sự bình đẳng, hài hòa giữa thủ nhang, bản hội, tạo nên một cộng đồng thờ Mẫu thống nhất, giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh, tránh lợi dụng các cơ sở thờ tự để “buôn thần bán thánh”.

Để có thể tuyên truyền sâu sắc hơn giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ Mẫu tới cộng đồng cũng như tìm giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn di sản, thiết nghĩ ngoài việc thực hành đúng cần đẩy mạnh công tác truyền dạy cho các thế hệ sau. Trước hết, các đơn vị có liên quan cần tiếp tục triển khai hoạt động của các Câu lạc bộ văn hóa thờ Mẫu như liên hoan hát văn, tổ chức giao lưu giữa các đền, phủ. Bên cạnh đó, tạo sự phối hợp giữa các thủ nhang, thanh đồng, cung văn với các các đơn vị, công ty du lịch, kết nối với các phủ, đền nhằm giới thiệu cho khách tham quan về giá trị và bản sắc văn hóa Việt trong nghi lễ này.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu về bản chất của hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu; các giá trị nghệ thuật của chầu văn, trang phục, âm nhạc, các bài hát chầu văn; sưu tầm các truyện kể về Thánh Mẫu, các vị thần, các bài hát văn; in sách nghiên cứu của về thực hành thờ Mẫu... Đồng thời, cơ quan quản lý thực hiện kiểm kê di sản thờ Mẫu ở tỉnh, vùng miền, cập nhật danh mục kiểm kê di sản...

Cộng đồng chính là chủ thể sáng tạo di sản. Vì vậy, vai trò của cộng đồng đối với việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản cũng vô cùng quan trọng. Về chặng đường lâu dài, cần xây dựng chương trình phổ biến kiến thức về di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng có những tri thức, hiểu biết khoa học. Từ đó chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần cụ thể hóa những nội dung của Chương trình hành động quốc gia để di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017 - 2022 có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và sự đa dạng văn hóa của nhân loại.

Thủy Trịnh
- See more at: http://cinet.vn/articledetail.aspx?sitepageid=416&articleid=31811#sthash.JtC94FlB.Mcp97eTc.dpuf



3.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt - Bài 3: Để di sản không biến tướng

(Cinet)- Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bởi những giá trị nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên điều đó cũng tạo nỗi lo khi chính danh hiệu có thể bị lợi dụng để thực hiện những hành vi trục lợi, làm sai lệch giá trị di sản.

Bài liên quan 
>> Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bài 1: Những giá trị tiêu biểu
>> Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bài 2: Thực hành, sáng tạo và truyền dạy


Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tâm linh tốt đẹp của di sản cần sự chung tay của cả cộng đồng. Ảnh minh họa. Nguồn: Tổ Quốc

Việc vinh danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một trong những cơ sở quan trọng để hiểu đúng và đầy đủ giá trị của di sản này, đặc biệt là với nghi lễ lên đồng. Trong quá trình thực hành di sản sẽ dễ có biến tướng sẽ có nếu cộng đồng không hiểu rõ giá trị của tín ngưỡng. Vì vậy, để di sản không bị biến tướng, Bộ VHTTDL cũng đưa ra một số giải pháp như: Trước hết, cần có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã... để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ (thông qua đó là việc trục lợi cá nhân) trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến để chính các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mà UNESCO đã ghi nhận. Những thầy đồng cần giữ phẩm chất của một tín đồ Thờ Mẫu, có tâm, có đức, không "phán truyền" cho các con nhang đệ tử, không lợi dụng kiếm lợi, không lôi kéo và xúi giục những người khác thực hiện những hành vi mê tín dị đoan. 

Theo Thanh tra Bộ VHTTDL, việc xử phạt biến tướng hầu đồng và trục lợi sẽ được thực hiện theo Nghị định 158 ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (hiện tại Nghị định này đang được chỉnh sửa). Trong đó nêu rõ tại Điều 15 khoản 2, mục a (Điều 15. Vi phạm quy định về nếp sống văn hóa) và Điều 23, khoản 2, mục a (Điều 23. Vi phạm quy định về bảo vệ công trình văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa).


Ngoài ra, tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ nói riêng để cộng đồng, công chúng có thông tin đầy đủ, hiểu biết khoa học về di sản, về sự vinh danh của UNESCO. Từ đó, những người thực hành sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và kế thừa, phát huy di sản Tín ngưỡng Thờ Mẫu một cách đúng đắn. Cộng đồng góp phần tích cực không chỉ trong truyền dạy, trong việc đảm bảo những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, mà còn góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực và những hành động “buôn thần bán thánh”.
Cùng với đó, vinh danh, khen thưởng động viên và khuyến khích các cung văn giỏi, có công sưu tầm, truyền dạy hát văn, những thủ nhang, thày đồng gương mẫu trong việc thực hành đúng và kết hợp thực hành với truyền dạy, tuyên truyền giá trị tâm linh, văn hóa và nhân văn của di sản.

Đặc biệt, ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu để trục lợi, kiếm tiền; lợi dụng niềm tin vào các vị thánh của người dân để tuyên truyền và cổ súy cho những hoạt động gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, bản hội và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ và của toàn xã hội.

Trong dòng chảy xã hội và những vận động, biến chuyển không ngừng của đời sống tinh thần, chắc chắn di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” cũng sẽ ít nhiều có sự biến đổi vì nó phụ thuộc vào chủ thể thực hiện, lại gắn với yếu tố sáng tạo văn hóa. Vì vậy, cùng với những biện pháp mà Bộ VHTTDL đã đề ra, mỗi địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của những người thực hành di sản và toàn thể cộng đồng, để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tâm linh tốt đẹp của di sản.


Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây cũng đưa ra bản Dự thảo chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” giai đoạn 2017 - 2020, trong đó gồm 5 nội dung chính:


1. Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với di sản; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc, một đạo lý, một tam thức suy tôn, phụng thờ người Mẹ của người Việt Nam và vai trò của di sản trong đời sống, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng.

2. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương; khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục chính thức và không chính thức về giá trị và ý nghĩa của di sản trong trường học.

3. Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

4. Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và làm sai lệch di sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng thương mại hóa hoặc các hiện tượng khác làm biến dạng giá trị di sản.

5. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt dưới nhiều hình thức cho công chúng trong và ngoài nước.

T.T

- See more at: http://cinet.vn/articledetail.aspx?articleid=31814&sitepageid=539#sthash.ZP12KGRj.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.